intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề khi áp dụng tình tiết "Tự thú" và "Đầu thú" trong thực tiễn xét xử

Chia sẻ: NguyenHuu Phap | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:6

153
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong thời gian qua, khi giải quyết một vụ án hình sự có dấu hiệu người phạm tội tự thú và đầu thú, các Toà án hiểu và áp dụng tình tiết này rất khác nhau, không chỉ đối với các Thẩm phán Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao mà ngay cả đối với Hội đồng giám đốc thẩm. Điều này cho thấy, tình tiết người phạm tội “tự thú” và “đầu thú” có một ý nghĩa rất quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề khi áp dụng tình tiết "Tự thú" và "Đầu thú" trong thực tiễn xét xử

  1. Một số vấn đề khi áp dụng tình tiết "Tự thú" và "Đầu thú" trong thực tiễn xét xử Đinh Văn Quế Thẩm phán, Chánh toà Tòa Hình sự Toà án nhân dân tối cao Trong thời gian qua, khi giải quyết một vụ án hình sự có dấu hiệu người phạm tội tự thú và đầu thú, các Toà án hiểu và áp dụng tình tiết này rất khác nhau, không chỉ đối với các Thẩm phán Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao mà ngay cả đối với Hội đồng giám đốc thẩm. Điều này cho thấy, tình tiết người phạm tội “tự thú” và “đầu thú” có một ý nghĩa rất quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Về tình tiết “người phạm tội tự thú”, sau khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985 có hiệu lực pháp luật, ngày 2-6-1990 liên ngành trung ương (Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp) đã ban hành Thông tư liên ngành số 05/TTLN (viết tắt là Thông tư số 05/TTLN) hướng dẫn tương đối chi tiết và đầy đủ việc xác định và áp dụng tình tiết này khi giải quyết vụ án có dấu hiệu “người phạm tội tự thú”. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Thông tư này khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nhất là sau khi BLHSnăm 1999 có hiệu lực pháp luật, Toà án thấy nếu mọi trường hợp người phạm tội “tự thú” và “đầu thú” đều được áp dụng khoản 1 Điều 46 BLHSlà không thoả đáng, nên Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002 hướng dẫn các Toà án chỉ áp dụng khoản 1 Điều 46 BLHS đối với tình tiết “người phạm tội tự thú”, còn tình tiết “người phạm tội đầu thú” chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS. Sau khi Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 81/2002/TANDTC, về phía Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát không có ý kiến gì, nhưng các ý kiến khác nhau lại chính từ phía các Thẩm phán. Đa số Thẩm phán coi Công văn số 81/2002/TANDTC là văn bản chính thức của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn, nên không có lý do gì để không áp dụng. Tuy nhiên, có một số Thẩm phán vì muốn áp dụng điểm o khoản 1 điều 46 BLHSđể nếu người phạm tội có một tình tiết giảm nhẹ nữa quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS thì áp dụng Điều 47 BLHSxử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn nên cho rằng, Công văn số 81/2002/TANDTC của Chánh án Toà án nhân dân tối cao chưa phải là văn bản pháp quy nên không bắt buộc Thẩm phán phải chấp hành, trong khi đó Thông tư số 05/TTLN có giá trị pháp lý cao hơn lại chưa bị thay thế; do đó trường hợp người phạm tội “đầu thú” được áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS. Đây là vấn đề tuy không lớn, nhưng đối với một số trường hợp có sự khác nhau giữa Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm về việc xác định và áp dụng tình tiết quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS làm thay đổi cơ bản quyết định đối với người phạm tội như: Toà án cấp sơ thẩm phạt tù giam đối với bị cáo vì xác định bị cáo chỉ “đầu thú”, nhưng Toà án cấp phúc thẩm xác định bị cáo “tự thú” nên cho bị cáo được hưởng án treo hoặc giảm hình phạt đáng kể cho bị cáo; sau khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp sơ thẩm không đồng tình đã kiến nghị Toà án nhân dân tối cao xét lại bản án phúc thẩm v.v… Để giúp bạn đọc hiểu thêm về tình tiết “người phạm tội tự thú” và góp phần làm sáng tỏ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, theo chúng tôi, cần phải tìm hiểu nội dung của các khái niệm “tự thú” và “đầu thú” và quy định của BLHS, các văn bản hướng dẫn về các trường hợp tự thú và đầu thú cũng như giá trị pháp lý của các văn bản này. 1. Về tình tiết tự thú:
  2. Tự thú là “tự mình nhận tội và khai ra các hành động phạm pháp của mình”1 Người phạm tội tự thú có nhiều mức độ khác nhau, nếu hiểu theo nghĩa rộng thì tự thú bao hàm cả khái niệm nêu trên và cả đầu thú, thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, về pháp lý, chỉ coi tự thú khi tội phạm họ thực hiện chưa bị phát hiện nhưng tự đến cơ quan có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra...) khai báo hành vi phạm tội của mình và đồng phạm (nếu có). Tự thú là tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách. Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình với nhà chức trách là biểu hiện của sự ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình nên đáng được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng tới đâu, thì lại phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra; thái độ khai báo; sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm của người tự thú. BLHS quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu “trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm”.2 Trong trường hợp người phạm tội tự thú nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 25 BLHS thì được coi là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS. Thông tư số 05/TTLN hướng dẫn thi hành chính sách Đối với người phạm tội ra tự thú đã quy định: “Người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng chưa bị phát giác, không kể phạm tội gì, thuộc trường hợp nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng mà ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tội phạm thì có thể được miễm trách nhiệm hình sự theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 48 (nay là khoản 2 Điều 25 BLHS năm 1999) hoặc được giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại Điều 38 (nay là Điều 46) BLHS năm 1999; nếu cùng với việc tự thú mà còn lập công lớn, vận động được nhiều người khác đã phạm tội ra tự thú thì có thể được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước”3. Như vậy, người tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau: - Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát giác, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm. Ví dụ: Phạm Thanh H thấy gia đình nhà anh Trần Quốc T không có ai ở nhà nên đã cậy cửa vào nhà lấy đi một chiếc ti vi trị giá 10.000.000 đồng. Sau hai tháng vụ trộm cắp này chưa tìm ra thủ phạm thì H đã đến cơ quan Công an khai rõ hành vi phạm tội của mình và đem trả cho gia định anh T chiếc ti vi mà H đã lấy trộm. - Người tự thú phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu diếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, đồng thời giúp Cơ quan Điều tra phát hiện tội phạm như: chỉ nơi ở của người đồng phạm khác hoặc Cơ quan Điều tra bắt người đồng phạm khác đang bỏ trốn, thu thập các dấu vết của tội phạm, thu hồi vật chứng, tài sản của vụ án.v.v... Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được lấy đó làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. (Ví dụ: Mai Ngọc T nhận làm gián điệp cho nước ngoài, T đã cung cấp nhiều tài liệu bí mật Nhà nước cho nước ngoài trong một thời gian từ năm 1990 đến năm 2003 thì T ra tự thú với Cơ quan An ninh điều tra, nhưng T chỉ khai làm gián điệp cho nước ngoài từ năm 1990 và đã chấm dứt việc làm gián điệp từ năm 2003, nhiều tài liệu bí mật Nhà nước T cung cấp cho nước ngoài, T không khai đầy đủ). - Cùng với việc tự thú người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như: Trả lại tài sản đã chiếm đoạt; thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng; đòi lại hoặc thu lại những phương tiện, công cụ hoặc các nguồn nguy hiểm mà họ đã giao hoặc đã tạo ra cho người đồng phạm khác hoặc cho những lợi ích khác v.v... Ví dụ: Đào Văn H đã bỏ thuốc độc vào bể nước của gia đình anh Đỗ Văn Q nhằm đầu độc anh Q, nhưng H đã tự thú và thông báo cho gia đình anh Q
  3. biết trong bể nước có thuốc độc để gia đình anh không dùng nước đã có thuốc độc, hậu quả được hạn chế tới mức thấp nhất, nên H có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Cả hai trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS người phạm tội cũng chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Và vì vậy, khi xem xét để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội ra tự thú phải xem xét một cách toàn diện phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; vào hậu quả đã xảy ra; vào thái độ khai báo của người phạm tội tự thú; vào sự góp phần vào việc phát hiện, điều tra tội phạm; vào việc hạn chế hậu quả của tội phạm; đồng thời, phải cảnh giác với những người giả vờ tự thú để trốn tránh một tội phạm nghiêm trọng hơn hoặc chờ thời cơ lại tiếp tục thực hiện tội phạm. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án có quyền miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tự thú theo khoản 2 Điều 25 BLHS (khoản 2 Điều 164; khoản 1 Điều 169; khoản 2 Điều 227 BLTTHS). Việc miễn trách nhiệm hình sự của Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát được thực hiện bằng một quyết định nhưng đối với Toà án thì phải bằng bản án, vì Viện Kiểm sát đã xác định người phạm tội không được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 25 BLHS nên mới truy tố ra toà, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà chỉ được ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của BLTTHS hoặc khi Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà. Chỉ có Hội đồng xét xử khi nghị án, qua thảo luận, cân nhắc đánh giá thấy trường hợp tự thú của bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự thì quyết định trong bản án. Nếu người phạm tội tự thú, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự thì được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS. Đây là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều vướng mắc khi xem xét để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội tự thú; ranh giới để xác định trường hợp nào người phạm tội tự thú thì được miễn trách nhiệm hình sự, còn trường hợp nào người phạm tội tự thú chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ không rõ ràng, mà tuỳ thuộc vào việc đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; không ít trường hợp, Cơ quan Điều tra cho rằng, người phạm tội thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng Viện Kiểm sát và Toà án thì cho rằng chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự, hoặc ngược lại, Toà án hoặc Viện Kiểm sát cho rằng người phạm tội thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự nhưng Cơ quan điều tra không đồng tình vẫn đề nghị truy tố. Thực tiễn xét xử cho thấy, hầu hết các trường hợp người phạm tội tự thú nhưng Viện kiểm sát không miễn trách nhiệm hình sự mà truy tố ra Toà thì Toà án chỉ coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS chứ không ra bản án miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Mặt khác Điều 227 BLTTHS quy định không rõ ràng, chỉ quy định Hội đồng xét xử trả tự do cho bị cáo trong trường hợp bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự chứ không có quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo khoản 2 Điều 25 BLHS. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 227 BLTTHS thì việc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo tự thú theo khoản 2 Điều 25 BLHS phải do Hội đồng xét xử quyết định như đã phân tích ở trên. Nếu người phạm tội tự thú không được miễn trách nhiệm hình sự, mà chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ thì khi áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS đối với trường hợp người phạm tội tự thú cần chú ý: - Trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, thì tự thú tội nào được coi là tình tiết giảm nhẹ đối với tội đó. Ví dụ: Vũ Thị C bị bắt quả tang về hành vi vận chuyển 100 gam Heroin; trong quá trình điều tra, Vũ Thị C tự khai trước đó 3 tháng vào trước tết Nguyên Đán C còn phạm tội buôn bán hàng cấm là pháo nổ với số lượng rất lớn; Cơ quan Điều tra xác minh thấy lời khai tự thú của Vũ Thị C là chính xác. Tuy nhiên, việc tự thú của Vũ Thị C không góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội
  4. phạm, không hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tội phạm, (vì số pháo nổ mà Vũ Thị C buôn bán đã tiêu thụ hết trong dịp Tết Nguyên Đán, C cũng không khai được số pháo đó bán cho ai, ở đâu) nên Cơ quan Điều tra đã khởi tố bổ sung đối với Vũ Thị C về tội Buôn bán hàng cấm theo khoản 2 Điều 155 BLHS. Khi xét xử vụ án đối với Vũ Thị C, Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS đối với bị cáo Vũ Thị C về cả 2 tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý” và “buôn bán hàng cấm”. Lẽ ra, Toà án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với tội “buôn bán hàng cấm” còn đối với tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự thú”. - Trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm cùng một tội, thì tự thú hành vi phạm tội nào (nếu không được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi đó) thì cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ đối với tội phạm mà bị cáo thực hiện, nhưng mức độ giảm nhẹ ít hơn trường hợp tự thú tất cả hành vi phạm tội. Ví dụ: Trịnh Đắc D bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi trộm cắp của một hành khách trên xe buýt với số tiền 10 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, D còn khai đã 4 lần trộm cắp tài sản của 4 người với tổng số tiền là 50 triệu đồng nhưng không biết tên và địa chỉ của 4 người bị hại, vì D chuyên móc túi trên xe buýt, số tiền trộm cắp được D đã ăn tiêu hết. Trịnh Đắc D bị Viện Kiểm sát truy tố theo khoản 2 Điều 138 BLHS với các tình tiết: “có tính chất chuyên nghiệp” (điểm b) và “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng” (điểm e). Do Trịnh Đắc D đã tự thú 4 lần trộm cắp trước khi bị bắt quả tang và xét thấy không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự của hành vi trộm cắp tài sản 4 lần trước đó, nên khi quyết định hình phạt, Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS đối với bị cáo Trịnh Đắc D. - Cần phân biệt người phạm tội tự thú với “người phạm tội thành khẩn khai báo”. Người phạm tội thành khẩn khai báo là trường hợp chỉ thực hiện một hoặc một số hành vi mà tất cả các hành vi đó chỉ cấu thành một tội. Sau khi bị phát hiện, người phạm tội đã khai báo đầy đủ, trung thực tất cả các tình tiết của vụ án, giúp cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nhanh chóng và đúng pháp luật. Nếu người phạm tội sau khi tự thú mà không khai báo thành khẩn thì vẫn có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS nhưng mức độ giảm nhẹ ít hơn trường hợp sau khi tự thú người phạm tội khai báo thành khẩn, mà không được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo”, vì người phạm tội thành khẩn khai báo sau khi tự thú là một trong những điều kiện để xem xét có thể miễn trách nhiệm hình sự cho họ. 2. Về tình tiết đầu thú: Đầu thú là trường hợp đã có người biết mình phạm tội, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn nhưng đã đến cơ quan có thẩm quyền trình diện khai rõ hành vi phạm tội của mình và đồng phạm (nếu có). Như vậy “tự thú” và “đầu thú” chỉ khác nhau ở chỗ: Tự thú là chưa ai biết mình phạm tội, còn đầu thú là đã có người biết mình phạm tội. Tính chất và mức độ của hành vi đầu thú được đánh giá khác nhau tuỳ thuộc vào việc người phạm tội đầu thú sớm hay muộn. Nếu đầu thú càng sớm thì mức độ giảm nhẹ càng nhiều. Ví dụ: Thái Lê K có ý định giết anh Vũ Hùng V nên đã lợi dụng lúc anh V đang ở trong rừng, K đã dùng súng săn bắn nhiều phát vào người anh V, rồi bỏ trốn. Anh V nhìn thấy K bắn mình đã tránh vào gốc cây nên chỉ bị thương. Sau khi bỏ trốn, K biết anh V không chết, mặc dù Cơ quan Điều tra chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng K đã đến Công an đầu thú và khai rõ hành vi phạm tội của mình. Trường hợp Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và ra lệnh truy nã, nhưng không bắt được phải tạm đình chỉ vụ án mà người phạm tội mới ra đầu thú thì cũng được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng mức độ giảm nhẹ không bằng trường hợp người phạm tội đã đầu thú sớm. Mức độ giảm nhẹ của hành vi đầu thú còn phụ thuộc vào việc sau khi đầu thú người phạm tội có khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm hay không, nếu khai
  5. không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì mức độ giảm nhẹ ít hơn trường hợp khai báo rõ ràng và đầy đủ. Cần phân biệt tự thú với đầu hàng. Đầu hàng là chịu thua. Vì vậy, trong trường hợp một người phạm tội bị bao vây, không còn con đường nào khác mà phải ra hàng thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ: Nguyễn Quốc T bị truy nã về hành vi mua bán chất ma tuý theo khoản 4 Điều 194 BLHS, nhận được tin báo của nhân dân cho biết Nguyễn Quốc T đang lẩn trốn tại bãi đào vàng của Phạm Văn K, Cơ quan Điều tra đã tổ chức lực lượng vây bắt T, trong lúc vây bắt, T đã dùng súng AK bắn trả. Lực lượng vây bắt đã nhiều lần dùng loa kêu gọi T ra hàng, nhưng T vẫn ngoan cố, chỉ đến khi súng hết đạn, lực lượng vây bắt đã xiết chặt vòng vây, T mới chịu đầu hàng. Nếu họ còn có khả năng trốn tránh, nhưng ra trình diện thì được coi là trường hợp đầu thú. Theo tinh thần của Thông tư số 05/TTLN, thì chỉ có một khái niệm “tự thú” cho tất cả những trường hợp tự thú hoặc đầu thú, tuy nhiên, mức độ có khác nhau và nói chung họ đều được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng không hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào áp dụng khoản 1, trường hợp nào áp dụng khoản 2 Điều 38 BLHS năm 1985. Sau khi BLHS năm 1999 có hiệu lực pháp luật, các cơ quan ban hành Thông tư này cũng không ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên ngành số 05/TTLN nên các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng vẫn căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư số 05/TTLN để xác định “tự thú” đối với với cả trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 25 và tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS. Mặt khác, Thông tư số 05/TTLN là văn bản hướng dẫn áp dụng BLHS năm 1985 nên về nguyên tắc không còn giá trị pháp lý, đồng thời có những nội dung không còn phù hợp với BLHS năm 1999. Để kịp thời hướng dẫn các Toà án áp dụng BLHS năm 1999 đối với trường hợp người phạm tội tự thú, ngày 10-6-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 81/2002/TANDTC. Nội dung của Công văn này về cơ bản không khác nhiều so với Thông tư số 05/TTLN, chỉ có điểm khác là nếu người phạm tội ra “đầu thú” thì không được áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS mà chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS. Sau khi Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn, có nhiều ý kiến cho rằng, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn trái với Thông tư số 05/TTLN; tại nhi ều phiên toà hình sự các Luật sư, bào chữa cho bị cáo chỉ thuộc trường hợp “đầu thú” chứ không phải “tự thú” đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm o khoản 1 điều 46 BLHS để bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS, trên cơ sở đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 BLHS quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Có Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Luật sư nhưng cũng có Hội đồng xét xử không chấp nhận. Một số bài viết đăng trên một số báo cũng nêu vấn đề này và cho rằng, Công văn 81/2002/TANDTC của Toà án nhân dân tối cao không phải là văn bản pháp lý nên không có giá trị. Như trên đã nêu, Thông tư số 05/TTLN hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985, theo khoản 2 Điều 81 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì BLHS năm 1999 đã thay thế BLHS năm 1985, nên các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 1985 về nguyên tắc không còn giá trị pháp lý. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng những nội dung còn phù hợp với BLHS năm 1999 để xem xét đánh giá. Sau khi BLHSnăm 1999 có hiệu lực pháp luật, các cơ quan ban hành Thông tư số 05/TTLN chưa ban hành một Thông tư liên tịch mới thay thế Thông tư liên ngành số 05/TTLN hoặc có Thông báo liên tịch về việc tiếp tục áp dụng Thông tư liên ngành số 05/TTLN, thì việc Toà án nhân dân tối cao ban hành Công văn 81/2002/TANDTC hướng dẫn các Toà án áp dụng BLHS năm 1999 là hoàn toàn đúng thẩm quyền. Tuy chỉ là Công văn, nhưng nó vẫn là Công văn hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao đối với các Toà án các cấp; cho đến nay, các cơ quan có chức năng giám sát việc ban hành văn bản chưa có ý kiến gì về nội dung Công văn 81 này nên Công văn 81/2002/TANDTC của Toà án nhân dân tối cao là hoàn toàn đúng pháp luật. Mặt khác hành vi “tự thú” và hành vi “đầu thú” có nội dung và mức độ giảm nhẹ rất khác nhau, nên hành vi đầu thú không thể coi như hành vi tự thú để áp dụng điểm o
  6. khoản 1 điều 46 BLHS được. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý, chúng tôi đề nghị các cơ quan đã ban hành Thông tư số 05/TTLN ban hành một Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 05/TTLN hướng dẫn trường hợp “tự thú” và “đầu thú” là hai trường hợp khác nhau như tinh thần Công văn 81/2000/TANDTC của Toà án nhân dân tối cao. Trong khi chưa ban hành được Thông tư liên tịch thì Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nên ban hành Nghị quyết để có giá trị pháp lý cao hơn Công văn. 1 Từ điển tiếng Việt NXB Đà Nẵng- Trung tâm từ điển học Hà Nội-Đà Năng 1997. tr. 1041. 2 Khoản 2 Điều 25 BLHS năm 1999. 3 Toà án nhân dân tối cao. “ Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng” năm 1990.tr 163. Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2