intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong bối cảnh mới

Chia sẻ: ViSteveballmer ViSteveballmer | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

35
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này phân tích, đánh giá những lợi ích do thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp, cũng như đánh giá thực trạng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong bối cảnh mới

  1. 319 HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG BỐI CẢNH MỚI ThS. Nguyễn Phạm Anh , TS. Ngô Tuấn Anh Đại học Kinh tế Quốc dân TÓM TẮT Thương mại điện tử là một phương thức hiện đại, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thời gian qua. Do đó đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp Việt Nam là tất yếu và cần có những bước chuẩn bị phù hợp. Bài viết này phân tích, đánh giá những lợi ích do thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp, cũng như đánh giá thực trạng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp thời gian tới. Từ khóa: Thương mại điện tử, TMĐT, E-Commerce 1. GIỚI THIỆU Cùng với sự hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, và phát triển thương mại điện tử là tất yếu giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội do công nghệ thông tin và truyển thông mang lại, cũng như cần có giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực của hình thức thương mại điện tử phải đối mặt. Nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử, Đảng, chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành hàng loạt chương trình, kế hoạch và những văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của thương mại điện tử, và trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 của chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển nhanh thương mại điện tử xuyên biên giới, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu; giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng được những lợi ích do thương mại điện tử mang lại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành trên thế giới chưa đến hồi kết càng cho thấy tầm quan trọng của phương thức này đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để ứng dụng được thương mại điện tử thành công thì chính phủ và các doanh nghiệp cần hiểu rõ những điều kiện cần đáp ứng cũng như những thách thức sẽ gặp phải để có những điều chỉnh phù hợp.
  2. 320 2. NHỮNG YÊU CẦU ĐỂ ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG DOANH NGHIỆP VIỆT NAM Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và truyền thông Điều kiện đầu tiên để ứng dụng thương mại điện tử là phải có một nền công nghệ thông tin và truyền thông đủ mạnh, đủ năng lực để tính toán, xử lý và truyền thông tin, dữ liệu. Các yếu tố trên phải có chi phí hợp lý đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với mục tiêu khuyến khích sự tăng trưởng của Internet và công nghệ thông tin của đất nước, Chính phủ Việt Nam hiểu rằng đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ thông tin - viễn thông và thương mại điện tử sẽ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam ở Châu Á và đang từng bước thực hiện chiến lược này. Hạ tầng cơ sở nhân lực Nguồn nhân lực cho thương mại điện tử được hiểu là tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử. Để phát triển ứng dụng thương mại điện tử đòi hỏi nhân lực không chỉ cần có đủ số lượng và chất lượng về cán bộ chuyên môn, mà quan trọng hơn phải có được đa số người tiêu dùng biết các kiến thức làm việc trên mạng, sử dụng thành thạo các kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông, biết ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật về thương mại điện tử …Xét đến cùng thương mại điện tử có phát triển được hay không tất cả đều bắt nguồn từ con người, chủ thể của thương mại điện tử. Đòi hỏi này của thương mại điện tử sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo của một quốc gia. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trên thế giới trong một vài năm trở lại đây, thực tế ngày càng thiếu các nhà quản trị hệ thống được đào tạo bài bản, phần lớn các công ty không có khả năng quản lý một cách hiệu quả hệ thống sử dụng những công nghệ tính toán hiện đại, ở đây vấn đề nhân lực lại đặt lên hàng đầu. Một điều nổi trội nữa trong tổng quan về thương mại điện tử thế giới là “nước lớn” không phải lúc nào cũng có thương mại điện tử phát triển hơn. Theo bảng tổng sắp của tổ chức kinh tế EIU (Economist Intelligence Unit- Tổ chức chuyên đánh giá mức độ phát triển của các quốc gia, xuất bản Tạp chí nhà kinh tế ở Anh) về mức độ sẵn sàng sử dụng thương mại điện tử của mỗi quốc gia. Chẳng hạn Nhật, Đức, Pháp đứng sau nhiều “nước nhỏ” như Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ. Ngay cả những nước có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cao, thậm chí là thị trường viễn thông có sức cạnh tranh lớn nhất trên thế giới như Singapore, Hồng Kông (thuộc danh sách những nước có trang bị công nghệ thông tin tốt nhất) vẫn chưa thuộc nhóm những nước đứng đầu thế giới về mức độ sẵn sàng sử dụng thương mại điện tử. Nói khác đi, chính sách môi trường công nghệ thông tin phát triển cao là yếu tố quan trọng nhưng yếu tố quyết định sống còn cho sự phát triển hiệu quả
  3. 321 của thương mại điện tử lại là yếu tố về con người, vấn đề nhân lực, vấn đề hạ tầng cơ sở nhân lực. Hạ tầng kinh tế - chính trị - xã hội Để ứng dụng và phát triển thương mại điện tử cần phải có luật và các văn bản dưới luật thừa nhận thương mại điện tử và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử như: Thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, bảo mật thông tin, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân …các yêu cầu của các văn bản này là phù hợp với các đặc điểm, tính chất và cơ chế hoạt động riêng của thương mại điện tử. Đối với Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận được rằng Việt nam vẫn bị xếp vào danh sách các nước có nền kinh tế lạc hậu, năng suất lao động thấp, chi phí dịch vụ cao, hoạt động thương mại của chúng ta phát triển chậm, mức độ giao dịch cả trong và ngoài nước thấp. Danh sách bạn hàng của ta vẫn chỉ gồm các khách hàng truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.... Mạng lưới bán hàng của ta nói chung rất hẹp, đa số các công ty thiếu thông tin về thị trường nên bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh một cách đáng tiếc, ngoài ra Việt Nam cũng chưa xây dựng được một hành lang pháp lý để phát triển thương mại điện tử, chữ ký điện tử, bảo vệ an toàn thông tin trên mạng…cho nên con đường xây dựng và phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn một bước dài và rất nhiều việc phải làm. Hệ thống thanh toán tự động Thanh toán trực tuyến là một trong những vấn đề cốt yếu của thương mại điện tử. Thiếu hạ tầng thanh toán chưa thể có thương mại điện tử theo đúng nghĩa của nó. Nếu chưa có hệ thống thanh toán tự động thì chưa thể có hệ thống thương mại điện tử hoàn hảo mà thương mại điện tử lúc đó mới chỉ giới hạn trong khâu quảng cáo, giới thiệu thông tin, việc kết thúc phi vụ buôn bán vẫn phải thanh toán bằng hình thức thủ công truyền thống, làm giảm hiệu quả của việc ứng dụng thương mại điện tử. Hiện nay, phổ biến nhiều phương thức thanh toán như tiền mặt, thẻ thông minh, thẻ tín dụng… Chế độ bảo mật và an ninh trong thương mại điện tử Trong thương mại điện tử thông tin của mọi hình thức quan hệ diễn ra trên mạng, ngoài tầm kiểm soát “trực tiếp” của các chủ thể tham gia thương mại điện tử. Thông tin trong thương mại điện tử là tài sản riêng của các đối tượng tham gia. Do vậy nếu một khi chưa có chế độ bảo mật và công nghệ đảm bảo an ninh cho các thông tin thì khó có thể làm cho các đối tượng tham gia thương mại điện tử yên tâm, cũng có nghĩa là không thể phát triển nhanh các ứng dụng thương mại điện tử. Do đó tính an toàn là vấn đề trọng tâm phải được xem xét và giải quyết.
  4. 322 Đối với khách hàng thì dù vật phẩm trên mạng có hấp dẫn đến đâu, nếu họ không tin tưởng vào tính an toàn của giao dịch thì họ sẽ không dám tới các kênh giao dịch trên mạng. Giao dịch giữa các doanh nghiệp thì lại càng như vậy. Hành vi gian lận, nghe trộm, virus và các xâm phạm trái phép của các Hacker vào hệ thống thông tin đều là những kẻ địch nguy hiểm của thương mại điện tử. Vì vậy, thương mại điện tử trên mạng cần phải đưa ra những phương án giải quyết an toàn như cơ chế mã hoá, cơ chế ký tên, quản lý an toàn kiểu phân bố, kiểm soát truy nhập, bức tường lửa an toàn cho máy chủ (server), phòng chống virus … Bảo vệ các sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ được số hoá đưa đến các vấn đề khác hẳn so với việc bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ truyền thống. Các sở hữu trí tuệ truyền thống như một công trình được viết ra, nghệ thuật và âm nhạc được bảo vệ bởi luật pháp của từng quốc gia và trong nhiều trường hợp là luật quốc tế. Nhiều khi các bộ luật hoạt động như là rào cản nhưng nó lại không ngăn ngừa được các vi phạm diễn ra và nó không cung cấp các công cụ để theo dõi một cách tin cậy các cách mà các đối tượng vi phạm dùng để lấy các sở hữu trí tuệ. Hiện tại sở hữu trí tuệ cũng đang rất được quan tâm. Quốc hội Mỹ đã thử nghiệm một số giải pháp mang tính luật pháp để đối phó với vấn đề bản quyền số hoá. Tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ WIPO (World Intellectual Property Organization) đang thử nghiệm việc khuyến khích và dự báo hướng đi của vấn đề bản quyền còn rất ít và rất mới thì Mỹ cũng đã đưa ra các hướng dẫn về vấn đề này trong luật bản quyền. Hiệp hội công nghệ thông tin của Mỹ ITAA (Information Technology Association of America) một tổ chức thương mại về công nghệ thông tin của Mỹ đã đưa ra văn bản về bảo vệ các thông tin số hoá có bản quyền. Hệ thống chính sách - pháp luật Để ứng dụng và phát triển thương mại điện tử cần phải có luật và các văn bản dưới luật thừa nhận thương mại điện tử và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử như thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, bảo mật thông tin, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thông tin cá nhân….Yêu cầu của các văn bản này là phải phù hợp với các đặc điểm, tính chất và có cơ chế hoạt động riêng của thương mại điện tử. Phạm vi các vấn đề liên quan đến luật pháp và các quy chế khác nhau từ nước này sang nước khác và vì Internet là một phương tiện quốc tế, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đều có thể là đối tượng điều chỉnh của điều luật hoặc các chế độ
  5. 323 tài phán khác nhau. Trong những tranh chấp giữa các bên không thuộc cùng một nước, vấn đề quan trọng là ở nơi nào các công ty có thể bị kiện và luật nào sẽ được áp dụng. Tại Mỹ, luật về “Chữ ký điện tử” được Tổng thống Bill Clintơn ký có hiệu lực từ 1/10/2001 quy định bất kỳ dạng chữ ký điện tử nào cũng được coi có giá trị pháp lý ngang với chữ ký thông thường. Luật chữ ký điện tử của Mỹ đã gỡ bỏ khá nhiều sự thiếu khách quan ở các bang khác nhau về vấn đề này. Một số bang của Mỹ như California, Illinois, Utah cũng có luật riêng về chữ ký điện tử. Thêm vào đó, một số nước khác cũng có quy định về chữ ký điện tử như Đức, Anh, Ireland. Ngoài ra còn phải kể đến thông tư chữ ký điện tử của Liên minh Châu Âu (EU), theo thông tư này về mặt pháp lý, không phân biệt pháp lý chữ ký điện tử so với chữ ký thường chỉ vì chữ ký điện tử có dạng thức điện tử, nếu một số yêu cầu được đáp ứng, chữ ký điện tử cũng có giá trị pháp lý như chữ ký tay và có thể được sử dụng làm bằng chứng xét xử kiện tụng…nhằm giảm thiểu các rủi ro về luật pháp trong thương mại điện tử. 3. NHỮNG ÍCH LỢI CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ❖ Giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm Trong các giao dịch thông thường đòi hỏi phải có sự tương tác trực tiếp giữa các bên thì chi phí giao dịch lớn như chi phí đi lại, chi phí cơ hội cho những công việc khác mà lẽ ra ta làm được trong thời gian đi đến và ở nơi đàm phán… Trong khi đó chi phí giao dịch của thương mại điện tử lại không đáng kể vì các bên có liên hệ với nhau qua mạng. ❖ Tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử đã làm tăng thêm tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Thương mại điện tử cho phép các công ty dễ dàng cung cấp cho khách hàng sự hiện diện toàn cầu. Internet có xu thế tạo lợi nhuận cho cả công ty lớn và nhỏ. Vì sân chơi bình đẳng hơn nên thông qua các Website của mình, các công ty nhỏ cũng có thể đạt được một doanh thu như một công ty lớn mà điều này dường như không tưởng trong môi trường thương mại truyền thống. Nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì khi ứng dụng thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể đáp ứng rất nhanh các yêu cầu của khách hàng, có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn và thông tin về sản phẩm về cách hướng dẫn sử dụng cho khách hàng. Ví dụ như người tiêu dùng muốn mua một chiếc tủ lạnh, khi đó chỉ cần ngồi ở nhà truy cập Internet, khách hàng có thể có được thông tin về nhiều loại tủ lạnh khác nhau, giá cả khác nhau…mà không cần phải đi tới cửa hàng.
  6. 324 ❖ Rút ngắn dây chuyền cung cấp và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng Thông qua mạng, nhà cung cấp có thể cung cấp hàng hoá đến thẳng người tiêu dùng cuối mà không phải thông qua các khâu trung gian như bán buôn, bán lẻ, không tốn nhiều thời gian và rút ngắn tối đa dây chuyền cung cấp sản phẩm. ❖ Thương mại điện tử giúp cho các doanh nghiệp nắm được nguồn thông tin phong phú Thương mại điện tử giúp cho các doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú, nhờ đó có thể xây dựng được chiến lược sản xuất và kinh doanh thích hợp với xu thế phát triển của thị trường trong nước, khu vực và thị trường quốc tế, giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Chỉ cần một lượng vốn tối thiểu, công ty có thể dễ dàng và nhanh chóng tăng thêm được lượng khách hàng và các nhà cung cấp có chất lượng cao, có thể lựa chọn được các đối tác thích hợp trên phạm vi toàn cầu. ❖ Giúp thiết lập và củng cố quan hệ đối tác Thương mại điện tử tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các đối tác tham gia vào quá trình thương mại. Thông qua mạng các doanh nghiệp có thể giao tiếp trực tiếp và liên tục với nhau. Nhờ đó mà sự hợp tác lẫn sự quản lý đều được tiến hành nhanh chóng và liên tục. Các bạn hàng mới, các cơ hội kinh doanh mới được phát hiện nhanh chóng trên phạm vi quốc gia, quốc tế và có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn. ❖ Tạo điều kiện hội nhập nền kinh tế thế giới Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại điện tử giúp cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng chuyên môn hoá trong kinh doanh, giúp cho các doanh nghiệp sớm hội nhập vào nền kinh tế thế giới và là yêu cầu đòi hỏi của thời đại. Tóm lại, thương mại điện tử không chỉ là một cải tiến trong phương thức giao dịch thương mại mà còn là một cuộc đổi mới về cơ cấu và phương thức vận động của nền kinh tế. Đây là một phương thức chưa từng có, nó đưa các hoạt động thương mại lên mạng, mở rộng cơ hội mua bán, hạ thấp giá thành và nâng cao hiệu quả giao dịch, nâng cao khả năng cạnh tranh của các nước trong quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới. 4. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM THỜI GIAN QUA 4.1 Về hạ tầng công nghệ triển khai ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp Đa số doanh nghiệp đều trang bị máy tính PC, laptop và các thiết bị di động để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, thể hiện nhu cầu doanh nghiệp trong xu thế ứng dụng công nghệ thông tin. Theo khảo sát của Bộ Công Thương (2019) cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc. Song song với việc sử dụng
  7. 325 email, xu hướng các doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ mới tiên tiến hơn vào hoạt động trong công ty cũng tăng lên như nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo…Các doanh nghiệp đa phần đều có trang web tuy nhiên chủ yếu dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp. Hơn nữa, thời gian qua cũng đánh dấu sự tăng trưởng tốt của mô hình kinh doanh trên các mạng xã hội, có thể thấy đây là hình thức hiệu quả với chi phí thấp đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn mà điển hình là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và cá nhân. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát thì có 36% doanh nghiệp cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2017). Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45% (tăng nhiều so với tỷ lệ 39% năm 2017), trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32%và qua ứng dụng di động là 22%. Năm 2018 thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%, phấn đấu đạt được mục tiêu 10 tỷ USD loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng vào năm 2020 nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020. 202 2018 39.9 186 2017 33.6 170 2016 21.7 0 50 100 150 200 250 Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của một người (USD) Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến (triệu người) Hình 1: Doanh thu và số lượng mua sắm trực tuyến hình thức B2C của Việt Nam giai đoạn 2016-2018 Nguồn: Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và tính toán của tác giả 2019 Để triển khai dự án thương mại điện tử trong doanh nghiệp, nhà quản lý có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau: Doanh nghiệp sử dụng nguồn nội lực để xây dựng hệ thống, xây dựng phần mềm ứng dụng thương mại điện tử; hay Doanh nghiệp mua hệ thống bên ngoài.
  8. 326 Trên thị trường hiện nay cũng có một số sản phẩm dành cho doanh nghiệp lớn với cường độ giao dịch cao, quy mô lớn như IBM WebSphere Commerce Business Edition, Oracle E-Business Suite, và Broadvision One-To-One Commerce. Phần mềm thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp lớn cung cấp các công cụ liên kết và hỗ trợ cho các hoạt động mua sắm, sản xuất và bán hàng của doanh nghiệp. Phần lớn các công ty thương mại B2B đặt hàng tại các đối tác cung cấp với các quy trình đã được thống nhất giữa các bên. Để bán sản phẩm, phần mềm thương mại điện tử cung cấp các chuẩn cho giao dịch thương mại điện tử như xử lý và hoàn thiện giao dịch đảm bảo an toàn, chính xác hơn. Ví dụ, phần mềm có thể tương tác với hệ thống quản lý hàng tồn kho của công ty và tiến hành những điều chỉnh phù hợp, tạo đơn mua hàng với những mặt hàng có lượng tồn kho giảm xuống mức thấp và nhập dữ liệu kế toán trong hệ thống ERP hoặc hệ thống lưu trữ. Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate – CAGR) của giai đoạn 2015 – 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD). 70% 60% 58.10% 60% 54.20% 50% 40% 30% 20% 10% 3% 3.20% 4.60% 0% 1 2 3 Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước Tỷ lệ người dân sử dụng Internet Hình 2: Tỷ trọng doanh thu B2C và tỷ lệ người sử dụng Internet Nguồn: Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam 2019 4.2 Về Nhân lực triển khai ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp Nguồn nhân lực về thương mại điện tử (đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao) vẫn đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm chú trọng để phát triển, do đặc thù
  9. 327 của thương mại điện tử nên đòi hỏi nhóm lao động chuyên trách này vừa có kiến thức về công nghệ lại phải hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp thời các xu hướng mới ứng dụng một cách hiệu quả nhất. Năm 2018 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp có lao động chuyên tr|ch về thương mại điện tử không thay đổi nhiều so với các năm trước (năm 2018 có 28% doanh nghiệp cho biết có lao động chuyên trách về thương mại điện tử giảm 2% so với năm 2017). 5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ Đối với các cơ quan quản lý Thứ nhất, Để phát triển thương mại điện tử, Chính phủ cần xây dựng hạ tầng công nghệ, pháp lý đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển TMĐT. Thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp phát triển về nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, thanh toán điện tử…Hơn nữa, việc phát triển thương mại điện tử còn phải phù hợp với kế hoạch phát triển công nghệ thông tin và kinh tế xã hội của đất nước, qua đó mới có được bước đi hợp lý trong qua trình xây dựng và phát triển thương mại điện tử của Việt Nam. Thứ hai, Hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử, Việt Nam cũng phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật cũng như các chính sách còn tồn tại từ trước có gì mâu thuẫn và bất hợp lý, không phù hợp với thương mại điện tử để còn có những điều chỉnh sao cho phù hợp. Thứ ba, Chính phủ cần có các biện pháp khuyến khích, ưu tiên khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam vì đây là khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế, phần lớn các quốc gia trên thế giới cũng tập trung phát triển thương mại điện tử ở khu vực kinh tế này. Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp đưa Internet về nông thôn, vùng sâu vùng xa của Việt Nam. Việt Nam với hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn, mức sống thấp, điều kiện tiếp cận thông tin và thương mại điện tử còn là vấn đề rất nan giải và lâu dài. Đối với doanh nghiệp Thứ nhất, phải xác định ứng dụng TMĐT là tiên quyết trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, có đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp mới giúp doanh nghiệp hoà nhập với môi trường kinh doanh toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ hai, cần chuẩn bị nguồn lực tài chính, nhân lực thực thi TMĐT và các phương án lựa chọn các hình thức triển khai phù hợp với năng lực của doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
  10. 328 TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt: 1. Bộ Chính trị, Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 2. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2020), Sách trắng về thương mại điện tử 2020 3. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (2020), Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2019 4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam Tiếng Anh: 5. Brenda Kienan (2000). “E- commerce, Small Business Solution, Microsoft”, place of publication: Microsoft Press
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2