Phật giáo Việt Nam với công tác an sinh xã hội trong thời đại ngày nay
lượt xem 1
download
Bài viết trình bày một số khái niệm và tầm quan trọng của vấn đề an sinh xã hội, làm rõ vai trò và những đóng góp của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội, thực trạng xã hội Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, những nhân tố ảnh hưởng đến đảm bảo an sinh xã hội của Phật giáo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phật giáo Việt Nam với công tác an sinh xã hội trong thời đại ngày nay
- PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY HVCH. ĐINH THỊ YẾN - THÍCH NỮ HIỀN NGHĨA1* Tóm tắt: Trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, đảm bảo an sinh xã hội càng là một vấn đề quan trọng và cấp thiết của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thế giới đang bước vào thời kỳ công nghiệp hiện đại với sự phát triển không ngừng của công nghệ kỹ thuật số 4.0 đã đưa con người gần như chạm đến đỉnh văn minh nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh những đột phá của sự phát triển luôn luôn tồn tại mặt trái của xã hội, những vấn đề suy thoái đạo đức, sự cách biệt giữa lạc hậu và văn minh, sự chênh lệch giàu nghèo, sự biến đổi khí hậu ngày một gia tăng… là những vấn đề ảnh hưởng sâu sắc đến đảm bảo an sinh xã hội. Đứng trước những thách thức của thời đại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải làm gì để tiếp tục góp phần đảm bảo an sinh xã hội, là một trong những phương tiện hàng đầu để thực hiện lý tưởng hoằng pháp lợi sanh đúng với tinh thần trí tuệ và từ bi của Đức Phật. Bài viết trình bày một số khái niệm và tầm quan trọng của vấn đề an sinh xã hội, làm rõ vai trò và những đóng góp của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội, thực trạng xã hội Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, những nhân tố ảnh hưởng đến đảm bảo an sinh xã hội của Phật giáo. Đồng thời bước đầu đề xuất một số giải pháp thiết thực trong chuỗi các hoạt động an sinh xã hội (ASXH) của Phật giáo Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu phát triển xã hội bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từ khóa: Phật giáo Việt Nam, an sinh xã hội, Phật giáo với công tác an sinh xã hội, công tác xã hội, từ thiện xã hội, phát triển và hội nhập quốc tế. Đặt vấn đề Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng từ thế kỷ III đến thế kỳ I trước Công nguyên. Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Phật giáo cũng có lúc thịnh suy, thăng * Học Viện Phật giáo tại Tp. Hồ Chí Minh.
- 952 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... trầm, biến đổi nhưng chưa một lần cách biệt với dân tộc. Câu nói: “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” là câu nói được đúc kết từ một bề dày của chiều dài lịch sử mấy ngàn năm. Đó là sứ mạng, là vinh quang, là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng. Bắt đầu từ thời mới du nhập, rồi từng bước phát triển cho đến ngày nay, tên gọi, mức độ, hình thức và quy mô… có khác nhau, tùy theo từng thời đại nhưng vấn đề ASXH luôn là phương tiện để Phật giáo thể nhập vào cuộc đời, làm lợi lạc cho chúng sanh. Trong thời gian gần đây, các công tác về ASXH đang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt quan tâm, qua những thành tựu cơ bản về đảm bảo ASXH Phật giáo đã thể hiện được vai trò của mình trong công cuộc đổi mới đất nước. Đảm bảo ASXH là việc làm cần thiết và tất yếu để giúp đất nước ổn định, phát triển bền vững, cũng là con đường để Phật giáo tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc. Ngay từ buổi đầu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng bắt tay với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cùng đặt quyết tâm thực hiện và phát triển hệ thống ASXH để đảm bảo các quyền cơ bản của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và dần dần đi đến tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. ASXH là một trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Đảm bảo ASXH sẽ góp phần giữ vững ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, đảm bảo công bằng giúp xã hội phát triển dân chủ, công bằng, giàu đẹp, văn minh. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện tham luận hội thảo quốc gia “Phật giáo với việc đảm bảo ASXH cho người dân trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế”, tác giả bài viết chủ yếu sử các dụng phương pháp sau: Phương pháp phân tích tổng hợp: Thu thập các tài liệu liên quan cần thiết và quan trọng trong quá trình nghiên cứu, thu thập các thông tin tài liệu về Phật giáo với vấn đề an sinh xã hội. Phân tích đánh giá trên các thành văn đã xuất bản. Phân tích đánh giá các tổ chức, các sự kiện, không gian và thời gian của sự kiện nhằm đưa đến kết luận đúng đắn nhất. Phương pháp phỏng vấn sâu: Phỏng vấn các vị chư tôn đức, trụ trì tại các tự viện, các chức sắc giáo phần có trách nhiệm trong các công tác an sinh xã hội và các tổ
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 953 chức Phật giáo thường thực hiện các công tác an sinh xã hội, từ thiện xã hội. Phỏng vấn các nhân sĩ trí thức phật tử, các vị mạnh thường quân thường gắn bó ủng hộ, thực hiện công tác an sinh xã hội cùng với các tự, viện, tổ chức Phật giáo. Kết quả thông tin thu thập được sử dụng để phân tích trong nội dung của đề tài. Phương pháp nghiên cứu văn bản: Phân tích nội dung trên các loại hình văn bản viết như: kinh, sách, văn bản sử, báo, tập chí liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Phương pháp so sánh: So sánh đối chiếu các tư liệu thu thập được từ các bài báo, tạp chí, các báo khoa học liên quan đến Phật giáo và vấn đề an sinh xã hội để đưa ra kết luận xác thực và khách quan. Phương pháp thống kê: Thống kê các số liệu để làm sáng tỏ các vấn đề về công tác từ thiện xã hội, an sinh xã hội của Phật giáo. 1. Vai trò và những đóng góp của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội Phật giáo là một trong những thành tố ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp của dân tộc Việt Nam, tư tưởng, con đường và phương thức hoạt động của Phật giáo đã tác động đến nhiều mặt trong đời sống, kinh tế, văn hóa, chính trị Việt Nam. Với phương châm “Đạo Pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa”, Phật giáo đã không ngừng với những hoạt động bảo trợ xã hội (BTXH), từ thiện xã hội (TTXH), công tác xã hội (CTXH)… nhằm góp phần bảo đảm ASXH nước nhà. Với tinh thần vô ngã lợi tha, “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần hòa hợp, đồng hành với chính quyền nhà nước và một số tổ chức xã hội khác để đem đến lợi ích cho nhân dân. Phật pháp bất ly thế gian giác, trong kinh Hoa Nghiêm có câu “Bất vi tự kỷ cầu an lạc, đãn nguyện chúng sanh đắc ly khổ” (không cầu an lạc cho bản thân, mà chỉ nguyện để chúng sanh thoát khổ). Kinh Địa Tạng lại nói “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề” (người trong địa ngục chưa hết thề không thành Phật, độ hết chúng sanh khổ nạn mới chứng quả vô thượng bồ đề), vì thế mà Phật giáo luôn lấy con người làm trung tâm, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân để nhập thế phụng sự giúp đời. Trong Phật giáo không có các khái niệm về chính trị, kinh tế, hay bảo đảm xã hội… nhưng trong tinh thần đại từ đại bi, hành bồ tát đạo, cứu khổ ban vui, đem lợi lạc đến cho chúng sanh, giải thoát khổ đau chúng sanh cũng là giải thoát khổ đau cho chính mình mà Phật giáo tuyệt nhiên thực hiện tốt các công tác ASXH với mục đích giúp đỡ tha nhân, đem lại lợi ích cho mọi người từ đó góp phần xây dựng đất nước ngày một vững mạnh, phát triển. Trong kinh Dược Sư, Đức Phật dạy tôn giả Anan: “Nếu có chúng hữu tình nào ăn ở bất hiếu ngũ nghịch, hủy nhục ngôi
- 954 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Tam bảo, phá hoại phép vua tôi, hủy phạm điều cấm giới thì vua Diêm Ma pháp vương tùy tội nặng nhẹ mà hình phạt. Vì thế ta khuyên chúng hữu tình nên thắp đèn làm phan, phóng sanh, tu phước khiến khỏi được các tai ách, khỏi gặp những tai nạn”. Theo tinh thần Phật dạy thì với những người gây tội lỗi không tránh khỏi quả báo xấu khổ, chỉ có một con đường tu phước làm thiện mới có thể vượt qua. Đây là đạo lý sâu sắc, đầy nét đẹp nhân văn để cải thiện những con người bất thiện, giúp con người tìm lại được những giá trị đạo đức trong chính họ đã bị đánh mất. Hay trong kinh Diệu pháp Liên Hoa: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp, thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ đặng kinh Pháp Hoa này: Một là được các đức Phật hộ niệm, hai là trồng các cội công đức, ba là trong chánh định, bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sanh”, phát lòng cứu tất cả chúng sanh chính là làm điều phước thiện giúp đỡ tha nhân, như vậy thực hiện đảm bảo an sinh xã hội là một trong những hạnh lành mà người con Phật phải thực hiện để tiến đến quả vị Bồ đề. Nhìn lại Phật giáo Việt Nam trên dòng chảy dân tộc đã hơn hai ngàn năm lịch sử, là Thiền tông, Mật tông hay Tịnh độ tông,v.v… để kết hợp với hoàn cảnh từng địa phương, căn cơ trình độ của con người từng thời đại mà mỗi tông phái lớn chia ra thành nhiều môn phái nhỏ, đều có tông chỉ tu hành và đường lối hành đạo riêng biệt, song tất cả đều không ra ngoài giáo pháp của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Vận hành theo tự nhiên của nhân sinh và vũ trụ bằng “phương tiện môn, tùy duyên bất biến”, Phật giáo trên thế gian vượt qua mọi chướng ngại để thể nhập vào đời sống thực tiễn, làm lợi lạc cho con người và xã hội. Thể theo tinh thần đó Liên tông Tịnh độ Non Bồng là một tông phái Phật giáo tu theo pháp môn Tịnh độ niệm Phật, ra đời trên mảnh đất miền Đông Nam Bộ Việt Nam vào năm 1957.1 Cũng như nhiều tông phái Phật giáo khác trên đất nước, Liên tông Tịnh độ Non Bồng2 luôn đồng hành cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên con đường xây dựng Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa, nhằm mục đích xiển dương chánh pháp, lợi ích chúng sanh. Trong công tác ASXH, Phật giáo ngoài các hoạt động cứu trợ tức thời như từ thiện cứu trợ bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa, đồng bào bị thiên tai bằng các vật phẩm nhu yếu của đời sống như trang phục, gạo, muối, đường, nước tương và tịnh tài, v.v… các chương trình học bổng cho trẻ em nghèo. Bên cạnh đó cũng rất chú 1 Đinh Thị Yến - Thích Nữ Hiền Nghĩa (2019), “Hòa thượng Thiện Phước với Liên tông Tịnh độ Non Bồng”, tạp san Hoa Đàm, số 67. 2 Từ năm 1955, Đức Sư Ông Bửu Đức đã truyền trao pháp tu đến Hòa thượng Thiện Phước - Nhựt Ý, thuộc tông Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên, đời thứ 41. Liên tông Tịnh độ Non Bồng chính thức được thành lập vào ngày 19/01/1957 tại tổ đình Linh Sơn (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu). Đến nay, Liên tông Tịnh độ Non Bồng đã có 179 tự viện, 1264 tăng ni tu học dưới sự chứng minh và thế độ của Ni trưởng Huệ Giác là người tiếp nối Tông trưởng môn phong hiện nay, người thường trực Tông phong là Hòa thượng Giác Quang.
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 955 trọng đến các hoạt động cứu trợ thường xuyên mang tính bền vững như xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây dựng cầu đường, giếng nước sạch… Hình thành hệ thống trường nuôi dạy trẻ, chăm sóc người già neo đơn không nơi nương tựa, xây dựng Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc Tây, Nam, Đông y khám và bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân, các trường dạy nghề… như ở Hà Nội có chùa Bồ Đề là trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV, chùa Đồng Cựu có lớp học tình thương. Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên 5 trường nuôi dạy trẻ mồ côi, 4 cơ sở chăm sóc người già neo đơn, 13 lớp học tình thương như: chùa Long Hoa quận 7, chùa Diệu Giác quận 2, chùa Kỳ Quang quận Gò Vấp, chùa Huỳnh Kim quận Gò Vấp, chùa Pháp Võ huyện Nhà Bè. Hai cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS đã được thành lập tại chùa Kỳ Quang 2 và chùa Diệu Giác với sự giúp đỡ của cơ quan UNICEF tại Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam1 và có lớp học tình thương chùa Liên Hoa quận 8 thành lập từ năm 2002, là một trong những ngôi chùa thuộc Liên tông Tịnh độ Non Bồng nổi tiếng trong mảng giáo dục từ thiện - xã hội của Phật giáo. Cơ sở được thành lập đến nay đã 17 năm, với khoảng 900 em theo học ở các lớp khác nhau, hiện nay các em đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5 và được chuyền lên cấp trung học cơ sở ở bên ngoài nếu đủ điều kiện về học lực và hạnh kiểm. Thừa Thiên Huế có trường dạy nghề miễn phí Tây Linh, trường mầm non tư thục Diệu Đế, trường mẫu giáo từ thiện Phú Lộc. Đà Nẵng có chùa Quang Châu, chùa Quang Minh, Hải Phòng có chùa Bảo Quang… Nhìn chung, hệ thống trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người già neo đơn, lớp học tình thương thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều đang hoạt động ổn định, hiệu quả, đã nuôi dưỡng khoảng 3000 em trẻ mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật. Tính đến năm 2017, đã có gần 2000 lớp học tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn; hàng trăm cơ sở mẫu giáo nuôi dạy trẻ bán trú miễn phí với trên 20.000 em; hàng chục cơ sở dưỡng lão chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngàn cụ già neo đơn; trong đó Liên tông Tịnh độ Non Bồng có 57 cơ sở bảo trợ xã hội cũng đang hoạt động. Tại Đồng Nai có Quan Âm Tu Viện2 chỉ trong năm 2017 đã thực hiện 6 tỷ đồng cho công tác TTXH, ASXH. Kết quả huy động nguồn lực cho các hoạt động TTXH, ASXH của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ nhiệm kỳ III đến nhiệm Kỳ VII như sau: Nhiệm kỳ III (1992 - 1997) là 111.733 tỷ đồng; nhiệm kỳ IV (1997 - 2002) 296.972 tỷ đồng; nhiệm kỳ V (2002 - 2007) đạt trên 400 tỷ đồng; nhiệm kỳ VI (2007 - 2012) lên tới 2.879.432 tỷ đồng; trong 1 Dẫn theo: http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/xa-hoi/cn-xh/10427-Hoat-dong-tu-thien-xa-hoi-cua- Phat-giao-voi-nhung-van-de-xa-hoi-cua-Viet-Nam-hien-nay.html. 2 Quan Âm Tu viện là một trong những trung tâm hoạt động chính của Liên tông Tịnh độ Non Bồng.
- 956 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... nhiệm kỳ VII tăng vượt bậc hơn chỉ trong 4 năm từ năm 2013 - 2016 tổng kinh phí TTXH Phật giáo đạt trên 4 nghìn tỷ đồng1, trong đó Liên tông Tịnh độ Non Bồng từ năm 2013 đến 2016 là 172 tỷ đồng2. (xem Biểu đồ hình 1). Biểu đồ 1: Nguồn lực công tác từ thiện - xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ nhiệm kỳ III đến nhiệm kỳ VII Nguồn: tác giả Tuy nhiên, đây không phải là con số chính xác nhất nguồn lực thực hiện CTXH, ASXH của Giáo hội Phật giáo nước nhà, nếu tính hết tất cả các nguồn chi phí thì con số còn lớn hơn rất nhiều và không phải chỉ cứu trợ trong nước mà Giáo Hội còn vận động giúp đỡ các nước bạn trên thế giới, như năm 2015 Giáo hội đã phát động đợt quyên góp cứu trợ động đất ở Nepal với số tiền quyên góp là 552.700 USD và 4700 rupi. Đến đây chúng ta có thể thấy đất nước ta rất có thế mạnh trong các công tác xã hội “theo một nghiên cứu về các hoạt động từ thiện cũng như ý thức từ thiện của Mastercard ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người Việt Nam đứng đầu về các hoạt động từ thiện với 78,5% người tiêu dùng đóng góp cho từ thiện, vượt cả Thái Lan (66,3%) và Hồng Kông (60,2%)”.3 Đó là chỉ nói đến công tác bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài ra trong công tác ASXH, Giáo hội còn chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Ôi nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái 1 Dẫn theo Nguyễn Thanh Xuân chủ biên (2015), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 384-385. 2 Dẫn theo bảng tổng kết số liệu của Bùi Tấn Huy (2018), Hoạt động TT-XH của Liên tông Tịnh Độ Non Bồng, Luận văn Thạc sĩ Việt Nam học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, tr. 92. 3 Theo khảo sát về chi tiêu có ý thức và hoạt động từ thiện mới nhất của Mastercard, người Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về hoạt động từ thiện, với 78,5% người tiêu dùng đóng góp cho từ thiện. (Người Việt Nam chi tiền làm từ thiện (2017) Báo Thanh Niên. Link: https://thanhnien.vn/kinh-doanh/nguoi-viet-nam-chi-tien- lam-tu-thien-nhieu-nhat-khu-vuc-864598.html).
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 957 là vấn đề bức thiết không riêng ở Việt Nam mà là vấn nạn toàn cầu. Những khu rừng nguyên sinh bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến mức quyệt quệ, công nghiệp hóa phát triển… là nguyên nhân làm tầng ozone bị thủng dẫn đến nguy cơ băng tan ở trái đất. Chúng ta hãy thử tưởng tượng nếu những núi băng khổng lồ ở Bắc Cực và Nam Cực đồng loạt tan ra thì trái đất sẽ như thế nào? Nhấn chìm trong biển nước. Hiện tại mực nước biển đang tăng dần, “nếu mực nước biển tăng lên 1m có thể làm mất 12,2% diện tích đất nơi 23% dân số sinh sống, tương đương với 17 triệu. Nghĩa là đến năm 2070, khoảng 8 triệu người Việt Nam có thể bị mất nơi sinh sống. Các địa phương ven biển của Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu tác động nhiều nhất”.1 Tại Việt Nam hàng năm rừng bị mất khoảng 200.000 ha, trong đó khoảng 50.000 ha do khai hoang trồng trọt.2 Những khu rừng nguyên sinh bị tàn phá khóc liệt, hệ sinh thái mất cân bằng, những nhà máy công nghiệp phát triển ồ ạt ở thành thị, nông thôn, khí, nước, chất thải độc hại thả ra môi trường làm ô nghiễm, v.v… là nguyên nhân của nhiều bệnh tật, thiên tai,… ảnh hưởng lớn đến vấn đề ASXH. Đứng trước tình hình cấp thiết của môi trường sống nhân loại, Phật giáo Việt Nam coi việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm cần phải đi vào thực hiện trong hành động, việc làm thực tiễn. Ngoài việc tuyên truyền ý thức cá nhân đến với mọi tầng lớp trong xã hội, khích lệ mọi người sống hướng thiện, thực hiện lời Đức Phật dạy trong đời sống để gần gũi và thương quý thiên nhiên… thì “Phật giáo Việt Nam còn tham dự và cam kết thực hiện chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước”.3 Liên tông Tịnh độ Non Bồng là một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng với Giáo hội tích cực thực hiện công tác trồng cây gây rừng phủ xanh đất trống đồi trọc ngay từ buổi đầu sơ khai, đến nay lại tiếp tục hưởng ứng phong trào và cam kết của Giáo hội đối với Nước nhà phát triển trồng rừng rộng khắp các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận,… Theo HT Thích Giác Quang, Viện phó của Liên tông, “Ni trưởng là người Phật giáo đầu tiên tại Đồng Nai hưởng ứng lời kêu gọi trong nghị quyết kỳ III của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về phát triển “kinh tế nhà chùa”, từ năm 1982 tham gia trồng cây gây rừng tại xã Long Phước, huyện Long Thành, xã Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cho 1 Trần Văn Đạt (chủ biên), Tuyển tập vài suy nghĩ về phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ 21, Hà Nội, Nxb. Nông nghiệp, 2010, tr. 51. 2 Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn giáo, tr. 154. 3 Bùi Tấn Huy (2018), Hoạt động TT-XH của Liên tông Tịnh Độ Non Bồng, Luận văn Thạc sĩ Việt Nam học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, tr. 89.
- 958 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... đến năm 1984, nhà chùa trồng được 60 hecta rừng, gồm bạch đàn, tràm bông vàng, cây điều. Đến năm 1984, được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, ngành nông lâm nghiệp tỉnh, huyện Long Thành, huyện Châu Đức đôn đốc hỗ trợ giao đất giao rừng cho nhà chùa 195 hecta để tiếp tục trồng các loại cây bạch đàn, tràm bông vàng, sao, dầu, xa cừ… tại xã Long Phước, xã Phước Thái, huyện Long Thành, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai. Năm 1985, trồng 50 hecta tràm, bạch đàn tại xã Hội Bài, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Kể từ năm 1991, sau khi chia tách địa giới hành chánh thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay trồng và tự quản lý chăm sóc, phòng cháy, chống cháy 450 hecta rừng, gồm nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, như sao, dầu, xa cừ, bạch đàn cao sản, tràm cao sản, dó bầu, bằng lăng..” (Hoa sen bên núi xưa). Tính đến nay diện tích rừng của Liên tông Tịnh Độ Non Bồng đang quản lý là 1026 hecta1, là một trong những thành tựu của Giáo hội Phật giáo trong công tác trồng rừng bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái. 2. Thực trạng xã hội và những nhân tố ảnh hưởng đến ASXH của Phật giáo Thực trạng xã hội: Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số phát triển đã đáp ứng được nhiều nhu cầu, thỏa mãn phần nào tham vọng về đời sống vật chất của con người. Công nghệ 4.0 làm cho cuộc sống và mối liên hệ giữa con người với con người được dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đưa đến không ít những mặt trái và đang là một thực trạng suy thoái nóng bỏng của toàn xã hội. Thứ nhất là, suy thoái về vấn đề đạo đức giới trẻ, tình trạng nghiện điện thoại smatphone, mạng xã hội, game, có tính kích thích bạo lực và khiêu dâm… đã làm cho một thành phần tuổi trẻ bây giờ rơi vào tình trạng sống ảo, xa thực tế, bạo lực học đường, không chính chắn trong tình yêu đôi lứa, sống thử, v.v... Thứ hai là, hố ngăn cách giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn vẫn chưa thật sự lấp đầy. Hiện tại, công tác ASXH của chính phủ chỉ là giải quyết cứu trợ tức thời và xóa đói giảm nghèo nhưng đó chỉ là giải pháp tăng thu nhập cho một số hộ gia đình khó khăn. Còn một số nhóm đối tượng và hộ gia đình không thuộc diện nghèo nhưng bị tổn thương bởi các rủi ro do thiên tai, biến động kinh tế - xã hội, chịu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, những hộ di cư nghèo, thu nhập thấp, người tàn tật, tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa, người nhiễm HIV… phần nhiều những đối tượng thiệt thòi đáng được 1 Dẫn theo bảng tổng kết số liệu của Bùi Tấn Huy (2018), Hoạt động TT-XH của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, Luận văn Thạc sĩ Việt Nam học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, tr. 92.
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 959 nhận trợ giúp của Chính phủ nhưng lại chưa có cơ hội được tiếp cận, trong khi nhiều đối tượng có thu nhập lại được nhận trợ giúp. Thứ ba là, Sự biến đổi các giá trị đạo đức, cấu trúc gia đình, mâu thuẫn gia đình, rạn nứt mối quan hệ dòng họ, xung đột cộng đồng ngày càng gia tăng đó là lý do chia sẻ rủi ro và hỗ trợ lẫn nhau ngày càng trở nên hạn chế. Giá trị của việc chia sẻ trách nhiệm và thực hiện công bằng xã hội, đang bị coi nhẹ. Sự bảo trợ, giúp đỡ truyền thống dựa vào gia đình, dòng họ và cộng đồng, ngày một suy yếu nhiều trong xã hội. Thứ tư là chính sách ASXH của nhà nước tuy có nhiều cải thiện, đổi mới song trên thực tế thì vẫn chưa đảm bảo tính đồng thuận của xã hội, tính minh bạch chưa cao, sự kết hợp công tư còn thiếu, các hoạt động an sinh còn yếu kém, độ bao phủ chưa cao, mức hỗ trợ có hạn… Thứ năm là, những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, các thảm họa của thiên tai, bão lũ, hạn hán, mất mùa, tình trạng lạm phát tăng cao, biến đổi tiêu cực của kinh tế thị trường đã dẫn đến nhiều bất lợi cho các hoạt động sản xuất, người dân lao động vẫn là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhiều công ty, doanh nghiệp bị sụp đổ hoặc quy mô co lại phải thải lao động dẫn đến công nhân thất nghiệp, thiếu việc làm. Người nghèo luôn bị tác động bởi những cú sốc của giá cả thị trường, ốm đau, thất nghiệp, mặc dù tổ chức nhà nước, tổ chức Phật giáo và một số tổ chức xã hội khác đã cố gắng trong các hoạt động ASXH nhưng tình trạng nghèo đói và kết quả giảm nghèo chưa bền vững: “tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70 - 80%), tỷ lệ tái nghèo còn cao khoảng 7 - 10%, hộ nghèo chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (90%). Vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 62 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng, chênh lệch về thu nhập của nhóm 20% dân số giàu nhất (nhóm 5) so với nhóm 20% dân số nghèo nhất (nhóm 1) lên tới 8,4 lần, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị vẫn trên 2,5 lần”1. Ngoài một số vấn đề của xã hội thì chính bản thân Phật giáo cũng còn nhiều khó khăn bất cập trong công tác ASXH như: Các tổ chức chưa thật sự có tính hệ thống, tính liên kết, chưa có cơ chế hoạt động và giám sát, chưa ngồi lại cùng nhau bàn bạc để biết việc gì nên làm, việc gì không để tránh những trùng lặp và cứu trợ không cần thiết; đội ngũ cho các hoạt động ASXH còn yếu về chuyên môn, thiếu năng lực và kinh nghiệm hoạt động; cơ sở vật chất và giáo viên tại các lớp học tình 1 Dẫn theo Trần Thị Điểu https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=ban-tu-thien-xa-hoi/27-vai-tro- cua-phat-giao-voi-cong-tac-an-sinh-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay-175.html.
- 960 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... thương còn nhiều thiếu thốn, chưa thật sự đáp ứng được các nhu cầu cho sự phát triển của thời đại, v.v… Nhân tố ảnh hưởng: Nói đến nhân tố ảnh hưởng phát huy vai trò của Phật giáo trong việc đảm bảo an sinh xã hội thì có rất nhiều những nhân tố khách quan và chủ quan. Ở đây, tác giả chỉ nhấn mạnh về một số yếu tố chủ quan, nội tại của Phật giáo. Yếu tố đầu tiên và chủ đạo là đạo đức của người xuất gia, vẫn biết như Mâu Tử từng nói trong lý hoặc luận: “… nên lo người ta không thể hành đạo, há có thể bảo đạo Phật là xấu hay sao?”. Tuy là như vậy nhưng tăng chính là bậc trung gian kết nối giữa Phật và chúng sanh, là người hướng dẫn con đường cho mọi người đi đến ngôi nhà Phật pháp, nếu như một người được mệnh danh là sứ giả chư Như Lai, bậc mô phạm, bậc thầy gương mẫu giữa cuộc đời mà đạo đức không chuẩn mực thì lấy gì làm gương cho phật tử, lấy gì làm chỗ tin cậy, dẫn dắt tâm linh và chỗ dựa tinh thần cho người thế gian. Cho nên, một vị tăng, ni xuất gia điều quan trọng nhất là tu tập tâm đức, tuệ đức và giới đức để xứng đáng là người hướng dẫn của số đông Phật tử, như cổ đức thường dạy “tiên lập hạnh hậu lập ngôn” muốn dạy người không chỉ có khẩu giáo mà phải bao gồm cả thân giáo và ý giáo. Tu tập tâm, tuệ, đức cho cẩn trọng rồi thì tự nhiên phúc báo sẽ theo sau. Khi chư tăng, ni có đủ đạo hạnh của một người xuất gia thì các hàng phật tử sẽ có đủ niềm tin kiên cố, phát tín tâm hộ trì ngôi Tam Bảo và sẵn sàng làm điều phước thiện, bố thí, cúng dường… cùng với quý thầy, sư của họ thực hiện các công tác từ thiện xã hội, an sinh xã hội. Ngoài việc tu tập phạm hạnh rồi người xuất gia cũng cần phải là người có tri thức, kiến thức Phật học và thế học vì vậy cần phải chăm chỉ trau dồi học hỏi. Ngày nay mặc dù nhiều trường sơ cấp, trung cấp, cao đẳng Phật học được mở khắp các tỉnh thành trên đất nước, trường đại học Phật giáo cũng được mở ở Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Từ thời chấn hưng Phật giáo cho đến thời hội nhập phát triển, Giáo hội luôn khuyến khích tăng, ni phải “chơn tu thật học” thế nhưng hiện tại vẫn còn không ít người thầy còn chấp tư tưởng người xưa, không muốn đệ tử tham gia tu học ở các trường học Phật giáo, cũng như cấm các đệ tử theo học tại các trường thế học. Thiết nghĩ người lớn cần phải nhìn về tương lai của thế hệ mai sau, Phật giáo phải tùy duyên, cảnh như thế nào mới phù hợp với thời đại 4.0. Điều quan trọng để giữ đệ tử không phải là cấm, ngăn trên mặt tướng mà phải rèn từ tâm. Đối với đệ tử cần phải có niềm tin, xây dựng niềm tin, tùy vào tâm, tánh, sở trường của từng người mà khuyến khích họ dù đi trên con đường nào, bằng phương tiện gì cũng đừng đánh mất Bồ đề tâm… Nói chung là thầy tổ cần phải ủng hộ cho đệ tử trên phương diện học tập, trao dồi tri thức dù là Phật học hay thế học phù hợp. Vì
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 961 tri thức là nền tảng để chư tăng, ni trẻ có thể thực tập và rèn luyện tốt các kỷ năng trong công tác ASXH, là phương tiện thiện xảo để dấn thân vào cuộc đời, thực hành Bồ Tát đạo “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, cũng là con đường duy nhất để Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, tiếp tục tồn tại là phát triển tại thế gian. Ngoài những yếu tố tu học tự thân của mỗi chư tăng, ni thì yếu tố hòa hợp trong tăng đoàn cũng vô cùng quan trọng “Phật pháp xương minh do tăng già hòa hợp, thiền môn hưng thịnh do phật tử tín tâm”, vì vậy dù là Thiền tông, Mật tông hay Tịnh độ tông, mọi tông phái, hệ phái của Phật giáo Việt Nam từ Bắc, Trung, Nam đều là đệ tử của Phật, cùng chung trong một ngôi nhà của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì là anh em một nhà, nên khi làm việc cần thống nhất quan điểm thực hiện, tinh thần hòa hợp, tương thân tương ái hỗ trợ lãnh nhau giữa các hệ phái Phật giáo là điều quan trọng, có ảnh hưởng lớn trong việc thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội. Khi tăng già hòa hợp thì phật tử sẽ phát tín tâm. 3. Một số khuyến nghị Từ những nghiên cứu trên, tác giả đưa ra một số giải pháp thực trong chuỗi các hoạt động ASXH của Phật giáo, mong có thể góp chút ý kiến xây dựng phương hướng để Phật giáo thực hiện tốt hơn trong công tác ASXH nhằm hướng đến mục tiêu phát triển xã hội bền vững: Về mặt tổ chức: cần có tính hệ thống và liên kết, phải linh hoạt sáng tạo, kết hợp nhiều hình thức, để hướng đến được nhiều đối tượng trong xã hội. Cần kết hợp với các tự viện thông qua vai trò của các vị tăng, ni trụ trì và cần sự hợp tác, trợ giúp công minh của chính quyền địa phương. Về quy mô: cần được mở rộng và cải thiện nhiều hơn, nâng một số hoạt động từ thiện xã hội lên thành công tác xã hội, an sinh xã hội. Chú trọng đến việc đầu tư lâu dài như giáo dục phật giáo, lớp học tình thương, mở các trường dạy nghề, các bệnh viện từ thiện Phật giáo, v.v… nếu chỉ cứu trợ tức thời thì chỉ là cho con cá, chúng ta nên đầu tư cho họ một cần câu, sẽ có nhiều lợi ích hơn. Để tránh các tình trạng một số đối tượng ỷ lại vào cứu trợ, không có tự lực vươn lên, không có trách nhiệm với bản thân và xã hội… Về cơ sở vật chất: Hiện tại một số tự viện, cơ sở bảo trợ Phật giáo đang bị hư hỏng và chưa có điều kiện tu bổ kịp thời, cần trùng tu lại các tự viện, các cơ sở để người dân, phật tử có nơi tu học Phật pháp, thực hiện các hạnh lành, nâng cao đạo đức, từ đó có thể đem lời Phật dạy vào đời sống thực tiễn trong gia đình và xã hội. Các cơ sở bảo trợ như lớp học tình thương cần có đầu tư về các thiết bị giáo dục cần yếu nhất
- 962 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... trong giai đoạn mới, để các em được dạy học và phát triển toàn diện hơn. Các cơ sở nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn cũng cần có đầy đủ về cơ sở vật chất ăn, mặc, ở, học tập và những trang thiết bị cần thiết cho sự phát triển tự nhiên của các em. Ngoài ra, cần phải có một chuẩn mực đạo đức, những nguyên tắc cần thiết các em phải tuân thủ để có thể phát triển thành một công dân tốt, có trách nhiệm, lợi ích cho bản thân và cho xã hội. Cần tạo một môi trường sống mà các em không còn cảm thấy tự ti, tủi phận về số phận của mình, cho các em thấy được tính bình đẳng trong giáo pháp của Đức Phật, hạnh phúc thật sự của một người con Phật khi được lớn lên trong mái ấm Phật pháp, giúp các em tự có ý thức và trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng. Về các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi không nơi nương tựa, ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng cần nên có các thời khóa niệm Phật, tu trì cho các cụ, giúp các cụ tinh tấn niệm Phật, giải bớt những phiền não tự thân, thăng tiến tâm linh. Như vậy, tuy nói là làm công tác ASXH nhưng cũng chính là hoằng pháp lợi sanh, đúng với ý nghĩa “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Về đội ngũ công tác ASXH: Đội ngũ thực hiện công tác ASXH cần phải cải thiện nhiều về năng lực chuyên môn. Cần mở lớp đào tạo bài bản cho đội ngũ tăng, ni, phật tử về các kỹ năng trong công tác xã hội, an sinh xã hội. Về nguồn lực: Cần được công khai minh bạch để tạo sự tin cậy cho mọi đối tượng tham gia. Cần huy động rộng rãi hơn các nguồn lực xã hội. Thế mạnh của công tác ASXH là nhu cầu làm thiện nguyện của con người là rất lớn, bởi vì đó là một nhu cầu rất cần thiết trong thiện tâm của con người. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, “nhu cầu làm từ thiện của người dân rất lớn dù ở nông thôn hay thành thị. Đa số hộ gia đình đều bày tỏ mong muốn làm việc thiện (73% số hộ ở nông thôn và 51% số hộ ở thành phố) và quan tâm đến hoạt động từ thiện (87% ở nông thôn và 59% ở thành phố). Các hộ gia đình trẻ có xu hướng tập trung làm kinh tế và quan tâm ít hơn đến các hoạt động xã hội, trong đó có từ thiện nhân đạo”1. Vì thuận theo nhu cầu thiện nguyện của mọi tầng lớp trong xã hội nên việc huy động nguồn vốn dễ dàng và thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Giáo hội cần có những chính sách kinh tế phù hợp để có thể chủ động hơn khi thực hiện các công tác ASXH. Ví dụ như: “trong năm 2008, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Huệ Minh được thành lập, chuyên kinh doanh cung cấp gạo, lương thực, thực phẩm chay,… Lợi nhuận của công ty sẽ dùng 1 Theo khảo sát về chi tiêu có ý thức và hoạt động từ thiện mới nhất của Mastercard, người Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về hoạt động từ thiện.
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 963 làm Quỹ Từ thiện chùa Hội Khánh. Công ty này còn tài trợ chính cho chương trình “Ấm no tình thương”, mỗi tháng khoảng nửa tấn gạo để cung cấp cho từng hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương.1 Thiết nghĩ những mô hình như thế này hoặc mô hình tự túc kinh tế nhà chùa cần được mở rộng. Trên đây là một số ý kiến của người viết về phương hướng cho công tác ASXH Phật giáo. Song, mục tiêu chính của người xuất gia là giác ngộ giải thoát, xét nghĩ ASXH cũng là một phương pháp để người xuất gia tu tập từ, bi, hỷ, xả… tạo lập công đức, nhưng đó chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Vấn đề phạm hạnh, đạo đức của người xuất gia phải luôn được đặt lên hàng đầu, tăng, ni cần phải trao dồi tu tập Giới, Định, Tuệ thăng tiến sự tu chứng tâm linh trong tự thân, mới là điều cốt lõi thật sự của một người con Phật. Các tự viện là nơi để thực tập tâm linh, thực hiện mục tiêu giáo dục Phật giáo, giảng dạy giáo pháp của Phật giúp con người thăng hoa đạo đức. Còn việc từ TTXH, CTXH, ASXH là phương tiện để mọi người tu tập xả bỏ dần tham, sân, si, hướng con người đến với thiện tâm, tu tập công đức nhằm hướng đến chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, đối với chùa, không nên lấy ASXH làm cứu cánh, bởi như thế sẽ làm sai lệch chức năng chính yếu của chốn thiền môn thanh tịnh. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Trần Văn Đạt chủ biên (2010), Tuyển tập vài suy nghĩ về phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ 21, Hà Nội, Nxb. Nông nghiệp. 2. Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb Tôn giáo. 3. Bùi Tấn Huy (2018), Hoạt động TT-XH của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, Luận văn Thạc sĩ Việt Nam học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. 4. Thích Giác Quang (2016), Hoa sen bên núi xưa, Nxb Phương Đông. 5. Nguyễn Thanh Xuân chủ biên (2015) Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 6. Đinh Thị Yến - Thích Nữ Hiền Nghĩa (2019), “Hòa thượng Thiện Phước với Liên tông Tịnh độ Non Bồng”, Tạp san Hoa Đàm, số 67. 1 Dẫn theo: http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/xa-hoi/cn-xh/10427-Hoat-dong-tu-thien-xa-hoi-cua-Phat- giao-voi-nhung-van-de-xa-hoi-cua-Viet-Nam-hien-nay.html.
- 964 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 7. http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/xa-hoi/cn-xh/10427-Hoat- dong-tu-thien-xa-hoi-cua-Phat-giao-voi-nhung-van-de-xa-hoi-cua-Viet-Nam-hien- nay.html. 8. https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=ban-tu-thien- xa-hoi/27-vai-tro-cua-phat-giao-voi-cong-tac-an-sinh-xa-hoi-o-viet-nam-hien- nay-175.html. 9. https://thanhnien.vn/kinh-doanh/nguoi-viet-nam-chi-tien-lam-tu-thien- nhieu-nhat-khu-vuc-864598.html.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tập 1: Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh - Nguyễn phân tranh: Phần 1
513 p | 250 | 57
-
Tập 1: Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh - Nguyễn phân tranh: Phần 2
490 p | 220 | 54
-
Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam dưới góc nhìn tôn giáo học: 25 năm nhìn lại (1991-2016)
31 p | 78 | 16
-
Công tác nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
7 p | 136 | 16
-
Phật giáo Việt Nam với an sinh xã hội – giáo lý và thực tiễn
10 p | 52 | 9
-
Phật giáo Việt Nam với sự phát triển bền vững đất nước
10 p | 56 | 8
-
Thiền sư Liễu Quán và Phật Giáo Việt Nam thế kỷ XVIII
8 p | 68 | 5
-
Đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên Học viện Phật giáo Việt Nam
9 p | 66 | 4
-
Vai trò và ảnh hưởng của Đệ nhất Pháp Chủ Thích Đức Nhuận trong sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1980-1990
7 p | 45 | 3
-
Công tác từ thiện - chức năng xã hội của Phật giáo
8 p | 8 | 2
-
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai thực hiện đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
14 p | 4 | 2
-
Cộng đồng Phật giáo quốc tế với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963
16 p | 9 | 2
-
Quá trình ra đời và phát triển của báo chí Phật giáo ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20
20 p | 53 | 2
-
Phật giáo Việt Nam với công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững đất nước trong thời kỳ đổi mới
9 p | 7 | 1
-
Nâng cao chất lượng hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới
8 p | 6 | 1
-
Phật giáo Việt Nam với an sinh xã hội thời hiện đại
9 p | 6 | 1
-
Vai trò của Phật giáo với công tác an sinh xã hội
26 p | 7 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn