intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Định hướng phát triển và tương lai kế toán, kiểm toán Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Định hướng phát triển và tương lai kế toán, kiểm toán Việt Nam" bàn về Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để kế toán, kiểm toán Việt Nam bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập toàn diện về kinh tế, thời kỳ vận hành cộng đồng kinh tế ASEAN, giai đoạn mới của phát triển khoa học - công nghệ, của cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế số đảm bảo sự tin cậy của thông tin kế toán, vào sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Định hướng phát triển và tương lai kế toán, kiểm toán Việt Nam

  1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ TƯƠNG LAI KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN VIỆT NAM PGS.TS Đặng Văn Thanh1 Tóm tắt Kế toán không thuần túy là bộ phận cấu thành của hệ công cụ quản lý kinh tế - tài chính mà còn là một khoa học quản lý luôn luôn đi cùng và đổi mới cùng cơ chế quản lý kinh tế tài chính. Kế toán Việt nam đã hình thàn h từ ngày lập nước. Kiểm toán Việt nam đã hình thành và phát triển từ khi Việt nam đổi mới và cải cách cơ chế quản lý kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua gần 40 năm, kế toán và kiểm toán Việt Nam đã có quá trình đổi mới và phát triển quan trọng, đã được cải cách rất căn bản, từng bước tiệm cận với thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế và khu vực. Ở trong nước, Kế toán và kiểm toán đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào những thành công chung của nền kinh tế - xã hội, vào sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia, sự tin cậy của hệ thống thông tin tài chính. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, những phát triển mới cho kế toán và kiểm toán Việt Nam. Từ khóa: Kế toán, kiểm toán, định hướng, tương lai. 1. Bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới và Việt Nam Mục tiêu chiến lược của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng nước Việt Nam Giai đoạn hiện nay là giai đoạn có nhiều sự kiện đối với nghề kế toán và kiểm toán, cũng là thời kỳ có nhiều kỳ vọng, nhiều thay đổi và chắc chắn là quãng thời gian sôi động của nghề nghiệp. Giai đoạn tới sẽ đánh dấu bước phát triển mới của kế toán Việt Nam. Có thể nhìn nhận về tương lai nghề nghiệp kế toán ở Việt Nam trong bối cảnh nhiều biến động, nhiều thay đổi của khoa học kỹ thuật, của quá trình hội nhập với các nền kinh tế và của nghề nghiệp kế toán trên thế giới, trong khu vực. Trước hết, trong giai đoạn sắp tới nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, càng toàn diện. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hoạt động 1 Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam 1
  2. ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Các nền kinh tế sẽ rộng mở hơn, nhiều Hiệp định, nhiều điều ước quốc tế, nhiều cam kết quốc tế sẽ được ký kết và triển khai. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sự vận hành của công đồng kinh tế ASEAN... sẽ cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, các dòng tiền sẽ di chuyển tự do hơn, các dịch vụ sẽ được cung cấp qua biên giới, lao động sẽ được di chuyển cả thể nhân và pháp nhân, đặc biệt lao động kỹ thuật và lao động nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp. Liên đoàn kế toán thế giới (IFAC) và Hiệp hội kế toán các nước ASEAN (AFA) đã và sẽ bàn nhiều về triển vọng và tương lai nghề kế toán trên thế giới và trong khu vực. Tất cả đều khẳng định toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế là xu thế tất yếu. Nhưng thế giới này không phẳng. Sự khác nhau về thể chế chính trị, về chính sách kinh tế giữa các châu lục, giữa các quốc gia là đáng kể và chưa dễ gì tạo nên sự đồng nhất. Bản chất và chức năng của kế toán về cơ bản không thay đổi, vẫn là tạo lập và cung cấp hệ thống thông tin tài chính cho các quyết định quản lý kinh tế, quyết định đầu tư. Thể chế kinh tế và cách thức hạch toán kế toán là công việc cần được tôn trọng của mỗi quốc gia và phải phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý của mỗi quốc gia. Việc triển khai các chuẩn mực kế toán mang tính quốc tế hoàn toàn không thuận lợi và đồng nhất ở các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Điều cần thiết là các báo cáo tài chính và việc trình bày các Báo cáo tài chính phải đảm bảo sự thống nhất trên những nguyên tắc nhất định, đảm bảo vasv nhà đầu tư, các nhà quản trị kinh doanh ở mọi quốc gia hiểu và có thể đọc được dù được lập và công bố ở bất cứ đâu trên thế giới. Do đó, một yêu cầu mới đặt ra là các Báo cáo tài chính cần được trình bày theo những nguyên tắc, những chuẩn mực chung, thống nhất. Việc soạn thảo, công bố và quảng bá Hệ thống Chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính (International Financial Report Standards - IFRS) cần thiết hơn cho mọi quốc gia và sẽ dần thay thế các chuẩn mực quốc tế về kế toán (IAS). Trong bối cảnh kinh tế quốc tế mới, trong xu thế hội nhập các nền kinh tế và toàn cầu hóa đòi hỏi các nước cần lựa chọn phương án và xây dựng lộ trình để đưa hệ thống IFRS vào áp dụng. Việt Nam đã và đang tính toán cho công việc này và đã có đề án áp dụng IFRS sao cho hài hòa với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đồng thời phải phù hợp với thể chế và trình độ phát triển của kinh tế, trình độ nghề 2
  3. nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Đây là một thách thức và cũng là thời cơ để Việt Nam đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam. Thứ hai, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát trên toàn thế giới, tác động rất mạnh vào các nền kinh tế, trong đó có nền kinh tế Việt Nam, có nghề nghiệp kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới. Đây là giai đoạn phát triển của trí tuệ nhân tạo, của thời đại công nghệ số, của thế giới mạng, của Internet kết nối vạn vật (IoT), kết nối mọi dịch vụ. Trong xã hội và trong nền kinh tế đã xuất hiện những phương thức giao dịch mới, phương thức thanh toán mới (thanh toán điện tử), những đơn vị đo lường mới. Hóa đơn điện tử đã được thừa nhận, các chương trình xử lý và truyền tải thông tin, kỹ năng xử lý và lưu trữ thông tin đã tạo ra những công nghệ mới, khả năng mới và yêu cầu mới. Sự xuất hiện của Điện toán đám mây, dữ liệu lớn Bigdata, Blockchain... đã thay đổi căn bản và nâng cao năng suất hiệu quả trong quy trình tạo lập, thu thập, xử lý, tổng hợp, truyền đạt và cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán, thông tin về kinh tế -tài chính. Tất cả những điều đó tác động rất mạnh đến toàn bộ công việc kế toán và kiểm toán, đòi hỏi phải có sự thay đổi rất căn bản quy trình và phương pháp kế toán, kiểm toán, đổi mới căn bản phương thức tạo lập, thu thập và xử lý thông tin, phương thức kiểm tra, đánh giá thông tin, cách thức truyền tải, tiếp nhận, khai thác thông tin và lưu trữ thông tin. Thứ ba, Chức năng kế toán và kiểm toán có sự đổi mới và phát triển rất căn bản. Kế toán không thuần túy là thu thập, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin kinh tế tài chính, mà đã phát triển thêm chức năng tư vấn. Tư vấn cho các nhà quản trị, các nhà quản lý và điều hành hoạt động kinh tế. Kiểm toán cũng không thuần túy có chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận mà đã phát triển thêm chức năng tư vấn. Tư vấn cho các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhà nước, quản lý nền tài chính quốc gia. Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, Blockchain, Bigdata, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho các chức năng truyền thống của kế toán kiểm toán sẽ được thực hiện thuận lợi hơn, chính xác hơn và nhanh hơn, kịp thời hơn. K ế toán và kiểm toán có cơ hội và điều kiện thực hiện chức 3
  4. năng tư vấn. Đây là chức năng đòi hỏi trí tuệ và bản lĩnh người làm kế toán và cũng là cơ hội gia tăng giá trị của thông tin kế toán và kết quả kiểm toán. Thứ tư, hơn khi nào hết, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán được quan tâm và là yêu cầu rất cao. Năng lực đối với người làm kế toán kiểm toán không chỉ dừng lại ở trình độ hiểu biết và năng lực chuyên môn nghiệp vụ mà là những kỹ năng mới: kỹ năng quản trị thông tin, quản trị mạng, kỹ năng phân tích đánh giá, phân tích dự báo, năng lực tư vấn, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin và bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin kinh tế, tài chính do kế toán cung cấp. Đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán không chỉ là đức tính trung thực, khách quan, là lòng yêu nghề, sự say mê nghề nghiệp mà lớn hơn là trách nhiệm, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Và lớn hơn nữa là lòng tự trọng và tính kỷ luật trong nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là đặc trưng cốt lõi của văn hóa nghề kế toán. Văn hoá nghề nghiệp là toàn bộ giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của nghề nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động nghề nghiệp đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của của người hành nghề trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích. Văn hóa nghề nghiệp chính là hệ quả, là hệ giá trị định hình tư duy, thái độ, cách hành xử và trải nghiệm của người hành nghề, là nền tảng làm nên giá trị cốt lõi của nghề nghiệp. Văn hoá nghề kế toán và kiểm toán có nét chung, nhưng cũng có những nét riêng, mang cốt cách của nghề nghiệp, nghề tạo lập thông tin kinh tế tài chính, tạo nên sự khác biệt của nghề nghiệp kế toán so với tất cả các nghề nghiệp khác. Để tạo ra sự khác biệt này, nghề nghiệp kế toán và kiểm toán phải xây dựng văn hoá dựa trên hai yếu tố: mục tiêu, định hướng hoạt động của nghề nghiệp và môi trường hoạt động của nghề kế toán, kiểm toán. 2. Tương lai và nhiệm vụ Kế toán, Kiểm toán đến năm 2030 Một là: Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về kế toán, kiểm toán phù hợp bối cảnh mới, yêu cầu mới theo hướng Kế toán, kiểm toán không chỉ là tổ chức hệ thống thông tin, là công cụ quản lý mà là một nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp, một dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh tế thị trường. 4
  5. Cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Kế toán, Luật kiểm toán độc lập và cả Luật Kiểm toán nhà nước Hai là: Nhận thức và điều chỉnh bổ sung chức năng của kế toán, kiểm toán trong kinh tế thị trường, đó là chức năng tư vấn về quản lý kinh doanh cho các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp. Bên cạnh các chức năng truyền thống như Phản ảnh, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin thì cần quan tâm hơn đến chức năng phân tích và tư vấn, cần quan tâm gia tăng giá trị của thông tin kế toán, nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất kế toán viên, kiểm toán viên. Phải là những chuyên gia có tính chuyên nghiệp cao, Ba là: Xây dựng lộ trình, phương thức triển khai và áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở Việt Nam. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Mục tiêu chung của đề án nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới. Mục tiêu cụ thể áp dụng VFRS bao gồm 2 nội dung: - Xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng cụ thể được xác định, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với người sử dụng báo cáo tài chính. - Ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống VFRS theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. 5
  6. Đề án áp dụng IFRS ở Việt Nam với 03 nhóm đối tượng, cụ thể: Một là, các doanh nghiệp bao gồm: các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ khả năng và nguồn lực áp dụng IFRS, được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được công bố; các doanh nghiệp khác thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam áp dụng VFRS. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS hoặc VFRS không thuộc đối tượng áp dụng của Đề án. Hai là, các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ gồm: các đơn vị có các hoạt động phối hợp nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam. Ba là, cơ quan quản lý nhà nước gồm: Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong hoạt động xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS; nghiên cứu, xây dựng, ban hành, đào tạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện VFRS. Lộ trình thực hiện Đề án Theo Đề án, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được triển khai theo lộ trình với 03 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị từ 2020-2021; Giai đoạn 1 áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến 2025; Giai đoạn 2 áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025. Khi áp dụng IFRS, doanh nghiệp phải trình bày, thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính đối với các nội dung khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế (nếu có); thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng IFRS phải áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của Ủy ban Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IASB) tại cùng một thời điểm. Khi IASB có sự sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các IFRS thì cần phải kịp thời công bố bản dịch để thống nhất triển khai cho các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng. Doanh nghiệp áp dụng tự nguyện hoặc áp dụng bắt buộc IFRS theo nguyên tắc nhất quán trong cả năm tài chính. 6
  7. Bộ Tài chính sẽ ban hành các tiêu chí, hướng dẫn để đánh giá các thông tin tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo tính so sánh giữa doanh nghiệp áp dụng IFRS và doanh nghiệp không áp dụng IFRS. Đồng thời, công bố danh sách doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc áp dụng IFRS lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Để thực hiện hiệu quả Đề án, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS; Thực hiện khảo sát nhu cầu, khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để có những điều chỉnh về đối tượng, lộ trình và phương án áp dụng IFRS phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi và tìm các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng IFRS; Thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang áp dụng IFRS theo kế hoạch... Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam được kỳ vọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc áp dụng IFRS và VFRS sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới. Bốn là, Chuẩn bị tích cực cho việc triển khai kế toán số ở Việt Nam. Sử dụng rộng rãi các thành tự của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kế toán, kiểm toán, từ khâu thu thập dữ liệu, phân loại, tổng hợp và cung cấp dữ liệu trên nền tảng công nghệ số với công cụ IOT, AI, Bigdata, Blokchain... Năm là, cần xuất phát từ việc đổi mới về thể chế, ban hành các quy định pháp lý, ban hành các chính sách kế toán cho đến đổi mới quy trình kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho tương lai. Hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán 7
  8. và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập cũng cần có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo. Sáu là, nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò vị thế của tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam. Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm kế toán và kiểm toán tại Việt Nam đã được thành lập theo Quyết định số 12/TTg ngày 10 - 01 - 1994 của Thủ tướng Chính phủ. Hội hoạt động dưới sự Bảo trợ của Bộ Tài chính. Hội là thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA). Qua gần 30 năm hoạt động trong muôn vàn khó khăn, thách thức, Hiệp Hội đã trụ vững, đổi mới, phát triển, đóng góp tích cực vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, duy trì và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và trên thế giới. Trong tương lai, Hiệp hội sẽ trở thành một tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển nghề nghiệp kế toán , kiểm toán , vào sự phát triển thị trường dịch vụ tài chính, góp phần tích cực vào sự tin cậy, minh bạch của thông tin kinh tế tài chính, của nền tài chính quốc gia Việt Nam. Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để kế toán, kiểm toán Việt Nam bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập toàn diện về kinh tế, thời kỳ vận hành cộng đồng kinh tế ASEAN, giai đoạn mới của phát triển khoa học - công nghệ, của cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế số đảm bảo sự tin cậy của thông tin kế toán, vào sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ. Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, QĐ 3658 QĐ-TTg ngày 21- 3-2022. 2. Chính phủ. Chiến lược phát triển kế toán kiểm toán đến năm 2030. Quyết định số 6533/QĐ-TTg ngày 23-5 2022. 8
  9. 3. Bộ Tài chính - Hiệp hội Kế toán công chứng vương quốc Anh (ACCA), Xu hướng toàn cầu của ngành Kế toán, Kiểm toán, Chiến lược của Việt Nam đến 2020, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế. 4. Bộ Tài chính (2020): Đề án và lộ trình triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ở Việt Nam. 5. 3 The Association of Chartered Certified Accountants (2017), Professional accountant - The future (Generation next): Ethics and trust in a digital age. 6. TS Vũ Đình Ánh, Học viện Tài chính, Tài chính và cách mạng Công nghiệp 4.0, Kỷ yếu hội thảo (2017) Viện chiến lược Bộ Tài chính. 7. PGS.TS Nguyễn Ngọc Mỹ, Đại học Quy Nhơn (2018) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0-Những vấn đề đặt ra với kinh tế Việt Nam và kế toán kiểm toán, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học ĐH Quy nhơn (2018). 8. PGS.TS Đặng Văn Thanh (2018) Hệ thống tài chính Việt Nam trong công nghệ kỹ thuật số và sự hòa nhập, hội tụ quốc tế, Diễn đàn tài chính Việt Nam. 9. Đặng Văn Thanh. Tương lai và triển vọng kế toán Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 5-2019. 10. PGS.TS Đặng Văn Thanh. Kế toán Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0. Tạp chí kế toán 6-2020. 11. PGS.TS Đặng Văn Thanh (2016) Kỷ yếu hội thảo Khoa học, (2018). Trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp trong triển khai IFRS. NXB Tài chính. 12. PGS.TS Đặng Văn Thanh: Đào tạo cử nhân kế toán dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí kinh doanh và công nghệ, số 3/2019. 9
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2