intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của phật giáo trong việc góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Vai trò của phật giáo trong việc góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay trình bày các nội dung: Khái niệm và chính sách an sinh xã hội; Vai trò của Phật giáo trong việc tham gia an sinh xã hội ở Việt Nam; Vai trò của Phật giáo trong giải quyết vấn đề việc làm và giảm nghèo; Vai trò của Phật giáo trong việc hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già, khắc phục thiên tai.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của phật giáo trong việc góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

  1. VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO TRONG VIỆC GÓP PHẦN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY NI TRƯỞNG, TS. THÍCH ĐÀM THÀNH1* Tóm tắt: An sinh xã hội có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. An sinh xã hội là nhằm thực hiện quyền cơ bản của con người, thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, không có sự loại trừ và phát triển bền vững. Phật giáo luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái, được coi là tôn giáo nhập thế gắn bó với dân tộc Việt Nam. Định hướng bởi “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của đức Phật được phát huy rộng rãi. Phật giáo là một Tôn Giáo lớn và lâu đời ở Việt Nam. Luôn gắn bó chặt chẽ cùng Dân tộc. Suốt quá trình phát triển theo lịch sử của đất nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội khác trong hoạt động từ thiện - nhân đạo để hỗ trợ người dân, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Điều này đã phản ánh vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội. Từ khóa: Phật giáo, An sinh xã hội, Phật giáo với an sinh xã hội. Đặt vấn đề Phật giáo là một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ ra đời từ thế kỷ VI trước Công nguyên với nội dung cơ bản là triết lý nhân sinh về nỗi khổ của con người và cách tu tập diệt khổ, giải thoát. Cốt lõi của triết lý đó là tứ diệu đế: khổ đế, diệt đế, tập đế và đạo đế. Phật giáo chủ trương bình đẳng giữa các giai tầng xã hội và đề cao lòng từ bi bác ái. Từ rất sớm, Phật giáo đã lan toả hoà bình đến các miền đất rộng lớn, nhất là ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Trên bước đường truyền bá và hội nhập vào Việt Nam, Phật giáo trải qua nhiều biến động, lúc thịnh, lúc suy, nhưng đã tự khẳng định như một thành tố không thể tách rời của văn hoá dân tộc * Chùa Kim Liên, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.
  2. 336 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... việt. Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, tư tưởng đạo đức, tâm hồn, lối sống của nhân dân. Trong công cuộc đổi mới hội nhập quốc tế hiện nay với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo tiếp tục có nhiều đóng góp xây dựng phát triển đất nước thông qua các hoạt động phật sự và hoạt động xã hội hướng đến con người, vì con người, trong đó các hoạt động an sinh xã hội là điểm sáng, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế giúp đời” của Phật giáo Việt Nam. 1. Khái niệm và chính sách an sinh xã hội An sinh xã hội là một khái niệm rộng, được hiểu theo nhiều cách và nhiều cấp độ khác nhau. Trên thế giới, an sinh xã hội được định nghĩa tại Công ước 102 (Công ước về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội) được Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua ngày 28/6/1952: “An sinh xã hội là sự bảo vệ mà xã hội thực hiện đối với các thành viên của mình thông qua hàng loạt các biện pháp công cộng để chống lại sự cùng quẫn về kinh tế và xã hội dẫn đến sự chấm dứt hay giảm sút đáng kể về thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất việc làm, mất sức lao động, tuổi già hoặc cái chết, những dịch vụ về chăm sóc y tế và những quy định về hỗ trợ đối với gia đình có con nhỏ gặp phải khó khăn trong cuộc sống”. Tại Việt Nam, an sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và sự trợ giúp của Nhà nước. Chính sách an sinh xã hội là tổng thể các quan điểm, chủ trương và các giải pháp, công cụ mà Nhà nước thực hiện liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Chính sách này hướng tới sự công bằng và tiến bộ xã hội và cũng là chính sách xã hội phổ biến. Hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam được xây dựng trên nguyên lý quản lý rủi ro, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, gồm 4 nhóm chính sách cơ bản sau đây: Nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo: nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững. Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…thông qua tham gia vào hệ thống BHXH để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên.
  3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 337 Nhóm chính sách trợ giúp xã hội: bao gồm chính sách thường xuyên và đột xuất nhằm hỗ trợ người dân khắc phục các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, đói, nghèo kinh niên). Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tăng cường cho người dân tiếp cận hệ thống dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu, bao gồm giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và thông tin truyền thông. 2. Vai trò của Phật giáo trong việc tham gia an sinh xã hội ở Việt Nam Làm việc thiện với tấm lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn là một nét đẹp trong Phật giáo, thể hiện sự bác ái, từ tâm phá đi những thói ích kỷ cá nhân luôn coi trọng đồng tiền không biết hướng về sự lương thiện đối với xã hội. Phật giáo đã tạo cho xã hội hiểu hơn về nhân đạo và lương tri con người, một nếp sống không hận thù, cố chấp với mọi niềm thông cảm yêu thương. Ngày nay, trong xu thế, “thế tục hóa”, lý tưởng từ bi, bác ái của Đức Phật càng có điều kiện đi vào thực tiễn bằng những hoạt động cụ thể. Phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Sự tham gia của Phật giáo vào an sinh xã hội ngày càng sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, đạt hiệu quả cao. Phật giáo tham gia vào tất cả các nội dung chính của an sinh xã hội ở những mức độ khác nhau, bao gồm: bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phát triển bảo hiểm xã hội và tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, nhà ở tối thiểu; nước sạch và thông tin. Trước đây, Phật giáo chủ yếu tham gia vào nhân đạo, từ thiện với hình thức chủ yếu là quyên góp kinh phí để trợ giúp cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Hiện nay, Phật giáo đã mở rộng ra các hoạt động tăng cường giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững; tổ chức trợ giúp cơ bản về giáo dục, y tế và chỗ ở cho người dân. 3. Vai trò của Phật giáo trong giải quyết vấn đề việc làm và giảm nghèo Trên tinh thần nhập thế, ngay từ khi Phật giáo ra đời đã quan tâm đến việc tạo dựng một xã hội sung túc. Trong kinh Kutadanta (Cứu-la-đàn-đầu, Trường bộ kinh), Ðức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm. Triều đình phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển nông nghiệp ở thôn quê, trợ giúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủ cho công nhân để đảm bảo một đời sống tốt có nhân phẩm. Phát huy tinh thần của Đức Phật, là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Phật giáo ở Việt Nam tiếp tục phát
  4. 338 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể phát động, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, đến nay trong cả nước Phật giáo đã có 46 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, 15 trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn, 12 lớp học tình thương và 2 trung tâm dạy nghề [4]. Các cơ sở dạy nghề này hoạt động với phương châm, mục đích dạy nghề rõ ràng, hoạt động từ thiện phi lợi nhuận, chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, kỹ năng nghề, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, tạo việc làm cho người lao động, trên nhiều phương diện như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiến tặng đất đai, trang thiết bị, xây dựng cơ sở trợ giúp để nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng; bước đầu cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ công tác xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện đời sống cho đội ngũ nhân viên, giáo viên, cộng tác viên, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động trong các cơ sở của Phật giáo ngày càng hiệu quả và bền vững. Nhân viên, cộng tác viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở bảo trợ thuộc tổ chức Phật giáo có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết các cơ sở bảo trợ và dạy nghề của Phật giáo đã được thành lập theo quy định của pháp luật đã tổ chức tốt các hoạt động phát triển kỹ năng cho trẻ; có đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội, y tế như bác sĩ, phục hồi chức năng, trị liệu, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ tư vấn, tham vấn, nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đối với các đối tượng tại các cơ sở. Hay tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp theo tinh thần Phật giáo. Buổi lễ được tổ chức vào ngày 30/4/2018 tại Hội trường chùa Từ Đàm, thành phố Huế. Chương trình chia sẻ “kinh nghiệm khởi nghiệp” của các doanh nhân đến với Đoàn viên GĐPT đem lại sự thiết thực và mang lại nhiều lợi ích cho Huynh trưởng và Đoàn sinh tham gia buổi lễ. Đây là những hoạt động tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần giải quyết vấn đề việc làm hiện nay ở nước ta. Trong thời gian vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vai trò của mình đối với việc xóa đói giảm nghèo. Qua
  5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 339 các năm con số huy động không ngừng tăng lên. Nếu năm 2009, Giáo hội các cấp đã đóng góp, ủng hộ tiền, vật chất cho công tác đảm bảo an sinh xã hội trị giá 550 tỉ đồng, Năm 2010, đã tăng lên 700 tỷ đồng, trong đó dành hơn 400 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, học sinh nghèo, nuôi dưỡng người già neo đơn, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, hỗ trợ vốn, tặng phương tiện mưu sinh cho người có hoàn cảnh khó khăn… Năm 2011, với quyết tâm góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở Miền Trung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động, đóng góp vào công tác từ thiện, nhân đạo, góp phần ổn định cuộc sống người dân trị giá trên 800 tỷ đồng. Nhiệm kỳ VI (2007-2012), Phật giáo cả nước đã quyên góp cho công tác từ thiện xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trị giá hơn 2.879 tỷ đồng. Năm 2015, Giáo hội các cấp và tăng ni, phật tử trong cả nước tiếp tục chung tay thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư... Qua đó, đã huy động sự đóng góp trị giá trên 1.164 tỷ đồng cho công tác này [10]. Năm 2018, Phật giáo tiếp tục nỗ lực vận động đóng góp được 585,408,976,000đ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, chữa bệnh, cứu giúp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho người có hoàn cảnh đặc biệt [3]. Cùng với sự gia tăng về kinh phí, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng đa dạng, phong phú. Về bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững, Phật giáo tham gia vào các hoạt động như: xây cầu, đào giếng, làm đường nông thôn, hỗ trợ gia đình chính sách, chiến sĩ biên phòng, nuôi dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chương trình nghĩa tình biển đảo, quỹ Cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, quỹ người mù, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ ngư dân, v.v.. Nhiều tự viện, tăng ni, phật tử đã có sáng kiến tặng thẻ bảo hiểm y tế và đóng bảo hiểm xã hội cho người già cô đơn, người nghèo, trẻ mồ côi... 4. Vai trò của Phật giáo trong việc hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già, khắc phục thiên tai Từ thiện xã hội là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội, nhằm góp phần chia sẻ những khó khăn đối với đồng bào nghèo đang cần sự giúp đỡ, đồng thời thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật và đạo lý tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử mặc dù có những lúc phát triển, thăng trầm, đời sống của nhân dân cũng như của tăng ni còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, tặng quà cho đồng
  6. 340 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... bào vùng bị bão lụt, thiên tai. Tuy giá trị kinh tế không lớn, nhưng các hoạt động xã hội của Phật giáo thời kỳ này đã góp phần thiết thực vào an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn chung. Năm 1986 đất nước bước vào thời kỳ đổi mới hội nhập quốc tế, cùng với quá trình hội nhập đổi mới, Giáo hội Phật giáo cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Điều này được thể hiện qua quy mô huy động nguồn lực, mức độ huy động tham gia các hoạt động từ thiện xã hội không ngừng gia tăng. Nếu như nhiệm kỳ III (1992-1997) là 111,733 tỷ đồng, nhiệm kỳ IV (1997-2002) 296,972 tỷ đồng, nhiệm kỳ V (2002-2007), đạt trên 400 tỷ đồng, nhiệm kỳ VI (2007-2012) lên tới 2.879,432 tỷ đồng, tăng gần 10 lần nhiệm kỳ trước. Trong nhiệm kỳ VII, công tác từ thiện có bước tiến vượt bậc. Đặc biệt chỉ từ năm 2013 đến nay tổng số kinh phí dành cho từ thiện xã hội của Phật giáo đã đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, lớn hơn tổng kinh phí của tất cả các nhiệm kỳ trước. Riêng năm 2018 đã huy động trên hai nghìn tỷ đồng [3]. Bên cạnh hoạt động từ thiện xã hội thường niên, hoạt động trợ giúp đột xuất cũng được Giáo hội quan tâm, đẩy mạnh. Giáo hội Phật giáo tập trung vào việc cứu trợ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc; thăm và tặng quà cho bệnh nhân trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam; tặng xe đạp cho học sinh nghèo; tổ chức bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo. Như năm 2016 Giáo hội Phật giáo đã dành nguồn kinh phí lớn vào công tác cứu trợ và giúp đỡ bà con ngư dân ở 4 tỉnh Miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do công ty Formosa gây ra, góp một phần khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống, tiếp tục ra khơi bám biển của ngư dân. Ước tính tổng số tiền và hiện vật quyên góp năm 2016 là hơn 1.330 tỷ đồng [1]. Năm 2015, Giáo hội Phật giáo còn phát động quyên góp cứu trợ động đất ở Nêpan với số tiền là 552.700 USD và 4700 rupi; Năm 2018 qua phương tiện thông tin về động đất gây ra sóng thần tại vùng Palu, Indonesia, cướp đi sinh mạng hơn 1.300 người. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bày tỏ tình cảm, chia sẻ sự mất mát, thiệt hại về người và tài sản đã vận động ủng hộ gia đình các nạn nhân số tiền 10.000 USD [3]. Năm 2019 Chủ tịch Hội Phật giáo và cộng đồng người Việt Nam tại Mozambique đã ủng hộ 20 tấn lương thực cứu trợ cho các nạn nhân cơn bão Ida [4]. Ngoài hoạt động từ thiện xã hội đột xuất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng chú trọng tới các hoạt động bảo trợ thường niên, mang tính bền vững: hình thành được hệ thống trường nuôi dạy trẻ, chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa. Nhìn chung, các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo khá khang trang, tiện ích. Hoạt động bảo trợ xã hội thường xuyên của Phật giáo đã đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả cao [4].
  7. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 341 Một trong những hoạt động hướng đến cộng đồng của Phật giáo được đánh giá cao là một tổ chức hoạt động hiệu quả. Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tăng, ni, phật tử trong cả nước đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, trao tặng nhà tình nghĩa, tình thương cho các mẹ, các thương binh, bệnh binh. Ngoài ra các chùa, Tự viện là nơi thường xuyên tiếp nhận các cảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh, không nơi nương tựa, người nghèo, xây dựng trung tâm bảo trợ cho người già neo đơn, trẻ em khuyết tật,phong trào ủng hộ quân, dân ở Trường Sa và nơi biên cương tuyến đầu của Tổ quốc, tham gia dự án “Ngân hàng bò” giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc, chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp đỡ các thí sinh dự thi đại học, cao đẳng hằng năm... Về trợ giúp y tế, tăng ni, phật tử nhiều nơi đã hăng hái tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo, mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, tổ chức các bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo, v.v... Nhiều nơi, Ban Trị sự Phật giáo đã thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, Phật giáo có hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông, Tây y, phòng thuốc Nam. Trong toàn Giáo hội hiện có gần 200 cơ sở đều hoạt động có hiệu quả, đã khám bệnh và phát thuốc cho hàng chục ngàn bệnh nhân, tổng trị giá khám và chữa bệnh hàng năm lên tới hàng chục tỷ đồng [3]. Có thể thấy trong thời kỳ hiện nay, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng phát triển về cả quy mô và chất lượng. Quá trình hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội đã có sự phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, đã thu hút được sự tham gia đông đảo của tăng, ni, phật tử và người dân, doanh nghiệp, góp phần chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc giải quyết an sinh, phúc lợi xã hội, cùng Nhà nước và xã hội chung tay vì một xã hội dân giàu nước mạnh, mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc. Bên cạnh những đóng góp tích cực của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội thì hoạt động này hiện vẫn tồn tại một số bất cập. Đó là các hoạt động xã hội của Phật giáo mới chỉ tập trung vào khía cạnh nhân đạo, từ thiện mà chưa chú ý tới phương diện thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Các hoạt động còn mang tính riêng lẻ không kết nối được hệ thống trong cả nước. Trình độ tổ chức của đội ngũ làm công tác bảo trợ xã hội còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp. Kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong một số cơ sở y tế, giáo dục, dạy nghề của Phật giáo còn thấp. Các cơ sở dạy nghề
  8. 342 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... còn phân tán, nhỏ lẻ về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, vì vậy chỉ mới đào tạo được những nghề đơn giản chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội hiện nay dẫn đến chưa giải quyết thực sự vấn đề việc làm cho thanh niên hiện nay. Trong thời gian qua hoạt động từ thiện xã hội mặc dù đã được nâng cao về chất lượng tuy nhiên chưa vận động được hết tiềm năng và các nguồn lực xã hội khác tham gia vào cùng đặc biệt trong qúa trình hoạt động một số cơ sở còn lúng túng, vướng mắc trong các hoạt động bảo trợ có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, do nhận thức về pháp luật còn hạn chế lại thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, đoàn thể địa phương, nên đã có cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật bị lợi dụng, dẫn đến các hoạt động vi phạm pháp luật gây mất uy tín của Phật giáo. 5. Kết luận Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội bức xúc nổi lên và trở thành thách thức cho Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội, Phật giáo ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ nhà nước thực hiện tốt an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Với những đóng góp lớn, tích cực vào công tác an sinh xã hội và vai trò trách nhiệm trong điều kiện mới của Việt Nam, là cơ sở chắc chắn khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội. Đồng thời khẳng định được sức sống của Phật giáo đối với sự phát triển của dân tộc qua suốt các thời kỳ lịch sử. Công tác an sinh xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội không thể thiếu sự đóng góp của Phật giáo. Để phát huy vai trò tích cực và khắc phục những hạn chế của Phật giáo trong việc góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội thì trong thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa công tác an sinh xã hội, tăng cường tính hệ thống, kết nối trong hoạt động xã hội, tăng cường sự phối hợp với chính quyền, các đoàn thể nhân dân, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động an sinh xã hội của cơ sở. Về phía các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, cần tăng cường hơn nữa sự định hướng và phối hợp với Giáo hội Phật giáo trong các hoạt động xã hội, bảo đảm các hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích trong Hiến chương của Giáo hội, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và quy định, pháp luật của Nhà nước.
  9. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 343 T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2016. 2. Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2017. 3. Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2018. 4. Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác phật sự 6 tháng năm 2019. 5. Nguyễn Hữu Dũng (2011), Bảo đảm gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong chiến lược phát triển nước ta đến năm 2020, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số tháng 1 (163). 6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002), Kinh Dược Sư bổn nguyện công đức (âm - nghĩa), Thích Huyền Dung dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 7. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 8. Nguyễn Thanh Xuân (chủ biên), Tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr. 384-385. 9. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. 10 https://vanhoaphatgiaovietnam.net/thu-vien/sing/pht-giao-vit-nam-vi- cong-tac-m-bo-an-sinh-xa-hi-921.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2