Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đường Âm (1943-2018): Phần 1
lượt xem 1
download
Nội dung cuốn sách "Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đường Âm (1943-2018)" trình bày một cách chân thực, khách quan các sự kiện lịch sử diễn ra tại Đường Âm đặt trong mối quan hệ với các sự kiện lịch sử của huyện, của tỉnh và của đất nước. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung phần 1 dưới đây!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đường Âm (1943-2018): Phần 1
- ĐẢNG BỘ HUYỆN BẮC MÊ BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ ĐƯỜNG ÂM * TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ ĐƯỜNG ÂM (1943 - 2018) ---o0o--- Xuất bản năm 2019 1
- LỜI GIỚI THIỆU Đường Âm là một trong 13 xã, thị trấn, nằm ở phía Đông Nam huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, nhân dân các dân tộc xã Đường Âm đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, một lòng tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc xã Đường Âm sống dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, phải nếm trải bao đắng cay, áp bức, bóc lột. Ngày 03/02/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Đường Âm cùng nhân dân cả nước vùng lên giành chính quyền làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan xiềng xích nô lệ. Nhân dân từ thân phận người nô lệ, mất nước trở thành người làm chủ cuộc sống, vận mệnh của mình. Trong quá trình vận động cách mạng, Đường Âm vinh dự là địa phương có phong trào cách mạng sớm của tỉnh Hà Giang. Nơi đây đã gây dựng cơ sở cách mạng Thoôm Toòng - một cơ sở cách mạng vững chắc của tỉnh. Nhân dân xã Đường Âm không quản ngại khó khăn, gian khổ, che chở bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho giành chính quyền về tay nhân dân. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 2
- 1975), với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhân dân chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai gửi ra chiến trường, nhiều người cha, người con anh dũng lên đường chiến đấu, trong đó có những đồng chí hy sinh thân mình vì độc lập tự do của dân tộc. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước độc lập, thống nhất trọn vẹn. Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Mặc dù, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân luôn đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 342-KH/TU ngày 02/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về “thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Mê về sưu tầm, biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đường Âm nhiệm kỳ 2015 - 2020 quyết định tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đường Âm (1943 - 2018)”. 3
- Nội dung cuốn sách trình bày một cách chân thực, khách quan các sự kiện lịch sử diễn ra tại Đường Âm đặt trong mối quan hệ với các sự kiện lịch sử của huyện, của tỉnh và của đất nước. Cuốn sách không chỉ mang giá trị giáo dục truyền thống cách mạng mà còn chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến mà các thế hệ đóng góp công sức xây dựng và phát triển quê hương qua các thời kỳ. Trong quá trình sưu tầm, biên soạn, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đường Âm nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, Ban Thường vụ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Mê, sự nhiệt tình cung cấp tư liệu của các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt xã qua các thời kỳ cùng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã góp phần vào sự thành công của cuốn sách. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do tài liệu lưu trữ qua thời gian bị thất lạc, các nhân chứng lịch sử không còn nhiều nên cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót. Ban Chấp hành Đảng bộ xã mong nhận những ý kiến đóng góp của độc giả để khi tái bản cuốn sách được đầy đủ và hoàn thiện hơn. Trân trọng cảm ơn! T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ Bí thư Trương Văn Man 4
- Chương I KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI XÃ ĐƯỜNG ÂM I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN Đường Âm là một xã vùng sâu, vùng xa, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, cách huyện lỵ 30 km về phía Đông Nam. Phía Bắc giáp xã Phú Nam (huyện Bắc Mê), xã Yên Thổ (Bảo Lâm, Cao Bằng); phía Đông giáp xã Yên Thổ (Bảo Lâm, Cao Bằng); phía Nam giáp xã Thượng Giáp (Na Hang, Tuyên Quang); phía Tây giáp xã Đường Hồng và xã Yên Cường (huyện Bắc Mê). Trên địa bàn xã có tỉnh lộ 179 chạy qua (nay là quốc lộ 280), giáp ranh với 2 tỉnh bạn (Cao Bằng, Tuyên Quang) nên thuận lợi cho việc trao đổi, giao lưu hàng hóa nông sản với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Xã có diện tích tự nhiên 4.449,62 ha, trong đó đất nông nghiệp 3.403,06 ha (trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 1.661,39, đất sản xuất lâm nghiệp là 1.736,15 ha). Kết cấu đất của xã có nhiều loại, được hình thành trong quá trình phong hóa từ các loại đất mẹ như: đá vôi, phiến thạch, đất sét, sa thạch. Những loại đất chính gồm đất đỏ vàng, đất vàng nhạt, đất nâu trên phù sa cổ… Xã Đường Âm có độ cao trung bình 700 - 1.200 m so với mực nước biển. Địa hình khá phức tạp, bị chia cắt mạnh, xen kẽ giữa đồi núi là khe suối, vực sâu; được chia thành 2 vùng: vùng núi thấp và vùng núi cao: 5
- Vùng núi thấp gồm các thôn Bản Lòong, Pom Cút, Pắc Lè, Nà Cóoc, Nà Thấng, với địa hình dạng sườn thoải, độ dốc nhỏ hơn 250, xen kẽ là các thung lũng tương đối bằng phẳng, đất đai phù hợp cho nhiều loại cây trồng như: lúa, ngô, sắn, dong riềng, đậu đỗ… Ở những nơi có độ dốc trên 250 phát triển trồng rừng. Vùng núi cao gồm các thôn Nà Phiêng, Độc Lập, Nà Nhùng, Thâm Quảng, Nà Nôm, Đoàn Kết, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các đỉnh núi cao từ 700 - 1.200 m, độ dốc trên 250, đất đai vùng này chủ yếu phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Xã Đường Âm thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung là 22,30C. Một năm được chia thành 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông; tính theo lượng mưa có 2 mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Do lượng mưa tập trung lớn trong khoảng thời gian ngắn, địa hình có độ dốc lớn, nên trên địa bàn thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong xã. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với đặc điểm: lạnh, khô, ít mưa, nhiều sương mù. Trước đây, rừng của Đường Âm có hệ động - thực vật phong phú, với nhiều loại quý hiếm như: đinh, lát hoa…; các loại thảo dược; động vật quý hiếm như: hổ, báo, lợn rừng... Tuy nhiên, do khai thác không kế hoạch, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp dần, số lượng động vật hoang dã hầu như không còn. Những năm gần đây, 6
- thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân xã Đường Âm ra sức bảo vệ vốn rừng còn lại và tích cực trồng phủ xanh những đồi núi trọc nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Đến năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 63,7%. Về tài nguyên nước, xã Đường Âm không có sông lớn chảy qua. Tuy nhiên, xã có hệ thống các khe suối, khe nước ở tất cả các thôn. Đây là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của xã thích hợp với các loại cây trồng như: lúa, ngô, đậu xanh, đậu tương… các loại cây ăn quả và cây dược liệu (đặc biệt là cây hồi); phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa, dê, lợn và các loại gia cầm. Diện tích đất canh tác hàng năm có thể mở rộng nếu như xây đủ hệ thống thủy lợi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có thể chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và đầu tư thâm canh tăng vụ trên diện tích đất trồng cây hàng năm. Những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đã và đang được Đảng bộ và chính quyền xã khai thác có hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước xây dựng quê hương Đường Âm giàu mạnh. II. VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI Đường Âm là vùng đất có lịch sử lâu đời. Theo người dân địa phương, tên gọi Đường Âm xuất phát từ vị trí, điều kiện tự nhiên nơi đây. Từ “Đường” là chỉ khu vực, vùng đất, lối đi. Vùng đất này khi xưa rừng cây rậm rạp, mây mù bao phủ quanh năm, lại nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa nên khi đến nơi đây luôn có cảm giác 7
- âm u, mờ ảo. Từ “Đường Âm” mang ý nghĩa đầy đủ là vùng đất ở phía cuối con đường âm u, mờ ảo. Đầu thế kỷ XIX, xã Đường Âm thuộc tổng Yên Phú, châu Vị Xuyên, trấn (tỉnh) Tuyên Quang. Ngày 20/8/1891, tỉnh Hà Giang được thành lập, xã Đường Âm thuộc tổng Yên Phú, châu Vị Xuyên. Đến năm 1929, xã Đường Âm có 168 người(1), với các thôn, bản: Bác Mê, Nà Du, Bản Nghè, Na Mươa (Nà Nưa), Phiêng Ngăm (Phiêng Ngằm), Cỏm Cut (Pom Cút), Thẩm Đình (Thôm Lình), Phiên Chom (Phiêng Chom). Thực hiện Quyết định số 136/HĐBT ngày 18/11/1983 của Hội đồng Bộ trưởng “Về điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện thuộc tỉnh Hà Tuyên”, huyện Bắc Mê được thành lập trên cơ sở tiếp nhận 10 xã từ huyện Vị Xuyên, trong đó có xã Đường Âm. Thực hiện Quyết định số 28-HĐBT ngày 13/02/1987 của Hội đồng Bộ trưởng “Về việc chia một số xã và thành lập thị trấn của các huyện Bắc Mê, Na Hang và Yên Sơn thuộc tỉnh Hà Tuyên”, xã Đường Âm được chia tách thành 2 xã: Đường Âm và Đường Hồng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Đường Âm còn lại 1.907 nhân khẩu. Năm 1992, cấp trên quyết định chia tách, thành lập thôn: Pom Cút, Nà Thấng, Pắc Lè, Nà Coóc, Nà Phiêng. . Ngô Vi Liễn,Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Nxb. Văn hóa thông (1) tin, Hà Nội, 1999, tr. 252. 8
- Đến năm 1999, xã Đường Âm có 9 thôn: Độc Lập, Nà Nhùng, Đoàn Kết, Bản Loòng, Pom Cút, Nà Thấng, Nà Cóoc, Pắc Nè, Nà Phiêng, dân số 2.680 người, mật độ dân số đạt 88 người/km2. Ngày 27/9/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 2053/QĐ-UBND về việc chia tách thành lập thôn, tổ dân phố. Theo quyết định, thôn Độc Lập được tách thành 2 thôn: thôn Độc Lập và thôn Thâm Quảng; tách thôn Nà Nhùng thành thôn Nà Nhùng và thôn Nà Nôm. Từ đây xã Đường Âm có 11 thôn (Nà Nhùng, Nà Nôm, Đoàn Kết, Bản Loòng, Pom Cút, Nà Thấng, Nà Cóoc, Pắc Nè, Nà Phiêng, Độc Lập, Thâm Quảng). Đến năm 2018, xã có tổng số 724 hộ với 3.901 khẩu, gồm 5 dân tộc anh em cùng đoàn kết sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm 73,9%, số còn lại là dân tộc Tày, Nùng, Kinh và Cao Lan. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng thể hiện qua ẩm thực, nhà ở, trang phục, kho tàng văn học dân gian, phong tục, tín ngưỡng cùng các sinh hoạt văn hóa khác. Nhiều nghi lễ, lễ hội được phát triển và gìn giữ qua nhiều thế hệ như: Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Dao; Lễ hội cầu trăng của dân tộc Tày; Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; cầu mùa, cúng cơm mới... Mặc dù là mảnh đất hội tụ của nhiều dân tộc với bản sắc văn hóa riêng, song trong quá trình sinh sống, giao lưu, đồng bào các dân tộc Đường Âm luôn đoàn kết, cùng nhau phấn đấu khắc phục khó khăn, xây dựng 9
- cuộc sống. Những nét chung và riêng trong văn hóa các dân tộc đã hòa quyện vào nhau tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng. Đó là tài sản quý báu luôn được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã trân trọng, giữ gìn, phát huy, coi đây là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ở Đường Âm thời kỳ phong kiến, xã hội được chia thành 2 giai cấp đối lập nhau, một bên là dòng họ quý tộc nắm quyền thống trị gọi là thổ ty(1), một bên là nông dân lao động (còn gọi là thổ dân). Thổ ty phong kiến làm chủ ruộng đất, núi non, sông suối; trong nhà thổ ty luôn có hàng chục người ở để cày cấy, hầu hạ. Nông dân lao động dù có công khai phá ruộng nương cũng phải đóng thuế, làm lao dịch, phu phen 2 - 3 tháng trong năm cho thổ ty. Nhân dân đi săn được các loại thú vật, tôm, cá đều phải nộp cho chúng một phần. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm nước ta. Sau khi chiếm đóng Hà Giang, thực dân Pháp nhanh chóng nắm lấy số thổ ty, biến chúng thành tay sai đắc lực, kiểm soát mọi công việc hành chính ở địa phương. Một mặt, thực dân Pháp dùng bọn thổ ty làm tay sai đắc lực, mặt khác dùng mọi thủ đoạn, hành động để chia rẽ, gây hiềm khích, nghi ngờ, hằn thù lẫn nhau giữa các dòng họ, giữa các dân tộc, từ đó gây mất đoàn kết để dễ bề cai trị. Mỗi một dân tộc, chúng lại có bộ máy cai trị riêng. Vùng người Dao bị chia thành Động do Quản chiểu đứng đầu. Vùng người Tày có Chánh, Phó tổng, (1) . Thổ ty, quý tộc thế lập cai trị một địa phương thời phong kiến. 10
- Lý trưởng, Phó lý, Tổng xã đoàn và Hội đồng kỳ mục. Chúng tăng cường bắt lính, xây dựng Căng Bắc Mê đóng chốt tại các vị trí xung yếu, cửa ngõ giao thông. Từ Bảo Lạc - Cao Bằng đến Na Hang - Chiêm Hóa - Tuyên Quang, Vĩnh Tuy, Bắc Quang, Hoàng Su Phì… nơi nào chúng cũng xây dựng đồn bốt, tăng cường các đội lính dõng đi tuần tiễu, lùng sục đến tận các vùng sâu, ngõ hẻm để kiểm tra, giám sát và ngăn chặn mọi hoạt động của đồng bào ta. Thực dân Pháp duy trì nền kinh tế lạc hậu, tự cấp, tự túc cùng phương thức du canh, du cư của đồng bào các dân tộc. Ruộng đất chủ yếu nằm trong tay chức dịch. Chúng thao túng và chiếm đoạt ruộng công làm của riêng. Đời sống của đồng bào chủ yếu phụ thuộc vào làm nương rẫy, săn bắn, hái lượm… Hơn nữa, chúng ra sức bóc lột nhân dân bằng chế độ thuế khóa nặng nề, phu phen, tạp dịch, cống nạp sản vật... Do vậy, kinh tế vốn thấp kém, càng trở nên sa sút. Hạn hán, mất mùa, nạn đói thường xuyên xảy ra khiến cho đời sống người dân thêm cực khổ. Bọn thống trị thi hành chính sách ngu dân, khuyến khích các hủ tục, mê tín dị đoan; đầu độc đồng bào bằng rượu cồn và thuốc phiện; giáo dục, y tế không được mở mang. Phần lớn đồng bào các dân tộc mù chữ. Nhân dân ốm đau, bệnh tật chủ yếu dựa vào cúng bái, chữa bằng lá cây rừng hoặc phó thác cho số phận may rủi. Điều kiện sống không được đảm bảo khiến cho dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm nhiều người chết. 11
- Dưới chế độ thống trị thực dân phong kiến đời sống của đồng bào ở Đường Âm vô cùng cực khổ, nạn đói, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; xã hội lạc hậu, kém phát triển. Chính điều đó đã nung nấu ý chí đấu tranh và chỉ chờ khi điều kiện chín muồi là bùng phát nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước. Đầu tháng 9/1943, tổ cán bộ Việt Minh do đồng chí Hồng Tụ và Tô Vũ phụ trách từ huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) đến Thoôm Toòng, xã Đường Âm (nay là thôn Thâm Quảng) để tuyên truyền và xây dựng cơ sở cách mạng. Được tuyên truyền, 12 hộ người Dao ở Thoôm Toòng đã nguyện một lòng theo cách mạng. Thoôm Toòng đã trở thành cơ sở cách mạng vững chắc của tỉnh, từ đây phong trào cách mạng nhanh chóng lan ra các vùng lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đấu tranh giành chính quyền năm 1945. Với ý chí nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, cũng như trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Đường Âm không quản ngại khó khăn, gian khổ đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần nhỏ bé vào thành công chung của dân tộc. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, năm 1963 chi bộ Đường Âm được thành lập với 5 đảng viên. Đến năm 1996, chi bộ được nâng lên thành Đảng bộ với 31 đảng viên. Năm 2018, Đảng bộ có 232 đảng viên, sinh hoạt trong 16 chi bộ (tất cả các thôn đều có chi bộ). Đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững 12
- vàng, được đào tạo nâng cao trình độ về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Hệ thống chính trị của xã thường xuyên được củng cố, kiện toàn bảo đảm về mọi mặt, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ và nhân dân trong xã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, trực tiếp là Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể huyện. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã có truyền thống văn hóa lâu đời, đoàn kết, cần cù, chịu khó trong lao động, có tinh thần đoàn kết tốt, luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trước đây, người dân trên địa bàn đi lại chủ yếu bằng đường đất, đường mòn. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, được sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, cơ sở hạ tầng của xã đã thay đổi nhanh chóng. Đường giao thông từ huyện đến xã được trải nhựa; 100% thôn đều có đường ô tô đi được; trường học, trạm y tế, trụ sở xã... được xây dựng kiên cố; điện lưới được đưa đến từng thôn đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhân dân xã Đường Âm sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, với phương thức canh tác truyền thống là chính; số hộ sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm trên 90% tổng số hộ trong toàn xã. Để việc phát triển trồng lúa 13
- nước được đảm bảo, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đồng bào tự đào đất bắc hệ thống mương nước bằng tre, nứa để dẫn nước về đồng ruộng. Bên cạnh đó, nhân dân còn có nhiều kinh nghiệm trong trồng lúa nương, trồng ngô; trồng bông dệt vải và chăn nuôi trâu, bò để làm sức kéo; nuôi ngựa để phục vụ vận tải; nuôi lợn, gà, vịt, dê để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trong những năm 2016 - 2017, Tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 3.235,8 tấn/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một hecta đất canh tác đạt 19,7 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2010, cây hồi được đưa vào trồng khảo nghiệm. Do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên cây hồi nhanh chóng trở thành cây thế mạnh của xã, vừa có tác dụng giữ đất, bảo vệ rừng, vừa có giá trị kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay (năm 2018), diện tích cây hồi là 151,6 ha; trong đó, trên 140 ha cho thu hoạch, mỗi lít dầu hồi được bán với giá từ 380 - 400 nghìn đồng. Bên cạnh sản xuất nông - lâm nghiệp, nhân dân Đường Âm sớm hình thành, phát triển các nghề thủ công truyền thống như: dệt, đan lát, rèn… nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống và trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường. Thời kỳ thực dân phong kiến, hầu hết người dân Đường Âm không biết chữ. Từ sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giáo dục của xã đã có bước phát triển nhanh chóng. Hệ thống giáo dục được mở rộng từ mầm non đến trung học cơ sở, trường lớp khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Năm học 14
- 2017 - 2018, xã có 3 trường, trong đó: trường Mầm non 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 13 nhóm lớp; trường Tiểu học có 49 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 32 lớp với 436 học sinh; trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở có 24 cán bộ, giáo viên, tổng số có 9 lớp với 253 học sinh. Trung tâm học tập cộng đồng được duy trì hoạt động, mở nhiều lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật hướng dẫn cho người dân chuyển đổi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhiều con em của xã sau khi tốt nghiệp phổ thông tiếp tục học cao lên, đóng góp công sức cho quê hương, đất nước. Tiêu biểu là các đồng chí: đồng chí Nông Quốc Chài (nay là người Đường Hồng) - Nguyên Trưởng ban Tổ chức chính quyền (phòng Nội vụ) huyện Vị Xuyên, đồng chí Nguyễn Văn Quý - Nguyên phó Trưởng Công an huyện Vị Xuyên, đồng chí Sằm Quang Mặt - Nguyên Bí thư Huyện đoàn Bắc Mê, đồng chí Nguyễn Sơn Quỳnh - Nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện Đoàn Đồng Văn… và còn nhiều đồng chí khác. Cùng với công tác giáo dục, công tác y tế có bước phát triển nhanh. Trang thiết bị khám, chữa bệnh đã được Nhà nước quan tâm đầu tư tương đối đầy đủ. Trạm Y tế xã được xây dựng kiên cố, đội ngũ cán bộ y tế từ xã đến thôn được củng cố và phát triển cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được đẩy mạnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện và đạt kết quả tích cực. Đến năm 2018, toàn xã có 363 gia đình (chiếm 55% 15
- tổng số hộ toàn xã) được công nhận Gia đình văn hóa. Các lễ hội truyền thống được giữ gìn và tổ chức thường xuyên, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, công tác quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo. Xã không có hiện tượng truyền đạo trái phép, trật tự trị an được giữ vững, nhân dân yên tâm sản xuất, làm và sống theo Hiến pháp và pháp luật. Hàng năm, xã luôn đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân; lực lượng dân quân, dự bị động viên được củng cố, đảm bảo về quân số, thường xuyên luyện tập, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ xã, cùng với sự nỗ lực của chính quyền và Mặt trận và các đoàn thể, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân các dân tộc Đường Âm ngày càng được cải thiện và nâng cao, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ tạo diện mạo mới cho địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra; thiếu nước sinh hoạt và sản xuất; trình độ dân trí không đồng đều nên tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao; một bộ phận quần chúng nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nên đến nay Đường Âm vẫn còn là xã nghèo của huyện. Thực tế đó đòi hỏi sự lãnh đạo ngày càng cao của Đảng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, 16
- nhất trí của nhân dân trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn trong chặng đường sắp tới. 17
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Ngam La (1945-2020): Phần 1
54 p | 9 | 5
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Khâu Vai (1961-2018): Phần 1
45 p | 9 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của phụ nữ tỉnh Bình Thuận (1930-2000): Phần 1
123 p | 6 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Du Già (1945-2018): Phần 1
74 p | 4 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lâm Thượng (1945-2010): Phần 1
26 p | 11 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Ban (1961-2018)
144 p | 9 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Giàng Chu Phìn (1961-2018): Phần 2
119 p | 8 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Cán Chu Phìn (1961-2020): Phần 2
152 p | 5 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Pải Lủng (1961-2020): Phần 1
56 p | 6 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lũng Pù (1961-2020): Phần 2
131 p | 8 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lũng Pù (1961-2020): Phần 1
60 p | 7 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lùng Tám (1961-2015)
144 p | 7 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thài Phìn Tủng (1961-2020)
110 p | 3 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Sủng Là giai đoạn (1945-2018)
95 p | 7 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Pà Vầy Sủ (1962-2015): Phần 1
70 p | 6 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đạo Đức (1945-2015): Phần 1
82 p | 7 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Xín Chải (1962-2015)
141 p | 8 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phương Tiến (1957-2017)
86 p | 8 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn