intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ý nghĩa và thực tiễn áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

21
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết dưới đây đề cập đến 3 vấn đề: Bản chất và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam; Việc lựa chọn và áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp và phân tích, bình luận một số án lệ cụ thể.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ý nghĩa và thực tiễn áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam

  1. Ý NGHĨA VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN VIỆT NAM Nguyễn Công Phú Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) TÓM TẮT Đề án phát triển án lệ là một chủ trương mới, được Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Tòa án Việt Nam từ năm 2015. Đây là một chủ trương đúng đắn, tích cực, đáp ứng phần nào nhu cầu của thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề còn cần phải trao đổi. Bài viết dưới đây đề cập đến 3 vấn đề: Bản chất và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam; việc lựa chọn và áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp và phân tích, bình luận một số án lệ cụ thể. TỪ KHÓA: Án lệ, tính thuyết phục, tính mẫu mực, tính chỉ đường, lấp đầy khoảng trống, án lệ theo chiều dọc, án lệ theo chiều ngang. Đề án phát triển án lệ là một chủ trương mới, được Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Tòa án Việt Nam từ năm 2015 mà khởi đầu chính thức là Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Sau gần 4 năm thực hiện, ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua và ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP để thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP nói trên. Không thể phủ nhận chủ trương phát triển án lệ là một chủ trương đúng đắn, tích cực, và thực tiễn áp dụng các án lệ đã được công bố trong hoạt động xét xử của Tòa án các cấp đã phần nào chứng minh được điều đó. Tuy nhiên, liên quan đến khái niệm “án lệ” và việc lựa chọn, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi thêm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin đề cập đến 3 vấn đề: Bản chất và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam; việc lựa chọn và áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp và phân tích, bình luận một số án lệ cụ thể. Bản chất và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam: Hiểu thế nào cho đúng? Chúng ta đều biết bản chất của án lệ là phán quyết của Tòa án có tính thuyết phục cao được các Thẩm phán coi là mẫu mực để hướng tới khi xét xử các vụ án tương tự. Tuy nhiên, theo cách hiểu của nhiều nước trên thế giới, tính thuyết phục và tính mẫu mực không phải là yếu tố cốt lõi làm cho một phán quyết của Tòa án trở thành một án lệ. Những phán quyết có đặc tính như thế trong mỗi quốc gia và trên thế giới có rất nhiều và thông thường ít ai quan tâm, ngoại trừ những người có liên quan đến vụ án đó. 217
  2. Yếu tố cốt lõi giúp cho một phán quyết của Tòa án trở thành một án lệ chính là tính “chỉ đường” của nó. Đặc tính này giúp cho phán quyết được coi là án lệ có một vị trí đặc biệt, một ý nghĩa vượt ra khỏi giới hạn của một vụ án cụ thể mà nó giải quyết, được nhiều thẩm phán, luật sư và giới chuyên gia luật trong nước cũng như trên thế giới quan tâm, tham khảo và áp dụng trong thực tiễn xét xử cũng như trong nghiên cứu khoa học về luật. Tính “chỉ đường” của án lệ chỉ có ý nghĩa ở những nơi mà các thẩm phán hoàn toàn không có một phương tiện nào khác “dẫn đường” cho mình khi xét xử. Đó chính là những lúc “người dẫn đường” là pháp luật vắng bóng hoặc cái bóng của nó quá mập mờ, không thể nhìn rõ, và người đóng vai dự bị cho pháp luật là tập quán cũng không hiện diện để chỉ lối cho thẩm phán. Tính chỉ đường của án lệ đã nói lên vai trò của án lệ trong thực tiễn xét xử: Là phương tiện thay thế cho pháp luật khi pháp luật vắng mặt, hay nói theo cách mà các chuyên gia luật thường nói, là phương tiện lấp đầy khoảng trống của pháp luật. Đó là vai trò và ý nghĩa của án lệ theo cách hiểu của nhiều nước trên thế giới. Còn ở Việt Nam ta thì sao? Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ quy định về tiêu chí để lựa chọn án lệ như sau: “Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây: 1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; 2. Có tính chuẩn mực; 3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.” Với cách xác định các tiêu chí của một án lệ như trên, dường như TANDTC đã bỏ qua dấu hiệu đặc trưng của một án lệ theo cách hiểu của nhiều nước trên thế giới là tính chỉ đường của án lệ trong trường hợp thiếu vắng quy định của pháp luật, hay nói cách khác, dường như TANDTC đã không thừa nhận vai trò của án lệ như là một phương tiện lấp đầy khoảng trống của pháp luật như nhiều nước đã thừa nhận. Chẳng những thế, TANDTC còn yêu cầu án lệ phải chỉ ra “quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể”. Như vậy, ngay từ đầu, khái niệm án lệ đã được TANDTC định nghĩa không giống với cách hiểu của nhiều nước trên thế giới. Nếu có điểm nào giống với các nước thì đó chỉ là giống ở tính mẫu mực và tính chỉ đường “làm rõ quy định của pháp luật” trong trường hợp pháp luật còn mập mờ. Sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) được thông qua (sau khi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP nói trên được ban hành khoảng gần một tháng) và qua một quá trình thực hiện, có lẽ nhận ra sự thiếu sót nói 218
  3. trên, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 để thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, trong đó đã bổ sung tiêu chí “hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”. Cách định nghĩa án lệ như vậy đã tiếp cận với cách hiểu của nhiều nước trên thế giới. Đây chính là hệ quả của việc cập nhật những quy định mới của BLDS và BLTTDS về các “phương tiện dẫn đường” khác, trong đó có án lệ, đóng vai trò thay thế khi thiếu vắng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, TANDTC vẫn không từ bỏ một trong những tiêu chí lựa chọn án lệ là chỉ ra “quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể”. Thực tế việc lựa chọn án lệ được thực hiện như thế nào ở Việt Nam? Trong 43 án lệ đã được lựa chọn và công bố, có thể thấy đại đa số các án lệ đều rơi vào trường hợp đã có quy định của pháp luật nhưng do Tòa án các cấp xử không đúng pháp luật nên TANDTC phải hủy án để xử lại. Những trường hợp như vậy theo cách hiểu của các nước thì không phải là án lệ. Chỉ có một số ít trường hợp là quy định của pháp luật không rõ ràng và càng hiếm hoi hơn, là trường hợp không có quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp như vậy, tức là những trường hợp thực sự cần phải có án lệ, thì đáng tiếc là những án lệ được lựa chọn và công bố lại chưa thể hiện được tính thuyết phục, hay nói cách khác, chưa xứng đáng để được coi là án lệ. Một số án lệ được phân tích dưới đây sẽ cho thấy rõ điều đó: - Án lệ số 08/2016: Án lệ thuyết phục về quan điểm tính lãi liên tục nhưng chưa giải thích được vì sao không áp dụng quy định của BLDS về mức trần lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng. - Án lệ số 09/2016: Án lệ chưa giải thích được vì sao không được tính lãi trên số tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại; vì sao áp dụng Điều 306 Luật Thương mại 2005 để tính lãi chậm trả đối với số tiền ứng trước trong khi phạm vi áp dụng của điều này không bao gồm tiền ứng trước. - Án lệ số 42/2021: Án lệ có tính thuyết phục do đưa ra quan điểm giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật (Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Tuy nhiên, vì đã có quy định của pháp luật và quy định này rất rõ ràng nên án lệ này chưa đúng nghĩa là án lệ theo cách hiểu thông thường của các nước. … Dù sao, chúng ta hãy tìm hiểu xem án lệ đã được áp dụng như thế nào trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp ở Việt Nam. Áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp ở Việt Nam? Thực ra, không phải đợi đến khi có chủ trương phát triển án lệ thì các Thẩm phán Việt Nam mới phải xử theo án lệ. Thực tế, từ nhiều năm trước, các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án Việt Nam đã coi những Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là những án lệ không chính thức, dù không có văn bản nào của TANDTC 219
  4. buộc các Thẩm phán phải xử các vụ án tương tự theo quan điểm được đưa ra trong các Quyết định giám đốc thẩm đó. Sở dĩ có thực tế đó là vì các Thẩm phán đều hiểu rằng người có thẩm quyền phán xét cuối cùng trong các vụ án, kể cả hình sự, dân sự và hành chính, chính là Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cơ quan xét xử cao nhất trong hệ thống Tòa án Việt Nam. Một khi cơ quan này đã đưa ra quan điểm giải quyết một vụ án thì các vụ án tương tự không thể có quan điểm giải quyết khác và không Thẩm phán nào “dám” xử trái quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cả, dù có đồng tình hay không đồng tình với quan điểm đó, vì nguy cơ bị hủy án rất cao và trách nhiệm của Thẩm phán sẽ được xem xét nếu bị hủy án, nhẹ thì ảnh hưởng đến thành tích thi đua, còn nặng thì có thể bị ngừng làm nhiệm vụ xét xử hoặc thậm chí có thể không được tái bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ. Nay với quy định tại các Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ nói trên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các Thẩm phán Việt Nam lại càng phải tuân theo sát sao các chỉ dẫn trong các án lệ đã công bố khi xử các vụ án tương tự vì nếu xử khác đi thì trách nhiệm của Thẩm phán còn nặng nề hơn trước đây do đã có văn bản quy định hẳn hoi, các án lệ đều được công bố sau khi được lựa chọn, các Thẩm phán không thể đổ thừa là không biết có án lệ hoặc không có quy định buộc phải xử theo án lệ. Dù TANDTC có mở lối cho các Thẩm phán được quyền không áp dụng án lệ trong các tình huống pháp lý tương tự với điều kiện phải nói rõ lý do trong bản án, quyết định của mình, nhưng thực tế thì hầu như không có Thẩm phán nào dám làm điều đó cả (ngay cả khi có lý do để giải thích) vì ai cũng thuộc lòng câu ca dao từ ngàn xưa: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Việc áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay, do đó, xuất phát từ sự áp đặt của TANDTC nhiều hơn là từ tính thuyết phục của án lệ như thường thấy ở các nước. Bởi vì con đường hình thành án lệ ở Việt Nam là con đường “nhân tạo” do TANDTC xây dựng và buộc các Thẩm phán phải đi theo chứ không phải là con đường được hình thành một cách tự nhiên, từ những con đường mòn được nhiều người thấy thuận tiện mà tự đi theo lâu ngày trở thành đường, như thường thấy ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, cũng từ đặc điểm đó mà ở Việt Nam chỉ có án lệ theo chiều dọc (Tòa án cấp dưới áp dụng án lệ của Tòa án cấp trên), chứ không có án lệ theo chiều ngang (các Tòa án ngang cấp áp dụng án lệ của nhau). Trong khi ở một số nước, có cả án lệ theo chiều dọc và án lệ theo chiều ngang, thậm chí có trường hợp Tòa án của nước này còn áp dụng án lệ của Tòa án một nước khác như trường hợp một Tòa án của Hong Kong đã áp dụng các án lệ của các Tòa án Hoa Kỳ.390 Nói như vậy không có nghĩa là các án lệ ở Việt Nam không có vai trò tích cực và việc lựa chọn, công bố án lệ không có ý nghĩa thiết thực. Mặc dù đại đa số các án lệ đã được công bố hiện nay ở Việt Nam chưa đúng nghĩa là án lệ theo cách hiểu của nhiều nước trên thế giới nhưng chúng cũng góp phần tích cực trong việc nhắc nhở và hướng dẫn các Thẩm phán cần phải xét xử theo đúng các quy định của pháp luật, ngăn ngừa 390 SH Goo (2010), “Multiple derivative action and common law derivative action revisited: A tale of two Jurisdic- tions”, Journal of Corporate Law Studies, 10 (1, April 2010), tr. 255-264. 220
  5. trường hợp xét xử mà không đưa ra được căn cứ pháp luật hoặc áp dụng pháp luật không đúng, hiểu pháp luật không đúng, nhất là khi pháp luật không rõ ràng. Nói cách khác, án lệ ở Việt Nam hiện nay tuy chưa thể hiện được vai trò là phương tiện “lấp đầy khoảng trống” của pháp luật như nó vẫn thường thể hiện ở các nước nhưng nó cũng có vai trò thực tế là phương tiện “lấp đầy khoảng trống” trong kiến thức và tư duy pháp luật của các Thẩm phán. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. 2. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. 3. TANDTC, Án lệ và bình luận, NXB Lao động, Hà Nội. 4. SH Goo (2010), “Multiple derivative action and common law derivative action revisit- ed: A tale of two Jurisdictions”, Journal of Corporate Law Studies, (10) 221
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2