intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Văn hóa du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển – nhìn từ vai trò chủ thể trong thể tài du ký người Việt đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

18
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Văn hóa du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển – nhìn từ vai trò chủ thể trong thể tài du ký người Việt đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX khái lược vể thể tài du ký và du ký của người Việt đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX; Nhận diện vai trò chủ thể trong thể tài du ký của người Việt Nam đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Văn hóa du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển – nhìn từ vai trò chủ thể trong thể tài du ký người Việt đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX

  1. VĂN HÓA DU LỊCH TRONG XU THẾ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN – NHÌN TỪ VAI TRÒ CHỦ THỂ TRONG THỂ TÀI DU KÝ NGƯỜI VIỆT ĐẾN NƯỚC PHÁP NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX Nguyễn Hữu Sơn(*) CULTURAL TOURISM INTEGRATION AND TRENDS IN DEVELOPMENT -- THE SUBJECT ROLE IN THE TOPIC OF VIETNAMESE JOURNEY TO FRANCE IN THE EARLY TWENTIETH CENTURY Abstract Summarizing the topic of Travel and Journey of Vietnamese to France in the first half of the twentieth century. Defining the team of typical authors: Pham Quynh (1892-1945), Dao Trinh Nhat (1900-1951), Nguyen Tieu (1902-1976), Le Van Ngon (1908-1976) ... Identifying the subject role of Journey of Vietnamese to France in the first half of the twentieth century. Defining the the point of views of tourists and cultural expansion…. Surveying the authors’ role in the comparisons looked back on observing the status of France and Vietnam in the first half of the twentieth sentury. Emphasing the authors’ thoughts, judges of cultural tourism in the trend of integration and development of France – Vietnam in the first half of the twentieth century. Underlining the similarities, lessons and issues raised on cultural tourism in the trend of integration and development in Vietnam today. * 1. Với sáng tác tác văn học, vai trò chủ thể tác giả bao giờ cũng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và điều này càng sắc nét hơn ở thể tài du ký. Bởi lẽ với du ký, bản thân tác giả phải là nhân vật thứ nhất, chủ thể trực tiếp đi, xem, nghe, trải nghiệm và tường tả lại chuyến du hành theo quan niệm và cách thức của mình. Khác với nhiều thể loại, thể tài văn học khác, văn du ký có thể bay bổng nhưng xa lạ, dị ứng với mọi sự hư cấu, tưởng tượng đi quá xa sự thật. Thêm nữa, khác với các thể tài, tiểu loại ký – phóng sự khác, chủ thể tác phẩm du ký đa phần là các ký giả nhà văn, trí thức, quan chức và tầng lớp trên nên có điều kiện đi xa thăm thú, tìm hiểu, khám phá các vùng đất mới. Nói khác đi, đây là thể tài cơ bản gắn với tầng lớp trên, tầng lớp hữu sản và nhiều phần hướng đến mục đích “vị nghệ thuật”, những cuộc thăm viếng, du hành, du lịch và mở mang kiến thức. Các tác phẩm du ký viết về nước Pháp đương nhiên phải do những người đã trực tiếp đặt chân đến nước Pháp viết ra. Có thể kể đến các tác giả tiêu biểu: Phạm Quỳnh (1892- 1945), Diệp Văn Kỳ (1895-1945), Đào Trinh Nhất (1900-1951), Nguyễn Công Tiễu (1902- 1976), Lê Văn Ngôn (1908-1976), v.v… Tác phẩm của họ thể hiện tiếng nói người trong cuộc, người trải nghiệm - những tác gia văn học và cũng là các trí thức lớn đương thời. Hầu hết họ đã cộng tác và có mối quan hệ tốt đẹp với người Pháp nên cách nhìn, cách cảm nhận, đánh giá của họ về mối quan hệ Việt - Pháp có những nét riêng, khác biệt. Trước hết, họ tự ý thức về hoàn cảnh, điều kiện và trình độ lạc hậu của bản thân và đất nước mình. Bên cạnh những quan sát về nền kỹ nghệ và cách thức tổ chức xã hội nước Pháp theo mô hình (*) PGS.TS., Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
  2. phương Tây hiện đại, các tác giả nhận thức rõ nhu cầu cần canh tân đất nước, cần tự cường và phát triển đất nước theo xu thế hiện đại hóa... Có thể nói các chuyến đi và tiếp xúc thực tế với người Pháp và nước Pháp đã giúp họ thức tỉnh, bình tĩnh đánh giá khách quan hơn về thực trạng xã hội Pháp một thời... Nhìn rộng ra, điều này cũng góp phần lý giải mối quan hệ giữa tính dân tộc và quốc tế, dân tộc và tiến bộ xã hội, phương Đông và phương Tây, thể chế xã hội và qui luật tiến hóa lịch sử... Những quan sát, nhận thức về nước Pháp góp phần mở đường cho nhận thức về so sánh văn hóa Đông - Tây, kỹ nghệ Đông - Tây, tư duy Đông - Tây và xu thế hội nhập, giao lưu quốc tế(1)… 2. Những trải nghiệm về nước Pháp giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX giúp các nhà viết du ký thể hiện được chí ít là ba nội dung nổi bật: Phản ánh thực tại nước Pháp đương thời - Khâm phục một nước Pháp văn minh, tiến bộ - So sánh, phản tỉnh và thức tỉnh về cội nguồn, trình độ, thực lực dân tộc. Với vị thế xã hội và mục đích đến nước Pháp khác nhau, thời điểm đến và thời gian ở lại khác nhau, địa bàn hoạt động và môi trường giao lưu khác nhau song các tác giả viết du ký đều ý thức được việc cần phản ánh thực tại nước Pháp, cung cấp cho bạn đọc trong nước những hiểu biết cụ thể mà mình đã được trải nghiệm, tai nghe mắt thấy. Người sớm có những tác phẩm du ký bề thế hồi đầu thế kỷ chính là nhà văn hóa Phạm Quỳnh với Pháp du hành trình nhật ký(2), Thuật chuyện du lịch ở Paris(3). Trên thực tế, Thuật truyện du lịch ở Pais chính là bản tóm tắt nội dung Pháp du hành trình nhật ký và được Phạm Quỳnh trình bày trong buổi diễn thuyết tại Nhạc hội Tây Hà Nội, do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức vào ngày 15-9-1922… Theo nhật ký Phạm Quỳnh, chuyến đi khởi hành từ ngày 9-3-1922 tại cảng Hải Phòng và trở về vào ngày 11-9, vừa đủ sáu tháng. Năm ấy Phạm Quỳnh tròn ba mươi tuổi. Trong nửa năm ở Pháp, ông chủ ý Đi - Xem - Nghe càng nhiều càng tốt, trở đi trở lại thành phố cảng Marseille, qua Lyon, Versailles, Verdun và thăm thú khắp các công sở, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh ở Paris... Đến đâu ông cũng ghi chép, bình luận, liên hệ, so sánh với cuộc sống bên nước nhà và phát biểu cảm tưởng về những điều tai nghe mắt thấy. Tới nước Pháp, Phạm Quỳnh ngỡ ngàng bởi nền khoa học, kỹ thuật và đời sống vật chất vượt trội của chính quốc. Ông khâm phục trước cung điện Le Louvre tráng lệ, tháp Eiffel có thang máy, những tòa nhà cao rộng, những khách sạn, nhà hàng tiện nghi, những cây cầu bắc qua sông Seine uy nghiêm, những công viên, đường phố, biệt thự sang trọng... Hiện đại và ấn tượng thêm nữa là dòng xe ô tô tấp nập qua lại, những chuyến tắc xi cơ động và đường xe điện ngầm có lúc chạy trên cầu, có lúc đi dưới đất, có lúc chạy ngầm dưới lòng sông, "nghe nói lạ lắm", "đi đâu cũng tiện lắm", "chạy mau vùn vụt như tên bắn vậy"... Với Đào Trinh Nhất (đóng vai mặt nạ tác giả nữ, ký bút danh Phạm Vân Anh) đã viết du ký Sang Tây – Mười tháng ở Pháp in không đều kỳ trên báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), khởi đầu ngay từ số 1, ra ngày 2-5-1929. Phần đầu tác phẩm có tên Sang Tây tạm dừng ở số 12 (ngày 18-7-1929); tiếp số 13 (ngày 25-7-1929) có lời tòa soạn: “Bổn báo xin công bố để chư độc giả biết rằng: Du ký Sang Tây của cô Phạm Vân Anh mà bổn báo đã đăng bấy lâu, thì tới số báo rồi là hết phần thứ nhất. Du ký của cô nguyên chia làm hai phần. Phần thứ nhất thuật chuyện lúc đi tàu từ Sài Gòn sang tới Marseille, đề tựa là Sang Tây. Còn phần thứ hai, là thuật mọi điều kiến văn lịch duyệt của cô trong hồi ở Pháp, mà đề một tên khác là: Mười tháng ở Pháp… Đáng lẽ bổn báo đăng tiếp luôn, song theo ý của cô Vân Anh muốn để xem lại, có việc gì sót thì bổ chánh, có chuyện gì sai thì sửa đi, rồi đăng sau”... Tiếp đến phần thứ hai có tên Mười tháng ở Pháp được in nối từ số 25 (ngày 17- 10-1929) với các đề mục: Để chưn vào đất tổ tự do và cách mạng - Đại quan về thành phố Paris - Dự một cuộc mết tinh của học sanh An Nam - Vào đền Panthéon - Các thơ viện ở Paris - Hội cự rượu (Ligue Nationale contre l’Alcoolisme) - Viện bảo tàng Le Louvre - Hội cự những nhà ở tồi cựu tệ (Ligue nationale contre le taudis) - Tình hình người Việt Nam ở bên Pháp - Một gia đình bên Pháp… Có thể thấy ngay cách đặt tên các đề mục cũng cho thấy mối quan tâm của tác giả về một nước Pháp mới lạ, hiện đại, phát triển và cũng có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết(4) …
  3. Trên thực tế, lẽ dĩ nhiên là những người Việt Nam hồi đầu thế kỷ đến nước Pháp đều cảm thấy ngỡ ngàng, choáng ngợp, ngỡ như xứ người đã vượt lên quá xa, mình không bao giờ theo kịp được. Điều quan trọng hơn, một người như học giả Phạm Quỳnh đã quan sát và đi đến những nhận xét tổng quan, bày tỏ chính kiến về xã hội, về mối quan hệ Việt - Pháp, về tương quan Đông - Tây và xác định con đường tiến hóa, tiến bộ xã hội: "Nghĩ trong các vấn đề thiết yếu cho người mình không gì bằng vấn đề giáo dục... Đại khái nói rằng nước Việt Nam là một nước cổ, vốn đã có một cái văn hóa cũ, nhưng cái văn hóa cũ ấy ngày nay không thích hợp với thời thế nữa, cần phải có cái văn hóa mới đời nay thì mới có thể sinh tồn được trong thế giới bây giờ"... Trên tất cả, Phạm Quỳnh ngợi ca Paris và nước Pháp: "Mình cũng phân vân chửa định về ở thế nào. Cứ kể ở bên này thì ở mãi cũng được. Cảnh Paris là một cái cảnh rất mến người. Ai đã đến đây không nỡ dứt tình mà đi cho được. Vả mình đến đây đã được quen thân một vài nơi, giao tiếp với nhiều người, càng ở thời lại càng thêm biết rộng ra, có ích lợi cho sự kiến văn nhiều lắm. Tưởng học nhà mấy năm không bằng qua ở đấy một tháng. Cái không khí Paris là cái không khí rất bổ cho tinh thần trí não. Ở đây tựa hồ như thấy trong óc thêm sáng suốt, trong lòng thêm rộng rãi ra. Thật thế, không phải nói ngoa. Tưởng giá mình ở đây vài ba năm thì tính tình tư tưởng nở nang ra hơn bây giờ nhiều"... Rồi ký giả tự gián cách, hóa thân vào những tượng đá danh nhân Rousseau, Corneille mà khuyên bảo, phản biện, tỏ bày quan điểm: "Ớ, anh con trai Nam Việt kia! Anh chớ có tự phụ mang cái quốc gia chủ nghĩa của anh mà mong tránh khỏi cái cám dỗ của chốn danh đô này. Những tay khôn ngoan tài giỏi hơn anh nhiều cũng còn không tránh được nổi, huống nữa là anh. Anh chớ nên đem bụng hẹp hòi. Anh thương yêu nước anh là phải, nhưng anh yêu mến chốn này cũng nên. Cái quả tim thế giới, cái khối óc văn minh là đây. Người Pháp tuy có công gây dựng ra chốn này, nhưng ngày nay là của chung thiên hạ rồi, khách Đông phương, khách Tây phương, ai ai đến đây cũng phải cảm. Dẫu Đông Kinh, Yên Kinh, Kim Lăng, Thuận Hóa của Á Đông anh cũng không đâu thu gồm được lắm cái vẻ tinh hoa của văn hóa bằng ở đây"... Không có gì phải nghi ngờ việc Phạm Quỳnh thực sự bị thuyết phục bởi nước Pháp "quả tim thế giới", "khối óc văn minh", "tinh hoa của văn hóa"... Nhìn về nước Pháp, ông thấy đây là mối quan hệ tòng thuộc, cần hướng theo nền kỹ nghệ và cơ cấu chính trị - văn hóa kiểu Pháp. Ông mong muốn dân tộc mình tiến hóa nhưng cũng thấy rõ những hạn chế, thiếu hụt bởi một nền kinh tế tiểu nông, lạc hậu, trì trệ. Có điều cần chú ý là Phạm Quỳnh không dập khuôn máy móc một chiều mà luôn cố gắng tìm ra phương hướng canh tân thích hợp, coi trọng nền văn hóa Pháp nhưng vẫn bảo tồn truyền thống dân tộc, đề cao việc học tiếng Pháp nhưng vẫn đề xuất việc học thành thục tiếng An Nam "nhiên hậu có thì giờ sẽ học đến tiếng ngoài"... Trước sau ông vẫn nhận mình thuộc hàng trí thức, ngay cả khi đến nước Pháp hoa lệ vẫn nhớ về cố hương, chú trọng rung lên tiếng chuông trước quốc dân đồng bào và trước các nhà chức trách. Ở một vị thế bình dân hơn, ký giả Đào Trinh Nhất trong vai cô Vân Anh đã thâm nhập vào nhiều nơi ngõ ngách, từ đó suy nghĩ, so sánh, đối sánh văn minh và thế cuộc nước Pháp với xứ sở Việt Nam. Trên phương diện văn hóa, khi đến thăm các thành phố và khu cung điện, lăng tẩm, bảo tàng, thư viện, trường học, tác giả thường xuyên liên hệ với thực trạng tình hình đất nước, dân tộc mình. Vào thăm đền Panthéon, tác giả phản tỉnh: "Vào chiêm yết đền Panthéon, thật là cảm phục tấm lòng của dân Pháp biết ơn những bực danh nhơn chí sĩ đã có công với nước với nòi. Càng cảm phục lòng người ta biết ơn bao nhiêu, càng tức giận cái giống mình là vô ơn bấy nhiêu. Có phải nước nầy không có danh nhơn chí sĩ đâu?... Thật, cái giống người mình quên ơn và vô tình quá"(5)... Vào thư viện, tác giả liên hệ và lên tiếng châm biếm nhà nước Pháp Nam: "Dân tộc văn minh có khác thiệt: thấy họ lo bồi bổ trí thức cho dân bằng sự đọc sách và xem báo, có khi chăm chút quá hơn là ở bên ta lo miếng ăn thức uống, tấm áo manh quần kia. Một thành phố Paris không biết là có mấy trăm mấy ngàn thứ báo và tạp chí... Một thành phố Paris, không biết bao nhiêu là thơ viện, không thể đếm được; cũng như dạo thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, không thể đếm được là bao nhiêu tiệm hút công yên, bao nhiêu quán rượu Fontaine vậy"(6)... Đồng thời tác giả kể thêm chuyện ông Lê Ninh (Lênin - NHS chú) suốt ba năm (1914-1918) đã đến thư viện Sainte Geneviève và viết
  4. rõ Lê - nin là "vì anh hùng sáng tạo ra nước Nga bây giờ", "ông chúa cách mạng nước Nga", "trong mấy năm ấy, Lê Ninh đọc hết một phần tư những sách trong thư viện"... Có thể nói đó là lời tự thú thành thực về xúc cảm thẩm mỹ và vốn hiểu biết của cô Vân Anh. Bước chân ra thế giới rộng lớn, chỉ nội một việc mình tự thức tỉnh ra những điểm yếu kém cũng đã là một thành công đáng ghi nhận rồi. Thêm một quan sát nữa của Nguyễn Công Tiễu, đương kim Chủ nhiệm tạp chí Khoa học (1931-1941), nhân chuyến sang dự Hội nghị khảo cứu khoa học các thuộc địa Pháp tổ chức tại Paris (20-26/9/1937), trong bài viết Du lịch Âu châu, in nhiều kỳ trên tạp chí Khoa học (1938-1940). Trong tâm thế một nhà khoa học, ông kể lại: “Tôi có đến dự mấy kỳ và có được một lần lên diễn đàn để giảng nghĩa về cái máy chạy bằng ánh sáng mặt giời mà ông Trần Công Tiên và tôi sáng chế ra năm nọ, máy ấy gọi là “Turbine solaire Tieu – Tien” (Có đăng bản vẽ và bài giảng nghĩa ở Khoa học số 23, ra ngày 1er Juin 1932)”(7) … Cũng gần giống như Phạm Quỳnh, trong tâm thế một nhà du lịch, Nguyễn Công Tiễu đã đi thăm và chăm chỉ ghi chép thành các mục: Một làng bên Pháp – Chợ lớn Paris – Viện Dưỡng lão – Nhà máy làm pin – Ở tòa Đốc lý – Viện Bảo tàng – Đấu xảo quốc tế Paris… Ký giả thực sự cảm kích khi đến thăm một gia đình nông dân, gặp gỡ, trao đổi với xã trưởng về tình hình đời sống, cách thức quản lý, phong tục, tập quán và cuối cùng đi đến liên hệ về thực trạng đất nước: “Nói tóm lại, người nhà quê Tây có nhiều đức tính hay, chịu khó làm việc, không hay ỷ lại, khi thừa phòng lúc thiếu, không hoang phí, chuộng sự thật thà, ghét hư danh (…). Thấy trình độ tiến hóa của người ta được cao như thế, người thức giả tất nhiên phải tự vấn xem có cách gì bắt chước được không. Thiết tưởng bắt chước được người ta không phải dễ, vì tình cảnh và tính tình người nhà quê mỗi nơi mỗi khác. Nhưng nếu cứ theo những chính sách hiện hành ở xã hội Tây theo những đại cương thích hợp, bỏ những tiểu tiết bất hợp thì rồi cũng có thể nâng cao được trình độ của người nhà quê ta”(8) … Có thể nói nhân một chuyến đi Pháp nhưng học giả Nguyễn Công Tiễu đã vận hành hết công suất, quan tâm ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, luôn để tâm so sánh, nhìn lại thực trạng đất nước, dân tộc mình để có hướng khắc phục, phát triển. 3. Trên đây chúng tôi mới lược điểm tiếng nói của những tác giả viết du ký tiêu biểu đã từng đến nước Pháp hồi đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, họ đều là những trí thức tâm huyết với tiền đồ dân tộc, khi đến xứ người luôn khao khát học hỏi, suy nghĩ, tìm cách vận dụng nhằm chấn hưng đất nước. Một thế kỷ đã qua đi. Ngày nay đọc lại những trang du ký viết về nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX có thể nhận thấy những tiếng nói thật sự thẳng thắn, khách quan, trung thực, trong một không khí tương đối tự do, dân chủ. Nhiều vấn đề về hoạt động du lịch, nhu cầu đi, xem, hiểu biết, khám phá, sáng tạo đã được “tải” về trên báo chí trong nước, góp phần nâng cao dân trí, thức tỉnh tinh thần tự cường dân tộc. Các trang du ký nói trên cũng góp phần đưa đến bài học về tổ chức hoạt động du lịch, khơi gợi, vẫy gọi và mở đường cho những chuyến đi xa, những cuộc giao lưu, hội nhập và phát triển. Một thế kỷ đã qua đi. Hy vọng trong tương lai không xa, một bộ sưu tập Du ký người Việt đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX sẽ hoàn thành, góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn một thời kỳ lịch sử cũng như thúc đẩy hoạt động du lịch Pháp – Việt, Việt – Pháp trong tầm nhìn giai đoạn nửa đầu thế kỷ XXI. Chú thích: (1) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: - Thể tài du ký trên Tạp chí Nam phong (1917-1934). Nghiên cứu Văn học, số 4-2007, tr.21-38. - Du ký của người Việt Nam viết về các nước và và những đóng góp vào quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt giai đoạn thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, trong sách Văn học cận đại
  5. Đông Á từ góc nhìn so sánh (Đoàn Lê Giang chủ biên). NXB TP Hồ Chí Minh, 2011, tr.632- 645. (2) Phạm Quỳnh: Pháp du hành trình nhật ký. Tạp chí Nam Phong, số 58, tháng 2-1922 đến số 100, tháng 10+11-1925. In trong Du ký Việt Nam - tạp chí Nam Phong, 1917-1934, Tập III (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007, tr.346-657. In lại trong Phạm Quỳnh – Tuyến tập du ký (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). NXB Tri thức, H., 2013, tr.171-419 trang. Các trích dẫn liên quan trong bài đều theo sách này. (3) Phạm Quỳnh: Thuật chuyện du lịch ở Paris. Tạp chí Nam Phong, số 64, tháng 10-1922. In trong Du ký Việt Nam - tạp chí Nam Phong, 1917-1934, Tập I (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007, tr.312-363. In lại trong Phạm Quỳnh – Tuyến tập du ký (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). NXB Tri thức, H., 2013, tr.421-459. Các trích dẫn liên quan trong bài đều theo sách này. (4) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: - Đọc “Đào Trinh Nhất – Tuyển tập tác phẩm”. Nghiên cứu Văn học, số 5-2014, tr.154-157. (5) Phạm Vân Anh: Mười tháng ở Pháp, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 32, ra ngày 12-12-1929, tr.21. (6) Phạm Vân Anh: Mười tháng ở Pháp, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 33, ra ngày 19-12-1929, tr.22; số 34, ra ngày 26-12-1929, tr.23-24. (7) Nguyễn Công Tiễu: Hội nghị khảo cứu khoa học ở các thuộc địa Pháp. Khoa học, số 183, ra ngày 1-2-1938, tr.55-56. (8) Nguyễn Công Tiễu: Một làng bên Pháp. Khoa học, số 187, ra ngày 1-4-1938, tr.150-161. TÓM TẮT Khái lược vể thể tài du ký và du ký của người Việt đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Xác định đội ngũ các tác giả tiêu biểu: Phạm Quỳnh (1892-1945), Đào Trinh Nhất (1900- 1951), Nguyễn Công Tiễu (1902-1976), Lê Văn Ngôn (1908-1976)… Nhận diện vai trò chủ thể trong thể tài du ký của người Việt Nam đến nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Xác định điểm nhìn của người du lịch và sự mở rộng kiến văn… Khảo sát vai trò chủ thể tác giả trong những so sánh, liên tưởng giữa quan sát về nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX so với tình trạng nước Việt Nam đương thời. Nhấn mạnh những suy nghĩ, nhận định của các tác giả về văn hóa du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển Việt – Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Nhấn mạnh những tương đồng, bài học và vấn đề đặt ra về văn hóa du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển ở Việt Nam hiện nay.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2