intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Thanh Hóa (1930-1945): Một số đặc điểm và bài học kinh nghiệm

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

35
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung làm sáng rõ những đặc điểm nổi bật cũng như những bài học của cuộc vận động CMGPDT ở Thanh Hóa, qua đó góp phần làm rõ hơn về quy mô, tính chất, đặc điểm, đồng thời nâng cao hơn nữa tầm vóc của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Thanh Hóa (1930-1945): Một số đặc điểm và bài học kinh nghiệm

  1. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI CUỘC VẬN ĐỘNG CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC Ở THANH HÓA (1930 - 1945): MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TS. Võ Văn Thật1 Tóm tắt: Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa luôn được xem là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, từng là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống ách xâm lược, đô hộ ngoại bang. Dưới thời kỳ thực dân Pháp thống trị, cùng với sự phát triển chung của cách mạng Việt Nam, nhân dân Thanh Hóa đã làm nên cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc (CMGPDT) vừa mang những nét chung, vừa tạo nên những nét riêng biệt và tiêu biểu so với nhiều địa phương trong cả nước, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị cho đến hiện nay. Bài viết tập trung làm sáng rõ những đặc điểm nổi bật cũng như những bài học của cuộc vận động CMGPDT ở Thanh Hóa, qua đó góp phần làm rõ hơn về quy mô, tính chất, đặc điểm, đồng thời nâng cao hơn nữa tầm vóc của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Từ khóa: Thanh Hóa, cách mạng giải phóng dân tộc (1930 - 1945), bài học kinh nghiệm. 1. Đặc điểm của cuộc vận động CMGPDT ở Thanh Hóa Là một tỉnh có vị trí quan trọng, với truyền thống đấu tranh bất khuất, lại nằm giáp ranh giữa hai chế độ cai trị của thực dân Pháp nên cuộc vận động CMGPDT của Thanh Hóa cũng có những đặc điểm riêng so với phong trào cách mạng của các tỉnh trong khu vực cũng như cả nước. 1.1. Sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời của Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳđối với cách mạng Thanh Hóa Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Thanh Hóa đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ trong việc thành lập tổ chức Đảng. Theo đó, đồng chí Lê Công Thanh (Xứ ủy viên) được Xứ ủy cử về bắt mối liên lạc với các hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thanh Hóa, truyền đạt chủ trương của Xứ ủy[3; tr 36]. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, các tổ chức cộng sản đã ra đời, là cơ sở dẫn đến sự ra đời của Đảng bộ Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930. Trong khi đó, tháng 1/1931, sau những tổn thất do sự đàn áp của thực dân Pháp, Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa vào để khôi phục phong trào. Tiếp đó, trong bối cảnh tổ chức Đảng ở Thanh Hóa nhiều lần bị vỡ, Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ đã có những chỉ đạo kịp thời để tái lập các tổ chức Tỉnh ủy nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với phong trào cách mạng trong tỉnh. Tháng 11/1940, Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo hội nghị thống nhất các tổ chức “Tỉnh ủy” ở Thanh Hóa, tạo nên sự thống nhất về tổ chức, về tư tưởng và hành động trong Đảng bộ tỉnh. Những hoạt động nói trên đã cho thấy vai trò to lớn của các Xứ ủy đối với sự ra đời và thống nhất tổ chức Đảng lãnh đạo ở Thanh Hóa. 1 Trường Đại học Sài Gòn 89
  2. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI Bên cạnh việc chỉ đạo thành lập và thống nhất tổ chức Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ còn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức đấu tranh ở Thanh Hóa. Trong những 1930 - 1931, khi theo dõi phong trào cách mạng trong tỉnh, Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ ra hạn chế của Thanh Hóa: “… bộ phận cách mạng Thanh Hóa có đảng viên mà không có các hội quần chúng, mà Đảng lại không có cơ quan chỉ huy, chỉ cá nhân liên lạc. Trong một địa phương mà không có cơ quan chỉ huy, thì hành động không thống nhất, làm việc chỉ cá nhân thôi, nên công việc không tiến hành được mà lại mắc phải nhiều điều sai lầm nguy hiểm…” [11; tr 1]. Do vậy, Xứ ủy ra nghị quyết nêu rõ: “Xứ ủy hết sức giúp đỡ, chỉ bảo cho bộ phận cách mạng Thanh Hóa tiến hành công việc cách mạng theo chính sách cộng sản; Bộ phận cách mạng Thanh Hóa phải thảo luận cho kỹ và thi hành cho đúng Điều lệ, Luận cương chính trị của Đảng và các án nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy; Bộ phận cách mạng Thanh Hóa phải bầu ngay một cơ quan chỉ huy cho toàn bộ phận; Trong khi tiến hành công việc hằng ngày, phải báo cáo cho Xứ ủy để xét lại những điều sai lầm mà chỉ bảo cho; Nếu bộ phận cách mạng Thanh Hóa công nhận Điều lệ và Luận cương chính trị của Đảng và thi hành đúng án nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy, thì Xứ ủy công nhận cho là một chi bộ chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương” [11; tr 2 - 3]. Tiếp đó, tháng 4/1931, sau khi nghe báo cáo tình hình cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ thị cho Đảng bộ Thanh Hóa thực hiện một số nhiệm vụ: “… Tổ chức những cuộc biểu tình ở các địa phương có phong trào cách mạng nhằm phối hợp với cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh; Nghiên cứu kỹ tình hình cụ thể ở địa phương để vạch ra phương hướng hoạt động cho sát với thực tiễn; Nhanh chóng củng cố và kiện toàn các cơ sở Đảng và bộ máy lãnh đạo các cấp” [2; tr 40 - 41]. Những ý kiến chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ đã kịp thời chỉ ra phương hướng hành động cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Từ tháng 3/1937, sau khi Trung ương Đảng “công nhận Đảng bộ Thanh Hóa là một đảng bộ chính thức trực thuộc Xứ ủy Trung Kỳ” [2; tr 84], Thanh Hóa ngày càng nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn của Xứ ủy. Tháng 10/1938, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Lê Đình Vỹ trực tiếp chỉ đạo hội nghị cán bộ mở rộng của Thanh Hóa để bàn biện pháp thi hành chỉ thị của Xứ ủy trong việc đấu tranh phản đối chính quyền thực dân dự định thông qua luật dự án thuế mới [2; tr 100]. Nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, phong trào đấu tranh đòi cải cách dân chủ, cải thiện dân sinh của nhân dân Thanh Hóa đã thu được kết quả nhất định. Trong những năm 1939 - 1945, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Xứ ủy Trung Kỳ vẫn luôn có sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp đối với phong trào cách mạng Thanh Hóa. Đầu năm 1940, đồng chí Đào Duy Dếnh - cán bộ của Xứ ủy đã trực tiếp ra Thanh Hóa để liên lạc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, truyền đạt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời trao cho Đảng bộ Thanh Hóa các tài liệu quan trọng [2; tr 122]. Tiếp đó, tháng 10/1940, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Bùi San - Xứ ủy viên ra Thanh Hóa kiểm tra và chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bùi San đã thúc đẩy việc chắp nối liên lạc giữa các cơ sở cách mạng trong tỉnh, đẩy mạnh việc chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang trong tỉnh…, đưa cách mạng Thanh Hóa bước sang một giai đoạn mới. Cùng với sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, trong quá trình xây dựng lực lượng và tổ chức đấu tranh, Thanh Hóa cũng nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ. 90
  3. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI Trong đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng của Thanh Hóa. Thông qua quá trình chỉ đạo xây dựng chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, rồi Chiến khu Quang Trung, Xứ ủy Bắc Kỳ đã đào tạo, bồi dưỡng cho Thanh Hóa một đội ngũ cán bộ quân sự làm lực lượng nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang trong tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua Chiến khu Quang Trung, Xứ ủy Bắc Kỳ còn cung cấp cho Thanh Hóa các tài liệu của Mặt trận Việt Minh và nhiều vũ khí để trang bị cho lực lượng vũ trang. Sự quan tâm, chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ đã góp phần quan trọng thúc đẩy lực lượng cách mạng Thanh Hóa ngày càng phát triển. Như vậy, mặc dù được giao nhiệm vụ phụ trách các khu vực khác nhau, nhưng cả Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ đều có sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ đối với phong trào cách mạng Thanh Hóa. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ đối với sự ra đời, khôi phục và thống nhất tổ chức Đảng cùng với sự theo dõi sát sao, chỉ đạo và giúp đỡ kịp thời của các xứ ủy đã định hướng cho phong trào đấu tranh của quần chúng, tạo điều kiện để lực lượng cách mạng Thanh Hóa ngày càng lớn mạnh. Có thể nói, việc Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ cùng tham gia chỉ đạo, lãnh đạo là một nét độc đáo của cuộc vận động CMGPDT ở Thanh Hóa so với các địa phương trong cả nước, nhất là so với các tỉnh trong cùng khu vực. Bởi vì, thực tế cho thấy, trong thời gian từ tháng 8/1937 đến tháng 3/1938, Trung ương Đảng đã quyết định nhập 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào Bắc Kỳ và thành lập Liên Xứ ủy Bắc - Trung Kỳ để trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng của 3 tỉnh này. Tuy nhiên, đến tháng 3/1938, Hội nghị Trung ương Đảng lại quyết định “giao lại cho Xứ ủy này (Xứ ủy Trung Kỳ) trực tiếp chỉ đạo 3 tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh lúc trước vì hoàn cảnh đặc biệt mà tạm thời gia nhập với xứ bộ Bắc Kỳ” [7; tr 358]. Vì vậy, có thể thấy, về thực chất, Nghệ An và Hà Tĩnh đã không nhận được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ như là Thanh Hóa. Việc Thanh Hóa nhận được sự chỉ đạo liên tục, trực tiếp đồng thời của cả hai Xứ ủy là do một mặt Thanh Hóa có vị trí giáp ranh giữa hai khu vực, mặt khác là xuất phát từ chính sự chủ động, linh hoạt của những người hoạt động cách mạng và Đảng bộ Thanh Hóa trong việc bắt mối liên lạc với các Xứ ủy và Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, cũng cần phải khẳng định rằng, việc có nhiều nhà hoạt động cách mạng là người Thanh Hóa tham gia trong cả Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ cũng là điều kiện thuận lợi để các xứ ủy triển khai việc bắt mối liên lạc với Thanh Hóa. Hơn nữa, việc có cùng chung một mục đích và đặt dưới sự chỉ đạo chung của Trung ương Đảng là yếu tố có tính chất quyết định trong việc duy trì đồng thời sự chỉ đạo, lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ đối với phong trào cách mạng Thanh Hóa. 1.2. Cuộc vận động CMGPDT ở Thanh Hóa được thực hiện dưới sự lãnh đạo thường xuyên, liên tục của cơ quan Tỉnh ủy So với nhiều nơi trong cả nước, nhất là so với các tỉnh Bắc Trung Kỳ thì Thanh Hóa là tỉnh duy trì được sự lãnh đạo xuyên suốt của tổ chức Đảng trong quá trình vận động CMGPDT. Đây là một trong những nét khác biệt, đồng thời là nhân tố khiến cho phong trào cách mạng ở Thanh Hóa có sự phát triển liên tục và mạnh mẽ hơn so với nhiều địa phương trong khu vực. 91
  4. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI Có thể thấy, từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phong trào cách mạng ở nhiều địa phương trong cả nước chịu những tổn thất rất nặng nề, phần lớn các tỉnh ủy hoặc tổ chức Đảng bị phá vỡ. Ở Trung Kỳ, sự chống phá của những phần tử A.B2 và việc thực dân Pháp tiến hành khủng bố đã dẫn đến nảy sinh tư tưởng hoài nghi, ngờ vực lẫn nhau trong cán bộ, đảng viên, khiến cho khi tiến hành bắt mối để phục hồi tổ chức, “có nhiều mối không đáng ngờ mà không dám chắp, hay chắp rồi nhưng không điều tra, nghiên cứu, không bình tĩnh nhận xét, lại tin vào một cớ nhỏ mọn nào đó để nghi ngờ. Hơn nữa, một vài đồng chí phụ trách bao biện, giữ hết các mối, chạy hết mọi nơi, vì không tin ai, nên không dám giao việc cho ai cả” [6; tr 261 - 262]. Điều đó dẫn đến việc phục hồi tổ chức Đảng ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Vì vậy, ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế..., tỉnh ủy phải lập đi lập lại nhiều lần, thậm chí có nơi cho đến ngày khởi nghĩa vẫn chưa được lập lại, hoặc không có cơ quan lãnh đạo thống nhất trong toàn tỉnh. Còn ở Bắc Kỳ, mặc dù được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ nhưng một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Hải Phòng - Kiến An, Nam Định cho đến trước khi diễn ra tổng khởi nghĩa còn “trắng” cả ban lãnh đạo và đội ngũ đảng viên [5; tr 218]. Trong khi đó, ở Thanh Hóa, trong những năm 1930 - 1940, tuy có lúc đã hình thành tới 3 tổ chức “Tỉnh ủy”, hoạt động riêng rẻ, không có sự liên lạc, nhưng từ tháng 11/1940, Thanh Hóa đã nhanh chóng thống nhất được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từ đó thống nhất về tổ chức và tư tưởng trong Đảng bộ toàn tỉnh. Từ đây, Thanh Hóa liên tục duy trì được sự ổn định của tổ chức Đảng. Do vậy, “Thanh Hóa là tỉnh duy nhất ở Trung Kỳ đã bảo vệ và duy trì được sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong suốt thời kỳ đầy cam go thử thách từ 1940 đến 1945” [12; tr 157]. Vì vậy, nếu so với các địa phương khác như Sài Gòn - Gia Định, hay với các tỉnh ở Bắc Trung Bộ, sự thống nhất nhanh chóng và vững chắc của tổ chức Đảng là một đặc điểm nổi bật của cách mạng Thanh Hóa. Việc Thanh Hóa duy trì được sự lãnh đạo liên tục của tổ chức Đảng là do nhiều nguyên nhân: sự chuẩn bị chu đáo về đường lối và tổ chức Đảng trong những năm 1930 - 1939; sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng Thanh Hóa; sự giúp đỡ, chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ... Bên cạnh đó, sự lãnh đạo xuyên suốt của tổ chức Đảng là nhân tố có tính quyết định đối với thắng lợi của quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa. Đó cũng là một trong những lý do lý giải sự khác biệt của quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa so với nhiều địa phương trong cả nước. 1.3. Quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, giành và giữ vững chính quyền ở cấp huyện trước khi có chủ trương tổng khởi nghĩa Trong thời kỳ CMGPDT ở Việt Nam 1930 - 1945, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương có quá trình vận động cách mạng đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền một cách rõ nét, đồng thời là nơi giành được chính quyền cấp huyện và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng chế độ mới trước khi có chủ trương tổng 2 A.B là viết tắt tiếng Pháp Anti-bol -chévik có nghĩa là phần tử hoặc tổ chức giả danh cộng sản chui vào hàng ngũ của Đảng Bônsêvích (Đảng Cộng sản) để phá hoại. 92
  5. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI khởi nghĩa của Trung ương. Điều này không chỉ cho thấy sự sáng tạo và những đóng góp của cách mạng Thanh Hóa đối với CMGPDT ở Việt Nam, mà còn là một trong những nét khác biệt của quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa so với nhiều địa phương trong cả nước. Tháng 7/1945, trong sự phát triển mạnh mẽ của cao trào kháng Nhật cứu nước, lực lượng cách mạng tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Hoằng Hóa nói riêng đã lớn mạnh, đủ sức áp đảo kẻ thù. Trong điều kiện ấy, “phong trào cách mạng Hoằng Hóa phát triển đến đỉnh cao và thể hiện tính đặc thù tiêu biểu” [4; tr 17]. Ngày 24/7/1945, chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh Hoằng Hóa đã chớp thời cơ, biến cuộc đấu tranh chống khủng bố thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở cấp huyện. Diễn ra trong bối cảnh cách mạng cả nước đang trong quá trình từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cuộc đấu tranh của nhân dân Hoằng Hóa đã thể hiện đầy đủ tính chất của một cuộc khởi nghĩa từng phần. Đúng như Nghị quyết lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) đã chỉ rõ: “… ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù…, với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn” [8; tr 133 - 134], ở Hoằng Hóa, cho đến tháng 7/1945, công việc chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang đã được thực hiện một cách chu đáo. Hơn nữa, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa diễn ra trong bối cảnh cao trào kháng Nhật ở Thanh Hóa đang phát triển đến đỉnh cao, điều kiện khởi nghĩa đang chín muồi, nên “phong trào Hoằng Hóa trở thành mũi nhọn tấn công địch, làm cho toàn bộ hệ thống chính quyền địch thêm rệu rã… Sau sự kiện 24/7 ở Hoằng Hóa, các vùng kiểm soát ngày càng mở rộng ra nhanh chóng hơn. Tình thế đó đưa chính quyền tay sai của địch ở nhiều huyện bị tê liệt hẳn” [1; tr 50 - 51]. Đặc biệt, “khởi nghĩa Hoằng Hóa thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ vùng dậy giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh. Nó có tác dụng làm bộc lộ rõ sự suy yếu của quân thù” [1; tr 51]. Do đó, có thể khẳng định, cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hoằng Hóa ngày 24/7/1945 thực sự là một cuộc khởi nghĩa từng phần, có vai trò quan trọng đối với thắng lợi của CMGPDT ở Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Như vậy, có thể thấy, cho đến tháng 7/1945, cùng với một số huyện thuộc khu giải phóng Việt Bắc và vùng ngoại vi như: huyện Hiệp Hòa, phủ Yên Thế, phủ Lục Ngạn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang); Nghĩa Lộ, Phù Yên (Sơn La), Hoằng Hóa là huyện đầu tiên ở khu vực Bắc Trung Bộ đã giành được chính quyền cấp huyện trước khi có lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương (13/8/1945). Tuy nhiên, so với các địa phương giành được chính quyền trong cùng thời gian, việc giành chính quyền ở Hoằng Hóa có nhiều nét khác biệt: xuất phát từ cuộc đấu tranh chống khủng bố, cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa đã diễn ra theo đúng phương thức kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang giành chính quyền; Hoằng Hóa là huyện nằm sát ngay tỉnh lị Thanh Hóa - nơi tập trung một lực lượng lớn quân Nhật, kẻ thù ở Hoằng Hóa cũng như trong tỉnh khá mạnh, nên nhân dân Hoằng Hóa đã phải trải qua quá trình đấu tranh đầy gian khó để bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng chế độ mới; khởi 93
  6. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa đã mở đầu quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa, đưa cách mạng Thanh Hóa đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. 2. Một số bài học kinh nghiệm 2.1. Bài học về xây dựng tổ chức Đảng Có thể nói, khó khăn lớn nhất đối với phong trào cách mạng Thanh Hóa trong thời kỳ đầu là chưa có sự thống nhất về tổ chức, chủ trương và hành động giữa các cơ sở Đảng trong toàn tỉnh. Do vậy, trong quá trình chuẩn bị cho CMGPDT, Đảng bộ Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng được một tổ chức Đảng bộ tỉnh thống nhất và kịp thời đề ra những chủ trương lãnh đạo phong trào cách mạng trong phạm vi toàn tỉnh. Đây được xem là bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng tính thống nhất của tổ chức Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, việc thống nhất giữa ý chí và hành động trong Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì, nếu đảng viên không thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí và hành động, không trong sạch về đạo đức thì sẽ dẫn đến sự tha hóa, biến chất, xa rời mục tiêu chung. Chính vì vậy, mỗi Đảng bộ cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng; cần chú ý tăng cường sự thống nhất giữa ý chí và hành động, nói phải đi đôi với làm. Bên cạnh đó, trong thời kỳ vận động CMGPDT 1939 - 1945, Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa đã kịp thời ban hành những chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường tính kỷ luật và nâng cao hiệu quả của tổ chức Đảng. Nhờ vậy, Đảng bộ Thanh Hóa trở thành một tổ chức Đảng chặt chẽ, thống nhất và kỷ luật, phát huy được vai trò là cơ quan lãnh đạo duy nhất của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Việc xây dựng tổ chức Đảng chặt chẽ, hiệu quả là một trong những bài học kinh nghiệm cần được phát huy trong công tác xây dựng Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường tính kỷ luật, xây dựng tổ chức Đảng chặt chẽ, hiệu quả cần được xem là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi Đảng bộ. Bởi vì, chỉ có thông qua tổ chức thì chủ trương, đường lối của Đảng mới biến thành hành động của cán bộ, đảng viên. Xây dựng được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả sẽ đảm bảo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng của Đảng, làm cho sức mạnh của Đảng được nhân lên. Hơn nữa, nếu Đảng không chặt chẽ về tổ chức thì không thể phát huy được vai trò trong việc tổ chức và lãnh đạo quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, mỗi Đảng bộ cần chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức, cơ cấu bộ máy đúng theo nguyên tắc tổ chức của Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất, năng lực… 2.2. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, nắm chắc thời cơ trong việc giải quyết những vấn đề lịch sử Có thể nói, chủ động, sáng tạo và nắm chắc thời cơ là những ưu điểm nổi bật trong quá trình lãnh đạo phong trào CMGPDT của Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa. Đây cũng là một trong những bài học cần được phát huy trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như việc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa cho thấy, trong điều kiện bị khủng bố, kiểm soát gắt gao, việc liên lạc giữa Thanh Hóa với các xứ ủy và Trung ương hết sức khó khăn, vì 94
  7. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI vậy, nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đến Thanh Hóa chậm. Mặc dù vậy, Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa luôn nêu cao tính chủ động để thực hiện một cách kịp thời và sáng tạo đường lối của Trung ương và các xứ ủy. Năm 1941, mặc dù chưa nhận được chủ trương của Trung ương, nhưng thấm nhuần quan điểm của Đảng về chuẩn bị lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng vũ trang sau các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, Thanh Hóa đã xây dựng được lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng với sự ra đời đội du kích và Chiến khu Ngọc Trạo. Điều đó chứng tỏ tinh thần chủ động và sáng tạo của Thanh Hóa trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng. Bên cạnh đó, trong khi chưa nhận được chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh nhưng Thanh Hóa đã thành lập “Thanh Hóa ái quốc hội” với tính chất là tổ chức quá độ để từ đó thành lập Tỉnh bộ Việt Minh vào năm 1943 là một nét độc đáo. Bởi vì, trong khi hầu hết các địa phương trong cả nước đều tổ chức các hình thức mặt trận theo giai tầng, giai cấp, hay tính chất nghề nghiệp, công việc... thì Thanh Hóa lại có chủ trương hết sức sáng tạo là tổ chức một hình thức mặt trận theo địa phương, vùng miền. Vì vậy, “Thanh Hóa ái quốc hội” trở thành một tổ chức mặt trận rộng rãi, tập hợp tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân Thanh Hóa cùng thực hiện mục tiêu chung là chống đế quốc và phong kiến. Trong quá trình đấu tranh giành chính quyền, Tỉnh ủy Thanh Hóa không chỉ phát huy tính chủ động, sáng tạo mà còn luôn nắm chắc thời cơ để đưa ra những quyết định kịp thời. Chủ trương về việc giành chính quyền ở Hoằng Hóa ngày 24/7/1945, hay quyết định tổng khởi nghĩa toàn tỉnh được đưa ra ngày 16/8/1945 với nhận định: “… Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, thì phải nhanh chóng khởi nghĩa. Nếu không thì Đại Việt sẽ cướp chính quyền hoặc các thế bọn cơ hội sẽ chớp thời cơ lên nắm quyền thì mình gặp khó khăn thêm” [9; tr 97] đã thể hiện sự nắm chắc thời cơ của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Bên cạnh đó, với tinh thần “một mặt cứ tiến hành khởi nghĩa, mặt khác cử một đồng chí Tỉnh ủy đi báo cáo với Trung ương và các tỉnh bạn đề nghị phối hợp hành động” [10; tr 10], đã thể hiện tính quyết đoán, chủ động của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Chính sự chủ động, nắm chắc thời cơ đó là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa. Qua việc Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa luôn nêu cao tính chủ động, sáng tạo, nắm chắc thời cơ để đưa ra những quyết định kịp thời trong quá trình lãnh đạo CMGPDT, chúng ta có thể thấy, trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào, việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, nắm chắc thời cơ luôn là yếu tố quyết định sự thành công. Ngày nay, việc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong bối cảnh hội nhập, việc phát huy tính chủ động, sáng tạo lại vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quyết định đối với việc tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển. Bên cạnh đó, đứng trước các cơ hội và thách thức, việc nắm chắc thời cơ để đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời sẽ là nhân tố có vai trò to lớn đối với sự phát triển của mỗi ngành, mỗi địa phương cũng như đất nước. 2.3. Chú ý tính đặc thù vùng miền để đề ra cơ chế đúng đắn, phù hợp trong sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thanh Hóa là một tỉnh nông nghiệp, giai cấp nông dân chiếm phần lớn dân số của tỉnh. Vì vậy, trong quá trình vận động CMGPDT, Thanh Hóa đã biết phát huy vai trò của khu vực 95
  8. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI nông thôn, lấy địa bàn nông thôn làm căn cứ, đồng thời dựa vào lực lượng quần chúng ở nông thôn với tuyệt đại đa số là nông dân để hoạt động. Tại địa bàn nông thôn rộng lớn, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã xây dựng được các căn cứ địa và những cơ sở của phong trào cách mạng, đồng thời xây dựng được đội quân chính trị hùng hậu và một lực lượng vũ trang dũng cảm làm nòng cốt để tấn công tiêu diệt kẻ thù. Do vậy, đánh giá đúng và phát huy vai trò của địa bàn nông thôn, có chính sách phù hợp để xây dựng và phát triển khu vực nông thôn là một trong những bài học có ý nghĩa quan trọng đối với CMGPDT cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Cùng với việc phát huy vai trò của địa bàn nông thôn, trong quá trình vận động CMGPDT, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chính sách phù hợp và đúng đắn trong quá trình chỉ đạo đấu tranh giành chính quyền ở khu vực miền núi. Tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng từ ngày 13 đến ngày 16/8/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề ra chủ trương là sau khi giành chính quyền ở miền xuôi, sẽ dùng áp lực chính trị và lực lượng vũ trang để giành chính quyền ở các châu, huyện miền núi. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn tình hình khu vực miền núi là lực lượng cách mạng còn mỏng, trong khi thế lực và ảnh hưởng của các thổ ty, lang đạo còn lớn, nên Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thanh Hóa đã quyết định sử dụng phương pháp hòa bình và chấp nhận những bước quá độ, chấp nhận để các thổ ty, lang đạo tiếp tục nắm chính quyền, đồng thời đưa người của cách mạng vào các cơ quan chính quyền, để từ đó thực hiện chuyển dần chính quyền về tay nhân dân. Có thể nói, cùng với Nghệ An, Thanh Hóa là một trong hai địa phương thực hiện giành chính quyền ở khu vực miền núi bằng biện pháp sáng tạo này. Điều đó khiến cho quá trình giành chính quyền ở miền núi Thanh Hóa tuy khó khăn, phức tạp nhưng không có đổ máu. Đây có thể coi là một bài học quan trọng trong việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như việc thực hiện các chính sách đặc thù trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi trong giai đoạn hiện nay. 2.4. Bài học về tập hợp lực lượng, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất Quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa cho thấy, ngay sau khi ra đời, Đảng bộ Thanh Hóa đã rất chú ý đến việc tập hợp mọi lực lượng yêu nước vào một mặt trận đoàn kết thống nhất để cô lập kẻ thù và đánh bại chúng. Trong quá trình chuẩn bị trực tiếp cho CMGPDT, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã rất coi trọng và đề cao vấn đề tập hợp lực lượng cách mạng, xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tiếp đó, trong cao trào kháng Nhật cứu nước, Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa đã chủ trương thông qua việc phát động quần chúng đấu tranh đòi các quyền lợi hàng ngày để mở rộng, tăng cường mặt trận đoàn kết, thực hiện chính sách phân hóa, lôi kéo đối với các lực lượng trung gian về phía cách mạng. Nhờ vậy, Đảng bộ Thanh Hóa đã “nhanh chóng tập hợp, giác ngộ, tổ chức quần chúng về phía cách mạng, phá được tổ chức Đại Việt, kéo được lực lượng thanh niên Phan Anh về Việt Minh, ly khai được các tư tưởng phản động trong quần chúng” [10; tr 3]. Như vậy, việc tập hợp lực lượng, mở rộng khối đoàn kết, liên kết hết thảy các lực lượng có thể liên kết, lôi kéo các lực lượng trung gian đứng về phía cách mạng là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng bộ và Việt Minh Thanh Hóa trong quá trình vận động CMGPDT. Chủ trương này đã phát huy hiệu quả trong việc huy động sức mạnh của quần 96
  9. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI chúng để lật đổ các thế lực thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là một bài học không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ CMGPDT mà còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và phát triển hiện nay. Từ kinh nghiệm của lịch sử, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân. Do vậy, đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, biết phát huy vai trò của nhân dân, của tất cả các thành phần, các lực lượng trong xã hội đối với công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước là những vấn đề cần được tiếp tục phát huy. 2.5. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý để phát triển kinh tế - xã hội Nghiên cứu quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa cho thấy, việc Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ cùng tham gia chỉ đạo là một nét độc đáo của cách mạng Thanh Hóa so với các địa phương trong cả nước. Việc Thanh Hóa cùng lúc nhận được sự chỉ đạo của cả hai xứ ủy là do nhiều yếu tố quy định, trong đó vị trí địa lý giáp ranh là một trong những yếu tố quan trọng. Do vậy, chúng tôi cho rằng, từ bài học của quá trình vận động CMGPDT, Thanh Hóa cần phát huy thế mạnh về địa lý để tranh thủ thời cơ thuận lợi thu hút nguồn lực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn hiện nay. Với vị trí địa lý nằm giáp ranh giữa các vùng kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng và lợi thế về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, có thể kết nối đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước cũng như các nước trong khối ASEAN. Về văn hóa, nằm giữa vùng văn hóa Bắc Bộ và vùng văn hóa Xứ Nghệ, lại có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị: Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt… là điều kiện để Thanh Hóa phát triển các giá trị về văn hóa, xã hội và khai thác tiềm năng du lịch. Do vậy, để thực hiện được quan điểm phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 là “… xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành một trong những trung tâm giao lưu kinh tế giữa Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội mạnh của cả nước” [13], Thanh Hóa cần phát huy bài học kinh nghiệm từ lịch sử, tranh thủ điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý để khơi dậy tiềm năng và phát huy thế mạnh. Bài học từ lịch sử cũng cho thấy, để phát huy được lợi thế về vị trí vốn có, Thanh Hóa cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tích cực liên hệ, kết nối với các địa phương, trước hết là với các tỉnh giáp ranh như Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình để có thể khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên. Hơn nữa, trong xu thế liên kết, hợp tác vùng và liên vùng ngày càng được đẩy mạnh như hiện nay, Thanh Hóa cần phát huy nội lực, tạo ra những thế mạnh để thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Thực hiện được những điều nói trên, Thanh Hóa sẽ tiếp tục giữ vững được vị thế là địa phương quan trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội như các thời kỳ lịch sử đã qua. Như vậy, trong phong trào CMGPDT từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, với nhiều nét đặc thù. Những đặc điểm nổi bật của CMGPDT ở Thanh Hóa như đã phân tích ở trên đã góp phần làm rõ hơn tính phong phú của quá trình vận động CMGPDT ở Việt Nam từ 1930 đến 1945. 97
  10. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình vận động CMGPDT ở Thanh Hóa không chỉ có ý nghĩa trong quá trình vận động CMGPDT mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đó cũng là những bài học không chỉ có ý nghĩa riêng đối với Thanh Hóa mà còn là có giá trị tham khảo đối với nhiều địa phương trong cả nước. Tài liệu tham khảo [1]. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thanh Hóa (1977), Khởi nghĩa tháng 7 - 1945 ở Hoằng Hóa, Nxb Thanh Hóa. [2]. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thanh Hóa (1978), Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Thanh Hóa (1925 - 1945), Nxb Thanh Hóa. [3]. Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa (1996), Lịch sử Thanh Hóa, tập 5 (1930 - 1945 ), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [4]. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thanh Hóa (1985), Khởi nghĩa tháng Tám ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa. [5]. Nguyễn Đình Cả (2010), Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [6]. Trường Chinh (1975), Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội. [7]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [8]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940 - 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [9]. Lê Tất Đắc (2000), Chim vượt gió, Hồi ký cách mạng, Nxb Thanh Hóa. [10]. Đề cương về tổng kết một số vấn đề về Cách mạng tháng Tám ở Thanh Hóa, tài liệu số B24/567, lưu trữ tại kho Tư liệu, phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. [11]. Nghị quyết của Xứ ủy Trung Kỳ về việc sát nhập bộ phận cách mạng ở Thanh Hóa vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1931, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông số 040: Sưu tập tài liệu Xứ ủy Trung Kỳ (1930 - 1945), Mục lục 01, ĐVBQ số 0015. [12]. Trần Văn Thức (2003), Quá trình vận động cách mạng GPDT ở Nghệ An thời kỳ 1939 - 1945, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Viện Sử học, Hà Nội. [13]. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa/Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa (2017), Kinh tế xã hội/Chiến lược phát triển/Định hướng/Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, http://thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2010-03-10/Quan-diem-phat-trien-kinh- c7bab847d8a4ef2c.aspx. 98
  11. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI REVOLUTIONARY MOVEMENT FOR NATIONAL LIBERATION IN THANH HOA (1930-1945): SOME CHARACTERISTICS AND LESSONS OF EXPERIENCE Vo Van That, Ph.D Abstract: In the development process of national history, Thanh Hoa has always been considered an important strategic location which is also the base of many revolts and resistances against foreign aggression. Under the period of French colonial rule, along with the general development of the Vietnamese revolution, Thanh Hoa people set up the revolution of national liberation which has left many lessons of experience so far. The paper focuses on clarifying the outstanding characteristics as well as revolutionary movement for national liberation in Thanh Hoa, thereby contributing to further improve the stature of the August Revolution of 1945 in Vietnam. Key words: Thanh Hoa, revolutionary movement for national liberation , lessons of experience. Người phản biện: PGS.TS. Trần Văn Thức (ngày nhận bài 11/03/2019; ngày gửi phản biện 11/3/2019; ngày duyệt đăng 02/4/2019). 99
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2