Đỗ Hằng Nga<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
188(12/3): 47 - 52<br />
<br />
VÀI NÉT VỀ GIÁO DỤC VÀ KHOA BẢNG Ở THÁI NGUYÊN<br />
THỜI PHONG KIẾN<br />
Đỗ Hằng Nga*<br />
Trường Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
Ngày nay, Thái Nguyên được biết đến là một trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực cho khu<br />
vực trung du và miền núi phía Bắc. Địa bàn Thái Nguyên có các trường đại học, cao đẳng và trung<br />
học chuyên nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau. Thành tựu giáo dục của Thái Nguyên có nền<br />
tảng từ trong lịch sử. Tính từ khi thành lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nền giáo dục và khoa bảng<br />
thời phong kiến ở Việt Nam kéo dài gần 10 thế kỷ. Suốt tiến trình lịch sử đó, giáo dục Thái<br />
Nguyên đã có những đóng góp đáng kể cho nền giáo dục dân tộc. Nơi đây là vùng đất còn nhiều<br />
khó khăn nhưng người dân có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ cao trong các khoa thi<br />
Hương, thi Hội, giữ chức vụ quan trọng trong triều đình, cống hiến cho đất nước.<br />
Từ khóa: Giáo dục, kì thi, Nho học, Thái Nguyên, phong kiến<br />
<br />
MỞ ĐẦU1<br />
Trong lịch sử, Thái Nguyên là vùng đất<br />
không xa Kinh đô Thăng Long, tiếp giáp với<br />
đất học Kinh Bắc. Điều kiện kinh tế - xã hội<br />
của Thái Nguyên còn nhiều khó khăn nhưng<br />
người dân sớm có truyền thống hiếu học, học<br />
hành đỗ đạt, cống hiến cho đất nước. Thời<br />
phong kiến, giáo dục Thái Nguyên đã có<br />
những đóng góp đáng kể cho nền giáo dục<br />
dân tộc.<br />
Đối với địa phương được coi là phên dậu phía<br />
Bắc kinh thành Thăng Long xưa, các triều đại<br />
quân chủ đã có những chính sách khuyến<br />
khích tích cực để phát triển văn hóa - xã hội<br />
nói chung, giáo dục nói riêng. Thời nhà<br />
Nguyễn, năm Tự Đức thứ 34 (1881), khi định<br />
lệ thi cử trong nước, chia sĩ tử các địa phương<br />
ra làm nhiều “thành” (10 người là một thành),<br />
mỗi thành chọn lấy 4 người thì Nhà nước vẫn<br />
cho phép Thái Nguyên 10 người được lấy 5<br />
hoặc 6 vì “số sĩ tử ít ỏi” [5, tr.49-50].<br />
Cùng với Nhà nước, các làng xã - đặc biệt là<br />
các làng xã vùng trung du ở Thái Nguyên<br />
cũng có truyền thống trọng kẻ sĩ - trọng người<br />
có học. Về danh, các nho sĩ được trọng vọng;<br />
về lợi, các nho sĩ được hưởng những ưu đãi.<br />
Hội Tư văn (hội của các nho sĩ trong làng xã)<br />
được chia các khoản tiền cheo cưới, tiền ký<br />
*<br />
<br />
Tel: 0967 968273, Email: ngadh@tnu.edu.vn<br />
<br />
táng, tiền nhập tịch; được chia phần biếu<br />
trong các dịp khao lão, khao vọng, tế lễ của<br />
làng. Nhiều làng xã quy định miễn các tạp<br />
dịch cho học trò như xã Sơn Cốt (tổng Hoàng<br />
Đàm, huyện Phổ Yên) quy định học trò đang<br />
đi học và những người thi đỗ, mở lớp dạy học<br />
thì được “dân tha phu” [3]. Xã Lợi Xá (tổng<br />
Hoàng Đàm, huyện Phổ Yên) quy định ai thi<br />
đỗ mà “khao vọng đồng dân, về sau tứ quý tại<br />
đình, nếu có sát sinh đồng dân kính biếu sinh<br />
thủ một cái để trọng đạo văn” [2].<br />
Chính sách của nhà nước quân chủ và sự đối<br />
đãi của các làng xã với nho sĩ có giá trị<br />
khuyến khích tinh thần học tập của con em<br />
Thái Nguyên thời phong kiến.<br />
NỘI DUNG<br />
Giáo dục Nho học ở Thái Nguyên thời<br />
phong kiến<br />
Khảo sát hệ thống di tích lịch sử văn hoá và<br />
các ghi chép của thư tịch cho thấy sự tồn tại<br />
của Văn Miếu, trường học, văn chỉ, đền thờ<br />
danh nhân khoa bảng, văn bia - những công<br />
trình và dấu tích phản ánh nền giáo dục thời<br />
phong kiến ở Thái Nguyên.<br />
Trong nền giáo dục thời phong kiến, trường<br />
công là trường của Nhà nước. Tiêu biểu cho<br />
trường công thời phong kiến ở Kinh đô là<br />
Quốc tử giám - cơ sở đầu tiên của nền giáo<br />
dục đại học nước ta. Từ thời Trần, Nhà nước<br />
47<br />
<br />
Đỗ Hằng Nga<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
bắt đầu ban chiếu về việc mở mang trường<br />
học; ở cấp tỉnh có trường đốc, cấp huyện có<br />
trường huấn. Việc học hành ở cấp huyện do<br />
các quan giáo thụ và giám thư khố phụ trách,<br />
còn ở cấp tỉnh do quan đốc học trông nom.<br />
Trước thế kỷ XIX, không tài liệu nào còn lưu<br />
giữ có ghi chép về trường công trên địa bàn<br />
Thái Nguyên.<br />
Thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, Thái Nguyên<br />
gồm hai phủ: Phú Bình và Thông Hóa. Cả<br />
phủ Phú Bình có chung một trường học.<br />
Trường phủ đặt ở địa phận xã Phù Liễn,<br />
huyện Động Hỉ, ngoài cửa tây tỉnh thành, có<br />
đốc học trông coi. Từ “năm Minh Mệnh 16,<br />
bỏ chức đốc học, bổ chức giáo thụ” [6,<br />
tr.165]. Cũng trong thời Minh Mệnh, toàn<br />
tỉnh Thái Nguyên được lập một cơ quan Học<br />
chính. Nhà nước đặt quan chức coi việc học ở<br />
Thái Nguyên cũng như những nơi khác, “hai<br />
huyện Bình Xuyên, Phổ Yên về phủ Phú<br />
Bình, tỉnh Thái Nguyên, mỗi huyện đều đặt<br />
một huấn đạo” [2, tr.142] coi chung về việc<br />
học. Việc trường học được mở ít ỏi là đặc<br />
điểm chung của khu vực miền núi dưới thời<br />
phong kiến. Khu vực biên giới phía Bắc thời<br />
nhà Nguyễn chỉ có một vài trường của Nhà<br />
nước mở như trường học phủ Sơn Định<br />
(Quảng Yên), trường học phủ Gia Hưng<br />
(Hưng Hóa), trường học phủ Yên Bình<br />
(Tuyên Quang), trường học phủ Trùng Khánh<br />
(Cao Bằng).<br />
Bên cạnh trường công, Văn Miếu, văn chỉ và<br />
đền Khải Thánh được nhiều làng xã ở Thái<br />
Nguyên xây dựng thờ Khổng Tử và các bậc<br />
tiên hiền để tỏ lòng tri ân với những người<br />
khai sinh, phát triển Nho học, đồng thời giáo<br />
dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo<br />
cho con em địa phương. Thời nhà Nguyễn,<br />
nhà nước đề cao Nho học và giáo dục. Tỉnh<br />
Thái Nguyên có một Văn Miếu và một đền<br />
khải thánh. Mục Đền Miếu của Đại Nam nhất<br />
thống chí có ghi: “Văn Miếu, đền Khải Thánh<br />
Thái Nguyên: đều ở địa phận xã Đồng Lẫm<br />
(Bẩm) về phía bắc tỉnh thành, trước ở địa<br />
phận xã Cốt Ngạnh, huyện Phổ Yên, dựng<br />
48<br />
<br />
188(12/3): 47 - 52<br />
<br />
năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), năm Thiệu<br />
Trị thứ 4 (1850) dời đến chỗ hiện nay” [6,<br />
tr.167]. Tại xóm Văn Thánh, xã Đồng Bẩm,<br />
nay thuộc địa bàn thành phố Thái Nguyên,<br />
vẫn còn lưu giữ một tấm bia đá “Hạ Mã” chỉ<br />
còn lại một nửa, cao gần 1m, bằng đá thanh,<br />
đẽo gọt trau chuốt, hình dáng giống như cột<br />
cây số, được xác định là tấm bia “Hạ Mã” của<br />
di tích đền Khải Thánh từ thế kỷ XIX. Bên<br />
cạnh đền Khải Thánh, Văn Miếu của tỉnh<br />
được đặt ở xã Cốt Ngạnh của huyện Phổ Yên.<br />
Đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), công trình<br />
này dời đến xã Đồng Lẫm về phía bắc tỉnh<br />
thành [6, tr.177]. Đây là Văn Miếu thuộc<br />
hàng tỉnh. Thời Minh Mệnh, khi triều đình đặt<br />
cơ quan Học chính để cai quản việc học ở<br />
Thái Nguyên thì Văn Miếu này thuộc về Học<br />
chính. Như thế, cả Văn Miếu và đền Khải<br />
Thánh đều được hình thành đầu thời nhà<br />
Nguyễn, năm 1832, là giai đoạn vua Minh<br />
Mệnh đã lên ngôi được 13 năm. Nhà nước<br />
quân chủ đang trên bước đường tiếp tục củng<br />
cố, mở mang, phát triển giáo dục. Nhiều chiếu<br />
lệnh được ban hành, trong đó có chính sách<br />
giáo dục, chú trọng lựa chọn người tài qua các<br />
khoa thi. Thái Nguyên tuy thuộc khu vực khó<br />
khăn nhưng cũng được áp dụng các chính<br />
sách tôn vinh giáo dục. Việc Nhà nước cho<br />
phép dựng lại Văn Miếu và đền Khải Thánh<br />
là một minh chứng.<br />
Cùng với Văn Miếu, rải rác trong các làng xã<br />
còn xuất hiện Văn chỉ. Tư liệu địa phương<br />
cho biết Thái Nguyên có 3 huyện dựng văn<br />
chỉ là huyện Phổ Yên, huyện Tư Nông (nay là<br />
huyện Phú Bình) và huyện Động Hỉ (di tích<br />
Văn chỉ thuộc địa bàn nay là thành phố Thái<br />
Nguyên). Trong số đó, hai văn chỉ ở Nga My<br />
và An Châu (huyện Tư Nông) là lớn hơn cả.<br />
Một số nơi như xã Thù Lâm (tổng Tiên Thù,<br />
huyện Phổ Yên), xã Sơn Cốt (tổng Hoàng<br />
Đàm, huyện Phổ Yên),... tuy sự học không<br />
mấy phát triển, làng chưa có khoa bảng,<br />
nhưng vẫn dựng Văn chỉ để tỏ lòng tôn thờ<br />
đạo học và khuyến khích con cháu học hành.<br />
Xã Sơn Cốt (tổng Hoàng Đàm, huyện Phổ<br />
<br />
Đỗ Hằng Nga<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
Yên) có Văn chỉ được nhận ruộng chia từ<br />
người mua Hậu Thần. Tháng 2 và tháng 5<br />
hàng năm, dân làng đều tế lễ ở Văn chỉ [3].<br />
Các thành viên hội Tư văn sau khi chết cũng<br />
được thờ ở Văn chỉ. Văn chỉ có kết cấu đơn<br />
giản, thường được xây dựng cùng với quần<br />
thể đình, chùa, đền, miếu, nghè của làng. Quy<br />
mô nhỏ, kiến trúc bình đồ hình vuông, không<br />
có mái che, có khi chỉ là một vài cái bệ như<br />
bàn thờ đắp bằng vôi vữa, trên đặt bát hương,<br />
không có tượng.<br />
Giáo dục Nho học thời phong kiến còn thông<br />
qua việc giáo dục trong gia đình và dạy học<br />
trong dân gian của các thầy đồ. Ở Thái<br />
Nguyên, tuy không có nhiều trường của triều<br />
đình đặt, nhưng việc giáo dục trong gia đình<br />
và dạy học trong dân gian của các thầy đồ thì<br />
khá phổ biến.<br />
Trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ chỉ bảo<br />
cho con cháu các lễ nghĩa, quy tắc đạo đức,<br />
ứng xử theo chuẩn mực. Con trai được dạy dỗ<br />
trở thành trụ cột gia đình, ý chí lập thân, gánh<br />
vác việc lớn, tham gia các công việc của cộng<br />
đồng, làng xã. Con gái được dạy công, dung,<br />
ngôn, hạnh của nền giáo dục truyền thống,<br />
đức tính biết chịu đựng, biết hy sinh.<br />
Trong các làng xã, lớp học của thầy đồ được<br />
mở nhiều, đáp ứng nhu cầu học tập của con<br />
em nhân dân địa phương. Đối tượng đến học<br />
thường là con nhà khá giả. Lớp học đặt tại<br />
nhà thầy hoặc nhà dân, học trò góp tiền gạo<br />
nuôi thầy. Dân gian còn lưu truyền về những<br />
lớp học của thầy đồ chủ yếu vào cuối triều<br />
Nguyễn như thôn Vân Trai (tổng Tiểu Lễ,<br />
huyện Phổ Yên) có thầy đồ Phong, đồ Quán<br />
thuộc dòng họ Trần trong thôn. Tảo Địch<br />
(tổng Tiểu Lễ, huyện Phổ Yên) có thầy đồ<br />
Chung, đồ Hiên là người từ Nam Định lên.<br />
Phù Lôi (tổng Thượng Giã, huyện Phổ Yên)<br />
có nhiều thầy đồ là người làng như đồ Cả, đồ<br />
Ba, đồ Bàng, đồ Huệ, …. Người dân địa<br />
phương còn mời thêm các thầy giỏi ở tỉnh xa<br />
như đồ Thanh (người Thanh Hóa), đồ Nghệ<br />
(người Nghệ An), đồ Tổng (người Hưng Yên)<br />
về làng dạy học,… Trò đông hay ít tùy vào<br />
<br />
188(12/3): 47 - 52<br />
<br />
danh tiếng của thầy. Các lớp học của thầy đồ<br />
thường bao gồm: Lớp vỡ lòng - dạy đọc viết,<br />
Lớp tiểu tập - dạy viết câu đối, Lớp trung tập<br />
- hằng ngày trò nghe giảng sách, hằng tuần có<br />
buổi tập làm văn và Lớp đại tập - trò học để<br />
tham gia vào các kỳ thi.<br />
Trong tỉnh, việc học hành ở địa bàn phía nam<br />
- nơi tiếp giáp đồng bằng - có phần phát triển<br />
hơn. Khi viết về huyện trung du Phổ Yên<br />
(thuộc phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên),<br />
Đồng Khánh địa dư chí khẳng định rằng<br />
“người Kinh … tổng Hoàng Đàm ở hạ du là<br />
có học hành đỗ đạt” [8, tr.797]. Ghi chép này<br />
của Đồng Khánh địa dư chí tương đồng với<br />
nội dung bia đá “Phối hưởng bi” viết ngày 29<br />
tháng 11 năm Thành Thái thứ 3 (1891) - là<br />
tấm bia văn chỉ được tìm thấy ở Hoàng Đàm đã phản ánh việc tập thể môn sinh góp công<br />
vào xây dựng nhà trường, thờ phụng thầy đồ<br />
ở địa phương. Nội dung bia cho biết ở Hoàng<br />
Đàm (huyện Phổ Yên, phủ Phú Bình), nhà<br />
trường cùng các học sinh “nghĩ điều sâu xa<br />
công đức của người thầy đã khuất nên góp<br />
tiền, góp của, lập ngôi nhà thờ phụng người<br />
thầy. Người thầy có tấm lòng lương thiện<br />
không lời nào có thể nói hết, tiếng thơm bất<br />
hủ. Lại thêm nữa bản xã, văn hội tu sửa Văn<br />
chỉ của làng, nhà trường và các học sinh vẫn<br />
nhất nhất thuận tình tôn thầy giáo đã khuất là<br />
Tiên sinh, lập bia ghi công đức. Người thầy<br />
giáo họ Hoàng tên tự Phúc Long” [9].<br />
Thành tựu khoa bảng ở Thái Nguyên thời<br />
phong kiến<br />
Trong tỉnh Thái Nguyên, phủ Phú Bình có ưu<br />
thế hơn các phủ, huyện khác về giáo dục. Tác<br />
giả Phan Huy Chú trong phần Khoa mục chí<br />
của Lịch triều hiến chương loại chí cho biết<br />
dưới triều Hậu Lê, phủ Phú Bình thuộc xứ<br />
Thái Nguyên có 10 người đỗ Tiến sĩ. Trong<br />
đó, “Huyện Phổ Yên có 1 người; huyện Động<br />
Hỉ 3 người; huyện Phú Lương 1 người; huyện<br />
Bình Tuyền 2 người; huyện Văn Lãng 1<br />
người; huyện Đại Từ 1 người; huyện Tư<br />
Nông 1 người” [1, tr.254]. Chẳng thế mà, thế<br />
kỷ XIX ban đầu “…Quảng Yên, Thái<br />
49<br />
<br />
Đỗ Hằng Nga<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
Nguyên, Ninh Bình đều cho đặt chức Đốc học<br />
để dạy bảo học trò” [7, tr.42]. Nhưng khi<br />
nhận thấy sự hạn chế của giáo dục ở đây, nhà<br />
Nguyễn đã cho “Bỏ bớt chức Đốc học tỉnh<br />
Thái Nguyên, vì số học trò có ít”, nhưng bù<br />
lại vẫn “sai đặt chức Giáo thụ ở phủ Phú<br />
Bình. Những học trò phủ Thông Hóa thuộc<br />
tỉnh Thái Nguyên đều theo học tập ở đó” [7,<br />
tr.556]. Lịch triều hiến chương loại chí cho<br />
rằng “Về văn học, phủ Phú Bình tuy kém 4<br />
thừa tuyên và trấn Thanh Hóa, Nghệ An,<br />
nhưng 7 huyện đều có người đỗ đạt” [1, tr.254].<br />
“Bốn huyện Tư Nông, Phổ Yên, Bình Xuyên,<br />
Động Hỉ phần nào có học” [8, tr.792]. Việc<br />
khảo sát di sản Hán Nôm ở Thái Nguyên cũng<br />
cho thấy đây là vùng đất có người đỗ đạt.<br />
Các nghiên cứu đã thống kê được 9 nho sĩ<br />
đỗ đại khoa trong thời Lê sơ, thời Mạc và<br />
thời Lê mạt. 9 người đỗ đại khoa ở Thái<br />
Nguyên bao gồm:<br />
1. Trình Hiển là người mở đầu cho truyền<br />
thống khoa bảng ở Thái Nguyên. Ông người<br />
làng Cổ Hoằng, đỗ khoa thi Hội năm Thuận<br />
Thiên thứ 2 (1429). Sau khi đỗ đạt, Trình<br />
Hiển được bổ làm Chuyển vận sứ, rồi Thị ngự<br />
sử. Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện<br />
Trình Hiển được triều đình cử làm Phó sứ<br />
trong đoàn sứ thần Đại Việt sang tiến cống<br />
nhà Minh năm 1438. Trình Hiển có tài văn<br />
chương. Toàn Việt thi lục còn lưu lại 2 tác<br />
phẩm của ông là bài thơ Dạ bạc Hoa Lư hữu<br />
cảm và Ngự cư tự thuật hoài.<br />
2. Nguyễn Cấu (Nguyễn Đình Cấu) người<br />
làng Thanh Vân, xã Thanh Thù, tổng Tiểu Lễ<br />
(nay là làng Thanh Thù, xã Đồng Tiến, huyện<br />
Phổ Yên). Nhân dân địa phương thường gọi<br />
là “cụ Nghè Vân”. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng<br />
tiến sĩ xuất thân năm 1463. Là người có khả<br />
năng võ bị, nên ông được chuyển sang hàng<br />
quan võ. Ông làm quan triều Lê, làm đến<br />
chức Thị vệ sứ, cầm đầu đội quân bảo vệ nhà<br />
vua và triều đình.<br />
3. Đỗ Cận tên thật là Đỗ Viễn, người làng<br />
Thống Thượng, tổng Thống Thượng, huyện<br />
Phổ Yên. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ<br />
50<br />
<br />
188(12/3): 47 - 52<br />
<br />
xuất thân năm 1478 khi đã 45 tuổi. Ông tên<br />
thật là Đỗ Viễn, nhưng khi vào dự thi Đình,<br />
vua Lê Thánh Tông yêu mến đã chính tay ngự<br />
phê cho ông là Đỗ Cận để thể hiện sự gần gũi<br />
tin yêu. Sau khi thi đỗ, Đỗ Cận được bổ dụng<br />
qua nhiều chức quan: Tham nghị xứ Thanh<br />
Hoa, rồi Thừa chính xứ Quảng Nam, năm<br />
1483 làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ Đại Việt<br />
sang giao hảo với nhà Minh. Đỗ Cận vẻ vang<br />
trong văn nghiệp. Nhiều tác phẩm thơ văn của<br />
ông như Kim Lăng ký viết về chuyến đi sứ ở<br />
Trung Hoa, truyện Nôm Phan Trần, hai bài<br />
thơ Thái thạch vãn bạc và Xuân yến thuộc<br />
hàng trứ tác trong kho tàng văn học trung đại<br />
Việt Nam.<br />
4. Phạm Nhĩ sinh năm Thái Hòa thứ 8 (1450),<br />
quê ở Đồng Bẩm, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.<br />
Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân tại khoa<br />
thi năm Hồng Đức thứ 24 (1493) triều vua Lê<br />
Thánh Tông. Chức vụ lớn nhất mà nhà Lê<br />
giao cho Phạm Nhĩ là Phủ doãn Phủ Phụng<br />
Thiên - chức quan đứng đầu kinh thành<br />
Thăng Long về mặt hành chính.<br />
5. Đàm Sâm, người xã Sa Kệ, huyện Văn<br />
Lãng, nay là thôn Sa Kệ, xã Văn Lăng, huyện<br />
Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đàm Sâm đỗ Đệ<br />
Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm<br />
Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời vua Lê Tương<br />
Dực. Ông làm quan đến chức Thượng thư,<br />
chức quan đứng đầu một trong sáu bộ của<br />
triều đình phong kiến.<br />
6. Trịnh Bá, người xã Cù Đàm, đỗ Đệ nhị<br />
giáp tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Hồng Đức<br />
thứ 6 (1514). Trên con đường quan lộ, Trịnh<br />
Bá được triều Lê phong đến chức Binh Bộ<br />
hữu Thị Lang, là chức quan đứng hàng thứ 3<br />
trong việc cai quản Bộ Binh, chỉ sau Binh Bộ<br />
Thượng thư và Binh Bộ tả Thị Lang.<br />
7. Đàm Chí quê ở huyện Đồng Hỷ, Thái<br />
Nguyên, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân<br />
khoa thi năm Đại Chính thứ 6 (1535) đời vua<br />
Mạc Đăng Doanh. Đàm Chí làm quan tới<br />
chức Thừa chính sứ, tước Vân Trai bá.<br />
8. Dương Ức, quê ở Hóa Trung, Đồng Hỷ, đỗ<br />
Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Hồng Thuận<br />
<br />
Đỗ Hằng Nga<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
thứ 6 (1514). Ông làm quan với nhà Mạc, chức<br />
vụ lớn nhất được thụ phong là Thừa chính sứ chức trưởng quan đứng đầu một đạo.<br />
9. Đồng Doãn Giai, sinh năm 1701 tại xã<br />
Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên. Sau khi thi<br />
đỗ 4 kỳ thi Hương, ông làm Giám sinh, học<br />
Quốc Tử Giám. Năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736),<br />
triều vua Lê Ý Tông, ông đỗ khoa thi Hội.<br />
Một thời gian sau, triều đình tổ chức Đình thí,<br />
Đồng Doãn Giai đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất<br />
thân. Sau khi đỗ, ông được bổ nhiệm chức<br />
Hàn lâm hiệu thảo, giữ việc tu sửa Quốc sử,<br />
về sau ông làm Đốc đồng trấn Lạng Sơn.<br />
Ngoài các vị đỗ đại khoa, tư liệu dân gian còn<br />
cho biết Thái Nguyên có một số nho sĩ thi đỗ<br />
và làm quan các cấp thấp hơn như Trần<br />
Huyền Long đỗ sinh đồ nhà Lê, làm giáo<br />
quan giảng dạy ở trường phủ Bắc Hà. Trần<br />
Ngọc Khuê, giám sinh Quốc tử giám, được<br />
phong chức Trưởng vệ Tứ thành, hàm Tòng<br />
nhị phẩm triều vua Lê Hiến Tông. Trần Thái<br />
Vận đỗ sinh đồ thời Lê được phong hàm Thập<br />
lý hầu chức xa giá trưởng vệ quan tại Thăng<br />
Long. Phạm Quang Vinh đỗ Hương cống<br />
được bổ dụng làm Tri huyện. Trần Mộng<br />
Khải đỗ Hương cống làm quan Tham biện<br />
trong triều, năm Minh Mệnh thứ 16 (1835)<br />
được bổ giữ chức Tri phủ phủ Tòng Hóa.<br />
Phạm Xuân Sắc đỗ Tam trường ở làng dạy<br />
học cho dân,.v.v..<br />
KẾT LUẬN<br />
Nếu lấy mốc Nho học bắt đầu từ cuối thế kỷ<br />
XV (với ghi chép của Thiên hạ quận quốc lợi<br />
bệnh toàn thư) đến khi nền khoa cử phong<br />
kiến chính thức cáo chung dưới thời Pháp<br />
thuộc thì giáo dục Nho học ở Thái Nguyên có<br />
lịch sử trên 400 năm, lưu lại nhiều dấu ấn<br />
trong văn hóa địa phương. So với châu thổ<br />
Bắc Bộ, giáo dục khoa bảng ở Thái Nguyên<br />
không thực sự nổi bật. Nhưng với một vùng<br />
phên dậu còn nghèo khó, thành tựu giáo dục<br />
và khoa bảng của Thái Nguyên thời phong<br />
<br />
188(12/3): 47 - 52<br />
<br />
kiến như thế đã là đáng kể. Thái Nguyên có<br />
những người chiếm vị trí cao trong các khoa<br />
thi Hương, thi Hội. Nhiều người giữ những<br />
chức vụ quan trọng trong triều đình. Trải qua<br />
thời gian, việc lưu trữ sách cổ bị thất lạc nên<br />
chưa thể phản ánh hết việc học hành, khoa<br />
bảng của tiền nhân.<br />
Từ nền tảng sẵn có trong lịch sử, ngày nay<br />
giáo dục Thái Nguyên càng khẳng định vị thế<br />
của mình trong nền giáo dục dân tộc, trở<br />
thành trung tâm giáo dục đào tạo lớn của cả<br />
nước cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí<br />
Minh. Đại học Thái Nguyên, với hơn 20 đơn<br />
vị thành viên, là đại học đa ngành, đa lĩnh<br />
vực, góp phần không nhỏ cho sự phát triển<br />
kinh tế - văn hoá - xã hội của Thái Nguyên<br />
nói riêng và khu vực trung du, miền núi phía<br />
Bắc nói chung.<br />
Bài báo là sản phẩm của Đề tài Khoa học và<br />
công nghệ cấp Bộ mã số B2017-TNA-53 do<br />
tác giả là chủ nhiệm đề tài<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Phan Huy Chú (2014), Lịch triều hiến chương<br />
loại chí, tập 1 (Dư địa chí), Nxb Trẻ, Thành phố<br />
Hồ Chí Minh.<br />
2. Hương ước xã Lợi Xá, tổng Hoàng Đàm, huyện<br />
Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên năm 1942.<br />
3. Hương ước xã Sơn Cốt, tổng Hoàng Đàm,<br />
huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên năm 1942.<br />
4. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1993), Đại<br />
Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,<br />
bản dịch của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.<br />
5. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại<br />
Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, Huế.<br />
6. Quốc Sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam<br />
nhất thống chí - tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế.<br />
7. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam<br />
thực lục, tập 2 (bộ 10 tập), Nxb Giáo dục, Hà Nội.<br />
8. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe<br />
Papin (2003), Đồng Khánh địa dư chí, Nxb Thế<br />
giới, Hà Nội.<br />
9. Văn bia “Phối hưởng bi” ở xã Nam Tiến,<br />
huyện Phổ Yên viết ngày 29 tháng 11 năm Thành<br />
Thái 3 Tân Mão (1891).<br />
<br />
51<br />
<br />