Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp độc đáo, mới lạ của hình tượng người lính trong bài thơ <br />
Tây Tiến<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
Để làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến, khi <br />
chọn dẫn chứng, người viết cần chú ý: những nét tả người và tả cảnh không tách rời <br />
nhau. Nói cảnh là để nói người, cảnh có nhiều nét đối cực chính là cái nền làm nổi bật <br />
những nét đối cực vốn có trong tâm hồn và tính cách người lính Tây Tiến. Có thể nhận <br />
thấy rõ những đặc điểm nổi bật của người lính Tây Tiến trong bài thơ là can trường, <br />
mạnh mẽ và lãng mạn, hào hoa. Tuy nhiên, những đặc điểm (cũng là những phẩm chất) <br />
này không tồn tại tách rời nhau. Một chi tiết, một hình ảnh hoàn toàn có thể được khai <br />
thác từ những góc độ khác nhau để làm nổi bật những đặc điểm tưởng như đối lập nhau <br />
đó. Cần tránh cách phân tích chỉ nhìn ra những đặc điểm xã hội học của đối tượng mà <br />
quên mất chủ thể trữ tình. Không có cách nhìn riêng, không có ngôn ngữ thể hiện riêng <br />
của Quang Dũng, sự độc đáo mang tính khách quan, vốn có của đối tượng miêu tả sẽ <br />
không có cơ hội làm nên sự độc đáo của hình tượng như ta đã thấy trong bài thơ.<br />
<br />
Trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam có nhiều tác phẩm xuất sắc ca ngợi hình ảnh đẹp <br />
đẽ của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với những bài thơ nổi tiếng được sáng tác trong thời kì <br />
kháng chiến chống thực dân Pháp như Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên, <br />
Cá nước của Tố Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng đã sớm tạo dựng được một bức chân <br />
dung sinh động về những người lính “vì nhân dân quên mình”.<br />
<br />
Hình ảnh người lính được khắc hoạ trong bài thơ Tây Tiến có hai đặc điểm nổi bật: can <br />
trường, mạnh mẽ và lãng mạn, hào hoa. Hai đặc điểm (hay là hai nét tính cách này) quyện <br />
chặt vào nhau không thể tách rời. Sự can trường được biểu lộ một phần qua tinh thần <br />
lãng mạn và ngược lại, tinh thần lãng mạn có một số mặt đã nằm ngay trong phẩm chất <br />
can trường, ngang tàng ấy. Sự dung họp đẹp đẽ giữa hai nét đối cực này chưa hẳn đã là <br />
một hiện tượng phổ quát. Trong các bài thơ đã nêu trên của Chính Hữu, Hồng Nguyên, Tố <br />
Hữu, hình ảnh người lính thường hiện lên với vẻ đẹp chân chất, bình dị và cái quyết liệt, <br />
hăng hái của họ cũng có những nét khác. Điều này cũng dễ hiểu vì người lính được “miêu <br />
tả” trong đó là những người lính nông dân xuất thân từ nơi nước mặn đồng chua, nơi <br />
những làng quê nghèo đất cày lên sỏi đá. Trong khi đó, các "nhân vật” của Quang Dũng lại <br />
có gốc gác thị thành và nhiều người trong số họ là học sinh, trí thức. Hiển nhiên các chàng <br />
trai Hà Nội thanh lịch, hào hoa này có cách cảm thụ và trải nghiệm riêng đối với cuộc đời <br />
kháng chiến. Đây là cơ sở đầu tiên khiến cho hình ảnh họ trong thơ Quang Dũng có một <br />
vẻ đẹp riêng, độc đáo.<br />
<br />
Đã nói đến người lính cách mạng, không thể không nói tới tinh thần quá cảm sẵn sàng <br />
vượt qua mọi gian lao của họ. Để thể hiện điều đó, bằng sức mạnh của sự hồi tưởng, <br />
bằng bút pháp miêu tả gân guốc và phóng túng, Quang Dũng đã tái hiện rất sinh động <br />
trong Tây Tiến một hoàn cảnh đầy thử thách. Trên con đường hành quân về miền tây Tổ <br />
quốc, các chiến sĩ Tây Tiến đã phải chấp nhận sự thách thức của những đèo cao, vực sâu <br />
cực kì hiểm trở. Dốc rồi lại dốc, gập ghềnh, khúc khuỷu, chừng như muốn dẫn người ta <br />
lên tới tận đỉnh trời. Có những lúc đoàn quân đi trong sương núi mịt mùng bủa vây tứ phía. <br />
Người càng mỏi mệt, núi rừng càng diễu võ giương oai, càng mượn lời thác gào lên <br />
những tiếng man dại giữa đại ngàn. Đó là chưa kể sự rình rập của thú dữ đêm đêm. Đi <br />
vào nơi lam sơn chướng khí, những người lính chưa quen phong thổ phải đối diện hằng <br />
ngày với hiểm hoạ ghê sợ của sốt rét, dịch bệnh khiến cho tóc không mọc nổi, da tái <br />
xanh, “đánh trận tử vong ít, sốt rét tử vong nhiều” (Trần Lê Văn). Nhấn mạnh sự khắc <br />
nghiệt của hoàn cảnh chính là một cách Quang Dũng gián tiếp làm nổi bật sự quyết chí <br />
của các chiến sĩ. Các câu thơ như: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm / Heo hút cồn mây <br />
súng ngửi trời đâu phải chỉ đơn thuần tả dốc. Sự thật nó đang tả người vượt dốc và âm <br />
điệu trúc trắc ,“khổ độc” của các câu thơ như muốn mô phỏng hơi thở nặng nhọc của <br />
những người lính. Tất nhiên, trong bài thơ cũng có những câu trực tiếp tả người. Đó là <br />
những câu thơ nói về một cách chết, một kiểu chết thường gặp: Anh bạn dãi dầu không <br />
bước nữa / Gục lên súng mũ bỏ quên đời! Thoạt đọc qua, ta ngỡ câu thơ chỉ bộc lộ cảm <br />
xúc về sự mất mát, nhưng ngẫm nghĩ kĩ, ta hiểu ra trong ấy chứa đựng nét miêu tả về <br />
một tư thế hi sinh. Gian lao không làm các chiến sĩ sờn lòng. Nếu có chết, họ cũng chỉ <br />
chịu chết trong tư thế đi lên, giữa lúc đang làm nhiệm vụ. Người lính đi vào cái chết như <br />
đi vào một giấc ngủ bỏ quên đời rất thanh thản. Họ quả là những người Nhẹ xem tính <br />
mệnh như màu cỏ cây, họ đã thực hiện chí làm trai của mình một cách hết sức trọn vẹn, <br />
thậm chí mang màu sắc lãng mạn nữa.<br />
<br />
Cũng thật lạ lùng, Thầy Tiến nhiều lần nói đến cái chết mà khí lực của bài thơ vẫn rất <br />
mạnh mẽ. Phải chăng điều này có nguyên nhân ở tinh thần “dám chết” của các chiến sĩ? <br />
Hành quân vào miền đất dữ, họ quá biết những hiểm nguy đang chờ đón. Với ai đó, <br />
những nấm mồ viễn xứ nằm rải rác biên cương có thể đưa lại một ám ảnh ghê sợ, nhưng <br />
với người lính Tây Tiến thì không. Thuở ra đi họ đã “hẹn ước”: Đường lên thăm thẳm <br />
một chia phôi (cũng có nghĩa là Chí nhớn chưa về bàntay không Thâm Tâm), bởi thế, họ <br />
sẵn sàng chấp nhận hy sinh không điều kiện, không tính toán. Chiến trường đi chẳng tiếc <br />
đời xanh là một tâm niệm cái tâm niệm của kẻ làm chủ được mình, tự ý thức được sâu <br />
sắc hành động của mình. Can đảm mà chẳng hề mù quáng đó là một phẩm chất rất đẹp <br />
của người chiến sĩ Tây Tiến nói riêng và của người chiến sĩ cách mạng nói chung.<br />
<br />
Khó mà tách riêng ra đâu là nét can trường và đâu là nét lãng mạn, hào hoa trong một con <br />
người thống nhất. Sự can trường đã nhuốm vẻ lãng mạn của người lính Tây Tiến một <br />
phần do nó được cảm nhận bằng hồn thơ rất mực tài hoa, khoáng đạt, trẻ trung. Rất <br />
nhiều chi tiết miêu tả đặc sắc trong bài thơ cùng một lúc làm phát lộ hai phẩm chất nói <br />
trên của các chiến sĩ. Phải rất giàu dũng khí cũng như rất giàu “hồn thơ”, người lính Tây <br />
Tiến mới rung động được đến mức cực điểm với vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của núi rừng <br />
như thế này: Chiều chiều oai linh thác gầm thét / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người. <br />
Có những lúc người lính Tây Tiến thả hồn bay lên với cảnh trí tuyệt vời thơ mộng của <br />
thiên nhiên. Ta hiểu lúc đó họ đã chế ngự được hoàn cảnh khắc nghiệt để thưởng thức <br />
những vẻ đẹp hiếm thấy trong đời: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy / Có thấy hồn <br />
lau nẻo bến bờ / Có nhớ dáng người trên độc mộc / Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. Có <br />
thể nói, trong mỗi người lính Tây Tiến có tồn tại một con người nghệ sĩ. Chẳng hề ngẫu <br />
nhiên khi ta thấy xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm các chi tiết nói về “hoa", về “nhạc”, <br />
về "thơ” những “vật liệu” hết sức cần thiết cho việc tô đậm phẩm chất lãng mạn trong <br />
tâm hồn người chiến sĩ. Các anh đã chiến thắng hoàn cảnh đến hai lần khi trong những <br />
ngày gian khó vẫn tổ chức nhiều đêm lửa trại tưng bừng, náo nhiệt. Trong những đêm đó, <br />
nét đa tình, hào hoa của các chàng trai Hà Nội càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Họ đã <br />
reo lên sung sướng, ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một dáng hồng sơn cước và <br />
nghiêng ngả vui hết mình trong tiếng khèn, tiếng nhạc dặt dìu: Doanh trại bừng lên hội <br />
đuốc hoa / Kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp / Nhạc về Viên Chăn <br />
xây hồn thơ.<br />
<br />
Ốm đau, bệnh tật đã khiến cho người lính Tây Tiến có một vẻ ngoài thật kì dị. Đôi lần <br />
họ mượn ngay sự kỳ dị đó để tạo cho mình một dáng dấp oai dữ rất riêng. Nhưng điều <br />
đáng nói ở đây là chất mộng mơ, đa cảm chưa một lần bị biến dạng. Nó vẫn tồn tại như <br />
để nuôi giữ chất người đẹp đẽ ở các anh. Dáng kiều thơm nơi đô thành trong giấc mộng <br />
của người chiến sĩ không nói về một trạng thái tinh thần “ốm yếu”, mà ngược lại, cho ta <br />
hiểu thêm về bản lĩnh sống của các anh những người không chịu đánh mất mình dù gặp <br />
phải hoàn cảnh khốc liệt như thế nào.<br />
<br />
Rung động trước vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến thực chất là <br />
một rung động thơ. Dĩ nhiên, anh bộ đội Tây Tiến ngoài đời rất gan dạ, rất hào hoa, <br />
nhưng phải nhờ “ngôn ngữ thơ” của Quang Dũng, hai phẩm chất kia mới nổi bật lên và <br />
gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc đến như thế. Tạo dựng một bức tranh thiên <br />
nhiên vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa thơ mộng, trữ tình, tác giả đã thực sự làm một phép chiếu <br />
ứng nhằm phơi mở toàn bộ vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ. Còn khi nhà thơ sử dụng <br />
những cách nói tếu táo rất lính như súng ngửi trời, cọp trêu người, không mọc tóc... trong <br />
“kể việc” thì người đọc bỗng nhiên hình dung được rất rõ dáng vẻ ngang tàng, đầy khí <br />
phách của các chàng trai Tây Tiến đang vượt lên cười cợt với gian nan. Sử dụng một hệ <br />
từ vựng riêng khi nói về cái chết với những từ ngữ không bước nữa, bỏ quên đời, về đất, <br />
tác giả càng giúp ta thấu rõ tinh thần trượng phu của người lính chiến rất anh hùng, rất <br />
lãng mạn khi coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”.<br />
<br />
Bài thơ Tây Tiến là nơi lưu giữ những kỉ niệm về một thời kháng chiến. Đi vào bài thơ, ta <br />
nghiêng mình trước vẻ đẹp can trường, mạnh mẽ và lãng mạn, tài hoa của các chiến sĩ, <br />
đồng thời ta cũng nghiêng mình trước thơ, trước tâm hồn lớn lao, phong phú của chính <br />
người thơ Quang Dũng. Độc giả khó ngăn nổi cảm giác thèm được thấy lại một thời thơ <br />
mà lúc đó người ta làm thơ như đã sống và thực sự đã sống đẹp như một bài thơ.<br />