intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phân tích ý nghĩa và tính biểu cảm hai bài ca dao: "Thân em như tấm lụa đào" và "Thân như củ ấu gai".

Chia sẻ: Nguyen Thi Phuong Ly | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:8

653
lượt xem
32
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Lụa đào là lụa hồng, rất đẹp rất quý. So sánh "Thân em như tấm lụa đào", o thôn nữ tự hào về nhan sắc xinh đẹp của mình, một vẻ đẹp mơn mởn đào tơ. Câu thứ hai biểu lộ nỗi niềm băn khoăn, bâng khuâng của thiếu nữ về chuyện tình duyên, chuyện gia thất tương lai: "Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". "Ai" là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, là anh trai cày xóm dưới làng trên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phân tích ý nghĩa và tính biểu cảm hai bài ca dao: "Thân em như tấm lụa đào" và "Thân như củ ấu gai".

  1. CA DAO Phân tích ý nghĩa và tính biểu cảm hai bài ca dao: "Thân em như tấm lụa đào" và "Thân như củ ấu gai". Bài làm 1. Có biết bao bài ca dao nói về "thân em", nói về thân phận cuộc đời của cô gái nơi thôn xóm đồng quê, sau bờ dâu ruộng lúa: "Thân em như tấm lụa đào, Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". Lụa đào là lụa hồng, rất đẹp rất quý. So sánh "Thân em như tấm lụa đào", o thôn nữ tự hào về nhan sắc xinh đẹp của mình, một vẻ đẹp mơn mởn đào tơ. Câu thứ hai biểu lộ nỗi niềm băn khoăn, bâng khuâng của thiếu nữ về chuyện tình duyên, chuyện gia thất tương lai: "Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" . "Ai" là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, là anh trai cày xóm dưới làng trên. Câu hỏi thể hiện ít nhiều băn khoăn. Ngày xưa, cha mẹ "đặt đâu con ngồi đó", không có chuyện tự do yêu đương, nên cô gái đến tuổi "cập kê" mới có nỗi niềm ấy. 2. Bài ca dao thứ hai, cô gái làng quê chân lấm tay bùn, mộc mạc chất phác lại có cách ví von khác: "Thân em như củ ấu gai, Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen". Củ ấu gai thường có hai, ba sừng, có nhiều ở đồng sâu, đồng trũng, ao dưới đìa trên. Vỏ ấu thì đen, cơm ấu, ruột ấu thì trắng. Hai tính từ "trắng" và "đen" tương phản. Qua đó, o thôn nữ tự hào nói về mình: em đen là đen giòn, vì siêng năng hay lam hay làm, dầm mưa dãi nắng nên nước da em "đen"; đen mà khoẻ mạnh đảm đang, đen mà trinh trắng tâm hồn. Con gái ở đâu, thời nào cũng vậy, có cô "mỏng mày hay hạt", "cổ kiêu ba ngấn", "má phấn môi son", "tóc liễu mày ngài",... Có cô lại nước da bánh mật, đen giòn,... Qua cách so sánh, cô gái t ự
  2. hào về cái "duyên thầm" của mình, về tâm hồn của mình. Không hề có chuyện "than thân"! Hai câu tiếp theo là tiếng hát, là lời chào mời, vẫy gọi. Rất chất phác, thật thà, có sao nói vậy: "Ai ơi nếm thử mà xem, Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi". "Ai" là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, là anh xã chú nhiêu, là anh tát nước "bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen" , là anh thợ mộc Thanh Hoa đa tài đa tình chạm dê, chạm rồng, chạm gà, chạm đèn... để nàng dệt vải quay tơ... Cũng có thể là chàng trai vài năm sau sẽ "trèo lên cây bưởi hái hoa..." . Chữ "nếm thử", "nếm ra" dùng rất hay, rất mộc mạc chân tình: anh hãy xin mẹ cha "đem trầu bỏ ngõ", chuẩn bị "đôi chiếu, đôi chăn, đôi trằm, quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới, lại đèo thêm buồng cau...", thì lúc đó "mới biết rằng em ngọt bùi". Cũng nói về chuyện kết tóc xe tơ, không hoa mĩ, hoa hoè hoa sói mà mộc mạc, chân thành. Thiếu nữ được nói đến trong bài ca dao rất đáng yêu quý, có bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp: khoẻ mạnh, chất phác, hồn hậu, trong trắng. Các tính từ: "trắng, ngọt bùi" đã nêu bật cái "duyên thầm" thôn nữ. Mần chi có sự "than thân". Chúng ta hãy đọc lại và suy ngẫm về cách nói và điệu tâm tình của cô gái làng quê ngày xưa. Phân tích ý nghĩa và tính biểu cảm của ba bài ca dao: "Khăn thương nhớ ai", "Ước gì sông rộng một gang" và bài "Muối ba muối đang còn mặn". Bài làm 1. Một chữ "thương", một chữ "nhớ" trong ca dao dân ca Việt Nam từng làm xao xuyến lòng ta, lòng người đã bao lâu nay. Bài ca dao "khăn thương nhớ ai" gồm có 12 câu: 10 câu thơ bốn chữ và 2 câu thơ lục bát nói về tâm trạng của "em", của o thôn nữ ngày xưa. "Khăn, đèn, mắt" là ba hình ảnh hoán dụ - ẩn
  3. dụ, lấy vật thể để tả nội tâm. Nội tâm đó là: "thương nhớ", là "không yên", "những lo phiền", là "không yên một bề". Nghệ thuật sử dụng điệp ngữ rất đặc sắc, đã làm nổi bật tình thương nhớ, nỗi lo phiền lớp lớp dâng lên trong lòng thiếu nữ, có lúc thao thức thâu canh. Sáu chữ "khăn", hai chữ "đèn", hai chữ "mắt"; chữ "thương", chữ "nhớ" đều được láy lại năm lần; các chữ "lo", "không yên", "lo phiền" xoắn lại như cuộn tơ vò. Hai câu lục bát cuối bài ca dao vừa làm cho nhịp thơ giãn ra, v ừa diễn tả tiếng thở dài khẽ cất lên trong tâm hồn "em": "Đêm qua em những lo phiền, Lo vì một nỗi không yên một bề". "Một bề" ở đây là chuyện tình duyên, chuyện chồng con sắp tới. Thương, nhớ, lo, phiền là tâm trạng của "em". Có yêu nhiều, có tự ý thức về thân phận mình, tình duyên mình mới có tâm trạng ấy. "Khăn thương nhớ ai" là một viên ngọc đẹp trong ca dao Việt Nam. 2. Ngày xưa có anh trai cày từng mơ ước: "Ước gì anh lấy được nàng, Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại xây ngang, Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân"... Bài ca dao này lại nói lên điều mơ ước của thôn nữ: "Ước gì sông rộng một gang, Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi". Một cách nói quá, nói giảm thật ý nhị, đậm đà: "sông rộng một gang". Cũng nói đến chuyện "bắc cầu". Vì là "cầu ái cầu ân" nên không cần cầu khỉ, câu tre lắt lẻo, câu treo, cầu mây... mà chỉ là cầu dải yếm. "Sông rộng một gang" thì chỉ cần "cầu dải yếm" là đủ, là vừa, là khéo. "Cầu dải yếm" là một hình ảnh độc đáo bậc nhất, trữ tình bậc nhất trong ca dao dân ca. Cách sông nhưng chẳng phải lụy đò vì đã có cầu dải yếm "để anh sang chơi", để đôi ta trao duyên, ước hẹn chuyện trăm năm.
  4. Bài ca tuyệt hay nói lên nỗi khát khao tình yêu hạnh phúc của o thôn nữ xóm Đông thôn Đoài ngày xưa. Khát vọng ấy dạt dào chất nhân văn. Có người nói: chữ "rước" chứ không phải chữ "để". Mong các em suy ngẫm và cân nhắc xem: "Ước gì sông rộng một gang, Bắc cầu dải yếm rước chàng sang chơi". 3. Bài ca dao sau đây lấy thời gian "ba năm", "chín tháng", "ba vạn sáu nghìn ngày" , "lấy gừng cay muối mặn" để nói về "nghĩa nặng tình dày" của đôi ta. Đây là bài ca dao lưu truyền sâu rộng trong vùng dân gian Nghệ Tĩnh ngày xưa để ca ngợi và khẳng định một lời nguyền sắt son thuỷ chung của lứa đôi, của vợ chồng: "Muối ba năm mối đang còn mặn, Gừng chín tháng gừng hãy còn cay. Đôi ta nghĩa nặng tình dày, Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa". Bình giảng bài ca dao: "Khăn thương nhớ ai, Khăn rơi xuống đất. Khăn thương nhớ ai, Khăn vắt trên vai. Khăn thương nhớ ai, Khăn chùi nước mắt. Đèn thương nhớ ai, Mà đèn không tắt. Mắt thương nhớ ai, Mắt ngủ không yên.
  5. Đêm qua em những lo phiền, Lo vì một nỗi không yên một bề". Bài làm Ca dao nói về tình yêu trai gái có muôn hình nghìn vẻ. Có tiếng hát tự tình giao duyên. Có lời giã bạn muôn vàn thiết tha lưu luyến. Có tương tư thương nhớ chờ mong. Bài ca dao " Khăn thương nhớ ai" là một khúc tương tư của thiếu nữ, mà "sầu đong càng lắc càng đầy", càng thương càng nhớ, càng nhớ thương càng lo phiền thao thức. 1. Bài ca dao gồm có 12 câu. Mười câu đầu viết theo thể nói lối, mỗi câu có 4 chữ. Khăn, đèn, mắt là 3 hình ảnh ẩn dụ - hoán dụ - nhân hoá thể hiện tình thương nhớ người yêu của cô gái đa tình. Hai câu cuối viết theo thể lục bát nói lên nỗi lo phiền của thiếu nữ tương tư. a. Sáu câu đầu nói về "khăn", lấy khăn để giãi bày tâm sự thầm kín. Ba câu hỏi tu từ liên tiếp xuất hiện: " Khăn thương nhớ ai... Khăn thương nhớ ai... Khăn thương nhớ ai... ". Mỗi lần lại có một cách thổ lộ khác, tất cả đều biểu lộ một nét tâm trạng "thương nhớ" day dứt khôn nguôi rất điển hình. "Thương nhớ" bổi hổi bồi hồi, chân tay uể oải, buồn quá không muốn cử động khác nào "khăn rơi xuống đất". Có lúc nỗi "thương nhớ" cồn cào ruột gan, đứng ngồi không yên tựa như "khăn vắt lên vai". Lại có khi "thương nhớ" lớp lớp sóng dồi, càng nhớ thương càng buồn tủi, cô đơn. Bao nhiêu lệ đã tuôn rơi và chỉ biết "khăn chùi nước mắt". Có yêu lắm mới nhớ nhiều. Càng thương nhớ càng buồn cô đơn, và chỉ biết khóc thầm như ai đó: "Nhớ ai, em những khóc thầm, Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa". ở đây, "khăn" là khách thể trữ tình, là đối tượng để cô gái đa tình, si tình cùng tâm sự, cùng giãi bày, cùng thổ lộ, để san sẻ nỗi thương nhớ đầy vơi trong lòng. "Khăn" đồng thời là ẩn dụ; lòng em như khăn đó. Nghệ thuật sử dụng điệp cú liên hoàn (3 lần) "khăn thương nhớ ai" và nhân hoá: "khăn rơi xuống đất", "khăn
  6. vắt lên vai", "khăn chùi nước mắt" đã cực tả bao nỗi thương nhớ day dứt, triền miên, bồi hồi dâng lên trong lòng em. b. "Đèn" là ẩn dụ nhân hoá thứ hai thể hiện tình tương tư. Thâu canh cô gái thao thức một đèn một bóng. Chỉ có đèn, may ra mới thấu hiểu. Lòng em cũng chính là "đèn" giữa đêm khuya: "Đèn thương nhớ ai, Mà đèn không tắt". Đèn cũng như trăng luôn luôn hiện diện cùng các cô gái, chàng trai đa tình đang thao thức cô đơn, đang tương tư thương nhớ người tình xa cách: "Đèn tà thấp thoáng bóng trăng, Ai đem người ngọc thung thăng chốn này ?" Ca dao "Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao, Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng". Truyện Kiều c. Sau hai ẩn dụ "khăn" và "đèn", "mắt" là một hoán dụ nghệ thuật được nói đến: "Măt thương nhớ ai, Mắt ngủ không yên". "Khăn" và "đèn" còn là vật thể, khách thể. "Mắt" mới chính là lòng em, hồn em, tình em. Vì quá thương nhớ người yêu mà em thao thức suốt những đêm dài, càng thương nhớ càng nóng ruột, "mắt ngủ không yên" càng bồn chồn thương nhớ. Cũng là thương nhớ, buồn tương tư, nhưng mỗi chàng trai, cô gái đa tình, si tình lại có những nét tâm trạng riêng. Và mỗi nhà thơ lại có một cách nói riêng, cách diễn tả riêng. Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) một nhà nho tài tử: "... Trăng soi trước mặt ngờ chân bước, Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào. Một nước một non, người một ngả, Tương tư không biết cái làm sao !" ("Tương tư")
  7. Tản Đà, một thi sĩ phong tình: "... Nghìn dặm dám quên tình lúc ấy, Trăm năm còn nhớ chuyện ngày xưa. Tương tư một mối hai người biết, Ai đọc thơ này đã biết chưa ?" ("Ngày xuân tương tư") Xuân Diệu đa tình, đắm đuối: "Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh Anh nhớ em, anh nhớ lắm ! Em ơi !". ("Tương tư chiều") Và Nguyễn Bính mộng mơ: "Tương tư thức mấy đêm rồi, Biết cho ai hỏi ai người biết cho..." ("Tương tư") Đọc lại một đôi vần thơ viết về tương tư, ta càng cảm thấy cái ý vị thương nhớ lo phiền của thiếu nữ được thể hiện trong bài ca dao "Khăn thương nhớ ai", một bài ca dao rất độc đáo, lúc nào đọc cũng cảm thấy rất hay và mới mẻ. Phải chăng vì thế mà nhà văn Hoài Thanh đã ca ngợi "là một trong những câu ca dao hay nhất của Việt Nam". 2. Sau khi mượn "khăn", "đèn", "mắt" để giãi bày, thổ lộ tình "thương nhớ", nỗi buồn tương tư, cô gái nói lên nỗi " lo phiền" của mình: "Đêm qua em những lo phiền, Lo vì một nỗi không yên một bề". "Lo phiền" là tâm trạng, nghĩa là vừa lo vừa buồn héo hon cả ruột gan. Chữ "những" (những lo phiền) kết hợp với điệp từ " lo" đã diễn tả nỗi "lo phiền" chồng chất, không thể nào kể xiết. "Một nỗi không yên một bề" là nguyên nhân của "những lo phiền" đang chứa chất trong lòng "em". Đó là chuyện tình duyên, chuyện hạnh phúc mai sau, là nỗi thương nhớ, nỗi buồn tương tư của "em", không biết người yêu trong xa cách có thấu tình cho chăng ?
  8. "Lo phiền" là tâm trạng "đêm qua", còn đêm nay là " thương nhớ" bồn chồn, là thao thức, cô đơn, buồn tủi khóc thầm, đứng ngồi không yên. Và "em" chỉ còn biết than thầm, chỉ còn biết thổ lộ với "khăn", với "đèn", với "mắt". Qua đó, ta thấy nỗi " lo phiền" tương tư của cô gái đa tình là triền miên, dằng dặc, khôn nguôi. Hai câu lục bát như mở rộng tâm trạng nghệ thuật, không gian nghệ thuật, là bao la, thời gian nghệ thuật, là vô tận, đó là tương tư. Cái hay của bài ca dao "Khăn thương nhớ ai" là ở sự biến hoá. Biến hoá về thể thơ: thơ nói lối 4 chữ chuyển thành thơ lục bát. Biến hoá về cách biểu lộ tâm trạng: tự hỏi và tự trả lời, tự giãi bày và bộc lộ. Biến hoá về tình tương tư: thương nhớ và lo phiền "không yên một bề". Biến hoá về các biện pháp tu từ: ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, điệp ngữ, câu hỏi tu từ, và cảm xúc thiết tha, bồi hồi. Năm lần chữ "ai" xuất hiện đã làm cho tình thương nhớ tương tư thêm day dứt, mênh mang, bồn chồn. Bài ca dao "Khăn thương nhớ ai" đã nói lên một nỗi buồn đẹp, nỗi buồn tương tư. Nó đã phản ánh tâm hồn thiếu nữ: đa tình, khao khát tình yêu hạnh phúc, băn khoăn về chuyện tình duyên. Tâm trạng ấy, tâm hồn ấy mang tính nhân văn hồn hậu. Và ai đã từng yêu tha thiết, yêu nồng nàn say đắm ? Và ai từng nếm vị tương tư ? Càng đọc, ta càng thấy bài ca dao rất hay, rất đậm đà ý vị. Nguồn: Nhiều tác giả, 108 bài văn 10 chọn lọc, Nxb Tổng hợp TP. HCM
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0