JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 6A, pp. 3-11<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0064<br />
<br />
CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA TỔ CHỨC DẠY HỌC LĨNH VỰC KHOA HỌC<br />
TỰ NHIÊN Ở TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO TIẾP CẬN TÍCH HỢP<br />
Hà Thị Lan Hương1 , Đặng Thị Oanh2<br />
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp phải được triển khai thực hiện trên nền<br />
tảng của cơ sở lí luận bao gồm cơ sở tâm lí học, cơ sở giáo dục học và cơ sở thực tiễn. Bài<br />
báo này xin được đề cập đến cơ sở thực tiễn của việc tổ chức dạy học lĩnh vực khoa học tự<br />
nhiên ở trường THCS theo tiếp cận tích hợp, trong đó đã chỉ rõ những căn cứ ngoài nước<br />
và trong nước đặc biệt tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực của giáo viên cũng như<br />
đưa ra nguyên nhân của thực trạng. Qua đó góp một phần nhỏ làm cơ sở cho công cuộc xây<br />
dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 theo định hướng hình<br />
thành và phát triển năng lực ở người học.<br />
Từ khóa: Tổ chức dạy học, lĩnh vực khoa học tự nhiên, tiếp cận tích hợp, cơ sở thực tiễn,<br />
năng lực dạy học tích hợp, trung học cơ sở.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Phát triển chương trình và tổ chức dạy học tích hợp đã được các nước có nền giáo dục phát<br />
triển được triển khai thực hiện ở các cấp học và đáp ứng mục tiêu đặt ra là phát triển năng lực của<br />
học sinh để họ có thể vận dụng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống [1,4,6,7,8]. Trong một<br />
vài năm gần đây, định hướng của việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa và tổ chức dạy học ở<br />
Việt Nam nhất là ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đã cập nhật với tình hình giáo dục thế giời, đi<br />
theo định hướng dạy học tích hợp để phát triển năng lực cho học sinh [2]. Tuy nhiên, theo một số<br />
nghiên cứu ở các cấp học nhất là cấp THCS thì việc tích hợp chỉ được đề cập đến trong mục tiêu<br />
dạy học của chương trình, còn trong sách giáo khoa có một số chủ đề tích hợp nội môn hoặc một<br />
số chủ đề ngoại khóa liên môn; việc tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp ít được triển khai thực<br />
hiện hoặc nếu triển khai cũng chỉ ở mức độ tham gia các cuộc thi và chưa đạt được mục tiêu, hiệu<br />
quả đặt ra [3,5]. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng trên là việc nghiên cứu hình<br />
thức và cách thức tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp còn rất mới mẻ, chưa có nhiều thành tựu;<br />
do vậy tạo ra sự thiếu hụt trong cơ sở lí luận, dẫn đến thiếu điểm tựa hướng dẫn cho giáo viên học<br />
hỏi và lựa chọn. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng chương trình, sách<br />
giáo khoa ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở theo định hướng tích hợp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra<br />
là khi đã có chương trình và sách giáo khoa theo định hướng này thì việc tổ chức dạy học sẽ như<br />
Ngày nhận bài: 20/2/2016. Ngày nhận đăng: 10/7/2016.<br />
Liên hệ: Hà Thị Lan Hương, e-mail: huonghtl@hnue.edu.vn.<br />
<br />
3<br />
<br />
Hà Thị Lan Hương, Đặng Thị Oanh<br />
<br />
thế nào, năng lực giáo viên trong việc tổ chức dạy học đó ra sao? Tất cả những vấn đề được đặt ra<br />
ở trên nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu và đưa ra cơ sở lí luận trong đó có cơ sở thực tiễn của<br />
tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp. Bài báo xin được đề cập đến cơ sở thực tiễn của tổ chức<br />
dạy học tích hợp dưới góc nhìn từ thực trạng nghiên cứu ở ngoài nước và ở Việt Nam nhất là vấn<br />
đề thực trạng phát triển chương trình và tổ chức dạy học tích hợp ở Việt Nam; từ đó tìm ra nguyên<br />
nhân và đưa ra giải pháp quan trọng, cốt yếu là muốn tổ chức dạy học tích hợp thành công thì phải<br />
đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để họ có năng lực tổ chức thực hiện chương trình và sách<br />
giáo khoa theo tiếp cận tích hợp.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Những căn cứ ở ngoài nước để tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp ở<br />
trung học cơ sở<br />
<br />
Từ những thập kỉ cuối của thế kỉ XX, nhiều quốc gia đã tiến hành cải cách giáo dục, tập<br />
trung vào giáo dục phổ thông mà trọng điểm là hướng tới việc thực hiện yêu cầu nâng cao chất<br />
lượng giáo dục, khắc phục tình trạng học tập nặng nề, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, hứng<br />
thú và niềm tin đối với việc học tập của học sinh. Tình trạng giáo dục thoát li đời sống, quá nhấn<br />
mạnh đến tính hệ thống, yêu cầu quá cao về mặt lí thuyết mà coi nhẹ những tri thức và kĩ năng có<br />
liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của học sinh khiến năng lực hoạt động thực tiễn của<br />
người học bị hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu biến đổi nhanh và đa dạng của sự phát triển<br />
xã hội.<br />
Cách tiếp cận tích hợp trong phát triển chương trình giáo dục được đề cao ở Mĩ và Châu Âu<br />
từ những năm 1960 của thế kỉ XX. Gần một thập kỉ sau vấn đề này mới được quan tâm ở Châu Á<br />
và ở Việt Nam [8,9]. Xu hướng chung của các nước trên thế giới là quán triệt tinh thần tích hợp<br />
vào xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt ở Tiểu học và THCS. Theo thống kê của<br />
UNESCO (từ năm 1960 - 1974) có 208/392 chương trình môn Khoa học thể hiện quan điểm tích<br />
hợp ở các mức độ khác nhau. Ở Tiểu học, nội dung về khoa học được sắp xếp thành những chủ đề<br />
chính, xuyên suốt từ lớp 1 - lớp 6 hoặc từ lớp 3 - lớp 6 (có nước chỉ có tới lớp 5); Tích hợp được<br />
thực hiện theo hướng tạo môn học mới - tích hợp xuyên môn. Tuy nhiên, ở mỗi nước tên của môn<br />
học này không hoàn toàn như nhau. Ở THCS, việc xây dựng môn Khoa học Tự nhiên theo những<br />
cách tích hợp khác nhau: Tích hợp tạo thành môn học mới và tích hợp không tạo thành môn học<br />
mới (tích hợp liên môn và xuyên môn). Đi cùng với việc tích hợp trong việc xây dựng chương trình<br />
thì việc tổ chức dạy học theo tiếp cận này cũng được các quốc gia quan tâm nghiên cứu và triển<br />
khai thực hiện với mục đích cuối cùng là hình thành và phát triển năng lực cho người học, giúp họ<br />
giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn đời sống hàng ngày.<br />
Một nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa của 17 nước và một số tài liệu do UNESCO<br />
tổng hợp cho thấy: Xu hướng chung của các nước đều vận dụng quan điểm tích hợp vào xây dựng<br />
chương trình. Ở tiểu học thường tích hợp ở mức độ cao (tích hợp hoàn toàn). Sau đó giảm dần từ<br />
trung học cơ sở đến trung học phổ thông (tích hợp bộ phận) [6].<br />
Từ tinh thần trên, việc đổi mới giáo dục phổ thông ở các nước thường theo các xu thế sau:<br />
- Nhấn mạnh việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, kế thừa truyền thống tốt đẹp của mỗi<br />
quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá.<br />
- Giúp trẻ em phát triển tri thức cơ bản, hình thành và phát triển khả năng tư duy phê phán<br />
và kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề. Các yêu cầu được ưu tiên phát triển là: Các kĩ năng cơ<br />
4<br />
<br />
Cơ sở thực tiễn của tổ chức dạy học lĩnh vực khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở...<br />
<br />
bản, thói quen và năng lực tự học, thói quen và năng lực vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống<br />
hàng ngày.<br />
Nhìn chung, giáo dục phổ thông của các nước trong khu vực và trên thế giới đã coi trọng<br />
thực hành, vận dụng. Nội dung giáo dục thường tinh giản, tập trung vào các kiến thức, kĩ năng cơ<br />
bản và thiết thực, tích hợp được nhiều mặt giáo dục. Hình thức tổ chức dạy học rất đa dạng hướng<br />
tới hình thành năng lực cho học sinh dựa trên các phong cách học tập riêng của từng em.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Những căn cứ ở Việt Nam để tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp ở trung<br />
học cơ sở<br />
<br />
2.2.1. Việc phát triển chương trình theo tiếp cận tích hợp<br />
- Ở Việt Nam lí thuyết tích hợp đã được vận dụng vào phát triển chương trình và biên soạn<br />
sách giáo khoa, tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp trong giáo dục phổ thông Miền Nam giai<br />
đoạn 1954-1975. Hệ thống giáo dục giai đoạn này có hai bậc: Bậc Tiểu học, bậc Trung học (có hai<br />
cấp: Đệ nhất cấp-THCS, đệ nhị cấp-THPT). Giai đoạn này, do biến cố chính trị mà chương trình<br />
có nhiều lần thay đổi nhưng luôn được cải tiến, tăng tính hữu ích của kiến thức, hướng tới một nền<br />
giáo dục đại chúng. Qua nghiên cứu chương trình giáo dục Miền Nam, giai đoạn 1954-1975, cụm<br />
từ “tích hợp” xuất hiện rất ít (chỉ có ở chương trình Trung học tổng hợp). Tuy nhiên, qua nghiên<br />
cứu khảo sát của Ngô Minh Oanh (2012) chỉ ra: Quan điểm tích hợp thể hiện rõ trong từng mục<br />
tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá quá trình học tập của học<br />
sinh. Mục tiêu của chương trình phát triển toàn diện mỗi cá nhân, phát triển tinh thần quốc gia ở<br />
mỗi học sinh, phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Bên cạnh những mục tiêu chung,<br />
mục tiêu của các chương trình Tiểu học và Trung học cũng thể hiện quan điểm dạy học tích hợp<br />
bằng việc gắn kết giữa lí thuyết và thực tiễn; các kiến thức và kĩ năng của từng môn học phải được<br />
gắn bó chặt chẽ với nhau trên tinh thần tôn trọng nhân cách học sinh, phát huy tinh thần khoa học<br />
và dân chủ. Ở nội dung chương trình: Đối với giáo dục tiểu học các chủ đề đưa vào chương trình<br />
được lặp đi, lặp lại từ mức thấp đến mức cao; đối với giáo dục Trung học thể hiện các hình thức<br />
thức tích hợp: Liên môn và đa môn (môn Sử - Địa, môn Lí - Hóa, đặc biệt chương trình Trung<br />
học tổng hợp thể hiện tích hợp ở mức độ cao bao gồm các môn khoa học, kiến thức xã hội và giáo<br />
dục y tế); phân môn (môn Quốc văn tích hợp giữa 3 phân môn: Giảng văn, luận văn, tiếng Việt);<br />
xuyên môn (kĩ năng ngoại ngữ là quan trọng và là kĩ năng xuyên môn, ngoại ngữ được bố trí tiết<br />
học nhiều hơn Toán và đến lớp 10 học sinh phải học ngoại ngữ 2). Ở phương pháp dạy học đã thể<br />
hiện rõ tiếp cận tích hợp như dạy học lí thuyết gắn với thực hành và mang tính hoạt động; dạy học<br />
lồng ghép nhiều phương pháp khác nhau. Ở khâu kiểm tra đánh giá: Việc ra ra đề gắn với những<br />
vấn đề xảy ra trong thực tế; muốn giải quyết vấn đề đặt ra, học sinh phải vận dụng kiến thức, kĩ<br />
năng của nhiều môn học [4].<br />
- Việc phát triển và thực hiện chương trình sau 2000 theo định hướng dạy học tích cực đã<br />
làm thay đổi quan niệm và cách biên soạn, cách sử dụng sách giáo khoa: Chuyển từ quan niệm là<br />
“pháp lệnh”, là một tài liệu chứa đựng kiến thức có sẵn để giáo viên truyền đạt cho học sinh” sang<br />
là “phương tiện chính thức để định hướng cho giáo viên tổ chức hoạt động học tập nhằm giúp học<br />
sinh tự học, tự phát hiện, tự chiếm lĩnh tri thức mới, biết vận dụng chúng theo năng lực của từng<br />
cá nhân”. Sự thay đổi quan niệm về sách giáo khoa đòi hỏi các nhà biên soạn sách giáo khoa phải<br />
thay đổi cấu trúc nội dung theo hướng tích hợp nhằm: Giải quyết sự mất cân đối giữa khối lượng,<br />
mức độ nội dung từng giai đoạn học tập; Tăng cường sự hỗ trợ nhau giữa các nội dung trong từng<br />
môn học và giữa các môn học, xoá bỏ những trùng lặp, tăng khả năng thực hành, vận dụng; Gia<br />
5<br />
<br />
Hà Thị Lan Hương, Đặng Thị Oanh<br />
<br />
tăng các hoạt động thực hành. Tuy nhiên, chỉ ở cấp Tiểu học mới thể hiện rõ việc phát triển chương<br />
trình theo tiếp cận tích hợp: (1) Hình thành các môn học tích hợp: Tự nhiên - Xã hội (1991-1996);<br />
tích hợp môn Sức khỏe với môn Tự nhiên- xã hội và môn Khoa học (2001); tích hợp Mĩ thuật với<br />
Kĩ thuật thành môn Nghệ thuật. (2) Tích hợp các mạch kiến thức, kĩ năng trong một số môn học:<br />
Tích hợp 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức văn hoá, xã hội, tự nhiên, tích hợp giữa phát<br />
triển năng lực sử dụng ngôn ngữ với phát triển nhân cách trong môn Tiếng Việt; tích hợp các yếu<br />
tố đại số vào mạch số học trong môn Toán, tích hợp cung cấp kiến thức sơ giản toán học và phát<br />
triển năng lực tư duy và giải quyết vấn đề; tích hợp các nội dung giáo dục khác vào các môn học<br />
như giáo dục môi trường, giáo dục quyền trẻ em, giáo dục giới tính, giáo dục dân số; giáo dục các<br />
giá trị sống; phòng chống các bệnh tật và tệ nạn xã hội.<br />
- Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đã nêu rõ: “. . . thực hiện đổi mới chương trình<br />
SGK từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh”. Chương trình hướng tới mục<br />
tiêu phát triển năng lực không chỉ dựa vào tính hệ thống, logic của khoa học tương ứng khi xác<br />
định nội dung học tập mà còn gắn với các tình huống thực tiễn, chú ý đến khả năng học tập và nhu<br />
cầu, phong cách học của mỗi cá nhân học sinh. Các yêu cầu này đòi hỏi chương trình cần được<br />
phát triển theo định hướng tích hợp nhằm tạo điều kiện cho người học liên tục huy động kiến thức,<br />
kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực môn học và hoạt động giáo dục khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ<br />
học tập. Qua đó, các năng lực chung cơ bản cũng như năng lực chuyên biệt của người học được<br />
phát triển. Từ chiến lược đó đã định hướng cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau<br />
2015 trong việc: Xây dựng và phát triển chương trình tích hợp, tổ chức dạy học tích hợp để hình<br />
thành phẩm chất và năng lực cho người học [1].<br />
<br />
2.2.2. Thực trạng, nguyên nhân của việc tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp ở Việt Nam<br />
a) Thực trạng của việc tổ chức dạy học theo tiếp cận tích hợp ở Việt Nam<br />
Trong một vài năm gần đây, việc triển khai dạy học theo tiếp cận tích hợp ở trường phổ<br />
thông tuy đã có cố gắng nhưng còn có rất nhiều bất cập, và quan trọng là không đạt được mục tiêu<br />
phát triển năng lực cho học sinh. Chúng tôi đã tiến hành điều tra 280 giáo viên và cán bộ quản lí<br />
cấp THCS bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu, xử lí kết quả bằng phần mềm SPSS, cụ thể:<br />
Kết quả khảo sát bằng phiếu hỏi để giáo viên tự đánh giá tại một số trường THCS, cho thấy<br />
có hơn 74.1% giáo viên trả lời đã thực hiện dạy học tích hợp ở các mức độ, cách thức khác nhau<br />
(như vậy số còn lại là khoảng 26% chưa thực hiện dạy học tích hợp hoặc né tránh trả lời). Theo<br />
các giáo viên thì tỉ lệ thực hiện tích hợp ở “hầu hết các bài” có 33.3%, tích hợp ở “một vài bài”<br />
có 33.3%, tích hợp ở “một nửa số bài” có 23.5%. Và chủ yếu thực hiện “tích hợp nội dung của<br />
một bài vào một vấn đề trong thực tế” (37.9%), “tích hợp các kiến thức” (40.9%), “tích hợp các kĩ<br />
năng” (32.2%), “tích hợp kiến thức với kĩ năng” (26.6%). Có thể thấy rõ, thực hiện tích hợp các<br />
kiến thức chiếm tỉ lệ cao nhất.<br />
Về cách thực hiện tích hợp, các giáo viên cho biết: Tích hợp theo cách “lồng ghép kiến thức<br />
có liên quan đến nội dung bài” chiếm tỉ lệ cao nhất (79.6%); “Liên hệ với thực tế” (78.9%); “tích<br />
hợp theo chủ đề” (60.7%).<br />
Lí do các giáo viên đưa ra để giải thích cho việc lựa chọn cách tích hợp chủ yếu là để “học<br />
sinh dễ tiếp thu, khắc sâu kiến thức, có kĩ năng vận dụng vào thực tế và hoàn thiện nhân cách, phát<br />
triển toàn diện” (43.6%), “giúp học sinh hứng thú, tích cực học tập” (9.8%), “tăng hiệu quả bài<br />
dạy và nâng cao kết quả học tập cho học sinh” (8.7%) ...<br />
Kết quả phỏng vấn sâu trên lãnh đạo nhà trường và một số giáo viên cho thấy thực tế triển<br />
6<br />
<br />
Cơ sở thực tiễn của tổ chức dạy học lĩnh vực khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở...<br />
<br />
khai dạy học theo hướng tích hợp còn có nhiều vấn đề phải lưu tâm. Chẳng hạn, do yêu cầu dạy<br />
học theo hướng tích hợp không bắt buộc (mà mới chỉ có tính chất khuyến khích giáo viên thực<br />
hiện) nên nhiều giáo viên không sử dụng, sợ mất nhiều thời gian hoặc giáo viên chỉ dạy học tích<br />
hợp trong các cuộc thi chủ đề tích hợp liên môn còn trong thực tế dạy học thì không thực hiện.<br />
Hơn nữa, do tâm lí thi cử nên học sinh không quan tâm đến những vấn đề giáo viên tích hợp trong<br />
bài học, và điều này đôi khi cũng làm nản lòng những giáo viên mong muốn áp dụng xu hướng<br />
dạy học mới. Một lí do khác là, vì áp lực kiến thức nhiều và áp lực của các kì thi, nên nhiều khi<br />
phần ứng dụng, liên hệ thực tiễn đã thường không được giáo viên dạy trên lớp mà để học sinh về<br />
nhà tự đọc trong sách giáo khoa. Điều này góp phần làm cho học sinh không thấy được ứng dụng<br />
của môn học với đời sống.<br />
Việc giải quyết mối quan hệ giữa kiến thức, nội dung, mục tiêu chung khi nhìn từ góc độ<br />
của dạy học tích hợp còn nhiều lúng túng, vì đối với nhiều giáo viên, qua quá trình giảng dạy mới<br />
có hiểu biết về dạy học tích hợp chứ trước đó hầu như họ không có lí luận gì. Bản thân giáo viên<br />
cũng chưa có những kĩ năng theo đúng nghĩa về cách dạy học này. Vì thế, hiện nay các mức độ<br />
quan hệ được giải quyết tùy theo bộ môn và tùy theo trình độ của giáo viên. Cụ thể là: Liên hệ với<br />
thực tiễn, liên hệ với kiến thức/nội dung của các bài học khác trong một môn, liên hệ lí thuyết với<br />
thực hành nhằm phát triển kĩ năng cho học sinh, liên hệ với mục tiêu bài học/môn học.<br />
Phần lớn giáo viên cố gắng tích hợp về mặt phương pháp dạy học như: Tăng cường sử<br />
dụng đồ dùng dạy học (băng hình, tranh ảnh. . . ), sử dụng công nghệ thông tin vào dạy học (trình<br />
chiếu. . . ). Theo các giáo viên, có những bộ môn mà bản thân nó làm cho giáo viên gặp khó khăn<br />
khi thực hiện tích hợp kiến thức, kĩ năng với mục tiêu, mặc dù giáo viên có hiểu là cần phải làm<br />
như vậy. Tóm lại, mức độ xử lí là tùy theo mức độ của quan hệ, song chủ yếu là việc giảng giải,<br />
phân tích của giáo viên; việc tổ chức hoạt động cho học sinh (tham quan, thiết kế tổ chức hoạt<br />
động ngoại khóa), giao nhiệm vụ/giao bài tập cho học sinh. Nhiều giáo viên tự đánh giá rằng, bản<br />
thân đã cố gắng làm theo yêu cầu của môn học/bài học, song hiệu quả còn hạn chế và một trong<br />
những nguyên nhân là do còn thiếu một cơ chế chung trong việc thực hiện dạy học tích hợp (ví dụ,<br />
hiện nay quỹ thời gian của giáo viên rất hạn hẹp do quy định về số tiết dạy/năm học nhiều quá.<br />
Trong khi đó, để có một tiết dạy theo hướng tích hợp, giáo viên mất nhiều thời gian để chuẩn bị<br />
bài soạn. Thậm chí giáo viên còn phải tự bỏ kinh phí của cá nhân để chuẩn bị cho tiết dạy vì nhà<br />
trường còn bị thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất. . . ).<br />
Có thể nói, trong nhà trường, đối với cấp quản lí, dạy học tích hợp được thực hiện xuất phát<br />
từ nhiều lí do khác nhau như: Do sự cần thiết tất yếu; do bị yêu cầu phải làm; làm theo trào lưu<br />
chung... Cũng vì thế mà kết quả thực tế đạt được rất khác nhau. Còn đối với giáo viên, các lí do<br />
cũng tương tự: Làm vì hưởng ứng trào lưu chung (thực hiện tùy hứng, không thường xuyên, ít chịu<br />
học hỏi, tìm hiểu); làm vì phải làm/phải thể hiện trách nhiệm với trường (do đó mang tính gượng<br />
ép, tỏ ra căng thẳng về tinh thần do thiếu những kĩ năng cần thiết); làm vì bản thân tự thấy là cần<br />
thiết do hiệu quả nhất định đạt được từ phía học sinh (thực hiện thường xuyên hơn, tự tìm tòi, học<br />
hỏi để biết cách làm và số này nhìn chung có rất ít).<br />
Về các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực dạy học tích hợp của giáo viên có thể chia làm hai<br />
nhóm:<br />
- Các yếu tố bên trong, thuộc nhóm này có:<br />
+ Kiến thức của giáo viên về dạy học tích hợp. Đây là một yếu tố quan trọng, vì nếu giáo<br />
viên không được cung cấp những kiến thức chung, kiến thức về cách làm, kiến thức về các điều<br />
kiện phương tiện cần thiết về dạy học tích hợp thì họ khó có thể thực hiện dạy học tích hợp. Do đó,<br />
7<br />
<br />