intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

8
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu tập trung vào hai nội dung: Đất và Người miền Trung trong sáng tác Nguyễn Minh Châu. Đất miền Trung khắc nghiệt, nhọc nhằn vì sỏi đá, vì thời tiết, vì là “cái rốn của chiến tranh”.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2023-0004 Social Sciences, 2023, Volume 68, Issue 1, pp. 31-40 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn ĐẤT VÀ NGƯỜI MIỀN TRUNG TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN MINH CHÂU Hoàng Thị Thu Giang* và Vũ Thị Minh Tâm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hạ Long Tóm tắt. Bài viết tập trung vào hai nội dung: Đất và Người miền Trung trong sáng tác Nguyễn Minh Châu. Đất miền Trung khắc nghiệt, nhọc nhằn vì sỏi đá, vì thời tiết, vì là “cái rốn của chiến tranh”. Nhưng với tình yêu và sự nâng niu, trân trọng, Nguyễn Minh Châu đã tìm thấy sự nên thơ, đậm chất trữ tình cũng như vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của mảnh đất này. Trên mảnh đất ấy, “gương mặt” người miền Trung tỏa sáng với vẻ đẹp kiên trì, nhẫn nại, nghị lực phi thường. Không chỉ có thế, người miền Trung còn rất chung tình: Chung tình với đất, chung tình với người (kể cả với linh hồn người đã khuất). Và, trong gian khổ, khó khăn, người miền Trung vẫn vươn lên với trí tuệ sáng tạo và khát vọng sống mãnh liệt. Luôn đau đáu, khao khát đi tìm “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người”, Nguyễn Minh Châu, qua các trang viết về người miền Trung của mình, đã tìm được và làm sáng lên những hạt ngọc quý ấy. Từ khóa: đất và người, miền Trung, Nguyễn Minh Châu. 1. Mở đầu Bắt đầu cầm bút từ những năm miền Bắc hòa bình (truyện ngắn đầu tay Sau một buổi tập - 1960) và xuất hiện trên văn đàn từ những năm chống Mỹ (tiểu thuyết Cửa sông - 1967), cho tới sáng tác cuối cùng (truyện vừa Phiên chợ Giát - 1989), với hơn 3 thập kỉ cầm bút, với những tác phẩm giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu được đánh giá là nhà văn có vị trí quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt, từ sau mốc 1975, ông “thuộc số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất” [1; 11]. Chính vì vậy, từ lâu, Nguyễn Minh Châu và những sáng tác của ông đã trở thành đối tượng tìm hiểu của nhiều công trình phê bình, nghiên cứu văn học. Trong hành trình nghiên cứu dài lâu về nhà văn “đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, thể hiện tinh thần đổi mới văn học hết sức triệt để” này [2; 57], vấn đề “con người và vùng đất miền Trung trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu” ít nhiều đã được một số nhà nghiên cứu đề cập đến. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, trong bài viết Những ngày cuối cùng gặp Nguyễn Minh Châu đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 3, năm 1989 đã khẳng định viết về con người và mảnh đất miền Trung “là sở trường”, “đất làm ăn” của Nguyễn Minh Châu [1;544]. Các nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan, Nguyễn Văn Hạnh, Trung Trung Đỉnh cũng đã chỉ ra con người và mảnh đất miền Trung chính là mảng hiện thực quen thuộc trong sáng tác Nguyễn Minh Châu. Còn Hỏa Diệu Thúy, trong bài viết Hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu [3] đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra điểm chung ở những người phụ nữ trong văn Nguyễn Minh Châu là sự rắn rỏi, khoẻ khoắn, mà phần lớn trong số đó là phụ nữ miền Trung. Trong bài viết Đề tài chiến tranh qua một số tác phẩm Ngày nhận bài: 5/1/2023. Ngày sửa bài: 22/1/2023. Ngày nhận đăng: 7/2/2023. Tác giả liên hệ: Hoàng Thị Thu Giang. Địa chỉ e-mail: hoangthithugiang@daihochalong.edu.vn 31
  2. Hoàng Thị Thu Giang* và Vũ Thị Minh Tâm văn xuôi việt Nam từ 1945 đến 1975 [4] của Nguyễn Thị Thanh, đặc biệt, trong bài Thiên nhiên trong sáng tác Nguyễn Minh Châu [5] của Phạm Thị Hồng Vân đều được đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, các tác giả đã khẳng định thiên nhiên vùng đất miền Trung thường hiện diện trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Có thể thấy nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra, chỉ ra sự gắn bó máu thịt của Nguyễn Minh Châu với miền Trung. Tuy nhiên, những nghiên cứu, công bố có liên quan đến vấn đề “con người và vùng đất miền Trung trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu” mới chỉ dừng lại ở một vài nhận định sơ lược hoặc ở một phương diện, phạm vi đối tượng cụ thể trong sáng tác Nguyễn Minh Châu. Vì vậy, bài viết này tập trung phân tích, đánh giá khái quát ở hai nội dung: Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Dải đất miền Trung trong văn Nguyễn Minh Châu 2.1.1. Dải đất khắc khổ, nhọc nhằn Từ bao đời, miền Trung vẫn là mảnh đất được yêu thương và đồng cảm nhiều hơn các vùng đất khác. Có lẽ vì nó là đất khó. Khó ở đất đai, khó ở thời tiết nên khúc ruột miền Trung được gọi là dải đất của sự khắc khổ và nhọc nhằn. Địa hình của miền Trung không rộng dài như đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long mà nhỏ hẹp theo chiều Đông – Tây. Phóng tầm mắt là thấy đồi, núi, “một đèo, một đèo, lại một đèo” (Hồ Xuân Hương). Đã nhỏ hẹp về chiều ngang còn bị chia cắt bởi dãy Trường Sơn nên khí hậu nơi đây thật “khó chiều”. Bắt đầu bước vào vùng này là có thể cảm nhận ngay thứ gió Lào khô, nóng, thứ thời tiết mà mặt trời “ưu ái” mặc “lớp áo lửa” mỗi ngày. Đất nơi đây hiện lên: “chung quanh mùi rễ cỏ tranh ngai ngái” với “dư âm ken két đầy rền rĩ của những chiếc xe cút kít” [6; 544]. Đó là sự ám ảnh của Quỳ với thứ đất “gan lỳ” như thách thức con người trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành: “Lưỡi cuốc bập xuống cảm thấy hai cánh tay tê dại như muốn văng theo cán cuốc, còn mặt đất vẫn gan lì, chỉ sứt mẻ một tí chút” [6; 113]. Là “một thứ đất đến kì cục: cứ lổng chổng đầy những đá. Viên bé chỉ là một hòn đá kì lưng, hòn to cũng ngang cái đầu và lại còn cơ man là rễ cỏ gianh” [6; 544]. Trong hàng loạt tác phẩm, từ tiểu thuyết đầu tay Cửa sông (1967) tới tập truyện cuối cùng Cỏ lau (1989), có thể thấy Nguyễn Minh Châu luôn trĩu nặng yêu thương với dải đất ấy, nơi đất đai phần lớn khô cằn, thiếu nước, nhưng mưa to lại ngập lụt rất nhanh, nơi con người lao động cực nhọc, lam lũ nhưng đói nghèo vẫn cứ đeo bám. Đó là làng chài Hiền An: “Đi đến rũ cẳng, không gặp một bóng người, một bóng nhà, không nghe một tiếng gà chó, chỉ thấy mọc độc một giống cây lá cứng, có khía và quả của nó không bao giờ chín gọi là quả mật sát” [7; 779], là quê hương vùng biển Nghệ Tĩnh trong Mảnh đất tình yêu: “Vùng cửa biển làng tôi cứ chừng khoảng vài ba giáp, trời đất lại vẽ lại bản đồ một lần.(...) có những con sóng biển vài ba giáp, thậm chí hai mươi, mười lăm giáp mới đặt chân tới thăm thú vùng cửa biển quê tôi một lần” [7; 776]. Trong cảm nhận của Quy (Mảnh đất tình yêu), dải đất ấy như “đã nghiền nát những con người ra rồi vắt lại theo cái hình thù đã có từ ngàn đời của nó” [7; 576]. Bởi lam lũ, vất vả, đói nghèo cứ đeo bám người miền Trung từ những năm tháng chiến tranh tới tận những ngày đất nước đã hòa bình, thống nhất. Và Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn đầu tiên can đảm tả chân cuộc sống u tối đó: “Quê tôi là Quỳnh Hải, thôn Kẻ Thơi, vùng Lạch Thơi, Lạch Quèn. Dữ dội lắm. Dân Lạch Thơi nhiều nơi sợ vì chỉ có uống rượu và đánh nhau. Rượu say, ngủ luôn ở bãi biển. Mỗi đêm, những người đàn bà phải đi “nhặt” chồng về. Cả làng làm nghề chài lưới, chẳng học hành gì cả. Tôi còn nhớ ông Điềm mỗi khi say rượu, cởi truồng nồng nỗng, quần vắt lên vai, đi vào trong xóm, lấy quần đánh chó. Gặp ai cũng chửi tuốt. Nhưng vớ phải một mụ bán bánh đa ở chợ làng còn dữ dội hơn. Mụ tuột váy ra, lấy váy đánh vào mặt. Lão Điềm phải thua. Có người 32
  3. Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu uống rượu say, lấy mảnh thuỷ tinh (dùng để cạo tinh những thanh giang chẻ lạt) rạch ngang bụng, ruột sổ ra. Trẻ con chúng tôi lấy rổ đựng ruột cho ông ta, buộc lại rồi đưa đi bệnh viện. Ông ta chết” [9; 429]. Ở vùng đất mà “nắng nẻ mưa nguồn” cứ níu và bám chặt lấy con người, cái đói nghèo, cái cơ cực mãi không chịu buông tha cho họ. Người đàn bà “xấu xí và đau khổ” trong Chiếc thuyền ngoài xa hiện lên với “gương mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ” [6; 128]. Và bữa cơm của gia đình người đàn bà ấy triền miên với “xương rồng luộc chấm muối”. Áp lực cuộc sống khiến con người trở nên biến chất, khiến những ông chồng - trụ cột của gia đình trở nên bạo lực, trở thành những hung thần trong mắt vợ con. Hình ảnh gã chồng của người đàn bà xấu xí vừa đánh vợ “vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két” và tiếng rủa “mày chết đi cho ông nhờ” cứ ám ảnh người đọc [6; 129]. Và tư tưởng cổ hủ vẫn đè nặng lên đời sống của con người, khiến Huệ trong Khách ở quê ra - một người phụ nữ vốn thuộc về nơi của những ánh điện lấp lánh khi về với lão Khúng thì lại tự biến mình thành một cái máy đẻ theo quan niệm “nhiều người để vỡ được nhiều đất” [6; 580], vậy mà quanh năm nào có đủ miếng ăn. Trên mảnh đất khó này, dù luôn gắng gỏi nhưng vô vàn khó khăn và tai ương dường như luôn sẵn sàng ập đến khiến cuộc sống người miền Trung như luôn gánh trên vai hai chữ “nhọc nhằn”. 2.1.2. Cái rốn của bom đạn chiến tranh, của đau thương, mất mát Vùng đất khắc khổ miền Trung đã khiến con người nơi đây vốn đã nhọc nhằn lại càng trở nên nhọc nhằn hơn khi trở thành cái rốn của bom đạn chiến tranh. Không phải ngày một ngày hai, một tháng, một năm mà suốt chiều dài đằng đẵng hơn 30 năm chiến tranh, bom đạn giặc thù không ngừng trút lên đất này. Hình ảnh vùng đất “cái rốn của bom đạn chiến tranh” ấy đã hiện lên đầy ám ảnh trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu ở cả giai đoạn trước 1975 và giai đoạn hậu chiến, bộc lộ niềm đau và tình yêu quặn thắt mà ông dành cho vùng đất quê hương. Trong Dấu chân người lính, từ Hành quân, Chiến dịch bao vây tới Đất giải phóng,... Nguyễn Minh Châu đã dựng dậy sự tàn khốc của những cuộc giặc ném bom oanh tạc dọc tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, đặc biệt là những trận đánh trên mảnh đất Quảng Trị. Đây là hình ảnh chiến địa Khe Sanh mịt mù bởi đạn pháo và chất độc hủy diệt mang tên “màu da cam”: “Chúng rải thuốc độc hóa học và dùng máy bay B.52 rải bom theo lối “rải thảm”,… các cánh rừng chung quanh đã quang đi từng vạt, từng vạt cỏ tranh bị thiêu cháy, ở các chân lèn đá và dọc khe suối đã bị phát quang, máy bay trinh sát các loại lượn đi lượn lại thăm dò suốt ngày đêm. Ban đêm tùng chùm pháo sáng liên tiếp treo lơ lửng trong bầu sương thăm thẳm trắng rừng trắng núi” [8,27]. Ngay cả khi chiến tranh đã đi qua, tàn dư của sự khốc liệt, bạo tàn mà bom đạn giặc thù trút xuống mảnh đất này vẫn hiện lên đầy ám ảnh trong văn học thời hậu chiến của Nguyễn Minh Châu. “Cứ đi một quãng lại thấy một vài hố bom sâu đến rợn người. Sau hàng chục năm không cày cấy, mặt đất dưới chân rắn như gang và nứt nẻ - những vết nứt rộng như những con đường giao thông hào và hố bom, dây thép gai và mìn, bàn chân đặt lên mặt đất vẫn rón rén đầy thận trọng và thỉnh thoảng ở đâu đó lại khiến cho mình phải giật bắn người lên vì một tiếng nổ, chỉ lát sau đã thấy một chiếc cáng đi qua, trên đòn cáng phủ trùm một chiếc chiếu hay tấm chăn” [6; 721]. Những di chứng mà chiến tranh để lại trên đất này khiến Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) ám ảnh mãi không dứt: “Chúng tôi về đến ngã ba “toạ độ” vào một buổi chiều. Trời vừa mưa dầm vừa có mù, một thứ mù đùng đục như sữa bánh đổ xuống đất vừa múc lên, màu vàng vàng bọc kín lấy cả một vùng đất bát ngát lô lô đầy thân cây đổ và hố bom” [6; 98]. “Tôi đã đi khắp các vùng vừa được giải phóng chật hẹp, ở đâu trời cũng trong xanh, trời cứ xanh ngăn ngắt,... trong khi ấy, mặt đất cứ sạm đen bởi màu thuốc súng để lại” [6; 109]. Còn Lực (Cỏ lau) - người tưởng như đã tử trận trong chiến dịch năm nào, sau nhiều năm trở về, khi đứng lặng người trước ngôi mộ mang tên mình cũng vẫn ám ảnh bởi tiếng khóc nhiều khi to hơn cả tiếng súng của người miền Trung, bởi sự hi sinh của con người, của 33
  4. Hoàng Thị Thu Giang* và Vũ Thị Minh Tâm vùng đất này. Và cứ sau mỗi trận “đại hồng thuỷ” B52 của giặc, cuộc sống của con người nơi đây “y như vừa mới bắt đầu” [10, 113]. Đọc Miền Cháy, Dấu chân người lính, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau... độc giả có thể thấy nhiều mặt của đời sống người miền Trung trong chiến tranh, từ tình yêu đến tình người, từ bức tranh thiên nhiên hoang sơ đến những trận mưa bom bão đạn mà giặc Mỹ trút lên đất này, và để hiểu, thương cảm hơn với dải đất tuy nhỏ hẹp mà có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 60 nghìn ngôi mộ có tên, không tên đang yên vị. Phải rất lâu nữa người ta mới có thể xoa dịu, làm vơi bớt sự khốc liệt, tàn bạo mà chiến tranh đã gây nên cho khúc ruột miền Trung này. 2.1.3. Mang vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ lại cũng rất nên thơ, trữ tình Tình yêu lớn mà Nguyễn Minh Châu dành cho dải đất miền Trung không chỉ thể hiện ở những trang truyện ám ảnh khi ông viết về sự khắc khổ, nhọc nhằn, đau thương của vùng đất này mà còn thể hiện ở những áng văn đậm chất trữ tình khi ông chạm khắc hình ảnh thiên nhiên nơi đây. Đó là dãy Trường Sơn trong Dấu chân người lính hùng vĩ, tráng lệ - một mảnh ghép không thể thiếu nếu nhắc đến thiên nhiên miền Trung. Cây vẫn cao, rừng vẫn xanh, con người ngày ngày vẫn bước chân trên mảnh đất đó, khoảng trời đó: “Một vùng núi đá dựng đứng đầy vắng lặng, chim kêu vượn hót cũng không, chỉ có núi đá và núi đá nối nhau chạy dài dọc sông ôm lấy một cái thung lũng mọc độc một thứ cỏ lau đang trổ một trời hoa tím nhạt” [6; 490]. Đất miền Trung trong văn Nguyễn Minh Châu luôn hiện lên ở cả hai mặt tưởng như có phần đối lập như vậy - nhọc nhằn nhưng vẫn rất nên thơ. Vẻ nên thơ của vùng đất chang chang nắng gió ấy trong thơ Hàn Mặc Tử là: “làn nắng ửng”, “khói mơ tan”, là những “mái nhà tranh lấm tấm vàng”, còn trong văn Nguyễn Minh Châu, nó là “Hoa lau phơ phất trên nền xanh uyển chuyển của rừng lau, thân cây lau cúi rạp xuống từng đợt, lá xanh loáng lên dưới ánh mặt trời rồi trở màu sẫm huyền bí trong vô vàn tiếng lá chạm nhau xào xạc” [6; 493]. Sự tinh tế, nhạy cảm của Nguyễn Minh Châu sau này cũng chính là điều khiến các tác phẩm của ông không chỉ là những thước phim tả chân đời sống con người mà còn chứa đựng bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ lại cũng rất nên thơ, trữ tình. Mang kí ức của người con miền Trung, suốt đời Nguyễn Minh Châu luôn nâng niu một tình yêu với đất. Dù cho đó là thứ đất rễ tre đầy khô cứng, thì nó vẫn là mảnh đất bao dung, nuôi dưỡng con người. Trong ánh mắt của người nghệ sĩ ấy, đất miền Trung không chỉ là mảnh đất của hai màu đen trắng với những thước phim khói lửa chiến tranh mà đó còn là mảnh đất rất trữ tình, nên thơ với màu xanh cây lá, với những bóng trưa xéo xuống mặt đất, với màu hoa lau tím nhạt ánh lên tít tắp phía chân trời. 2.2. Người miền Trung trong văn Nguyễn Minh Châu Nguyễn Minh Châu từng tuyên bố: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Từ văn nghiệp mà ông để lại, có thể thấy, ông đã dành phần lớn đời văn của mình để làm sáng lên những hạt ngọc trong tâm hồn con người, đặc biệt là tâm hồn người miền Trung. Sống trên mảnh đất khắc khổ, nhọc nhằn, chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng con người miền Trung trong văn Nguyễn Minh Châu luôn bừng sáng những phẩm chất đáng quý. 2.2.1. Gan góc, kiên trì, nhẫn nại, nghị lực sống phi thường Nhân vật trung tâm trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn trước 1975 (tiểu thuyết Cửa sông, tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau, tiểu thuyết Dấu chân người lính) là hình tượng người lính. Được rèn luyện, trưởng thành từ quân đội, dễ hiểu tại sao Nguyễn Minh Châu có sự am tường về đời sống của người lính đến vậy. Qua những hình tượng như Bân, Lân (tiểu thuyết Cửa sông); Huyện đội trưởng Ngạn, Vũ, Khai, Nguyệt, Lãm, Lê, Sơn, Thoa, Yên,... (tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau); Kinh, Lượng, Khuê, Lữ, Thái Văn,... (tiểu thuyết Dấu chân người lính), có thể thấy Nguyễn Minh Châu đã khắc họa được 34
  5. Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu những đường nét điển hình của người chiến sĩ cách mạng, vừa cụ thể, sinh động lại vừa có sức khái quát lớn. Mặc dù phần lớn người lính trong sáng tác thời kì chống Mỹ của Nguyễn Minh Châu là những người con của vùng đất miền Trung nhưng về cơ bản họ mang mẫu số chung của người lính cụ Hồ trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn chiến tranh. Họ mang trong mình phẩm chất anh hùng, đại diện cho khí phách của dân tộc, giống nhau ở tinh thần căm thù giặc và sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì quê hương, Tổ quốc. Ở họ, ý thức cá nhân đã hoà vào với ý thức cộng đồng, cuộc đời của mỗi người gắn liền với số phận của dân tộc, vận mệnh của đất nước: “Mỗi thế hệ bước vào cuộc chiến đấu với một dáng cầm súng khác nhau… Ngày xưa, những người lính nông dân cầm khẩu súng để chiến đấu cho Tổ quốc đồng thời cho mảnh vườn và mái nhà của mình. Hôm nay, những người chiến sĩ mà Thái Văn đã đi theo họ suốt dải rừng Trường Sơn, họ từ giã gia đình, trường học và từ giã một cuộc sống tương lai đẹp đẽ hết sức ... Họ từ bỏ cái trái hạnh phúc đã ửng hồng trong vườn nhà mình để cầm súng đi chiến đấu” [8;371]. Với đặc điểm này, con người miền Trung trong sáng tác Nguyễn Minh Châu giai đoạn trước 1975 chưa mang màu sắc riêng biệt. Nhưng từ sau 1975, với hàng loạt tác phẩm cùng số lượng nhân vật đông đảo (trong các tiểu thuyết Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Những người từ trong rừng ra, Mảnh đất tình yêu; các tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa; các truyện vừa Phiên chợ Giát, Cỏ lau), dù có không ít nhân vật là người con của những vùng đất khác thì “chất” người miền Trung với những phẩm chất đặc trưng: gan góc, kiên trì, nhẫn nại, nghị lực sống phi thường đã trở nên đặc biệt đậm nét và tỏa sáng trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Đọc văn Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn sau 1975, độc giả thấm thía thực tế có quá nhiều cái khó mà người miền Trung phải gồng gánh trên đôi vai, từ đó thấu hiểu tại sao con nơi đây phải mạnh mẽ đến vậy - mạnh mẽ đến bất thường. Con người ta thường cố gắng mạnh mẽ ở một hoặc một số giai đoạn nào đó để vượt qua những bão giông bủa vây, còn với người miền Trung, họ mạnh mẽ và nhẫn nại cả cuộc đời, từ đời này sang đời khác. Qua các sáng tác thời hậu chiến, Nguyễn Minh Châu giúp ta hiểu ra rằng chính sự “sàng lọc dữ dội” của một vùng thiên nhiên khắc nghiệt với đất đai khô cằn, sỏi đá, thời tiết ẩm ương, điều kiện sống khắc nghiệt và dữ đội đã tôi luyện nên những con người miền Trung “sắt đá” cả về thể chất và tinh thần. Sự khó khăn, sự đào thải khắc nghiệt của vùng đất miền Trung đã tạc nên những con người mang vẻ đẹp của chí khí. Quy trong Mảnh đất tình yêu đã nhìn thấy trong chính ngôi làng chài Hiền An yêu thương ở vùng biển Nghệ Tĩnh của mình những con người với mẫu số chung: “Mỗi con sóng như vậy dù đã xảy đến từ lâu đời, từ khi ông tôi chưa đẻ, vẫn rạch một vết thương rất sâu vào tâm khảm của ông tôi, làm hằn lên ở trong tính cách con người ông tôi cái đức tính kiên nhẫn đầy vô vọng nhưng vẫn không hề bao giờ nhụt chí” [7; 777]. Người miền Trung bốn mùa “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn kiên trì vắt cục đất làm ra củ khoai hạt lúa, những lò nấu muối vẫn đỏ lửa thâu đêm. Có ai đó đã so sánh con người nơi đây như những ‘con dã tràng” - cứ miệt mài, không quản ngày đêm, nắng mưa se cát, làm tổ, dù cho ngày mai “cuộc đời có bị đất trời cướp mất hết” thì người miền Trung vẫn “còn lại tình yêu cuộc sống và hai bàn tay không ngừng làm lụng” [7; 812]. Trước bão giông, gian khổ, người miền Trung vẫn đan tay, chung lưng đấu cật cùng động viên nhau tiếp tục bám trụ với đất, quyết làm cho đất nở hoa. Nhận xét về người xứ Nghệ, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai có viết: “Các nhà viết phong thổ ngày xưa cho rằng con người xứ Nghệ can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến... cá gỗ” [11; 142]. Có lẽ, đây cũng là mẫu số chung của người miền Trung. Quả thật, con người nơi đây dường như đã đánh cược mạng sống của mình, cá cược với thiên nhiên dữ dội bằng sự cần cù, chăm chỉ, sự thích ứng nhanh nhạy và nghị lực phi thường. 35
  6. Hoàng Thị Thu Giang* và Vũ Thị Minh Tâm Thường thì vùng đất nào tạo nên con người đó. Đất đai tươi tốt, con người cũng sẽ tràn đầy sức sống và ngược lại. Điều kiện sống khắc nghiệt đã đúc nên người miền Trung se sắt. Về con người miền Trung, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cảm nhận: “họ chất phác, cục mịch, lực lưỡng, như mọc lên từ sỏi đá, nhờ sóng gió, bão táp mà luyện thành xương sắt, da đồng” [1; 544]. Và những đặc điểm đó của người miền Trung một lần nữa được thể hiện sinh động, đậm nét trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Trong dòng hồi tưởng của Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) hình ảnh: “những ông già đầu bạc, những em bé giơ cao chiếc cuốc rất nặng bổ xuống cánh đồng đất rắn như gang” [6; 164], hình ảnh bàn tay người mẹ “đầy những vết chai sẹo từ bao đời” [6; 164] khiến độc giả không khỏi xót xa. Định trong Khách ở quê ra đã nhìn ngắm thật lâu đôi bàn tay của lão chắt Hoè để rồi phải cảm thán: “Chẳng còn là hình thù của một cái bàn tay con người nữa! Hai bàn tay lão đầy những chỗ nổi u nổi cục, các ngón vặn vẹo và bọc một lớp da giống như thứ vỏ cây và cả bàn tay lão giống y như một toà rễ cây vừa mới đào dưới đất lên” [6; 607]. Đó là những đôi bàn tay của lao động cần lao, tuy thô ráp, thậm chí xấu xí như “một tấm da trâu...” [6; 164] nhưng lại là những đôi bàn tay vàng góp sức kiến thiết mảnh đất miền Trung từ đói nghèo rơm rạ vươn lên mạnh mẽ như ngày hôm nay. Sức sống của con người nơi đây thật kì diệu. Âu cũng bởi họ không có sự lựa chọn khi đứng giữa bốn phương tám hướng đất trời mà chỉ có đất khô đang rữa ra từng mảng, là nắng gió rát da và những trận bão biến miền Trung trở thành “cái rốn” của những bi kịch thiên nhiên. Chỉ còn một cách duy nhất là tiếp tục sống, chấp nhận khốn khó mà vươn lên. Nếu như được sống ở một cuộc đời khác, một mảnh đất khác, có lẽ họ sẽ nhàn hạ hơn chăng? Nhưng nếu thế, có lẽ người miền Trung sẽ không khiến người ta kính trọng và đau đáu niềm thương yêu đến vậy. Trên mảnh đất này, đời nối đời, người miền Trung miệt mài đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của mình cho đất nở hoa. Kiên trì, nhẫn nại và nghị lực tuy không phải là phẩm chất riêng có của người miền Trung nhưng quả thực, đó là những phẩm chất thường trực của con người nơi đây. Lão Khúng (Khách ở quê ra) đã “tranh chấp với rừng từng bước chân” và “không chỉ trả giá bằng mồ hôi mà cả bằng máu” [6; 516]. Bà Điểm, chị Khơi (Mảnh đất tình yêu) hay người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa cũng mang những phẩm chất ấy, luôn mang trong mình nghị lực sống kiên cường. Có thể thấy, trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu (chủ yếu là trong thế giới nhân vật văn xuôi của ông thuộc giai đoạn sau 1975), các nhân vật (mà đa phần là người miền Trung), tuy mỗi người một sắc vẻ riêng nhưng đều khiến độc giả nghĩ tới loài sen đá nở kiêu sa trên những vùng đất khô cằn. 2.2.2. Chung tình Người miền Trung “mình đồng da sắt” nhưng trái tim của họ vẫn luôn chảy một dòng máu “chung tình”. Đó là thứ tình cảm giữa người với người, giữa người với đất, giữa người với linh hồn. Trong mọi hoàn cảnh tình người nơi đây vẫn luôn tồn tại dù ở những thời khắc gian lao, quyết liệt nhất. 2.2.2.1. Chung tình với đất Lớn lên trên vùng đất “gánh” hai đầu đất nước với sóng biển và những trận mưa gào gió giật, dù có viết về mảnh đất nào thì hơi thở của miền Trung vẫn luôn hiển hiện trong trang văn Nguyễn Minh Châu. Đó là làng Quỳnh Hải, thôn Kẻ Thơi, vùng Lạch Thơi, Lạch Quèn nơi ông sinh ra, “dữ dội lắm” mà cũng “bình yên lắm”. Đó là mảnh đất Quảng Trị nơi ông có gắn bó máu thịt, mà như ông từng thú nhận thì: “Cái mảnh đất Quảng Trị gần như tôi si mê nó, hình như trong con người tôi và mảnh đất ấy có chung một sợi dây thần kinh mà hễ cứ chạm đến đấy thì cả con người tôi rung lên” [9; 469]. Đó còn là bao ngôi làng, bao “cửa sông”, là “những vùng trời khác nhau” mà “dấu chân người lính” Nguyễn Minh Châu từng đi qua trên khắp dải đất miền Trung này. Tất cả những vùng đất đó đã tạo nên một “chất miền Trung” đậm nét trong văn Nguyễn Minh Châu: Sự chung tình với quê hương, xứ xở, với vùng đất mà họ sinh ra. 36
  7. Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu Trên mảnh đất nhọc nhằn ấy, con người vẫn bám trụ ở lại. Họ “quý đất như quý con, còn hơn cả con” [6;132]. Trong mắt người phương khác, có thể mảnh đất này không đến nỗi phải cố sống cố chết bám trụ đến vậy, nhưng, với những con người đã chôn rau cắt rốn ở nơi này thì khác: “Ừ, cũng lạ, hồi còn đang chiến tranh, mỗi lúc ra vùng giáp ranh để xuống đồng bằng, phải đi qua những cánh đồng bỏ hoang, chung quanh chân các đồn bốt, mình vẫn thấy tiếc, vẫn thấy xót ruột nhưng chỉ đến sau ngày hoà bình mới càng thấy tiếc từng tấc đất bỏ hoang - từng tất đất mà bao nhiêu người đã phải rỏ máu để giành lấy [6; 542]”. Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy, chỉ ra mối liên hệ thiêng liêng giữa người và đất nơi này. Họ yêu thương, gắn bó, chung tình với vùng đất này, dù vùng đất ấy thật khắc nghiệt. Quy trong Mảnh đất tình yêu tin tưởng: “Tình yêu của tôi sẽ như một chất kết dính của mảnh đất này. Tình yêu của tôi sẽ giữ bàn chân Hoa lại với cái mảnh đất vừa giàu thiên kiến vừa giàu lòng bao dung này” [7; 1003]. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ trên mảnh đất thổi lửa ấy nhưng Quy vẫn nhìn thấy ở sâu bên trong lớp nứt nẻ kia là sự ấp ủ, là lòng bao dung của thiên nhiên đối với con người. Còn đối với Khúng trong Khách ở quê ra thì “để giữ cái gốc, họ nhà mình chỉ nên sống với cái hòn đất” [6;518]. Ngay cả những người tha phương, như Huệ - vợ của Khúng chẳng hạn, khi về với mảnh đất miền Trung bão táp này, cũng có sự gắn bện đến mức: “chừng như đấy là một người đàn bà đã quyết tâm đoạn tuyệt với gốc gác thành phố” [6; 523]. Ngay cả người đã khuất cũng vẫn chung tình với đất: “Có một chuyện cũng lạ: một anh đi biển gặp bão, chết ngoài khơi xa, xác trôi về, cứ trôi quanh co theo con Lạch Thơi mà vào đến tận cửa nhà mình mới dừng lại” [7; 429]. Câu chuyện có phần huyền bí, nhưng nó nói lên một sự thật rằng người miền Trung đặc biệt gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Khi còn sống và cả khi đã chết đi, vẫn muốn về lại với đất mẹ, để hít hà thứ gió biển, mùi đất của quê hương, của yêu thương. Cũng chính vì tình yêu với đất, với quê hương nên khi có giặc xâm lăng, cũng như mọi người Việt yêu nước trên khắp lãnh thổ hình chữ S, người miền Trung bất khuất, kiên trung chiến đấu đánh đuổi giặc thù: “Hàng chục năm nay cũng như từ ngàn đời, bao nhiêu thứ giặc ngoại xâm đến đây đều bị chết gục trong cái làng quê hiền lành một màu xanh rì ấy” [7; 858]. Dũng (Khách ở quê ra) sẵn sàng buông cuốc cày, cầm súng lên đường đánh giặc. Bởi tình yêu với đất nước, quê hương luôn thường trực trong họ, bởi họ ý thức được: “Dù chỉ là vài cái mả, nhưng địa hình đó vô cùng lợi hại cho bên nào chiếm được” [6; 455]. Với họ, đất chính là máu thịt. 2.2.2.2. Chung tình với người Con nguời miền Trung chung tình với đất và cũng rất nặng tình với người. Cuộc sống nhọc nhằn, như cây tre vươn lên từ đá sỏi, như một lẽ tự nhiên, từ trong lịch sử dài lâu, người miền Trung đã luôn bó bện vào nhau để vượt lên. Trong những năm tháng chiến tranh, sự bó bện ấy càng bộc lộ đậm nét, khi người dân nơi đây giang rộng cánh tay của mình bao bọc, chở che những người chiến sĩ, vì tình yêu Tổ quốc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà đến với mảnh đất này. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, bố Quy (Mảnh đất tình yêu) đã tới nơi đây, và ông sẽ không thể sống sót được trên mảnh đất ấy nếu như: “Giữa rốn địch lúc nào cũng đầy đe doạ nguy hiểm, cái tình thương người và tình cảm cách mạng ở trong lòng mẹ tôi và ông ngoại tôi thậm chí chỉ thiếu hụt đi một tí,… thì sẽ không bao giờ bố tôi tìm được chốn nương náu và tất nhiên sẽ không bao giờ có tôi trên đời” [7; 646]. Mụ Điểm (Mảnh đất tình yêu) đã sẵn sàng ôm trọn lấy viên đạn của kẻ thù để che chắn cho cán bộ chiến sĩ. Và Thai (Cỏ lau) đã mở rộng vòng tay cưu mang những người làm cách mạng trong những cánh rừng Trường Sơn vào những ngày gian khó nhất. Trọng nghĩa, trọng tình cũng là một đặc điểm nổi bật của người miền Trung. Ông ngoại Quy (Mảnh đất tình yêu) luôn đau đáu mong một ngày: “trở về với vợ con và bà con trong thôn xóm từng làm ăn bên nhau ngày xưa” [7; 901]. Định (Khách ở quê ra) luôn cảm thấy “còn mắc nợ món 37
  8. Hoàng Thị Thu Giang* và Vũ Thị Minh Tâm nợ với Khúng và với bố mẹ Khúng và nói chung với những người ruột rà ở làng” [6; 542] bởi những ân tình mà anh đã nhận được từ những con người chất phác, mộc mạc nơi đây. Người Việt Nam vốn có đời sống tâm linh mạnh mẽ. Với những người đã khuất, người còn sống vẫn luôn hướng theo, có sự kết nối tâm linh, gắn bện tâm tình. Với người miền Trung, sự gắn kết giữa hai thế giới âm dương càng rõ nét hơn nữa. Có lẽ bởi trên mảnh đất nhọc nhằn, gian khó, cái rốn của bom đạn chiến tranh này, bao người dân, chiến sĩ đã ngã xuống trong quá trình lao động và bảo vệ Tổ quốc. Trong mỗi tấc đất, mỗi cành cây, ngọn cỏ, mỗi con sông, con suối của dải đất miền Trung gầy guộc này có biết bao linh hồn trú ngụ. Với cảm quan, niềm tin như vậy, nên trước dòng Thạch Hãn, Lê Bá Dương (cựu binh Thành Cổ, nhà báo tỉnh Khánh Hòa) tha thiết nhắn gửi: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước, Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” (Lời người bên sông). Và các nhân vật của Nguyễn Minh Châu cũng có những sự gắn kết thiêng liêng với những linh hồn như vậy. Phi Phi trong Cỏ lau: “Tôi chỉ thiết có một chút nắm xương của người tình của tôi đang bị lẫn lộn với đất ở đây” [6; 513]. Quy trong Mảnh đất tình yêu đứng lặng khi cảm nhận thấy người cha đã hi sinh của mình, đang nằm trong nấm mồ cỏ xanh như đang ngồi dậy tâm tình cùng ông ngoại: “Tôi cố lắng tai nghe thử xem ông tôi nói với bố tôi những gì nhưng chỉ nghe được mấy tiếng lí nhí, gần giống như ngôn ngữ gọi loài cá của ông lão Bờ. Tôi biết đó là thứ ngôn ngữ nói chuyện với người chết” [7; 855]. Dù sống hay chết, trần thế hay cõi hư vô, dòng máu nóng ấm vẫn luôn chảy trôi ở dưới lớp đất kia. Nếu người sống bảo vệ thế giới của những hơi thở ấm nồng thì những người đã tử trận cũng đang tiếp tục trọng trách của họ bảo vệ ‘long mạch” của Tổ quốc. Nguyễn Minh Châu đã cho thấy hơi thở âm – dương hiển hiện trong cuộc sống của người miền Trung. Trong ngày giỗ trận của làng chài Hiền An (Mảnh đất tình yêu), Phan cảm nhận được: “Sáng ngày ra vừa mở mắt, làng đã đầy ắp người đã chết…Từ khắp gò đống, tha ma, ngổn ngang kéo lên hàng trăm hàng ngàn vị khách của làng lũ lượt đi trên đường làng” [7; 1008]. Có lẽ, những cảm thức tâm linh như vậy không chỉ có ở một vài cá nhân mà đó là linh cảm thường thấy trong tâm thức của hàng ngàn con người miền Trung. 2.2.3. Giàu trí tuệ và khát vọng Trên dải đất miền Trung, nhìn ra trước mặt là biển, là sông, là phá, ngoảnh ra sau là núi non điệp trùng. Điều kiện sống khắc nghiệt, đất đai không màu mỡ, thiên nhiên, mưa gió chẳng mấy thuận hòa, vậy nhưng người miền Trung vẫn cứ vươn lên, vẫn làm cho đất nở hoa. Trên “miền đất cháy, miền đất chết, miền đất giao tranh”, miền đất nhiễm chất độc, người miền Trung vẫn sống được và tỏa sáng những giá trị. Đời nối đời, họ đã gây dựng được cộng đồng “nhà cửa và thôn xóm ấm cúng, là cuộc sống lâu đời và bất diệt của con người với những con sóng đời vô hình đầy nghiệt ngã” [7; 858]. Điều gì, phẩm chất gì của người miền Trung giúp tạo ra giá trị ấy? Nếu chỉ có gan góc, kiên trì, nhẫn nại, nghị lực,... thì chưa đủ. Điều cốt yếu chính là: khối óc, là trí tuệ con người và khát vọng vươn lên của con người nơi đây. Lao động là điều luôn thường trực trong suy nghĩ của người miền Trung. Bởi chỉ có lao động mới có thể giúp họ cải tạo cuộc sống, gây dựng nên cơ nghiệp. Trong lao động, họ không chỉ là những người miệt mài, cần mẫn, chăm chỉ mà còn bộc lộ phẩm chất trí tuệ và khát vọng lớn. Đó chính là cảm nhận của Quy (Mảnh đất tình yêu) khi nghĩ về làng mình: “Làng tôi, cái làng đánh cá lâu đời từ thời ông bà đến giờ, bao giờ cũng có những người lái thuyền tài giỏi, mang trong mình tất cả những khát vọng và trí khôn của cả làng để đi chinh phục biển cả” [7; 1098]. Kinh nghiệm và trí tuệ lao động được ông ngoại Quy - vị “trưởng lão” của làng thể hiện khi dặn dò đứa cháu trai mà ông yêu thương: “Nghề làm ăn của dân biển mình là nghề đấu trí, đấu lực với ông trời. Thò tay vào cái rốn bể để dò tìm cái miếng ăn đâu phải là một việc dễ, đâu có thể bất chấp Trời Đất được” [7; 878]. Cuộc sống đã dạy người miền Trung, người ở vùng biển Nghệ Tĩnh nhiều nước mắt ấy, giúp con người sống cần phải tinh khôn hơn. Kiếm lấy miếng ăn không hề đơn giản, 38
  9. Đất và người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu tìm chỗ trú ngụ trong những đêm biển động cũng không phải chuyện qua loa. Chỉ cần sơ sẩy một chút sẽ không ai có thể trở về với một chiếc thuyền lành lặn. Từ trong cuộc sống gắn với biển như vậy, con người miền Trung có sự trưởng thành trong trí tuệ để nuôi dưỡng khát vọng mang lại ấm no, hạnh phúc, sự cường thịnh cho quê hương, đất nước. Trí tuệ là một trong những phẩm chất quan trọng giúp người miền Trung vượt qua bom đạn chiến tranh khốc liệt. Nhờ có sự tỉnh táo và nhanh nhạy của mẹ và ông ngoại mà cha của Quy (Mảnh đất tình yêu) được cứu sống khi mà: “đi ngoài đường làng hay bước vào các ngõ xóm đều giáp mặt lính, không Mỹ thì nguỵ, không thì cũng chỉ điểm, hoặc tai mắt của chúng cài vào trong dân” [7; 793]. Hoà - người yêu của Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã tử trận nhưng vẫn luôn hiện lên với một vẻ đẹp đầy trí tuệ mỗi khi Quỳ nhớ đến: “Hoá ra thời nào cũng có những con người như anh ấy, tập trung trí tuệ và tài năng trác tuyệt của nhân dân và mang trong lòng tất cả khát vọng cháy bỏng của nhân dân” [6; 129]. Khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, phẩm chất ấy lại được bộc lộ sắc nét trong lao động, sản xuất, gắn với khát vọng hồi sinh, phát triển quê hương, đất nước. Lực (Cỏ lau) luôn mang trong mình ngọn lửa khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, khát vọng thay đổi quê hương từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, chó ăn đá gà ăn sỏi trở thành một nông trường rộng lớn: “Làng xóm nay mai sẽ không còn kẻ giàu người nghèo, bước chân vào nhà nào cũng no đủ, ai cần gì có thức nấy, mọi người ăn ở với nhau vui vẻ, tử tế trên tình đồng chí với nhau” [6; 546]. Phan (Mảnh đất tình yêu) lại nuôi dưỡng khát vọng một ngày không xa anh có thể khôi phục truyền thống làng nghề làm nước mắm: “Cái niềm vui thực sự của no ấm chưa đến nhưng niềm vui đầy mong manh của hi vọng no ấm đang bắt đầu hé ra” [6; 957]. Người miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu không chỉ hiện lên với vẻ ngoài cần cù, bất khuất, với nghị lực sống phi thường, trọng nghĩa trọng tình mà còn là những người con sống có trách nhiệm với quê hương. Trong sự khổ cực trăm bề, họ vẫn sáng ngời vẻ đẹp trí tuệ cùng khát vọng lao động, xây dựng và kiến thiết dải đất khắc nghiệt ấy. Nguyễn Minh Châu đã gieo vào lòng độc giả sức hấp dẫn, sự ấn tượng và tiếng nói đầy tự hào về sức mạnh, sự vươn lên mạnh mẽ từ trong cái khó, cái khổ để tìm ra giá trị đích thực của cuộc sống của con người nơi đây. 3. Kết luận Là “đòn gánh” hai miền Nam - Bắc, miền Trung vẫn luôn ngời sáng vẻ đẹp của một nền văn hoá độc bản. Vùng đất ấy khắc khổ, nhọc nhằn, phải nếm trải bao đau thương, mất mát nhưng vẫn luôn ngời sắc xanh của biển trời, núi đồi, vẫn cứ nên thơ, trữ tình, vẫn mãi hùng vĩ và tráng lệ. Trên vùng đất ấy, người miền Trung kiên trì lao động, nhẫn nại sống với nghị lực phi thường. Chung tình với đất, chung tình với người, mang trong mình khát vọng sống mãnh liệt với trí tuệ, tinh thần sáng tạo, người miền Trung vượt lên gian khó để phát triển. Qua những trang viết cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh, có giá trị nâng tầm người đọc của Nguyễn Minh Châu, đất và người miền Trung toả sáng trong chiều rộng không gian và chiều dài thời gian, gieo yêu thương trong lòng người. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nhiều tác giả, 2001. Nguyễn Minh Châu, tài năng và sáng tạo nghệ thuật. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. [2] Nguyễn Văn Long - Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), 2009. Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Nxb Giáo dục. [3] Hoả Diệu Thuý, 2013. Hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Tạp chí khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, số 58, trang 49-56. 39
  10. Hoàng Thị Thu Giang* và Vũ Thị Minh Tâm [4] Nguyễn Thị Thanh, 2007. Đề tài chiến tranh qua một số tác phẩm văn xuôi việt Nam từ 1945 đến 1975. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, số 02, trang 22-25. [5] Phạm Thị Hồng Vân, 2010. Thiên nhiên trong sáng tác Nguyễn Minh Châu. Luận văn Thạc sĩ Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội. [6] Nguyễn Minh Châu, 1999. Nguyễn Minh Châu - tuyển tập truyện ngắn. Nxb Văn học, Hà Nội. [7] Nguyễn Minh Châu, 2001. Nguyễn Minh Châu toàn tập - tập 2. Nxb Văn học, Hà Nội. [8] Nguyễn Minh Châu, 2004. Dấu chân người lính. Nxb Thanh niên, Hà Nội. [9] Nguyễn Trọng Hoàn, 2007. Nguyễn Minh Châu - về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [10] Nhiều tác giả, 2011. Nguyễn Minh Châu – tác phẩm và lời bình. Nxb Văn học, Hà Nội. [11] Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng, 1988. Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930. Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội. ABSTRACT Land and central people in Nguyen Minh Chau’s compositions Hoang Thi Thu Giang* and Vu Thi Minh Tam Faculty of Pedagogy, Ha Long University The article focuses on two main points: Land and Central people in Nguyen Minh Chau's compositions. This Central regional land is harsh and hard because of rocks, weather, and especially it is “the navel of war”. With his love and respect for the land, Nguyen Minh Chau has found its poetic, lyrical nature as well as its majestic and magnificent beauty. Also, on this land, the “face” of the Central people shines with the beauty of perseverance, patience, and extraordinary energy. People in the Central region have a loyal personality: loyal to the land and loyal to people, even to the souls of the sacrificed). Even though, people in this land are full of creation, intelligence, and a strong desire to live despite hardships and difficulties. Nguyen Minh Chau is always in pain, longing to find “the pearl hidden in the depths of the human soul” through his written works about the Central people. As a result, he found such precious pearls and brightened them. Keywords: land and people, central region, Nguyen Minh Chau. 40
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0