intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày vai trò của các tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa xét xử vụ án về ma túy; Hạn chế trong việc thể hiện vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại gia đoạn xét xử có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy; Giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa xét xử về vụ án ma túy.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

  1. VAI TRÒ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI ĐỐI VỚI VIỆC BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA BỊ CÁO LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI MA TÚY TẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM Trần Thị Minh Phương Trần Thị Dịu Tóm tắt: Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước sau này. Tuy nhiên, ngày nay một bộ phận thanh niên đang có xu hướng sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy và đặc biệt là những người dưới 18 tuổi. Trong hoạt động tố tụng hình sự với người dưới 18 tuổi, các tổ chức chính trị xã hội đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong hoạt động xét xử. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả và vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động này, bài viết đưa ra sự nghiên cứu đánh giá về vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động xét xử có bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội ma túy ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động xét xử. Nhóm tác giả sử dụng các phương pháp liệt kê, phân tích, tổng hợp, đánh giá giúp cung cấp các thông tin và nhằm làm rõ vai trò của các tổ chức xã hội trong hoạt động xét xử có bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội. Qua đó thúc đẩy hơn nữa cơ chế, hiệu quả bảo vệ người dưới 18 tuổi phạm tội của các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động xét xử vụ án về ma túy. Từ khóa: tổ chức chính trị - xã hội, người dưới 18 tuổi, hoạt động xét xử, vai trò, ma túy. 1. Đặt vấn đề Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, xã hội đã có sự thay đổi rất nhiều so với hình thái kinh tế trước đó. Dẫn đến sự thay đổi trong tư duy của các cá nhân sống trong môi trường đó, con người thường dễ bị ảnh hưởng bởi sự tác động của các yếu tố trong xã hội. Đặc biệt, là đối tượng dưới 18 tuổi đây là độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất cũng như tâm sinh lý. Do đó, dễ bị lôi kéo, bị dụ dỗ bởi các phần tử xấu trong xã hội, dễ có nguy cơ trở thành tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy. Người dưới 18 tuổi phạm tội trở nên phổ biến hơn chủ yếu là do sự nhận thức chưa đầy đủ, chín chắn về hiểu biết pháp luật, mức độ nguy hiểm của tội phạm, chưa được giáo dục, trang bị đầy đủ kỹ năng về phòng, ngừa tội phạm ma túy trong môi trường học đường và nơi sinh sống; đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị cám dỗ, lôi kéo, rủ rê, tác động từ môi trường xã hội, từ bạn bè và các mạng xã hội,...Đặc biệt, khi các em vừa “chập chững” tiếp xúc với xã hội  Trần Thị Minh Phương, sinh viên lớp Luật K45E, tranthiminhphuong.hul2003@gmail.com.  Trần Thị Dịu, sinh viên lớp Luật K44H, tranthidiu1402@gmail.com. 215
  2. sẽ phát sinh sự tò mò về tất cả mọi thử, muốn trải nghiệm, muốn thử cho biết,...Chính vì những đặc điểm của các chủ thể này khá đặc biệt do chưa phát triển hoàn thiện đầy đủ và toàn diện, khi những chủ thể này rơi vào vòng lao lý thì rất cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ, quan tâm từ chính các cá nhân như giáo viên, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội để có thể bảo vệ quyền và lợi ích của họ trước các phiên tòa xét xử vụ án về ma túy. Do đó, việc có sự xuất hiện của các cá nhân, tổ chức xã hội, đặc biệt là tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động xét xử các vụ án ma túy có bị cáo là người dưới 18 tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo ổn định tâm lý của các bị cáo, cũng như giúp đỡ các bị cáo này trong quá trình luận tội tại phiên tòa. 2. Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa xét xử vụ án về ma túy 2.1. Khái niệm các tổ chức chính trị - xã hội Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về khái niệm và bản chất của các tổ chức chính trị - xã hội, các công trình này tập trung tại các quốc gia như Mỹ, các quốc gia Châu Âu nơi có thực tiễn hoạt động sôi nổi của các tổ chức này. Theo đó, tổ chức chính trị - xã hội ở các quốc gia là không hoàn toàn giống nhau và có một số điểm khác so với Việt Nam. Như tên gọi tổ chức chính trị - xã hội ở các quốc gia khác nhau, có các tên gọi khác nhau như: các nhóm lợi ích, các nhóm gây áp lực, các tổ chức xã hội, các nhóm vận động hành lang,... Ngoài ra, số lượng, tính chất của các tổ chức này rất đa dạng, phong phú, hoạt động ở tất cả các lĩnh vực của xã hội, thu hút nhiều thành phần dân cư tham gia và có vai trò quan trọng nhất định trong đời sống chính trị của các quốc gia này.1 Tại Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được khái quát như sau là các tổ chức tự nguyện được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức xã hội này có điều lệ hoạt động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu các thành viên thông qua.2 Vậy, có thể hiểu tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức được thành lập bởi những thành viên đại diện cho lực lượng xã hội nhất định, thực hiện các hoạt động xã hội rộng rãi và có ý nghĩa chính trị nhưng các hoạt động này không nhằm tới mục đích giành chính quyền. Một số tổ chức chính trị - xã hội tiêu biểu ở Việt Nam là: Mật trận tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh. 2.2. Đặc điểm tâm sinh lý của bị cáo là người dưới 18 tuổi Theo y học độ tuổi dưới 18 tuổi là độ tuổi chưa có sự phát triển toàn diện về cả tâm sinh lý cũng như thể chất và nhận thức; do đây là khoảng thời gian đang trong thay đổi 1 Nguyễn Tuấn Anh (2022), Luận án Tiến sĩ, Các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát quyền lực.nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội, ngày truy cập 09/11/2023. 2 Trang thông tin điện tử Xã Đăk Blà - Thành phố Kon Tum, (2019), Tổ chức chính trị xã hội là gì?, http://dakbla.kontumcity.kontum.gov.vn/co-cau-to-chuc/to-chuc-chinh-tri-xa- hoi/to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-la-gi-.html , ngày truy cập 09/11/2023. 216
  3. mạnh mẽ về cơ thể cũng như tâm sinh lý. Vậy nên, người dưới 18 tuổi thường có các đặc điểm như: Một là, về thể chất: Ở người dưới 18 tuổi, sự phát triển cơ thể mất cân bằng nên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc. Sự phát triển không cân bằng của hệ tim và mạch, tim phát triển nhanh hơn các mạch máu đã dẫn đến sự thiếu máu trong từng bộ phận trên vỏ não và đôi khi còn làm rối loạn chức năng trong hoạt động của hệ tim mạch, dẫn đến sự rối loạn chức năng trong hoạt động của hệ tim mạch. Do đó, các em thường có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, dễ bị kích động, nổi nóng. Đồng thời, tuyến nội tiết ở các em hoạt động mạnh gây ra sự mất cân bằng trong hoạt động của hệ thần kinh trung ương, dễ dẫn đến phát sinh những hành vi bất thường, nhiều em đã không làm chủ được bản thân, không kiềm chế được xúc động mạnh nên đã có những hành vi bồng bột, sai lầm. Hai là, về nhu cầu: Sự phát triển của trẻ em trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, ở từng độ tuổi khác nhau, nhưng tựu chung lại có những nhu cầu cơ bản như: nhu cầu được yêu thương, đồng cảm; nhu cầu an toàn; nhu cầu khẳng định bản thân; nhu cầu giao lưu; nhu cầu tự do, độc lập, thích khám phá. Đối với những trường hợp trẻ em được sống trong môi trường giáo dục tốt, có sự định hướng thì những nhu cầu này được đảm bảo để họ phát triển và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, đối với những trường hợp không được bảo đảm những nhu cầu trên như: Không nhận được sự yêu thương, đồng cảm của cha mẹ, thầy cô, những việc làm của họ không nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh hoặc sống trong gia đình có cha mẹ thường xuyên cãi nhau, gia đình không có cấu trúc hoàn chỉnh hoặc những mối quan hệ, giao lưu của các em không được định hướng, chọn lọc thì nguy cơ bị xâm hại cao hơn bình thường. Ba là, về nhận thức: Thực tiễn cho thấy, những người dưới 18 tuổi còn rất non nớt về nhân sinh quan nên nhận thức của họ thường một chiều và ở một vài khía cạnh chưa đầy đủ. Do chưa phát triển hoàn thiện về thể lực, trí tuệ, chưa có khả năng nhận thức đầy đủ về những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, các em chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật nên trong nhiều trường hợp không biết hành vi của người phạm tội là nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Cùng với những nhu cầu của cá nhân, dẫn đến các em thường dễ mắc sai lầm, dễ bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.3 Về đặc điểm tâm lý tư pháp, khi tham gia phiên tòa, bị cáo nói chung và bị cáo dưới 18 tuổi nói riêng thường có tâm lý căng thẳng, hoạt động tư duy của bị cáo diễn ra với tốc độ cao theo các diễn biến tại phiên tòa. Nhiều bị cáo có thể rơi vào trạng thái bão hòa cảm xúc; đó là trạng thái tâm lý của con người bị mất tính nhạy cảm đối với kích thích, 3 Bế, T. T. H. (2022), những vấn đề cần lưu ý khi xét xử các vụ án hình sự có bị hại là người dưới 18 tuổi, https://backan.toaan.gov.vn/webcenter/portal/backan/chitiettin?dDocName=TAND283492, truy cập ngày 02/10/2023. 217
  4. mất khả năng phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt. Đối với bị cáo khi tham dự phiên tòa, hiện tượng bão hòa cảm xúc có thể xảy ra như là hệ quả của trạng thái tâm lý căng thẳng quá mức kéo dài trong suốt các giai đoạn của hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử tại tòa. Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn đến hiện tượng bão hòa cảm xúc ở bị cáo bao gồm diễn biến tại phiên tòa không đúng như kỳ vọng của bị cáo; tác động của dư luận xã hội mạnh mẽ, điều kiện sức khỏe, biến cố gia đình; chứng kiến sự đau khổ của người thân tại tòa… Khi bị rơi vào trạng thái bão hòa cảm xúc, bị cáo sẽ có ứng xử tại phiên tòa một cách máy móc, kém tinh nhạy và sáng suốt, do đó, không trình bày được một cách thuyết phục những vấn đề có liên quan đến vụ án; không trả lời được một cách logic, rõ ràng và mạch lạc các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa đặt ra. Trong các phiên tòa xét xử đối với người dưới 18 tuổi có những biểu hiện tâm lý trái ngược nhau: Có bị cáo ở phiên tòa thì tỏ ra sợ hãi, hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược lại thì cũng có những bị cáo tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, bất cần, không chút sợ hãi, thậm chí có hành vi cố tình cười cợt… thể hiện sự hạn chế trong nhận thức về pháp luật, nhận thức không đầy đủ hoặc phiến diện về chuẩn mực đạo đức.4 Qua đó, ta có thể thấy từ những sự khác biệt trong trạng trái thể chất, tâm sinh lý và đặc điểm về nhu cầu, nhận thức mà người dưới 18 tuổi trở thành chủ thể đặc biệt trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt trong quan hệ pháp lý. Trong mối quan hệ pháp luật hình sự, khi người dưới 18 tuổi là người bị cáo tuy rằng là họ người có lỗi nhưng ở một phương diện khác thì với sự phát triển chưa đầy đủ về mặt nhận thức sẽ khiến họ phải chịu những tác động mạnh mẽ từ chính hành vi phạm tội của mình. Hay cá biệt có những người dưới 18 tuổi hoàn toàn không nhận thức được hành vi phạm tội ma túy của mình là vi phạm phạm pháp luật. Sự bộc phát hành vi trong khi suy nghĩ, nhận thức còn non nớt, bồng bột, đua đòi tại một thời điểm nhất định sẽ khiến họ không lường trước hết được các hậu quả do hành vi của mình gây ra. Do đó, khi rơi vào lao lý họ sẽ gặp đả kích tinh thần rất mạnh đến từ phía gia đình, bạn bè và xã hội. Ngoài ra, việc lần đầu tiên tiếp xúc với các yếu tố mang tính chất hình sự như “ma túy”, “ tội phạm”, “xét xử”, “tòa án”,... và việc họ được “khai sáng” để nhận thức được hành vi có lỗi của mình sẽ khiến họ dễ bị hoảng sợ, lo âu tột độ, căng thẳng khi phải tự đối mặt với các bản án, hình phạt từ Tòa án; tâm lý sợ bị kỳ thị, sợ bị phạt tù, sợ mất tương lai sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của người dưới 18 tuổi phạm tội. Từ những đặc điểm của bị hại là người dưới 18 tuổi cho thấy, do có sự phát triển chưa hoàn thiện về tâm, sinh lý của lứa tuổi, người 4 Cao Thị Ngọc Hà & Cao Thị Huyền Nga (20/05/2022), nhận diện về đặc điểm tâm lý tư pháp của người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, tạp chí Nghề Luật - Học viện Tư pháp, số 54. 218
  5. dưới 18 tuổi có thái độ, nhận thức chưa hoàn chỉnh trong giao tiếp xã hội, đòi hỏi xã hội phải dành cho họ những đối xử phù hợp với lứa tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc cần thiết phải có cơ chế riêng biệt trong tố tụng hình sự khi xét xử các vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy. 2.3. Vai trò cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội Thứ nhất, vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam Theo Hiến pháp năm 2013, “Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài5. Và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Tòa án Nhân dân có mối quan hệ giữa một bên là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân với một bên là cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Một là, về công tác phối hợp thực hiện chế định Hội thẩm nhân dân Chế định hội thẩm nhân dân là một hình thức giám sát trực tiếp tại phiên tòa của nhân dân đối với những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng 6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp hiệp thương lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và điều kiện để giới thiệu cho Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân và giúp đỡ Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án có bị cáo phạm tội ma túy dưới 18 tuổi. Và tại Hội nghị học tập của ngành cán bộ Tư pháp năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh, ân cần nhắc nhở: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không chỉ giới hạn hoạt động của mình trong khung Tòa án mà phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân…”7. Điều này đòi hỏi những người làm công tác xét xử không chỉ là những người có trình độ chuyên môn cao, có nghiệp vụ vững vàng mà phải là những người thật sự có bản lĩnh, trí tuệ, có đạo đức trong sáng, chí công vô tư. Muốn đưa ra quyết định đúng đắn, giải quyết các tranh chấp đúng pháp luật, hợp với lẽ công bằng, xử phạt đúng người, đúng tội đòi hỏi những người làm công tác xét xử phải có đạo đức trong sáng, có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng, có kiến thức và vốn hiểu biết cuộc sống, có kinh nghiệm hoạt động xã hội. Vì thế pháp luật quy định khi xét xử có Hội thẩm tham gia là sự bổ sung cần thiết. Hội thẩm là đại diện của các giới, các ngành, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hội thẩm có thể phản ánh 5 Điều 9 Hiến pháp năm 2013. 6 Nguyễn Văn Pha, Một số vấn đề về quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Tòa án nhân dân, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-quan-he-phoi-hop-giua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-voi-toa-an-nhan-dan, ngày truy cập 01/10/2023. 7 Th.s Lê Văn Sua, Chế định về Hội thẩm, vai trò của Hội thẩm khi tham gia xét xử - Một số kiến nghị hoàn thiện, Trang thông tin Bộ tư pháp, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1862, ngày truy cập 01/10/2023. 219
  6. một cách khách quan suy nghĩ, tâm tư của quần chúng nhân dân, chứ không phải từ góc độ của một luật gia thuần túy. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC cũng quy định việc lựa chọn, phân công Hội thẩm nhân dân như sau: “2. Có 01 Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.” Và khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018 cũng đã có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân trong vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi phải là:“Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp; quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi”. Hơn hết, trong các vụ án liên quan đến người phạm tội ma túy là người dưới 18 tuổi thì chúng ta càng cần phải đề cao vai trò và tầm quan trọng của Hội thẩm nhân dân trong các vụ án này. Bởi lẽ, đối với các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội thì việc “Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.”8 sẽ đóng vai trò rất quan trọng về mặt tâm lý cho các bị cáo. Với vai trò là những người có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đầy đủ về công tác xã hội và công tác giáo dục, là những người tiếp xúc trực tiếp, có những hiểu biết nhất định về tâm lý và hành vi của lứa tuổi này. Thì việc họ tham gia trong phiên tòa có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy ở một vị trí có tiếng nói, có sức ảnh hưởng chung trong Hội đồng xét xử thì những lời nói của họ sẽ là góp phần trong việc đưa ra các quyết định hàm chứa đầy đủ cả tình và lý, đảm bảo sự nghiêm minh lẫn sự bao dung, nhân ái của pháp luật. Sự xuất hiện của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến hành vi, tư tưởng, lối sống, thói quen, suy nghĩ của người dưới 18 tuổi sẽ là yếu tố rất quan trọng vì sự xuất hiện của họ sẽ thể hiện được sự thấu hiểu, đồng cảm về động cơ, mục đích, nguyên nhân phạm tội. Đặc biệt, đa phần các em phạm tội này thường đều trải qua việc sử dụng ma túy, do đó rất dễ rơi vào tình trạng nghiện ma túy khiến cho tinh thần không được tỉnh táo, minh mẫn nếu rơi vào trạng thái lên cơn nghiện. Hai là, về công tác phối hợp làm bào chữa viên nhân dân: Bào chữa viên nhân dân cho bị cáo theo chỉ định người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015 được cụ thể hóa tại Thông tư liên tịch 06/2018, như sau: “Yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức là thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân 8 Điều 423 Bộ Luật Hình sự năm 2015. 220
  7. dân cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự”9 Thứ hai, vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Đây là tổ chức hoạt động và tập trung đông đảo bộ phận thanh thiếu niên, là tổ chức đại diện tiếng nói của thanh niên, bảo vệ lợi ích chính đáng của thanh niên. Là một tổ chức thanh niên, do đó, việc tổ chức Đoàn Thanh niên đứng ra “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên” khoản 2 Điều 27 Luật Thanh niên 2020 là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ. Việc tổ chức Đoàn tham gia phiên tòa xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người 18 tuổi phạm tội ma túy với vị trí là Hội thẩm nhân dân sẽ thể hiện được vai trò của Đoàn Thanh niên trong quá trình đồng hành cùng với thanh niên; đây cũng là yếu tố giúp các bị cáo dưới 18 tuổi ổn định hơn về mặt tâm lý, tinh thần khi phải đối diện với các phán quyết của Tòa án về tội danh có tính nguy hiểm cao như tội phạm ma túy. Ngoài ra, tổ chức Đoàn khi tham gia cũng sẽ nói lên được phần nào tâm tư, nguyện vọng của các bị cáo dưới 18 tuổi. 3. Hạn chế trong việc thể hiện vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại gia đoạn xét xử có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy Thứ nhất, hạn chế về trình độ, năng lực Dù là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình xét xử nhưng trên thực tế khi Hội thẩm nhân dân là các tổ chức chính trị - xã hội, giáo viên, Đoàn thanh niên... lại chưa thể hiện, bộc lộ hết được tầm quan trọng và chức năng, vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo dưới 18 tuổi dưới góc độ của một tổ chức xã hội. Và qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi, có thể thấy rằng Hội thẩm nhân dân tuy có sự am hiểu nhất định về tâm lý, hành vi, thói quen, lối sống,... của người dưới 18 tuổi nhưng kiến thức về pháp luật nhất là kiến thức liên quan đến định tội danh, quy trình tố tụng, xét xử,.. lại không được đảm bảo và sự hiểu biết chưa thật sự toàn diện, sâu sắc cũng như chưa có tính chuyên môn pháp lý cao; đồng thời, vì đặc thù ngành nghề và tính chất công việc nên hầu như những chủ thể như Đoàn thành niên, giáo viên,...không có kinh nghiệm trong việc xét xử hoặc bào chữa một vụ án có bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này đã dẫn đến việc, các cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội không thể tự tin vào sự phản biện hay lập luận của mình mà thường sẽ có xu hướng là đồng thuận với các quyết định, phán quyết, ý kiến của Thẩm phán và Viện Kiểm sát hơn là độc lập đưa ra ý kiến của chính mình. Chính vì vậy, trong trường hợp này Hội thẩm nhân dân lại chưa hoàn toàn phát huy được vai trò rất quan trọng cũng như các quyền và nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định. 9 Điểm d khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. 221
  8. Thứ hai, chưa tích cực trong việc tham gia bảo vệ bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội ma túy Một số các hội Đoàn thể chính trị - xã hội vì các lý do chủ quan lẫn khách quan mà chưa thật sự có thái độ tích cực trong việc tham gia bảo vệ bị cáo dưới 18 tuổi trong xét xử các vụ án ma túy. Họ thường e ngại các vấn đề liên quan đến pháp luật, sợ dính líu, sợ chịu trách nhiệm, sợ vạ lây nên dễ có xu hướng lẩn tránh, thoái thác nhiệm vụ được phân công. Hoặc nếu có làm thì cũng chưa thật sự dành sự quan tâm đúng mức, phù hợp cho nhiệm vụ được giao. Chính sự không tích cực này đã thúc đẩy họ có xu hướng đồng thuận với các phán quyết của Tòa án và Viện Kiểm sát, vì chính bản thân họ cho rằng người có chuyên môn nghiệp vụ cao và kinh nghiệm thâm niên như Thẩm phán, Viện kiểm sát,...sẽ khó mà đưa ra các quyết định không phù hợp hay phán quyết sai. Do đó, họ sẽ hay phó mặc và thuận theo các quyết định của Hội đồng xét xử. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ như hiện nay cho Hội thẩm nhân dân so với khối lượng công việc, thời gian và công sức mà họ bỏ ra thì thật sự còn gây nhiều tranh cãi, có nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề này. Nên đôi khi họ cũng không muốn bỏ ra quá nhiều trong khi quyền lợi bản thân lại chưa được đảm bảo. Thứ ba, hạn chế về quy định của pháp luật Tại Điều 420, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ về việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường và tổ chức: “1. Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án” Theo đó, Đối với đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc các tổ chức khác, trong giai đoạn điều tra có thể tham gia tố tụng bằng cách cung cấp thông tin, nhận xét về môi trường sinh sống, học tập, làm việc của người dưới 18 tuổi; thái độ, tư cách, đạo đức của người dưới 18 tuổi các quan hệ bạn bè của họ, khả năng giám sát, giáo dục của gia đình nhà trường, tổ chức chính trị xã hội đối với người chưa thành niên. Vậy, vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vẫn chưa được quy định cụ thể trong hoạt động xét xử, đặc biệt trong vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội. 10 Thứ tư, tiếng nói của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội bảo vệ người dưới 18 tuổi chưa cao 10 Nguyễn Thị Xuân, (2021), Việc tham gia tố tụng người dưới 18 tuổi của người đại diện, nhà trường, tổ chức được quy định như thế nào? https://luatminhkhue.vn/viec-tham-gia-to-tung-nguoi-duoi-18-tuoi-cua-nguoi-dai-dien-nha-truong-to-chuc-duoc- quy-dinh-nhu-the-nao.aspx, ngày 15/10/2023. 222
  9. Cũng chính vì kiến thức chuyên môn liên quan đến các vấn đề pháp lý, khả năng trình bày, lập luận còn bị hạn chế nhiều mặt, ngại lên tiếng các vấn đề nhạy cảm như ma túy nên dường như, tiếng nói của các tổ chức chính trị - xã hội này khi đứng ra bảo vệ cho người dưới 18 tuổi phạm tội trong các phiên tòa xét xử chỉ mang tính hình thức, tính “xã hội” chung chung, thiên về cảm tính. Do đó, nếu dùng những yếu tố thiếu cái “lý” như trên để lập luận, phản bác lại bản luận tội của Viện Kiểm sát thì rất khó để có sức thuyết phục Thứ năm, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thích đáng Những vụ án hình sự trong đó có tội phạm về ma túy đa phần đều có tính chất tinh vi, phức tạp trong hình thức, thủ đoạn, động cơ,...do đó, để một cá nhân, một đoàn thể không hoạt động trong lĩnh vực luật pháp phải đứng ra trình bày các cơ sở, luận điểm, luận cứ để bảo vệ bị cáo dưới 18 tuổi như trong các phiên tòa xét xử vụ án hình sự dường như là một thách thức lớn đối với họ. Và đối với một vụ án hình sự có các bị cáo chủ thể đặc biệt như vậy tất yếu sẽ khiến cho Hội thẩm nhân dân phải dành một thời gian tương đương lớn để nghiên cứu, tìm hiểu, Hội thẩm nhân dân là các tổ chức chính trị - xã hội đã phải làm một công việc không phải là chuyên môn của mình, phải dành thời gian nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu các yếu tố, điều kiện khác có liên quan đến vụ án, ảnh hưởng đến công việc chính của họ....Dù rằng phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức, thế nhưng, với mức hỗ trợ 90.000đ/phiên tòa, ngày nghiên cứu hồ sơ tại phiên tòa, theo như quy định hiện nay tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2012/QĐ-TTG về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự là chưa hợp lý và chưa đảm bảo được quyền lợi cho các tổ chức chính trị xã hội khi tham gia vào hoạt động xét xử các vụ án ma túy có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Thứ sáu, một số hạn chế khác như cơ quan tổ chức chính trị - xã hội chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện: Trên thực tế, do tính chất công việc chuyên môn của các tổ chức chính trị xã hội, do đặc thù công việc nên có một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi cho dưới 18 tuổi, đặc biệt khi người đó lại là bị cáo. Cũng bởi vì đây là một lĩnh vực liên quan đến pháp luật, bản thân các tổ chức chính trị - xã hội cũng không đủ kiến thức chuyên môn nên dường như họ vẫn ưu tiên cho các công việc chính hơn là tạo điều kiện, dành thời gian tham gia vào các khâu để bảo vệ quyền lợi của bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, bản thân các cá nhân được cử đi làm Hội thẩm nhân dân trong các vụ án xét xử hình sự có bị cáo dưới 18 tuổi cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi phải hoàn thành cùng lúc hai nhiệm vụ. 4. Giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa xét xử về vụ án ma túy Thứ nhất, nâng cao trình độ năng lực cho các cá nhân, tổ chức chính trị - xã hội Một là, thường xuyên mở các buổi Hội nghị, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn pháp lý định kỳ theo tháng, quý trong năm cũng như có sự tổng kết, đánh giá hiệu 223
  10. quả chất lượng của các đối tượng tham gia các buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kinh nghiệm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi tham gia vào quá trình tố tụng hình sự. Hai là, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Nắm bắt tâm lý của các em khi rơi vào các hoàn cảnh cám dỗ, lôi kéo. Thứ hai, thúc đẩy nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội Cần có các buổi tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức trách nhiệm, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tác động đến các phán quyết của Tòa án trong quá trình xét xử các vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Khơi dậy tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng lẽ phải ở mỗi cá nhân trong tổ chức chính trị - xã hội. Tránh tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, sợ phiền phức mà thoái thác, không làm hết trách nhiệm của mình. Thứ ba, hoàn thiện quy định về pháp luật Hiện nay, theo điểm d khoản 1 Điều 2 Quyết định số 41/2012/QĐ-TTG ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự thì Hội thẩm được hưởng chế độ bồi dưỡng là 90.000 đồng/phiên tòa, ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án. Tuy nhiên, thời gian qua, Tòa án nhân dân Tối cao nhận được nhiều kiến nghị của các Tòa án, Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị tăng mức bồi dưỡng cho Hội thẩm do mức bồi dưỡng theo Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg nêu trên là rất thấp, không còn phù hợp, không bảo đảm quyền lợi cho Hội thẩm. Về vấn đề này, có 2 loại ý kiến cụ thể như sau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định chi phí cho Hội thẩm (gồm phụ cấp xét xử và các chi phí khác - chi phí đi lại, chi phí lưu trú, các chi phí khác theo quy định của pháp luật) trong dự án pháp lệnh. Theo đó, quy định mức phụ cấp xét xử bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, phụ cấp xét xử của Hội thẩm được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Hiện nay, Tòa án nhân dân Tối cao đang xây dựng dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nên chế độ (phụ cấp và các chi phí khác) cho Hội thẩm sẽ được quy định trong Luật này và các văn bản quy định chi tiết nên không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh. Dự thảo pháp lệnh thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất tại Chương X (Điều 62 và Điều 63). Cụ thể, chi phí cho Hội thẩm nhân dân bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây: 224
  11. Phụ cấp xét xử; Chi phí đi lại; Chi phí lưu trú; Các chi phí khác theo quy định của pháp luật.11 Thứ tư, nâng cao tiếng nói của các tổ chức chính trị - xã hội: Cải thiện chính sách hỗ trợ kinh phí đến các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân có tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo phạm tội là người dưới 18 tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để góp phần hỗ trợ tối đa cho những cá nhân, tổ chức có tham gia. Tôn vinh, khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức chính trị xã hội có tham gia tích cực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thứ năm, các cơ quan tổ chức quản lý cần tạo cơ chế rộng mở, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo dưới 18 tuổi. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng cũng đã khẳng định: “Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp...” và “hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu lợi ích của nhân dân. Những tổ chức này được nhà nước ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ cung ứng một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng” 12. Vì vậy, cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. 5. Kết luận Trong xã hội ngày càng phát triển, pháp luật có sự điều chỉnh can thiệp phù hợp đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là mầm non tương lai của đất nước. Nhà làm luật là “cán cân” trong việc đặt ra các quy định xét xử, định tội danh, biện pháp phòng ngừa, bên cạnh đó vai trò các tổ chức chính trị - xã hội cũng góp phần bảo vệ quyền đối với bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội ma túy. Có thể nói, tội phạm ma túy là tệ nạn chung của toàn xã hội, có thể dưới sự tác động các yếu tố về hoàn cảnh về tâm lý mà vị trẻ thành niên rơi vào các cám dỗ xã hội. Thế nên, rất cần các tổ chức chính trị - xã hội có những tác động tích cực đến tâm lý đối với các đối tượng này nhằm giúp các em nhận ra lỗi sai, sửa chữa và tiếp tục cố gắng thoát khỏi tệ nạn, góp phần ngăn ngừa tội phạm trong tương lai. Qua quá trình nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã đưa ra tổng quan vai trò các tổ chức chính trị - xã hội đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi trong hoạt động xét xử các vụ án về ma túy, từ đó thấy được một số hạn chế và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động xét xử có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ma túy. 11 Hồng Hạnh. (2023) . Đề xuất tăng phụ cấp cho hội thẩm nhân dân. Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, ngày truy cập 12/11/2023,. https://lsvn.vn/to-a-a-n-nhan-dan-to-i-cao-de- xuat-tang-phu-cap-cho-hoi-tham-nhan-dan-1692441939.html 12 TS. Đỗ Thị Ngọc Phương (2016), Vai trò của các tổ chức xã hội và một vài khuyến nghị, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, ngày truy cập 10/10/2023. 225
  12. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội, Hiến pháp Việt Nam năm 2013. 2. Quốc hội, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017, 2021). 3. Quốc hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 4. Nghị quyết số 41/2012/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự như hiện nay là chưa hợp lý. 5. Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP- BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. 6. Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao “Quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa án gia đình và người dưới 18 tuổi phạm tội 7. Nguyễn Tuấn Anh (2022), Luận án Tiến sĩ, Các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát quyền lực.nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội, ngày truy cập 09/11/2023. 8. Trang thông tin điện tử Xã Đăk Blà - Thành phố Kon Tum, (2019), Tổ chức chính trị xã hội là gì?, http://dakbla.kontumcity.kontum.gov.vn/co-cau-to-chuc/to-chuc- chinh-tri-xa-hoi/to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-la-gi-.html , ngày truy cập 09/11/2023. 9. Bế, T. T. H. (2022), những vấn đề cần lưu ý khi xét xử các vụ án hình sự có bị hại là người dưới 18 tuổi, https://backan.toaan.gov.vn/webcenter/portal/backan/chitiettin?dDocName=TAND28349 2, truy cập ngày 02/10/2023. 10. Cao Thị Ngọc Hà & Cao Thị Huyền Nga (20/05/2022), nhận diện về đặc điểm tâm lý tư pháp của người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, tạp chí Nghề Luật - Học viện Tư pháp, số 54. 11. Nguyễn Văn Pha, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-quan-he-phoi-hop- giua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-voi-toa-an-nhan-dan, ngày truy cập 01/10/2023. 12. Th.s Lê Văn Sua, Chế định về Hội thẩm, vai trò của Hội thẩm khi tham gia xét xử - Một số kiến nghị hoàn thiện, Trang thông tin Bộ tư pháp, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1862, ngày truy cập 01/10/2023. 13. Điểm d khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. 226
  13. 14. Nguyễn Thị Xuân, (2021), Việc tham gia tố tụng người dưới 18 tuổi của người đại diện, nhà trường, tổ chức được quy định như thế nào? 15. https://luatminhkhue.vn/viec-tham-gia-to-tung-nguoi-duoi-18-tuoi-cua-nguoi- dai-dien-nha-truong-to-chuc-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao.aspx, ngày truy cập 15/10/2023. 16. TS. Đỗ Thị Ngọc Phương (2016), Vai trò của các tổ chức xã hội và một vài khuyến nghị, Tạp chí Tổ chức Nhà nước. 17. Hồng Hạnh. (2023), đề xuất tăng phụ cấp cho hội thẩm nhân dân. Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/to-a-a-n-nhan-dan-to-i-cao-de-xuat-tang-phu-cap- cho-hoi-tham-nhan-dan-1692441939.html, ngày truy cập 12/11/2023. 227
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2