intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân thị trấn Việt Lâm (1967-2015)

Chia sẻ: Hoangnhanduc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:98

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân thị trấn Việt Lâm (1967-2015) gồm các nội dung chính như sau: sơ lược về điều kiện tự nhiên và xã hội của thị trấn Nông Trường Việt Lâm; đảng bộ và nhân dân thị trấn Nông Trường Việt Lâm thời kỳ trước năm 1986; đảng bộ thị trấn Việt Lâm được thành lập, lãnh đạo nhân dân thị trấn Nông Trường Việt Lâm thực hiện đường lối đổi mới của đảng (1986 – 2015). Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân thị trấn Việt Lâm (1967-2015)

  1. LỜI GIỚI THIỆU Thị trấn Nông trường Việt Lâm là một địa bàn động lực của Huyện Vị Xuyên, cách khu vực trung tâm Huyện 7 km, cách trung tâm Thành phố Hà Giang 27 km. Là cửa ngõ của các xã phía Tây Nam của huyện Vị Xuyên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Huyện Vị Xuyên. Thị trấn Việt Lâm là địa phương có nhiều cư dân của nhiều tỉnh thành trong cả Nước đến định cư; hiện nay có 16 dân tộc anh em sinh sống, luôn có truyền thống đoàn kết, giàu lòng yêu nước, kiên cường dũng cảm trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Là địa phương được thành lập sau hòa bình lập lại. Song thị trấn Nông trường Việt Lâm luôn có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Cán bộ và nhân dân các dân tộc thị trấn Nông trường Việt Lâm luôn dũng cảm, kiên cường không ngại khó, ngại khổ trước những khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng; luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong 2 cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới Tổ quốc, Thị trấn Nông trường Việt Lâm đã có hàng trăm người tham gia vào bộ đội, hơn 20 thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hơn 500 thanh niên hỏa tuyến trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ phát triển từ 17 đảng viên năm 1958 lên 315 đảng viên năm 2015. Hình thành và phát triển cùng với phong trào Cách mạng của giai cấp công nhân của tỉnh Hà Giang, Đảng bộ thị trấn thực sự xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, là người đại diện của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, được nhân dân yêu mến và tin tưởng. Tái hiện lịch sử truyền thống Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị trấn Nông trường Việt Lâm có ý nghĩa quan trọng nhằm giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ lòng tự hào về truyền thống đấu tranh Cách mạng của quê hương. Trên cơ sở đó, kế thừa và phát huy tinh thần Cách mạng của các thế hệ cha, anh; đoàn kết, nhất trí, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn cuốn truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc thị trấn Nông trường Việt Lâm, Ban Thường vụ Đảng ủy đã chỉ đạo sưu tầm tư liệu, biên soạn cuốn “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân thị trấn Việt Lâm (1967 - 2015)” Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, Ban Thường vụ Đảng ủy luôn nhận được sự, quan tâm chỉ đạo giúp đỡ của Ban Thường vụ Huyện ủy Vị Xuyên, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Giang, Ban Tuyên giáo huyện ủy Bắc Quang. Đặc biệt là sự giúp đỡ trực tiếp của Ban Tuyên giáo huyện ủy Vị Xuyên, các ban ngành đoàn thể của thị trấn Nông trường Việt Lâm và các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng 1
  2. chí nguyên là lãnh đạo Thị trấn qua các thời kỳ, các đồng chí là cựu cán bộ công nhân Nông trường Việt Lâm, các Nhân chứng lịch sử trong và ngoài tỉnh đã từng công tác, và làm việc trên địa bàn thị trấn. Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Việt Lâm xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu và đầy tâm huyết đó. Mặc dù bộ phận biên soạn đã có rất nhiều cố gắng nhưng nguồn tư liệu thất lạc nhiều, Nhân chứng lịch sử một số đã qua đời và một số do lão hóa nên thiếu minh mẫn. Vì vậy quá trình sưu tầm gặp nhiều khó khăn, nên cuốn sách có thể cũng còn những thiếu sót. Rất mong các quý độc giả xa - gần có những ý kiến đóng góp xây dựng để nâng cao chất lượng cuốn sách trong lần xuất bản sau. Ban thường vụ Đảng ủy thị trấn Việt Lâm xin trân trọng giới thiệu cuốn “Truyền thống cách mạng, của Đảng bộ và nhân thị trấn Nông trường Việt Lâm (1967-2015)” tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Thị trấn Việt Lâm, ngày tháng 4 năm 2017 T.M BAN CHẤP HÀNH BÍ THƯ Nguyễn Xuân Hải 2
  3. Chương I SƠ LƯỢC VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI CỦA THỊ TRẤN NÔNG TRƯỜNG VIỆT LÂM I. Vị trí địa lý - điều kiện tự nhiên Thị trấn Nông trường Việt Lâm là địa bàn vùng thấp của huyện Vị Xuyên, phía Đông giáp xã Ngọc Linh; Phía Tây giáp xã Việt Lâm; Phía Nam giáp xã Trung Thành; Phía Bắc giáp thị trấn Vị Xuyên. Trước năm 1958, thị trấn Nông trường Việt Lâm thuộc địa bàn của 4 xã: Đạo Đức; Việt Lâm; Bạch Ngọc; Trung Thành. Địa hình đồi núi thấp có độ cao dưới 1000 mét, tạo ra tiềm năng về đất đai trù phú, màu mỡ; với tổng diện tích tự nhiên 1.901,22 ha, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp là 993,39 ha; đất lâm nghiệp 647,1 ha; đất khác 260,73ha. Hệ thống sông, suối trên địa bàn thị trấn rất phong phú. Có dòng sông Lô bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua. Ngoài sông Lô còn có các Suối Mực chảy qua địa bàn Thôn Mí, Suối Đồng chảy qua địa bàn Thôn Suối Đồng và nhiều suối nhỏ rất đa dạng, được phân bố đều trên địa bàn Thị trấn. Đây là nguồn nước tưới tiêu rất thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu để phát triển sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân trong Thị trấn. Khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, oi bức bất thường, mưa gió đột ngột; lượng mưa trung bình hằng năm là 1.600 mm, tập trung vào các tháng 6, 7, 8, 9. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khô hanh và giá rét. Thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như vùng lúa, ngô, cây ăn quả, đặc biệt là phát triển cây chè cao sản. Là trung tâm, cửa ngõ của các xã phía Nam của huyện Vị Xuyên, giao thông đi lại thuận tiện. Từ những thuận lợi trên, đã hình thành một Thị trấn năng động, có nhiều tiềm năng trong phát triển dịch vụ - thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Trước những năm 60 của thế kỷ XX trở về trước, diện tích tự nhiên của thị trấn Nông trường Việt Lâm chủ yếu là rừng nguyên sinh và rừng tạp do đồng bào dân tộc đã khai phá, đan xen; rừng nguyên sinh có nhiều chủng loại động, thực vật đa dạng và phong phú như: Cây lấy gỗ, tre, nứa, vầu, giang, mây, song…cùng nhiều loại gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Đinh, Nghiến, Sến, Táu, Trai, Lát…; nhiều loại cây dược liệu quý như: Sa nhân, Mã tiền, hạt Dổi…; nhiều loại cây ăn quả tự nhiên như: Dâu gia, Trám đen, Trám trắng…; nhiều lâm, thổ sản quý như: mật ong, mộc nhĩ, nấm…;nhiều động vật quý hiếm như: Hổ, Báo, Gấu, Sơn dương, Khỉ; các loài chim, gà rừng…. Từ đó có thể khẳng định: Rừng trên địa bàn Thị trấn là “rừng vàng”. Rừng đã mang lại cho nhân dân Thị trấn một nguồn lợi đáng kể. Nhưng ngày nay tài nguyên rừng đã bị cạn kiệt, muông thú quý hiếm hầu như không còn. Tình trạng đó do việc khai thác bừa bãi; không có kế hoạch khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới... Thiên nhiên ở thị trấn Nông trường Việt Lâm đã tạo ra nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, song cũng gây ra không ít khó khăn do địa hình vùng thấp, thường xuyên bị ngập úng, gió lốc hàng năm đã gây những thiệt hại không nhỏ trong lĩnh vực sản xuất Nông - Lâm nghiệp và đời sống của nhân dân. Những thuận lợi và 3
  4. khó khăn đó vừa là thời cơ vừa là thách thức để phát huy nội lực, sáng tạo, tự vượt khó đi lên của nhân dân các dân tộc thị trấn Nông trường Việt Lâm trong việc xây dựng quê hương, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc và văn minh. II. Tình hình xã hội. Từ trước năm 1958, thị trấn Nông trường Việt Lâm thuộc địa bàn của 4 xã thuộc huyện Bắc Quang. Nông trường Việt Lâm được thành lập ngày 28 tháng 11 năm 1958. Từ 1958 - 1962 Nông trường Việt Lâm trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Giang quản lý; Từ năm 1962 - 1968 trực thuộc Bộ Nông trường quản lý; Từ năm 1968 - 1982 do Ủy ban Nông nghiệp Trung ương quản lý; từ 1982-1986 do Bộ công nghiệp - Thực phẩm quản lý; từ năm 1986 đến khi giải thể do UBND tỉnh Hà Tuyên, sau là tỉnh Hà Giang quản lý. Hiện nay thị trấn Nông trường Việt Lâm có 1.540 hộ với 5.990 nhân khẩu, địa giới hành chính gồm có 14 tổ dân phố. Số hộ cán bộ công nhân viên chức 13% nghỉ hưu chiếm 15% thị trấn; số hộ dịch vụ tiểu thủ công nghiệp chiếm 20,33%; số hộ nông nghiệp 51,67%. Sản xuất, chế biến chè là một lĩnh vực mũi nhọn của nhân dân thị trấn Nông trường Việt Lâm trong suốt quá trình hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay. Năm 1958, Nông trường được thành lập cũng là Nông trường Quốc doanh đầu tiên của tỉnh Hà Giang. Là nơi hội tụ, sinh sống của 16 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm 66,54% ở tất cả các tổ dân phố; Tày chiếm 14,63% chủ yếu ở tổ 3 (Thôn Mí); dân tộc Mông 6,96% chủ yếu ở tổ 14 (Suối Đồng) và một số dân tộc khác. Các dân tộc thị trấn Nông trường Việt Lâm vốn có đời sống văn hóa, tinh thần khá phong phú, mặc dù mỗi dân tộc mang sắc thái riêng, có trình độ phát triển kinh tế, văn hóa và phong tục tập quán riêng. Nhưng đồng bào các dân tộc ở đây đã sống với nhau trong tình đoàn kết, hiểu biết nhau, cùng nhau góp sức xây dựng và phát triển quê hương. Cho đến nay, các dân tộc ở Thị trấn vẫn bảo tồn và phát huy được nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Các yếu tố đó được thể hiện trên bộ trang phục và các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ của dân tộc. Dân tộc nào cũng có một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần riêng biệt như: Lễ hội Gầu Tào, thổi khèn, múa khèn dân tộc Mông; Lễ hội Lồng Tông, hát si, hát lượn, đánh quay, ném còn của người Tày, người Nùng… Chương II ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN THỊ TRẤN NÔNG TRƯỜNG VIỆT LÂM THỜI KỲ TRƯỚC NĂM 1986 I. Nông trường Quốc doanh Việt Lâm được thành lập thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế 1958 - 1966 Năm 1958, năm đầu của Kế hoạch 3 năm cải tạo Xã hội Chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương 4
  5. Đảng, tháng 11 năm 1958 đã chỉ rõ: Trọng tâm trước mắt là đẩy mạnh cuộc cải tạo Xã hội Chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và cải tạo Xã hội Chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế Tư bản - Tư doanh, đồng thời phải ra sức phát triển thành phần kinh tế Quốc doanh là lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu quan trọng cần đạt được trong 3 năm (1958 - 1960) là nhằm xác lập quan hệ sản xuất mới Xã hội Chủ nghĩa; xóa bỏ sự áp bức, bóc lột và các tàn dư do chế độ xã hội Thực dân và Phong kiến để lại, tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần cho chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Để đạt được hiệu quả cao về công cuộc cải tạo Xã hội Chủ nghĩa, Đảng ta chủ trương trước hết phải thay thế các hình thức sở hữu cá thể bằng hình thức tập thể, nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân lao động, từng bước đưa các hình thức từ thấp lên cao. Đảng ta với chủ trương trước mắt phải thay thế hết hình thức sở hữu cá thể bằng hình thức tập thể. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, chính phủ về khai lập vùng kinh tế mới tại Hà Giang. Tháng 7 năm 1958, qua nhiều lần khảo sát về thổ nhưỡng, khí hậu, đặc điểm, tình hình xã hội nhiều địa bàn trong Tỉnh. Cuối cùng đã lựa chọn vùng đất Thị trấn hiện nay, vùng đất phù hợp với sự phát triển Nông - Lâm nghiệp và chăn nuôi theo hướng công nghiệp; xác định cây chè là cây kinh tế chủ lực có thể đem lại lợi ích kinh tế cao phù hợp với hình thức sở hữu và phương thức sản xuất kinh tế Quốc doanh, kinh tế tập thể từ đó đã hình thành đội sản xuất đầu tiên, tên gọi là đội Tiền Phong cũng là bộ khung ban đầu của Nông trường có 17 người, chủ yếu là cán bộ cốt cán của Tỉnh, của Bộ và Ty Nông nghiệp Hà giang được tăng cường về lãnh đạo, chỉ đạo gây dựng và thành lập Nông trường Quốc doanh với ngành nghề sản xuất Nông nghiệp và chăn nuôi. Ngày 5 tháng 11 năm 1958, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Giang chính thức Quyết định thành lập Nông trường Quốc Doanh Việt Lâm. Nhiệm vụ đầu tiên của bộ máy là tiến hành thành lập chi bộ Đảng, sắp xếp củng cố nhân sự bộ máy điều hành của Ban Giám đốc Nông trường, tuyển dụng công nhân lao động tổ chức thành lập các tổ, đội sản xuất. Ngày 25 tháng 11 năm 1958, chi bộ đầu tiên của Nông trường chính thức được thành lập và tổ chức Đại hội chi bộ lần thứ Nhất để bầu ra Bí thư, Phó Bí thư chi bộ lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị của Nông trường. Đồng chí Nguyễn Văn Mậu - Phó Giám đốc Nông trường được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Nông trường đầu tiên được bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ. Đại hội lần thứ Nhất đã đề ra Nghị quyết lãnh đạo để xây dựng và phát triển Nông trường, nhiệm vụ trước mắt là lựa chọn vị trí để xây dựng nhà làm việc, xưởng xao - sấy thủ công để chế biến thí điểm, khảo sát vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng để quy hoạch trồng chè và chăn nuôi đại gia súc. Mục tiêu trước mắt là tuyển dụng công nhân lao động để phục vụ sản xuất. Sau Đại hội lần thứ Nhất của chi bộ, Ban Giám đốc tập trung bắt tay vào công việc tiến hành lựa chọn vị trí để xây dựng nhà làm việc cho bộ khung lãnh đạo, sau khi khảo sát đã lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở và nhà làm việc tại Làng Vàng xã Đạo Đức (hiện nay). Đồng thời xây dựng nhà chế biến chè hoàn toàn thủ công để chế biến 5
  6. thử nghiệm. Bộ khung ban đầu gọi là đội Tiền phong cũng là bộ máy lãnh đạo, quản lý của Nông trường. Năm 1958-1959 với chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, trực tiếp quản lý chỉ đạo của Tỉnh Hà Giang về kêu gọi xây dựng vùng kinh tế mới. Với chủ trương trên chi bộ, Ban Giám đốc Nông trường quyết định tuyển dụng công nhân lao động tại thị xã Hà Giang, Quản Bạ, Bắc Quang để phát triển chăn nuôi; trong đợt đầu kêu gọi tuyển dụng được 35 cán bộ, công nhân với số nhân lực hiện có, chi bộ, Ban Giám đốc cử người sang huyện Bảo Lạc - Cao Bằng mua bò giống về nuôi, lúc đầu cũng làm chuồng nuôi tại Làng Vàng. Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, Kế hoạch của Ban Giám đốc, cuối năm 1958, đầu năm 1959 bắt đầu triển khai trồng thí điểm chè ở km 20 khu vực Bưu Điện Vị Xuyên và Ngân hàng Nông nghiệp và khu vực trường nội trú của huyện Vị Xuyên (hiện nay), diện tích trồng thí điểm gần 5 ha, giống chè shan được mua hạt giống từ xã Cao Bồ, xã Thượng Sơn, Tuy nhiên trong bối cảnh chung của miền Bắc lúc bấy giờ, đặc điểm kinh tế chung của tỉnh Hà Giang. Thực trạng tại địa bàn đóng quân của Nông trường, đại đa số là đồng bào các dân tộc, trình độ dân trí thấp, nền kinh tế nông nghiệp nhỏ bé và lạc hậu, canh tác theo tập quán truyền thống phát nương làm rẫy, hái lượm, vào rừng đào củ mài kiếm sống. Nhận thức của nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc còn hết sức hạn chế, còn xa lạ với mô hình kinh tế Tập thể, kinh tế Quốc doanh; việc vận động con, em đồng bào dân tộc tại địa bàn để làm công nhân Nông trường đó là bài toán khó của chi bộ Đảng, Ban Giám đốc Nông trường; trước thực trạng thiếu công nhân lao động, Chi bộ, Ban Giám đốc tiếp tục đề nghị Tỉnh, Bộ Nông trường cho chủ trương về các tỉnh miền xuôi kêu gọi tuyển gấp thêm công nhân lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới tại tỉnh Hà Giang để bổ sung lực lượng cho các tổ khai hoang mở thêm diện tích trồng chè và chăm sóc diện tích chè hiện có. Được sự nhất trí của tỉnh Hà Giang, Huyện Bắc Quang, Ban Giám đốc đã cử cán bộ xuống các tỉnh Hà Nam, Thái Bình đợt một tuyển được hơn 50 công nhân lao động, nâng tổng số cán bộ, công nhân lên 85 người vào cuối năm 1959. Sau thời gian khảo nghiệm, cây chè phát triển tốt phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác lúc bấy giờ. Xác định trồng trọt phải gắn với chăn nuôi đại gia súc để cung cấp thực phẩm, tận dụng nguồn phân, và sức kéo phục vụ sản xuất; việc xây dựng chuồng trại được triển khai xây dựng tại đội Tiền phong Làng Vàng, đồng thời cử người sang Bảo Lạc Cao Bằng để mua được 30 con bò giống, quy mô sản xuất chăn nuôi ngày càng mở rộng thêm. Thực hiện Nghị quyết XVI (khóa II) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (4/1959) về đẩy mạnh công tác cải tạo Xã hội Chủ nghĩa trên toàn miền Bắc. Được sự chỉ đạo của Tỉnh và Huyện; Chi bộ, Ban Giám đốc đã kết hợp hai nhiệm vụ sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới gắn với nâng cao đời sống của công nhân lao động, phát động phong trào thi đua trong lao động; sắp xếp tổ - đội sản xuất hợp lý, luôn đi sâu, đi sát đôn đốc và chỉ đạo các tổ Trưởng tổ - đội sản xuất tích cực chủ động lên kế hoạch cho từng vụ sản xuất từ khâu chuẩn bị giống, ủ phân xanh, thuốc trừ sâu, thời điểm chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật… Kết hợp trồng xen canh để lấy ngắn nuôi dài, từ đó đời sống công nhân từng bước được cải thiện. 6
  7. Tại thời điểm này Huyện Bắc Quang vừa diễn ra Đại hội Đảng bộ lần thứ III. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện có nhiều phong trào được phát động, như phong trào Hợp tác xã Nông nghiệp phát triển rộng rãi trên toàn địa bàn Huyện. Phương thức sản xuất Xã hội Chủ nghĩa từng bước được xác lập, nền kinh tế Tiểu nông - Cá thể ngày càng thu hẹp. Người dân dần dần làm quen với phương thức làm ăn mới. Không khí lao động tập thể đã tạo ra niềm tin và sự cổ vũ tinh thần hăng hái lao động sản xuất của cán bộ, công nhân và nông nhân. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp ngày càng phát triển, năng suất tăng nhanh, đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện. Cán bộ, công nhân và nhân dân càng thêm tin tưởng vào con đường làm ăn mới, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, họ càng tích cực tham gia xây dựng quê hương. Tất cả các ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp; Huyện tích cực vận động những người buôn bán nhỏ và các ngành nghề khác nhau vào các tổ chức Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác, khẩn trương xây dựng các Hợp tác xã mua bán… Từ ánh sáng của Nghị quyết, cơ hội được mở ra cho cán bộ, công nhân Nông trường và nhân dân. Tháng 2 năm 1959, chi bộ Đại hội lần thứ II với sự tham dự 17 đảng viên. Đại hội tiếp tục tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư chi bộ - Phó Giám đốc Nông trường, bầu đồng chí Nguyễn Văn Chính Phó Bí thư chi bộ - Giám đốc Nông trường Việt Lâm. Đại hội lần thứ II đánh dấu bước phát triển vượt bậc của chi bộ sau một năm củng cố bộ máy lãnh đạo, các tổ - đội sản xuất được kiện toàn bổ sung thêm lực lượng công nhân lao động. Đại hội đã đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Nông trường qua 1 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết của chi bộ; những thuận lợi khó khăn, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo của nhiệm kỳ tiếp theo. Về thuận lợi: tiềm năng đất đai thổ nhưỡng phù hợp cho sinh trưởng và phát triển cây chè, điều kiện để hình thành phát triển chăn nuôi có tiềm năng, lợi thế, việc kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi đem lại lợi ích song hành. Tuy nhiên về khó khăn: những ngày đầu số cán bộ, công nhân được tuyển dụng về Nông trường trong điều kiện sống còn gặp rất nhiều khó khăn, rừng thiêng nước độc, muỗi vắt hoành hành, công việc vất vả, thiếu thốn lương thực - nhu yếu phẩm, ốm đau bệnh tật xảy ra thường xuyên, nỗi nhớ nhà xa gia đình vượt quá sức chịu đựng của mỗi công nhân, nhiều người sau một thời gian phải bỏ việc về quê. Trước khó khăn đó Đại hội cũng đánh giá, tìm ra giải pháp đó là cần phải tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống của công nhân và nhân dân, không trông chờ sự bao cấp của Nhà nước, thường xuyên quan tâm chăm lo cho đời sống của công nhân, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ - thể thao, tạo khí thế phấn khởi để công nhân yên tâm công tác. Về phương án Sản xuất, tiếp tục khảo sát mở rộng diện tích khai hoang trồng mới thêm được 5 ha chè nâng tổng số toàn Nông trường trồng được 10 ha, ngoài ra chi bộ tiếp tục chỉ đạo mở thêm diện tích trồng cây lương thực phục vụ đời sống công nhân lao động và tận dụng phụ liệu để chăn nuôi. Ngày 10-9-1960, Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã họp ở thủ đô Hà Nội. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đã chỉ rõ: Từ ngày hoà bình lập lại, Cách mạng Việt Nam đã chuyển 7
  8. sang giai đoạn mới: miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội, miền Nam tiếp tục Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân; nhiệm vụ chung của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc; đồng thời đẩy mạnh Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường sức mạnh của khối đồng minh Xã hội Chủ nghĩa và bảo vệ nền hòa bình ở Đông - Nam Á và trên Thế giới”. Đại hội đánh giá đến cuối năm 1960, ở miền Bắc, 84,8% số hộ nông dân lao động đã gia nhập Hợp tác xã, chiếm 76% tổng diện tích canh tác; trong 41 nghìn Hợp tác xã có 4.346 Hợp tác xã bậc cao, chiếm 12% tổng số Hợp tác xã; nghề cá có 520 Hợp tác xã, chiếm 77,2% tổng số hộ nông dân; nghề muối có 269 Hợp tác xã, chiếm 85% tổng số hộ làm muối. Ở thành thị, 100% số cơ sở công nghiệp Tư bản, Tư doanh thuộc diện cải tạo đã được tổ chức thành Xí nghiệp, Công ty hợp doanh, Xí nghiệp hợp tác. 1.553 chủ tư sản được cải tạo thành người lao động. 90% tổng số thợ thủ công trong diện cải tạo đã tham gia các Hợp tác xã thủ công nghiệp bậc vừa và bậc thấp; hơn 7 vạn thợ thủ công chuyển sang sản xuất nông nghiệp. 60% tổng số người buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, kinh doanh ngành ăn uống thuộc diện cải tạo đã tham gia Hợp tác xã, Tổ mua bán, làm đại lý cho Thương nghiệp quốc doanh và trên 1 vạn người đã chuyển sang sản xuất Nông - Lâm nghiệp. Đi đôi với cải tạo quan hệ sản xuất, kế hoạch Nhà nước trên nhiều lĩnh vực đã hoàn thành, thành phần kinh tế Quốc doanh ngày càng phát triển, có tác dụng lãnh đạo rõ rệt trong nền kinh tế quốc dân. Từ 16 Nông trường Quốc doanh năm 1957 đã lên 59 Nông trường Quốc doanh năm 1960. Công nghiệp Quốc doanh năm 1960 chiếm 89,9% giá trị sản lượng công nghiệp; vận tải Quốc doanh chiếm 79,7% tổng khối lượng vận tải hàng hoá tính theo tấn/km; Thương nghiệp Quốc doanh chiếm 49,5%, nếu kể cả thương nghiệp Hợp tác xã và Tư bản Nhà nước chiếm 91%. Đại hội đã thông qua phương hướng và nhiệm vụ của “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” (1961-1965) về phát triển kinh tế và văn hoá - xã hội theo định hướng Chủ nghĩa Xã hội, quyết định những chủ trương về củng cố Đảng, và thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới. Bác Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cuối tháng 12-1960, Hội đồng Chính phủ họp kiểm điểm tình hình thực hiện “Kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá” (1958-1960), nhận định: Công tác cải tạo Xã hội Chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công - thương nghiệp, tư bản tư doanh đã thu được thắng lợi có tính chất quyết định. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản và các hoạt động kinh tế - tài chính đã phát triển thêm một bước quan trọng lên tầm cao mới. Công tác văn hoá, giáo dục, y tế đã thu được những thành tích to lớn. “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” phát triển kinh tế quốc dân (1961-1965) là “Kế hoạch phát triển trung hạn thứ hai” của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; “Kế hoạch trung hạn lần thứ nhất” là Kế hoạch 3 năm 8
  9. (1958-1960). Các phương hướng và mục tiêu chính của kế hoạch này đã được Đảng Lao động Việt Nam đề ra vào tháng 9 năm 1960 tại Hội nghị đại biểu toàn Quốc của Đảng. Đặc biệt Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết Đại hội về các nhiệm vụ của “Kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất”, trong đó có đoạn: “Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau”. Chủ trương này của Đảng Lao động Việt Nam được thực hiện bằng việc tổ chức di dân từ các địa phương vùng đồng bằng Sông Hồng lên sinh sống và sản xuất tại các địa phương miền núi và trung du phía Bắc. Với những chủ trương chính sách mới của Đại hội Đảng lần thứ III, cùng với những kế hoạch của Bộ Nông trường trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tập trung thúc đẩy kinh tế nông nghiệp để có thể đảm bảo một phần nhu cầu lương thực, các Nông trường còn là các địa điểm tập kết bí mật dùng để huấn luyện các đơn vị quân đội trước khi hành quân vào Nam tham chiến. Việc hình thành các Nông trường cũng thúc đẩy hình thành các khu dân cư tập trung mới ở những vùng xâu, vùng xa - vùng đặc biệt khó khăn, góp phần làm tăng nhanh dân số cơ học tại một số địa phương. Do đặc điểm khá biệt lập này mà các Nông trường vừa mang đặc tính một đơn vị sản xuất kinh tế, vừa là đơn vị hành chính gần như độc lập với chính quyền địa phương (các Nông trường thường trực thuộc cấp Bộ, hoặc trực thuộc Quân đội). Dần dần, những khu dân cư tập trung này phát triển thành những thị tứ, thị trấn đông đúc, được công nhận trở thành một đơn vị hành chính chính thức. Những chính sách đó đã tạo ra khí thế và động lực mới cho các Nông trường mới hình thành và còn non trẻ như Nông trường Việt Lâm để có cơ hội phát triển. Đầu tháng 10 năm 1960, chi bộ Nông trường Việt Lâm Đại hội lần thứ III với sự tham dự 27 đảng viên. Tại Đại hội này đã thông qua thư của Bác Hồ gửi cán bộ, công nhân Nông trường Nhà nước, ngày 01 tháng 10 năm 1960 với nội dung: “Cũng như mọi công việc khác, để xây dựng Nông trường Quốc doanh thắng lợi, cần phải nắm vững ba điều: - Đảng phải lãnh đạo thật chặt chẽ. - Toàn thể cán bộ và công nhân phải thấm nhuần tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, và tinh thần làm chủ Nông trường. - Tổ chức chi bộ và công đoàn phải chặt chẽ, kỷ luật lao động phải nghiêm chỉnh. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Cán bộ chính trị phải học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật phải học chính trị để trở thành những cán bộ toàn diện. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên Thanh niên phải làm đầu tàu, phải gương mẫu trong mọi việc. Cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc công việc với quần chúng, thì khó khăn gì cũng khắc phục được, kế hoạch gì cũng hoàn thành tốt. Mọi người phải làm đúng khẩu hiệu: “cần, kiệm xây dựng Nông trường”. 9
  10. Khí thế của Đại hội Lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, đặc biệt là thư của Chủ Tịch Hồ Chí Minh tạo ra động lực mới, khí thế mới cho Đại hội, là niềm cổ vũ to lớn cho cán bộ và công nhân Nông trường lúc bấy giờ. Đại hội tiếp tục bầu đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư chi bộ giữ chức vụ Phó Giám đốc Nông trường, đồng chí Nguyễn Văn Chính tiếp tục được bầu Phó Bí thư chi bộ giữ chức Giám đốc Nông trường Việt Lâm. Đại hội lần thứ III được diễn ra trong thời điểm vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, Đại hội đã mở ra nhiều chính sách mới có tác động đến sự hình thành và phát triển của Nông trường. Đại hội đã sớm vận dụng chủ trương chính sách của Đảng để xây dựng Nghị quyết mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống của công nhân lao động. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Ban Giám đốc đã tiếp tục chỉ đạo rà soát các vùng đất hoang vào mục đích phát triển trồng chè, cây lương thực, thực phẩm và mở rộng quy mô chăn nuôi. Lúc này cán bộ, công nhân Nông trường gồm nhiều thành phần các dân tộc trong và ngoài tỉnh, đặc biệt thời điểm này Tỉnh đã điều động thêm cán bộ kỹ thuật gồm ông Trần Doanh, ông Nguyễn Chí Khánh của Công ty Nông nghiệp Hà Giang xuống để chỉ đạo kỹ thuật cho trồng trọt, chăn nuôi của Nông trường. Ngoài ra còn có một số cán bộ được điều động đến để hỗ trợ, tham mưu cho bộ máy Ban Giám đốc và các tổ - đội sản xuất. Tổ chức tuyển dụng công nhân tại tỉnh Hà Tây 100 người, nâng tổng số toàn Nông trường lên tới gần 185 người. Đến cuối năm 1960 tổng diện tích chè trồng mới được lũy kế các năm được 23,57 ha, trong đó trồng mới được 13,7 ha trong năm 1960. Tháng 9 năm 1961, do tình hình phát triển của Nông trường ngày càng mở rộng với quy mô lớn hơn cần phải sử dụng những cán bộ có kinh nghiệm làm công tác quản lý. Trước tình hình đó, Tỉnh Quyết định điều động đồng chí Hán Duy Thanh là Trưởng Ban công tác Nông thôn xuống làm Giám đốc thay đồng chí Nguyễn Văn Chính. Năm 1961 chi bộ Nông trường tổ chức Đại hội lần thứ IV đã tiếp tục tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư chi bộ - Phó Giám đốc Nông trường; đồng chí Hán Duy Thanh làm Phó Bí thư chi bộ - Giám đốc Nông trường. Tại Đại hội lần thứ IV chi bộ đưa ra chủ trương giao cho Ban Giám đốc khảo sát địa điểm thuận lợi để di chuyển trụ sở Nông trường Bộ, thành lập tổ khai hoang, tiếp tục mở rộng quy mô diện tích trồng chè và hệ thống chuồng trại để phát triển chăn nuôi, tuyển dụng thêm công nhân lao động. Sau Đại hội đã tiến hành khảo sát nhiều vị trí cuối cùng, tổ chức hội thảo xin ý kiến đã quyết định lựa chọn vị trí tại km 27 (đường Hà Giang - Tuyên Quang) ngày nay để xây dựng trụ sở Nông trường bộ. Đồng thời, tiếp tục tuyển dụng thêm hơn 250 công nhân lao động tại các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình để bổ sung lực lượng cho mở rộng sản xuất, nâng tổng số công nhân lao động toàn Nông trường 435 người. Sau khi tuyển dụng lao động với nguồn lao động sẵn có, Nông trường tiếp tục đưa ra chủ trương mở rộng diện tích trồng chè ở đội Tiền Phong và mở rộng diện tích chăn thả bò và xây dựng chuồng trại để nuôi thí điểm bò sữa, trại bò được xây dựng ở Luông (km24) và đặt tên là đội 19. 10
  11. Từ ngày 18 đến ngày 26-4-1962, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá II thông qua Kế hoạch Nhà nước năm 1962; dự toán ngân sách Nhà nước năm 1962 và ra Bản Tuyên bố lên án Đế quốc Mỹ vũ trang xâm lược miền Nam Việt Nam. Từ ngày 4 đến ngày 6-5-1962, Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn Quốc lần thứ 3 họp tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.060 đại biểu được lựa chọn từ các cơ sở thuộc đủ các ngành, các giới (Công nghiệp, Nông nghiệp, lực lượng vũ trang, lao động trí thức, sự nghiệp hành chính, văn - nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, thiếu nhi). Đại hội đã tuyên dương 4 đơn vị lá cờ đầu là: Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình), Hợp tác xã thủ công nghiệp Thành Công (Thanh Hoá), Trường phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam), Phong trào Ba Nhất của Quân đội và 45 Anh hùng Lao động. Từ ngày 23 đến ngày 27-10-1962, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II, đã thông qua: Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp; Nghị quyết về việc đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc. Cũng thời điểm này Nông trường được chuyển giao về Bộ Nông trường quản lý, thời điểm đó đồng chí Nghiêm Xuân Yên làm Bộ trưởng bộ Nông trường. Để thực hiện chủ trương và nâng cao vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và vai trò điều hành của Ban Giám đốc, đồng chí Bế Kim Doanh được Bộ Nông trường quyết định điều động lên làm Giám đốc thay đồng chí Hán Duy Thanh. Đồng thời Nông trường được điều động tăng cường thêm cán bộ, đảng viên để tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch sản xuất, khai hoang, mở rộng phát triển diện tích cây chè; lúc này chi bộ đã có tới 40 đảng viên. Với yêu cầu đặt ra trong công tác lãnh đạo là thành lập Đảng bộ Nông trường. Tuy nhiên việc tổ chức sản xuất, công cụ, phương tiện phục vụ sản xuất giai đoạn này lại trong điều kiện hoàn toàn thủ công chưa có máy móc, thiếu vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông nghiệp. Nhưng chỉ riêng việc tổ chức lại sức lao động trên cơ sở tập thể hóa tư liệu sản xuất cũng có thể tạo ra một năng suất lao động mới cao hơn. Muốn cho việc tập hợp sức lao động tạo thành một lực lượng sản xuất mới, thì sức lao động tập hợp phải đạt đến một số lượng và chất lượng nhất định, vì phải đến một mức độ nhất định mới có thể đẻ ra một sự phân công lao động mới, và do đó, mới có thể có sự chuyển biến trong sản xuất. Vì thế Chi bộ, Ban giám đốc cần phải kiện toàn sắp xếp biên chế bộ máy lãnh đạo, quản lý theo tổ - đội phụ trách các mảng công việc khác nhau, như thành lập đội khai hoang do đồng chí Võ Văn Sung phụ trách, Đội Chăn nuôi... Đó là khâu chính trong phân công lao động mới của Chi bộ, Ban Giám đốc lúc bấy giờ cũng có chủ trương đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ IV. Tháng 11 năm 1962, Đại hội Chi bộ lần thứ V được tổ chức, Đại hội có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là thông qua Quyết định thành lập Đảng bộ Nông trường Việt Lâm trực thuộc tỉnh ủy Hà Giang và thành lập các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ; Đại hội đã bầu ra 7 đồng chí trong Ban Chấp hành, đồng chí Nguyễn Văn Mậu được tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy Nông trường giữ chức Phó Giám đốc Nông trường, đồng chí Bế Kim Doanh làm Phó Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Nông trường. Đại hội quyết định thành lập 5 chi bộ trực thuộc Đảng bộ. 11
  12. Đảng bộ được thành lập theo Quyết định của tỉnh ủy Hà Giang, Đảng bộ có trên 40 đảng viên, được chia làm 5 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Nông trường. Tại Đại hội đã đưa ra chủ trương chuyển toàn bộ cơ quan Nông trường bộ từ km 18 xuống km 27 thị trấn Nông trường Việt Lâm ngày nay. Cũng vào thời điểm này, Nông trường Việt Lâm vinh dự được Bộ Nông trường lựa chọn vào diện Liên Xô viện trợ giúp đỡ về phương tiện, máy móc hiện đại, gồm: máy ủi C100, máy ủi DT75, máy kéo DT 54 và các máy móc hiện đại khác. Với chủ trương đưa cơ giới hóa vào khai hoang để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất, nhiệm vụ trước mắt là tổ chức thành đội cơ khí của Nông trường do đồng chí Lê Hữu Tài làm Đội trưởng, để vận hành phương tiện hiện đại trên Nông trường đã điều động 10 công nhân có trình độ đi đào tạo nghề lái máy, vận hành máy và cán bộ đo đạc. Ngày 14 tháng 4 năm 1962, Nông trường tổ chức Lễ ra quân hạ điền với một số loại máy móc, phương tiện hiện đại tại lô chè Nguyễn Văn Trỗi đội 3, với sự có mặt của các chuyên gia Liên Xô. Thời điểm này Nông trường Việt Lâm là một đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa cơ giới hóa, máy móc hiện đại vào sản xuất. Lúc bấy giờ Nông trường thể hiện rõ nét nhất về vai trò lãnh đạo xã hội của giai cấp công nhân lao động đầu tiên của tỉnh Hà Giang, các tổ chức đoàn thể cũng được thành lập; đặc biệt là vai trò của lực lượng Đoàn viên, Thanh niên, của tổ chức công đoàn; các phong trào thi đua lao động sản xuất được phát động thường xuyên, tạo nên khí thế mới, động lực mới cho sản xuất, lúc này trên địa bàn là một đại công trường lao động hăng say không biết mệt mỏi, mặc dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Để mô hình Nông trường Quốc doanh đảm bảo phát triển theo mục tiêu của Đảng Nhà nước, cuối năm 1962 đầu năm 1963 đồng chí Nghiêm Xuân Yên - Bộ Trưởng Bộ Nông trường lên thăm và công bố Quyết định Nông trường Quốc doanh Việt Lâm từ Tỉnh Hà Giang quản lý, sang Bộ Nông trường quản lý. Với những những chủ trương, chính sách đặc thù lúc bấy giờ, đặc biệt là sự viện trợ của Liên Xô trong gần một năm, được cơ giới hóa đã góp phần khai hoang được đẩy nhanh tiến độ diện tích khai phá trồng chè được mở rộng, riêng năm 1962 đã khai hoang trồng chè 54,83 ha xuống khu vực km 28 vùng 1, vùng 2 của đội 3 tức là tổ 7 và tổ 11 hiện nay, nâng tổng số diện tích khai hoang để trồng chè của Nông trường lên 78,4 ha. Với quy mô phát triển rộng, nhân lực để phục vụ sản xuất còn thiếu nhiều ở các bộ phận trong các tổ - đội sản xuất, được sự nhất trí của Bộ Nông trường cho Nông trường tổ chức tuyển công nhân tại các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình được 200 công nhân để tăng cường cho các đội sản xuất, trong 6 tháng đầu năm 1963 đã tiến hành trồng được trên 41,6 ha chè tại đội 3; lũy kế toàn Nông trường đã khai hoang và trồng được 120 ha chè (trồng tại Đội 1 được 39 ha; Đội 2 được 36 ha; Đội 3 được 45 ha); đàn bò của đội Tiền Phong cũng không ngừng phát triển số đầu con, vấn đề thức ăn cho bò trở lên cấp thiết; để đảm bảo thức ăn cho đàn bò, sau khi khảo sát đồng cỏ, Đảng bộ, Ban Giám đốc quyết định quy hoạch và di chuyển đàn bò lên khu vực km 13-14 chăn thả, phần còn lại mở rộng quy mô chuồng trại, bãi chăn thả tại khu vực đội 3 (km 32 hiện nay) để tận dụng phân chuồng bón lót cho cây chè. Tại thời điểm 12
  13. này tình hình thiếu lương thực, công nhân thiếu đói triền miên, ốm đau dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét diễn ra phổ biến, không có nhà ở (chủ yếu ở bằng lều lán tạm bợ), công tác y tế khám chữa bệnh còn hết sức khó khăn, chưa có cơ sở y tế phục vụ công nhân lao động. Từ những khó khăn đó Bộ Nông trường quyết định thành lập Trạm xá Nông trường Quốc doanh Việt Lâm và điều động đồng chí Mạc Nghiễm nguyên là Y sỹ trong quân đội về làm Trạm trưởng Trạm xá và lập Trạm tại km 27+800. Năm 1963 công tác nhân sự của bộ máy lãnh đạo có sự thay đổi, Bộ điều động đồng chí Lê Thiết về làm Giám đốc thay đồng chí Bế Kim Doanh và tăng cường thêm đồng chí Tạ Đình Thông làm Phó Giám đốc, đồng chí Nguyễn Văn Mậu Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Nông trường. Số cán bộ công nhân Nông trường không ngừng tăng nhanh tại thời điểm đã có trên 635 công nhân lúc này vấn đề giải quyết lương thực, thực phẩm cho cán bộ công nhân viên chức là vấn để hết sức khó khăn; Đảng ủy, Ban Giám đốc xác định và đưa ra chủ trương là lấy ngắn nuôi dài và quyết định mở rộng khai phá sang phía bờ đông sông lô thành lập thêm đội 5 (thuộc xã Ngọc Linh bây giờ) chuyên trồng lúa phục vụ lương thực cho công nhân. Tháng 8 năm 1964, trong thời gian này, cán bộ công nhân Nông trường đang tích cực thi đua lao động sản xuất để cùng nhân dân miền Bắc đẩy mạnh thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, thì Đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc leo thang bắn phá miền Bắc trên quy mô lớn bằng Không quân và Hải quân. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, miền Bắc nhanh chóng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Lúc này, Đảng bộ, Ban Giám đốc, cán bộ công nhân lao động tập trung vừa lao động để tăng của cải đóng góp cho công cuộc chống Mỹ cứu nước vừa phải củng cố thế trận tự vệ, đào hào, công sự, hầm trú ẩn tại những khu vực trọng yếu làm nơi trú ẩn khi có tình huống xảy ra, phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ; trong thời điểm này cũng có nhiều cán bộ, công nhân Nông trường tình nguyện vào bộ đội để bổ sung cho chiến trường miền Nam. Mặc dù những năm tháng ác liệt của chiến tranh, cán bộ và công nhân Nông trường đã không ngừng khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong công cuộc xây dựng CNXH với phong trào thi đua luôn được duy trì và hoạt động có hiệu quả “Ngày làm không đủ, tranh thủ làm đêm”, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế luôn được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Đảng ủy, Ban Giám đốc luôn đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất, tinh thần, tình hình an ninh trật tự địa phương luôn được ổn định. Tháng 9 năm 1964, Đại hội Đảng bộ Nông trường Việt Lâm lần thứ VI. Nhiệm vụ của Đại hội hết sức nặng nề đó là bầu ra Ban chấp hành khóa mới, quyết định những chủ trương, giải pháp để xây dựng phát triển sản xuất gắn với chăn nuôi đại gia súc để cung cấp thực phẩm, sức kéo phục vụ sản xuất. Tại Đại hội đã bầu ra 7 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành; 3 đồng chí trong Ban thường vụ, đồng chí Nguyễn Văn Mậu tiếp tục được Đại hội bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Nông trường. 13
  14. Để đảm bảo vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc; Bộ tiếp tục điều động tăng cường thêm 3 Phó Giám đốc là đồng chí Hồ Đình Đắc, đồng chí Lê Văn Tám và đồng chí Văn Hữu Lễ chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất. Cuối năm 1964, với chủ trương tiếp tục mở rộng chuồng trại, diện tích chăn thả, chọn lọc bò sinh sản chất lượng vào chăn nuôi, tận dụng bãi thả tự nhiên và nguồn thức ăn từ nông nghiệp. Phong trào thi đua sản xuất tiếp tục được phát động, Đảng ủy, Ban Giám đốc tiến hành mở chiến dịch khai hoang mở rộng diện tích canh tác, tổ chức thành lập đội khai hoang tăng cường máy móc trang thiết bị, nhân lực lên khai hoang khu vực km17 Làng Vàng đặt tên là đội 1; từ km19 xuống km 23 đặt tên là đội 2 để trồng chè. Tăng cường một phần máy móc, thiết bị nhân lực chuyển sang đội 5 (gồm một phần đất Trung Sơn (Trung Thành) 1 phần ở Bạch Ngọc làm đất trồng 25 ha lúa. Để đảm bảo lương thực cho công nhân và tận dụng sản phẩm phụ từ nông nghiệp để chăn nuôi trâu bò; Đảng ủy, Ban Giám đốc tiếp tục chỉ đạo mở rộng khai hoang phục hóa tại khu vực đội 5 để trồng lúa và khoai, mở rộng bãi chăn thả trâu bò. Thời điểm này, tại Nông trường chưa có trường lớp học, học sinh con em công nhân đều phải đi học tận trong xã Việt Lâm. Trước những khó khăn đó đến giữa năm 1964 Nông trường đề nghị Tỉnh mở 3 lớp học gồm lớp 1, lớp 2, lớp 3 do cô giáo Nguyễn Thị Điệp công nhân Nông trường phụ trách và giảng dạy. Kết quả khai hoang đến cuối năm 1964 tiến độ khai hoang chậm, do công nhân tập trung và chăm sóc chè và xây dựng hạ tầng cơ sở. Do vậy chỉ trồng mới được 2 ha chè nâng tổng số toàn Nông trường trồng được 122 ha chè. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Đế quốc Mỹ ở miền Nam bị phá sản, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam và cho máy bay, tàu chiến ra đánh phá miền Bắc để ngăn chặn công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Sau khi dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Đế quốc Mỹ cho máy bay ra đánh phá miền Bắc. Đến tháng 2 năm 1965, chúng đánh phá miền Bắc với quy mô lớn. Như vậy, lúc này chiến tranh đã lan rộng ra cả Nước. Vì vậy, “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” không thực hiện được tới đích. Tháng 3 năm 1965, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XI ra Nghị quyết chuyển toàn bộ mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ thời bình sang thời chiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ Nông trường Việt Lâm đã nhanh chóng quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy và của Huyện ủy, chuyển mọi hoạt động của Nông trường phù hợp với tình trạng cả Nước có chiến tranh, khẩu hiệu “Vững tay cày, chắc tay súng” được phổ biến và thực hiện rộng khắp. Tháng 12 năm 1965, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ XVI đã xác định: “chống Mỹ cứu Nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc từ Bắc chí Nam”, từ đó Hội nghị nêu quyết tâm là: “kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả Nước, tiến tới hòa bình thống nhất Nước nhà” 14
  15. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về tình hình, nhiệm vụ mới và quyết tâm đánh Mỹ đến cùng của Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Bắc Quang, Đảng bộ và cán bộ, công nhân lao động và quần chúng, từng bước nâng cao tinh thần cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình chung của đất nước và địa phương; Đảng bộ, Ban Giám đốc Nông trường Việt Lâm đã họp tìm mọi biện pháp để vừa hoàn thành kế hoạch Nhà nước, vừa sẵn sàng chiến đấu. Đảng bộ xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh lao động sản xuất, cải thiện đời sống công nhân, đóng góp sức người, sức của để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Khi cả Nước có chiến tranh thì vai trò của Đảng ủy, Ban Giám đốc càng nặng nề, vừa lo xây dựng kinh tế - xã hội , lại vừa gánh vác nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh xã hội. Cùng thời điểm này các phong trào chống Mỹ luôn được phát động như “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” theo lời kêu gọi của Bác Hồ, Đảng bộ Nông trường bộ đã phát động phong trào rộng khắp đến các đoàn thể để vận động công nhân hăng hái tăng gia sản xuất, các phong trào thực hành tiết kiệm, để làm ra nhiều của cải để nâng cao đời sống và để hỗ trợ chi viện cho miền Nam ruột thịt. Năm 1965 nông trường tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi xây dựng và triển khai phương án thành lập khu chăn nuôi bò sinh sản tập trung. Như vậy đến thời điểm này toàn Nông trường có 5 trại chăn nuôi trâu, bò quy mô đó là: 01 trại bò thịt ở đội 2 khu vực km 19 và 01 trại đặt tại đội 3 km32 (nay thuộc Thôn Vạt xã Việt Lâm). Ngoài ra các đội đều phải có tổ nuôi trâu đủ để phục vụ cày, kéo phục vụ sản xuất. Mở thêm 1 trại trâu sinh sản tại đội 9 (nay thuộc xã Linh Hồ), tiến hành trồng mới được 22,51 ha chè, nâng tổng số chè toàn Nông trường lên 144,51 ha Với quy mô sản xuất chăn nuôi của Nông trường ngày càng phát triển nhân lực phục vụ sản xuất thiếu. Được sự chấp thuận của Bộ Nông trường tiếp tục tuyển thêm công nhân lao động, đây là đợt tuyển lao động với quy mô lớn tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình là 200 công nhân đảm bảo nhân lực để tăng cường công nhân cho đội 1 và đội 5 và tăng cường công nhân cho các đội để chăm sóc chè đã trồng, chế biến sản phẩm chè thu hoạch và sản xuất lương thực, như: lúa, ngô, khoai, sắn..., tổ chức chiến dịch làm phân xanh (phân hữu cơ) để trồng chè mới và thâm canh diện tích chè hiện có. Lúc này số lượng cán bộ, công nhân Nông trường đã lên trên 835 người. Tháng 5 năm 1966, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nông trường Việt Lâm lần thứ VII với sự có mặt của hơn 60 Đảng viên thay mặt cho 83 đảng viên trong toàn Đảng bộ, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành 9 đồng chí, Ban Thường vụ 3 đồng chí, Đồng chí Nguyễn Văn Mậu tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Nông trường Việt Lâm, đồng chí Mai Thế Đội Phó Bí thư Đảng ủy - Giám đốc thay đồng chí Lê Thiết, đồng chí Lê Văn Tám và đồng chí Hồ Đình Đắc tiếp tục giữ chức vụ Phó Giám đốc Nông trường. Đại hội đã đề ra Nghị quyết quan trọng trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế tạo nguồn lực để đóng góp của cải, vật chất cho kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ điều động một số cán, bộ đảng viên từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Số lượng đảng viên không ngừng được tăng cường và phát triển 15
  16. nhanh, lúc này Đảng bộ đã có 11 chi bộ với hơn 100 đảng đảng viên, bao gồm các chi bộ 1; 2; 3; 4; 5; chi bộ 19/5 (tức chi bộ 6); chi bộ cơ khí; chi bộ Đội chế biến; chi bộ khối kỹ thuật; chi bộ khối nghiệp vụ; chi bộ khối kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nông trường lần thứ VII, Nông trường tiếp tục triển khai Kế hoạch khai hoang mở rộng diện tích trồng chè sang khu đầu cầu Trung Thành được 1,3 ha nâng tổng số diện tích toàn nông trường lên 145,81 ha. Đồng thời phục hóa tận dụng tất cả quỹ đất hai bên bờ sông, suối để trồng ngô phục vụ lương thực và phát triển chăn nuôi. Cùng giai đoạn này Nông trường tiếp tục đầu tư xây dựng Trại nuôi lợn tại khu vực km 25 đặt tên là Đội 19/5 thuộc địa phận tổ 1 ngày nay số đầu lợn nuôi 1.000 con. Tuy nhiên, trước sự leo thang bắn phá miền Bắc ngày càng tàn bạo của Đế quốc Mỹ, ngày 17 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả Nước tăng cưòng đoàn kết, giữ vững quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quí hơn độc lập tự do, đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng về tiền tuyến lớn miền Nam, khắc sâu tội ác của giặc Mỹ; thời điểm này cán bộ, đảng viên, công nhân lao động của Nông trường tổ chức mít tinh, gửi Quyết Tâm Thư lên Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch, hứa ra sức đoàn kết, thi đua sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu Nước. Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua chống Mỹ do Hồ Chủ Tịch phát động tinh thần quyết tâm chống Mỹ của toàn quân và dân được nâng cao. Hàng trăm công nhân là thanh niên, phụ nữ đăng ký thực hiện “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”. Thế trận phòng thủ lực lượng dân quân tự vệ, khối cơ quan, các tổ - đội đã nâng cao nhận thức trách nhiệm hăng hái sản xuất, công tác, luôn ở tư thế sẵn sàng nhập ngũ, tái ngũ; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần. Các Phân đoàn, Chi đoàn đều đăng ký phấn đấu “4 tốt”, có hàng trăm đoàn viên thanh niên tình nguyện, mỗi đợt tuyển quân có hàng trăm thanh niên tình nguyện nhập ngũ. Trong 2 năm (1965- 1966) có gần 100 người được tuyển chọn vào bộ đội thường trực, vượt kế hoạch đề ra. Trong năm 1966, có sự biến động lớn về công tác cán bộ của Đảng ủy và Ban Giám đốc Nông trường, Tỉnh quyết định điều động đồng chí Nguyễn Văn Mậu Bí thư Đảng ủy Nông trường lên công tác tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Giang, Bộ điều động đồng chí Phạm Huy Kính về công tác tại Nông trường. II. Thị trấn Nông trường Việt Lâm được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nông trường, công nhân Nông trường cùng nhân dân Thị trấn đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, góp phần chi viện, sức người, sức của cho tiền tuyến đánh Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1967 – 1975). Thời điểm này cán bộ, công nhân, viên chức của Nông trường không ngừng tăng lên; nhiều vấn đề của đời sống xã hội dân cư phát sinh, như công tác hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, quản lý xã hội, quản lý Nhà nước… Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, xong Ban Giám đốc Nông trường chỉ có chức năng 16
  17. quản lý kinh tế, không có chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực trên. Vì vậy việc trước mắt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Nông trường cần phải sớm có chủ trương đề nghị thành lập thị trấn Nông trường Việt Lâm để làm công tác quản lý Nhà nước. Do đó ngày 28 tháng 01 năm 1967, Bộ Nội vụ có Quyết định số 25-QĐ/BNV, ngày 28/1/1967 của Bộ Nội vụ phê chuẩn thành lập thị trấn Nông trường Việt Lâm trực thuộc Huyện Bắc Quang - Tỉnh Hà Giang. Bộ máy lãnh đạo của Thị trấn chủ yếu là cán bộ Nông trường tăng cường sang đảm nhiệm các chức danh. Năm 1967, đồng chí Nguyễn Văn Xâm - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy - Phó Giám đốc Nông trường được điều động sang giữ chức danh Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Thị trấn khóa I, nhiệm kỳ (1967 - 1969), đồng chí Bế Trọng Kim làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị trấn Nông trường Việt Lâm. Tháng 3 năm 1968, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nông trường Việt Lâm lần thứ VIII được diễn ra, tại đại Hội có 80 đảng viên thay mặt cho 110 đảng viên tham dự, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 9 đồng chí, bầu 3 đồng chí vào Ban Thường vụ Đảng ủy. Đại hội đã bầu đồng chí Mai Thế Đội làm Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Nông trường; đồng chí Phạm Huy Kính Phó Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Nông trường Việt Lâm. Đại hội lần này có 2 nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là tiếp tục ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, mở rộng diện tích trồng chè, quy hoạch vùng chăn nuôi, nâng cao đời sống cho công nhân lao động, tạo của cải vật chất chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, chào mừng thắng lợi chiến dịch “Đường 9 - Khe Sanh”. Đảng bộ, Ban Giám đốc Nông trường quyết định mở chiến dịch làm đường từ Quốc lộ 2 vào đội 9 đặt tên chiến dịch là “Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh” để chào mừng chiến thắng. Trong gần 1 năm phát động chiến dịch với sự huy động tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc (như máy C100)... Nên đã hoàn thành 3,8 km đường ông Đeng (Luông) đến suối ông Dính Linh Hồ và hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đập, kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Thời điểm này đời sống công nhân lao động hết sức khó khăn, cơm không đủ ăn (30-50% ăn độn ngô, khoai, sắn), cơm gạo kém chất lượng, quần áo không đủ mặc, ở lều lán, trại, đồ dùng sinh hoạt không đầy đủ; nhiều công nhân ốm đau bệnh tật, sốt rét triền miên. Từ những khó khăn đó Đảng bộ Quyết định tiếp tục phát động chiến dịch khai hoang ruộng nước (tại xã Linh Hồ hiện nay) nhằm phát triển diện tích cấy lúa để cung cấp lương thực cho công nhân, với thời gian ngắn đã hoàn gần 50 ha ruộng. Phong trào sản xuất tiếp tục được phát động, Ban Giám đốc huy động tối đa nhân lực, phương tiện máy móc tập trung triển khai trồng chè khu vực phía đông Sông Lô; sau chiến dịch, cuối năm 1967 đầu năm 1968 đã hoàn thành việc trồng chè được 5,4 ha tại khu vực đội 5 (xã Ngọc Linh hiện nay) nâng tổng số diện tích chè đã trồng trên toàn Nông trường lên 151,21 ha. Để tận dụng tối đa quỹ đất hoang, đồng thời tận dụng phân để chăm sóc cho cây chè; Đảng ủy, Ban Giám đốc quyết định xây dựng trại bò tại một số đội sản xuất. Tại thời điểm này, tổng đàn bò khoảng 1.000 bò thịt và sinh sản, 400 trâu cày, kéo và sinh sản nuôi tại các đội; đội 3; đội 5; đội 9 và 17
  18. xây dựng thêm chuồng trại bò sữa tại đội 6 tuyển chọn khoảng 200 bò cái giống từ đội 3 chuyển sang để nuôi. Xây dựng trại nuôi lợn có gần 1.000 lợn trong đó 200 lợn nái sinh sản nuôi tại đội 2, tận dụng mọi nguồn đất đai sông, suối để trồng cây lương thực, cỏ chăn nuôi và nuôi cá. Đồng thời tiến hành nhập gần 100 con bò sữa từ Thượng Hải Trung Quốc về nuôi tại đội 4, bình quân cho khoảng 600 lít sữa/ngày. Toàn Nông trường đã trồng được tổng số 151,21 ha, trong đó 130 ha chè cho thu hoạch, năng suất đạt 8 tấn/ngày, công suất máy chế biến thủ công không đáp ứng được yêu cầu, sau khi khảo sát một số địa điểm, Ban Giám đốc quyết định chuyển xuống km 27 để xây dựng nhà xưởng chế biến, sau khi xây dựng xong nhà máy sản xuất ổn định sản lượng chế biến chè tươi từ 13-15 tấn/ngày, nhiên liệu phục vụ chế biến chủ yếu bằng than củi ủ để chế biến. Thời điểm này Nông trường Việt Lâm là địa bàn chiến lược của tỉnh Hà Giang, nơi có con đường vận chuyển chiến lược số 2 đi qua (Quốc lộ 2 hiện nay), là một đầu mối tập kết, giải tỏa, vận chuyển hàng viện trợ của Trung Quốc. Do vậy, Đảng bộ rất coi trọng củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương và cung cấp nguồn bổ sung cho bộ đội chủ lực. Lực lượng dân quân, tự vệ các tổ đội đều được trang bị vũ khí. Trong hoàn cảnh chiến tranh, tình đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa cán bộ và công nhân lao động được phát huy cao độ, đoàn kết giữa Nông trường với các địa phương lân cận tạo nên sức mạnh và niềm tin vững chắc vào thắng lợi. Đồng thời còn giúp đỡ nhân dân các địa phương lân cận sơ tán, dựng lại nhà cửa, hỗ trợ lương thực, thực phẩm để họ ổn định đời sống. Với tình cảm đó, công tác hậu phương - quân đội được mọi người, mọi lứa tuổi tham gia thực hiện, coi đó là lương tâm, trách nhiệm của mình. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân về mọi mặt, xây dựng tinh thần cách mạng tiến công, chống chủ nghĩa bảo thủ. Tập trung tổ chức tốt việc chăm lo cho đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động. Thực hiện tốt các công tác tuyển quân, xây dựng lực lương vũ trang, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trị an. Các đợt sinh hoạt chính trị được tổ chức chặt chẽ, rộng rãi trong toàn Đảng bộ Nông trường và toàn dân đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, học tập, công tác. Đoàn Thanh niên Nông trường phát động phong trào “Toàn Đoàn thừa thế xông lên”. Khí thế “3 sẵn sàng”, phong trào “3 đảm đang” của Hội phụ nữ công nhân, viên chức, nhiều chị gánh vác cả công việc của Nam giới, như: lái máy cày, trực máy nổ phát điện, cày bừa, điều hành dây truyền chế biến chè và một số việc nặng nhọc khác để Nam giới lên đường vào chiến trận. Trên mặt trận sản xuất, chế biến chè được đẩy mạnh, công nhân lao động, lực lượng Đoàn viên - Thanh niên đều đăng ký làm tăng ca nâng cao năng suất lao động. Hầu hết các chi đoàn đều thành lập đội Thanh niên xung kích, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì Tổ quốc cần; các chi đoàn, phân đoàn đều đăng ký thực hiện “4 tốt”. Đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam tiếp tục tiến công và nổi dậy, ngày 15 tháng 5 năm 1968, Hội đồng Chính Phủ quyết định tiến hành tuyển quân đợt 4 năm 1968 trên phạm vi toàn miền Bắc. Thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, 18
  19. sức của cho tiền tuyến trở nên cấp bách; Đảng bộ Nông trường đã phát động trong toàn Đảng, toàn cán bộ công nhân, viên chức thực hiện lời dạy của Bác hồ: “31 triệu đồng bào ta phải là 31 triệu dũng sỹ diệt Mỹ” và lời hiệu triệu của Ủy ban Dân tộc giải phóng miền Nam: “Hãy thừa thắng xông lên, tiếp tục tấn công và nổi dậy, tiêu diệt Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đến hang ổ cuối cùng”. Thanh niên, các công nhân Nông trường hừng hực khí thế tòng quân đánh Mỹ, chỉ trong 7 tháng đầu năm 1968 đã có trên 300 người đi khám sức khoẻ. Sau 4 đợt tuyển quân giai đoạn (1962 - 1968), cán bộ, công nhân Nông trường có 300 người được tuyển chọn bổ sung cho các Sư đoàn chủ lực vào miền Nam chiến đấu. Năm 1968 là năm tuyển quân lớn nhất, tăng gấp nhiều lần so với mọi năm, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch Tỉnh giao. Nhiều cán bộ, công nhân ưu tú của Đảng bộ được cử ra chiến trường, cũng là năm có số người tình nguyện cao nhất. Nhiều đội sản xuất công nhân vừa được tuyển ở các tỉnh miền xuôi chưa được lâu đã tiếp tục hăng hái tình nguyện vào bộ đội, những năm tháng đó cán bộ, công nhân Nông trường luôn lạc quan, yêu đời. Thanh niên lên đường vui vẻ, phấn khởi, coi đó là niềm vinh dự của bản thân và gia đình mình, của dân tộc mình. Những thanh niên công nhân thời bấy giờ lên đường tòng quân trong hoàn cảnh xa gia đình, quê hương, bản quán không có người thân đưa tiễn, có những gia đình chỉ biết con đi công nhân tại Nông trường, mà không biết con mình đã đi bộ đội, đổi lại những tình cảm đùm bọc, chia sẻ, đưa tiễn của anh em công nhân trong đơn vị, tổ, đội công tác, sự động viên của Đảng ủy, Ban Giám đốc Nông trường và các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên... Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII, theo đề nghị của Ban Giám đốc Nông trường. Đoàn quy hoạch Bộ Nông nghiệp đã khảo sát điều tra xong và lập Bản đồ thổ nhưỡng gồm 1.840 ha đất đai, sông - suối, các loại để mở rộng diện tích trồng và thâm canh cây chè, diện tích quy hoạch phía Bắc từ km 17 xuống phía Nam tới km 32 cả bên tả và hữu sông Lô đ ể mở rộng diện tích trồng chè, trước những yêu cầu đối với mở rộng quy mô sản xuất đặt ra cho Đảng bộ, cán bộ, công nhân Nông trường với tinh thần khẩn trương và ở mức độ cao hơn phát động phong trào, đợt cao điểm chiến dịch trồng chè gắn với trồng cây lương thực, thực phẩm cung cấp thêm lương thực, thực phẩm để nâng cao đời sống công nhân lao động, có tích lũy, dự trữ đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, tháng 8/1968, Đảng bộ Nông trường tổ chức đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn với chủ đề: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nội dung của đợt sinh hoạt chính trị này là: “Bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước 1968”. Trong tình hình mới, những yêu cầu đối với Nông trường cần phải khẩn trương để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Giai đoạn này diện tích gần 150 ha chè đã cho sản phẩm, do đó cần phải tập trung đầu tư dây truyền, máy xao - sấy chè với quy mô lớn hơn để chế biến hết sản phẩm, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, Ban Giám đốc: Một là, tiếp tục tuyển nhân lực ở miền xuôi bổ sung cho các đội sản xuất, đồng thời để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, khai thác tối đa điều kiện, tiềm năng hiện 19
  20. có của Nông trường để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định đời sống của cán bộ công nhân. Hai là, ra sức phát triển trồng trọt gắn với chăn nuôi, trước hết với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng quỹ đất để giải quyết tốt vấn đề lương thực. Mở rộng quy mô xưởng sản xuất, chế biến chè, nâng cao chất lượng sản phẩm nhất là khâu chế biến để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ba là, tích cực phát triển trồng chè mới phát triển mạnh sang khu vực phía Đông, phía Tây sông Lô. Bốn là, tích cực phát triển hệ thống giao thông, các tuyến đường trọng yếu và đến các đầu lô chè; mở các tuyến đường phát triển kinh tế phía bờ Đông sông Lô. Khảo sát đầu tư xây dựng cầu treo đi sang phía Đông sông Lô và đi xã Trung Thành để kết nối giao thông giữa 2 bờ sông Lô, mở rộng diện tích trồng cây lương thực, chăn nuôi, trồng chè Năm là, làm tốt công tác lưu thông, phân phối, lương thực, thực phẩm theo chế độ Tem Phiếu, mở rộng Căng tin, Cửa hàng phân phối, bán hàng phục vụ công nhân, tại km 27 khu vực Nông trường bộ, tăng cường tăng gia lao động sản xuất trồng lúa, ngô, khoai sắn để nâng cao đời sống công nhân lao động. Tăng cường đẩy mạnh công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, thành lập các đội bóng chuyền, bóng bàn, đội văn nghệ quần chúng tại các đội sản xuất để nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ công nhân. Tiếp tục khảo sát quy hoạch điểm để xây dựng Trường, Lớp học cho các cháu học sinh con em công nhân. Tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, công nhân kỹ thuật, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho cán bộ, công nhân viên chức. Trong phát triển cây chè phải song hành với sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, làm bàn đạp để giải quyết các nhiệm vụ khác. Đồng thời, phải phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm, tạo của cải vật chất nâng cao đời sống nhân dân và chi viện cho chiến tranh. Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang giành được nhiều thắng lợi hết sức to lớn, Đế quốc Mỹ ngày càng bị thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc. Ở miền Bắc, tính đến hết tháng 10 năm 1968, quân dân ta đã bắn rơi hơn 3.000 máy bay và bắn cháy hàng trăm tàu chiến của Đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ Nhất của chúng hoàn toàn bị thất bại. Ngày 01 tháng 11 năm 1968, Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc vô điều kiện. Đây là thời gian hết sức quý báu để miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hậu phương vững chắc làm hậu thuẫn cho Cách mạng giải phóng miền Nam. Tết Mậu Thân 1968, quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy ở khắp thành phố, thị xã, thị trấn và nhiều vùng nông thôn, giáng đòn sấm sét vào đầu Mỹ - Ngụỵ, buộc Đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, đồng ý đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Pari. Chào mừng chiến công to lớn của quân và dân miền Nam; cán bộ, công nhân Nông trường phát động một tháng thi đua rộng khắp nhằm đẩy mạnh sản xuất, học tập, công tác, củng cố; thực hiện 3 cuộc cách mạng (Cách mạng về quan hệ sản xuất; 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2