Định hướng phát triển du lịch 4.0 tại Bình Dương từ những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới
lượt xem 1
download
Bài nghiên cứu này tổng hợp, so sánh và phân tích những định nghĩa khác nhau của Du lịch 4.0 và những bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch 4.0 tại Slovenia và Malaysia, từ đó đưa ra đề xuất phát triển du lịch tỉnh Bình Dương nắm bắt xu hướng thực tế và theo hướng bền vững.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Định hướng phát triển du lịch 4.0 tại Bình Dương từ những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới
- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH 4.0 TẠI BÌNH DƯƠNG TỪ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI Nguyễn Xuân Quý1 1. Trường Đại học Thủ Dầu Một; email: quynx@tdmu.edu.vn TÓM TẮT Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ lâu đã là khái niệm được nhắc tới trong các bài nghiên cứu lẫn trong thực tế các doanh nghiệp và chính quyền các nước. Du lịch cũng là một lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi những xu hướng do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gây ra. Thuật ngữ “Du lịch 4.0” được nhiều quốc gia sử dụng phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch trong nước, tuy nhiên chưa có nhiều bài nghiên cứu tìm hiểu về khái niệm này. Tỉnh Bình Dương tuy có lợi thế về tài nguyên du lịch nhưng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Bài nghiên cứu này tổng hợp, so sánh và phân tích những định nghĩa khác nhau của Du lịch 4.0 và những bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch 4.0 tại Slovenia và Malaysia, từ đó đưa ra đề xuất phát triển du lịch tỉnh Bình Dương nắm bắt xu hướng thực tế và theo hướng bền vững. Từ khóa: Bình Dương, Công nghiệp 4.0, Du lịch 4.0, phát triển bền vững Abstract TOURISM 4.0 – DIRECTIONS FOR TOURISM DEVELOPMENT IN BINH DUONG BASED ON LESSONS LEARNED IN OTHER COUNTRIES The fourth industrial revolution has long been a concept mentioned in both research papers and in practice by businesses and governments. Tourism is also an area affected by industrial revolution 4.0. Many countries have used the term "Tourism 4.0" to as art of their tourism development strategies, but there are not many research papers on this concept. Although Binh Duong province has advantages in tourism resources, it has not really reached its full potential in the context of industry 4.0. This study synthesizes, compares and analyzes the different definitions of Tourism 4.0 and the lessons learned on tourism development 4.0 in Slovenia and Malaysia, thereby making recommendations for tourism development in Binh Duong province, which emphasizes the authority’s goal towards sustainability. Key words: Binh Duong, Industry 4.0, Sustainability, Tourism 4.0 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã đem lại những bước chuyển mình vượt bậc đối với tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ giúp nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả quản trị cho các doanh nghiệp. Bên cạnh những tác động tích cực mà cuộc CMCN 4.0 đem lại, con người cũng đối mặt với nhiều thách thức. Khi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo dần dần thay thế lao động phổ thông, tri thức trở thành yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai, từ đó phát sinh một thị trường phân hóa giữa "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao", do đó dễ dẫn đến sự phân tầng xã hội ngày càng trầm trọng 231
- thêm (Trần Thị Thanh Bình, 2020). Do đó, chính quyền, quản lý và các nhà nghiên cứu luôn cố gắng tìm ra phương hướng tối ưu hóa những lợi ích mà CMCN 4.0 đem lại, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội. Du lịch cũng là một ngành chịu sự tác động to lớn của CMCN lần thứ tư. Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội cũng như tích hợp dữ liệu, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch dễ dàng tiếp cận tới du khách hơn. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn đối mặt với các thách thức về bảo tồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa tại điểm đến du lịch, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Tuy du lịch chịu sự tác động của CMCN 4.0, nhóm ngành dịch vụ vẫn có những điểm khác biệt so với các ngành trong khối sản xuất, do những trải nghiệm phụ thuộc vào sự tham gia của nhân lực ngành lẫn khách du lịch, từ đó đòi hỏi những nghiên cứu cụ thể cho lĩnh vực này. Từ đó khái niệm “Du lịch 4.0” được hình thành tại một số quốc gia trên thế giới nhằm định hướng phát triển du lịch trong thời kỳ mới đảm bảo tính hiệu quả và bền vững cho các bên liên quan. Tỉnh Bình Dương ngày nay được xem là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với những đóng góp lớn cho kinh tế với các ngành công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp (Phan Thị Thùy Trang, 2017). Với chính sách phát triển tỉnh Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa. du lịch – một loại hình dịch vụ chưa tạo được doanh thu đột phá cho tỉnh. Tuy Bình Dương có đa dạng các tài nguyên du lịch tự nhiên lẫn văn hóa khá hấp dẫn so với các điểm lân cận như vườn trái cây, các di tích lịch sử, các công trình tôn giáo và các làng nghề truyền thống, tỉnh chưa thực sự thu hút được khách du lịch tham quan và trải nghiệm. Theo ông Ðặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh chưa có giá trị thật sự nổi trội, chưa thành chuỗi dịch vụ liên hoàn để tạo khả năng cạnh tranh trong việc thu hút du khách đến Bình Dương (Trịnh Bình, 2019). Do đó, mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch tỉnh Bình Dương đem lại nguồn lợi về kinh tế - xã hội trở thành một thách thức lớn. Tuy nhiên, việc nắm bắt những xu hướng mới trong ngành du lịch giai đoạn Công nghiệp 4.0 có thể xây dựng những chiến lược phù hợp phát triển du lịch tỉnh Bình Dương, đảm bảo tận dụng tối đa những nguồn lực để nắm bắt những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đem lại. Bài viết này tìm hiểu về khái niệm “du lịch 4.0” dựa trên bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới nhằm đề xuất những giải pháp phát triển du lịch 4.0 tại Bình Dương theo hướng bền vững, pht1 huy và bảo tồn những giá trị tự nhiên – văn hóa của tỉnh. 2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Tổng quan tài liệu Cho tới thời điểm hiện tại, các bài nghiên cứu về du lịch 4.0 chủ yếu đến từ các tác giả quốc tế. Korže (2019) đã thực hiện một bài nghiên cứu tổng hợp về quá trình xuất hiện của khái niệm “Du lịch 4.0” và những định nghĩa khác nhau mà chính quyền, các nhà quản lý du lịch và các học giả đưa ra đối với cụm từ này. Bên cạnh đó, tác giả so sánh điểm tương đồng và khác biệt giữa “Công nghiệp 4.0” với “ Du lịch 4.0.” Pencarelli (2020) phân tích sự phát triển của Công nghiệp 4.0, Web 4.0 và Du lịch 4.0, cũng như những tác động của thời kỳ kỹ thuật số đối với du khách cũng như người dân địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó còn có một số bài nghiên cứu về các dự án du lịch 4.0 tại các quốc gia trên thế giới để làm rõ hơn mục đích và ý nghĩa của những dự án này, cụ thể là nghiên cứu về những thách thức của các điểm đến du lịch sinh thái tại Malaysia trong việc phát triển du lịch thông minh (Amir và nnk., 2020); hay những mục tiêu và các bước thực hiện dự án “Du lịch 4.0” của Slovenia nhằm kết hợp những bứt phá về khoa học công nghệ phục vụ du lịch bền vững dành cho các bên liên quan (Urbančič và nnk., 2020). 232
- Tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Thanh Nga (2018) đã nhắc tới khái niệm “Du lịch 4.0” thông qua bài học từ Thái Lan. Trong đó, “du lịch 4.0” là một phần của dự án “Thái Lan 4.0” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung bằng các kết hợp sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người dân Thái Lan cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Từ bài học của chính phủ Thái Lan, tác giả đề xuất các phương hướng phát triển du lịch thời kỳ Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Ngoài ra, tác giả Hoàng Thị Vân và Võ Minh Hiếu (2020) phân tích tầm ảnh hưởng của công nghệ số trong xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam, từ đó đề xuất đưa khách du lịch trở thành vai trò trung tâm, giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng mối quan hệ với du khách. Tuy không có nhiều các bài nghiên cứu về du lịch 4.0 tại Việt Nam, đề tài về tác động của CMCN 4.0 đối với du lịch lại là đề tài được nhiều tác giả Việt Nam quan tâm. Tác giả Lê Sĩ Trí (2018) phân tích vai trò và những mặt tích cực, hạn chế của việc sử dụng các phương tiện truyền thông như mạng xã hội, trang mạng thiết bị di động, và tiếp thị trực tuyến để quảng bá du lịch Quảng bá du lịch trong thời kỳ 4.0. Ở phạm vi phát triển du lịch địa phương, nhóm tác giả Ngô Văn Lược và Ngô Thúy Lân (2018) đánh giá những thiếu sót trong khai thác du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Tỉnh chưa thực sự khai thác những xu hướng mới trong giai đoạn công nghiệp 4.0, như quảng cáo trực tuyến qua internet, thiết bị di động, và việc tận dụng các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) làm phương tiện quảng bá hiệu quả. Trong bài viết này, tác giả còn có nhắc tới du lịch thông minh (Smart travel) như một tên gọi khác của Du lịch 4.0. Một vấn đề nổi bật khác là những tác động của CMCN 4.0 đối với du lịch Việt Nam, trong đó có vai trò của công nghệ như ứng dụng di động, trí tuệ nhân tạo (AI), Kết nối Internet vạn vật (IoT), các trang web review du lịch và ứng dụng thực tế ảo đối với hoạt động quảng bá du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch (Nguyễn Đức Tân, 2022). “Du lịch 4.0” là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Riêng đối với phát triển du lịch tỉnh Bình Dương, chưa có đánh giá cụ thể về tác động của CMCN 4.0 đối với vấn đề này. Trong bối cảnh Công nghiệp 4.0, các nghiên cứu trước đó đánh giá những tác động của xu hướng này tới giới trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nói chung (Nguyễn Minh Ngọc và nnk., 2022) cũng như định hướng đưa Bình Dương phát triển theo hướng thành phố thông minh ( Phan Thị Thùy Trang, 2017). Các đề tài về du lịch tỉnh chủ yếu phân tích các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa của tỉnh (Nguyễn Thị Hiền, 2013; Phan Văn Trung & Lê Thị Ngọc Anh, 2016), từ đó định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Bình Dương (Nguyễn Thị Hương, 2019; Ngô Xuân Hào, 2016) 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp thu thập và phân tích thông tin. Các nội dung trong bài nghiên cứu dựa vào những thông tin tổng hợp dữ liệu thứ cấp từ các trang web và các bài nghiên cứu về phát triển Du lịch 4.0 của các quốc gia trên thế giới. Kết quả nghiên cứu tóm tắt thực trạng phát triển du lịch tại Bình Dương, sự hình thành của khái niệm Du lịch 4.0, và những bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch 4.0 tại các nước, cụ thể là Slovenia và Malaysia, từ đó đúc kết các bài học kinh nghiệm phát triển du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đánh giá tính khả thi và đề xuất phương hướng phát triển du lịch 4.0 tại Bình Dương. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Tóm tắt thực trạng phát triển du lịch tỉnh Bình Dương Tỉnh Bình Dương là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều tài nguyên văn hóa đặc sắc thích hợp cho hoạt động du lịch. Về tài nguyên tự nhiên, Bình Dương nằm trong lưu vực ba con sông lớn gồm: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé với những cù lao xanh mát, những vườn trái cây tươi tốt, trĩu quả. Hồ Dầu Tiếng những năm trở lại đây cũng là một điểm tham 233
- quan nổi tiếng đối với du khách, thích hợp cắm trại, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Về tài nguyên văn hóa, bên cạnh cùng với những khu, điểm du lịch đầy đủ các loại hình dịch vụ được đầu tư xây dựng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Phương Nam resort, Du lịch Xanh Dìn Ký, Làng tre Phú An, du khách đến Bình Dương có thể tìm hiểu, khám phá các di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng như: Di tích nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tây Nam Bến Cát, Chiến khu Thuận An Hòa, nhà cổ Trần Công Vàng, Trần Văn Hổ, Nguyễn Tri Quan, đình Phú Long, đình Tân An, đình Bà Lụa… hay tham quan các ngôi chùa cổ kính như chùa Hội Khánh, chùa Châu Thới…. Đặc biệt, các ngôi chùa này là những công trình kiến trúc nổi tiếng, còn lưu giữ rất nhiều di vật cổ. Bên cạnh đó Bình Dương còn có các nghề truyền thống nổi tiếng như: nghề gốm sứ, sơn mài, điêu khắc và nghề mây tre lá… Với các sản phẩm nổi tiếng có thương hiệu như gốm sứ Minh Long, Cường Phát, Nam Việt, lò lu Đại Hưng, làng sơn mài Tương Bình Hiệp,…. Bình Dương còn có thế mạnh về vị trí, nằm ngay cạnh TP Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế của cả nước, gần sân bay quốc tế, thuận lợi để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; cùng mức độ đô thị hóa và công nghiệp hóa hàng đầu Việt Nam, tạo được tính năng động cao cho người dân, kéo theo nhu cầu du lịch và năng lực làm kinh tế du lịch cao so với các tỉnh lân cận (Trịnh Bình, 2019). Như vậy, tỉnh Bình Dương sở hữu khá nhiều lợi thế về du lịch với hệ thông sông ngòi, thủy văn, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, công trình tôn giáo và các làng nghề truyền thống. Theo đó, tỉnh có thể xây dựng thương hiệu du lịch riêng của tỉnh với các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Tân Uyên, Dầu Tiếng, du lịch miệt vườn ở Lái Thiêu, hay du lịch các làng nghề gốm truyền thống tại Lái Thiêu và Tân Phước Khánh (Ngô Xuân Hào, 2016). Tuy nhiên, theo tác giả Ngô Xuân Hào, để có thể phát triển những sản phẩm du lịch một cách hiệu quả, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương trong quy hoạch và bảo tồn tài nguyên, tổ chức các hoạt động đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho bà con, cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, và tăng cường tuyên truyền, quảng bá. Cũng trong bài báo này, tác giả Ngô Xuân Hào có đề cập tới việc liên kết các trang web về làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Dương với các làng nghề truyền thống vùng Đông Nam Bộ. Đề xuất này đã bước đầu gắn với xu hướng ứng dụng công nghệ, tuy chỉ dừng lại ở công nghệ trong cuộc CMCN 3.0. Bên cạnh những sản phẩm du lịch được đề xuất trong bài nghiên cứu trước đó, tác giả Nguyễn Thị Hương (2019) còn đề xuất phát triển loại hình du lịch MICE tại Thành phố mới Bình Dương, vừa tận dụng nguồn khách là các chuyên gia trong các khu công nghiệp, vừa góp phần quảng bá và gìn giữ các giá trị du lịch văn hóa của tỉnh. Tuy tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, các con số về doanh thu và lượt khách du lịch của tỉnh chưa thực sự ấn tượng. Lượt khách giảm mạnh trong giai đoạn 2020- 2021 do tác động của dịch Covid-19 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục như giai đoạn trước dịch (Bảng 1). Ngay cả trong giai đoạn trước khi bị ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu du lịch đạt 1.360 tỷ đồng vào năm 2018, đóng góp rất khiêm tốn vào tổng thu của tỉnh (Trịnh Bình, 2019). Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của nhóm tác giả Phan Văn Trung và Lê Thị Ngọc Anh (2016), những nguyên nhân dẫn tới lượng khách và doanh thu du lịch tỉnh không cao bao gồm thời gian khách lưu trú ngắn, đa số là khách tham quan trong ngày, đa số các điểm tham quan di tích lịch sử, tôn giáo không thu phí khách tham quan, và du lịch tỉnh chưa tiếp cận được với các kênh truyền thông đại chúng (báo chí, truyền hình, internet) hay công ty du lịch mà chủ yếu dựa vào giới thiệu của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Bảng 1: Thống kê lượt khách du lịch đến Bình Dương từ 2017-2022 Năm 2017 2018 2019 2020 2021 2022 Lượt khách (triệu lượt) 4,55 4,75 5,1 1,65 0,64 1,8 (Nguồn: Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương) 234
- Một khó khăn nữa trong phát triển du lịch tỉnh Bình Dương là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp của tỉnh Bình Dương còn hạn chế. Đa số nhân sự trong đội ngũ làm việc trực tiếp tại các điểm tham quan du lịch không được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch, nhiều điểm thiếu hướng dẫn viên du lịch (Phan Văn Trung và Lê Thị Ngọc Anh, 2016). Đồng quan điểm với nhóm tác giả trên, tác giả Nguyễn Thị Hương (2019) nhấn mạnh những yếu kém của nhân lực ngành du lịch, cùng với sự xuống cấp của các khu di tích là những khó khăn mà du lịch tỉnh Bình Dương đang phải đối mặt. Trong xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, tỉnh Bình Dương nhắm tới khuyến khích khởi nghiệp và xây dựng thành phố thông minh. Trong Đề án Thành phố thông minh Bình Dương tại Quyết định số 320/QĐ-UBND, các định hướng chung chú trọng phát triển nhóm ngành công nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp (Phan Thị Thùy Trang, 2017). Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp cũng như nâng cao chất lượng đào tạo là những cơ hội phát triển hạ tầng vật chất kỹ thuật, hệ thống giao thông, các ứng dụng khoa học công nghệ trong giai đoạn CMCN 4.0, từ đó tạo ra những lợi ích gián tiếp cho ngành du lịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của tác giả Nguyễn Thị Hương (2019), tỉnh chưa nghiên cứu và phát triển bản đồ điện tử để xây dựng thành phố thông minh cũng như chưa liên kết được với các doanh nghiệp lưu trú và dịch vụ ăn uống nhằm phục vụ khách. Tóm lại, du lịch tỉnh Bình Dương chưa thực sự tạo được đột phá không chỉ do thiếu các chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, mà còn do chưa phát huy tối đa các xu hướng công nghệ thời đại mới vào hoạt động du lịch. 3.2. Từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến Du lịch 4.0 Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” xuất hiện lần đầu tiên trong một dự án về công nghệ cao của chính phủ Đức vào năm 2011. Theo Rüßmann và nnk. (2015), CMCN 4.0 bao gồm những xu hướng trong ứng dụng công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa, công nghệ mô phỏng, tích hợp hệ thống, Internet vạn vật, an ninh mạng (Cybersecurity), điện toán đám mây (Cloud computing), sản xuất phụ gia, và tương tác thực tế ảo (Augmented reality). Bên cạnh những cuộc chuyển mình về hiệu quả và hiệu suất trong sản xuất nhờ sự tiến bộ của công nghệ, CMCN 4.0 cũng đem lại những lo ngại về bảo tồn bền vững tài nguyên và năng lượng, cũng như ảnh hưởng tới cân bằng cuộc sống của con người (Xu và nnk., 2021). Các giai đoạn phát triển của du lịch cũng song song với tiến trình công nghiệp hóa, theo nghiên cứu của Kotler và Issarapakdee (2017), được nhóm tác giả Hoàng Thị Vân và Võ Minh Hiếu (2020) tóm tắt như sau: ▪ Du lịch 1.0: Sự ra đời của đầu máy hơi nước trong cuộc CMCN lần thứ nhất giúp việc di chuyển trở nên thuận lợi hơn, dẫn tới sự xuất hiện của các doanh nghiệp lữ hành như Thomas Cook, cung cấp thông tin và hướng dẫn hành trình cho tầng lớp tinh hoa. ▪ Du lịch 2.0: Có sự phân định giữa du khách (tourist) với người đi du lịch (traveler) do sự phát triển của công nghệ truyền thông đại chúng. Nếu ‘tourists’ chỉ dựa vào những thông tin đại trà, thì ‘travelers’ tự lên kế hoạch cho chuyến đi của họ nhờ vào những thông tin truyền miệng và trò chuyện với người dân địa phương. ▪ Du lịch 3.0: Những tạp chí đáng tin cậy dành cho những người đam mê xê dịch như Lonely Planet đã được số hóa, đồng thời xuất hiện những nền tảng trực tuyến của các doanh nghiệp và đại lý lữ hành. ▪ Du lịch 4.0: thời đại của các nền tảng mạng xã hội, thông tin truyền miệng qua internet (e-Word-of-Mouth), và sử dụng dữ liệu hành vi khách hàng để cá nhân hóa thông tin những chuyến đi phù hợp với nhu cầu của từng khách du lịch. Từ đó, các doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận với du khách hơn và nâng cao tính cạnh tranh giữa các thương hiệu trong việc đưa nội dung của doanh nghiệp tới gần khách hàng. 235
- Trên thực tế, chưa có sự đồng nhất trong định nghĩa của khái niệm “Du lịch 4.0,” và mỗi quốc gia sử dụng cụm từ này trong chiến lược phát triển du lịch với những ý nghĩa khác nhau. Theo Korže (2019), quốc gia đầu tiên sử dụng thuật ngữ này là Bồ Đào Nha vào năm 2016, khi chính quyền nước này nhắm tới khuyến khích hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong ngành du lịch. Năm 2018 và 2019, chính phủ Phần Lan phát động chương trình Du lịch 4.0 bao gồm các hoạt động quảng bá du lịch, tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ điện tử trong các doanh nghiệp và giảm thiểu các quy định. Tại Ý, “Du lịch 4.0” liên quan đến việc ứng dụng các công nghệ thông minh như robot, xe tự lái, chatbots, v.v. trong du lịch và các lĩnh vực liên quan, như ngành khách sạn và các hoạt động văn hóa. Tây Ban Nha lại có tham vọng số hóa ngành du lịch bằng cách phát triển giao dịch bằng tiền ảo trong ngành du lịch (còn gọi là Touriscoin) nhằm cắt giảm các bên trung gian trong quá trình giao dịch và thanh toán dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển Du lịch 4.0 tại châu Âu không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà đã được sự ủng hộ từ Liên minh châu Âu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bền vững trong du lịch, đặc biệt nhắm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Tourism 4.0, 2022). Một trong những quốc gia tiêu biểu tham gia vào chương trình này là Slovenia, với những định hướng thay đổi ngành du lịch đảm bảo những mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đem lại những lợi ích cho các bên liên quan trong hoạt động du lịch (Arctur, 2023; Urbančič và nnk., 2020). Tại các quốc gia châu Á như Thái Lan, chính phủ nước này mong muốn phát triển mô hình kinh doanh kiểu mới, quảng bá công nghệ số trong du lịch, cải thiện hệ thống giấy tờ điện tử và khuyến khích nghiên cứu khoa học. Nếu Thái Lan chú trọng vào cải cách du lịch từ bộ máy hoạt động, Indonesia và Malaysia phát triển Du lịch 4.0 nhắm vào du khách. Chính quyền địa phương đảo Bali (Indonesia) mong muốn thu hút thế hệ trẻ, đặc biệt là Thế hệ Y, bằng cách giáo dục những người làm du lịch về công nghệ blockchain, big data, và công nghệ thực tế ảo (Bali, Indonesia). Đối với Malaysia, chính phủ nước này xây dựng một hệ sinh thái công nghệ số du lịch nhằm thu hút và phục khách du lịch tham gia du lịch sinh thái tại nước này (Korže, 2019). Có thể thấy thuật ngữ “Du lịch 4.0” chưa có sự thống nhất về ý nghĩa, nhưng nhìn chung thuật ngữ này vẫn xuất phát từ những ứng dụng trong cuộc CMCN 4.0 nhằm thay đổi mô hình kinh doanh và tạo điều kiện hướng tới nhóm khách mục tiêu một cách hiệu quả hơn. Đa số các quốc gia trên thế giới đều nhắc tới ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và tương tác thực tế ảo để thay đổi mô hình kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, quảng bá du lịch và nâng cao những trải nghiệm du lịch của du khách. Trong bài viết này, tác giả thảo luận kinh nghiệm từ hai quốc gia tiêu biểu trong việc định nghĩa và phát triển du lịch 4.0 gần gũi với tình hình thực tế tại Việt Nam là Slovenia và Malaysia. 3.3. Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trong phát triển du lịch 4.0 3.3.1. Dự án “Du lịch 4.0” tại Slovenia “Tourism 4.0” khởi động vào tháng 9/2018, là một dự án do chính phủ nước Slovenia đầu tư để phát triển du lịch trong thời kỳ CMCN 4.0. Với mục tiêu đưa du lịch phát triển theo hướng dựa vào các đổi mới về khoa học công nghệ để đem lại những lợi ích về kinh tế cho các bên liên quan, chính phủ Slovenia mong muốn xây dựng một nền tảng hợp tác trong hệ sinh thái du lịch, tạo điều kiện thu thập, trao đổi và phân tích các dữ liệu cần thiết phục vụ cho các chiến lược marketing, phân bổ nguồn lực, tiêu thụ năng lượng và phân bổ du khách. Những quyết định chiến lược này nhằm góp phần nâng cao những trải nghiệm của du khách tại điểm đến và giảm thiểu những tác hại của du lịch tới môi trường địa phương (Urbančič và nnk., 2020). Dự án này chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn nghiên cứu cơ bản và giai đoạn thử nghiệm. Giai đoạn nghiên cứu nhằm xây dựng một hệ thống hiểu biết toàn diện về hệ sinh thái du lịch của các bên liên quan dựa trên Mô hình tác động của du lịch (Tourism Impact Model, viết tắt TIM). Mô hình này hàm chứa hệ thống những động lực và phần thưởng cho các hành vi đem 236
- lại hệ quả tích cực tới xã hội, môi trường và kinh tế trong ngành du lịch. Mô hình TIM được xây dựng dựa trên những đo lường về sức tải môi trường (Environmental carrying cpacity) tại các điểm đến du lịch. Hệ thống đánh giá này dựa trên sáu chỉ báo về tăng trưởng kinh tế, xã hội, chất lượng môi trường, cơ sở hạ tầng, hợp tác giữa chính quyền với người dân, và chỉ báo về hợp tác giữa các bên liên quan. Dựa vào mô hình TIM, các nhà nghiên cứu có thể đánh giá được những thách thức trong việc phát triển du lịch quá mức, từ đó đưa ra những thông tin cụ thể về những điểm đến có thể hưởng lợi ích từ hoạt động du lịch (Urbančič và nnk., 2020). Song song với việc sử dụng mô hình lý thuyết TIM, giai đoạn đầu tiên của dự án còn lựa chọn ra những công nghệ tiên tiến phù hợp cho ngành du lịch. Những công nghệ sử được sử dụng trong dự án này bao gồm blockchain, điện toán đám mây, máy tính hiệu năng cao, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật và tương tác thực tế ảo. Việc ứng dụng những công cụ công nghệ này một cách hiệu quả góp phần cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, và giảm thiểu thời gian cho từng công đoạn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, từ đó tối ưu hóa mô hình kinh doanh của ngành. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn thử nghiệm trong một môi trường được kiểm soát, còn gọi là “T4.0 Living Lab Slovenia.” Trong giai đoạn này, các bên liên quan trong mảng du lịch, bao gồm chính quyền, người dân địa phương, khách du lịch và các công ty du lịch sẽ liên kết với các công ty công nghệ để hợp nhất những ý tưởng, kinh nghiệm, kiến thức và chuyên môn để xây dựng một mối quan hệ hợp tác lẫn nhau. Những sản phẩm và dịch vụ du lịch cung cấp cho du khách trong giai đoạn thử nghiệm này được kỳ vọng đem lại những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cho du khách. Du khách trong quá trình thử nghiệm đóng ba vai trò: là một người khách tới thăm điểm đến, là một người dân địa phương, và là một người đưa ra những sáng kiến nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường. Những người tham gia vào dự án này sẽ cung cấp những giải pháp sáng tạo và hữu ích tương ứng với giai đoạn khảo sát trước đó. Bên cạnh đó, khách du lịch, công ty cung cấp dịch vụ du lịch và chính quyền địa phương sẽ được làm quen với những ứng dụng công nghệ điện tử được sử dụng. Đây là giai đoạn quan trọng để kiểm tra tính phù hợp của những dịch vụ được tích hợp công nghệ số trước khi phát triển rộng rãi trong tương lai (Urbančič và nnk., 2020). Yếu tố đổi mới cốt lõi của dự án này chính là việc xây dựng môi trường phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, cho phép sự đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện cho việc tương tác trực tiếp giữa du khách với các bên liên quan. Như vậy, có thể thấy dự án “Tourism 4.0” tại Slovenia không chỉ áp dụng những công nghệ hiện đại trong cuộc CMCN lần thứ tư, mà quan trọng hơn cả là việc áp dụng những công nghệ này một cách chiến lược nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách, đảm bảo đem lại những lợi ích về kinh tế cho điểm đến và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. 3.3.2. ‘Du lịch thông minh 4.0’ tại Malaysia Dự án du lịch “Smart Tourism 4.0” được chính phủ Malaysia phát động vào năm 2018, nhằm kết hợp những tiến bộ công nghệ vào hoạt động du lịch nhằm nâng cao những trải nghiệm của du khách, tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh của Malaysia và thúc đẩy tính bền vững thông qua du lịch sinh thái. Dự án này nhằm mục đích đưa du lịch Malaysia trở thành một điểm đến được ưu tiên trong khu vực, và chính phủ nước này đã phối hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ như LokaLocal, Tourplus và Moovby. Các công ty khởi nghiệp cung cấp công nghệ để kết nối khách du lịch với các đối tác tại địa phương, đem lại những chuyến đi do cộng đồng địa phương hướng dẫn, cung cấp các tour thực tế ảo hấp dẫn (LokaLocal), hỗ trợ du khách vượt qua các rào cản về ngôn ngữ và an ninh trong giao dịch quốc tế (Tourplus), và kết nối du khách với dịch vụ cho thuê xe do những người dân địa phương cung cấp (Moovby). 237
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch còn là một phương thức duy trì ngành trong giai đoạn Covid-19, khi các doanh nghiệp giới thiệu các tour thực tế ảo tại các điểm đến du lịch sinh thái. Sau đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ càng đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục ngành du lịch và thu hút khách quốc tế quay trở lại. (Baharun, 2022). Sản phẩm du lịch cụ thể mà Malaysia nhắm tới trong dự án “Du lịch thông minh 4.0” là du lịch sinh thái, tập trung vào những trải nghiệm của du khách tại các điểm đến du lịch sinh thái một cách bền vững và có trách nhiệm. Đây là sản phẩm du lịch được ưa thích tại Malaysia, với các chương trình trọn gói và tour tham quan do người địa phương hướng dẫn. Theo dự đoán của Monitor Deloitte, việc kết hợp du lịch với ứng dụng công nghệ có thể giúp tăng tổng thu du lịch của Malaysia lên 340% trong vòng 12 năm, từ 25 tỉ USD trong năm 2018 lên 110 tỉ USD vào năm 2030 (Baharun, 2022). Việc áp dụng khoa học công nghệ vào du lịch tại Malaysia vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt về phía khách du lịch. Theo Amir và nnk. (2020), kết quả khảo sát nhóm khách nội địa và khách quốc tế tại hai điểm du lịch sinh thái ở Malaysia cho thấy du khách gặp khó khăn trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ, các điểm đến hạn chế truy cập internet, phần lớn du khách khó tiếp cận được các thiết bị thông minh và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, du khách chưa thực sự ý thức được vai trò của việc triển khai du lịch thông minh, và cho rằng không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng cung cấp dịch vụ du lịch thông minh với các ứng dụng trên điện thoại di động. Từ bài nghiên cứu của nhóm tác giả Amir và cộng sự, có thể thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiếp cận công nghệ và kết nối internet để quá trình vận hành trơn tru và hiệu quả. Hiện tại chính phủ Malaysia vẫn cần tích cực cải tiến công nghệ để phục vụ hoạt động du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19. Kinh nghiệm của Malaysia cũng là một bài học dành cho du lịch Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Việc tích hợp công nghệ vào du lịch là cần thiết và không thể tránh khỏi trong thời kỳ CMCN 4.0, do đó chính quyền các cấp, người dân địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có sự chuẩn bị chu đáo để thúc đẩy quảng bá và điều hành hoạt động du lịch hiệu quả. 3.4. Đề xuất phát triển du lịch tỉnh Bình Dương theo hướng 4.0 Từ những bài nghiên cứu trước đó và các kinh nghiệm phát triển du lịch 4.0 của các nước, tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy du lịch tỉnh Bình Dương theo hướng bền vững. Nhìn chung, du lịch cần sự quan tâm và phối hợp, liên kết giữa chính quyền các cấp, người dân địa phương, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ban quản lý điểm đến, và khách du lịch nhằm đảm bảo đem lại những lợi ích lâu dài về kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh mà không gây tổn hại tới môi trường tự nhiên. Hoạt động du lịch cần kết hợp với những ứng dụng phổ biến về công nghệ thông tin, tích hợp trong quảng bá và điều hành du lịch để thu hút thị trường mục tiêu và đem lại những trải nghiệm độc đáo, ấn tượng cho du khách. Trước hết, để phục vụ cho hoạt động du lịch bền vững của tỉnh Bình Dương, chính quyền đã đầu tư xây dựng thương hiệu du lịch và tăng cường hợp tác các tour, tuyến kết nối với các tỉnh thành lân cận, chú trọng phát triển các tour du lịch qua đêm tại Bình Dương. Bên cạnh đó, việc chú trọng vào giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng là một hướng đi quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững (Trịnh Bình, 2019). Để định hướng tốt hơn sản phẩm du lịch và đánh giá tính hiệu quả của các phương án chiến lược này, tỉnh cần khuyến khích hoạt động nghiên cứu. Đối với du khách, cần đánh giá những trải nghiệm của họ khi tham gia vào các hoạt động du lịch của tỉnh và hiểu rõ mức độ nắm bắt công nghệ của du khách để xác định những thách thức về công nghệ. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu không chỉ hướng tới đánh giá tài nguyên du lịch và trải 238
- nghiệm của du khách, mà còn cần quan tâm tới vai trò và lợi ích của người dân địa phương. Cuối cùng, cần tăng cường, khuyến khích các đề tài nghiên cứu để đánh giá tầm ảnh hưởng của xu hướng này đối với du lịch tỉnh và những cơ hội, thách thức mà tỉnh cần lưu ý để có thể định hướng phát triển du lịch thời kỳ 4.0 hiệu quả. Thứ hai, chú trọng tìm kiếm nhóm khách mục tiêu, trong đó giới trẻ (thế hệ Y và thế hệ Z) là những người có quan tâm và dễ dàng làm quen với những ứng dụng công nghệ mới là thị trường khách thích hợp để quảng bá du lịch trong giai đoạn 4.0. Việc lựa chọn phân khúc khách này vừa đẩy nhanh quá trình số hóa các dịch vụ du lịch, do đây là nhóm khách có thể dễ dàng tiếp cận thông qua các nền tảng mạng xã hội, vừa đem lại nguồn khách lâu dài và bền vững cho địa phương. Thách thức lớn trong chiến lược quảng bá này là tạo ra những nội dung lôi cuốn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ để tạo hứng thú cho du khách. Đối với phân khúc khách quốc tế, năm 2019, trong tình hình thực tế Việt Nam vẫn thu hút phần lớn du khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan (Vietnamtourism, 2021). Đây cũng là phân khúc khách phù hợp của tỉnh Bình Dương, do tỉnh phát triển công nghiệp với nhiều chuyên gia đến từ những nước này. Do đó, cần phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa công tác và du lịch giải trí dành cho khách quốc tế để quảng bá các tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của tỉnh. Hoạt động quảng bá này còn có thể mở rộng cho nhóm khách doanh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nhờ vào lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh Bình Dương. Cuối cùng, cần kết nối các doanh nghiệp du lịch, chính quyền địa phương và khách du lịch với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp với năng lực công nghệ cao và nhạy cảm với những xu hướng của thị trường. Việc kết nối giữa các bên liên quan vừa giúp giảm thiểu chi phí đầu tư vào công nghệ cho doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương, tạo dựng một hệ sinh thái du lịch vững chắc, đem lại nguồn khách hàng lớn cho du lịch tỉnh Bình Dương, mà còn khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Để quá trình hợp tác giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp hiệu quả hơn, cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng năng lực công nghệ của tỉnh, đồng thời nắm bắt những nhu cầu của du khách để tránh gây lãng phí nguồn lực. 4. KẾT LUẬN Du lịch thế giới đang có những bước chuyển mình rõ rệt để thích ứng với cuộc CMCN lần thứ tư. Khái niệm “Du lịch 4.0” bắt đầu xuất hiện và trở thành một chiến dịch quảng bá du lịch quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới như Bồ Đào Nha, Phần Lan, Slovenia, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tuy chưa có sự thống nhất về ý nghĩa của Du lịch 4.0, nhìn chung cụm từ này thể hiện việc tích hợp các ứng dụng khoa học công nghệ thời kỳ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, tương tác thực tế ảo vào quảng bá và điều hành hoạt động du lịch. Việc kết hợp đổi mới công nghệ với hoạt động du lịch không chỉ thu hút lượng lớn du khách, mà còn nâng cao những trải nghiệm của khách trong suốt hành trình. Một số quốc gia như Slovenia và Malaysia còn xem Du lịch 4.0 là định hướng phát triển du lịch bền vững, đem lại lợi ích không chỉ cho du khách và điểm đến du lịch mà còn cho chính quyền và ngươi dân địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Bình Dương tuy còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút du lịch, nhưng với những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, tài nguyên và nguồn lực kinh tế, tỉnh vẫn có nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững. Từ những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, các Sở, Ban, Ngành tỉnh Bình Dương cần đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và giáo dục, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp về công nghệ để góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh Bình Dương phát triển, đóng góp vào kinh tế của vùng và xây dựng thương hiệu và uy tín cho du lịch tỉnh. 239
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Amir, S., Dura, N., Yusof, M. A., Nakamura, H., & Nong, R. A. (2020). Challenges of Smart Tourism in Malaysia ecotourism destinations. Journal of the Malaysian Institute of Planners, 18(4), 442-451. 2. Arctur. (2023). Tourism 4.0 among tomorrow's leaders. Retrieved from Initiator and lead of the T 4.0 initiative: https://tourism4-0.org/tourism-4-0-among-tomorrows-leaders/ 3. Baharun, A. S. (2022, 05 13). Smart Tourism: Travel meets tech in Malaysia. Retrieved from KrASIA: https://kr- asia.com/smart-tourism-4-0-travel-meets-tech-in-malaysia 4. Trịnh Bình (2019, 03 14). Bình Dương hướng tới du lịch bền vững. Retrieved from Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-duong-huong-toi-du-lich-ben-vung-post352271.html 5. Trần Thị Thanh Bình (2020, 04 30). Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Retrieved from Tạp chí Cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/- /2018/816338/view_content?_contentpublisher_WAR_viettelcmsportlet_urlTitle=cach-mang-cong-nghiep- 4.0---co-hoi-va-thach-thuc-cua-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-nay 6. Ngô Xuân Hào (2016). Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù để xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Bình Dương. Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến, 04(04), 93-99. 7. Nguyễn Thị Hiền (2013). Đánh giá điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái khu vực vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Bình Dương. Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, 47, 87-97. 8. Nguyễn Thị Hương (2019). Định hướng phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bình Dương. Tạp chí Công Thương, 01, 136-143. 9. Korže, S. Z. (2019). From Industry 4.0 to Tourism 4.0. Innovative Issues and Approaches in Social Sciences, 12(3), 29-52. 10. Ngô Văn Lược & Ngô Thúy Lân. (2018). Phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trong Cách mạng Công nghiệp 4.0. Phát triển du lịch trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 (pp. 56-61). NXB Đại học Quốc gia TP. HCM. 11. Nguyễn Thị Thanh Nga. (2018). Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nền kinh tế số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (pp. 23-32). Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. 12. Nguyen Minh Ngoc, Nguyen Hoang Tien., & Le Doan Minh Duc (2022). Solutions for development of high quality human resource in Binh Duong Industrial Province of Vietnam. Int. J. Business and Globalisation. 13. Pencarelli, T. (2020). The digital revolution in the travel and tourism industry. Information Technology & Tourism, 22, 455-476. doi:https://doi.org/10.1007/s40558-019-00160-3 14. Rüßmann, M., Lorenz, M., Gerbert, P., Waldner, M., Engel, P., Harnisch, M., & Justus, J. (2015, 04 09). Industry 4.0: The Future of Productivity and Growth in Manufacturing Industries. Retrieved from Boston Consulting Group:https://www.bcg.com/publications/2015/engineered_products_project_business_industry_4_future_pro ductivity_growth_manufacturing_industries 15. Tourism 4.0. (2022). Project summary. Retrieved from Tourism 4.0: https://tourism4-0.eu/project- summary/ 16. Nguyễn Đức Tân. (2022, 08 10). Tác động của CMCN 4.0 đối với Du lịch Việt Nam - Cơ hội và thách thức. Retrieved from Tạp chí du lịch: https://vtr.org.vn/tac-dong-cua-cmcn-40-doi-voi-du- lich-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc.html 17. Phan Thị Thùy Trang (2017). Bình Dương với mục tiêu thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và xây dựng thành phố thông minh. Thông tin Khoa học & Công nghệ, 09, 18-26. 18. Lê Sĩ Trí (2018). Quảng bá du lịch trong thời kỳ 4.0 - Vấn đề đặt ra và kiến nghị. Phát triển du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0 (pp. 170-181). TP. HCM: NXB Đại học Quốc gia TP.HCM. 240
- 19. Phan Văn Trung & Lê Thị Ngọc Anh (2016). Thực trạng và một số giải pháp khai thác các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch tỉnh Bình Dương. Tạp chí Khoa học và Giáo dục Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, 03(39), 99-108. 20. Urbančič, J., Kuralt, V., Ratkajec, H., Straus, M., Vavroš, A., Mokorel, S., . . . Ilijaš, T. (2020). Expansion of Technology Utilization Through Tourism 4.0 in Slovenia. In E. Çeltek, Handbook of Research on Smart Technology Applications in the Tourism Industry (pp. 229-253). IGI Global. doi:10.4018/978-1-7998-1989-9.ch011 21. Hoàng Thị Vân & Võ Minh Hiếu. (2020). Travel Branding in Tourism 4.0: Case Study Vietnam Travel. Journal of Asian and African Studies, 55(6), 896-909. doi:https://doi.org/10.1177/0021909620935428 22. Vietnamtourism. (2021). Khách Quốc tế đến Việt Nam - phân theo thị trường. Retrieved from http://thongke.tourism.vn 23. Xu, X., Lu, Y., Vogel-Heuser, B., & Wang, L. (2021). Indusry 4.0 and Industry 50 - Inception, conception and pereption. Journal of Manufacturing System, 61, 530-535. 241
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch Cần Thơ theo hướng kết nối sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 p | 386 | 51
-
Nghiên cứu và định hướng phát triển du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư
11 p | 513 | 40
-
Định hướng phát triển du lịch ở huyện đảo Lý Sơn theo hướng bền vững
13 p | 199 | 30
-
Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre
7 p | 248 | 14
-
Tạp chí khoa học: Thực trạng và định hướng phát triển du lịch công vụ ở Thừa Thiên Huế
0 p | 261 | 13
-
Nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình
11 p | 85 | 13
-
Thực trạng và định hướng phát triển du lịch bền vững tại thành phố Hồ Chí Minh
19 p | 173 | 10
-
Thực trạng và định hướng phát triển du lịch đường biển tại Đà Nẵng
6 p | 191 | 9
-
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tâm linh thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
8 p | 110 | 7
-
Tiềm năng và giải pháp định hướng phát triển du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười
12 p | 147 | 6
-
Giá trị lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh gắn với định hướng phát triển du lịch lễ hội tỉnh Quảng Bình
6 p | 63 | 5
-
Du lịch bán đảo Sơn Trà: Định hướng phát triển bền vững - Huỳnh Tấn Vinh
16 p | 90 | 5
-
Nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Lạng Sơn theo hướng phát triển bền vững - Nghiên cứu của giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn
4 p | 55 | 4
-
Phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam - Tiềm năng, thực trạng và giải pháp
14 p | 18 | 4
-
Nghiên cứu chính sách và định hướng phát triển du lịch bền vững tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
8 p | 13 | 2
-
Định hướng phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại các làng nghề tỉnh Quảng Nam
16 p | 6 | 2
-
Tác động của phát triển du lịch đến chất lượng cuộc sống người dân thành phố Đà Nẵng
7 p | 47 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn