intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum – thực trạng và giải pháp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

29
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đánh giá thực trạng ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum – thực trạng và giải pháp

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH KON TUM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP APPLICATION OF E-COMMERCE IN ENTERPRISES KON TUM PROVINCE – CURRENT STATUS AND SOLUTIONS PGS.TS. Đàm Gia Mạnh Trường Đại học Thương mại Email: damgiamanh@gmail.com Tóm tắt Những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum có sự phát triển khá ấn tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu, trước sức ép rất lớn từ việc mở cửa thị trường, để duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh, nhất là trong kinh doanh xuất khẩu, khi các nhà nhập khẩu trên thế giới đang thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua Internet, thì Internet đã trở thành công cụ hữu ích trong việc tìm kiếm đối tác và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, sử dụng Internet và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong kinh doanh hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, là cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp. Bài viết phân tích vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đánh giá thực trạng ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum thời gian tới. Từ khóa: doanh nghiệp, giải pháp, Kon Tum, thương mại điện tử, thực trạng. Abstract In recent years, business activities of enterprises in Kon Tum province have been quite impressive. However, in the context of global trade competition, under great pressure from the market opening, to maintain and expand business, especially in export business, when the importers explore the Internet as a useful tool in finding partners and profits for the business. Using the Internet and promoting e-commerce application are indispensable trends in business today to improve the competitiveness of enterprises, are imperative for the existence and development of enterprises. The paper analyzes the role of e-commerce in enterprises' production and business activities and evaluates the current status of e-commerce application in enterprises of Kon Tum province. From there, suggest solutions to promote e-commerce application in order to improve the competitiveness of Kon Tum’s enterprises in the coming time. Keywords: current status, enterprise, e-commerce, Kon Tum, solution. 1. Mở đầu Kon Tum là một tỉnh miền núi vùng cao nằm ở cực bắc Tây Nguyên của Việt Nam, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (với biên giới dài khoảng 142 km) và Vương quốc Campuchia (với chiều dài biên giới khoảng 138 km), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (với chiều dài ranh giới 142 km), phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (với chiều dài ranh giới 174 km), phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (với chiều dài ranh giới 203 km). Nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn ở phía Tây dãy Trường Sơn, trong khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Kon Tum là tỉnh có diện tích lớn thứ 8 trong 63 tỉnh thành của Việt Nam. Kon Tum có đường 14 nối với các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, đường 40 đi Atapư (Lào). Kon Tum có điều kiện hình thành các cửa khẩu, mở rộng hợp tác quốc tế về phía Tây. Ngoài ra, Kon Tum có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Kon Tum là đầu mối giao lưu kinh tế của cả vùng duyên hải miền Trung và cả nước. Những năm gần đây, kinh tế tỉnh Kon Tum có sự phát triển đáng ghi nhận. Tỉnh Kon Tum đã thực hiện đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh như Sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, nuôi cá tầm, cá hồi, ... gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Số liệu từ Báo 239
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 cáo tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum cho thấy: Về kinh tế, tăng trưởng của tỉnh năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển đổi cơ bản tiến bộ, công nghiệp xây dựng đạt 32%, nông, lâm nghiệp 25%, dịch vụ 43%. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Kon Tum (GRDP) năm 2017 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 12.865.972,19 triệu đồng, tăng 7,68% so với năm 2016, trong đó khu vực III (Dịch vụ) đạt 6.409.781,99 triệu đồng, tăng 7,50%, đóng góp 5,37 điểm phần trăm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2017 ước tính đạt 14.958.315,4 triệu đồng, tăng 11,13% so với năm 2016. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 12.343.495,0 triệu đồng, chiếm 82,52% trong tổng mức và tăng 10,91% so với năm 2016; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 1.706.306,4 triệu đồng, chiếm 11,41% trong tổng mức và tăng 14,76% so với năm trước; Ngành dịch vụ đạt 908.514,0 triệu đồng, chiếm 6,07% trong tổng mức và tăng 7,54% so với năm 2016. Kon Tum phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) giai đoạn 2016-2020 đạt 14,5%; GDP khu vực dịch vụ tăng 15,6%; GDP/người năm 2020 đạt 53,2 triệu đồng/người, gấp 1,9 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế theo GDP với tỷ trọng dịch vụ vào năm 2020 là 36,4%. Tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 18-19% thời kỳ 2016-2020. Về thương mại: dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gấp 1,9 - 2,0 lần mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh (khoảng 26 -27%/năm) thời kỳ 2016-2020. Để hoạt động thương mại quốc tế, nhất là trong xuất – nhập khẩu của Kon Tum phát triển, ngoài việc giải quyết các bất cập trong công tác quản lý, dự báo và định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước; các cơ chế chính sách quy hoạch vùng trồng trọt nông sản hợp lý nhằm hạn chế phát sinh thiệt hại cho nông dân; đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản sau thu hoạch thì các doanh nghiệp và thương nhân cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, từ buôn bán hàng theo kiểu bạn hàng truyền thống kinh doanh tiểu ngạch sang phương thức kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, để giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước bạn. Trước sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế toàn cầu, để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã biết cùng liên kết với các doanh nghiệp trên thị trường khác để phát triển các sản phẩm hoặc công nghệ sản xuất mới; đồng thời đã bước đầu ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động của doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số, trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, khi các thương nhân trên thế giới đang thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua Internet, thì Internet đã trở thành công cụ tìm kiếm đối tác và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Sử dụng Internet là xu hướng tất yếu trong kinh doanh hiện nay. Ở nước ta, bên cạnh các kênh giao thương truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã tập trung dùng TMĐT để quảng bá, xúc tiến giao thương. Ngoài hiệu quả quảng bá, xúc tiến giao thương, kênh này còn mang lại hiệu quả về mặt chi phí và rất phù hợp với tiềm lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Có thể nói rằng TMĐT đã trở thành cầu nối để các doanh nghiệp có thể kinh doanh online, vì vậy, việc tham gia TMĐT để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay, trong đó có các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum. 2. Vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh Trong hoạt động kinh doanh nói chung, kinh doanh xuất khẩu nói riêng có các công đoạn chính là quảng cáo, xúc tiến giới thiệu sản phẩm; lựa chọn đối tác; giao dịch đàm phán và ký kết hợp đồng. Trong hoạt động này, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Trong bối cảnh hiện nay, để duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thường tập trung cho hai chiến lược chính là: (1) Đảm bảo chất lượng và tiến độ các đơn hàng với các khách hàng hiện tại, và (2) Luôn duy trì hoạt động xúc tiến, marketing để có thêm các nguồn khách hàng mới. Trong đó việc mở rộng thêm nguồn khách hàng mới luôn là thách thức lớn đối với mọi doanh nghiệp, xét cả về yếu tố thời gian và chi phí. 240
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Hiện nay, nhờ TMĐT, với những ưu điểm nổi trội của phương thức này trong việc tối ưu hoá quá trình sản xuất kinh doanh và đặc biệt là trong việc tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường, các nhà xuất, nhập khẩu đã rút ngắn được thời gian tìm kiếm đối tác xuống rất nhiều, qua đó tiết kiệm chi phí và thời gian trong giao thương. Nói khác đi, quá trình tìm kiếm nguồn cung ứng truyền thống đã hoàn toàn biến đổi sau khi Internet và TMĐT trở nên phổ biến. Do đó, để tiếp cận được với khách hàng, các doanh nghiệp ngày nay cần đặc biệt lưu tâm đến việc quảng bá và tiếp cận đối tác qua Internet, ứng dụng TMĐT một cách triệt để. Trong những năm gần đây, TMĐT đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Đây cũng là một xu hướng phát triển kinh doanh tất yếu; mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phát triển TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội bán hàng, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, tìm kiếm đối tác; góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có thể coi TMĐT như một công cụ - phương tiện đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời là kênh tiếp thị ngắn nhất, kênh phân phối nhanh nhất, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, ... Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ứng dụng TMĐT là một nhu cầu cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Phát triển ứng dụng TMĐT sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng TMĐT trong kỷ nguyên số là con đường đi ngắn nhất, hiệu quả nhất để tiếp cận thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing, quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Có thể tổng kết những lợi ích, vai trò của TMĐT đối với doanh nghiệp như sau: Vai trò và cũng là lợi ích quan trọng nhất của TMĐT mang lại cho các doanh nghiệp là tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Với lợi thế vượt trội là không bị giới hạn về không gian và thời gian, TMĐT giúp các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau trên phạm vi toàn cầu. Việc tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian gặp gỡ trong khi mua bán giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không như doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng trực tiếp tham gia các hội thảo lớn, triển làm quốc tế nhằm mở rộng thị trường, tham gia thương mại toàn cầu; vì vậy, TMĐT giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm công cụ để tích cực và chủ động tìm khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Ứng dụng TMĐT sẽ làm tăng số lượng khách hàng của doanh nghiệp dẫn đến mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. TMĐT giúp các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí quảng cáo, nhân viên, mặt bằng kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ. Đối với các doanh nghiệp lớn, cùng với việc trực tiếp thực hiện quảng cáo bằng thư tín, trưng bày ở các đại lý và các hình thức quảng cáo khác, do có khả năng tài chính, họ có thể lựa chọn và mua phương tiện truyền thông để triển khai các chiến dịch quảng cáo. Với nguồn lực hạn hẹp, việc thực hiện các hoạt động quảng cáo quy mô lớn như trên là vô cùng khó đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quảng cáo qua các website TMĐT nhằm trưng bày thông tin, hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp,… giúp tiết kiệm được chi phí in ấn brochure, catalogue và cả chi phí gửi bưu điện những ấn phẩm này. Nhờ giảm chi phí thương mại kết hợp với “rút ngắn” khoảng cách giao thương, TMĐT cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, đạt được một mạng lưới rộng lớn khách hàng và tham gia vào thương mại quốc tế. Ngoài ra, những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và sự gia tăng về số lượng người sử dụng Internet đang thay đổi truyền thống kinh doanh và phương thức tiến hành thương mại của doanh nghiệp. TMĐT giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ không phải tốn kém nhiều cho việc thuê cửa hàng, mặt bằng, sử dụng đội ngũ đông đảo nhân viên phục vụ, ... Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thông qua mạng doanh nghiệp có thể tìm kiếm được khách hàng mà không cần phải tốn kém nhiều cho chi phí đi lại. Trên thực tế, trong hoạt động xuất nhập khẩu có sự bất cập là cả 2 phía xuất và nhập đều gặp trở ngại trong việc tìm đối tác; để có thể gặp gỡ được đối tác mong đợi, cả 2 phía đều mất thời gian và chi phí tương đối lớn. Theo thống kê của Aberdeen Group [2], theo cách 241
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 làm truyền thống, các nhà nhập khẩu thường mất phần lớn thời gian để tìm kiếm đối tác, cụ thể là: 52% thời gian được dành cho việc tìm kiếm và xác định nhà cung cấp phù hợp, Một chu kỳ tìm kiếm nguồn cung ứng với các khâu: Tìm kiếm/Nghiên cứu; Đánh giá; Đàm phán; Giao dịch như vậy thường mất trung bình từ 3.3 đến 4.2 tháng. TMĐT giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp dịch vụ tốt hơn, giá rẻ hơn và làm hài lòng khách hàng hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những giao dịch TMĐT, bán hàng qua mạng hiện nay đã giúp khách tiết kiệm một khoảng thời gian rất lớn, tương ứng là 93% và 99,5% so với việc áp dụng các phương thức giao dịch truyền thống là qua fax và qua bưu điện. Do có thể cắt giảm một số chi phí so với giao dịch truyền thống nên các giao dịch bằng TMĐT có chi phí rất rẻ. Cùng với giúp giảm chi phí bán hàng và tiếp thị, TMĐT còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí văn phòng cấu thành trong chi phí sản phẩm, theo nghĩa giảm thiểu các khâu in ấn giấy tờ, giảm thiểu số nhân viên văn phòng,... cũng có nghĩa là giảm chi phí sản phẩm. Chính những yếu tô này sẽ tạo điều kiện cho các công ty khổng lồ xuất hiện và các doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp những dịch vụ với chi phí thấp hơn cũng xuất hiện. TMĐT còn giúp các doanh nghiệp có thể nắm được thông tin nhanh và phong phú. Với một nguồn thông tin khổng lồ trên Internet và với nhiều cách tiếp cận khác nhau tới thông tin, thậm chí miễn phí và tự nhiên đến đã giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội vô cùng thuận lợi để nắm bắt thông tin. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tương được xem là động lực chính phát triển nền kinh tế hiện nay. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần nắm bắt thông tin và nhu cầu của các đối tác chủ động hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu cao nhất của đối tác, nâng khả năng hợp tác thành công và hiệu quả của doanh nghiệp. Đồng thời, để tạo cơ hội xuất khẩu cho những doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu, tham gia vào TMĐT là một nhu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế như hiện nay (http://www.agritrade.com.vn). Theo đánh giá của các doanh nghiệp được khảo sát bởi Bộ Công Thương trong những năm vừa qua [1], có trên 50% doanh nghiệp cho thấy tham gia sàn giao dịch TMĐT đạt hiệu quả cao và rất cao. Chỉ có dưới 10% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả thấp hoặc rất thấp. Các doanh nghiệp cũng cho biết chi phí đầu tư cho TMĐT chỉ chiếm khoảng 5% tổng đầu tư nhưng doanh thu qua đó chiếm trên 30% tổng doanh thu. Trong các năm gần đây, doanh nghiệp cho biết doanh thu từ TMĐT đang tăng dần lên, có trên 60% doanh nghiệp đánh giá TMĐT đã giúp tăng doanh thu của doanh nghiệp. (http://www.mobivi.vn). Về hiệu quả ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp: Bảng 1 dưới đây là kết quả cụ thể từ cuộc điều tra của Bộ Công thương [1] về tác dụng của chiến lược ứng dụng TMĐT đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Bảng 1. Tác dụng của ứng dụng TMĐT đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Mức 4 là mức hiệu quả cao nhất) Mở rộng Thu hút Xây dựng Tăng Giảm Tăng hiệu Tăng khả Mức kênh tiếp KH mới hình ảnh doanh số chi phí quả hoạt năng cạnh xúc KH (%) (%) DN (%) (%) (%) động (%) tranh (%) 0 3.23 0.00 3.23 6.45 3.23 6.45 3.23 1 9.68 12.90 9.68 9.68 6.45 6.45 16.13 2 19.35 9.68 3.23 29.03 41.94 19.35 12.90 3 25.81 32.26 35.48 12.90 22.58 35.48 22.58 4 41.94 38.71 41.94 32.26 19.35 22.58 35.48 Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: trong giai đoạn hiện nay, "các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam cần thiết và nên sử dụng kênh TMĐT để thể hiện năng lực xuất khẩu của mình” (Hội thảo “Cơ hội xuất khẩu đến thị trường APEC và Châu Phi qua TMĐT”). 242
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ứng dụng Internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%. Cùng với lợi ích cho doanh nghiệp, TMĐT cũng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn và dễ dàng hơn về hàng hóa, dịch vụ khi mua hàng và nhà cung cấp. Quảng cáo điện tử của các doanh nghiệp TMĐT cung cấp cho khách hàng thông tin chính xác về cửa hàng gần nhất chứa mặt hàng đó, thời gian và cách kinh doanh của cửa hàng thậm chí cả gợi ý cách xem xét sản phẩm. Nếu khách hàng không muốn tận mắt xem hàng trước khi mua, các đơn hàng có thể được đặt và được thanh toán theo kiểu điện tử. TMĐT tạo ra nhiều cơ hội mới cho cả người tiêu dùng cá lẻ và các doanh nghiệp. Khi TMĐT hoàn thiện và ngày càng nhiều doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trực tuyến, khách hàng có thể so sánh mua hàng dễ dàng hơn. Mặt khác TMĐT còn giúp khách hàng có thể tiếp cận mặt hàng dễ dàng hơn và hưởng nhiều dịch vụ hơn. Thông qua các giao dịch TMĐT, khách hàng có thể ở nhà nhưng vẫn mua được hàng hóa mong muốn. Thông qua các cửa hàng ảo được lập bởi các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ lập (rẻ tiền so với các cửa hàng thực ở nước ngoài), người tiêu dùng co thể mua được hàng hoá với giá thấp hơn, các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển có thể mua những linh kiện, bộ phận với giá rẻ hơn. Tóm lại, phát triển ứng dụng TMĐT sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhờ TMĐT, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và rất nhỏ khắc phục được những rất khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn vì TMĐT giúp các doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách về vốn, thị trường, nhân lực, và khách hàng do có thể cắt giảm nhiều chi phí. Hơn thế nữa với lợi thế của kinh doanh bán hàng qua mạng sẽ giúp cho doanh nghiệp tạo ra bản sắc riêng về một phương thức kinh doanh mới khác với hình thức kinh doanh truyền thống. Chính những điều này sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí là rất nhỏ trong cuộc canh tranh với đối thủ của mình. 3. Thực trạng và một số vấn đề đặt ra cho ứng dụng thương mại điện tử tại tỉnh Kon Tum Trong những năm qua, cùng với cả nước hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều khởi sắc. Mặc dù rằng, so với nhiều tỉnh thành khác, TMĐT ở Kon Tum xuất hiện khá muộn (năm 2011 lĩnh vực này mới được khởi động). Tuy nhiên, sau một số năm triển khai thực hiện Quyết định số 460/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, theo Trung tâm xúc tiến thương mại Tỉnh, TMĐT trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh cũng như cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp cho các doanh nghiệp tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm và chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao được năng lực cạnh tranh. TMĐT trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những bước phát triển, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân đã tổ chức triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có trang bị máy vi tính và ứng dụng TMĐT cho mục đích kinh doanh như: kết nối internet, trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường, sử dụng các phần mềm kế toán, quản lý, kê khai thuế giá trị gia tăng, ... Việc sử dụng TMĐT đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như thu thập được nhiều thông tin, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với việc ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp ngày càng tăng, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đến việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đến nay, tại các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố của tỉnh đều đã kết nối Internet nhằm khai thác các tiện ích như sử dụng thư điện tử, trao đổi, tìm kiếm thông tin, theo dõi tin tức. Việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh, Website của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Tỉnh, 243
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Website Thủ tục hành chính Kon Tum đã góp phần giảm các thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, từng bước xây dựng một hệ thống chính quyền hoạt động minh bạch và hiệu quả. Điển hình cho sự phát triển TMĐT của tỉnh là sự ra đời của sàn giao dịch TMĐT Kon Tum vào đầu năm 2016, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hai hình thức trực tuyến và không trực tuyến và hiện tại đã có 11 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch điện tử với 25 sản phẩm được quảng bá, giới thiệu. Bên cạnh đó, Sở Công thương còn hỗ trợ xây dựng 6 website cho các doanh nghiệp, ... Có thể đánh giá chung về tình hình ứng dụng TMĐT tại tỉnh Kon Tum hiện nay và một số vấn đề đặt ra cho việc ứng dụng TMĐT để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian tới như sau: Thứ nhất. Về nhận thức, mức độ sẵn sàng cho ứng dụng TMĐT Ứng dụng TMĐT đã trở thành nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp Kon Tum. Hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định ứng dụng TMĐT có tầm quan trọng và cần thiết. Nhận thức về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của TMĐT đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay của cán bộ, công chức, của cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng cao. Đến nay, hầu hết các cơ quan của nhà nước, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai ứng dụng được nhiều phần mềm và kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. UBND tỉnh xây dựng Cổng Thông tin điện tử; hầu hết các Sở, Ngành đã xây dựng được Trang thông tin điện tử riêng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh trên Internet và triển khai ứng dụng TMĐT một cách hiệu quả, … Theo khảo sát của Sở Công thương Tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 95% số cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của TMĐT; 70% số doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin. Lĩnh vực viễn thông, Interrnet trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt tốc độ phát triển, cơ sở hạ tầng mạng lưới rộng khắp trên toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và Internet có chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp, ... Điều đó đã tạo tiền đề cho việc phát triển CNTT và thúc đẩy TMĐT phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Báo cáo chỉ số TMĐT 2018, được công bố tại buổi hội thảo Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2018 cho thấy Kon Tum là một trong số tỉnh có số lượng tên miền .vn thấp nhất cả nước (Kon Tum có 237 tên miền .vn (xếp thứ 8 từ dưới lên) tỷ lệ dân/tên miền là 2143) (trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh có gần 160.000 tên miền .vn và tỷ lệ dân/tên miền là 52). Hiệp hội TMĐT cho biết chỉ số TMĐT (Chỉ số TMĐT được xây dựng dựa trên các tiêu chí về nguồn nhân lực và giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa chính quyền và doanh nghiệp) của Thành phố Hồ Chí Minh (đứng đầu trong bảng xếp hạng) với hơn 82 điểm, tiếp đến là Hà Nội với gần 80 điểm, … Kon Tum, Quảng Trị, Trà Vinh, Yên Bái và Vĩnh Long đều được xếp ở các mức điểm hơn 29 điểm và chỉ chênh lệnh nhau 0,01 - 0,04 điểm, trong đó Kon Tum xếp thứ 47/54. Điều đó cho thấy, thời gian tới Kon Tum còn cần phải có những biện pháp tích cực hơn để đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trên địa bàn mới có thể đạt được kết quả như kế hoạch mong đợi. Thứ hai. Về tình hình ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp Số liệu khảo sát mức độ ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho thấy các đơn vị, doanh nghiệp tham gia mua bán, trao đổi trên mạng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Các doanh nghiệp đã từng bước tiếp cận với việc quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình trên mạng Internet. Qua TMĐT, các doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu của mình được sâu rộng hơn, cả trong và ngoài nước. Các hình thức mua bán, trao đổi qua Internet đã từng bước phát triển và dần trở nên quen thuộc đối với các doanh nghiệp và một bộ phận người tiêu dùng ở tỉnh Kon Tum. 244
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Với trên 1.500 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Tỉnh, trong đó đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng doanh nghiệp có kết nối Internet thường xuyên khoảng 70%, trong đó có khoảng 10% doanh nghiệp có website riêng cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 10% số doanh nghiệp tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 10% số cơ sở kinh doanh các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng, ... Tuy nhiên, việc khai thác TMĐT cũng mới ở mức độ sử dụng thư điện tử, tìm kiếm thông tin, xây dựng trang web để quảng bá sản phẩm, dịch vụ; chưa thực hiện một số công việc như đặt hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, ... nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chung trên địa bàn tỉnh về TMĐT chưa thật sự sâu sắc, còn nghi ngờ về tính năng, hiệu quả của TMĐT; hạ tầng TMĐT, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Một số doanh nghiệp đã có bộ phận chuyên trách về CNTT và TMĐT. Hầu hết nhân viên của các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng máy tính trong công việc. Đây là một điều kiện tốt để doanh nghiệp có thể ứng dụng hiệu quả TMĐT. Mục đích sử dụng Internet của các doanh nghiệp xuất khẩu khá đa dạng, bao gồm hầu hết các khả năng của Internet. Nhiều doanh nghiệp đã có mạng LAN, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa kết nối Internet. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, đầu tư các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương Tỉnh, hiện một số doanh nghiệp chưa thấy rõ vai trò, lợi ích, hiệu quả kinh tế của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên còn dè dặt khi áp dụng; việc triển khai ứng dụng CNTT và TMĐT còn yếu. Số doanh nghiệp đã hoặc đang có dự án hay chiến lược về phát triển và ứng dụng TMĐT chưa nhiều. Một số doanh nghiệp đã tham gia các sàn giao dịch TMĐT. Đây là một hướng đi đúng trong ứng dụng TMĐT hiện nay, khi số người sử dụng Internet trong giao thương còn ít. Vẫn còn một số doanh nghiệp chưa có website riêng. Với các doanh nghiệp có website thì chủ yếu sử dụng để quảng bá, giới thiệu về doanh nghiệp và để giới thiệu về sản phẩm dịch vụ, số doanh nghiệp sử dụng website để giao dịch TMĐT còn ít. Các website của doanh nghiệp xuất khẩu đều hướng tới khách hàng là doanh nghiệp, chưa chú ý đến các đối tượng khách hàng khác. Trong giao dịch với các đối tác: gần 100% doanh nghiệp sử dụng email. Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng chủ yếu email, fax và điện thoại để nhận đơn đặt hàng. Số doanh nghiệp sử dụng website để nhận đơn đặt hàng còn thấp. Đây cũng là một vấn đề cần quan tâm trong ứng dụng TMĐT. Hình thức giao hàng trực tuyến mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, thể hiện ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp xuất khẩu hiện còn ở mức rất thấp. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến còn nhiều trở ngại đối với doanh nghiệp. Phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế như: (1) Nguồn nhân lực dành cho TMĐT tại các doanh nghiệp còn hạn chế; hầu hết doanh nghiệp chưa có người chuyên trách về CNTT và TMĐT, chủ yếu là kiêm nhiệm. Mặt khác, việc triển khai ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Mặc dù các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều giải pháp trong hệ thống thanh toán, quản lý doanh nghiệp và các dịch vụ trong TMĐT, nhưng nhìn chung việc triển khai ứng dụng CNTT và TMĐT còn ở mức độ thấp. (2) Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán, phương thức thanh toán. (3) An toàn bảo mật thông tin khi kinh doanh trên môi trường mạng là một vấn đề gây trở ngại lớn đối với doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại, chưa chủ động tìm ra những giải pháp an ninh cho toàn mạng nói chung hay TMĐT nói riêng. (4) Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT và TMĐT mặc dù được thường xuyên, nhưng nội dung vẫn còn chưa đáp ứng được hết yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của tình hình mới. 245
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp Kon Tum là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hạn chế, tiềm lực tài chính yếu nên chưa chú trọng đầu tư khai thác ứng dụng CNTT và hoạt động kinh doanh điện tử. Cùng với đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc cập nhật thông tin vĩ mô, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, … Đối với khách hàng, việc mua sắm online trong người dân Kon Tum cũng chưa thực sự phổ biến, tạo ra cản trở lớn đối với việc thúc đẩy sự phát triển TMĐT. Thời gian tới, TMĐT sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam. Mặc dù TMĐT có tiềm năng lớn, nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến TMĐT chưa thể phát triển bền vững, đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, có một thực tế là hầu hết các trang TMĐT Việt Nam hiện đều đang được xây dựng theo một khuôn mẫu tương tự như nhau, chủ yếu để đáp ứng một phần nhu cầu trưng bày hàng hóa, cung cấp tiện ích lựa chọn và thanh toán đơn hàng, … mà chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình TMĐT khép kín, kết nối điểm bán hàng online và offline nên chưa thực sự phát huy thế mạnh đặc biệt của TMĐT so với thương mại truyền thống. Tóm lại, có thể nhận định về tình hình thực tế ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum hiện nay là: Hầu hết các doanh nghiệp đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của triển khai ứng dụng TMĐT và đã từng phần ứng dụng TMĐT, nhưng để lựa chọn được một mô hình và bước đi phù hợp cho việc ứng dụng thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp cho việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum hiện là vấn đề bức thiết. 4. Một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum Trong quá trình ứng dụng TMĐT, một mặt, các doanh nghiệp nên dùng các site TMĐT uy tín, có thương hiệu, đã phát triển chuyên nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đầu tư cho nhân sự và dịch vụ thực hiện e-marketing để quảng bá và xúc tiến thương mại tốt hơn; đồng thời, trong xúc tiến thương mại doanh nghiệp nên có xu hướng kết hợp giữa online và offline (truyền thống) để tối ưu hóa hoạt động quảng bá. Trên thực tế, việc triển khai TMĐT cho doanh nghiệp rất khó có thể rập khuôn theo các mô hình có sẵn mà phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, loại hình kinh doanh, trình độ đội ngũ, cơ sở vật chất, khả năng tài chính. Mỗi doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu và tự lựa chọn cho mình các mô hình phù hợp để có thể ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả. 4.1. Lựa chọn mô hình TMĐT cho các doanh nghiệp Để tham gia TMĐT phục vụ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn: dùng công cụ tìm kiếm; thiết kế website riêng; tham gia các site của Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ; đặc biệt là tham gia các sàn TMĐT B2B có uy tín. Đánh giá theo từng kênh TMĐT khác nhau, chúng ta thấy: - Dùng công cụ tìm kiếm để quảng bá cho hoạt động của doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp có nhiều người truy cập, do đó có thể có thêm đối tác. Tuy nhiên, đây không phải là kênh có nhiều dữ liệu về nhà nhập khẩu và cũng không tạo nên vị thế nhà cung cấp uy tín cho doanh nghiệp. Mặt khác, kênh này không có hỗ trợ trực tuyến nên không là môi trường thuận lợi cho việc giao dịch. - Thiết kế website riêng: Với website riêng, doanh nghiệp có thể có được một kênh xúc tiến thương mại quan trọng nhưng để thu hút được nhiều người sử dụng cần phải có nhiều biện pháp đi kèm. Mặt khác để tạo được một website hiệu quả doanh nghiệp còn cần phải có một đội ngũ CNTT tốt, chấp nhận chi phí để quảng bá và duy trì website,... mặt khác, việc hỗ trợ kinh doanh trực tuyến qua website riêng cũng là một vấn đề không nhỏ. 246
  9. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 - Tham gia các site của chính phủ, các tổ chức hỗ trợ, các danh bạ: Các site của các tổ chức hỗ trợ, của chính phủ có ưu điểm là có thể mang lại uy tín cho doanh nghiệp nhưng lại có nhược điểm là ít có sự hỗ trợ quảng bá và kinh doanh cho doanh nghiệp. - Tham gia các sàn TMĐT B2B uy tín: Sàn giao dịch TMĐT là môi trường giao thương mở, chi phí thấp, ít bị chi phối bởi quy mô doanh nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội mới so với thương mại truyền thống. Tham gia sàn giao dịch TMĐT là một hình thức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường có hiệu quả với chi phí rất thấp. Một sàn TMĐT B2B uy tín sẽ giúp cho doanh nghiệp có được tất cả các yếu tố để thành công. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia: xu hướng các doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT ngày càng phổ biến bởi có nhiều tiện ích: mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng hiện có; thu hút khách hàng mới; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp; tăng lợi nhuận và giảm chi phí kinh doanh, ... Mô hình kinh doanh sàn TMĐT B2B đang phát triển tại Việt Nam. Ngoài đăng tải cơ hội kinh doanh mua bán hàng hóa và dịch vụ, các sàn giao dịch đã cung cấp các hỗ trợ khác như đấu giá, đấu thầu trực tuyến, các bản tin điện tử, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, hầu như chưa có sàn nào có tiện ích hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, tiến hành đàm phán tiến tới giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và trợ giúp sau bán hàng. Nhằm tận dụng các ưu điểm của phương thức sàn giao dịch TMĐT trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum cần tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT có uy tín trong nước cũng như trên thế giới. Hiện nay, sàn giao dịch TMĐT Kon Tum đang có chế độ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hai hình thức trực tuyến và không trực tuyến. Trong đó, với hỗ trợ trực tuyến: doanh nghiệp được hỗ trợ 1 gian hàng hoàn toàn miễn phí bằng tiếng Việt trong đó có thể giới thiệu thông tin doanh nghiệp, đăng tải thông tin chào mua, chào bán của các sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về các cơ hội kinh doanh, các nhu cầu tìm kiếm đối tác, giới thiệu các nhà nhập khẩu cho doanh nghiệp, quảng bá qua các hệ thống các trang B2B trong nước và thế giới, qua các công cụ tìm kiếm, những trang vàng, v.v... Còn với việc hỗ trợ không trực tuyến: hỗ trợ thẩm định các thông tin doanh nghiệp, giới thiệu các đối tác phù hợp với doanh nghiệp. Đây là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi vì, khi đăng ký vào cổng TMĐT của Tỉnh, doanh nghiệp sẽ có mặt trong cơ sở dữ liệu thành viên, do đó, khách hàng tiềm năng sẽ dễ dàng thấy được doanh nghiệp hơn so với việc đăng ký trên các công cụ tìm kiếm phổ thông khác [6]. TMĐT vừa có khả năng là một đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển nhanh trong bối cảnh hội nhập, nhưng cũng rất có thể trở thành một bãi lầy tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Để có thể ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả, doanh nghiệp trước hết cần nhận thức được vai trò của TMĐT, sau nữa, cần thực thi đồng bộ các giải pháp ứng dụng. Trong quá trình đó, có thể dựa vào chính mình nếu thấy đủ khả năng, còn tốt hơn cả là trong giai đoạn đầu nên sử dụng đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần cân nhắc giữa lợi ích sẽ nhận được và chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. 4.2. Một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum thời gian tới Với mục tiêu đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh; Sở Công thương Tỉnh đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển TMĐT trong những năm tới. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và qua bộ phận một cửa điện tử; 50% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, cơ sở cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử; áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT. Thêm vào 247
  10. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 đó, phấn đấu biến mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; 40% số doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại, 50% số doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm... Để đạt những mục tiêu này, một mặt, Sở Công thương Tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về lợi ích của TMĐT; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT cho các đối tượng là cán bộ nhà nước, doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp và sinh viên. Đồng thời, Sở cũng sẽ tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, phát triển các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử, hỗ trợ người mua thanh toán trực tuyến, ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử trong kinh doanh điện tử giữa các doanh nghiệp; cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng TMĐT, ... Một số giải pháp chủ yếu để phát triển ứng dụng CNTT, TMĐT tỉnh Kon Tum đã được chỉ rõ trong Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 như: Đầu tư hạ tầng hiện đại đồng bộ với nguồn nhân lực và các ứng dụng phần mềm để phổ cập chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử, giáo dục điện tử, y tế điện tử. Đẩy mạnh việc phổ cập Viễn thông và Internet, rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các vùng. Đảm bảo 100% xã có nút mạng, tiến hành cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao, đảm bảo thực hiện đúng các chỉ tiêu công bố. Số người sử dụng Internet đến đến năm 2015 là 30-35%, sau năm 2015 về cơ bản tất cả nhu cầu về sử dụng Internet đều được đáp ứng. Chú trọng phổ cập dịch vụ truy nhập Internet theo các chương trình hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí. Mật độ thuê bao Internet đạt 7-8 thuê bao/100 dân năm 2015 và 15-16 thuê bao/100 dân năm 2020. Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT một cách toàn diện. Hoàn thiện mạng cục bộ tại các cơ quan, kết nối mạng WAN từ xã, phường đến cấp tỉnh. Phát triển mở rộng Cổng giao tiếp điện tử với sự tích hợp đầy đủ của tất cả các hệ thống dịch vụ công từ các cơ quan đơn vị, hầu hết các dịch vụ công đạt mức độ 2 trở lên. Mở rộng tuyến cáp quang kết nối đến hầu hết các xã, phường, thị trấn, đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn được trang bị máy tính, mạng LAN. Hoàn thành xây dựng và triển khai diện rộng hệ thống Chính phủ điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã, 100% xã, phường có điểm truy nhập Intenet băng thông rộng. Tất cả các huyện, thành phố, các sở ngành có trang thông tin điện tử thành phần, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng tại các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Đầu tư hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện trên địa bàn huyện. Cơ bản các doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm quản lý, có website và có tham gia sàn giao dịch điện tử. Một số giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp Kon Tum phát triển ứng dụng TMĐT trong thời gian tới là: Thứ nhất. Đẩy mạnh định vị hình ảnh của doanh nghiệp và website của doanh nghiệp trên thị trường TMĐT mục tiêu Định vị thị trường TMĐT đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải quyết định khuyếch trương bao nhiêu điểm khác biệt và những điểm khác biệt nào dành được cho tập khách hàng điện tử mục tiêu. Giải pháp có thể khả thi và phải phấn đấu đạt tới đối với các chào hàng điện tử trên website của doanh nghiệp là: định vị theo mức đầy đủ, ổn định cơ cấu mặt hàng; hàng thật; hàng hiệu; cấu trúc dịch vụ và giá tương thích với loại hình tổ chức bán; ưu thế chất lượng/giá, theo bản sắc văn minh thương mại và hình ảnh tín nhiệm doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng. Theo hướng này, mỗi doanh nghiệp căn cứ vị thế hiện tại và mục tiêu đạt tới để quyết định khuyếch trương điểm khác biệt nào để phát triển định vị thương hiệu cho doanh nghiệp mình. Để việc định vị trực tuyến trở nên sắc bén, các doanh nghiệp cần tập trung nỗ lực vào một số hoạt động chính là: tạo ra một hình ảnh cụ thể cho cơ cấu mặt hàng bán và thương hiệu cửa hàng trong 248
  11. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 tâm trí khách hàng mục tiêu, lựa chọn vị thế mức độ thỏa mãn và cân đối với mục tiêu lợi nhuận, sự khác biệt và nổi trội trong cung ứng giá trị gia tăng cho khách hàng trên thị trường TMĐT mục tiêu. Các công cụ chính cần được sử dụng để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm bao gồm: cung cấp thông tin hữu ích, chính xác, phù hợp và cập nhật thường xuyên; hình thức thiết kế mang tính mỹ thuật cao và hỗ trợ quảng bá thương hiệu; dễ sử dụng; kết hợp được yếu tố nội dung và thương mại; thu hút lưu lượng giao dịch cao và được ghé thăm thường xuyên; tính tương tác cao; xử lý thông tin và đáp ứng nhanh yêu cầu người xem qua email; có chức năng phong phú: giao dịch và thanh toán trực tuyến; công bố chính sách thương mại, giá cả, dịch vụ rõ ràng; an toàn, bảo mật và thích ứng với các điều kiện kỹ thuật khác nhau. Thứ hai. Một số giải pháp xây dựng website cho doanh nghiệp Trong quá trình xây dựng website, các doanh nghiệp cần xác định các mục tiêu kinh doanh cho website, xác định cấu trúc và các chức năng cần thiết của hệ thống cần phải có và xác định các yêu cầu thông tin cần phải có để thực hiện các chức năng đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét sẽ tự thiết kế hay đi thuê, và nếu đi thuê ngoài thì chi phí đầu tư và nâng cấp là bao nhiêu? Một số giải pháp cụ thể: 1. Trên trang chủ chỉ nên đưa ra duy nhất một sản phẩm. 2. Bổ sung độ tín nhiệm vào nội dung giới thiệu và nâng cao lòng tin của mọi người với website. Nên sử dụng nhiều ngôn ngữ cho website. 3. Tập trung vào những khách ghé thăm, những khách hàng mới chứ không phải bản thân doanh nghiệp. . 4. Tạo ra tính cấp bách trong thông tin bán hàng và thuyết phục người đọc rằng họ cần mua ngay. 5. Nâng cao sự hấp dẫn của sản phẩm qua hình ảnh. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng một kế hoạch chào hàng trực tuyến chi tiết và cập nhật theo từng đoạn thị trường điện tử mục tiêu mà doanh nghiệp đã xây dựng. Thứ ba. Phát triển truyền thông marketing và xúc tiến TMĐT Để phát triển ứng dụng TMĐT, các doanh nghiệp cần nhận rõ tầm quan trọng và tác dụng to lớn của hoạt động truyền thông marketing và xúc tiến TMĐT và cần có một bộ phận chuyên trách đảm nhiệm các công việc chuyên môn này nhằm xác lập được một giải pháp xúc tiến TMĐT hỗn hợp bao gồm nhiều hình thức, phương pháp, phương tiện, phạm vi, tầm cỡ khác nhau được thực hiện theo chương trình, kế hoạch và có một ngân quỹ thích hợp. Các mục tiêu của truyền thông marketing và xúc tiến TMĐT phải xuất phát và phù hợp với mục tiêu chiến lược bán hàng trực tuyến và bán hàng hỗn hợp phù hợp với phương thức TMĐT B2B, từ đó sẽ phân công triển khai cho từng công cụ xúc tiến TMĐT theo liều lượng, thứ tự và cường độ phối hợp khác nhau. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp giữa chiến dịch marketing online với offline để ngân sách marketing được sử dụng tối ưu nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Để quảng cáo có hiệu quả, các doanh nghiệp nên tập trung ứng dụng các công cụ quảng cáo trực tuyến phối hợp với các công cụ quảng cáo truyền thống. Ví dụ, trong các quảng cáo trên báo, tạp chí, ... nên đưa địa chỉ website của doanh nghiệp vào đó. Quảng cáo banner là một trong các hình thức quảng cáo điện tử phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng có các dạng quảng cáo khác như quảng cáo trung gian, quảng cáo động, quảng cáo qua email, quảng cáo qua các công cụ tìm kiếm, đăng ký vào các cổng thông tin TMĐT, ... Kỹ thuật truyền thông marketing TMĐT đòi hỏi những kỹ năng và phương thức triển khai 249
  12. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 tương đối phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp của Kon Tum có thể tận dụng các nguồn lực thuê ngoài để đảm bảo tính hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo trực tuyến. 5. Kết luận Với những ưu điểm nổi trội của TMĐT, việc tham gia TMĐT để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển. Đối với tỉnh Kon Tum, nằm ở ngã ba Đông Dương, trong khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, với thị trường rất lớn, việc nhanh chóng ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp của tỉnh lại càng cần thiết. Triển khai ứng dụng TMĐT khó có thể rập khuôn theo các mô hình có sẵn, mà tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể triển khai ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp một mặt, phải gắn hoạt động TMĐT với việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp, mặt khác, cần tìm hiểu, quan sát các mô hình thành công và cân nhắc, tính toán những điều kiện cụ thể của doanh nghiệp mình để tìm ra phương thức thích hợp. Từ đó xác định bước đi cho việc triển khai ứng dụng một cách hợp lý, mang lại hiệu quả cao. Những bước đi này bao gồm cả chiến lược hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, thay đổi tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, cải tiến lề lối làm việc, … Đối với các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum, từ kinh nghiệm của các nước đã ứng dụng TMĐT có hiệu quả, trong điều kiện hiện nay, để có thể ứng dụng thành công TMĐT nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu mà cụ thể là, để có thể thuận tiện cho việc tìm đối tác của các nhà nhập khẩu, một chiến lược TMĐT phù hợp cho doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum hiện nay là: đầu tiên, nên tham gia vào một site TMĐT uy tín, sau đó, doanh nghiệp có thể xây dựng website riêng để tạo thương hiệu, đồng thời sử dụng quảng bá qua công cụ tìm kiếm khi doanh nghiệp đã có kinh nghiệm triển khai TMĐT và có đội ngũ nhân lực TMĐT tốt. TMĐT được phát triển trên nền tảng CNTT, vì vậy việc có được các kỹ năng kinh doanh trực tuyến cũng là việc mà các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT cần quan tâm đầu tư cùng với việc đầu tư cho các phần mềm chuyên dụng như quản lý tài nguyên doanh nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý khách hàng, ... TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Báo cáo thương mại điện tử hàng năm. [2] Brian A. Wong (2008), Empowering SMEs Worldwide: The Alibaba Story, WSIS follow-up and implementation: Action Line Facilitation meeting "E-business“. [3] Cục thống kê tỉnh Kon Tum, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội hàng năm. [4] Faramarz Damanpour (2007), E-business and E-comerce Evulation: Perspective and Strategy, NXB James Madíon University, USA. [5] Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, Quyết định 460/QĐ-UBND ngày 20/05/2011 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2015. [6] Nguyễn Hoàng Việt (2013), Phát triển chiến lược thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam, NXB Thông tin truyền thông. [7] http://baokontum.com.vn [8] http://www.sct.kontum.gov.vn [9] http://www.forbes.com [10] http://thoibaotaichinhvietnam.vn [11] http://www.kontum.gov.vn [12] http://www.ipckontum.gov.vn [13] https://www.thuvienphapluat.vn 250
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2