intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đóng góp của Phật giáo với việc đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Đóng góp của Phật giáo với việc đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế trình bày các nội dung chính sau: Những đóng góp của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội; Những thuận lợi của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đóng góp của Phật giáo với việc đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế

  1. ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO VỚI VIỆC ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI TRONG THỜI KỲ PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ NI SƯ THÍCH ĐÀM THANH1* Đặt vấn đề Giáo lý nhập thế căn bản của đạo Phật đã được Trần Nhân Tông lấy làm cơ bản cho đạo đức xã hội, với mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật. Truyền thống nhập thế của Phật giáo trong quá khứ không chỉ góp phần ghi những trang chói lọi cho lịch sử dân tộc mà còn giúp ổn định mọi mặt trong đời sống xã hội của người dân Việt. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới và xu hướng hội nhập quốc tế, các tăng ni, phật tử nước nhà cũng không ít trăn trở, lo toan cho vận nước lắm cơ may và nhiều thách thức hiện nay. Những năm qua, Phật giáo đã tiến hành nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện như: tiến hành quyên góp giúp đỡ người bị thiên tai, bệnh tật, bất hạnh cô đơn; giúp gia đình nghèo vượt khó, bảo trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi những gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; mở lớp học tình thương; khám chữa bệnh miễn phí, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa... Những hoạt động xã hội của Phật giáo với những nghĩa cử từ bi của nhà Phật đã góp phần nâng cao đạo đức truyền thống và làm ổn định xã hội. Những nghĩa cử cao đẹp ấy, chứng tỏ Phật giáo không phải là thoát tục, lánh đời, quay lưng với cuộc sống trần thế mà đã, đang và sẽ hòa nhập với nhân sinh cùng chia sẻ buồn vui của con người trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế ngày nay. Thực tế cho thấy, thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế không những không hạn chế mà trái lại là môi trường thuận lợi cho việc thực hiện đầy đủ quyền tự do * Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo quận Hoàng Mai.
  2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 345 tín ngưỡng, tôn giáo chân chính của nhân dân. Chính điều này, cũng lại tạo cơ hội cho Phật giáo Việt Nam đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “Mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội. Gắn đạo với đời, phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước hướng tới xây dựng cuộc sống giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Trong lịch sử dân tộc, Phật giáo đã góp phần khẳng định văn hóa, cốt cách Việt Nam, để ánh sáng giác ngộ của Phật pháp đi vào đời sống thực tiễn, tích cực triển khai các hoạt động cứu khổ độ sinh, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên nét đẹp văn hóa, thấm đậm nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Thực trạng Phật giáo truyền vào nước ta rất sớm, khoảng thế kỷ thứ II sau Công Nguyên. Dù cho thời cuộc thay đổi, vận nước chuyển vần nhưng Phật giáo nước nhà luôn đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử. Việt Nam là một quốc gia có truyền thống bao dung và độ lượng, đoàn kết, hòa hợp nên người Việt Nam đã đón nhận những giá trị tinh thần từ bi - hỉ xả, vô ngã - vị tha, phá chấp - lục hòa, vv... của Phật giáo một cách tự nhiên tạo lên cốt cách của con người Việt và đoàn kết nhân ái. Hiếm thấy trên thế giới có một đất nước nào phải trải qua những cuộc chiến tranh triền miên và quyết liệt đến thế mà vẫn dễ dàng khép lại quá khứ mà hướng tới tương lai; xóa bỏ hận thù để cùng chung sống hòa hợp trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam bao gồm nhiều tôn giáo và tín ngưỡng. Giá trị tư tưởng của Phật giáo đã hòa quyện với truyền thống văn hóa dân tộc trở thành những di sản quý báu để lại cho hậu thế. Trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, Nhà nước đã và đang chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương; chủ động phòng ngừa, giảm tới mức thấp nhất và khắc phục những rủi ro tác động của kinh tế, xã hội, môi trường; phát triển mạnh mẽ hệ thống bảo hiểm, khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm; mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, tăng độ bao phủ, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương… Như vậy, về mặt bản chất, an sinh xã hội góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội và vì vậy mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc.
  3. 346 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Về cấu trúc của an sinh xã hội bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội; Trợ cấp gia đình; Các quỹ tiết kiệm xã hội; Các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng. Vì sao phải đảm bảo an sinh xã hội? Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu, điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước. Với việc ghi nhận công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội trong Hiến pháp năm 2013 cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước xây dựng hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý, bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội. Thực hiện chính sách an sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp. Bảo đảm an sinh xã hội góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam coi việc phát triển công tác an sinh xã hội, bảo đảm chất lượng đời sống cho người dân ngày càng được cải thiện và an toàn. Đây là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước. 1. Những đóng góp của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội Trong những năm qua, đảm bảo an sinh xã hội luôn được coi là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo, qua đó, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội. Với mục tiêu đó, trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động ngày càng nhiều tăng, ni, Phật tử, các nhà hảo tâm, người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp, ủng hộ cả vật chất, tinh thần vào các phong trào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hướng về cội nguồn do Đảng, Nhà nước phát động với số kinh phí, vật chất năm sau luôn cao hơn năm trước. Cùng với sự đóng góp, ủng hộ về kinh phí, vật chất, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân cũng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm, góp phần chia sẻ với nhân dân những khó khăn trong lĩnh vực y tế mà Nhà nước chưa thể đáp ứng kịp thời. Đến thời điểm năm 2017, toàn Giáo hội có trên 1000 lớp học tình
  4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 347 thương; 64 cơ sở nuôi dạy trẻ em bán trú, mồ côi khuyết tật. Một số chùa mở lớp học dạy nghề miễn phí cho con em gia đình phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. Đồng thời có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí gồm các nghề may, thêu, đan, điện dân dụng, tin học, máy tính văn phòng, nghề mộc mỹ nghệ, sửa xe, cắt tóc, ngoại ngữ. Hàng ngàn học viên có tay nghề được giới thiệu có được việc làm ổn định. Được tiếp xúc, được dạy dỗ nuôi dưỡng với tâm từ bi, thánh thiện của các tu sĩ con trẻ lớn lên có được nếp sống, một nền tảng đạo đức, bước đầu hình thành nhân cách để sau này phát triển thành công dân tốt. Tài liệu từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tính đến năm 2017, trong toàn Giáo hội có gần 200 cơ sở Tuệ Tĩnh Đường, hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc Nam, thuốc Bắc; có trên 10 phòng khám Tây y, Đông – Tây y kết hợp. Đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm Giáo hội còn mở các lớp đào tạo cán bộ y tế sơ cấp, lớp đào tạo Đông y sĩ để phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân; ấn hành các tập Kỷ yếu về y học…phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân nghèo ở những vùng hẻo lánh, xa xôi. Được sự hỗ trợ của tổ chức Unicef, thông qua chủ đề “Sáng kiến của lãnh đạo Phật giáo về tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS”, nhiều tỉnh/ thành hội Phật giáo đã thành lập các trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Một số chùa mở cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS như: Chùa Kỳ Quang - quận Gò Vấp, chùa Diệu Giác - quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Pháp Vân, chùa Hiền Quang, chùa Thanh Am - Thành phố Hà Nội, chùa Bảo Quang - Thành phố Hải Phòng, chùa Minh Quang - Thành phố Đà Nẵng, chùa Hải Đức - tỉnh Thừa Thiên Huế... Đây là một hoạt động mang ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần cứu rỗi những con người lầm lạc và giúp xóa đi sự kỳ thị, mặc cảm xã hội đối với các bệnh nhân, đồng thời hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này. Ngoài ra, hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện lớn trong cả nước, điển hình như: Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Lê Lợi (Tp. Vũng Tàu); Bệnh viện K (Hà Nội), Bệnh viện An Bình (Tp. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Phước… với tổng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Đặc biệt, với mô hình “Nồi cháo tình thương” của Phật giáo nhiều tỉnh, thành phố đã thể hiện tình cảm sâu nặng của Giáo hội với đông đảo người dân, phật tử nghèo trong cả nước, điển hình như “Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Đa Khoa (Đà Nẵng), Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Nhi Thanh Hóa… hằng năm đã hỗ trợ cuộc sống hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo cùng người nhà đang điều trị tại đây.
  5. 348 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội, thể hiện tinh thần tri ân đối với thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Giáo hội đã quyên góp và phụng dưỡng suốt đời hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương; hàng nghìn tỉ đồng được quyên góp để góp phần chia sẻ và làm dịu bớt mất mát của những gia đình có người thân là thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những người đó hy sinh vì dân tộc, vì đất nước. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều Đại trai đàn cầu siêu cho liệt sĩ ở nhiều nghĩa trang trong cả nước như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sơn, Quảng Trị, Điện Biên, v.v… Đặc biệt, với tinh thần “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, hằng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với hơn 10.000 người tham dự tại chùa Trình, Yên Tử, Quảng Ninh và ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn. Bên cạnh các hoạt động trên, những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn vận động tín đồ, chức sắc và nhân dân tích cực hưởng ứng quyên góp, hỗ trợ các công tác phúc lợi xã hội khác như phong trào ủng hộ ủng hộ quân, dân ở Trường Sa và nơi biên cương tuyến đầu của Tổ quốc, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, xây nhà tình thương, nhà dưỡng lão và tham gia các hoạt động nhân đạo như mổ mắt miễn phí cho các bệnh nhân nghèo bị đục thuỷ tinh thể, tham gia dự án “Ngân hàng bò” giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc, tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp đỡ các thí sinh tham dự kỳ thi Đại học - Cao đẳng hằng năm, hiến máu nhân đạo… Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền từ thiện xã hội các tỉnh, thành, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phân ban Ni giới Trung ương đã thực hiện là 881.285.502.750.00 đồng. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh trên 246 tỷ đồng. Có thể khẳng định, phát huy tinh thần “Phụng đạo, yêu nước”, hiện hữu trong lòng dân tộc những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cùng tăng ni, phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, hoạt động từ thiện xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, tích cực tham gia vào phong trào toàn dân, bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Năm 2018, Giáo hội
  6. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 349 Phật giáo Việt Nam các cấp đã vận động đóng góp dành cho công tác đảm bảo an sinh xã hội của tăng ni, Phật tử cả nước trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Qua các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu là tăng ni, phật tử có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý. Đặc biệt, với những đóng góp to lớn của Giáo hội vào công tác từ thiện, nhân đạo, đảm bảo an sinh xã hội; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vinh dự 2 lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta cùng với nhiều danh hiệu cao quý khác. Tại Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo hội cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Đảng và Nhà nước vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng. Với tinh thần từ bi, yêu tự do, hòa bình, Giáo hội đã, đang đi đầu trong khối đoàn kết tôn giáo, dân tộc; giữ gìn, phát huy, bồi đắp truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo luôn được tỏa sáng trong lòng dân tộc; tích cực vận động tăng ni, phật tử và nhân dân phát huy tinh thần “Phụng đạo yêu nước”,“Hộ quốc an dân”, tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, nỗ lực góp phần xây dựng, phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay đã khẳng định rõ vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tiếp tục thực hiện thắng lợi chương trình Phật sự mà Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đã đề ra; đưa Giáo hội ngày càng vững tiến trên con đường “Hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. 2. Những khó khăn của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội Mặc dù các hoạt động xã hội của Phật giáo rất đa dạng, phong phú nhưng hầu hết chỉ tập trung vào khía cạnh nhân đạo, từ thiện mà chưa chú ý đúng mức, mang tính bộc phát, nhỏ lẻ và không có chiều sâu tới phương diện thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Tính kết nối hệ thống trong hoạt động xã hội từ thiện của Phật giáo chưa cao. Trình độ tổ chức của đội ngũ làm công tác bảo trợ xã hội còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp. Kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong một số cơ sở y tế, giáo dục, dạy nghề của Phật giáo còn hạn chế. Các cơ sở dạy nghề còn phân tán, nhỏ lẻ về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, vì vậy chỉ mới đào tạo được những nghề giản đơn. Trong hoạt động bảo trợ, chưa huy động cao độ tiềm năng và các nguồn lực
  7. 350 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... xã hội; một số cơ sở còn lúng túng, vướng mắc trong các hoạt động bảo trợ có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, do thiếu hiểu biết và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương, nên đã có cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật bị lợi dụng, dẫn đến các hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo. Về phía đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước: Tuy có những đổi mới căn bản về quan điểm, chính sách đối với tôn giáo trong đó có đổi mới về chính sách đối với công tác an sinh xã hội, chủ yếu là hoạt động từ thiện xã hội. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế thì một số chính sách vẫn còn bó hẹp chủ yếu mới chỉ quy định cho một số tôn giáo trong đó có Phật giáo hoạt động trên lĩnh vực từ thiện, nhân đạo. Một số nơi vùng sâu, vùng xa, các cấp chính quyền chưa tạo điều kiện cho công tác từ thiện. An sinh xã hội trở thành vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững. Quá trình đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục: tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng; đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai,... đang đặt ra hàng loạt vấn đề xã hội, như: tình trạng thiếu việc làm, mất đất sản xuất và điều kiện sinh kế gặp nhiều khó khăn, tình trạng tái nghèo, thiếu khả năng chăm sóc sức khỏe,... Trong khi đó, nguồn lực của nhà nước để bảo đảm an sinh xã hội còn hạn chế; hệ thống an sinh xã hội hiện còn phân tán, chồng chéo và hiệu quả chưa cao. Trong bối cảnh đó, rất cần sự tham gia của toàn xã hội vào an sinh xã hội. 3. Những thuận lợi của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội Từ phía Giáo hội Phật giáo: Gắn bó đồng hành cùng dân tộc với truyền thống nhập thế, phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra ngay từ Đại hội lần thứ nhất đã là một trong những điều kiện thuận lợi mang tính cơ bản cho công tác an sinh xã hội. Phật giáo là một tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông đảo. Tín đồ Phật giáo hầu hết thấm nhuần tư tưởng từ, bi, hỉ, xả của Phật giáo; thấm nhuần tư tưởng “cứu một người phúc đẳng hà sa” hoặc “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Chính điều này tạo nên yếu tố nội tại khiến tín đồ tự tâm, tự nguyện phát tâm công đức. Thực tế cho thấy không cần sự hô hào vận động, thuyết phục của chính quyền, đoàn thể, nhiều nơi Phật tử hoặc tự nguyện tìm đến các tổ
  8. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 351 chức từ thiện, tổ chức chữ thập đỏ để đóng góp hoặc các Phật tử tự tập hợp nhau lại thành nhóm tham gia công tác an sinh xã hội. Thực tế cho thấy rất nhiều Phật tử tham gia có điều kiện kinh tế không hề khá giả nhưng với tinh thần “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, họ tham gia vô cùng. Lực lượng tham gia hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo là đông đảo thu hút được hầu hết các thành phần xã hội, các lứa tuổi. Đây là một lợi thế mà không phải tổ chức tôn giáo nào ở Việt Nam cũng có được. Bước vào công cuộc đổi mới phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đổi mới đường lối, chính sách đối với tôn giáo trong đó có nội dung quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác an sinh xã hội là một trong lĩnh vực này. Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ban hành những chính sách cụ thể. Ngày 18 tháng 6 năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh gồm 6 chương, 41 điều. Điều 33 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật 4. Giải pháp Trong giai đoạn hiện nay, Phật giáo có thêm những cơ duyên mới để tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống an bình, hạnh phúc của nhân dân. Trước hết, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước đã thổi luồng gió mới vào các hoạt động tôn giáo, đặc biệt là hoạt động của Phật giáo. Qua các kỳ Đại hội, quan điểm, chính sách đổi mới của Đảng đối với tôn giáo ngày càng được hoàn thiện. Đảng vừa khẳng định quan điểm nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, xây dựng khối đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không theo đạo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời chủ trương phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong tôn giáo; khuyến khích các hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, tốt đời, đẹp đạo. Chủ trương, chính sách của Đảng tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát triển và thúc đẩy xu hướng thế tục hóa. Với tinh thần “khế lý, khế cơ”, Phật giáo đã nhanh chóng nắm bắt cơ duyên mới để hoằng dương Phật pháp, đồng thời tăng cường tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội.
  9. 352 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Chủ trương, chính sách an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng thuận lợi hơn trong việc tham gia vào công tác an sinh xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội. Văn kiện Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Bảo đảm an sinh xã hội... trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương”, Nghị quyết số 15 của Đảng về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” đề ra yêu cầu “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”. Cụ thể hóa quan điểm đó, Chính phủ đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập tối thiểu của mỗi người dân; tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội; trợ giúp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm để người dân tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, đồng thời đề ra nhiều chủ trương mới trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, như: Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế. Chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng rất phù hợp với tinh thần từ bi, hướng thiện của Phật giáo, đặc biệt, chủ trương xã hội hóa công tác an sinh xã hội tạo điều kiện rất thuận lợi để Phật giáo tham gia vào công tác này. Về phía Giáo hội, các Tăng Ni cần nắm bắt tình hình và vận dụng hệ thống truyền thông vào các hoạt động từ thiện. Đội ngũ cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa công tác an sinh xã hội, tăng cường tính hệ thống, kết nối trong hoạt động xã hội; tăng cường sự phối hợp với chính quyền, các đoàn thể nhân dân; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động an sinh xã hội. 5. Đề xuất Phật giáo Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, điều này vừa tạo ra thời cơ cũng như thách thức cho công tác đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, hệ thống nhân lực làm công tác tôn giáo các cấp còn có nhiều bất cập chưa phù
  10. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 353 hợp với nhiệm vụ; việc phối hợp trong xử lý các vấn đề nảy sinh đôi khi còn thụ động, thiếu đồng bộ; một số bộ phận nhân lực còn hạn chế về chuyên môn; cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò và nguồn lực do các tổ chức tôn giáo đem lại trong việc đảm bảo an sinh xã hội còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Nhằm khắc phục những tồn tại trên, góp phần khai thác thế mạnh của Phật giáo Việt Nam trong công tác an sinh xã hội, tác giả xin đưa ra một số đề xuất như sau: Một là, tích cực nâng cao nhận thức của các cấp đảng ủy, chính quyền và các cán bộ làm công tác tôn giáo về đặc trưng, bản chất, tính tất yếu của hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực xã hội; từ đó góp phần phát huy thế mạnh và mọi nguồn lực của các Phật giáo Việt Nam trong xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế; Hai là, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, đồng thời tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy các tôn giáo được hội nhập sâu rộng trong đời sống quốc tế; quan tâm, tạo điều kiện giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trên cơ sở pháp luật. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Ba là, Phật giáo cần có một đội ngũ tăng ni trẻ không chỉ trang bị kiến thức Phật học mà còn phải có kiến thức thế học. Ban Trị sự của các tỉnh đề xuất phương hướng cho công tác an sinh xã hội của đơn vị mình. Tất cả các tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước tiếp tục phát huy những thành quả, các tiền tề đã đạt được nhằm đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. 6. Kết luận Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội nổi lên và trở thành thách thức cho Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội, Phật giáo ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ với Nhà nước thực hiện tốt an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Với những đóng góp lớn, tích cực vào công tác an sinh xã hội và vai trò trách nhiệm trong điều kiện mới của Việt Nam là cơ sở chắc chắn khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội. Đồng thời, khẳng định được sức sống của Phật giáo đối với sự phát triển của dân tộc qua suốt chiều dài lịch sử. Công tác an sinh xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội không thể thiếu sự đóng góp của Phật giáo.
  11. 354 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. HT Thích Thanh Tứ, Đạo pháp và Dân tộc, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6, 2006. 2. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2018. 3. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo sơ kết công tác phật sự 6 tháng đầu năm 2019 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 4. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác phật sự 35 năm thành lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự trình bày tại Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 5. Tôn giáo - Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, PGS. TS Nguyễn Đức Lữ, Nxb Chính trị - Hành chính, tr. 307. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 228. 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 137.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2