Xã hội học, số 3 - 1986<br />
<br />
XÃ HỘI HỌC VÀ LỊCH SỬ<br />
<br />
<br />
HIỂU VÀ NGĂN CHẶN DI HẠI CỦA NHO GIÁO<br />
TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG KINH TẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA *<br />
<br />
TRẦN ĐÌNH HƯỢU<br />
<br />
<br />
Nho giáo từ vị tổ sư là Khổng Tử đã nuôi một ảo tưởng là xây đựng một thiên hạ trật tự, ổn định,<br />
hòa mục, lễ nhượng, không có kiện tụng, chiến tranh, mọi người sống với nhau êm ấm như trong gia<br />
đình, “bốn bể đều là anh em”. Để thực hiện xã hội như vậy, Khổng - Mạnh muốn dựa vào sự nỗ lực tu<br />
dưỡng đạo đức của mỗi một người “từ thiên tử cho đến dân thường”, vào một nền chính trị tốt do một<br />
vị vua thánh đức, cai trị bằng đức, bằng lễ, treo gương tốt và biết giáo hóa, chứ không cần đến hình<br />
lực, thưởng phạt và pháp luật. Tín đồ của Khổng - Mạnh, vì lẽ đó vốn đinh ninh nhớ lời dạy “kẻ quân<br />
tử lo Đạo chứ không lo nghèo đói”. Khổng Tử cũng coi “làm cho dân đủ ăn” là một công việc hàng<br />
đầu để trị nước.<br />
Phải lo cho dân no ấm, nhưng no ấm chưa phải mối lo hàng đầu. Khổng Tử nói “Kẻ có nước, có<br />
nhà không lo ít mà lo không đều, không lo nghèo mà lo không yên. Bởi vì đã đều thì không có nghèo,<br />
đã hòa mục thì không có ít, đã yên ổn thì không có nghiêng đổ”. Với quyền vương hữu, vua làm chủ<br />
một quốc gia rộng lớn, nhưng lại với một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu và phân tán. Sản xuất nông<br />
nghiệp và thủ công đều nhằm tự túc, tiến hành ở từng hộ. Chưa có nhu cầu trao đổi hàng hóa rộng rãi<br />
ngoài làng xã. Vua, người có quyền sở hữu, không trực tiếp nắm vật sở hữu - ruộng đất và sức lao<br />
động - để quản lý và khai thác kinh doanh như chủ nô và lãnh chúa. Vua để ruộng đất cho làng xã quân<br />
cấp cho dân, theo hộ mà cày cấy. Vua chỉ thu vật cống nạp; tô dưới hình thức thuế. Với cách đó, vua<br />
chỉ làm chủ việc phân phối vật cống nạp; tác dụng đến sản xuất chỉ là gián tiếp, ảnh hưởng không<br />
nhiều. Việc tập trung quyền sở hữu mọi nguồn lợi ruộng đất, núi rừng, sông biển, quyền phân phối hoa<br />
lợi, quyền ban cấp tước vị vào chỉ một người, đặt vua chuyên chế vào vị trí đầu mối của những mâu<br />
thuẫn: mâu thuẫn với dân, mâu thuẫn với quý tộc (họ hàng, công thần và hào trưởng địa phương), mâu<br />
thuẫn giữa Nhà nước và làng xã tức là giữa trung ương và địa phương, giữa tập trung và phân tán. Có<br />
làm cho các lực lượng mâu thuẫn về quyền lợi đó, hoặc vui lòng hoặc sợ uy mà chịu yên, không tranh<br />
giành thì đất nước mới thái bình, ngôi vua mới yên ổn. Để tránh tranh giành, cần ổn định một tỷ lệ hợp<br />
lý giữa các phía. Cách giản tiện nhất là phân phối theo một phương án không<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
*<br />
Trích phần III của tham luận Bàn về một điểm đặc thù của thời kỳ quá độ: di hại của Nho giáo trong xây<br />
dựng kinh tế. Có chỉnh lý cho hợp khuôn khổ của Tạp chí.<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Xã hội học, số 3 - 1986<br />
<br />
40 TRẦN ĐÌNH HƯỢU<br />
<br />
<br />
thay đổi nguồn cống nạp ổn định và mức chia ổn định. Mạnh Tử chủ trương “dân theo hạng mà được<br />
chia ruộng, quan theo tước mà được cấp lộc”, nói cách khác là Nhà nước sắp xếp danh vị và mọi người<br />
theo danh vị mà có quyền, có lợi. Xác định danh vị - chính danh - vì lẽ đó được Khổng Tử coi là việc<br />
đầu tiên phải làm khi chấp chính. Cái để chia có thể nhiều hay ít, nhưng phải đạt yêu cầu quân bình.<br />
Quân bình là đều, nhưng không có nghĩa là bằng nhau, mà có nghĩa là có tương quan hợp lý. Theo<br />
Mạnh Tử, vua có 10, quan khanh có 1; quan khanh có 4, đại phu có 1... là quân bình. Tất nhiên người<br />
dân được xếp ở bậc cuối cùng, cách quan khanh không phải không nhiều. Một xã hội trật tự nhưng bất<br />
bình đẳng! Sự cách biệt để biểu hiện trật tự không chỉ là ở sự khác nhau về tước và lộc, mà còn cả ở<br />
quy chế về chất liệu, màu sắc độ dài ngắn của quẩn áo, ở quy mô nhà cửa, mồ mả, ở quy định về cách<br />
xưng hô, đi đứng... Cũng khó mà làm cho mọi người vui lòng với cái ít, không chê nghèo, yên phận,<br />
yên mệnh, lễ nhượng và hòa mục trong cảnh bất bình đẳng như vậy. Con người không cam chịu nghèo<br />
hèn, tự lực làm giàu, không chấp nhận phận, mệnh để cố ngoi lên. Xu hướng chạy theo lợi, “trên dưới<br />
tranh nhau cái lợi”, “mọi người giao tiếp với nhau bằng lợi” như vậy là nguy cơ của xã hội. Theo<br />
Mạnh Tử, như thế thì “nước ít khi không mất”. Cho nên Nho giáo cực lực chống lợi, đưa nghĩa đối lập<br />
với lời khuyên mọi người “thấy lợi thì phải nghĩ đến nghĩa”.<br />
“Quân bình thì không có nghèo, hòa mục thì không có ít” như Không Tử dạy, cũng chỉ là nói cái<br />
nghèo, cái ít tâm lý, tức là không cảm thấy nghèo, thấy ít mà đâm ra suy bì, thắc mắc, tranh giành mà<br />
thôi. Còn cái nghèo, cái ít thực tức là cái đói rét, thiếu thốn thì vẫn còn. Sách Đại học bàn đến “đạo lớn<br />
làm ra của cải”, cách “làm cho của cải luôn luôn đủ”; “làm gấp gáp mà dùng thong thả” tức là nỗ lực<br />
sản xuất và tiết kiệm. Nền sản xuất của xã hội là nông nghiệp, tô thuế cũng lấy từ nông nghiệp, cho<br />
nên nông nghiệp được coi là nghề gốc. Khổng - Mạnh và các nhà nho đời sau đều kêu gọi chăm lo cái<br />
gốc đó, đòi hỏi người cầm quyền quan tâm đến nông nghiệp, đến nông dân: vua coi trọng lễ cày tịch<br />
điền, treo gương cho dân, ra chiếu khuyến nông, vỗ về, khuyến khích nông dân cày cấy. Khổng - Mạnh<br />
chủ trương điều động lực dịch ngoài mùa cày cấy, thu thuế nhẹ, định ngạch và được báo trước... đều là<br />
nhằm làm cho nông dân có thì giờ và có hứng thú sản xuất. Nông nghiệp là nghề vất vả, gặp nhiều bất<br />
trắc mà lợi suất không cao. Những người muốn có nhiều lợi, muốn làm giàu đều bỏ nghề nông mà<br />
buôn bán. Buôn bán không những làm lơ là nghề gốc mà còn là không theo mệnh, không yên phận,<br />
cho nên Nho giáo coi thương nghiệp là nghề của “kẻ hèn hạ” (tiện trượng phu). Trong tứ dân, thương<br />
nhân bị xếp vào hạng bét, và về sau, nhiều chính sách ức thương khác được ban hành. Mạnh Tử đã bàn<br />
về vấn đề phân công, vấn đề trao đổi, vấn đề giá cả, chính sách thu thuế chợ, thuế đi lại..., tức là không<br />
phải chủ trương một nền kinh tế chỉ tự túc, nhưng đường lối kinh tế là trọng nông, ức thương, giữ nông<br />
dân không cho rời bỏ ruộng đất, làng xã để ổn định việc nộp thuế, đi phu, đi lính cho nhà vua. Làm gấp<br />
gáp để làm cho của cải luôn luôn đủ, theo thuyết “thông công dịch sự” - trao đổi trên cơ sở phân công<br />
lao động - của Mạnh Tử, cũng không phải là việc của những người lao tâm “lấy của chia cho thiên hạ”<br />
(vua quan ), “lấy điều thiện dạy cho thiên hạ” (kẻ sĩ). Biện pháp quan trọng nhất để giải quyết cái<br />
nghèo vẫn là tiết kiệm. Người làm ruộng sau khi nộp tô thuế không còn lại bao nhiêu, mà nhà vua thu<br />
cống nạp trên toàn quốc, tuy không phải là ít, nhưng cũng không phải là luôn luôn đủ. Nhà nước, theo<br />
Nho giáo, vốn quan hệ với dân theo kiểu cha con: cùng giàu, cùng nghèo, tài sản không rành mạch;<br />
vua -cha dễ dàng lấy của con - dân để sống<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Xã hội học, số 3 - 1986<br />
<br />
Hiểu và ngăn chặn… 41<br />
<br />
<br />
xa xỉ, nghĩa là bóc lột nặng. Khổng - Mạnh chủ trương thuế suất 1/10 và cách chi tiêu trừ các khoản<br />
phụng dưỡng cha mẹ, tang ma, tế lễ và tiếp đãi tân khách, các khoản khác đều nên lựa chọn cách ít tốn<br />
kém nhất. Tuy vậy, Nho giáo vốn trọng nghi lễ và chuộng sự đúng mức. Người cầm quyền tiết kiệm là<br />
có đức, nhưng nếu đến như An Anh làm Tướng quốc nước Tề hùng cường mà suốt 30 năm chỉ đi một<br />
cỗ xe tàng mặc một chiếc áo lông sờn rách thì lại là thiếu thể thống, không xứng với địa vị. Để làm cơ<br />
sở lý thuyết cho chủ trương tiết kiệm, tiết kiệm theo đúng phận vị. Nho giáo thuyết minh quan điểm tri<br />
túc, thiếu một chút cũng là đủ, tiếpt dục, hạn chế sự đòi hỏi, coi thường của cải và hạnh phúc vật chát,<br />
lên án dục vọng, nhấn mạnh theo lễ, yên mệnh. Và để thực hiện sự quân bình theo lễ một cách vĩnh<br />
viễn, Mạnh Tử còn muốn tiến thêm một bước quy định tài sản của dân bằng phép “tỉnh điền”. Tỉnh<br />
điền là chia ruộng đất thành ô vuông đều nhau. Mỗi khoảnh 9 ô; nông dân chia cày và tự thu hoạch 8 ô<br />
xung quanh, còn ô ở giữa thì cùng cày và nộp hoa lợi cho nhà vua. Khi đã chia xong, không ai được<br />
lấn thêm bờ cõi, khai hoang thêm diện tích, làm giàu ngoài phận. Những gia đình quan lại, được nhận<br />
nhiều hơn, đã được hưởng lộc, không được làm thêm nghề phụ, tranh lợi với dân. Không chỉ Mạnh Tử,<br />
mà cả các thế hệ nhà nho đời sau, cho đến tận dưới thời Tự Đức ở ta, vẫn còn tiếc rẻ cái phương án tốt<br />
đẹp và quân binh ấy. Lo cho dân no đủ cũng là lo giữ vững trật tự phận vị “kẻ quân tử lo nghĩ về Đạo<br />
chứ không lo nghĩ về cái ăn”, “chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết (trái lễ) mới là chuyện lớn”. Những vấn<br />
đề kinh tế không được đặt ra theo góc độ kinh tế mà theo góc độ chính trị - xã hội, được giải quyết<br />
không theo cách kinh tế mà theo cách đạo đức hành chính.<br />
Với sự thống trị lâu dài, Nho giáo đã ổn định một thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, và con người<br />
cũng dần dần tìm ra cách sống phù hợp với nó. Thể chế xã hội theo Nho giáo chỉ mở một con đường<br />
độc đạo để sống sung sướng: kiếm danh vị bằng cách đi học, thi đỗ và làm quan. Danh vị là phương<br />
tiện kiếm sống: có vị thì có lộc, có bổng. Ông quan hưởng bổng khác người công chức ăn lương. Ông<br />
quan - kẻ có vị - theo Nho giáo là kẻ có đức, có công giáo hóa, là cha mẹ dân, cần có vinh dự, được<br />
dân yêu kính, biết ơn. Ngoài vị là danh, ngoài lộc là bổng. Bổng là quà tặng, vật biếu, của vi thiềng để<br />
tỏ lòng kính trọng, biết ơn người làm thầy, làm cha mẹ dân. Với cách sống lễ nghĩa, vật vi thiềng đó là<br />
hợp pháp. Bổng lộc - của được vua ban cấp và dân biếu xén - bao giờ cũng quý hơn miếng ăn tự kiếm<br />
lấy. Người có vị không những có lợi mà còn có quyền, có uy tín, có tiếng thơm, ngoại phần mình<br />
hưởng còn có thể chia phúc cho cả gia đình, họ hàng thậm chí cho cả làng xóm nữa. Thực tế đó tạo ra<br />
trong xã hội tâm lý chạy theo danh vị, không chuộng thực nghiệp. Có nghề cầm tay, trong thực tế cũng<br />
có thể đảm bản cho bản thân và gia đình sống no ấm, nhưng như vậy vẫn còn là hèn, đáng tủi nhục,<br />
chưa có danh dự. Cho nên người làm cha mẹ nào cũng cố gắng cho con đi học; người đi học nào cũng<br />
lo thi đỗ; có khi đi học, đi thi cho đến 80 tuổi. Học không phải để có tri thức mà để kiếm danh vị. Việc<br />
làm giàu không được coi là chính đáng. Có làm được giàu cũng không được bảo vệ. Hưởng thụ của cải<br />
do mình làm ra, nếu không hợp danh vị, thì cũng phải vụng trộm, giấu giếm, không đàng hoàng. Đã<br />
phú thì phải chuyển thành quý mới chắc chắn. Có thể kiếm danh bằng con đường thi đỗ. Nhưng cũng<br />
có thể kiếm danh còn nhanh chóng hơn và chắc chắn hơn hằng mua bán và tìm nơi dựa dẫm. Nho giáo<br />
tạo ra một xã hội coi thường lao động, sản xuất, coi thường kinh doanh, coi thường nghề nhiệp. Quả là<br />
một xã hội ham học, nhưng học để làm quan. Di hại của nó<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Xã hội học, số 3 - 1986<br />
<br />
42 TRẦN ĐÌNH HƯỢU<br />
<br />
<br />
là ở cách suy nghĩ, tính toán, là từ con đường mòn nó vạch sẵn, từ tâm lý xã hội mà nó để lại.<br />
Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mà ta xây dựng hoàn toàn khác nền kinh tế theo Nho giáo. Ta tiến<br />
hành công cuộc xây dựng nói sau những biến đổi cực lớn trong xã hội: cách mạng Tháng Tám và hai<br />
cuộc kháng chiến và đến nay đã 30 năm. Một điều rất đáng chú ý là khi thực hiện nhiều chủ trương có<br />
nội dung cách mạng, xã hội chủ nghĩa thật sự mà kết quả thì lại giống như trở lại thời xưa. Tình hình<br />
như vậy ở nông thôn nhiều khi khá rõ.<br />
Trong nông nghiệp, chúng ta thực hiện sở hữu Nhà nước và tập thể xây dựng hợp tác xã nông<br />
nghiệp, từ quy mô thôn nâng lên quy mô xã. Gặp khó khăn trong sản xuất và để thực hiện quyền làm<br />
chủ tập thể của quần chúng, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, kích thích hứng thủ sản xuất, tạo điều<br />
kiện sử dụng hợp lý sức lao động trong gia đình, chúng ta để hợp tác xã khoán sản phẩm cho các hộ<br />
nông nghiệp. Ở làng xã mà nhìn việc đó giống như chia cày công điền ngày xưa.<br />
Chúng ta đào tạo đội ngũ khoa học - kỹ thuật đông đảo. Nhưng trong điều kiện kinh tế phát triển<br />
còn thấp, không có đủ cơ sở để sử dụng thì kỹ sư không phải là người hành nghề, mà thành cán bộ,<br />
sống bằng bằng cấp và danh vị.<br />
Ta không chủ trương tổ chức Đảng và Nhà nước gồm những người có đức làm “cha - mẹ dân, giáo<br />
hóa dân”, nhưng cán bộ không tự coi mình trước hết có trách nhiệm hoàn thành một khâu công việc<br />
nào đó, mà chỉ coi mình là người giác ngộ, có đạo đức, gương mẫu, có trách nhiệm giáo dục quần<br />
chúng.<br />
Ta theo chế độ xã hội chủ nghĩa, trả lương theo lao động, nhưng với chính sách bao cấp thì cũng<br />
giống phân phối theo phận vị. Và người có vị, có chức vụ có những quyền lợi được Nhà nước đảm bảo<br />
chắc chắn làm nảy nở tâm lý kiếm bằng cấp, vào biên chế giành chức vụ…<br />
Điều quan trọng không phải là một chỗ nào đó giống xưa, mà là cái nọ gọi cái kia, con đường cũ tái<br />
hiện, tâm lý cũ tái sinh, những kinh nghiệm sống trước đây lại được vận dụng, có khi là vận dụng để<br />
đối phó với Nhà nước xã hội chủ nghĩa (dựa vào tình họ hàng, quê hương mà nâng đỡ, bao che , phe<br />
cánh, coi tài sản nhà nước như của cha chung...). Thanh niên và các bậc phụ huynh lại toan tính con<br />
đường chắc chắn: học cho có bằng cấp vào biên chế, sống dựa vào Nhà nước, kiếm lộc và... kiếm<br />
bổng. Chuẩn bị vào đời bằng trau dồi “tư cách” (nhận xét tốt và đạo đức, vốn hoạt động chính trị...) và<br />
bằng bằng cấp chứ không phải bằng nghề nghiệp tự lập. Ngoài cách đó, cũng lại có chuyện làm giàu<br />
trái pháp luật, cũng hưởng thụ lén lút, cũng tìm chỗ dựa dẫm để che giấu: những cái tiêu cực theo<br />
đường mòn mà đến xã hội mới hoặc nguyên hình hoặc biến dạng.<br />
Phát sinh vấn đề là từ chỗ khi ta bắt đầu xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải tiếp nhận<br />
một tổ chức kinh tế - xã hội của những hộ tiểu nông, những làng xã với một ít đô thị chưa có công<br />
nghiệp phát triển với tâm lý xã hội tương ứng với tình hình phổ biến là nông thôn - và là nông thôn<br />
chịu ảnh hưởng Nho giáo - như vậy. Khi tiến hành tổ chức lại, ta chưa chú ý cái nguồn gốc Nho giáo<br />
và không có ý thức tránh hội tụ những điều kiện làm cái cũ tái sinh.<br />
Nếu như trước đây, trong cuộc sống phổ biến có tính nông thôn Nho giáo ảnh hưởng không chỉ đến<br />
các tầng lớp thống trị mà đến cả trí thức, nông dân, thì ngày nay trong cuộc sống căn bản vẫn còn là<br />
nông thôn, cũng không chỉ là nông dân mà cả trí thức<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Xã hội học, số 3 - 1986<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hiểu và ngăn chặn… 43<br />
<br />
<br />
cán bộ, đảng viên chưa thấy sự đối lập giữa lối sống cũ theo Nho giáo và lối sống công nghiệp hiện đại<br />
của xã hội xã hội chủ nghĩa: thành phố chứ không phải nông thôn (hay thành thị hóa nông thôn chứ<br />
không phải nông thôn hóa thành thị), công nghiệp chứ không phải nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật chứ<br />
không phải đạo lý, cá nhân - công dân trong xã hội chứ không phải con em trong làng nước, luật pháp<br />
chứ không phải tình nghĩa. Những con người - ông già và thanh niên - giống như những nhà nho xưa<br />
tự hào về đạo đức, ưa sống nhàn nhã, trà lá, lề mề và hay nói suông những chuyện “khoa học”, “hiện<br />
đại”, thiếu nghề nghiệp và thiếu cả quyết tâm hành động thực tế, đầy thiện chí thương dân, yêu nước<br />
mà cũng đầy ảo tưởng; theo ảo tưởng nên tính toán sai, đầy thiện chí nên tự tin, cố chấp. Những quan<br />
điểm coi nghĩa trọng hơn lợi, đức trọng hơn tài, giáo hóa hơn hình chính, tình nghĩa hơn lẽ phải, dẫn<br />
đến chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa gia đình. Tất cả gây ra lùng nhùng, giây giưa trong sự lùng nhùng.<br />
Đó là chỗ tai hại khó khắc phục nhất của ảnh hưởng Nho giáo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế.<br />
Nho giáo không phải là học thuyết kinh tế, không ra mặt đối lập với chủ nghĩa xã hội, không tác<br />
động trực tiếp vào những đường lối, chủ trương về kinh tế. Nhưng bằng những quan điểm về cách<br />
sống, bằng cách suy nghĩ, tính toán, bằng động cơ, tâm lý do nó để chống lại công việc xây dựng kinh<br />
tế xã hội chủ nghĩa bị nó làm sa lầy, bị làm mục ruỗng, bị phá hoại. Quyết định vấn đề xây dựng kinh<br />
tế là tài nguyên, là vốn, là kỹ thuật, tổ chức quản lý kinh doanh… chứ không phải là ý thức và tâm<br />
lý…Tuy vậy nếu không giải quyết những vấn đề liên quan đến xã hội, đến con người như vậy thì xây<br />
dựng cũng dễ bị lạc hướng về nẻo xưa. Sự định hướng của những cái cũ, vô ý mà để trỗi dậy như vậy,<br />
dầu chắc chắn không thể làm hỏng con đường theo quy luật tất yếu là xây dựng thành chủ nghĩa xã<br />
hội, nhưng cũng gây ra nhiều bước quanh co, mất nhiều thời gian và sức lực. Nhận thức về vai trò Nho<br />
giáo và nhận diện ảnh hưởng của nó trong thực tế là điều hết sức quan trọng trong thời gian ban đầu đi<br />
lên chủ nghĩa xã hội. Có hiểu nó mới tìm ra cách cô lập, vô hiệu hóa ảnh hưởng, mới biết tránh hội tụ<br />
những điều kiện để nó thông qua thói quen suy nghĩ, tâm lý xã hội cũ làm bánh xe rơi xuống rãnh cũ.<br />
Nói cách khác, đó cũng là giữ vững tính đô thị, tính công nghiệp, tính khoa học trong các cơ sở kinh tế<br />
xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng ta không nên bằng lòng với những nhận định sách vở. Nho giáo có<br />
những điều kiện tồn tại nhất định; ảnh hưởng của nó cũng rất khác nhau ở những vùng đất, những địa<br />
hạt những đối tượng khác nhau. Cho nên chúng ta rất cần có những kết luận xã hội học về thực tế ảnh<br />
hưởng do ở nông thôn và thành thị. Ở xí nghiệp, cơ quan, trường học, ở người già và người trẻ, ở dân<br />
thường và cán bộ, đảng viên, ở miền Nam và miền Bắc, ở một số tỉnh có ý nghĩa vùng văn hóa... thì<br />
mới có biện pháp giải quyết có hiệu quả.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />