intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên trong các trường đại học Việt Nam thời đại số - Một số vấn đề lý luận

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

7
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên trong các trường đại học Việt Nam thời đại số - Một số vấn đề lý luận" tập trung làm rõ vai trò của giáo dục khởi nghiệp ở các trường đại học - nơi cung cấp nguồn nhân lực chính cho khởi nghiệp quốc gia. Trên cơ sở dùng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu tình hình giáo dục khởi nghiệp ở một số trường đại học, bài viết đề xuất một số vấn đề mang tính lý luận nhằm thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên trong các trường đại học Việt Nam thời đại số - Một số vấn đề lý luận

  1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM Võ Thị Như Huệ GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP CHO SINH VIÊN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM THỜI ĐẠI SỐ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN Võ Thị Như Huệ(*) Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung làm rõ vai trò của giáo dục khởi nghiệp ở các trường đại học - nơi cung cấp nguồn nhân lực chính cho khởi nghiệp quốc gia. Trên cơ sở dùng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu tình hình giáo dục khởi nghiệp ở một số trường đại học tại Mỹ, Trung Quốc, Singapore và Việt Nam, chúng tôi sẽ đề xuất một số vấn đề mang tính lý luận nhằm thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Từ khóa: Giáo dục, khởi nghiệp, giáo dục khởi nghiệp, trường đại học, sinh viên. ENTREPRENEURSHIP EDUCATION FOR UNIVERSITY STUDENTS IN VIETNAM IN THE DIGITAL AGE - THEORETICAL ISSUES Abstract: This study aims to elucidate the role of entrepreneurship education in universities, which supply the major source of labor for national startups. Using analytical, synthetic, comparative, and reference methods to examine the entrepreneurship education in selected universities in the United States, China, Singapore, and Vietnam, we present theoretical issues to promote entrepreneurship education for Vietnamese students in the current context. Keywords: Education, Entrepreneurship, Entrepreneurship education, university, student. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ (*) ThS.,Trường Đại học Quảng Nam. 230
  2. VÕ THỊ NHƯ HUỆ Trong thời đại số, sự phát triển của kinh tế số đã đặt ra nhiều vấn đề mới, vừa là cơ hội vừa là thách thức cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Khởi nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Để khởi nghiệp thành công, đòi hỏi phải có những nhà khởi nghiệp tiềm năng và năng lực. Song, năng lực của nhà khởi nghiệp không tự nhiên hay do bẩm sinh có được, mà phần lớn đều thông qua quá trình giáo dục, đào tạo và học tập (Nguyễn Hùng Phong và cộng sự, 2017). Vì vậy, để đạt được mục tiêu về khởi nghiệp không thể thiếu vai trò của giáo dục khởi nghiệp (GDKN) ở các cấp học, đặc biệt là ở bậc đại học. Ở Việt Nam, vấn đề GDKN còn mới mẻ, tại nhiều trường đại học hiện nay chưa xây dựng chương trình GDKN để đưa vào giảng dạy hoặc lồng ghép vào chương trình đào tạo. Phần lớn các trường vẫn còn mô hình dạy học truyền thống nên ít có cơ hội cho sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp tích cực (Trương Thị Quốc Ánh, 2020). Vì vậy, cần có nhiều giải pháp mạnh cả về lý luận lẫn hoạt động thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển của GDKN. Trong bài viết này chúng tôi chủ yếu đề cập đến các vấn đề mang tính lý luận trong GDKN ở các trường đại học Việt Nam. 2. MỘT SỐ KHÁI NIỆM 2.1. Khởi nghiệp Có nhiều khái niệm khởi nghiệp, dưới đây là một vài cách tiếp cận: Khởi nghiệp (entrepreneurship) là sáng tạo ra giá trị mới (create new value). Khởi nghiệp cũng được hiểu là cách mà một số cá nhân tự xác định cho mình cơ hội kinh doanh cũng như dự kiến các rủi ro, tính khả thi của các cơ hội đó để ra quyết định có triển khai, khai thác cơ hội đó hay không. Khởi nghiệp cũng là cách để phát triển kinh tế, thúc đẩy lớp trẻ khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhiều quốc gia và của các nhà hoạch định chính sách (Sobel & King, 2008). Khởi nghiệp cũng có nghĩa là "một hoạt động liên quan tới sự khám phá, đánh giá, khai thác cơ hội nhằm giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, cách thức mới điều hành doanh nghiệp, thị trường hay nguồn nguyên vật liệu mới mà trước đây chưa từng xuất hiện" (Shane, 2003). Tại Việt Nam khởi nghiệp được hiểu là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Chủ thể thực hiện khởi nghiệp theo nghĩa này cũng có thể là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc tổ chức (Thủ tướng chính phủ, 2016). Khởi nghiệp luôn đòi hỏi phải có tính đột phá, sáng tạo để tạo ra một “cái gì đó” chưa có trên thị trường hoặc tạo ra một hướng đi khác biệt, có giá trị mới trên nền tảng những cái hiện có. 231
  3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM 2.2. Giáo dục khởi nghiệp GDKN là dạy mọi người bắt đầu việc kinh doanh thành công và vận hành các doanh nghiệp để có thể sinh lợi nhuận, từ đó tạo điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế (Hood and Young, 1993). Cũng có khái niệm cho rằng, giáo dục, đào tạo khởi nghiệp là việc áp dụng các ý tưởng sáng tạo, đổi mới vào tình huống thực tế nhằm tạo ra những cá nhân có tư duy, kỹ năng để đáp ứng các cơ hội, nhu cầu, nhằm chủ động để ra quyết định và giải quyết vấn đề (Williamson và cộng sự, 2013). GDKN cũng là giáo dục và đào tạo học thuật hoặc chính quy nhằm chia sẻ mục tiêu lớn: cung cấp cho các cá nhân tư duy, kỹ năng khởi nghiệp để hỗ trợ sự tham gia và thực hiện các hoạt động khởi nghiệp (Alexanđra Valerio và cộng sự, 2014). GDKN cũng chính là đào tạo ra những con người có phẩm chất và năng lực tạo dựng doanh nghiệp như tinh thần đổi mới, tư duy sáng tạo, tinh thần mạo hiểm, năng lực giao tiếp, những tri thức về khoa học và công nghệ, đạo đức kinh doanh… (Ibrahim & Soufani, 2002). Như vậy, dù có nhiều cách trình bày khác nhau về GDKN, nhưng tất cả đều khẳng định: GDKN là quá trình cung cấp cho đối tượng giáo dục những hiểu biết, kiến thức, kỹ năng… để hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức đúng sự khác nhau giữa giáo dục quản trị kinh doanh với GDKN. GDKN đối tượng chúng ta hướng đến để tác động chủ yếu là học sinh, sinh viên hay các nhà khởi nghiệp. Đối tượng giáo dục, đào tạo khởi nghiệp rộng hơn, bao gồm cả những nhà khởi nghiệp hiện tại và những nhà khởi nghiệp tiềm năng (học sinh, sinh viên). Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu đề cập đến vấn đề giáo dục những nhà khởi nghiệp tiềm năng là sinh viên trong các trường đại học. 3. VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Trên thế giới, khởi nghiệp và GDKN được xem như một cách để phát triển kinh tế bền vững, là giải pháp cho thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và tạo việc làm (Lee, 2006). Các trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho việc tạo dựng doanh nghiệp. Vì vậy, các trường đại học cần thấy rõ vai trò của GDKN để định hướng chiến lược giáo dục, đào tạo phù hợp, triển khai thực hiện tốt GDKN cho sinh viên. Chính GDKN là yếu tố tác động tích cực và hiệu quả nhất đến nhu cầu thành đạt, nhận thức, thái độ và đam mê kinh doanh, sẵn sàng kinh doanh của sinh viên (Phan Huy Quảng, 2017). Trong số các yếu tố tác động đến tinh thần khởi nghiệp của sinh viên có yếu tố giáo dục, giáo dục có liên quan thuận chiều với tinh thần khởi nghiệp (Lương Ngọc Minh, 2019). Chúng ta có thể khái quát vài nét cơ bản về vai trò của GDKN trong các trường đại học như sau: 232
  4. VÕ THỊ NHƯ HUỆ Một là, GDKN có vai trò trong việc xây dựng thái độ khởi nghiệp, hình thành ý định khởi nghiệp. Qua giáo dục, giúp sinh viên hiểu rõ hành vi khởi nghiệp và xây dựng động lực phát triển nghề nghiệp. Góp phần bồi dưỡng tố chất của một nhà doanh nghiệp và xây dựng kỹ năng quan hệ với những bên liên quan... Từ đó, giáo dục và đào tạo khởi nghiệp sẽ góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên về khởi nghiệp (Trương Quốc Ánh, 2020). Hai là, GDKN có vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà khởi nghiệp tiềm năng (sinh viên) có thể trở thành những nhà khởi nghiệp thực sự. Vì trên thực tế, khát vọng kinh doanh và thành công có thể được dạy (Christian Luthje & Nikolaus Franke, 2002). Ba là, GDKN góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Hiệp hội khởi nghiệp toàn cầu, trong 12 chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp thì có đến 02 chỉ số liên quan đến giáo dục và đào tạo khởi nghiệp ở bậc phổ thông và sau phổ thông (Phạm Thị Thảo, 2018). Trong 6 yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp mà Startup Commons (2016) của Phần Lan đưa ra, trong đó có yếu tố: Các trường đại học. Như vậy, để tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thì vai trò của các trường đại học và GDKN tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn luôn là yếu tố góp phần quan trọng, thiết yếu. 4. VÀI NÉT VỀ GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI MỸ, TRUNG QUỐC, SINGAPORE VÀ VIỆT NAM 4.1. Giáo dục khởi nghiệp ở một số trường đại học tại Mỹ, Trung Quốc và Singapore Từ năm 1947, đại học Harvard (Mỹ) đã xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp. Sau đó trên 5000 chương trình khởi nghiệp được mở ra tại các trường đại học khác của Mỹ. Đến năm 1968, Học viện kinh doanh Harvard xây dựng chuyên ngành GDKN và đến năm 2006, cả nước Mỹ đã có trên 500 trường đại học xác lập chuyên ngành học chính hoặc bổ trợ về khởi nghiệp. Khởi nghiệp đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo riêng với hàng nghìn trường đại học cung cấp môn học này. Khởi nghiệp ở Mỹ được đào tạo ở cấp độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ, và họ đã tạo ra một loạt chương trình giảng dạy với nhiều khóa học khác nhau về khởi nghiệp. Trong quá trình GDKN, việc gắn kết giữa trường đại học và ngành công nghiệp được coi là thế mạnh của các trường đại học ở Mỹ (Trần Thị Thu Hà, 2019). Trung Quốc là nước xem giáo dục, đào tạo khởi nghiệp như một kênh quan trọng để nuôi dưỡng nhận thức của sinh viên đại học về tinh thần khởi nghiệp. Năm 1998, Đại học Thanh Hoa đã phối hợp tổ chức “Cuộc thi Khởi nghiệp sinh viên” đầu tiên và đưa nó thành sự kiện thường niên của các trường đại học trong nước. Năm 233
  5. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM 2002, Bộ Giáo dục Trung Quốc triển khai dự án thí điểm có tên Chương trình thí điểm giáo dục và đào tạo khởi nghiệp quốc gia tại 09 trường đại học. Năm 2005, Chương trình “Biết về kinh doanh” được giới thiệu và có mặt tại 6 trường đại học danh giá của Trung Quốc. Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi một số cơ quan, các trường đại học và doanh nghiệp thiết lập chương trình thí điểm để phát triển tài năng khởi nghiệp (Trần Thị Thu Hà, 2019). Đặc biệt, Trung quốc rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ giảng viên GDKN. Các trường đại học tại nước này đã tiến hành bồi dưỡng định kỳ, chuyên môn hóa đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy khởi nghiệp (Thái Văn Thơ và cộng sự, 2018). Nhìn chung, các hình thức GDKN của các trường đại học của Trung Quốc rất đa dạng, có sự phối kết hợp rất chặt chẽ giữa Chính phủ, Bộ giáo dục, doanh nghiệp và trường đại học. Vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên khởi nghiệp được họ rất đầu tư. Singapore là nước có nhiều thành tựu trong hoạt động GDKN ở các trường đại học. Nhờ vậy, năm 2023, theo bảng xếp hạng của hãng nghiên cứu Startup Genome có trụ sở tại Mỹ, hòn đảo này lọt vào top 10 (Ricky Hồ, 2023). Các trường đại học tại Singapore đã xem việc thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là GDKN là nhiệm vụ quan trọng trong sứ mệnh của mình. Ở đây, các khóa học về giáo dục và đào tạo khởi nghiệp được cấp bằng chính thức từ Học viện Quản lý Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang. Một số trường đại học Singapore còn hợp tác với tổ chức nước ngoài, các startup, phòng thí nghiệm để cho sinh viên thực tập về khởi nghiệp, tham gia vào quá trình phát triển dự án (Trần Thị thu Hà, 2019). Như vậy, tại Singapore, vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Các trường đại học là đơn vị tiên phong trong các sáng kiến nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. 4.2. Giáo dục khởi nghiệp tại các trường đại học ở Việt Nam Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Một trong những thước đo thành công của trường đại học là bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp và thành danh, chứ không chỉ bao nhiêu sinh viên kiếm được việc làm” (Phương Hiền, 2017). Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp và GDKN, bắt đầu từ năm 2015 - 2016, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhà nước và các bộ, ngành, nhiều trường đại học đã quan tâm đầu tư và đưa nội dung GDKN vào chương trình giảng dạy thông qua các lớp kỹ năng, các buổi tuyên truyền, các hội thảo, các câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm phát triển khởi nghiệp… Một số trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành,… là những trường đi đầu trong công tác GDKN. Năm 2015, Trường Đại học Nguyễn Tất 234
  6. VÕ THỊ NHƯ HUỆ Thành đã thành lập Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo doanh nghiệp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ tối đa các dự án Sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên trong trường. Từ học kỳ 2, năm học 2017 - 2018, môn học khởi nghiệp được đưa vào giảng dạy tại tất cả các khoa ngành của trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Trương Quốc Ánh, 2020). Đối với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm học 2017 - 2018, chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp nằm trong ngành Quản trị kinh doanh cũng bắt đầu tuyển sinh. Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, với vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ cũng đã triển khai các khóa học đào tạo, bồi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua Trung tâm chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến nay, theo báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo: tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022). Có 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2023). Khởi nghiệp sáng tạo đã từ chỗ chỉ là phong trào đã dần dần trở thành nội dung, nhiệm vụ, sứ mệnh, tầm nhìn của các trường đại học và được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của hầu hết các trường. Tuy nhiên, hoạt động GDKN cho sinh viên tại các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn mới và yếu. Vì vậy, sau khi ra trường, nhiều sinh viên vẫn rất mơ hồ và thiếu hụt các kiến thức căn bản về khởi tạo doanh nghiệp, cũng như các kỹ năng mềm quan trọng khác để phát triển, hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp của mình (Lê Thị Khánh Vân, 2017). Các trường đại học Việt Nam hiện nay “không có các tập hợp chương trình phù hợp để đào tạo sinh viên những kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp. GDKN kinh doanh dường như chỉ gói gọn trong một vài môn học về quản trị kinh doanh và hầu hết chỉ thấy ở các trường đại học đào tạo ngành kinh tế” (Thái Văn Thơ và cộng sự, 2018). Sự thiếu hụt giáo viên có trình độ, kỹ năng về GDKN đã trở thành rào cản, hạn chế đối với công tác GDKN tại các trường đại học ở nước ta hiện nay. Các trường đại học còn thiếu các kênh thông tin cung cấp tài liệu về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thiếu các nguồn học liệu cho sinh viên nghiên cứu. Sự phối hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong việc tổ chức các khóa đào tạo, các diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên chưa được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các trường vẫn đang thiếu giáo trình chuẩn để giảng dạy khởi nghiệp, đa phần các trường đại học phải “tự biên, tự diễn” (Trần Duy Khanh, 2023). 5. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP CHO SINH VIÊN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY Từ kinh nghiệm GDKN cho sinh viên tại các trường đại học ở các quốc gia vừa nêu trên, chúng ta có thể nghiên cứu, học tập, vận dụng trong điều kiện của Việt Nam 235
  7. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM nhằm thúc đẩy GDKN cho sinh viên: Thứ nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường và có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các trường đại học xây dựng cơ cấu đào tạo GDKN gắn với sự phát triển của kinh tế số hiện nay. Trong đó, tập trung gắn GDKN đi đôi phát triển các ngành tự động hóa, các nhóm ngành nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ bán dẫn, vi mạch, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học,… vì đó là những ngành có tiềm năng khởi nghiệp lớn trong tương lai. Thứ hai, trong định hướng giáo dục và đào tạo của các trường đại học cần điều chỉnh, đổi mới, bên cạnh việc đào tạo hướng đến mục tiêu giúp sinh viên trở thành người có khả năng chuyên môn cao để xin việc thì phải dạy sinh viên cách để khởi nghiệp thành công, dạy sinh viên biết cách tự tạo việc làm cho mình và cho người khác thông qua khởi nghiệp. Thứ ba, các trường đại học, khi xây dựng khung chương trình đào tạo, cần cân nhắc về số tín chỉ, số lượng các môn học để lồng ghép hoặc xây dựng thành môn học/tín chỉ độc lập về khởi nghiệp cho sinh viên thuộc tất cả các ngành học. Cần đưa nội dung khởi nghiệp là một môn học/tín chỉ bắt buộc. Trong xây dựng chuẩn đầu ra cho các khung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải là một chuẩn đầu ra “cứng” cần đạt. Ở các năm cuối của chương trình đào tạo, nên thiết kế các môn học/tín chỉ theo hướng cắt bỏ các môn nặng về lý thuyết nhưng không thật sự cần thiết, dành thời lượng để sinh viên thực hành các dự án, nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên. Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng chỉ đạo ban hành bộ giáo trình khởi nghiệp chuẩn dùng chung cho các trường đại học. Nếu không có bộ khung thống nhất về chương trình GDKN, các trường rất khó chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao tri thức và hỗ trợ nhau trong hoạt động khởi nghiệp. Khi xây dựng giáo trình về khởi nghiệp, nên chia nội dung khởi nghiệp thành hai phần. Phần chung (cứng) dành cho toàn bộ sinh viên các khối ngành ở các trường và phần riêng (mềm), mang tính mở để các trường biên soạn gắn với chuyên ngành mà sinh viên đang theo học, phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương và đối tượng sinh viên. Thứ năm, các trường đại học cần đầu tư xây dựng mạng lưới cộng đồng doanh nhân hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, từ đó tạo ra sự đa dạng trong giáo dục và đào tạo khởi nghiệp, thực hiện được sự liên kết của tổ chức ngoài ngành giáo dục với các trường đại học trong GDKN. Đẩy mạnh sự kết nối giữa 3 chủ thể: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên thông qua 236
  8. VÕ THỊ NHƯ HUỆ việc tổ chức các ngày hội khởi nghiệp. Thứ sáu, cần tận dụng những lợi thế của thời đại số để xây dựng các chương trình GDKN ở các trường đại học theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các hình thức: giáo dục trực tuyến, học liệu mở, ứng dụng truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là mạng xã hội, đầu tư thiết lập các trang fanpage, kênh video, tận dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ GDKN cho sinh viên… Thông qua các hình thức này sẽ giảm rất nhiều về thời gian của giảng viên và sinh viên trong hoạt động GDKN, sinh viên cũng có thể linh hoạt trong kế hoạch học tập. Thứ bảy, đội ngũ giảng viên luôn giữ vai trò cốt lõi cho sự thành công của GDKN. Vì vậy cần đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên. Các trường phải xây dựng lộ trình để đào tạo đội ngũ giảng viên khởi nghiệp. Giảng viên phải là người có kinh nghiệm, nhiệt huyết, được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khởi nghiệp. Thông qua giảng dạy, giảng viên phải truyền được lửa đam mê và cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên. Nên ưu tiên cho những giảng viên đã khởi nghiệp thành công đảm nhận giảng dạy, hướng dẫn các môn học/tín chỉ về khởi nghiệp. Thứ tám, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sinh viên sử dụng, khai thác nguồn thông tin, học liệu từ Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin phục vụ cho việc học tập các nội dung khởi nghiệp. 6. KẾT LUẬN Những năm gần đây, chúng ta nhắc nhiều tới “Quốc gia khởi nghiệp”, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đất nước. Để đạt được mục tiêu xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp”, Việt Nam không chỉ cần những người làm kinh doanh giỏi, mà cần cả xã hội có tinh thần khởi nghiệp. Do dó, vai trò của trường đại học luôn là then chốt. Trường đại học phải là nơi đào tạo ra những công dân có tinh thần khởi nghiệp, là nguồn lực và động lực chính để thúc đẩy “Quốc gia khởi nghiệp”. Trường đại học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, truyền cảm hứng nhằm nuôi dưỡng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hình thành văn hóa khởi nghiệp, hỗ trợ để phát triển tiềm năng khởi nghiệp trong sinh viên. Chúng tôi hi vọng với một số đề xuất như vừa trình bày ở trên sẽ là những gợi mở hữu ích đối với GDKN trong các trường đại học Việt Nam hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO Alexanđra Valerio, Brent Parton, & Alicia Robb. (2014). Entrepreneurship education and training programs around the world: Dimesnsions for success. 237
  9. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM Washington: The world bank. Trương Thị Quốc Ánh. (2020). “Giáo dục đào tạo khởi nghiệp của Israel, một số kinh nghiệm đối với Việt Nam”. Tạp chí Khoa học Quản lý giáo dục (4): 25-34 Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2023). Tạo môi trường tốt nhất hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8835 Christian Lüthje & Nikolaus Franke. (2002). “Fostering entrepreneurship through university education and training: Lessons from Massachusetts Institute of Technology”. Management Education in a Technology Driven Economy. Trần Thị Thu Hà. (2019). “Cần có chiến lược giáo dục, đào tạo khởi nghiệp cấp quốc gia”. Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam (3): 16-18. Hood, J., và Young, J. (1993). “Entrepreneurship as a route out of poverty and low- income status”. International Council for Small Business, Las Vegas Ricky Hồ. (2023). “Hệ sinh thái khởi nghiệp Singapore vươn lên hàng đầu Châu Á”. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn online. https://thesaigontimes.vn/he-sinh-thai-khoi- nghiep-Singaporee-vuon-len-hang-dau-chau-a/ Phương Hiền. (2017). Không có giới hạn với tinh thần khởi nghiệp, Cổng thông tin Chính phủ. http://tphcm.chinhphu.vn/khong-co-gioi-han-voi-tinh-than-khoi-nghiep. Ibrahim, A. B. and Soufani, K. (2002). “Entrepreneurship education and training in Canada: A critical assessment”. Education and Training. 44 (8/9): 421-430. Lee, S. M, Lim, S.B, Pathak, R, D, Chang, D, &Li, W. (2006). “Influences on students' attitudes toward entrepreneurship: A multi-country study”. International Entrepreneurship Management Journal, Vol.2, No.3: 351-366 Lương Ngọc Minh. (2019). “Tinh thần khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”. Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái bình dương - số tháng 2: 65 - 67. Nguyễn Hùng Phong, Nguyễn Thiện Duy, Lê Việt Hưng. (2017). Năng lực khởi nghiệp: Bẩm sinh hay đào tạo? https://ced.ueh.edu.vn/nang-luc-khoi-nghiep- bam-sinh-hay-duoc-dao-tao Phan Huy Quảng. (2017). “Vai trò của giáo dục khởi nghiệp đối với ý định khởi sự kinh doanh của sinh viên”. Tạp chí quản lý giáo dục, tập 9 (10): 85-93 Học viện quản lý giáo dục quốc gia. Shane, S.A. (2003). A general theory of entrepreneurship: The individual-opportunity nexus. Cheltenham, United Kingdom: Edward Elgar Publishing. Sobel, R. S., & King, K. A. (2008). Does school choice increase the rate of youth entrepreneurship? Economics of Education Review, Vol. 27, No. 4: 429-438 238
  10. VÕ THỊ NHƯ HUỆ Startup Commons. (2016). Startup Ecosystem, Website Startup Commons. http://www.startupcommons.org/what-is-startup-ecosystem.html Thái Văn Thơ, Lý Ngọc Yến Nhi. (2018). “GDKN: kinh nghiệm ở Trung Quốc và một số đề xuất đối với Việt Nam”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Tập 54, (9C): 155-161. DOI:10.22144 Phạm Thị Thảo. (2018). Giáo dục và đào tạo khởi nghiệp hiện nay trên thế giới. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ. Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia. Thủ tướng chính phủ. (2016). Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025. (Phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg Chính phủ ngày 18/5/2016). Lê Thị Khánh Vân. (2017). “Tạo lập môi trường khởi nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (9): 8-11. Giao Thị Hoàng Yến. (2021). “Rào cản giáo dục khởi nghiệp ở các trường đại học Việt Nam”. Tạp chí công thương điện tử. https://tapchicongthuong.vn/bai- viet/rao-can-doi-voi-giao-duc-khoi-nghiep-trong-cac-truong-dai-hoc-o-viet- nam-85202.htm Williamson, N., Beadle, S., & Charalambous, S. (2013). Enterprise education impact in higher education and future education. Department of Business Innovation and Skills. 239
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2