intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, “lợi ích nhóm”

Chia sẻ: Quang Lê | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

42
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là nhiệm vụ quan trọng quyết định sinh tồn của Đảng, sự thành bại của cách mạng. Trước những yêu cầu đổi mới hiện nay, việc tăng cường rèn luyện, xây dựng phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, vấn đề xây dựng đạo đức của người cán bộ, đảng viên là một yêu cầu khách quan, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, “lợi ích nhóm”

  1. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, BÈ PHÁI, “LỢI ÍCH NHÓM”  PGS, TS DƯƠNG TRUNG Ý Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là nhiệm vụ quan trọng quyết định sinh tồn của Đảng, sự thành bại của cách mạng. Trước những yêu cầu đổi mới hiện nay, việc tăng cường rèn luyện, xây dựng phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, vấn đề xây dựng đạo đức của người cán bộ, đảng viên là một yêu cầu khách quan, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. 1 - Đạo đức cách mạng đòi hỏi người đảng viên phải đặt lợi ích của tập thể lên trên, lên trước lợi ích cá nhân: có tinh thần phấn đấu, cầu thị, ham học hỏi, cầu tiến bộ; phải làm việc chuyên cần, chịu khó, chịu khổ, khắc phục khó khăn, thực hành tiết kiệm; phải biết giữ tư cách, liêm sỉ, thanh danh, chính trực; trung thực với chính mình và với tổ chức, cơ quan, đoàn thể, trung thực trong các quan hệ, trong gia đình, với đồng chí, đồng nghiệp: phải sống và làm việc theo nguyên tắc chí công vô tư, mọi hành động, lời nói, đặc biệt là việc làm phải đặt uy tín, danh dự, lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên, lên trước lợi ích cá nhân: không tham nhũng, hành động tiêu cực, tư lợi cá nhân. Đạo đức của người cán bộ, đảng viên có những tiêu chuẩn, đòi hỏi cao hơn đạo đức công dân bình thường, như sự tiên phong, gương mẫu, tính trung thực, trung thành, sẵn sàng hy sinh, cống hiến sức lực, trí tuệ, xương máu cho sự nghiệp chung. Đạo đức đó đã được lớp lớp các thế hệ đảng viên, chiến sĩ cách mạng của 185
  2. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 Đảng thể hiện một cách sinh động, phong phú, thanh tao, cao đẹp trong suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Tuy nhiên, đạo đức đó cũng không phải tự nhiên mà có, mà phần lớn do giáo dục, học tập, rèn luyện mà nên. Đạo đức cách mạng giúp cho người cán bộ, đảng viên có suy nghĩ, nhận thức và hành động đúng đắn, có tư cách đàng hoàng, đúng mực trong các mối quan hệ xã hội; giúp cho người cán bộ, đảng viên khắc phục, vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ, thách thức, sẵn sàng hy sinh, công hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Đạo đức đó cũng giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn tự tin, chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 2 - Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, bè phái và “lợi ích nhóm”, là những loại “bệnh, tật” hết sức trầm trọng, nguy hiểm trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, là những biểu hiện đặc trưng, điển hình của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay. Những cán bộ, đảng viên có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa là những người luôn đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình, người thân mình lên trên lợi ích của tập thể, lợi ích chung. Họ luôn có xu hướng đặt quyền và lợi ích riêng lên trên, lên trước khi thực hiện một việc gì đó, kể cả khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ở trình độ cao, tinh vi hơn là những toan tính mang vẻ đề xuất, cổ súy cho cái chung, vì lợi ích chung, nhưng thực chất là vì lợi ích riêng, “lợi ích nhóm”. Những người cá nhân chủ nghĩa cũng thường là những người duy ý chí, có tư tưởng áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Họ luôn có tư tưởng đố kỵ ganh ghét, kèn cựa, suy bì, tị nạnh, gây mất đoàn kết nội bộ; nói nhiều, làm ít, hoặc chỉ nói mà không làm. Một số người lại háo danh, ham hố quyền lực, thích được ca ngợi, đề cao, thích thể hiện bản thân; rất biết tranh thủ, kiếm cớ để bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ 186
  3. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 lãnh đạo, quản lý. Biểu hiện, tồn tại ở trình độ cao, phạm vi rộng và nguy hiểm của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa chính là hiện tượng bè phái, lợi ích nhóm. “Lợi ích nhóm” ở đây được hiểu là những lợi ích được hình thành do có sự cấu kết, móc ngoặc giữa các tập thể, cá nhân, tổ chức trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật, nhằm lợi dụng những chủ trương, chính sách, cơ chế ưu đãi, những kẽ hở của pháp luật để trục lợi; hoặc vận động, tác động không lành mạnh, chi phối việc ban hành và thực thi chính sách để có lợi nhất cho một hoặc một số nhóm người, nhóm xã hội, nhóm đối tượng nhất định. Hiện nay, “lợi ích nhóm” rất phong phú, đa dạng cả trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, cả về quy mô, từ lớn đến nhỏ. “Lợi ích nhóm” có thể xuất hiện, được hình thành trong bất cứ việc thực hiện chủ trương, chính sách nào, từ chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại đầu tư, cổ phần hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng, phát triển các đặc khu kinh tế, thu hút vốn đầu tư, cho đến chủ trương nội địa hóa một ngành sản xuất nào đó nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. “Lợi ích nhóm” gây hậu quả rất lớn cho Đảng, Nhà nước và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Về chính trị, nó có thể làm méo mó, biến dạng các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân, thậm chí làm mất bản chất của Đảng, Nhà nước và chế độ, dẫn đến chệch hướng xã hội chủ nghĩa, hình thành “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, gây mất đoàn kết, phân liệt, thậm chí đối kháng trong nội bộ Đảng. Về kinh tế - xã hội, nó có thể làm thiệt hại và tổn hao lớn các nguồn lực về tài chính, tài nguyên, khoáng sản của đất nước; gây bất bình đẳng về việc làm, thu nhập và lợi ích giữa các nhóm người trong xã hội, gây mâu thuẫn, mất ổn định chính trị - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, “lợi ích nhóm” gắn chặt với tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Sở dĩ việc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn này chưa mấy hiệu quả là bởi nó ẩn sâu, gắn chặt với “lợi ích nhóm”. 187
  4. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 3 - Để tăng cường xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, “lợi ích nhóm” hiện nay, cần chú trọng thực hiện những biện pháp chủ yếu sau: Một là, tăng cường giáo dục về đạo đức cách mạng, lấy đạo đức là tiêu chuẩn, điều kiện hàng đầu trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, bè phái, “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến", “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên đều bắt nguồn từ suy thoái về đạo đức mà ra. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về vai trò của đạo đức cách mạng trong điều kiện mới đối với mỗi cán bộ, đảng viên là rất cần thiết. Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu chấp hành tốt, vận dụng, thực hiện đúng đắn, sáng tạo chủ trương, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay để làm giàu chính đáng. Các cấp ủy đảng cần đặc biệt coi trọng tiêu chuẩn đạo đức trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ; tuyệt đối không xem nhẹ, bỏ qua hay thay thế các tiêu chuẩn đạo đức bằng các tiêu chuẩn, điều kiện khác. Đồng thời, kiên trì quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có tài, vừa có đức. Xác định rõ, xây dựng Đảng về đạo đức cũng chính là xây dựng nền tảng văn hóa chính trị, kỷ cương bền vững cho sự tồn tại và phát triển của Đảng. Hai là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Có thể nói, việc thực hiện không nghiêm, không đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng cũng chính là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, thậm chí là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tất cả các biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức,... trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, có nguyên nhân quan trọng là sự tồn tại của “lợi ích nhóm”, cũng như không thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Thực tế cũng cho thấy, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng thường bị thực hiện biến dạng ở không ít nơi 188
  5. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 vì “lợi ích nhóm”, như lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để thông qua những chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch có lợi cho một nhóm người. Cũng không ít trường hợp biến sinh hoạt tự phê bình và phê bình thành diễn đàn để phê phán, lên án, tẩy chay những ý kiến trái chiều, chống lại lợi ích của phe nhóm mình; cũng có không ít trường hợp viện cớ giữ gìn sự đoàn kết trong cấp ủy, tổ chức đảng mà thủ tiêu đấu tranh, thực hiện phê bình một cách thiếu nghiêm túc. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng phải duy trì thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, đề cao tính dân chủ, yêu cầu dân chủ, tính tự giác, trung thực, thẳng thắn của cán bộ, đảng viên trong báo cáo, đánh giá, tự phê bình và phê bình, kiên quyết không để tập thể, cá nhân nào lợi dụng các nguyên tắc sinh hoạt đảng để phục vụ lợi ích cá nhân. Trong sinh hoạt đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xem xét, khai thác, phân tích, cảnh báo triệt để, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, bè phái và “lợi ích nhóm”. Đặc biệt, thường trực cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy phải luôn gương mẫu, tỉnh táo, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với tổ chức đảng, cần hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh, chức vụ đối với cán bộ, đảng viên; quy định chặt chẽ về kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, quy trình thông qua chủ trương, nghị quyết, quyết định: hoàn thiện quy chế hoạt động của cấp ủy, thường vụ, thường trực cấp ủy, quy chế chất vấn, bầu cử và giới thiệu ứng cử: quy định về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các tổ chức đảng, nhất là cấp ủy, ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra của cấp ủy phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chú trọng những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân giữ vị trí, chức vụ có nhiều yếu tố nhạy cảm về lợi ích. 189
  6. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 Nhà nước cần có những quy định cụ thể về quy trình xây dựng, hoạch định chính sách, bảo đảm mỗi chính sách, pháp luật được Quốc hội hoặc Chính phủ thông qua phải được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan chức năng, từ Quốc hội, các ủy ban, các đoàn giám sát của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đến hội đồng nhân dân các cấp, và đặc biệt là của đông đảo quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của tổ chức đảng, tập thể cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên đang thực hiện chức trách của mình. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cần đổi mới căn bản về chế độ, chính sách tiền lương, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên trước hết có thể sống được bằng lương ở mức trung bình của xã hội. Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản, quy định để kiểm soát chặt chẽ thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, không để tình trạng “rửa tiền” qua các ngân hàng, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, quà biếu tặng, hoặc bằng các chuyến thăm quan du lịch nước ngoài, thậm chí là đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội,... Bốn là, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ và trong các hoạt động kinh tế, hoạch định chính sách; cũng như nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm nguyên tắc, kỷ luật. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thuế cần thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tính thuế và thu thuế đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm khắc những tập thể, cá nhân vi phạm chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 190
  7. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 Những trường hợp không còn đủ tư cách kiên quyết sớm đưa ra khỏi Đảng, những trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật thì kiên quyết xử lý bằng pháp luật, không xử lý nội bộ. Truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra tham nhũng, tiêu cực mà không chủ động đấu tranh, phòng, chống. Năm là, phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan thông tấn, báo chí. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bè phái, “lợi ích nhóm” ngay trong hệ thống tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và trong mỗi cấp, mỗi tổ chức của mình. Với tư cách là thành viên trong Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, các đại biểu là đại diện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện trọng quá trình xây dựng và hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện chúng: thường xuyên bám sát tình hình mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và ý kiến phản ánh của nhân dân, tăng cường, tích cực chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan thông tin đại chúng đã có đóng góp rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và những tệ nạn khác. Rất nhiều vụ, việc tham nhũng, tiêu cực những năm vừa qua được phát hiện và đưa ra xét xử là do các cơ quan báo chí phát hiện, được nhân dân rất hoan nghênh, tin tưởng, ủng hộ. Bởi vậy, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, lợi thế, góp phần đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn nói trên ⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯ Nguồn: Tạp chí Cộng sản - 2017 - số 122 - tr.32-35 191
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0