intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò công tác hướng dẫn Phật tử của ban hướng dẫn Phật tử trung ương nhìn từ quan điểm phát triển con người của UNDP

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết dựa trên một số quan điểm của UNDP về phát triển con người để nhìn nhận vai trò của công tác hướng dẫn Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm phát triển con người của UNDP là một khái niệm rộng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò công tác hướng dẫn Phật tử của ban hướng dẫn Phật tử trung ương nhìn từ quan điểm phát triển con người của UNDP

  1. VAI TRÒ CÔNG TÁC HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ CỦA BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG NHÌN TỪ QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI CỦA UNDP1 NCS. NGUYỄN VĂN QUÝ2* Tóm tắt: Bài viết dựa trên một số quan điểm của UNDP về phát triển con người để nhìn nhận vai trò của côg tác hướng dẫn Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, quan điển phát triển con người của UNDP là một khái niệm rộng. Vì thế, ở bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một số điểm nhằm làm rõ vai trò của công tác hướng dẫn phật tử của Ban Hướng dẫn phật tử trung ương trong bối cảnh xã hội đương đại. Do đó, nhiều luận điểm khác, chúng tôi xin đề cập ở các bài viết sau. Từ khóa: UNDP, BHDPT trung ương, phát triển con người, công tác hướng dẫn phật tử, môi trường, từ thiện, an sinh xã hội. Đặt vấn đề Trong một thời gian dài chúng ta chú trọng phát triển kinh tế mà chưa thật chú trọng đến các lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội. Những mặt tích cực và cả những mặt trái của cơ chế thị trường sau một thời gian đã dần dần bộ lộ. Những mặt tích cực chứng ta cũng thấy rõ là kinh tế phát triển, đời sống vật chất của con người ngày càng được cải thiện,… song mặt tiêu cực xét trên bình diện khái quát nhất là sự suy thoái đạo đức, dẫn đến sự bất bình đẳng xã hội, thậm chí còn gạt sang bên lề tầng lớp không còn sức lao động. Môi trường, nguồn nước, đất đai, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của con người đã dẫn đến ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu,… Năm 1987, trong Báo cáo Brundtland (còn gọi là Our Common Fture) với quan điểm phát triển bền vững đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều cộng đồng, 1 UNDP là Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (United Nations Development Programme, viết tắt là UNDP) * Phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
  2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 815 quốc gia trên thế giới. Những vấn đề nổi bật như: Phát triển phù hợp với sinh thái; những vấn đề cốt yếu đối với con người. Mà trong đó tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực, ô nhiễm môi trường, dân số bùng nổ, đô thị hóa,… được xem là những mối đe dọa thường trực đối với tất cả các quốc gia, đồng thời kêu gọi chính phủ và cộng đồng nhân dân chung tay hành động theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, phát triển con người được xem là yếu tố quan trọng mà trong báo cáo Phát triển con người năm 1990 nêu rõ “Của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia đó. Và mục đích của phát triển là để tạo ra một môi trường thuận lợi để cho phép con người được hưởng cuộc sống dài lâu, mạnh khỏe và sáng tạo”. Năm 2001, trong báo cáo của UNDP tiếp tục làm rõ hơn về phát triển con người như sau “Phát triển con người không chỉ là sự tăng giảm của thu nhập quốc dân, mà còn tạo ra một môi trường trong đó mọi người có thể phát triển mọi khả năng của mình và làm chủ một cuộc sống sáng tạo, hữu ích, phù hợp lợi ích và nhu cầu của họ”1. Trong bài tham luận này, chúng tôi tiếp cận quan điểm của UNDP về phát triển con người nhằm làm rõ vai trò công tác hướng dẫn phật tử của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trên các phương diện: 1. Tạo ra môi trường để phật tử tu học; và 2. chủ động trong các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Phương pháp nghiên cứu Với các tiếp cận quan điểm của UNDP về phát triển con người, bài tham luận sử dụng phương pháp phân tích so sánh nhằm làm nổi bật tính thống nhất của công tác hướng dẫn Phật tử của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trong những điều kiện, hoàn cảnh xác định; đồng thời làm làm rõ nét tương đồng, sự khác biệt và nhận ra cái riêng trong công tác hướng dẫn Phật tử của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thông qua so sánh với đối tượng khác. Đặc trưng của phương pháp này có thể dựa trên thời gian và những cái mốc sự kiện để thấy được sự phát triển của đối tượng trong những thời điểm khác nhau. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp liên quan, chẳng hạn như phương pháp lịch đại nhằm làm rõ hơn vấn đề từ thiện, an sinh xã hội trong lịch sử để so sánh, đối chiếu với hiện tại,… 1. Tạo môi trường để phật tử tu học Trong bài viết “Hoạt động hướng dẫn phật tử của tăng, ni hiện nay” của TT.TS. Thích Thanh Điện cho rằng: “Gắn với sự phát triển của Phật giáo, bên cạnh tăng sư, 1 Dẫn lại từ: TS. Đào Thị Minh Hương chủ biên (2016), Phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr55-56.
  3. 816 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... vai trò của giới Phật tử là vô cùng quan trọng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, thời kỳ nào, vấn đề hướng dẫn Phật tử cũng được tăng sư cũng như các tổ chức Phật giáo đặc biệt quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng của việc truyền bá, hoằng dương chính pháp và hưỡng dẫn việc tu học Phật pháp cho Phật tử, ngay từ khi thành lập năm 1981, trên tinh thần kế thừa các thành tựu Phật sự giai đoạn trước đó, ban Hướng dẫn nam nữ phật tử là một trong 6 ban trực thuộc Hội đồng trị sự. Đến nay, ban này đã được đổi tên thành Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa, Phật giáo Việt Nam đang có nhiều thay đổi một phần đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phânn người dân một phần hòa mình vào sự phát triển chung của tôn giáo và Phật giáo thế giới”1. Theo đó, TT.TS. Thích Thanh Điện đề cập đến ba nội dung cơ bản của hoạt động hướng dẫn Phật tử của tăng, ni như sau: 1. Về hoạt động Phật pháp (hoạt động hướng dẫn cho cư sĩ Phật tử; Hoạt động học tập của Gia đình Phật tử). 2. Hoạt động nghi lễ giới đàn (Giới đàn thọ tam quy; Giới đàn thọ Bát quan trai giới; Giới đàn thọ Bồ tát và thập thiện giới) và 3. Hoạt động từ thiện xã hội. Trong một bài viết gần đây, HT.TS. Thích Thanh Điện – Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục khẳng định nội dung chủ yếu của: “Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981. Cùng với sự phát triển thăng trầm của Phật giáo Việt Nam. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng bước khẳng định vị thế, vai trò tích cực của mình trong xã hội; trong việc điều hành, hướng dẫn cho Tăng, Ni, Phật tử tu hành theo đúng chính pháp, thấm nhuần tư tưởng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; đồng thời Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là thành viên tích cực trong hệ thống các tổ chức Giáo hội Phật giáo trên thế giới, cùng hướng tới mục đích chung vì hòa bình an lạc và hạnh phúc mang tính toàn cầu”2. Về cơ bản, “Hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chịu sự điều hành, chi phối bởi các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Theo đó, Ban Hướng dẫn Phật tử có nhiệm vụ: 1. Hướng dẫn Phật tử tu học Phật pháp (bao gồm: hoạt động tu học quy y Tam bảo; tu học về nghi lễ giới đàn; tu học về 1 Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.793-794 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Hoạt động của tín đồ phật tử với sự phát triển bền vững đất nước, chùa Khai Nguyên, Hà Nội, tr. 38.
  4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 817 hoằng pháp; giáo dục đạo đức và giới luật); 2. Hướng dẫn phật tử tham gia công tác xã hội, đặc biệt là từ thiện xã hội; 3. Hoạt động giao lưu quốc tế. Như thế, với nhiệm vụ đầu tiên là hướng dẫn Phật tử tu học Phật pháp làm sao bao gồm các sinh hoạt tu học rất sát với thực tiễn. Trong mấy thập kỷ gần đây, vấn đề suy thoái đạo đức của con người đã được chỉ ra bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, những hệ lụy từ nền kinh tế thị trường được xem là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lối sống vị kỷ, thiên về vật chất. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay từ khi thành lập đã rất chú trọng đến công tác hướng dẫn Phật tử theo tinh thần Đức Phật đã chỉ dạy, để Phật tử hoàn thiện bản thân và có những ứng xử chuẩn mực trong gia đình và cộng đồng. Nội dung hướng dẫn Phật tử tu học như HT.TS. Thích Thanh Điện đã chỉ ra bao gồm Quy y tam bảo. Đó là hướng niềm tin của phật tử nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng, nghĩa là “Quy y Phật là nhận Đức Phật làm Thầy, tín Phật hoàn toàn sáng suốt bậc nhất; Quy y Pháp là tin và chấp nhận những quy luật đúng đắn, không bao giờ sai lầm, do Đức Phật truyền dạy; Quy y Tăng là chấp nhận tập thể tu sĩ đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh, an vui, cùng tu hành, cùng lý tưởng tìm chân lý và đang từng bước thực hiện mục tiêu hướng đến quả vị Phật”1. Ở đây, đối với người phật tử, khi đã quy y Tam bảo thì đồng nghĩa họ bắt đầu sống cuộc đời người con Phật, thực hiện các “hạnh lành” và giữ giới (thụ giới) bao gồm 5 giới (ngũ giới) dành cho phật tử tại gia là: Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối và không uống rượu. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn phật tử không chỉ dừng lại ở quy y Tam bảo, mà theo từng cộng đồng Phật tử (già – trẻ; mới tu hay tu lâu rồi; trình độ nhận thức sơ tâm hay tín tâm…), từng bối cảnh cụ thể mà tiếp tục hướng dẫn phật tử về hành Thập thiện để phật tử tiến sâu tiến sa hơn trên bước đường tu học. Do đó, điểm khởi đầu cho việc tu học chính là làm sao để hướng dẫn phật tử không chỉ hiểu được ý nghĩa của quy y Tam bảo mà quan trọng hơn là để phật tử có được sự tin tưởng trong thực hành các “hạnh lành”, dần dần loại bỏ được các “tà hạnh” để có được cuộc sống an lạc. Có thể thấy, ngày nay việc hướng dẫn phật tử đã quy tụ những người con Phật trong một môi trường học tập khác hẳn với thế tục. Phật tử được tăng, ni hướng dẫn tu học Phật pháp trong bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh. Do đó, họ đều khởi niềm tin xác tín vào Tam bảo; đồng thời đây cũng là nơi không có sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo, lại có xu hướng giúp đỡ nhau không chỉ về tinh thần mà còn về vật chất. Đúng như một nghiên cứu của ĐĐ. Thích Đạo Thịnh – Trụ trì chùa 1 HT. Thích Trí Quảng (2005), Hành trang của người học Phật, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr.3.
  5. 818 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Khai Nguyên, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội về “Vai trò của khóa tu mùa hè trong giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ hiện nay” chỉ ra bối cảnh xã hội đương đại đã khiến cho con người đối mặt với nhiều thách thức. Đó là bệnh tật, nghèo nàn của đời sống tâm linh, sự vô cảm, xuống cấp về mặt đạo đức… Đại đức Thích Đạo Thịnh nhận định “khóa tu mùa hè cho giới trẻ là một hoạt động tiêu biểu cho xu hướng nhập thế của Phật giáo góp phần vào sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách con người, trong đó có một bộ phận giới trẻ nói riêng. Khóa tu mùa hè tạo một không gian lành mạnh, bổ ích cho các bạn trẻ vào dịp nghỉ hè sao một năm học tập vất và căng thẳng. Đây cũng là nơi giúp các bạn trẻ giảm trừ căng thẳng, hóa giải tâm hồn, tu tâm thanh tịnh và tu tâm, sửa tính”1. Còn đối với các giới đàn, về cơ bản đã “Đáp ứng yêu cầu thọ giới tu học, hành đạo của tăng, ni và trang nghiêm ngôi Tam bảo, Trung ương Giáo hội và các tỉnh, Thành hội Phật giáo đã quan tâm tổ chức các fiới đàn tại các địa phương. Số lượng giới tử thụ giới ngày càng đông. Các giới đàn được tổ chức nghiêm túc đúng theo qui phạm. Thiền gia, thể hiện tinh thần trách nhiệm và mối quan tâm hàng đầu của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội từ trung ương đến tỉnh, thành hội. Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, đã có 40/54 giới tử Thọ giới Tỳ khiêu, Tỳ khiêu ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni và hàng ngàn giới tử phát nhiện thọ Thập thiện và Bồ tát giới. Nhiều Tỉnh, Thành hội trong cả nước khi tổ chức đại giới đàn đều có sự chú ý việc thụ giới theo nghi thức riêng giữa Bắc tông và Nam tông. Đồng thời có sự quan tâm đế nghi thức biệt truyền của tăng, ni khất sĩ trong việc khảo hạch giới tử về môn Luật và nghi thức tụng niệm theo hệ phái. Ban tổ chức, Thập sư truyền giới bao gồm các vị giáo phẩm của hệ phái cùng chủ trì và thực hiện tốt trong tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật. Qua đó, Trung ương Giáo hội đã duyệt cấp 12.083 chứng điệp thọ giới”2. Đối với từng hệ phái, chẳng hạn như Hệ phái Khất Sĩ, hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng mà còn là bổn phận: «Do đó, chư tăng ni đã tích cực tổ chức các khóa tu và thuyết giảng. Khoảng 80 đạo tràng có khóa tu Niệm Phật (mỗi tháng 2 ngày hoặc mỗi tháng một ngày). Các khóa tu thiền 3-5 ngày, hoặc 7 ngày (mỗi năm 4-5 khóa), hoặc khóa tu thiền Vipassana 10 ngày, các khóa tu mùa hè, v.v... được tổ chức ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa thuộc các tỉnh cao nguyên. Mỗi khóa tu ít nhất 50 người, có khóa lên đến 200 1 Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Hoạt động của tín đồ phật tử với sự phát triển bền vững đất nước, chùa Khai Nguyên, Hà Nội, tr. 66. 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Văn phòng Trị sự (2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ đại hội đến đại hội (1981- 2012), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.508.
  6. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 819 người”1. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành hội Phật giáo đã chủ động mở các hội thi cho phật tử như Hội thi giáo lý, hội thi diễn giảng, hội thi viết báo tường, mở các hội trại, các chương trình hiến máu nhân đạo... Trong đó nổi bật nhất là Hội thi giáo lý cho phật tử đã thu hút rất nhiều phật tử tham dự. Chẳng hạn năm 2019, Ban Hướng dẫn Phật tử kết hợp với Ban Hoằng pháp Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi giáo lý cho phật tử trên địa bàn. Hội thi này thu hút hơn 3.000 phật tử tham dự... Có thể thấy, các hình thức, mô hình tổ chức Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc mở các khóa tu dành cho nhiều đối tượng tu học khác nhau, phù hợp trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay. Tạo môi trường tu học tốt cho nhiều đối tượng, thành phần tu học Phật pháp, tu tâm dưỡng tính và qua đó hướng dẫn họ có lối sống giàu tình yêu thương, hạn chế sự suy thoái đạo đức, lối sống thờ ơ, vô cảm của con người với con người, với xã hội, với môi trường và thiên nhiên. 2. Chủ động trong các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật” là phương châm hành động vô cùng quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phương châm này chủ trương kết hợp đạo với đời, lấy công tác từ thiện, an sinh xã hội làm căn bản. Do đó, trải qua thời gian công tác từ thiện, an sinh xã hội đã được Giáo hội Phật giáo Việt quan tâm và có những đóng góp to lớn cho xã hội. Ngày nay, công tác từ thiện, an sinh xã hội đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nói riêng được đa dạng hóa nhằm phù hợp với tình hình hiện tại, đồng thời phù hợp với từng bối cảnh của mỗi Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Đó là vào các dịp đại lễ Phật đản, Vu lan báo hiếu, dịp tết nguyên đán,... thường tổ chức công tác từ thiện kết hợp với hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử,... Nhiều ngôi chùa còn cung cấp cơm chay miễn phí cho người nghèo; nhiều đạo tràng Niệm Phật, Bát Quan Trai, Thiền,... thường tổ chức từ thiện trong các bệnh viện cho bệnh nhân nghèo, hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc những nơi xảy ra thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được các tăng ni trẻ, đặc biệt là ni giới trẻ được đào tạo vững vàng về Phật học và Thế học đã tham gia nhiều chương trình giúp đỡ người bất hạnh như người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc màu da cam, người nghèo không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, bệnh nhân ung thư, nhiễm HIV,... Nhìn chung, qua công tác từ thiện, an sinh xã hội của 1 Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành và phát triển, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.309.
  7. 820 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, Thành hội Phật giáo đã đem lại những kết quả tích cực, không chỉ làm giảm gánh nặng xã hội cho nhà nước mà còn đem lại nguồn an ninh tinh thần cho con người. Đây chính là sự thể hiện tinh thần từ bi sâu đậm của tăng ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước những vấn đề xã hội hiện nay. Theo thống kê năm 2016 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì “cơ sở trợ giúp xã hội là 150, 655 phòng Chẩn trị đông y; 1 phòng khám đa khoa, hàng trăm phòng khám, chữa bệnh bằng thuốc nam ở hầu khắp các tỉnh, thành, nổi bật đang hoạt động hiệu quả như các địa phương sau: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế,... đã khám và phát thuốc tây, châm cứu, bấm huyệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân. Tổng chi phí điều trị ước tính hàng chục tỉ đồng”1. Bên cạnh đó, “Giáo hội Phật giáo ở cấp tỉnh mở nhiều trường nuôi dạy trẻ, lớp học tình thương. Các lớp học tình thương, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả như: Chùa Kỳ Quang mở 6 lớp cấp I tổng số 119 học sinh; Thừa Thiên – Huế: 212 lớp có 6.107 em, 336 giáo viên và 74 nhân viên điều hành»2. Trong 30 năm, từ năm 1981 đến năm 2011, hoạt động từ thiện thu được kết quả to lớn, ước đạt 2.020 tỉ đồng… Đến năm 2018, thông qua các nguồn lực khác nhau đã hỗ trợ 524.608.976.000 tỉ đồng cho công tác từ thiện xã hội.”3. Theo Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2019 của Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương cho biết “các thành viên của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, các Phân ban và Tiểu ban đã thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà cho đồng bào nghèo, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, vượt khó. Năm 2019, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, thành đều ủng hộ từ thiện và cúng dường trường hạ với tổng số tiền là 87,898,267,000đ (Tám mươi bảy tỷ tám trăm chín mươi tám triệu hai trăm sáu mươi bảy ngàn đồng)”4. Có thể nói, công tác từ thiện và an sinh xã hội của Phật giáo Việt Nam đã có từ lâu. Ngược dòng lịch sử, ngay từ thời kỳ đầu Phật giáo truyền nhập vào nước ta. Trong các tác phẩm thời kỳ này còn để lại như Lý hoặc Luận của Mâu Tử, Lục độ 1 Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Hoạt động của tín đồ phật tử với sự phát triển bền vững đất nước, chùa Khai Nguyên, Hà Nội, tr. 126. 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Hoạt động của tín đồ phật tử với sự phát triển bền vững đất nước, chùa Khai Nguyên, Hà Nội, tr. 127 3 Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Hội đồng Trị sự (2012), Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.394. 4 Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2019 Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, số: 026/2019/BC-BHDPT, Thành phố Hồ Chí Minh, 15/12/2019.
  8. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 821 tập kinh của Khương Tăng Hội đã cho thấy hành trạng của các tăng sĩ, đồng thời còn là nội dung tu tập của Phật giáo Việt Nam thời kỳ đầu. Mâu Tử và Khương Tăng Hội đều bàn về bố thí, từ bi nhẫn nhục và có thể nói, đây là nội dung tư tưởng xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam sau này. Đặc biệt là mỗi khi đất nước suy vong hoặc Nho giáo được đề cao. Như một nhận định: “Lúc gặp thời thì dựa vào đạo Nho, lúc thất thế thì dựa vào đạo Lão – Trang, lúc éo le khốn khó thì dựa vào đạo Phật”1. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Từ khi mới du nhập vào nước ta, thông qua nguồn tuệ giác, tâm từ bi, vị tha, vô ngã và nhất là hạnh nguyện độ sinh của các bậc chân tu hoằng pháp, Phật giáo đã sớm hòa hợp, dung thông với văn hóa dân tộc Việt Nam, và nhờ đó mà Phật giáo đã nhập thế độ sinh, gieo mầm đạo đức, nhân quả, ban trải tâm từ bi, yêu thương, soi rọi ánh sáng Phật pháp thấm nhuần sâu rộng trong đời sống dân Việt”2. Có được như thế chính là nhờ vào vai trò của các bậc cao tăng “Bằng thân giáo và khẩu giáo và có thể cả ý giáo, tỳ kheo xây dựng niềm tin đạo đức và niềm tin sống cho các Phật tử tại gia. Đời sống tu hành thanh tịnh, tinh cần của tỳ kheo đã là một bào học và là niềm tin của các Phật tử có nhân duyên thân cận. Bằng giảng dạy, vị tỳ kheo chỉ rõ cho Phật tử biết thế nào là một Phật tử có niềm tin chân chính”3. 3. Kết luận Quan điểm phát triển con người của UNDP chỉ ra tính hữu ích của vật chất cũng như vai trò “then chốt” của vật chất như quyết định điều kiện sống, chất lượng cuộc sống của con người nhưng không phải là mục đích cuối cùng. Cộng đồng phát triển phồn thịnh, bền vững đều có liên quan môi trường sống trong tâm và ngoài tâm. Trong đó, mỗi cá nhân phật tử ngoài sự bảo đảm cuộc sống về vật chất còn phải có sự bảo đảm về an ninh tinh thần. Như vậy, theo chúng tôi, quan điểm của UNDP về phát triển con người không phải là sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất để cá nhân hưởng thụ mà chính là sự hình thành năng lực cho con người và từ đó phát triển tới mọi người nhằm làm cho cuộc sống con người phong phú và hạnh phúc. Do đó, trên phương diện này, có thể thấy vai trò công tác hướng dẫn phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đương đại không chỉ nhận ra những nguyên nhân làm suy thoái đạo đức, những mặt trái của xã hội đương đại mà còn chung tay bằng những hành động cụ thể, làm giảm những “khổ đau” mà con người đang phải hứng chịu. Công tác hướng dẫn Phật tử 1 Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.93. 2 HT. Thích Gia Quang (2018), “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại ở Việt Nam”, Nguyễn Kim Sơn (chủ biên) (2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 3 Thích Chơn Thiên (1997), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.
  9. 822 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương góp phần tạo ra môi trường mới nhằm đem lại cho con người có cuộc sống cân bằng, biết chung tay chia sẻ vật chất, tinh thần với những người “bên lề xã hội” bằng những hoạt động cụ thể như từ thiện, an sinh xã hội. Giúp cho mọi người ngày càng bình đẳng và có “cơ hội được sống an lạc”. Đó chính là ý nghĩa của phát triển con người là vì con người và tránh tác động tiêu cực đến thế hệ tương lai. Đúng như Danie’le Hervieu – Le’ger nhận xét: “Hoàn toàn không có những tư tưởng tín điều, đặt kinh nghiệm vào vị trí trọng tâm, đề cao thực hành để làm tiến bộ cho con người, chú trọng giữ lòng tin và lý trí, và quan tâm liên kết giữa thể xác và tâm linh, Phật giáo được xem là tôn giáo đặt trách nhiệm trên cá nhân và trao cho mỗi người quyền tự do theo đuổi con đường của riêng mình mà vẫn giúp cho mỗi người thả neo vào một truyền thống vững chắc qua bao thế kỷ”1. Tuy nhiên, ngày nay, Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, Thành hội cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn về việc đào tạo nhân sự, thậm chí cả những phật tử làm công tác hướng dẫn phật tử về tu học, về giới đàn và quan hệ quốc tế trong tình hình mới. Đồng thời kết hợp với công tác hướng dẫn phật tử với công tác từ thiện, an sinh xã hội, khuyến khích phật tử tham gia vào công tác từ thiện, an sinh xã hội nhiều hơn nữa trong các vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, Thành hội Phật giáo ngoài việc chú trọng hoàn thiện cơ cấu tổ chức thì việc lựa chọn mô hình hoạt động chung và mô hình hoạt động riêng phù hợp với từng bối cảnh văn hóa, xã hội ở mỗi địa phương,... T ÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2019 Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, số: 026/2019/BC-BHDPT, Thành phố Hồ Chí Minh, 15/12/2019 2. TS. Đào Thị Minh Hương (chủ biên) (2016), Phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Văn phòng Trị sự (2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ đại hội đến đại hội (1981-2012), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 1 Dẫn theo: Cao Huy Thuần (2017), Tôn giáo và xã hội hiện đại, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.112.
  10. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 823 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Hoạt động của tín đồ phật tử với sự phát triển bền vững đất nước, chùa Khai Nguyên, Hà Nội. 5. HT. Thích Gia Quang (2018), “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại ở Việt Nam”, Nguyễn Kim Sơn (chủ biên) (2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 6. HT. Thích Trí Quảng (2005), Hành trang của người học Phật, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. 7. Cao Huy Thuần (2017), Tôn giáo và xã hội hiện đại, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 8. Thích Chơn Thiện (1997), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, Hà Nội. 9. Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 10. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành & phát triển, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2