intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Ngọc (1945-2018)

Chia sẻ: Hoangnhanduc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:211

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ebook "Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Ngọc (1945-2018)" được biên soạn nhằm ghi lại được những sự kiện cơ bản nổi bật diễn ra qua những năm tháng đấu tranh anh dũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Minh Ngọc và những thành quả đã đạt được hơn 70 năm qua.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Ngọc (1945-2018)

  1. LỜI GIỚI THIỆU Trải qua các thời kỳ lịch sử, kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ xâm lược và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Minh Ngọc đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu lớn làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại quê hương. Để ôn lại và tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng, xây dựng xã Minh Ngọc ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Minh Ngọc khoá IX nhiệm kỳ 2015 -2020 quyết định biên soạn, xuất bản cuốn Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Ngọc (1945 - 2018). Thực tiễn lịch sử địa phương hết sức phong phú, song do khả năng biên soạn có hạn, tài liệu lưu trữ không còn nhiều, các nhân chứng của thời kỳ trước đây còn rất hạn chế, nên chúng tôi chỉ ghi lại được những sự kiện cơ bản nổi bật diễn ra qua những năm tháng đấu tranh anh dũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Minh Ngọc và những thành quả đã đạt được hơn 70 năm qua. Trong quá trình sưu tầm, biên soạn cuốn lịch sử, Đảng uỷ xã Minh Ngọc nhận được nhiều ý kiến đóng 2
  2. góp quý báu của các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm, cùng toàn thể đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã, được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bắc Mê đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành cuốn Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Ngọc (1945 - 2018). Ban Chấp hành Đảng bộ xã Minh Ngọc xin gửi tới các đồng chí, các cơ quan, ban, ngành và cùng toàn thể nhân dân lời cảm ơn trân thành sâu sắc nhất. Cuốn Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Ngọc (1945 - 2018) được biên soạn lần đầu chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa để cuốn sách hoàn thiện hơn, tương xứng với tầm vóc những sự kiện lịch sử đã từng diễn ra trên mảnh đất Minh Ngọc. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Minh Ngọc trân trọng giới thiệu cuốn Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Ngọc (1945 - 2018) tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã cùng bạn đọc. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ BÍ THƯ Nguyễn Tiến Dũng 3
  3. Chương I KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI, CON NGƯỜI XÃ MINH NGỌC 1. Điều kiện tự nhiên Minh Ngọc là xã thuộc vùng II của huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Trung tâm xã cách trung tâm huyện lỵ 23km, trung tâm tỉnh lỵ 31km. Phía Bắc giáp xã Minh Sơn, Phía Nam giáp xã Thượng Tân, phía Đông giáp xã Lạc Nông, phía Tây giáp xã Yên Định. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 9.194,5ha, trong đó, đất nông nghiệp là 522,86ha; đất lâm nghiệp là 8.330,14ha; đất chuyên dùng 52,02ha; đất phi nông nghiệp là 289,54ha. Đây là vùng đất có địa hình được bao bọc bởi hệ thống các dãy núi cao có độ dốc lớn, xen kẽ là các thung lũng nhỏ bị chia cắt mạnh dọc theo các dãy núi. Xã có tuyến đường Quốc lộ 34 chạy từ thành phố Hà Giang qua địa bàn dài 9km và một số tuyến đường liên xã quan trọng khác như tuyến Minh Ngọc đi xã Minh Sơn giao cắt với quốc lộ 34 ở km32, tuyến Minh Ngọc đi xã Thượng Tân giao cắt với quốc lộ 34 ở km31. Ngoài ra còn có các tuyến đường liên thôn với tổng chiều dài 13 km, hiện nay 11/11 thôn bản có đường bê tông đến trung tâm. Mạng lưới giao thông được quan tâm xây dựng, sửa chữa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Hệ thống thủy lợi hiện có 4
  4. 2 phai đập là những công trình phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp của nhân dân trong xã. Hệ thống sông suối của xã khá phong phú, trên địa bàn xã có 2 con suối Nặm Trì và suối Nặm Mạ chảy qua địa phận xã, giao nhau tại địa phận thôn Nà Sài rồi xuôi xuống sông Gâm. Ngoài ra còn có nhiều mạch nước chảy từ triền đồi, chân núi ra tạo thành những khe suối. Đặc biệt thực hiện Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 19/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư Dự án Thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), Minh Ngọc nằm trong 4 xã bị ảnh hưởng của vùng lòng hồ. Tuy nhiên, nước lòng hồ dâng cao cũng tạo cho Minh Ngọc những điều kiện mới về giao thông, thủy lợi và phát triển kinh tế thủy sản. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu của Minh Ngọc chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, khí hậu nóng ẩm, lượng mưa cả năm thường tập trung vào mùa này (chiếm khoảng 80% lượng mưa cả năm) nên hay xảy ra lũ lụt; mùa khô khí hậu khô hanh và thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa thấp, nhiệt độ có thể xuống thấp hơn 100C, thường hay có gió mùa Đông Bắc, sương muối, sương mù; nhiệt độ trung bình năm là 230C, lượng mưa trung bình khoảng trên dưới 3.00 mm. Do nằm sâu trong nội địa lại được che chắn bởi nhiều dãy núi cao, trên địa bàn xã Minh Ngọc thường hay có gió lốc và gió xoáy thất thường 5
  5. không theo chu kỳ, mùa lạnh nhiệt độ xuống thấp thời tiết khô hanh, đầu mùa hè hay có mưa đá, mùa mưa thường có các cơn lũ ngắn đột ngột ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông - lâm nghiệp của bà con nông dân. Địa hình đa dạng đem lại cho xã Minh Ngọc sự phong phú về động vật, thực vật. Trước đây, trên địa bàn có nhiều loại muông thú quý như hổ, báo, lợn rừng, dê núi, khỉ, Vọoc hũi hếch, hươu, nai, trăn, tắc kè…; các loại gỗ quý, nhiều nhất là Đinh, trò, nghiến, lát hoa, pơ mu...cùng các cây dược liệu quý như: ba kích, thiên niên kiện, sa nhân... và một số cây nguyên liệu như nứa, giang, tre…Tuy nhiên trong quá trình khai thác của nhân dân đã ảnh hưởng đến số lượng và trữ lượng nguồn động thực vật nơi đây. Hiện nay theo quy hoạch của tỉnh Hà Giang, Minh Ngọc nằm trong khu dự trữ thiên nhiên1 quy mô 27.800ha, nhờ vậy việc bảo vệ nguồn động thực vật nơi đây đang được quan tâm, một số loài động vật nằm trong sách đỏ như Vọoc mũi hếch được bảo vệ nghiêm ngặt. Thổ nhưỡng ở Minh Ngọc khá màu mỡ, ngoài diện tích trồng lúa nước, còn có đất đồi rừng, nương bãi thích hợp cho phát triển cây lương thực như ngô, khoai, 1 Khu dự trữ thiên nhiên Bắc Mê được thành lập theo quyết định 142/QĐUB ngày 22/4/1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, bao gồm các xã: Yên Cường, Phiêng Luông, Thượng ân, Lạc Nông, Minh Ngọc, Yên Định, Minh Sơn 6
  6. sắn, đậu đỗ và các loại cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và cây ăn quả khác. Điều kiên tự nhiên của Minh Ngọc mang lại lợi thế lớn về nghề nông, như trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, khai thác vật liệu xây dựng. Trong quá trình xây dựng quê hương thế mạnh trên dần đang khai thác, phát huy trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn. Tuy vậy, sự phức tạp của địa hình miền núi cao gây khó khăn lớn cho việc phát triển giao thông liên lạc, xây dựng các khu trung tâm dân cư, kinh tế, văn hóa - xã hội. 2. Điều kiện xã hội Trải qua các thời kỳ lịch sử, xã Minh Ngọc có nhiều thay đổi về địa giới, hành chính. Trong chặng đường dài dựng nước và giữ nước, Minh Ngọc nằm trong vùng đất Bắc Mê thuộc huyện Nguyên Bình của Trấn2 Tuyên Quang. Đến đời nhà Lê, huyện Nguyên Bình được đổi thành châu3 Vị Xuyên, thuộc phủ4 Tường Yên tỉnh Tuyên Quang của nước Đại Việt. Thời Pháp thuộc, Bắc Mê được đặt dưới chế độ quân quản, nằm trong vùng kiểm soát của đạo quan binh thứ 3. Ngày 20 tháng 8 năm 1891, tỉnh Hà Giang được thành 2 Trấn là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, diện tích bằng một số tỉnh ngày nay 3 Châu là đơn vị hành chính ở các vùng miền núi xuất hiện từ thời Lý (1010-1226), tương đương cấp huyện ngày nay 4 Phủ là đơn vị hành chính thuộc trấn (thời Trần) mỗi phủ gồm một số huyện 7
  7. lập, Bắc Mê thuộc 2 trong 5 tổng5 của châu Vị Xuyên với tên gọi là tổng Yên Phú và tổng Yên Định, thời gian này Minh Ngọc là 1 xã nằm trong tổng Yên Định 6. Sau cách mạng tháng Tám, Minh Ngọc là một trong 7 xã thuộc Tiểu khu Bắc Mê: Yên Phú, Phú Nam, Lạc Nông, Đường Âm, Yên Định, Giáp Trung, Minh Ngọc. Ngày 15-12-1962 Hội đồng chính phủ ban hành quyết định 211 về việc điều chỉnh địa giới của một số huyện, xã thuộc tỉnh Hà Giang, xã Minh Ngọc được chia thành 2 xã là Minh Ngọc và Minh Sơn. Năm 1984 xã Minh Ngọc lại tiếp tục được chia tách thành 2 xã là Minh Ngọc và Thượng Tân. Trước năm 1983 xã Minh Ngọc vẫn thuộc Tiểu khu Bắc Mê, huyện Vị Xuyên. Ngày 18-11-1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 136/HĐBT về việc chia tách huyện Vị Xuyên và thành lập huyện Bắc Mê. Khi đó xã Minh Ngọc thuộc huyện Bắc Mê cho đến ngày nay. Trải qua nhiều lần chia tách, đến ngày 31-12-2018, xã Minh Ngọc có tổng số 919 hộ với 4.295 nhân khẩu; trên địa bàn có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó: dân tộc Dao 231hộ, 983 nhân khẩu, chiếm 22,8% dân số toàn xã; dân tộc Mông 186 hộ 987 nhân khẩu, chiếm 22,9% dân số toàn xã; dân tộc Tày 475 hộ, 2.231 nhân khẩu chiếm 51,9% dân số toàn xã; dân tộc Kinh 26 hộ, 92 nhân khẩu chiếm 2,1% dân 5 Tổng là đơn vị hành chính tương đương cấp xã hiện nay nhưng quy mô bằng một số xã. 6 Tổng Yên Định gồm 5 xã và 52 thôn bản gồm các xã Yên Định, Tùng Bá, Minh Ngọc, Minh Tân và Thuận Hòa. Sau cách mạng tháng Tám cấp tổng bị xóa bỏ. 8
  8. số toàn xã; còn lại là các dân tộc khác. Khi mới thành lập, Minh Ngọc có 3 thôn (Nà Sài, Kim Thạch, Tả Luồng). Đến năm 2018 xã có 11 thôn bản (Nà Thàng, Nà Cau, Nà Sài, Nà Lá, Lùng Xuôi, Kim Thạch, Lùng Càng, Lùng Hảo, Khau Lừa, Lũng Lầu, Khuổi Lùng). Toàn đảng bộ có 290 đảng viên, sinh hoạt tại 15 chi bộ: Nà Thàng 12 đảng viên, Nà Cau 40 đảng viên, Nà Sài 38 đảng viên, Nà Lá 42 đảng viên, Lùng Xuôi 15 đảng viên, Kim Thạch 22 đảng viên, Lùng Càng 13 đảng viên, Lùng Hảo 15 đảng viên, Khau Lừa 10 đảng viên, Lùng Lầu 09 đảng viên, Khuổi Lùng 8 đảng viên; trường tiểu học 39 đảng viên, trường mầm non 17.đảng viên, trạm y tế 5 đảng viên, chi bộ quân sự xã 5 đảng viên. Nằm ở vị trí trung tâm phía nam của huyện Bắc Mê, nên trên địa bàn xã còn có một số cơ quan, đơn vị đóng địa điểm làm việc như: Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Minh Ngọc, Bưu cục khu vực Minh Ngọc, Đài tiếp sóng truyền hình.... Minh Ngọc là vùng đất sớm có cư dân sinh sống, một trong những dòng họ đến khai phá sớm nhất ở vùng đất Minh Ngọc là dòng họ Nông. Trải qua nhiều thế hệ cùng đoàn kết chung sống, lao động, chinh phục và cải tạo thiên nhiên, nhân dân các dân tộc xã Minh Ngọc đã bền bỉ, cần cù lao động, cải tạo thiên nhiên, biến những thung lũng hoang thành đồng ruộng, đất cằn, gò đồi thành làng bản, vườn cây, tận dụng các con suối, ngòi lạch xây dựng nên các công trình thuỷ lợi phục vụ cho 9
  9. sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và phục vụ đời sống dân sinh. Phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, nhân dân các dân tộc trong xã đã tự sản xuất ra các đồ dùng, vật dụng riêng phục vụ đời sống và sản xuất hàng ngày. Với đôi bàn tay khéo léo, các thiếu nữ đã dệt nên những hoa văn tinh xảo trên những tấm chăn, chiếc gối, quần áo, đôi dậu, chiếc nón... các chàng trai đã biết tạo ra súng kíp, cày, bừa... Từ cuộc sống lao động sản xuất, những nét đẹp về đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc đã hình thành, phát triển thể hiện qua các làn điệu hát then, lượn cọi, páo dung, câu hát ví, đối đáp, các trò chơi dân gian tung còn, ném yến... được lan truyền qua nhiều thế hệ. Về đời sống tâm linh, ngoài tục thờ cùng tổ tiên, các dân tộc trên địa bàn xã còn có lễ cúng ruộng vụ mùa. Năm 1887 quân Pháp chiếm đóng Hà Giang, chúng thiết lập chính quyền thực dân cai trị nhân dân từ tỉnh, châu đến tổng, xã. Tại Bắc Mê thực dân Pháp đặt dưới chế độ quân quản, nằm trong vùng kiểm soát của đạo quan binh số 3 và cắt cử một bang tá7 cai quản Bắc Mê. Thực dân Pháp đặc biệt coi trọng chính sách “chia để trị”. Chúng chia rẽ các dân tộc, phân biệt từng vùng, từng dân tộc để lập bộ máy hành chính: người Dao bị phân thành Dòng8 do Quản chiêu đứng đầu. Người 7 Bang tá là một chức quan nhỏ coi việc trật tự an ninh thời Pháp 8 Dòng là những nhóm người Dao có điểm chung về văn hóa 10
  10. Hmông bị chia thành từng Giáp9 do bọn Tổng giáp, mã phá đứng đầu...nhằm trông coi việc làm đường, bắt phu, thu thuế… Cùng với bộ máy hành chính, thực dân Pháp xây dựng “Căng”10 Bắc Mê để làm đồn binh (đồn biên phòng) nhằm kiểm soát con đường đi tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang qua Hà Giang. Tại km dốc 10 đường Hà Giang-Bắc Mê (dốc Tả Mò) chúng cho cây đựng dồn binh kiểm tra, kiểm soát những người lạ mặt. Với hệ thống đồn bốt ấy, cộng thêm sự hoạt động ráo riết của bộ máy hành chính, Bắc Mê, trong đó có Minh Ngọc bị kiểm soát chặt chẽ. Dựa vào bộ máy hành chính, quân sự hoàn chỉnh, thực dân Pháp dung túng, mặc sức cho bọn phong kiến địa phương bóc lột nhân dân để thu thuế, vơ vét tài nguyên, khoáng sản và các sản phẩm nông-lâm nghiệp phục vụ chiến tranh. Pháp để cho các tầng lớp trên duy trì các hình thức bóc lột phong kiến “Địa tô lao dịch, địa tô cống vật”, đồng thời tăng cường các loại thuế. Ngoài các thuế áp dụng chung, ở Bắc Mê và các vùng biên giới Hà Giang, còn có nhiều thứ thuế vô nhân đạo như thuế ngựa thồ, thuế rửa bát, thuế thuốc phiện...Dưới ách thống trị của thực dân Pháp hầu hết những ruộng đất tốt trong xã đều tập trung trong tay 9 Giáp là đơn vị dân cư gồm 10 hộ gia đìnhcạnh nhau, chính quyền thực dân lập ra để tiện bề kiểm soát dân chúng. 10 Căng là tên gọi biến âm của từ “Camp” tiếp Pháp, có nghĩa là đồn binh, trại lính 11
  11. bọn thổ ty, lý trưởng và các chức sắc trong xã. Ngoài mức thuế nặng nề nhân dân còn chịu nạn phu phen, tạp dịch, phạt vạ, biếu xén, lạm dụng của thổ ty. Hằng năm, mỗi lao động phải đi lao dịch từ một đến hai tháng để làm đường, xây dựng đồn bốt, cầu cống, phục dịch. Về đời sống đa số các hộ dân trong xã đều thiếu đói quanh năm, đồng bào phải vào rừng đào củ mài và hái lượm để thay lương thực. Về mặt tư tưởng, thực dân Pháp thường rêu rao: Người An Nam là một dân tộc man di, mọi rợ, lạc hậu, vì vậy người Pháp phải đến để khai hoá văn minh cho dân tộc An Nam. Nhưng thực chất chúng đã áp bức, bóc lột nhân dân ta rất thậm tệ; lập nhà tù nhiều hơn bệnh viện, nhà trường. Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, không xây dựng, mở mang trường học, gần 100% số dân không biết chữ. Bệnh tật hoành hành, không có thuốc men, chỉ dựa vào bói toán cúng tế, nhiều sinh mạng phải chết oan uổng; chúng thực hiện chính sách chia để trị, chúng gây hằn thù giữa các dân tộc để dễ bề cai trị đồng bào ta. Để kìm hãm về trình độ dân trí, dễ bề cai trị, thực dân phong kiến còn khuyến khích phát triển các hủ tục lạc hậu, rượu chè, nghiện hút...kiểm soát chặt chẽ các tuyến giao thông, nhân dân không có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với các địa phương khác trong huyện, tỉnh. Tóm lại, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, cộng với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu quảng 12
  12. canh, du canh làm cho đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Minh Ngọc cực khổ, lầm than, mọi người dân không có quyền dân chủ tối thiểu, làm ra không đủ ăn, đời sống đói khổ. Những lúc giáp hạt lương thực chính của người dân là củ mài, củ bấu dùng trong các bữa ăn thay cơm; đêm ngủ không có chăn, chiếu, phải đắp bằng vỏ cây sui; trẻ nhỏ phần lớn không có quần áo mặc. Mâu thuẫn giữa nhân dân các dân tộc Minh Ngọc với đế quốc, phong kiến phản động ngày càng sâu sắc. Đây là điều kiện thuận lợi để phong trào cách mạng hình thành và phát triển mạnh mẽ khi có sự lãnh đạo của Đảng. Chương II DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÂN DÂN XÃ MINH NGỌC THAM GIA CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN, ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, TÍCH CỰC CHI VIỆN SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA CHO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ (1945 - 1975) 1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Minh Ngọc tham gia cuộc đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3-2-1930), phong trào cách mạng dâng cao ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang đã phát 13
  13. triển tới các huyện tiếp giáp với Hà Giang như Bảo Lạc (Cao Bằng), Chợ Rã, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Tại Bắc Mê, phong trào cách mạng bắt đầu được phát triển mạnh từ năm 194011. Tháng 5-1941, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp Hội nghị Trung ương lần thứ VIII kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Hội nghị chỉ rõ: Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng lúc này là chuẩn bị khởi nghĩa từng phần, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trung ương Đảng quyết định lấy Việt Bắc làm căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang, duy trì và phát triển căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng thời ra sức củng cố, mở rộng căn cứ Cao Bằng, xây dựng hai nơi này thành trung tâm của công cuộc vũ trang khởi nghĩa tại Việt Bắc. Quá trình phát triển của phong trào Việt Minh ở tỉnh Cao Bằng và tại các châu Ngân Sơn, Chợ Đồn, Chợ Rã của tỉnh Bắc Cạn tạo điều kiện và ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng cơ sở, phong trào cách mạng ở khu vực Bắc Mê nói chung và tổng Yên Định nói riêng, trong đó có xã Minh Ngọc. 11 Năm 1939 thực dân Pháp cho xây dựng “Căng” Bắc mê để giam cầm lực lượng yêu nước từ nhiều nơi trong cả nước, trong đó có nhiều người là chiến sĩ cộng sản ngọn lửa cách mạng đã được các chiến sỹ cộng sản nhen nhóm phát triển và ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân khu vực Bắc Mê. . 14
  14. Tháng 9-1943, một số cán bộ Việt Minh do đồng chí Hồng Tụ và Tô Vũ phụ trách từ Bảo Lạc (Cao Bằng) đã bắt mối vào đồng bào Dao ở Thoôm Toòng, xã Đường Âm. Tại đây, với phương pháp tuyên truyền phù hợp với hoàn cảnh, trình độ của bà con, cán bộ cách mạng đã vạch trần nguồn gốc cuộc sống tối tăm khổ cực của người dân dưới ách thống trị của thực dân phong kiến. Chỉ một thời gian không lâu, hầu hết đồng bào ở Đường Âm và các xã vùng xung quanh như Yên Phú, Lạc Nông, Minh Ngọc, Minh Sơn, Yên Định được giác ngộ cách mạng. Ngày 25-9-1943, khu Thiện Thuật được thành lập gồm những vùng núi đá cao của đồng bào Dao, Mông ở Nguyên Bình, Hòa An, Bảo Lạc, Hà Quảng, Trà Lĩnh thuộc tỉnh Cao Bằng; Đồng Văn, Vị Xuyên, Bắc Mê thuộc tỉnh Hà Giang; Chợ Rã thuộc tỉnh Bắc Cạn và huyện Nà Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang. Nhiệm vụ của khu là động viên nhân dân các dân tộc ít người phát huy tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, gấp rút chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Tiếp theo, tháng 9/1944, Ban Việt Minh tổng Đường Thượng gồm các xã Mậu Duệ, Đường Thượng (Yên Minh), Yên Phú, Yên Định (Bắc Mê) và Nam Thắng (Cao Bằng) được ra đời. Các Ban Việt Minh gồm đủ các đại biểu dân tộc, các xã có nhiệm vụ vận 15
  15. động, tổ chức các hội cứu quốc như Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đồng chí cán bộ Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng ở các cơ sở phát triển mạnh mẽ như: chống thuế, không đi phu và phân phát truyền đơn kêu gọi nhân dân tham gia phong trào Việt Minh. Ở Minh Ngọc, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ và hầu hết nhân dân đều tham gia Mặt trận Việt Minh. Đầu năm 1945, phong trào Việt Minh được tiếp tục mở rộng ra các thôn bản. Tại Bắc Mê, tháng 3-1945 một đội vũ trang tuyên truyền gồm các đồng chí Hồng Quốc, Mệnh Lệnh, Hồng Đào từ Cao Bằng vào và các đồng chí Bảo Toàn, Tài Nam, Minh Ngọc từ Bắc Quang lên. Sau khi đến Yên Phú, các đồng chí đã tổ chức họp dân để làm lễ ăn thề đi theo Việt Minh và tổ chức xây dựng đội tuyên truyền vũ trang ở 2 tổng Yên Phú và Yên Định gồm 13 đồng chí do đồng chí Hồng Quân và Mệnh Lệnh chỉ huy, đồng thời kiện toàn các tổ Dân quân du kích, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc...phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí thành viên. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật nổ súng đảo chính Pháp, độc quyền cai trị Đông Dương. Sau khi phân tích tình hình trong nước và thế giới, Trung ương Đảng ra chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng 16
  16. ta, ngày 28-3-1945, đội vũ trang tiến quân vào chiếm giữ Đồn Căng Bắc Mê. Cuộc tiến công giải phóng đồn Căng Bắc Mê thành công một cách nhanh chóng đã mở đầu cho quá trình giành chính quyền ở khu vực Bắc Mê, cổ vũ động viên kịp thời phong trào cách mạng ở khu vực này nói riêng và tỉnh Hà Giang phát triển. Đối phó với ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh đang lan rộng tại khu vực Bắc Mê. Quân Nhật đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, tìm mọi cách để triệt phá phong trào cách mạng. Đầu tháng 4-1945, tại xã Minh Ngọc đội tuyên truyền vũ trang của ta dưới sự chỉ huy của đồng chí Minh Ngọc đã phát hiện và tiêu diệt 2 tên mật thám của Nhật đang hoạt động ở thôn Nà Sài, thu được 2 súng ngắn và một số giấy tờ quan trọng. Nhận được tin 2 tên mật thám bị tiêu diệt, ngày 17-4- 1945, Nhật đã kéo một đội quân khoảng 30 tên từ thị xã Hà Giang vào Yên Định để truy lùng lực lượng cách mạng và các cán bộ Việt Minh. Dưới sự chỉ huy của các đồng chí Hồng Quốc, Hồng Đào, Mệnh Lệnh, lực lượng vũ trang đã phối hợp với đội du kích xã Minh Ngọc, Yên Định tổ chức phục kích ở thôn Bắc Bừu (km 19 hiện nay) để chặn đánh địch. Trận đánh đã giành thắng lợi, tiêu diệt tại trận được 5 tên (trong đó có 1 sỹ quan Nhật), bắt sống 4 tên, thu được 4 khẩu 17
  17. súng và 2 con ngựa. Số còn sống sót chúng rút chạy về thị xã Hà Giang. Cay cú trước thất bại trên, chỉ trong một thời gian ngắn, tháng 5 và tháng 6 Nhật đã đưa hàng trăm lính bộ binh, tổ chức tiến quân làm 3 đợt vào khu vực Bắc Mê nhằm đàn áp phong trào cách mạng và tiêu diệt lực lượng của ta. Đội tuyên truyền vũ trang đã chỉ huy lực lượng du kích ở Yên Định, Minh Ngọc gồm 31 tay súng tổ chức phục kích đánh địch tại thôn Bắc Bừu. Trận đánh bị thất bại do lực lượng địch đông hơn và chúng được trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại hơn. Trước tình thế đó Đội tuyên truyền vũ trang và lực lượng du kích cùng nhân dân địa phương buộc phải sơ tán lên rừng ẩn náu (tại địa bàn thôn Phia Dầu hiện nay). Sau khi kiểm soát được khu vực các xã Yên Định, Minh Ngọc quân Nhật ra sức tổ chức khủng bố, càn quét lực lượng cách mạng. Được Nhật tiếp tay, bọn phản động thân Nhật do tên Nguyễn Đình Phù, Hoàng Văn Sài, Nguyễn Văn Cấp cầm đầu ra sức hoạt động chóng phá cách mạng. Chúng đe dọa cán bộ, không chế quần chúng, giết hại hai cán bộ cốt cán là Bảo Toàn và Tài Nam vào ngày 4-6-1945. Cùng thời gian, bọn phản động từ Bảo Lạc (Cao Bằng) câu kết với bọn phản động ở Bắc Mê đã giết hại 13 cán bộ Việt Minh trong đó có các đồng chí từng hoạt động ở Bắc Mê như Hồng 18
  18. Quân, Mệnh Lệnh, Minh Ngọc. Bộ phận cán bộ vào Bắc Mê hoạt động chỉ còn lại một số đồng chí phải rút về Cao Bằng. Vì vậy cuối tháng 6 phong trào cách mạng ở Bắc Mê nói chung và Minh Ngọc nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, không hoạt động được và tạm thời lắng xuống. Trước những tổn thất to lớn của cách mạng ở Bắc Mê, Ban Việt Minh đã cử lực lượng vũ trang từ huyện Na Hang (Tuyên Quang) đến tăng cường để diệt trừ bọn phản động cách mạng, giết hại cán bộ. Lực lượng cách mạng đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương nhanh chóng tổ chức lại đội ngũ, ổn định tình hình và từng bước khắc phục những khó khăn trước mắt…Nhờ vậy phong trào cách mạng từng bước được hồi phục và phát triển. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng Việt Nam đã chín muồi. Hội nghị cán bộ chủ chốt của Đảng họp từ ngày 13 đến 15-8-1945 tại xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Ngày 16-8- 1945, Quốc dân Đại hội cũng họp tại xã Tân Trào, tán thành chủ trương của Đảng về Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, quyết định thành lập Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. 19
  19. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bắc Mê nói riêng và nhân dân Hà Giang nói chung đã cùng cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, Tiểu khu Bắc Mê được thành lập gồm 7 xã là Yên Phú, Phú Nam, Lạc Nông, Đường Âm, Yên Định, Giáp Trung, Minh Ngọc với khoảng 6.000 dân. Ngày 15-8-1945, tại Bản Sáp (Yên Phú), cán bộ Việt Minh và nhân dân các xã đã họp, bầu ra Ủy ban hành chính lâm thời Tiểu Khu Bắc Mê do ông Nông Văn Tông làm Trưởng ban khu, ông Nông Văn Tường làm Phó ban, ông Nguyễn Văn Thọ làm Ủy viên thư ký. Ủy ban hành chính huyện Vị Xuyên cử đại diện bên cạnh Ủy ban khu để trực tiếp chỉ đạo và điều hành công việc. Ngay sau đó Ủy ban hành chính các xã cũng được tổ chức, đi vào hoạt động. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hà Giang trong bối cảnh chung của đất nước, nhưng có khó khăn riêng. Ngày 29-8-1945, phát xít Nhật rút khỏi Hà Giang. Chiều ngày 30-8-1945, toán quân Tưởng đầu tiên thuộc quân đoàn 52 vào chiếm đóng thị xã Hà Giang. Bám gót quân Tưởng là bọn “Việt Nam Quốc Dân Đảng”, sau khi đặt chân vào Hà Giang chúng đã tung quân đi chiếm các đồn bốt lẻ ở các châu lỵ, dựng chính quyền tại địa phương do cường hào địa chủ, thổ ty nắm giữ. Cùng với giặc ngoại xâm, tình hình đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và xã 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1