intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bài giảng Điều dưỡng cơ sở 1 - Trường Trung học Y tế Lào Cai

Chia sẻ: Chuheo Dethuong25 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:161

39
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

(NB) Bài giảng Điều dưỡng cơ sở 1 với mục tiêu giúp người học có thể trình bày được những nguyên tắc điều dưỡng cơ bản. Trình bày được các bước của quy trình điều dưỡng. Khám được các dấu hiệu, hoạt động sống của con người và phát hiện các dấu hiệu bất thường. Nhận biết, theo dõi và xử trí được các biến cố xảy ra trong và sau khi làm kỹ thuật.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bài giảng Điều dưỡng cơ sở 1 - Trường Trung học Y tế Lào Cai

  1. TRƯỜNG TRUNG HỌC Y TẾ LÀO CAI BỘ MÔN Y LÂM SÀNG BÀI GIẢNG ĐIỀU DƯỠNG CƠ SỞ 1 Tài liệu dùng cho đối tượng Điều dưỡng trung cấp Năm học 2017
  2. ĐIỀU DƯỠNG CƠ SỞ 1 I. MỤC TIÊU 1. Trình bày được những nguyên tắc điều dưỡng cơ bản. 2. Trình bày được các bước của quy trình điều dưỡng. 3. Khám được các dấu hiệu, hoạt động sống của con người và phát hiện các dấu hiệu bất thường. 4. Nhận biết, theo dõi và xử trí được các biến cố xảy ra trong và sau khi làm kỹ thuật. II. NỘI DUNG III. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN 1. Giảng dạy - Lý thuyết: Thuyết trình, thảo luận nhóm, thực hiện phương pháp giảng - dạy tích cực. - Thực hành, thực tập: thực hành tại phòng thực hành của trường, sử dụng quy trình kỹ thuật tranh, mô hình, Video... làm thực nghiệm để hướng dẫn học sinh. Thực tập lâm sàng tại Bệnh viện. 2. Đánh giá - Kiểm tra thường xuyên: 2 điểm kiểm tra hệ số 1 - Kiểm tra định kỳ: 2 điểm kiểm tra hệ số 2 -Thi kết thúc học phần: Bài thi thực hành. Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm, bảng kiểm, thang điểm để đánh giá. IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỂ DẠY VÀ HỌC - Giáo trình của Trường THYT Lào Cai biên soạn. - Điều dưỡng cơ bản, NXB Y học, Vụ khoa học & Đào tạo - Bộ Y tế (2000) - Kỹ thuật điều dưỡng, NXB Y học Hà Nội, TS Trần Thuý Hạnh, ThS Lê Thị Bình (2005). - Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện tập 1,2, NXB Hà Nội, Lê Ngọc Trọng (2001). - Điều dưỡng cơ bản tập 1, NXB Y học, Đỗ Đình Xuân (2007). - Điều dưỡng cơ bản tập 2, NXB Y học, Đỗ Đình Xuân (2007). - Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện tập 1và 2, NXB Hà Nội, Lê Ngọc Trọng (2001). - Đạo đức và y học, Xưởng in trường Đại học KHTN TPHCM, Nguyễn Văn Lê (1999). - Bài giảng GMHS, NXB Y học, Bộ môn GMHS ĐH Y dược TPHCM (2004). - Điều dưỡng Nhi khoa, NXB Y học, Trần Quỵ (2006). - Điều dưỡng nhi khoa, NXB Y học Hà Nội, Đinh Ngọc Đệ (2006). - Sinh lý bệnh và miễn dịch (Phần miễn dịch), NXB Y học, Văn Đình Hoa – Nguyễn Ngọc Lanh (2007).
  3. Bài 1 NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, học sinh có khả năng: 1. Trình bày được các khái niệm về điều dưỡng. 2. Trình bày được các định nghĩa về điều dưỡng. 3. Vận dụng được các nguyên lý vào thực hành điều dưỡng. Nội dung: 1. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN Tổ chức y tế thế giới đánh giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe do Điều dưỡng - Hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống y tế nên đã đưa ra nhiều nghị quyết về củng cố và tăng cường dịch vụ Điều dưỡng - Hộ sinh toàn cầu. Phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng có trình độ được coi là một chiến lược quan trọng để tăng cường sự tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ y tế, cũng như đảm bảo công bằng trong ngành y tế. 1.1. Điều dưỡng là một nghề chuyên nghiệp: - Y học ngày càng phát triển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức và trình độ chuyên nghiệp của điều dưỡng. - Việc đào tạo điều dưỡng bậc đại học và sau đại học đã tạo ra sự thay đổi về mối quan hệ giữa người thầy thuốc và người điều dưỡng, người điều dưỡng trở thành người cộng sự của thầy thuốc, một thành viên của nhóm chăm sóc thay cho việc chỉ là người thực hiện y lệnh. - Bác sỹ và điều dưỡng là 2 nghề có định hướng khác nhau: bác sỹ làm nhiệm vụ chẩn đoán và điều trị, điều dưỡng chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho người bệnh về thể chất và tinh thần. 1.2. Điều dưỡng là một ngành học và khoa học về chăm sóc: - Do đặc thù của nghề điều dưỡng là chăm sóc người bệnh, bao gồm từ những công việc chăm sóc đơn giản nhất như thay ga trải giường... đến những công việc nghiên cứu, quản lý. đào và trở thành các chuyên gia điều dưỡng lâm sàng có trình độ. Do đó ngành điều dưỡng có nhiều cấp trình độ để đáp ứng nhu cầu hành nghề và yêu cầu chăm sóc sức khỏe. - Ngày nay do sự phát triển của y học đòi hỏi tính chuyên môn hóa ngày càng cao đã làm cho điều dưỡng trở thành 1 ngành đa khoa có nhiều chuyên khoa: như điều dưỡng Nhi, điều dưỡng phòng mổ, điều dưỡng cộng đồng,... 2. CÁC ĐỊNH NGHĨA VỀ ĐIỀU DƯỠNG 2.1. Định nghĩa của Florence Nightingale năm 1860:
  4. "Điều dưỡng là một nghệ thuật sử dụng môi trường của người bệnh để hỗ trợ sự phục hồi của họ" - Định nghĩa của Florence Nightingale phản ánh mối quan tâm của thời đại mà bà đang sống. Bà đặt vai trò trọng tâm của người điều dưỡng là giải quyết các yếu tố môi trường xung quanh người bệnh để người bệnh được phục hồi một cách tự nhiên. 2.2. Định nghĩa của Virginia Henderson năm 1960: " Chức năng duy nhất của người điều dưỡng là hỗ trợ các hoạt động nâng cao hoặc phục hồi sức khỏe của người bệnh hoặc người khỏe, hoặc cho cái chết được thanh thản mà mỗi cá thể có thể tự thực hiện nếu như họ có đủ sức khỏe, ý chí và kiến thức. Giúp đỡ các cá thể sao cho họ được độc lập càng sớm càng tốt". - Định nghĩa của Virginia Henderson đã được Hội điều dưỡng quốc tế chấp nhận năm 1973 và đa số các học giả điều dưỡng đã có sự thống nhất. - Theo Virginia Henderson, chức năng nghề nghiệp của người điều dưỡng là chăm sóc hỗ trợ người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày mà do bệnh tật họ không tự làm được, đồng thời khuyến khích các hoạt động của họ nhằm phục hồi các năng lực để có các hoạt động độc lập tự thỏa mãn các nhu cầu của mình, khỏi phải phụ thuộc vào sự chăm sóc 2.3. Định nghĩa của Hội điều dưỡng Mỹ: Năm 1965, Hội điều dưỡng Mỹ đã đưa ra định nghĩa: " Điều dưỡng là một nghề hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chăm sóc đóng góp vào việc hồi phục và nâng cao sức khỏe". - Định nghĩa trên đã xác định vai trò của người điều dưỡng trong hệ thống y tế, tuy nhiên nó chưa phản ánh rõ bản chất của nghề điều dưỡng, vì vậy đến năm 1980, Hội điều dưỡng Mỹ đưa ra định nghĩa đã được sửa đổi phản ánh rõ bản chất nghề nghiệp, các khía cạnh đạo đức về phạm vi thực hành nghề nghiệp của điều dưỡng và thể hiện xu hướng của ngành điều dưỡng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: " Điều dưỡng là chẩn đoán và điều trị những phản ứng của con người đối với bệnh hiện tại hoặc bệnh có tiềm năng xảy ra". - Định nghĩa trên là cơ sở để đưa ra quy trình điều dưỡng mà hiện nay được áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên định nghĩa trên chỉ mới chỉ phản ánh chủ yếu ở lĩnh vực kỹ thuật mà còn thiếu thiên chức của nghề điều dưỡng đó là chăm sóc toàn diện cho người bệnh. 3. CÁC HỌC THUYẾT VÀ NGUYÊN LÝ CƠ BẢN Học thuyết điều dưỡng là kết quả những khái niệm xác định, được công nhận một cách có hệ thống qua các nghiên cứu khoa học điều dưỡng nhằm hướng dẫn việc chăm sóc điều dưỡng đạt kết quả tốt. 3.1. Học thuyết về môi trường chăm sóc của Florence Nightingale (1820 - 1910): Học thuyết về thực hành điều dưỡng của Florence Nightingale phản ánh thời đại mà bà sinh sống với mối quan tâm về các dịch bệnh do vệ sinh và ô nhiễm gây ra như dịch tả và các bệnh đường tiêu hóa. Vì vậy Florence Nightingale nhìn nhận vai trò
  5. của người điều dưỡng không chỉ đơn thuần là cho người bệnh dùng thuốc mà định hướng vào việc tác động tới môi trường để giúp đỡ người bệnh có môi trường thuận lợi, mau chóng hồi phục. Các yếu tố môi trường đó là: - Không khí trong lành - Ánh sáng hợp lý - Sự ấm áp của buồng bệnh - Sự sạch sẽ của giường bệnh và buồng bệnh - Sự yên tĩnh của khoa phòng và bệnh viện - Dinh dưỡng cho người bệnh đầy đủ Quan niệm của Nightigale vềvai trò của người điều dưỡng trong việc sử dụng môi trường bệnh viện tác động vào sự hồi phục của người bệnh đã trởthành tư tưởng chủ đạo trong chương trình đào tạo và là chức năng cơ bản của nghề điều dưỡng dưới thời bà. Ngày nay, mặc dù môi trường bệnh viện đã được cải thiện nhưng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn đang là thách thức đối với tất cả các bệnh viện trên thế giới. Người điều dưỡng ngày nay có phạm vi thực hành rộng hơn nhưng việc tạo dựng một môi trường an toàn, hợp lý cho người bệnh cả về vật chất lẫn tinh thần vẫn là một nội dung quan trọng của người điều dưỡng. 3.2. Học thuyết về nhu cầu người bệnh của Virginia Henderson: Nguyên tắc thực hành điều dưỡng của Virginia Henderson liên quan đến các nhu cầu cơ bản của con người. 14 nhu cầu mà Virginia Henderson đưa ra giúp chúng ta xác định được những nội dung thực hành điều dưỡng: 1. Thở 2. Ăn, uống đủ 3. Bài tiết 4. Vận động và tư thế 5. Ngủ và nghỉ 6. Mặc quần áo thích hợp 7. Duy trì nhiệt độ cơ thể 8. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ 9. Tránh nguy hiểm 10. Giao tiếp 11. Tôn trọng tín ngưỡng 12. Làm việc 13. Vui chơi và giải trí 14. Học tập và thỏa mãn sự ham hiểu biết
  6. Người khỏe mạnh tự đáp ứng được nhu cầu hàng ngày cho mình, nhưng khi bị bệnh người bệnh có thể chỉ tự đáp ứng được một phần hoặc phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác để đáp ứng các nhu cầu trên cho mình. Handerson cho rằng thiên chức nghề nghiệp của người điều dưỡng là giúp người bệnh đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của họ. Học thuyết của Virginia Henderson gợi ý cho người điều dưỡng khi tiếp cận với người bệnh phải đánh giá và chẩn đoán những nhu cầu của họ, trên cơ sở đó lập kế hoạch hỗ trợ cho họ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của con người. 3.3. Học thuyết về chăm sóc toàn diện của Abdellar: Năm 1960, Abdellar đề cập tới dịch vụ chăm sóc toàn diện cho người bệnh để đáp ứng các nhu cầu về sinh lý, tình cảm, trí tuệ, xã hội và các nhu cầu về tinh thần của người bệnh và gia đình họ. Theo học thuyết này, ngoài kiến thức và kỹ năng điều dưỡng, người điều dưỡng cần có kỹ năng về mối quan hệ con người, tâm lý, sự phát triển giao tiếp, các khoa học cơ bản, khoa học xã hội...21 vấn đề chăm sóc của Abdellar bao gồm: 1. Duy trì vệ sinh và sự thoải mái 2. Cân bằng sinh lý 3. Phòng ngừa tai nạn, chấn thương và nhiễm khuẩn 4. Duy trì vận động hàng ngày 5. Hỗ trợ cung cấp oxy cho toàn cơ thể 6. Hỗ trợ duy trì dinh dưỡng 7. Hỗ trợ bài tiết 8. Hỗ trợ cân bằng dịch và điện giải 9. Phát hiện những phản ứng sinh lý của cơ thể đối với bệnh 10. Hỗ trợ duy trì cơ chế điều tiết 11. Hỗ trợ duy trì chức năng cảm giác 12. Phát hiện và hỗ trợ những thay đổi về cảm xúc liên quan tới bệnh 13. Phát hiện và chấp nhận thay đổi về tâm sinh lý liên quan tới bệnh tật 14. Hỗ trợ giao tiếp bằng lời và không lời có hiệu quả 15. Hỗ trợ mối quan hệ giữa người với người 16. Hỗ trợ những tiến bộ hướng tới mục tiêu tinh thần của mỗi người 17. Tạo ra một môi trường chăm sóc và điều trị thân thiện 18. Hỗ trợ nhận thức của mỗi cá thể đối với các nhu cầu thể chất, tình cảm và nhu cầu phát triển 19. Chấp chận những hạn chế về thể chất và tình cảm của người bệnh 20. Sử dụng nguồn lực của cộng đồng để giải quyết bệnh tật
  7. 21. Hiểu được vai trò của các yếu tố xã hội cũng như các yếu tố tác động tới nguyên nhân của bệnh. 3.4. Học thuyết về tự chăm sóc của Dorothy Orem: Năm 1971, Dorothy Orem đã phát triển thực hành điều dưỡng trọng tâm vào các vấn đề tự chăm sóc của người bệnh. Orem cho rằng người điều dưỡng chỉ hỗ trợ người bệnh khi họ không thể tự đáp ứng các nhu cầu về thể chất, tâm lý, xã hội, phát triển của chính họ. Bà đã đưa ra 3 mức độ chăm sóc như sau: - Chăm sóc hoàn toàn áp dụng đối với những người bệnh không có khả năng tự chăm sóc, theo dõi và kiểm soát các hoạt động của mình. - Chăm sóc một phần áp dụng cho những người bệnh cần hỗ trợ một phần để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày. - Chăm sóc hỗ trợ phát triển, hướng dẫn, tư vấn giáo dục sức khỏe áp dụng cho những người cần học kiến thức để tự chăm sóc. Theo Orem, người điều dưỡng phải xác định rõ vì sao người bệnh không tự đáp ứng được các nhu cầu cho chính họ và phải làm để giúp người bệnh đáp ứng được nhu cầu của họ và người bệnh tự chăm sóc được đến đâu. Mục tiêu của điều dưỡng là tăng cường khả năng cho người bệnh để họ tự đáp ứng được nhu cầu của chính họ. 3.5. Học thuyết về quá trình sự sống của Rogers: Rogers đưa ra quan điểm như sau: - Việc chăm sóc con người phải phù hợp với quá trình sự sống, mỗi giai đoạn sống, mỗi lứa tuổi có nhu cầu thể chất, tâm lý, sinh lý khác nhau. - Quan điểm nhu cầu của mỗi người, nhóm người có những đặc điểm khác nhau, vì vậy việc chăm sóc người bệnh phải phù hợp với từng người. 3.6. Học thuyết về mô hình thích nghi của Roy: Roy đưa ra quan điểm: Các yếu tố do bệnh tật gây ra tác động vào trung tâm thần kinh tạo ra Stress Ví dụ: gây đau đớn... Các Stress nếu xảy ra đột ngột với mức độ cao có thể làm cho người bệnh không chịu nổi và tạo ra shock, có thể dẫn đến tử vong, nhưng nếu diễn ra với mức độ vừa phải và từ từ thì sẽ tạo ra sự thích nghi của người bệnh, tạo ra kinh nghiệm và tạo ra những thay đổi để thích nghi và tốt lên. Người điều dưỡng cần phát hiện và làm giảm nhẹ các tác động do yếu tố bệnh tật và giúp cho người bệnh thích nghi với các yếu tố đó để khắc phục nó nếu như không loại trừ được hoàn toàn. 3.7. Học thuyết về mô hình hệ thống hành vi của Johnson: Johnson phát triển học thuyết về mô hình thích nghi của Roy và xây dựng mô hình mang tính hệ thống hơn, bao gồm hệ thống thích nghi liên tục, thay đổi cả bên trong và bên ngoài.
  8. Ví dụ: Người mù hoặc bị liệt, mất chân, tay...người bệnh sẽ phải tập luyện và có những thay đổi lớn trong hoạt động, sinh hoạt và nhiều vấn đề khác để thích nghi với hoàn cảnh để tự chăm sóc  tự nuôi sống bản thân  hòa nhập cộng đồng. Người điều dưỡng cần giúp đỡ người bệnh có những cố gắng liên tục để khắc phục những yếu tố do bệnh tật gây ra, đồng thời thích nghi để hòa nhập cộng đồng. Kết luận: Qua các khái niệm, định nghĩa, các học thuyết và nguyên lý cơ bản nêu trên, có thể thấy những nguyên tắc điều dưỡng cơ bản gồm những vấn đề sau: 1. Điều dưỡng xuất phát từ nhu cầu người bệnh: Người khỏe tự đáp ứng được các nhu cầu cá nhân của họ, người bệnh do bệnh tật, không thể tự đáp ứng nên cần sự chăm sóc của người điều dưỡng. 2. Việc chăm sóc người bệnh phải phù hợp với từng người, từng nhóm người theo giai đoạn phát triển của họ. 3. Người điều dưỡng phải khuyến khích người bệnh tham gia quá trình chăm sóc, tăng cường khả năng cho người bệnh để họ tự đáp ứng được các nhu cầu của chính họ. 4. Việc chăm sóc phải toàn diện: Không chỉ là đáp ứng nhu cầu thể chất mà còn cả nhu cầu tâm lý, sinh lý, tình cảm, quan hệ xã hội và nhu cầu phát triển. Đòi hỏi người điều dưỡng phải có kiến thức rộng rãi, khả năng giao tiếp. 5. Người điều dưỡng phải tạo ra môi trường chăm sóc thích hợp cho người bệnh, giúp họ có môi trường thuận lợi, mau chóng phục hồi./.
  9. Bài 2 QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, học sinh có khả năng: 1. Trình bày được nội dung 5 bước của quy trình điều dưỡng. 2. Áp dụng được quy trình điều dưỡng để lập kế hoạch chăm sóc cho người bệnh. Nội dung: 1. ĐỊNH NGHĨA - Quy trình điều dưỡng là một loạt các hoạt động theo một kế hoạch đã được định trước, trực tiếp hướng tới một kết quả chăm sóc riêng biệt. - Quy trình điều dưỡng là một hệ thống và phương pháp tổ chức của kế hoạch chăm sóc. - Quy trình điều dưỡng gồm 5 bước: + Bước 1: Nhận định (đánh giá ban đầu) + Bước 2: Đưa ra các vấn đề cần chăm sóc (chẩn đoán điều dưỡng) + Bước 3: Lập kế hoạch chăm sóc + Bước 4: Thực hiện kế hoạch chăm sóc + Bước 5: Đánh giá kết quả chăm sóc. - Mục đích quy trình điều dưỡng là: + Nhận biết tình trạng thực tế và những vấn đề cần chăm sóc sức khỏe cho mỗi cá nhân riêng biệt. + Thiết lập những kế hoạch chăm sóc đúng và đáp ứng các nhu cầu cần thiết cho người bệnh. 2. NỘI DUNG CÁC BƯỚC CỦA QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG Khi thực hiện quy trình chăm sóc, yêu cầu người điều dưỡng phải sử dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. Người điều dưỡng phải có kiến thức về tâm sinh lý, cách đối xử với con người, kỹ năng truyền đạt, giải quyết vấn đề. Người điều dưỡng phải có phong cách quản lý và lãnh đạo tốt. Khi điều trị và chăm sóc, người cán bộ y tế phải coi người bệnh là trung tâm trong khoa, phòng và bệnh viện, vì vậy khi tiếp xúc với người bệnh phải hướng tới: - Thể hiện sự quan tâm đến những khó khăn của người bệnh về bệnh tật. - Không bỏ qua bất cứ một ý kiến nhỏ nào. - Chú ý các triệu chứng chủ quan và khách quan.
  10. - Hỏi câu hỏi đúng, tránh câu hỏi tại sao. - Tập trung vào các vấn đề thực tại. - Hỏi bằng câu hỏi đơn giản, dễ hiểu. - Chủ động lắng nghe. - Chú ý cách người bệnh nói hoặc người bệnh mô tả động tác không lời. - Tổng kết các điểm chính. 2.1. Bước một: Nhận định (đánh giá ban đầu) 2.1.1. Mục đích - Thiết lập các thông tin cơ bản trên người bệnh. - Xác định các chức năng bình thường của người bệnh. - Xác định các rối loạn bất thường trên người bệnh. - Đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh. - Cung cấp các dữ liệu cho giai đoạn chẩn đoán điều dưỡng. 2.1.2. Những hoạt động trong giai đoạn nhận định - Hỏi bệnh sử: để thu thập dữ liệu: hỏi xem bệnh bắt đầu khi nào, trong thời gian bao lâu, vị trí nơi bị bệnh, sơ lượng, tính chất các triệu chứng, yếu tố làm tăng giảm triệu chứng, đã điều trị nội ngoại khoa trước đây... - Thăm khám, tham khảo các xét nghiệm: để xác định tính đúng đắn của dữ liệu - Sắp xếp dữ liệu, tập hợp các dữ liệu và nhận biết các nhu cầu cần thiết về chăm sóc sức khỏe cho người bệnh như: + Gặp gỡ tiếp xúc với người bệnh và thân nhân của người bệnh. + Quan sát theo dõi chung. + Khám người bệnh (các triệu chứng). + Hỏi các nhân viên y tế khác. + Khai thác dựa vào bệnh án. Muốn làm được công việc này yêu cầu người điều dưỡng phải sử dụng các phương pháp sau đây để thu thập các dữ kiện: * Kỹ năng giao tiếp. * Kỹ năng phỏng vấn. * Kỹ năng quan sát. * Khai thác tiền sử. * Kỹ năng thăm khám. * Kỹ năng phân tích các dữ kiện thu thập được. 2.1.2.1. Nhận định bằng cách hỏi bệnh
  11. Tất cả các nguồn thông tin thu được từ hỏi bệnh phải dựa vào: - Người bệnh: Người bệnh được coi là nguồn thông tin chính, đối với người bệnh nặng thì thông tin sẽ không rõ ràng. Thông thường người bệnh cung cấp các triệu chứng: + Chủ quan: đau nhức, lo sợ, mệt mỏi,... + Khách quan: là do người điều dưỡng theo dõi phát hiện thấy hoặc khám được: mạch, nhiệt độ, huyết áp, sắc mặt bình thường hay bất thường. - Thân nhân của người bệnh: Thân nhân có thể cung cấp thêm các nguồn thông tin về bệnh tật của người bệnh, nhất là người bệnh nặng như: bất tỉnh, lẫn lộn, đặc biệt là người bệnh nhi. - Các nhân viên: Bao gồm các thầy thuốc, kỹ thuật viên y tế và các nhân viên khác sẽ cung cấp thêm các chi tiết về bệnh tật của người bệnh, đặc biệt là những triệu chứng thu nhận được khi người bệnh mới vào viện. 2.1.2.2. Thu thập dấu hiệu qua quan sát người bệnh Người điều dưỡng cần phải quan sát sự biểu hiện tình cảm của người bệnh như trước khi mổ, thái độ và tình cảm của người bệnh biểu lộ thế nào. Quan sát tình trạng da, niêm mạc, tình trạng hô hấp, tình trạng vận động,... Quan sát là phương pháp thông thường nhất của theo dõi, những thông tin thu được phải kết hợp với những nguồn thông tin thông qua các giác quan khác. 2.1.2.3. Theo dõi và thăm khám người bệnh - Theo dõi là tập hợp những thông tin về tình trạng của người bệnh, bằng sử dụng 4 giác quan với sự hiểu biết những vấn đề đã được hiểu rõ, theo dõi người bệnh bằng cách chú ý các triệu chứng quan trọng, hoặc những điều người bệnh nói và nhận biết, phân tích nguồn thông tin bằng nhận thức chung. - Người điều dưỡng theo dõi người bệnh phải chú ý đến dấu hiệu toàn thân, ví dụ: thấy mặt người bệnh đỏ phải nghĩ đến người bệnh sốt, tiến hành đo nhiệt độ cơ thể, có thể là do nhiễm khuẩn hay lý do khác. Theo dõi là kỹ năng của người điều dưỡng, đòi hỏi người điều dưỡng phải có kinh nghiệm và kiến thức mới làm được. - Khám người bệnh: người điều dưỡng phải biết tiến hành thăm khám cơ bản cho người bệnh bao gồm: + Nhìn (quan sát người bệnh): đây là bước quan trọng đầu tiên trong thăm khám thực thể. Màu sắc, hình dạng, hoạt động, đối xứng, điệu bộ của các bộ phận của cơ thể. Bước này được thực hiện trong quá trình phỏng vấn người bệnh và trong quá trình thăm khám thực thể. Ví dụ, tuyến giáp lớn có thể phát hiện được trong quá trình thăm khám thực thể cũng như trong lúc phỏng vấn người bệnh. + Sờ: Sờ bằng đầu ngón tay và lòng bàn tay, điều dưỡng có thể xác định được kích thước, hình dạng và mật độ của các cơ quan bên dưới. Bắt mạch, sờ được hình dạng bên ngoài của các cơ quan như tuyến giáp, lách, hay gan; kích thước, hình dạng, và tính di động của một khối; nhiệt độ của da; độ cứng mềm hay tính nhạy cảm của một số bộ phận của cơ thể,...
  12. + Gõ: Được sử dụng để đánh giá vị trí và mức của các cơ quan trong cơ thể, xác định bản chất của các cấu trúc cơ thể (đầy dịch, đầy khí, đặc), xác định các khối u. + Nghe: Kỹ thuật nghe các âm của cơ thể bằng ống nghe. Nó cung cấp các thông tin về sự di chuyển của khí hay dịch trong cơ thể. Ống nghe được đặt lên trên bề mặt của cơ thể để khuếch đại các âm bình thường và không bình thường. Kết quả của thính chẩn nằm trong sự diễn giải của điều dưỡng. Tham khảo với các điều dưỡng khác khi nghi ngờ. Nhiều hệ thống của cơ thể cần nghe là hô hấp, tim, mạch, dạ dày và ruột. + Ngửi: Mùi nước tiểu, mùi phân, mùi dịch dẫn lưu, mùi hơi thở ra. Sự đánh giá ban đầu là tập hợp các nguồn thông tin và những nhu cầu cần thiết về tình trạng của người bệnh, nó có ý nghĩa rất quan trọng. Đánh giá bao gồm sự tham gia hoạt động của người bệnh và điều dưỡng, những thông tin thu thập được phải bao gồm cả khách quan và chủ quan. 2.1.2.4. Bệnh án của người bệnh Bệnh án sẽ cung cấp thông tin về chẩn đoán bệnh của thầy thuốc đã từng điều trị và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, đặc biệt là các thuốc đã sử dụng, thời gian sử dụng cũng như các phương pháp chăm sóc đặc biệt khác. 2.2. Bước hai: Đưa ra các vấn đề cần chăm sóc (Chẩn đoán điều dưỡng) 2.2.1. Định nghĩa: Các vấn đề cần chăm sóc hay chẩn đoán điều dưỡng là một câu phát biểu về tình trạng hiện tại của người bệnh hay một khả năng tiềm tàng đối với một vấn đề sức khoẻ mà người điều dưỡng được phép và có khả năng chăm sóc thành thạo. 2.2.2. Xác định các vấn đề của người bệnh (nhu cầu người bệnh) Để xác định nhu cầu của người bệnh thì trước tiên người điều dưỡng cần phải xác định được vấn đề sức khoẻ của người bệnh là gì và xem chúng là vấn đề hiện tại hay vấn đề tiềm tàng. - Vấn đề sức khỏe hiện tại là vấn đề mà người bệnh cảm nhận được và đang trải qua. Ví dụ: "Rối loạn kiểu ngủ do tiếng ồn của môi trường xung quanh", “ Người bệnh khong ăn uống được do chưa cónhu động ruột”. - Vấn đề sức khoẻ nguy cơ (tiềm tàng) cảnh báo điều dưỡng phải có những can thiệp dự phòng. Các yếu tố nguy cơ trong chẩn đoán nguy cơ về điều dưỡng mô tả các tình huống làm tăng khả năng phơi nhiễm của người bệnh với bệnh tật cũng như các tai nạn. Ví dụ: Người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. 2.2.3. Cách hình thành các vấn đề chăm sóc: - Một vấn đề chăm sóc được đưa ra dựa trên việc xác định nhu cầu của người bệnh. - Dựa vào các thông tin trong phần nhận định, người điều dưỡng lựa chọn các vấn đề chăm sóc phù hợp. - Một vấn đề chăm sóc gồm 2 phần: + Vấn đề của người bệnh: dựa vào việc xác định các nhu cầu có trong phần nhận định, là một khả năng tiềm tàng hay một tình trạng hiện tại về sức khỏe của người bệnh, ví dụ: "nguy cơ tổn thương".
  13. + Các vấn đề liên quan là các nguyên nhân hay các yếu tố đóng góp làm ảnh hưởng đến nhu cầu của người bệnh. Ví dụ: “do lú lẫn”. Nguyên nhân của vấn đề chăm sóc phải nằm trong khả năng thực hành của điều dưỡng và là một tình trạng mà điều dưỡng có thể áp dụng các can thiệp điều dưỡng. Vấn đề chăm sóc = Vấn đề của người bệnh + Nguyên nhân (nếu biết) - Ví dụ: + Đau do tổn thương da thứ phát do sau mổ khối u vú. Vấn đề của người bệnh là đau sau mổ khối u vú, nguyên nhân là do tổn thương da thứ phát sau mổ. + Trong phần nhận định, thu thập được các thông tin: chất xơ trong chế độ ăn giảm, lượng dịch đưa vào ít, âm ruột giảm, bụng dưới chướng, phân cứng khi thăm khám trực tràng. Vấn đề chăm sóc là: "Người bệnh táo bón do chế độ ăn bị hạn chế chất xơ". Vấn đề của người bệnh là: Táo bón, nguyên nhân là do chế độ ăn bị hạn chế chất xơ. Bảng 2.1. Những điểm khác nhau giữa chẩn đoán điều dưỡng và chẩn đoán điều trị Chẩn đoán điều trị Chẩn đoán điều dưỡng - Mô tả một quá trình bệnh tật riêng - Mô tả sự phản ứng đối với bệnh tật biệt, nó cũng giống nhau đối với tất cả của một người bệnh, nó khác nhau đối các người bệnh và hướng tới xác định từng người bệnh. bệnh. - Tồn tại không thay đổi trong suốt thời - Thay đổi khi phản ứng của người bệnh gian ốm. thay đổi. - Bổ sung cho chẩn đoán điều dưỡng. - Bổ sung cho các chẩn đoán điều trị. - Diễn giải liên quan đến cơ quan bị - Diễn giải các nhu cầu (phản ứng của bệnh. bệnh) và lý do của các nhu cầu cần chăm sóc. Người điều dưỡng phải có nghĩa vụ thiết lập chẩn đoán điều dưỡng. Lời tuyên bố phải được viết rõ ràng những giới hạn súc tích, bao gồm hai thành phần:
  14. - Bày tỏ sự phản ứng của người bệnh đối với bệnh tật hoặc nhu cầu cần thiết mà người bệnh yêu cầu. - Những yếu tố hướng đến nguyên nhân hay những phản ứng có thể xảy ra. Hai phần này được nối liền với nhau bằng sử dụng những từ ngữ liên quan hoặc liên kết với nhau. 2.2.4. Những đặc điểm của vấn đề chăm sóc - Ngắn gọn, rõ ràng - Chính xác, dựa vào những thông tin đáng tin cậy thu được trong quá trình nhận định. - Đặc biệt là hướng tới người bệnh và liên quan tới khó khăn của người bệnh. - Gồm 2 vế: Vấn đề của người bệnh + nguyên nhân (nếu biết). 2.3. Bước ba: Lập kế hoạch chăm sóc 2.3.1. Định nghĩa - Kế hoạch chăm sóc là hàng loạt các hoạt động chăm sóc theo yêu cầu để ngăn ngừa hay giảm bớt, hoặc loại trừ những khó khăn của người bệnh đã được xác định trong khi nhận định. - Kế hoạch chăm sóc bao gồm quyết định chăm sóc và giải quyết các vấn đề. Công việc này phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp của người điều dưỡng đối với người bệnh. 2.3.2. Mục đích của lập kế hoạch chăm sóc: - Kế hoạch chăm sóc được xem như là một hướng dẫn chăm sóc người bệnh. - Để thảo luận với các điều dưỡng khác, với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về các dữ liệu đánh giá, tất cả các vấn đề của người bệnh và liệu pháp chăm sóc. - Kế hoạch chăm sóc tốt sẽ làm giảm nguy cơ chăm sóc không đúng và không hợp lý. - Điều dưỡng có thể xác định các can thiệp điều dưỡng nhanh chóng với một kế hoạch chăm sóc tốt đã có từ trước. 2.3.3. Những thành phần của kế hoạch chăm sóc Kế hoạch chăm sóc gồm 4 thành phần, đó là: - Đề xuất những vấn đề ưu tiên. - Thiết lập những mục đích của người bệnh và kết quả mong chờ. - Lập kế hoạch các hoạt động chăm sóc. - Viết một kế hoạch chăm sóc. 2.3.3.1. Đề xuất những vấn đề ưu tiên - Là phải quyết định xem những khó khăn nào của người bệnh cần phải được giải quyết ngay trong số các khó khăn đã nhận định được ở người bệnh.
  15. - Những vấn đề ưu tiên cho người bệnh bao gồm: + Những vấn đề đe doạ cuộc sống của người bệnh (khó thở, xuất huyết). + Những tình trạng cần phải chú ý ngay tức khắc. + Những tình trạng rất quan trọng đối với người bệnh (ví dụ như đau hay lo lắng). - Vấn đề ưu tiên là những vấn đề có khả năng đe doạ cuộc sống của người bệnh và cần phải hành động ngay. Để làm được vấn đề này, điều dưỡng cần phải đặt ra các câu hỏi: + Khó khăn đó có đe doạ cuộc sống nghiêm trọng không? + Vấn đề này có ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh không? + Đây có phải là những nhu cầu thực tại mà người bệnh cần không? + Vấn đề đó có phải gia đình người bệnh và người bệnh không biết không? - Khi sắp xếp những vấn đề ưu tiên, phải sử dụng một mẫu hoặc một sườn như bảng bậc thang nhu cầu của MASLOW về những nhu cầu cơ bản. - Những vấn đề ưu tiên đã được xác định có thể không tồn tại cố định, vì vậy người điều dưỡng cần phải thay đổi ngay khi tình trạng của người bệnh tiến triển hoặc khi có y lệnh điều trị mới. 2.3.3.2. Thiết lập những mục đích (kết quả mong chờ) Sau khi nhận biết được những khó khăn của người bệnh, bước tiếp theo là thiết lập mục đích. Những mục đích của người bệnh có thể cho người bệnh biết để người bệnh tự làm được, phụ giúp sự chăm sóc và các hoạt động chăm sóc. Ý nhghĩa của những mục đích chăm sóc: - Cung cấp sự chỉ dẫn để thiết lập các hoạt động chăm sóc. - Chuẩn bị một giai đoạn thời gian để thực hiện kế hoạch chăm sóc. - Cung cấp một tiêu chuẩn để đánh giá các hoạt động chăm sóc đã đạt được. Ví dụ: Người bệnh khó thở do ứ đọng đờm giãi, thì mục đích mong chờ là làm giảm hoặc mất khó thở cho người bệnh. 2.3.3.3. Lập kế hoạch các hoạt động chăm sóc Khi lập kế hoạch chăm sóc, người điều dưỡng trưởng phải xem xét những phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực sẵn có cũng như khả năng nhân viên, thời gian và điều kiện của người bệnh và thân nhân của họ. - Các kế hoạch lập ra nên đi từ các việc chăm sóc đơn giản đến phức tạp, từ các công việc chủ động của điều dưỡng đến các công việc phối hợp với bác sỹ. - Các hoạt động chăm sóc đã lập có thể thực hiện được một lần, hoặc tiếp tục thực hiện trong một thời gian. - Các hoạt động chăm sóc cần phải được các nhân viên điều dưỡng tham gia vào công tác chăm sóc.
  16. - Ví dụ: Lập kế hoạch chăm sóc cho vấn đề Người bệnh khó thở: Vấn đề cần chăm sóc Lập kế hoạch chăm sóc Người bệnh khó thở Làm giảm khó thở cho người bệnh: - Nới rộng quần áo người bệnh - Cho nằm tư thế thích hợp, phòng thoáng khí, giữ ấm ngực - Hướng dẫn người bệnh cách thở hiệu quả - Thở oxy, hút đờm dãi theo y lệnh - Theo dõi nhịp thở - Thực hiện y lệnh thuốc 2.3.3.4. Viết kế hoạch chăm sóc - Khi viết kế hoạch chăm sóc cần lưu ý: + Với một kế hoạch chăm sóc thì tập trung vào chăm sóc cá nhân người bệnh hơn là vào nhiệm vụ như: tiêm, lấy máu xét nghiệm,... + Cung cấp về thông tin thuận lợi cho tất cả các nhân viên tham gia vào công tác chăm sóc người bệnh. + Cung cấp những chỉ số để đánh giá về chất lượng chăm sóc. - Cách viết mệnh lệnh chăm sóc: Các mệnh lệnh được viết bằng những từ đơn giản và phải được tất cả các nhân viên y tế hiểu được. Mệnh lệnh chăm sóc bao gồm 5 thành phần: + Các mệnh lệnh bắt đầu bằng động từ hành động và có nội dung rõ ràng. Ví dụ: đo và ghi chép lại số lượng nước tiểu 24 giờ, thay băng 6 giờ/lần, thay đổi tư thế 2 giờ/lần,... + Nội dung của viết các mệnh lệnh chăm sóc là: ở đâu, cái gì sẽ được làm và cái gì là cần thiết để thực hiện hoạt động này, nó phải được làm như thế nào? Ví dụ: chườm lạnh ở đâu, bao giờ làm, ai làm, làm khi nào... + Thời gian: trong khoảng thời gian nào? quy định thời gian như thế nào? Ví dụ: cứ 2 giờ bắt mạch 1 lần, đo nhiệt độ 1 lần. + Ký tên: người điều dưỡng trưởng viết ra mệnh lệnh phải ký tên. + Người điều dưỡng thực hiện chăm sóc cũng phải ghi kết quả, nhận xét và ký tên mình sau khi đã làm xong. 2.4. Bước bốn: Thực hiện kế hoạch chăm sóc
  17. Là triển khai kế hoạch chăm sóc người bệnh. Người điều dưỡng đồng thời phải chủ động với hành động chăm sóc của mình; vừa phải thực hiện các y lệnh điều trị của bác sĩ. Hoạt động chăm sóc phải được thực hiện với một trách nhiệm cao và mỗi điều dưỡng viên phải chịu trách nhiệm về công việc mình làm. - Phải biết an ủi, khuyên nhủ và giúp đỡ người bệnh. - Phải thực hiện các hoạt động chính xác và cẩn thận. - Phải biết theo dõi và phòng ngừa các biến chứng. - Phải luôn tôn trọng người bệnh. - Phải báo cáo thường xuyên mọi sự thay đổi về tình trạng của người bệnh cho bác sĩ điều trị và điều dưỡng trưởng. 2.5. Bước năm: Đánh giá quá trình chăm sóc Là kiểm tra lại kế hoạch chăm sóc mà người điều dưỡng lập ra, người bệnh có được chăm sóc không? và đạt được ở mức độ nào? Những nhu cầu nào của người bệnh đã được giải quyết và những nhu cầu nào còn chưa thực hiện được? - Xác định các kết quả mong muốn: các kết quả mong muốn đã được xác định trong bước lập kế hoạch chăm sóc là các tiêu chuẩn được sử dụng để lượng giá đáp ứng của người bệnh đối với các can thiệp điều dưỡng. - Thu thập các dữ kiện: người điều dưỡng phải tiến hành thu thập các dữ kiện bằng cách đặt ra những câu hỏi hết sức rõ ràng, chính xác. Những dữ kiện mà điều dưỡng thu thập có thể là những dữ kiện khách quan cũng như những dữ kiện chủ quan. Những dữ kiện chủ quan có thể là những lời phàn nàn của người bệnh như: "Tôi cảm thấy đau hơn ngày hôm qua" hoặc một số dữ kiện khác mà người điều dưỡng đánh giá qua thăm khám thực thể như: đánh giá mức độ mất nước so với trước khi tiến hành các can thiệp điều dưỡng. Những dữ liệu này cần phải ghi lại chính xác để phán đoán xem các kết quả mong muốn có đạt được hay không. Nội dung lượng giá bao gồm: + Hành động chăm sóc có được thực hiện theo kế hoạch không? + Thông tin phản hồi của người bệnh và người nhà người bệnh được chăm sóc như thế nào? + Các y lệnh điều trị (dùng thuốc, chăm sóc đặc biệt) có được thực hiện không? + Tình trạng bệnh tật của người bệnh tiến triển ra sao? (qua hỏi bệnh, thăm khám và theo dõi). - Phán đoán việc đạt được kết quả mong muốn: nếu hai phần trên đã được thực hiện một cách có đầy đủ và chính xác thì việc xác định xem những kết quả mong muốn trên có đạt được hay không rất dễ dàng. Cả người bệnh và điều dưỡng đều đóng một vai trò rất tích cực trong việc đánh giá các đáp ứng thực sự của người bệnh với các kết quả mong muốn. - Khi xác định các mục tiêu có đạt được hay không thì người điều dưỡng có thể có được 1 trong 3 kết luận:
  18. + Mục tiêu đã đạt được, nghĩa là đáp ứng của người bệnh giống như kết quả mong muốn. + Mục tiêu chỉ đạt được một phần, nghĩa là mục tiêu trước mắt là đạt được nhưng mục tiêu lâu dài là không đạt được hoặc là kết quả mong muốn chỉ đạt được một phần. + Mục tiêu hoàn toàn không đạt được. Sau khi quyết định mục tiêu có đạt được hay không thì người điều dưỡng phải ghi lại câu kết luận với hai phần: phần kết luận và phần các dữ kiện chứng minh. Trong đó phần lượng giá là một câu phát biểu xem kế hoạch chăm sóc có đạt được hay không, còn phần các dữ kiện chứng minh là một loạt các đáp ứng của người bệnh để chứng minh cho kết luận đó. Ví dụ: Đạt được kết quả mong muốn: lượng dịch đưa vào nhiều hơn lượng dịch thải ra là 300ml, niêm mạc ẩm, sức căng da tốt. - Trên cơ sở đó, nếu những kế hoạch chăm sóc nào chưa thực hiện được thì người điều dưỡng phải xem xét lại những đánh giá trong phần nhận định của mình đã đúng chưa? và những kế hoạch chăm sóc có đúng không? để có thể điều chỉnh kế hoạch chăm sóc cho ngày hôm sau nhằm chăm sóc tốt hơn các nhu cầu người bệnh./. Bài 3 SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN DỤNG CỤ TRONG BUỒNG BỆNH Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, học sinh có khả năng: 1. Trình bày được tầm quan trọng của việc bảo quản các dụng cụ y tế thường dùng. 2. Trình bày được cách sử dụng và bảo quản các dụng cụ thường dùng. Nội dung: 1. Tầm quan trọng của việc bảo quản các dụng cụ y tế thường dùng. Dụng cụ y tế là những vật dụng hỗ trợ giúp đỡ thầy thuốc trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc. Việc bảo quản các dụng cụ y tế có tầm quan trọng như sau: - Dụng cụ được sử dụng và bảo quản đúng mục đích, theo đúng kỹ thuật. - Đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm. - Dụng cụ được bảo quản sẽ kéo dài tuổi thọ của dụng cụ. - Đạt hiệu quả cao trong khám và chữa bệnh.
  19. 2. Phân loại các dụng cụ y tế thường dùng: - Dụng cụ bằng sắt tráng men. - Dụng cụ bằng sắt và inoc: kéo, dao mổ, khay đựng dụng cụ,… - Dụng cụ bằng thuỷ tinh: ống nghiệm, vỏ chai huyết thanh… - Dụng cụ bằng nhựa: các loại ống dẫn lưu… - Dụng cụ bằng cao su: găng tay, túi chườm,… - Dụng cụ bằng bông và đồ vải: săng, áo mổ, gạc miếng, bông cầu… 3. Xử lý và bảo quản các dụng cụ y tế thường dùng: 3.1. Dụng cụ bằng sắt tráng men: 3.1.1. Cách cọ rửa - Cọ rửa bằng bàn chải và nước xà phòng, chú ý chỗ có dính máu. - Nếu có vết bẩn lau lại với bột tẩy. - Rửa sạch với nước. - Lau khô. 3.1.2. Cách khử khuẩn: - Bô, vịt đái, ống nhổ: + Sau khi người bệnh dùng xong, rửa sạch ngâm trong nước có subulime 1/5000 trong 1 giờ hoặc đưa tiệt khuẩn tại trung tâm tiệt khuẩn. + Khoa truyền nhiễm có các đồ dùng cần tẩy uế và tiệt khuẩn bằng nồi hấp ướt. - Cốc súc miệng: Một tuần cọ rửa bằng xà phòng với nước sạch và luộc sôi 5 phút cho mỗi lần. 3.2. Dụng cụ bằng kim loại: 3.2.1. Dụng cụ kim loại chịu nhiệt: Là dụng cụ hấp sấy tiệt khuẩn ở nhiệt độ cao không bị thay đổi hình dạng và tính chất, các loại dụng cụ này gồm: dụng cụ phẫu thuật, thủ thuật, nội soi cứng, dụng cụ dùng trong chăm sóc và điều trị: khay đựng dụng cụ, ống cắm panh, kim chọc dò… 3.2.1.1. Chuẩn bị dụng cụ và phương tiện: - Nước sạch, xà phòng, bàn chải, các phương tiện cọ rửa phù hợp với từng loại dụng cụ. - Dung dịch khử khuẩn trước tiên: là các dung dịch có tính chất enzym (cidezym). Ngoài ra có thể dùng dung dịch khác với dẫn chất amonium bậc 4, amphoters kết hợp với cholorherxidin (argosgerm, argoscid, ampholysinneplus, hexanios) hoặc các dẫn chất chlorin (cloramin B 0,5%, presept, dung dịch Javel). - Thùng hoặc xô ngâm có nắp đậy kín, bảng chỉ thị màu, băng dính dán cố định, phiếu ghi ngày xử lý, ngày hạn dùng và người xử lý. - Lò hấp tiệt khuẩn (hấp ướt, hấp khô), nồi luộc dụng cụ, tủ chứa dụng cụ.
  20. - Phương tiện bảo hộ cho nhân viên khi xử lý dụng cụ: găng tay, kính mắt, tạp dề hoặc áo choàng. - Dầu bảo dưỡng dụng cụ (nếu cần). - Nếu bệnh viện có điều kiện có túi chuyên dùng bằng plastic đặc biệt, máy ép túi. 3.2.1.2.Quy trình xử lý Nhân viên xử lý dụng cụ phải đeo kính, đi găng, rửa tay trước và sau khi thực hiện quy trình xử lý. - Bước 1: Pha dung dịch khử khuẩn lần 1 Pha dung dịch khử khuẩn ban đầu vào thùng ngâm dụng cụ có nắp đậy kín theo bảng hướng dẫn sau: T Nồng độ Thời gian Loại Cách pha T (g/%) ngâm 1 Cidezym 8 ml trong 1 lít 1 – 5 phút nước 2 Argosgerm 0,25% 20 ml dung dịch 15 phút trong 8 lít nước 3 Cloramin B 1%- 3% 30 – 40 phút 4 Nước Javel 5 Presept 0,14% 1 viên (2,5g) trong 10 lít nước 6 Microshield 4% - 2% 3 – 5 phút Antiseptic Concentrat - Bước 2: Ngâm dụng cụ vào dung dịch khử khuẩn ban đầu. Nếu dụng cụ có chứa máu hoặc chất tiết của người bệnh thì rửa dụng cụ dưới vòi nước để bỏ bớt chất bẩn, sau đó ngâm ngay vào dung dịch khử khuẩn trong 10 phút. - Bước 3: Cọ rửa dụng cụ - Bước 4: Lau khô dụng cụ và bảo dưỡng dụng cụ nếu cần. - Bước 5: Đóng gói, tiệt khuẩn + Đóng gói dụng cụ: cho vào hộp dụng cụ hoặc vào khăn gói dụng cụ hoặc túi chuyên dùng. + Dán băng chỉ thị màu + Dán băng dính cố định
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2