ĐỀ BÀI: Cảm nhận về hình tượng nhân vật Mị trong hai đoạn văn sau “Lần lần, <br />
mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết….. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, <br />
Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Từ đó, bình luận ngắn gọn <br />
về tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài trong truyện<br />
<br />
Bài văn mẫu<br />
<br />
Lên Tây Bắc ngắm nhìn cảnh sắc núi non điệp trùng, mây cuộn mình trong sương, sương <br />
giăng mờ đỉnh núi. Đất trời ưu ái cho Tây Bắc vẻ đẹp miên viễn như huyền thoại, như thi <br />
ca. Nhưng ai biết đâu Tây Bắc cũng từng có những ngày chìm trong đêm đen của xã hội <br />
phong kiến – thực dân bao phủ. Cái xã hội ấy thật tàn bạo bởi nó đã bóp nghẹt sự sống <br />
của con người, tước đoạt ước mơ, giết chết khát vọng. Nhân vật Mị trong truyện ngắn <br />
“Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một điển hình. Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết sâu <br />
sắc về phong tục tập quán của đồng bào miền núi cao Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” <br />
(1952) chính là “món nợ ân tình” mà Tô Hoài phải trả cho đồng bào nơi đây bởi họ sống <br />
ân nghĩa ân tình quá đỗi, Tô Hoài không thể nào quên. Tác phẩm viết về những người dân <br />
lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam <br />
hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên đi tìm cuộc sống tự do. Trong truyện, cô Mị là <br />
một nhân vật đầy ám ảnh. Hoàn cảnh khốn khổ và tâm lý biến đổi theo thời gian của Mị <br />
để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người, đặc biệt là khi cô Mị “Ở lâu trong cái khổ” và từ <br />
trong “cái khổ” mà “phơi phới trở lại”, qua đây người đọc nhận ra tư tưởng nhân đạo cao <br />
quý của Tô Hoài gửi gắm trong thiên truyện.<br />
<br />
Mỗi nhà văn đều có một tạng riêng. Nếu Nam Cao để lại dấu ấn trong lòng người bằng <br />
tiếng kêu thống thiết của kiếp người lầm than, đói khổ lay lắt, bị bần cùng hóa, tư sản <br />
hóa mà ra; Thạch Lam gây ấn tượng bởi giọng trữ tình đượm buồn nhưng sâu xa, ý nhị về <br />
những miền đời bị xã hội bỏ quên; Nguyễn Tuân với câu từ trau chuốt, tỉ mỉ, hình ảnh góp <br />
nhặt từ một thời đại nào xa xưa lắm lung linh rực rỡ “đẹp đến toàn thiện toàn mỹ” trên <br />
trang văn… thì văn phong Tô Hoài nhẹ nhàng, không lên gân, không “ngùn ngụt sát khí” <br />
nhưng đủ sức bóp nghẹt tâm can người đọc, khiến người đọc rưng rưng nước mắt khi <br />
cám cảnh cùng cực của kẻ bất hạnh, sống mỏi mòn nhưng không buông xuôi thụ động <br />
như nhân vật trong cổ tích. Mị trong “Vợ chồng A Phủ” là cô gái vừa xinh đẹp như bông <br />
hoa rừng lại vừa tài hoa, hiếu thảo. Với những phẩm chất tốt đẹp mà Mị có, nếu sống <br />
trong một xã hội bình thường chắc chắn Mị sẽ được sống những tháng ngày an yên, hạnh <br />
phúc. Nhưng không, vì nghèo, vì món nợ ngày xưa bố mẹ Mị vay nhà thống lí Pá Tra cùng <br />
với phong tục hôn nhân kì lạ của người Mông mà Mị trở thành “con dâu gạt nợ” nhà <br />
thống lí, vợ của A Sử. Trên danh nghĩa là dâu, nhưng thực tế Mị lại là con ở không công <br />
nhà thống lí. Tại ngôi nhà quyền lực mà u ám này, Mị bị bóc lột sức lao động, bị đầu độc <br />
tâm hồn bởi thần quyền và cường quyền, dần dần Mị đã đánh mất chính mình, cô gái <br />
xinh đẹp yêu đời năm nào phải ngậm ngùi sống kiếp người đội lốt “con rùa nuôi trong xó <br />
cửa”.<br />
<br />
Về làm vợ A Sử, con dâu thống lí Pá Tra ít lâu, Mị đã quen dần với cái khổ, từ một cô gái <br />
tràn đầy sức sống, khao khát yêu thương bỗng chai sạn tâm hồn, mất nhận thức về thời <br />
gian, không gian, cả nỗi khổ mà mình đang gánh chịu. Ở đoạn văn thứ nhất, Tô Hoài đưa <br />
người đọc vào không gian mà cô Mị đang sống: khổ cực, tăm tối. Ngay từ những dòng văn <br />
đầu, nhà văn đã để lại ấn tượng về khoảng thời gian mà Mị đã sống trong nhà thống lí: <br />
“Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau”, chỉ mấy năm thôi nhưng chắc là lâu lắm. Đó là <br />
quãng thời gian mà Mị nếm trải khổ đau, nếm trải sự xói mòn trong tâm hồn của mình. <br />
“Mấy năm” là bao nhiêu năm? Bao nhiêu năm đã chầm chậm trôi qua mà Mị không hề nhớ <br />
rõ bởi bấy giờ Mị có còn biết khổ đau, bất hạnh, cơ cực là gì nữa đâu? Cái khoảng thời <br />
gian không xác định ấy tưởng chỉ mang tính chất giới thiệu thôi mà ngẫm lại đớn đau khó <br />
tả. Hóa ra Mị đã về làm dâu nhà thống lí “Mấy năm” rồi, “bố Mị” – người thân duy nhất <br />
của Mị cũng đã bỏ Mị mà đi, còn Mị thì đương sống trong tình trạng sống không ra sống <br />
mà chết thì Mị chưa nghĩ đến. Nếu ngày trước Mị đã từng có ý định ăn lá ngón tự tử vì <br />
không chịu đựng được nỗi khổ đau thì giờ phút này “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có <br />
thể ăn lá ngón tự tử nữa”. Lá ngón – một loài lá độc mọc dại ở miền núi cao Tây Bắc – <br />
khi đi vào văn chương lại trở thành một chi tiết nghệ thuật nói lên thật nhiều thân phận <br />
con người. Phải khổ đau, uất ức lắm người ta mới tìm đến lá ngón để mưu sinh. Lúc <br />
trước Mị định ăn lá ngón để chết, để khỏi phải đối mặt với những cơ khổ và bạo tàn nhà <br />
thống lí Pá Tra. Khi Mị muốn chết là lúc khát vọng được sống đúng nghĩa dâng trào. Còn <br />
bây giờ… “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa”, nghĩa là Mị <br />
chấp nhận khổ đau, cam chịu cảnh sống cực hơn là chết nhà thống lí. Mị không muốn <br />
chết bởi Mị đã chai lì, bởi Mị đã “quen khổ rồi”. Môi trường độc địa ấy đã ngấm vào <br />
trong Mị, cái khổ đã đồng hóa Mị, khiến Mị quen dần và không một biểu hiện phản <br />
kháng. Ngay cả Mị cũng “tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, câu văn <br />
chất chứa nỗi xót xa cùng cực của Tô Hoài dành cho nhân vật của mình. Thân phận của <br />
Mị chẳng khác nào thân phận “trâu ngựa”. Con trâu con ngựa suốt tháng suốt năm phải <br />
làm việc lam lũ trên nương, khoảnh khắc nghỉ chân của nó thật ngắn ngủi. Mị cũng thế, <br />
từ hồi về nhà thống lí Pá Tra làm dâu, quanh năm Mị quanh quẩn trên nương “bẻ bắp”, <br />
“hái củi”, “bung ngô”, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Vậy <br />
có khác nào con ngựa, con trâu? Con ngựa “chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm” chứ đâu than <br />
khổ than cực?! Cô Mị cũng vậy, Mị tất bật với bao nhiêu công việc không lúc nào ngơi tay <br />
mà Mị đâu có lời nào vãn than. “Quen khổ”, cái thói quen ấy mới thật khắc khoải làm sao. <br />
Đoạn văn thứ nhất đã mở ra thân phận cam chịu, tủi nhục của Mị. Người đàn bà ấy đã <br />
gồng gánh gian lao đi qua cơ cực mỏi mòn mà chẳng biết nặng là gì. Rõ là cái xã hội ấy <br />
thật bất nhơn, nó tước đoạt đi quyền hạnh phúc, đồng thời cắt đứt mạch sống của người <br />
con gái đương phơi phới xuân thì.<br />
<br />
Những tưởng đời Mị sẽ không bao giờ “ngóc đầu” lên nổi. Nhưng không, bằng tấm lòng <br />
nhân đạo cao quý, Tô Hoài đã cho cô Mị “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” kia “phơi <br />
phới trở lại”. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc trong Mị không vĩnh viễn mất đi mà <br />
chỉ ngủ quên dưới lớp tro buồn, gặp cơ hội thuận lợi lập tức những h ạt m ầm ấy l ại bén <br />
đất đâm chồi non khỏe khoắn. Mùa xuân Hồng Ngài có sắc màu rực rỡ của thiên nhiên, có <br />
tiếng sáo gọi bạn tình và hơi rượu đưa Mị trở về miền nhớ xa xăm. Thuở ấy, Mị được <br />
uống rượu, thổi sáo, được đi chơi ngày Tết. Còn bây giờ Mị phải sống trong cảnh cá chậu <br />
chim lồng, mà cũng không hẳn bởi Mị đâu chỉ mất tự do như con chim mà còn bị hành hạ, <br />
bị đánh đập tàn nhẫn. Khoảnh khắc “ngồi trơ một mình giữa nhà” Mị suy nghĩ biết bao <br />
điều. Từ lúc nãy Mị đã “phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm <br />
Tết ngày trước”. Mốc thời gian “những đêm Tết ngày trước” là những đêm Tết trước khi <br />
Mị về làm dâu nhà thống lí. Thuở ấy Mị được tự do, được bay nhảy, được vui chơi rộn rã <br />
cùng bao người. Trong tình cảnh này, Mị nhận ra “Mị còn trẻ lắm”. Từ hồi về làm dâu <br />
nhà Pá Tra đến giờ, đây là lần đầu tiên Mị nhận thức được sự trẻ trung vẫn còn nơi mình. <br />
Nét đẹp của cô gái Mông Tây Bắc vẫn còn phảng phất trên mặt Mị. Bao nhiêu người con <br />
gái Mông có chồng cũng được đi chơi ngày Tết, còn Mị có già dặn gì đâu mà cam chịu <br />
cảnh ngồi trong buồng tối không được đi chơi. Dường như “trẻ lắm” trở thành điệp khúc <br />
Mị tự nhắc nhở mình dẫn đến hành động “muốn đi chơi”. Có thể nói cô Mị thực sự “nổi <br />
loạn” trong đêm tình mùa xuân vì từ trước đến nay Mị chưa từng muốn đi chơi. Cái ước <br />
muốn đơn giản bình dị ấy đã bị kìm lại trong Mị, hoặc Mị không dám nói ra suốt mấy <br />
năm Mị làm dâu ở nhà thống lí Pá Tra. Mị nhận ra: “A Sử với Mị, không có lòng với nhau <br />
mà vẫn phải ở với nhau!”. Tại sao vậy? “Không có lòng” thôi thì hãy giải thoát cho nhau, <br />
cớ gì ép buộc, gò bó nhau cho khổ cực cuộc đời cô Mị? Một lần nữa hình ảnh chiếc lá <br />
ngón xuất hiện trong tâm tưởng cô Mị: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn <br />
cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Khi đã <br />
thức tỉnh, lòng ham sống trở về với Mị, Mị lại muốn ăn lá ngón tự tử. Ở đây, người đọc <br />
nhận thấy có sự đối lập rõ ràng. Sống và chết luôn nằm ở hai đối cực khác nhau, song <br />
khoảnh khắc này lại tương hỗ thật nhiều trong cuộc đời cô Mị. Mị muốn chết càng <br />
chứng tỏ Mị đã “sống lại” và tỉnh táo hơn bao giờ hết. Chết để được tự do, được thanh <br />
thản, để đỡ phải khổ trong chuỗi ngày kế tiếp. Lần này Mị muốn chết nhưng Mị không <br />
thể chết vì thực tại Mị đang ở trong buồng, kín mít, mà khát khao đi chơi cũng đang chiếm <br />
lĩnh tâm hồn Mị. Lá ngón trong lần xuất hiện này như một giao điểm giữa những ngày <br />
thầm lặng, bị đối xử tàn nhẫn, bị bóc lột về thân xác, áp chế về tinh thần với khát vọng <br />
sống, khát vọng hạnh phúc cuồng nhiệt như con sóng trong lòng cô Mị ngày xưa. Tóm lại, <br />
Mị đã tỉnh sau những tháng ngày u mê, ngủ say dưới lốt của một con rùa nuôi trong xó cửa <br />
không hi vọng, không mơ ước gì đến chuyện tương lai.<br />
<br />
Hai đoạn văn mở ra hai trạng thái tâm lí của cô Mị, một là “quen khổ rồi”, hai là “phơi <br />
phới trở lại”, “muốn đi chơi”. Nếu ở đoạn văn thứ nhất người đọc nhận ra một cô Mị thụ <br />
động, cam chịu số phận thì đến đoạn văn thứ hai, dấu ấn về sự “nổi loạn”, bứt phá bắt <br />
đầu xuất hiện trong cô gái này. Đó là sự trỗi dậy của Mị, tiền đề cho những phản kháng <br />
để giải thoát thân phận ở những diễn biến kế tiếp. Từ đây ta nhận ra cô Mị của Tô Hoài <br />
không giống kiểu người hiền hậu khốn khổ như trong cổ tích đã từng dựng xây. Tô Hoài <br />
đã thổi vào trang văn của mình cảm hứng của con người hiện đại, không cam chịu đã <br />
vùng lên khát khao tìm hạnh phúc, tìm cuộc sống tự do. Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng <br />
chứa đựng thái độ của nhà văn đối với cuộc sống, trước hết là với con người, “Văn học là <br />
nhân học” (M. Gorki). “Vợ chồng A Phủ” đã để lộ cái nhìn nhân đạo của Tô Hoài. Nhà <br />
văn đã phát hiện ra sự trỗi dậy mạnh mẽ của Mị, ngòi bút của ông luôn đau đáu tìm <br />
hướng dắt dìu cô Mị từ trong đau khổ đứng lên hướng về phía niềm vui, phía ánh sáng. <br />
Trước sau Tô Hoài vẫn tin rằng hoàn cảnh dẫu có khắc nghiệt đến mấy cũng không thể <br />
tiêu diệt hoàn toàn khát vọng cao cả trong Mị. Vì vậy mà Mị đã sống lại bằng tuổi trẻ, <br />
bằng nỗi day dứt về thân phận của mình. Chính cái khát vọng sống mãnh liệt không thể <br />
chết được ở Mị, giúp Mị tự giải thoát khỏi cái chốn địa ngục trần gian để làm lại cuộc <br />
đời, để sống như một con người. Tô Hoài đã phản ánh cuộc sống tối tăm, tủi nhục của <br />
người lao động nghèo vùng cao Tây Bắc trước Cách mạng, đồng thời đanh thép tố cáo tội <br />
ác, thế lực thực dân phong kiến, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, khẳng định sức sống tiềm tàng, <br />
mạnh mẽ, quá trình vùng lên giải phóng của người lao động Tây Bắc.<br />
<br />
Bằng giọng văn mềm mại cùng lối kể chuyện hấp dẫn, Tô Hoài đã đưa người đọc vào <br />
thế giới Hồng Ngài xinh đẹp mà u buồn, ở đó có bóng dáng cô Mị sống lầm lũi, bĩ cực <br />
đang lao đao đi tìm lẽ sống cho riêng mình. Nhà văn đã phát huy biệt tài miêu tả tâm lí <br />
nhân vật tinh tế để từ đó nhân vật của ông sống dậy, vùng vẫy, run rẩy phập phồng trên <br />
trang văn dày đặt ngôn từ. Trên hết vẫn là tư tưởng nhân đạo cao quý mà Tô Hoài đã gửi <br />
gắm. Chất nhân đạo góp phần làm nên tác phẩm văn học chân chính, có lẽ vì thế mà hơn <br />
nửa thế kỉ trôi qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vẫn đủ sức ám ảnh tâm trí bạn đọc. <br />
Và bao giờ cũng vậy, mỗi lần nghĩ về Tây Bắc hoặc có dịp lên Tây Bắc ngắm nhìn cảnh <br />
sắc thiên nhiên, lập tức bóng dáng vợ chồng A Phủ lại hiện ra trước mắt người đọc. <br />
Nhưng không phải một cô Mị tủi buồn và một chàng A Phủ bất lực khóc ròng trong đêm <br />
bị trói. Mà là một khung cảnh tươi sáng hơn, cô Mị với nụ cười tươi rói trên môi bởi cô đã <br />
cùng A Phủ sống những tháng ngày thật sự ý nghĩa, góp sức cho Cách mạng, giải phóng <br />
quê hương.<br />