intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

10
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giáo dục nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh" nhằm góp phần nhận diện giá trị, tầm quan trọng của giáo dục văn hóa và nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong hệ thống giáo dục Tây Ninh, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc rất cần được đánh giá thực trạng một cách đầy đủ, chính xác để có chính sách bảo tồn và phát huy phù hợp nhất trong xã hội đương đại. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh

  1. GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN DÂN GIAN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NINH ThS. Trần Thị Bích Thủy127 Tóm tắt: Nghệ thuật trình diễn dân gian (NTTDDG) có thể xem là phương tiện giao tiếp, kết nối con người và lan tỏa, thâm nhập văn hóa dễ dàng. Nó biểu hiện nhận thức, thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc. Nghệ thuật trình diễn dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Khmer, Chăm, Hoa, Thái, Mường... ở Tây Ninh đa dạng, phong phú và đặc sắc. Song, với nhiều yếu tố tác động như chiến tranh, sống cộng cư với người Kinh và các cộng đồng người khác, công nghiệp hóa hiện đại hóa,... đã làm biến đổi ít nhiều, thậm chí có nguy cơ mai một. Vì vậy, để góp phần nhận diện giá trị, tầm quan trọng của giáo dục văn hóa và nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong hệ thống giáo dục Tây Ninh, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc rất cần được đánh giá thực trạng một cách đầy đủ, chính xác để có chính sách bảo tồn và phát huy phù hợp nhất trong xã hội đương đại. Từ khóa: Tây Ninh, nghệ thuật trình diễn dân gian, dân tộc thiểu số. 1. Khái quát nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh Tây Ninh, vùng biên viễn ẩn chứa nhiều huyền thoại, huyền bí đầy tâm linh giúp con người ta an trú tâm hồn khi đến vùng đất này. Đây cũng là nơi nhiều tộc người đến sinh sống qua nhiều thế hệ như người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, Mường, Thái, Tà Mun... Theo Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, tính đến năm 2022 tỉnh có khoảng 1.188.758 người, trong đó có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống với 5.551 hộ/ 20.415 người, chiếm 1,73% dân số. Nhiều nhất là dân tộc Khmer (chiếm 0,78% dân số), chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh và theo Phật giáo, một số ít theo Đạo Cao Đài. Kế đến là dân tộc Chăm (chiếm 0,38% dân số), sinh sống chủ yếu ở thành phố Tây Ninh, huyện Tân Châu và huyện Tân Biên, đa số theo Hồi Giáo Islam. Dân tộc Hoa (chiếm 0,26% dân số), sống chủ yếu ở thành phố Tây Ninh và huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành đa số theo đạo Phật. Ngoài ra còn có người Tà Mun (chiếm 0,15% dân số) theo đạo Cao Đài và sinh sống tại thành phố Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu và huyện Tân Châu. Các dân tộc khác (Ấn, Mường, Thái, Châu ro, Tày, Nùng,…) sống đan xen với đồng bào người Kinh. Chính sự đa dạng tộc người đã làm cho bức tranh nghệ thuật trình diễn dân gian ở Tây Ninh trở nên đa sắc với nhiều hình thức. NTTDDG hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống con người, ăn sâu vào tâm thức và trở thành nét văn hóa đặc trưng của mỗi cộng đồng dân tộc. Nó dễ dàng lan tỏa và thâm nhập trong cộng đồng vì có chức năng như là phương tiện 127 Phân Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. 324
  2. giao tiếp, kết nối, biểu hiện nhận thức, niềm tin và thẩm mỹ của cộng đồng với chức năng tập hợp, cung cấp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, giải trí trong cộng đồng... NTTDDG được con người sáng tạo để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho chính mình, cho cộng đồng trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, tín ngưỡng - tôn giáo. Trong quá trình thực hành, chủ yếu là truyền miệng, mọi người dần chỉnh sửa, nâng cao để các tác phẩm ngày càng hoàn chỉnh hơn, hấp dẫn hơn, dễ tiếp nhận và lưu truyền hơn. Vì vậy, NTTDDG thường rất dễ hiểu, gần gũi, sinh động, nhiều dị bản thể hiện sự lạc quan, yêu đời… NTTDDG của người Khmer đã hình thành và phát triển gắn liền với chiều dài lịch sử của văn hóa dân tộc. Loại hình nghệ thuật này được duy trì đến nhiều thế hệ với nhiều giai điệu, ca từ, nhạc cụ, vũ điệu. Đặc biệt, nghệ thuật múa trống Chhay-dăm đã được hình thành và phát triển ở Tây Ninh hàng trăm năm, thể hiện sự đoàn kết cộng đồng qua những vũ điệu đánh trống mạnh mẽ của những vũ công nam giới. Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014 (Quyết định số 4205/QĐ- BVHTTDL ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Người Chăm ở Tây Ninh theo tôn giáo Islam vì vậy giáo luật Islam chi phối gần như tuyệt đối đến tất cả các mặt trong đời sống cộng đồng. Đấng Allah (Thượng đế) là nơi họ trao gởi tuyệt đối đức tin suốt một đời người. Họ tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về Halal (điều được phép) và Haram (điều bị cấm). Vì vậy, NTTDDG của người Chăm ở Tây Ninh mang màu sắc Hồi giáo. Theo Tô Vũ trong “Dân ca Tây Ninh trong kho tàng dân ca Việt Nam”: Dân ca của người Chăm ở Tây Ninh chịu ảnh hưởng nhạc múa, khúc thức vuông vắn, câu cú cân đối, phân minh... không thanh điệu, giai điệu một cách rõ nét, thường hay có sự nhắc đi nhắc lại những âm cùng một độ cao, tạo nên nét nhạc du dương và êm ái. Song, do thực hiện theo giáo luật nghiêm ngặt, nên NTTDDG của người Chăm ở Tây Ninh rất hạn chế. Đối với người Hoa, NTTDDG được thực hành trong đời sống thường nhật và trang trọng trong các dịp lễ tết. Loại hình này rất phong phú và đa dạng như múa lân-sư-rồng, nghệ thuật sân khấu (hát Quảng, hát Tiều, Kinh kịch, Việt kịch, Quỳnh kịch v.v...) mang đậm tính truyền miệng, tính tập thể, tính ngẫu hứng và tính biến dị. Nó hấp dẫn bởi có sự kết hợp giữa thi và nhạc để biểu đạt thế giới nội tâm phong phú. Nhưng NTTDDG của người Hoa ở Tây Ninh có sự khác biệt với người Hoa ở các tỉnh khác của Nam Bộ, đó là hầu như họ không còn nhớ, biết và thực hành NTTDDG nữa, kể cả vào các dịp lễ trọng, có chăng là chỉ múa lân ở một hai hội quán có quy mô lớn ở Tây Ninh như Miếu Thiên Hậu. NTTDDG của người Thái có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca, dân nhạc, dân vũ. Điệu Xòe Thái, đặc trưng cho dân tộc với những làn điệu của những bài dân ca kết hợp những điệu múa mềm mại, nhẹ nhàng trong tiếng nhạc của trống, đàn tính tẩu, xóc nhạc dây, cồng chiêng, khèn bè, khèn môi, sáo… Nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành biểu tượng văn hóa nói chung của cộng đồng người Thái. Vì vậy, Xòe ở Xóm Thái của Tây Ninh dù đã có nhiều thay đổi, phai nhạt so với nguyên bản thì đây vẫn là món ăn tinh thần, là nét văn hóa đặc trưng của họ nên được thực hành vào các dịp lễ tết để giữ gìn truyền thống văn hóa cộng đồng. Hiện nay, NTTDDG của họ đang bị thu hẹp trong vài hộ gia đình.. 325
  3. Với người Mường, NTTDDG gắn liền cuộc sống hàng ngày, thể hiện quan niệm và kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống, gắn liền với phong tục tập quán. Lời ca gần gũi, mộc mạc và chân tình; giai điệu cùng vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển hòa quyện cùng âm hưởng của các nhạc cụ dân gian rất hài hòa. Có bốn thể loại chính: hát giao duyên, hát ru, hát trong nghi lễ và hát kể với mong cầu bản mường ấm no, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên bình, lứa đôi hạnh phúc, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Nhìn chung, NTTDDG của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, phần lớn đang có nguy cơ bị mai một vì rất nhiều lý do. Vì vậy, loại hình này rất cần được bảo tồn, phát huy trong xã hội đương đại. 2. Thực trạng giáo dục nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh NTTDDG của các dân tộc là những sản phẩm văn hóa độc đáo, là cơ sở nhận diện biểu hiện đặc trưng, bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Theo dòng chảy lịch sử, có những dân tộc còn thực hành, lưu giữ và phát huy, bên cạnh đó vẫn có vài dân tộc khó lưu truyền cho thế hệ sau vì nhiều lý do nội sinh và ngoại sinh. Trong phạm vi bài viết này, giáo dục nghệ thuật trình diễn dân gian được hiểu là việc truyền dạy cho các thế hệ sau để thực hành, lưu giữ nghệ thuật trình diễn dân gian cũng như bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh. 2.1. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khmer NTTDDG của người Khmer vừa đậm tính dân gian vừa mang dấu ấn Phật giáo Nam tông đậm đặc. Đây là kết quả sáng tạo nghệ thuật của nhiều thế hệ người dân Khmer. Sản phẩm mang giai điệu sôi nổi, tươi vui toát lên không khí lạc quan, có thể thực hành mọi lúc mọi nơi trong sinh hoạt, lao động, nghi lễ với hàng trăm làn điệu khác nhau, như điệu Ru con (Bompêkôn), múa Rom Vong, múa lối Saravan (Rom Saravan), trong đó có điệu hát đối đáp giao duyên rất nổi tiếng là điệu Ayai. Các điệu múa, hát vẫn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được người dân tiếp tục gìn giữ và phát huy cho tới hôm nay. Nhạc khí có 4 loại gồm nhạc khí dây, nhạc khí thổi hơi, nhạc khí màng rung và tự thân vang. Hiện tại, người Khmer chỉ còn nhớ 12 bài dân ca. Các chùa Khmer vẫn còn dàn nhạc ngũ âm (Rôneat Ek, Rôneat Thung, Rôneat Đek, Kôông Vông Tôch, Kôông Vông Thum, Sko Sam phô, Sko Thum, Srolay Pưnpét, Chhưng), dàn nhạc A-răk tế thần (Say Điêu, Pây O, Pây Puôc, Sko Đay), dàn nhạc lễ cưới (Truô Khmer, Chapey Chom Riêng, Pây O, Sko Đay) và dàn nhạc phục vụ tang lễ (Sko Thum, Sko Đay, Pây O, Truô U, Truô Sô, Khưm Tôch, Tà Khê)128. NTTDDG chủ yếu lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Nhưng hiện nay đang có nguy cơ bị mai một vì sự thịnh hành của các trào lưu âm nhạc hiện đại, nhiều nhạc cụ, bài hát bị thất truyền, những người từng thực hành thì đã quá già nên không còn nhớ nhiều và chưa sưu tầm lại được. Các dàn nhạc có vai trò quan trọng trong các lễ nghi, lễ hội 128Tư liệu điền dã và Báo cáo kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023” 326
  4. truyền thống của dân tộc. Song số lượng người sử dụng trong các dàn nhạc thường thay đổi do ít người sử dụng được bài bản hoặc hoặc không đủ người biết chơi nhạc cụ. Riêng điệu múa trống Chhay-dăm là múa dân gian đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trước đây được Đức Hộ Pháp cho phép Hội Thánh Cao Đài phải giữ gìn lưu lại để nhớ đến đóng góp của người Khmer từ những ngày đầu xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh. Vì vậy, điệu múa này vẫn được lưu truyền, phát triển đến ngày nay và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Nhìn chung, NTTDDG vẫn còn bảo lưu và thực hành, song do trải qua chiến tranh nên rất nhiều chùa Khmer ở Tây Ninh đã bị phá hủy, nhiều nghệ nhân đã qua đời, thế hệ tiếp nối ít, sự tác động của kinh tế thị trường... nên các loại hình NTTDDG cũng đã bị mất đi khá nhiều và đang có nguy cơ bị mai một. Nhưng khoảng từ năm năm trở lại đây, tại một số chùa đã chú trọng giảng dạy cho lớp trẻ học đánh dàn ngũ âm, như ở chùa Kiri Sattray Meanchey - Kà Ốt (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), đưa nghệ thuật Rô Băm trở lại với phum sóc, biểu diễn tại chùa, mà bước đi đầu là nghệ thuật Múa Chằn - Rô băm Yeak roăm. Đây chính là sự ý thức, tâm huyết và cố gắng rất lớn của các vị sư sãi, acha với mong muốn khôi phục, duy trì và phát triển NTTDDG cũng như bản sắc văn hóa dân tộc mình. Vì vậy cần phải có biện pháp khôi phục, giữ gìn và phát triển nó từ nội tại chính cộng đồng và sự quan tâm của chính quyền địa phương một cái thống nhất, hài hòa đem lại hiệu quả lớn nhất. 2.2. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Chăm Giáo lý của Hồi giáo Islam của người Chăm ở Tây Ninh đã ảnh hưởng rất lớn trong việc thực hành và lưu giữ NTTDDG. Trước đây, họ còn thực hành NTTDDG ngoài khuôn viên thánh đường, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, họ cực kỳ hạn chế thực hành trình diễn dân gian trong sinh hoạt cộng đồng, mà chỉ có vài cá thể thực hiện trong phạm vi gia đình, đám cưới một cách ngẫu hứng, không công khai vì giáo cả không cho phép đàn hát nhảy múa để không ảnh hưởng đến giáo luật. “Đối với người Islam giáo, trong Kinh Qur’an không cấm hát hay chơi nhạc, mà còn khuyến khích chơi trống tạo ra tiết tấu đệm cho hát từ những lời trong Kinh Qur’an. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trào lưu cách tân tôn giáo, một bộ phận người Chăm chịu ảnh hưởng tư tưởng nên đã hạn chế tối đa các sinh hoạt văn nghệ trong thực hành tôn giáo. Do đó, người Chăm Tây Ninh giờ không hát trong các lễ cầu nguyện, họ chỉ hát trong dịp đám cưới, lao động hay ru con (khác với người Chăm Ninh Thuận chỉ hát góp vui, không sử dụng nhạc khí trong đám cưới)”129. Vì vậy, nhiều bài hát, điệu múa mang tính truyền thống dần không còn người nhớ. Theo kết quả kiểm kê của tỉnh 2023, người Chăm ở Tây Ninh có 15 bài dân ca được thực hành trong sinh hoạt hằng ngày, không có sử dụng trống Rebana (như ở An Giang) mà chỉ sử dụng trống Tum. Ngoài yếu tố tác động của sự nghiêm ngặt về giáo luật Islam, thì đời sống kinh tế và việc sinh sống cộng cư, giao lưu văn hóa với các tộc người khác, cùng với thế hệ biết ca hát, đàn múa ngày càng lớn tuổi và thưa dần, nên việc giáo dục để lưu truyền NTTDDG của người Chăm ở Tây Ninh đang có xu hướng ngày dần mai một. 129 Báo cáo kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023” 327
  5. Hiện nay, một số trường học ở huyện Tân Châu, đã có đội văn nghệ có con em người Chăm để giao lưu văn nghệ ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số. Việc thực hành NTTDDG ở huyện này đã dần được cởi mở hơn và công tác truyền dạy đã được quan tâm, chú trọng. 2.3. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Hoa NTTDDG người Hoa Tây Ninh được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng và chịu ảnh hưởng theo sự thăng trầm của đời sống con người. Yếu tố lịch sử, di dân, cộng cư lâu dài với các dân tộc khác, nhất là người Kinh cùng với xã hội phát triển hiện đại... đã tác động lớn đến vấn đề thực hành NTTDDG của họ. Trước đây, nghệ thuật diễn xướng dân gian được chú trọng và thực hành gắn liền với sinh hoạt, lao động, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa. Nhưng trải qua thăng trầm lịch sử, hiện nay người Hoa ở đây chủ yếu là thế hệ thứ 3 đến thứ 5, hầu như họ chỉ sử dụng tiếng Việt nên không còn nhớ và ít sinh hoạt NTTDDG truyền thống của mình. Nghệ thuật hát Tiều, hát Quảng, Quỳnh kịch vốn là loại hình nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa dân ca - dân nhạc - dân vũ độc đáo của người Hoa; múa lân-sư-rồng không còn thường xuyên, chỉ hoạt động vào dịp tết Nguyên đán và lễ vía (đoàn lân-sư-rồng tự đến hoặc nếu miếu có kinh phí thì mướn đoàn lân -sư - rồng về phục vụ), v.v... Duy chỉ có Thiên Hậu Miếu mời dàn nhạc lễ của Khánh Vân Nam Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhạc lễ trong các dịp lễ vía, lễ hội từ năm 1995 đến nay; song bản thân người Hoa ở Tây Ninh vẫn không tự thực hiện được. Hiện nay, người Hoa ở Trảng Bàng (miếu Nhị Phủ) và thành phố Tây Ninh (miếu Bà Thiên Hậu) đang được dạy và học tiếng Hoa, song việc giáo dục về NTTDDG không được quan tâm như các địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,... Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến NTTDDG của người Hoa dần mất đi và khó khăn trong việc khôi phục. Điều này được thể hiện qua bảng khảo sát trong quá trình thực hiện kiểm kê về dân ca - dân nhạc - dân vũ của cộng đồng Hoa năm 2023. Tần Tỷ lệ Tỷ lệ số hợp lệ Mức độ nhớ của ông/bà về các Không nhớ bài dân ca nào 17 68.0% 68.0% bài dân ca truyền thống mà Nhớ khoảng 5 tên bài dân ca 6 24.0% 24.0% ông/bà đang thực hành hoặc độ lại truyền dạy của dân tộc mình? Nhớ từ 5 bài dân ca trở lên 2 8.0% 8.0% Tổng cộng 50 100% 100% Tần số Tỷ lệ Tỷ lệ hợp lệ Ông/bà cho biết mức độ Không còn thực hành 9 36.0% 36.0% bảo lưu loại hình dân ca (nhưng còn người hiểu biết trong cộng đồng tộc người (Hoa) hiện nay? Đã hoàn toàn mai một 16 64.0% 64.0% Tổng cộng 25 100% 100% 328
  6. Báo cáo kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023”, nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, Bảo tàng tỉnh. 2.4. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Thái Người Thái ở Tây Ninh tách khỏi cộng đồng Thái ở miền Bắc, mất đi sự gắn kết với cộng đồng truyền thống khi sống xen cư với người Kinh. Họ bị đứt gãy văn hóa vì thiếu thế hệ tiếp nối, điều kiện cuộc sống khó khăn, nhiều phong tục truyền thống không được thực hành, bị ảnh hưởng văn hóa mới, truyền thông đại chúng... nên NTTDDG nói chung bị mai một, ít người nhớ, người biết. Khoảng từ năm 2010 đến nay, đời sống người Thái ở Long Phước (Bến Cầu) ngày càng ổn định và phát triển, cùng với sự quan tâm của Chính quyền thì họ đã bắt đầu chú ý tìm và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình. NTTDDG Thái có nhiều làn điệu, lời hát giàu tính nhạc kết hợp hài hòa với múa, ẩn chứa nhiều tâm tư tình cảm trong cuộc sống, phản ánh thế giới quan tâm linh và đã trở thành phần văn hóa tinh thần quan trọng của họ. Trong quá trình đi khảo sát làm công tác kiểm kê, chúng tôi thấy hiện nay thực hành NTTDDG của người Thái Tây Ninh chỉ thu hẹp trong phạm vi vài hộ gia đình vào dịp lễ tết, không gian của những thực hành nghi lễ (Hát nghi lễ) không có. Một số nhạc cụ được họ đặt mua vào những năm gần đây để phục vụ sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng như: 1 trống lớn; 4 cồng chiêng; 1 khèn bè; 1 sáo dọc (pí). Nhưng do không còn không gian văn hóa như xưa, nay họ chỉ được xem, nghe NTTDDG qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc tham gia vào đội văn nghệ tại địa phương, các hội diễn văn hóa nghệ thuật do trong và ngoài tỉnh tổ chức… Vì vậy chỉ có ít người nhớ vài bài hát ru (Hát ru con), hát vui (Mời anh về thăm bản em (Khắp tiếng thác)), hát mời rượu (Hát cúng mời uống rượu cần (Mời khìn lấu)), hát dân ca được viết theo lời hiện đại (Inh lả ơi, Xòe hoa, ... ) còn hát Mo (hát nghi lễ), hát giao duyên (khắp tua) đã không còn vì không ai nhớ. Việc truyền dạy NTTDDG của người Thái ở Tây Ninh chủ yếu là truyền miệng, tự phát, từ người biết dạy cho người chưa biết, nhớ gì dạy đó, từ các phương tiện công nghệ truyền thông. Họ chưa được truyền dạy một cách bài bản, chuẩn chỉnh có văn bản, một phần vì chưa có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. 2.5. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mường Hiện tại, người Mường ở Tây Ninh biết và thực hành NTTTDG cực kỳ ít. Về dân ca, gần như nhiều người không biết, chỉ có một đến hai người cao tuổi còn nhớ nhưng không nhiều vì nó đã trở thành ký ức, kinh nghiệm sống của họ. Qua khảo sát và kiểm kê, chúng tôi đã sưu tầm được 6 bài: Đẻ đất đẻ nước (Xường khẻ Mo), Hát ghẹo nhau (Xường rang), Hát đối đáp (Phạt táng phạt khà), Hát ru con (Tèn tiểu ùn), Hát đố, Hát Mo trong nghi lễ cúng cơm tổ tiên130. 130 Theo Báo cáo kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023” 329
  7. Có thể thấy rõ hơn thực trạng này qua bảng kiểm kê sau: Tần số Tỷ lệ Tỷ lệ hợp lệ Mức độ nhớ của ông/bà về Không nhớ bài dân ca nào 15 75.0% 75.0% các bài dân ca truyền thống Nhớ khoảng 5 tên bài dân ca độ mà ông/bà đang thực hành lại hoặc truyền dạy của dân tộc 4 20.0% 20.0% mình ? Nhớ từ 5 bài dân ca trở lên 1 5.0% 5.0% Tổng cộng 20 100% 100% Báo cáo kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023”, nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, Bảo tàng tỉnh. Nhạc cụ gắn liền với cuộc sống của họ là bộ cồng chiêng gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nhưng hiện tại người Mường ở Tây Ninh chỉ có 4 chiếc cồng chiêng mà dàn treo chiêng đã bị hư. Do họ mới chuyển cư từ miền Bắc vào, trong đó vài người am hiểu thì đã quá lớn tuổi như ông Phạm Trọng Vĩnh (sinh năm 1943 - 81 tuổi, ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên) không còn nhớ nhiều mà lớp trẻ thì hầu như không để ý, không biết vì chỉ chăm lo làm kinh tế. Cho nên việc đứt đoạn thế hệ kế tục văn hóa nghệ thuật là điều hiển nhiên. Hơn nữa, với số dân quá ít, (chỉ có 793 người chiếm 0,07% dân số trên toàn tỉnh), lại sống cộng cư với người Kinh thì việc bị ảnh hưởng văn hóa của người Kinh là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, không gian thực hành sinh hoạt này cũng không còn được duy trì khiến cho NTTDDG của người Mường ở đây dần mai một. Qua đây, chúng ta có thể thấy được vốn NTTDDG của các dân tộc thiểu số Khmer, Chăm, Mường và Thái trên địa bàn ở Tây Ninh đa dạng, phóng phú, độc đáo giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Mỗi thể loại đều có những nét đặc thù riêng, thể hiện được nhiều cung bậc trong tình cảm của người trình diễn, người thưởng thức trong nhiều không gian diễn xướng khác nhau. Song, việc thực hành NTTDDG của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh, đặc biệt là người Hoa, người Mường là đáng báo động vì có nguy cơ bị biến mất nếu không có biện pháp bảo tồn và phát triển khẩn cấp và đúng đắn. Có thể tóm lược thực trạng thực hành NTTDDG của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh qua bảng sau: 330
  8. Ông/bà đã từng nghe, xem những loại hình NTTDDG của các Phản hồi Tỷ lệ các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh trường hợp Tần số Tỷ lệ Ông/bà đã từng nghe, xem NTTDDG của 39 60.0% 78.0% người Khmer Ông/bà đã từng nghe, xem NTTDDG của 18 27.7% 36.0% người Chăm Kết quả kiểm kê Ông/bà đã từng nghe, xem NTTDDG của 2 3.1% 4.0% người Hoa Ông/bà đã từng nghe, xem NTTDDG của 4 6.2% 8.0% người Thái Ông/bà đã từng nghe, xem NTTDDG của 2 3.1% 4.0% người Mường Tổng cộng 65 100% 130% Báo cáo kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023”, nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, Bảo tàng tỉnh. Hiện nay, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã rất quan tâm đến đời sống văn hóa - kinh tế của các dân tộc thiểu số. Năm 2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 1531/QĐ-UBND, ngày 25-7-2022 về việc ban hành Kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh ra Kế hoạch số 119/KH-SVHTTDL, ngày 26-8-2022 và đã tiến hành thực hiện khảo sát, kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023” do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh làm đơn vị tư vấn. Công tác kiểm kê khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá thực trạng, tiềm năng, nhận diện và phân loại loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số (Khmer, Chăm, Hoa, Mường và Thái) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản loại hình NTTDDG của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho họ. 3. Vai trò và giải pháp giáo dục nghệ thuật trình diễn của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh 3.1. Vai trò Đứng trước nguy cơ toàn cầu hóa văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã và đang xây dựng Việt Nam có một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì vậy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống là một chủ trương lớn và cấp thiết. Theo Luật Di sản được Quốc hội Việt Nam công bố vào năm 2001 thì “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và làm 331
  9. giàu kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”131. Đến năm 2003, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá (UNESCO) đã ra Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, “là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của các di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức thông qua việc phục hồi các di sản khác nhau của loại hình di sản này”132. Điều đó cho thấy giáo dục, truyền dạy là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn và phát huy NTTDDG của các dân tộc thiểu số. Song không phải bảo tồn nguyên vẹn mà quan trọng hơn là làm thế nào để NTTDDG tồn tại và phát triển song hành với xã hội đương đại. Trong xu thế hội nhập, thế giới phẳng thì việc giữ gìn bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia càng rất quan trọng để định vị quốc gia trên bản đồ văn hóa trên thế giới. Hơn nữa, NTTDDG của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh phần lớn đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.Vì vậy, công tác giáo dục nghệ thuật truyền thống vào trường học cần được chú trọng. Giáo sư Trần Văn Khê nhận định: “Trước sự tấn công ồ ạt của các phương tiện truyền thông đại chúng, trẻ em trở thành những thính giả thụ động, tiếp nhận không chọn lọc những luồng văn hoá từ bên ngoài xâm nhập vào. Việc giúp cho các em nhận thức được bản sắc văn hóa dân tộc là rất cần thiết để trên cơ sở đó các em có thể tiếp nhận văn hóa thế giới một cách đúng đắn nhất... quan trọng nhất là gieo tình yêu âm nhạc truyền thống vào trong tim của các em, căn cứ trên phương pháp xây dựng óc sáng tạo của học sinh”133. Như vậy, giáo dục NTTDDG là hoạt động chuyển giao các di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác để người thụ hưởng phát triển được năng lực nghệ thuật, cảm thụ, nhận thức, tình cảm và tinh thần dân tộc, góp phần hoàn thiện chân - thiện - mỹ cho con người. 3.2. Giải pháp Bản thân các cộng đồng dân tộc thiểu số tự nhận thức được vai trò quan trọng của việc giữ gìn và phát huy NTTDDG của dân tộc mình. Giữ được NTTDDG là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng nghĩa là định vị được vị trí dân tộc mình trong bảng màu đa dân tộc của Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ nhận thức được tầm quan trọng của NTTDDG, bản thân tự họ giáo dục, truyền dạy cho cộng đồng dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ tiếp nối, bằng các phương thức truyền thống như truyền miệng. Sau đó có thể nhờ vào chính quyền địa phương, chuyên gia tư vấn hỗ trợ để truyền dạy bằng những phương thức khác như chuyển thành văn bản, giáo trình đưa vào trường học, bằng phương tiện truyền thông... Tự thân nâng cao trình độ văn hóa để có thể truyền dạy, đánh giá, phê bình NTTDDG, đưa ra chọn lựa phù hợp cho bản thân và cộng đồng, tránh bị văn hóa ngoại lai tác động, ảnh hưởng mà làm mất đi bản sắc dân tộc mình. Những người uy tín, có trình độ giúp cộng đồng tự hào hơn về NTTDDG nói riêng và văn hóa dân tộc mình nói chung. Không những thế, điều 131 Luật di sản Văn hóa và bản hướng dẫn thi hành (2013). 132 UNESCO (2003), Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, tr. 4. 133Trần Văn Khê. Giáo dục âm nhạc truyền thống cho trẻ em. Ngày truy cập 13/4/2024. https://buianhton.com/giao- duc-nghe-thuat/giao-duc-am-nhac-truyen-thong-cho-tre-em-gs-tran-van-khe-1-11.html,. 332
  10. này còn giúp họ có tầm nhìn làm ăn kinh tế tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất. Khi đời sống vật chất tốt thì họ sẽ có điều kiện quan tâm đến đời sống tinh thần. Nhưng với thực trạng NTTDDG của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh đang có nguy cơ mai một như hiện nay, thì việc tự thân của các cộng đồng dân tộc ấy sẽ không đủ lực để giáo dục, truyền dạy mà cần có sự hỗ trợ, tác động bên ngoài, đặc biệt là chính quyền địa phương với những chính sách, biện pháp sát sườn nhất, phù hợp nhất cho từng cộng đồng dân tộc. Công tác kiểm kê giúp địa phương xác định được thực trạng một cách toàn diện nhất có thể, từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đồng thời lập danh mục di sản văn hoá phi vật thể loại hình NTTDDG của các dân tộc thiểu số. Từ kết quả kiểm kê, các lời bài hát, giai điệu, ngón đàn, điệu múa được chuyển thành văn bản để lưu giữ và lưu truyền dễ dàng và lâu bền hơn, ít thiếu sót sai lệch hơn truyền miệng. Đồng thời, phục dựng và xây dựng môi trường diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa của các dân tộc. Tuyên truyền, động viên, khuyến khích, nâng cao kiến thức cho cộng đồng để họ có bản lĩnh văn hoá, khả năng đề kháng, chọn lọc trước sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa khác đặc biệt là văn hóa ngoại lại, văn hóa độc hại từ phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ tổ chức phục dựng, truyền dạy cho thế hệ nối tiếp thực hành NTTDDG trong gia đình, cộng đồng và truyền dạy trong các cơ sở giáo dục tại địa phương có sự tham gia của các tổ chức quan phương và phi quan phương tại địa bàn. Khi mang chức năng, trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc thì NTTDDG mới được thừa nhận và có chỗ đứng trong nhà trường. Việc đưa NTTDDG vào giảng dạy tại học đường trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay là một định hướng đúng đắn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung chương trình giảng dạy nghệ thuật dân tộc trong học đường thêm phong phú, đa dạng, học sinh được tiếp cận trực quan, sinh động. Xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của từng dân tộc để họ có không gian, môi trường văn hóa thực hành nghệ thuật diễn xướng để hiểu đúng giá trị của nghệ thuật, khơi nguồn đam mê nghệ thuật của mỗi người trong cộng đồng. Tổ chức các hội diễn, giao lưu biểu diễn NTTDDG với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Thường xuyên phối hợp tổ chức lớp tập huấn tìm hiểu về di sản nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Hỗ trợ xây dựng NTTDDG thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm phát triển du lịch cộng đồng để tăng nguồn kinh tế, đời sống ổn định hơn thì sẽ chú trọng đến văn hóa, nghệ thuật diễn xướng. Kết luận: NTTDDG có chức năng giáo dục hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ. Trong xu thế toàn cầu hoá, giáo dục nghệ thuật dân tộc đóng góp quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết và yêu quý, trân trọng, giữ gìn âm nhạc cổ truyền dân tộc, tự tôn tinh thần dân tộc, truyền thống văn hóa, và sự nghiệp bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. NTTDDG còn có chức năng giải trí, thể hiện đời sống tinh thần, tình cảm, rèn luyện khả năng lĩnh hội nghệ thuật. Vì vậy, với thực trạng của NTTDDG các dân tộc thiểu số (Khmer, Chăm, Hoa, Thái và Mường) ở Tây Ninh hiện nay, việc giáo dục nghệ thuật truyền thống rất quan trọng, để kết nối sự đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy bản sắc các 333
  11. dân tộc ở Tây Ninh. Cũng là cơ sở của sự phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam trong mọi thời đại. Để đạt được hiệu quả tốt, cần có sự chung tay của chính bản thân các dân tộc thiểu số và chính quyền địa phương, nhà nước. Khi NTTDDG của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh được lưu giữ và phát triển, sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đầy màu sắc văn hóa truyền thống để thu hút nhiều du khách; góp phần cho bức tranh du lịch của Tây Ninh thêm đa sắc, hoàn chỉnh hơn, đem lại nhiều giá trị văn hóa-kinh tế cho cộng đồng, cho địa phương. Tài liệu tham khảo: Đào Thái Sơn, (2023), Văn hóa Khmer Tây Ninh, NXB Thanh Niên. Luật di sản Văn hóa và bản hướng dẫn thi hành (2013). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, (2023), Báo cáo kiểm kê “Dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023”. Sở Văn hóa Thông tin Tây Ninh (2005), Dân ca Tây Ninh. Trần Văn Khê. Giáo dục âm nhạc truyền thống cho trẻ em. Ngày truy cập 13/4/2024. https://buianhton.com/giao-duc-nghe-thuat/giao-duc-am-nhac-truyen-thong-cho-tre-em-gs- tran-van-khe-1-11.html, Trần Thị Bích Thủy, (2022), “Sinh thái vùng đất thánh, yếu tố kiến tạo sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực Tây Ninh”, in trong Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh, NXB Đại học quốc gia Tp.HCM. Tô Vũ (2001), Âm nhạc Việt Nam - truyền thống và hiện đại, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội. Tư liệu điền dã, 2023 tại Tây Ninh. UNESCO (2003), Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.(website: http://www.dsvh.gov.vn) Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (2006), Địa chí Tây Ninh. 334
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0