intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Viện Khoa học - Công nghệ Quân sự - 60 năm nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

36
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhiệm vụ của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự nói chung, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nói riêng những năm tới rất nặng nề. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đòi hỏi toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Viện Khoa học và Công nghệ quân sự phải luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nội dung, chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng bộ Viện lần thứ V đã đề ra.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Viện Khoa học - Công nghệ Quân sự - 60 năm nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc

  1. Những vấn đề chung VIỆN KH-CN QUÂN SỰ - 60 NĂM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHỤC VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC Nguyễn Trung Kiên1, Phan Văn Chương2 Viện Khoa học và Công nghệ quân sự tiền thân là Cục Nghiên cứu kỹ thuật ra đời ngày 12/10/1960 theo Quyết định số 470/BQP do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký. Sự ra đời của Cục Nghiên cứu kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng, phản ánh tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Tổng Quân ủy, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với quá trình xây dựng quân đội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của công tác nghiên cứu, đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật của quân đội ta, nhất là về mặt tổ chức một đơn vị nghiên cứu khoa học quân sự. Trải qua 60 năm thăng trầm của lịch sử, mặc dù có nhiều biến động về cơ cấu, tổ chức và tên gọi song về cơ bản chức năng, nhiệm vụ của Viện vẫn không thay đổi. Viện luôn phát huy truyền thống lịch sử, đi đầu trong nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc và góp phần phát triển nền khoa học nước nhà. Trong thời chiến cũng như thời bình, bằng hoạt động nghiên cứu cải tiến vũ khí trang bị kỹ thuật, Viện đã có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng quân đội và phát triển đất nước, xứng đáng với lời cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Viện KH-CN quân sự là Viện nghiên cứu khoa học cao nhất của quân đội và quan trọng của Quốc gia, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, xây dựng quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa” [1]. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện KH-CN quân sự (12/10/1960- 12/10/2020), xin được điểm lại một số thành tựu nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Viện đóng góp vào xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù còn non trẻ, lực lượng mỏng, cơ sở vật chất thô sơ, trình độ chuyên môn kỹ thuật quân sự còn hạn chế, song với phương châm vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã bám sát chiến trường, tiên phong nghiên cứu, làm chủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại do Liên Xô và các nước viện trợ; Tổ chức nghiên cứu vũ khí, cách đánh của địch, đề xuất nhiều giải pháp vô hiệu hóa, phòng tránh, đánh trả có hiệu quả; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, phù hợp với cách đánh của ta, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Một số đề tài, sản phẩm tiêu biểu mà Viện đã nghiên cứu trong giai đoạn này như: Thiết kế, chế tạo “hàng rào” bóng khinh khí. Để đánh phá miền Bắc, Mỹ đã sử dụng chiến thuật máy bay bay thấp. Với việc chỉ bay ở độ cao khoảng từ 500 đến 1000m, tốc độ bay 180 đến 200m/giây, máy bay địch gần như vô hiệu hoá các khí tài trinh sát và các loại hoả lực tầm thấp của ta. Được giao nhiệm vụ, Viện xác định phải nhanh chóng tạo ra một loại thiết bị gây chướng ngại trên không, buộc máy bay địch phải tăng độ cao, tạo điều kiện cho các trận địa phòng không đánh trả địch. “Hàng rào” bóng khinh khí ra đời đáp ứng yêu cầu trên. Đề tài được Viện nghiên cứu cơ bản, đồng bộ từ việc thiết kế, chế tạo bóng bằng vật liệu PVC đến việc chọn dây giữ bóng, các thiết bị thu, thả, các phương tiện tạo và nạp khí Hyđrô,... Trong những năm 1965-1970, ta đã đưa vào sử dụng khoảng 1000 bóng khinh khí, buộc máy bay địch phải vọt lên cao khi tiếp cận mục tiêu, một số máy bay bị rơi khi va phải dây giữ bóng, trong đó có một chiếc rơi ở Thường Tín (4/11/1966). Giải pháp này được đánh giá cao vì đã góp phần phá chiến thuật bay thấp của máy bay Mỹ. Đề tài Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Đặc san Hội thảo Quốc gia FEE, 10 - 2020 7
  2. Những vấn đề chung được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Phối hợp với Quân chủng PK- KQ nghiên cứu chống nhiễu, đặc biệt là chống nhiễu máy bay B-52. Viện đã được giao nhiệm vụ trực tiếp phối hợp với Quân chủng PK- KQ nghiên cứu, biên soạn tài liệu “Cách đánh B52”. Bằng những tính toán khoa học, cán bộ của Viện đã khẳng định: do thiết diện phản xạ của máy bay B52 lớn nên ở một cự ly nhất định cường độ tín hiệu phản xạ từ máy bay B52 sẽ vượt cường độ nhiễu, do đó, ra đa sóng mét của ta có khả năng phát hiện được máy bay B52. Kết quả thử nghiệm trên thực địa ngày 22/11/1972 và sau đó của Quân chủng PK-KQ đã chứng minh điều đó. Tài liệu nghiên cứu về các loại máy gây nhiễu của Viện đã kịp thời phục vụ cho các đơn vị tên lửa, ra đa, không quân, pháo phòng không tham khảo, vận dụng vào huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu có hiệu quả. Thành công của đề tài đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972. Đề tài nghiên cứu chống nhiễu của Quân chủng PK-KQ và Viện đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Bên cạnh đó, Viện cũng đã phối hợp với Quân chủng PK- KQ nghiên cứu chống tên lửa Shrike AGM- 45A tự dẫn theo cánh sóng bức xạ ra đa để diệt các đài ra đa, các đài điều khiển tên lửa của ta. Kết quả nghiên cứu đã giúp cho bộ đội ra đa, tên lửa tìm ra các giải pháp đối phó có hiệu quả đối với loại tên lửa nguy hiểm này, góp phần bảo toàn lực lượng đồng thời vẫn thực hiện được nhiệm vụ cảnh giới và tiêu diệt máy bay địch. Ngoài ra, Viện đã tổ chức nghiên cứu, vô hiệu hóa bom từ trường trên tuyến đường vận tải 559, rà phá thủy lôi sông phong tỏa các cửa biển, nghiên cứu, cải tiến hỏa tiễn BM14 đặt trên xe thành tên lửa vác vai A12 chi viện cho chiến trường miền Nam phục vụ cách đánh luồn sâu, phá hoại các sân bay, bến cảng của địch; nghiên cứu, chế tạo thủy lôi cho đặc công đánh tàu địch ở cảng Cửa Việt,… Trong những ngày tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ phòng nghiên cứu đến chiến trường, từ chiến trường lại trở về phòng nghiên cứu, cán bộ của Viện đã có mặt ở hầu khắp các chiến trường, giải đáp kịp thời những yêu cầu nóng bỏng mà thực tế chiến đấu đặt ra. Đã có 8 cán bộ anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các anh đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, nhưng những chiến công thầm lặng của các anh còn mãi với các thế hệ cán bộ của Viện hôm nay và mai sau [3]. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên, Viện đã tiến hành gần 300 đề tài nghiên cứu và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó, hơn 250 đề tài, sáng kiến đã được áp dụng trực tiếp vào thực tiễn chiến đấu trên các chiến trường, góp phần để đất nước có ngày toàn thắng, thống nhất hai miền Nam Bắc, chấm dứt chế độ Mỹ ngụy và tay sai, mở ra một chương mới trong công cuộc xây dựng đất nước. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Viện Kỹ thuật quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) tập trung tiếp quản, nghiên cứu, khai thác các cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị vũ khí của địch, trong đó có hệ thống thông tin liên lạc Hải quân Ngụy, hệ thống thông tin mật và trinh sát trên máy bay EC-47, hệ thống khí tài trinh sát điện tử Bas III, hệ thống máy tính của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt,… Giai đoạn này, tiềm lực nghiên cứu của Viện đã được đầu tư nâng cấp. Với nhiều phòng thí nghiệm được Liên Xô hỗ trợ xây dựng, các dự án do các tổ chức phi chính phủ của Pháp tài trợ, cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước đã tạo ra hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành, tiêu biểu như Phòng thí nghiệm thông tin, Phòng thí nghiệm ra đa, Phòng thí nghiệm xăng dầu, Phòng thí nghiệm cơ lý vật liệu, Phòng thí nghiệm đạn dược - công binh do Liên Xô giúp đỡ xây dựng; Phòng thí nghiệm Hóa-phóng xạ (do chính phủ CHLB Đức tài trợ); cơ sở sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn V67 (do các Việt kiều yêu nước tại CH Pháp tài trợ xây dựng) và các phòng thí nghiệm được nhà nước đầu tư như 8 N. T. Kiên, P. V. Chương, “Viện KH-CN quân sự - 60 năm … xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
  3. Những vấn đề chung Phòng thí nghiệm mô phỏng điều khiển đường bay 77A2, Phòng thí nghiệm Quang-Điện tử 77A3, Phòng thí nghiệm Vật lý,… phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu trong toàn Viện. Các kết quả nghiên cứu cơ bản của Viện cũng đã được nâng tầm và có nhiều tiến bộ đáng kể. Một số nguyên lý, công nghệ, giải pháp tổng thể cũng đã được hoàn thiện như quy trình sản xuất thuốc phóng hình cầu, nguyên lý điều khiển tự động đa bậc, nguyên lý thu - phát tín hiệu ra đa sử dụng đèn điện tử-bán dẫn, nguyên lý bức xạ sóng vô tuyến trên các mặt - vật liệu đặc thù, quy trình chế tạo linh kiện gốm áp điện, điện tử, bán dẫn; Nguyên lý điều khiển đa kênh trên nền vi mạch tích hợp,... Từ năm 1979, theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ, Viện đã cử nhiều đoàn công tác với hàng trăm cán bộ mang khí tài điều khiển nổ từ xa (ĐK-1, ĐK-4), ra đa trinh sát chấn động, máy thông tin, tên lửa A70, C24, kính nhìn đêm, v.v. tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Các nhà khoa học của Viện đã trực tiếp huấn luyện cách sử dụng các loại vũ khí, khí tài cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ; Bàn giao hàng chục bộ khí tài trinh sát, điều khiển nổ từ xa, gần 5000 quả mìn phóng MF1, MF2 cùng nhiều thiết bị khác là các sản phẩm nghiên cứu của Viện cho các đơn vị, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều công trình nghiên cứu của Viện được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đồng thời thiết thực góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước. Giai đoạn này, Viện cũng đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điển hình là: Công nghệ mạ nhúng kẽm nóng chảy phục vụ xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam; Kỹ thuật tự động hóa trong các công nghệ nung luyện; Dây chuyền xử lý nước mặn, nước ngầm, nước thải công nghiệp; Hệ thống tự động hóa chế bản điện tử và viễn ấn Báo Quân đội; Cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác chính sách và giải quyết hậu quả chiến tranh; Giải pháp khắc phục sự cố máy tính Y2K,… Những năm gần đây, bám sát thực tế huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự đã tập trung tham mưu có hiệu quả cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự, đề xuất, tổ chức nghiên cứu thành công, ứng dụng hàng trăm đề tài, dự án trên năm hướng cơ bản, đó là: Thứ nhất, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội; Thứ hai, nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa và sửa chữa, tăng hạn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật; Thứ ba, nghiên cứu, giúp các quân, binh chủng, nhất là Quân chủng Hải quân và Phòng không – Không quân khai thác, làm chủ các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao mới được trang bị; Thứ tư, nghiên cứu, sản xuất các linh kiện, vật tư thay thế, công nghệ bảo quản, bảo dưỡng đối với các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có trong quân đội; Thứ năm, nghiên cứu các sản phẩm đảm bảo đời sống, sức khỏe cho bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là trong điều kiện hoạt động quân sự đặc biệt; các sản phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu các công nghệ xử lý môi trường trong hoạt động đặc thù quân sự và chất độc hóa học tồn dư sau chiến tranh. Để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã đầu tư cho Viện nhiều phòng thí nghiệm chuyên ngành, một số phòng thí nghiệm tiêu biểu như Phòng thí Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Đặc san Hội thảo Quốc gia FEE, 10 - 2020 9
  4. Những vấn đề chung nghiệm trọng điểm An toàn thông tin, Phòng thí nghiệm Siêu cao tần – Quang điện tử; Phòng thí nghiệm Vật liệu quân sự; Phòng thí nghiệm Kỹ thuật và thử nghiệm tên lửa; Phòng thí nghiệm Quan trắc và phân tích môi trường giai đoạn 2; Phòng thí nghiệm Điện tử chuyên dụng; Phòng nghiên cứu, chế thử khí tài Đo xa laser; Phòng thiết kế, chế thử và thử nghiệm hệ thống điều khiển hỏa lực trên các phương tiện cơ động; Phòng thí nghiệm Thiết kế, chế thử và thử nghiệm ra đa;... Các phòng thí nghiệm mới được đầu tư cùng với các phòng thí nghiệm xây dựng trong các giai đoạn trước đã đưa công tác nghiên cứu của Viện lên một tầm cao mới. Với tiềm lực mạnh mẽ về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, chất lượng nghiên cứu của Viện đã có những bước tiến vượt bậc. Trong số hàng trăm đề tài, nhiệm vụ mà Viện đã thực hiện những năm qua, tiêu biểu phải kể đến: Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tên lửa chống tăng có điều khiển tầm gần CTVN.18”. Kết quả của đề tài là tạo ra một tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển hoàn chỉnh hoàn toàn bằng nội lực trong nước, từ tính toán thiết kế hệ thống đến công nghệ chế tạo sản phẩm; Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về “Nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc gia Ra đa cảnh giới biển cỡ nhỏ tầm gần BR-12”; Đề tài "Nghiên cứu xử lý nước thải dây chuyền sản xuất Diazodinitrophenol bằng giải pháp kết hợp sắt nano hóa trị 0 và Fenton". Một số sản phẩm tiêu biểu như: Vũ khí phá vật cản mở cửa cho bộ binh FMV-B1; Bộ thiết bị điều khiển nổ từ xa ĐKN; Hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong tổ chức, điều hành diễn tập chỉ huy - cơ quan cấp trung, sư đoàn trên bản đồ số; Các loại thiết bị quan sát đêm ảnh nhiệt; Các đại đội PPK37mm-2N bán tự động, tự động tác chiến ngày và đêm, các hệ thống tự động điều khiển bia phục vụ huấn luyện và kiểm tra bắn đạn thật,... Bên cạnh đó, Viện đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu, khai thác, sửa chữa, cải tiến, tăng hạn, tham gia bảo đảm kỹ thuật các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, phục vụ hiệu quả công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của toàn quân. Nổi bật là: Đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hàng loạt thiết bị và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao, thiết thực phục vụ huấn luyện tên lửa phòng không tầm thấp A72, A87, A89, Igla đảm bảo độ tin cậy cao, tương đương với các sản phẩm của nước ngoài nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều lần; Làm chủ công nghệ, tham gia sửa chữa, cải tiến, tăng hạn cho nhiều loại tên lửa có trong trang bị như: Kh-35E, A72, A87, A89, Igla, tên lửa chống tăng B72,... tiết kiệm cho Quân đội và Nhà nước nhiều tỷ đồng; Tham gia hiệu quả việc khai thác, làm chủ các loại vũ khí trang bị mới như: Thiết bị giả đạn tên lửa SOSNAR-R trên tàu Gepard 3.9; Hệ thống mô phỏng bắn pháo AK-630 trên tàu 1241.8 bằng cột ngắm; Thiết bị giả đạn tên lửa 3M-24E, Accular và Extra; Thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1, S125-2TM; Phần mềm chuyên dụng thiết kế tính toán dẫn đường bay và phần mềm hỗ trợ chuẩn bị bay cho phi công của trung đoàn không quân,... Cùng với đó, Viện đã thực hiện thành công, mang tính đột phá nhiều đề tài thuộc các chương trình trọng điểm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng như: Đề án KC-T; Dự án I; Đề án KC-I; KC-AT; KC-BM; KC-NQ06; Chương trình sản phẩm quốc gia TL-01. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật cho quân đội, với chức năng tham mưu, tư vấn, trong hợp tác với các quân binh chủng và các cơ quan, đơn vị, hàng năm Viện đã cử nhiều lượt cán bộ, chuyên gia có trình độ tham gia đàm phán, mua sắm trang thiết bị vật tư kỹ thuật, thiết bị công nghệ. Viện đã chủ động tiếp thu, làm chủ công nghệ, có thể triển khai độc lập, hỗ trợ hiệu quả và thường xuyên cho các nhà máy, đơn vị,… mà không phụ thuộc vào chuyên gia của bạn. Viện thường xuyên giảng dạy cho cán bộ, kỹ thuật viên các nhà máy, đơn vị về nguyên lý, cấu tạo hoạt động của các tổ hợp tên lửa, vũ khí khí tài, triển khai các quy trình công nghệ sửa chữa để đội ngũ kỹ thuật nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề trong sử dụng, sửa chữa vũ 10 N. T. Kiên, P. V. Chương, “Viện KH-CN quân sự - 60 năm … xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
  5. Những vấn đề chung khí, khí tài, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Trong 60 năm qua, với đội ngũ cán bộ khoa học của Viện được đào tạo bài bản, có trình độ cao, có bề dày kinh nghiệm và thành tích trong nghiên cứu khoa học, cùng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại, ngoài chức năng là trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự hàng đầu của quân đội, Viện còn là trung tâm đào tạo sau đại học có uy tín của quân đội và Nhà nước. Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã dành nhiều tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo, đã được Nhà nước xét công nhận học hàm 14 giáo sư và 71 phó giáo sư. Viện được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ theo 13 chuyên ngành, đã đào tạo được 280 tiến sĩ. Đã tổ chức giảng dạy hàng trăm lớp bồi dưỡng chuyên môn khoa học kỹ thuật cho cán bộ của các đơn vị trong toàn quân. Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công nghệ và những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc, Viện đã vinh dự được được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận, đánh giá cao và được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong 60 năm qua, đã có 336 phần thưởng cao quý được trao cho các cá nhân và tập thể trong Viện, trong đó có 5 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 05 đơn vị; 02 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 01 Huân chương Hồ Chí Minh; 05 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Kỹ thuật; 06 Giải thưởng Nhà nước về KHCN; 20 giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam; 12 giải thưởng KHKT thanh niên do Trung ương Đoàn TNCS HCM và các Bộ tổ chức; 193 giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội; 23 huy chương vàng tại các Hội chợ, triển lãm cùng nhiều Huân, Huy chương cao quý khác [4]. Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, nhất là trên biển Đông. Ngày nay, khoa học công nghệ đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức mạnh kinh tế, tiềm lực quốc phòng và khả năng phát triển của mỗi nước. Đứng trước đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ là tất yếu và có tính sống còn đối với mọi quốc gia. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, khoa học công nghệ là một trong những nguồn lực quan trọng hàng đầu, trở thành lực lượng chiến đấu trực tiếp, một trong những nhân tố quyết định đến thành bại của sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Mặt khác, hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội có bước phát triển mới, một số đơn vị được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Bộ Quốc phòng tiếp tục được Nhà nước giao những nhiệm vụ khoa học công nghệ quan trọng, trong đó có chương trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao và khai thác sử dụng các loại vũ khí trang bị hiện đại như tàu ngầm Kilo, tàu hộ vệ tên lửa, hệ thống tên lửa S-300, máy bay SU-30MK2, ra-đa cảnh giới hiện đại,… Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ này, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng là phải duy trì, đảm bảo hoạt động có hiệu quả đối với các viện nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực như Viện Khoa học và Công nghệ quân sự. Quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Phát huy truyền thống 60 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Viện Khoa học và Công nghệ quân sự cần phải quán triệt và triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau: Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Đặc san Hội thảo Quốc gia FEE, 10 - 2020 11
  6. Những vấn đề chung Một là, xây dựng Đảng bộ Viện trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ quân sự phát triển toàn diện, khẳng định được vị trí, vai trò trong đội hình chung của toàn quân, xứng đáng là cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, hàng đầu của quân đội, quan trọng của quốc gia. Hai là, sắp xếp, kiện toàn tổ chức lực lượng của Viện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ theo biểu tổ chức, biên chế mới; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đột phá quan trọng về chất lượng xây dựng các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ 5 năm (2021 - 2025) đã được Bộ phê duyệt. Ba là, phát huy mọi tiềm lực, bám sát thực tiễn hoạt động quân sự quốc phòng, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng điểm được Nhà nước và Bộ giao. Ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu những vấn đề cấp thiết trước mắt với những vấn đề cơ bản lâu dài; Tập trung nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, mang tầm quốc gia, có tính đột phá và tính thực tiễn cao phục vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Bốn là, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cho các chuyên ngành trọng điểm của Viện và đáp ứng yêu cầu thực tế của toàn quân, thiết thực góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đơn vị, quân đội và đất nước. Nhiệm vụ của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự nói chung, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nói riêng những năm tới rất nặng nề. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đòi hỏi toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Viện Khoa học và Công nghệ quân sự phải luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nội dung, chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng bộ Viện lần thứ V đã đề ra. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. “Lịch sử Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (1960-2010)”, NXB Quân đội nhân dân, 2010. [2]. Nguyễn Quang Bắc, “50 năm chiến đấu và lao động sáng tạo của Viện KH-CN quân sự”, Tạp chí Nghiên cứu KH-CN quân sự, số đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện KH-CN quân sự (1960-2010). [3]. Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Đức Thảo, “50 năm phát triển KH-CN của Viện KH- CN quân sự”, Tạp chí Nghiên cứu KH-CN quân sự, số đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện KH-CN quân sự (1960-2010). [4]. “Lịch sử Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (1960-2020).” [5]. “Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ khóa IV tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Viện KH-CN quân sự lần thứ V nhiệm kỳ 2020-2025”. Hoàn thiện ngày 10 tháng 9 năm 2020 Địa chỉ: 1Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng; 2 Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng. 12 N. T. Kiên, P. V. Chương, “Viện KH-CN quân sự - 60 năm … xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
10=>1