Hình tượng con người Nam Bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan
lượt xem 0
download
Bài viết Hình tượng con người Nam Bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan trình bày các nội dung: Hình tượng con người Nam Bộ lưu lạc phân li; Hình tượng con người Nam Bộ nghĩa hiệp, thủy chung, hào phóng; Hình tượng con người Nam Bộ yêu quê hương đất nước.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Hình tượng con người Nam Bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 3 (2024) HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI NAM BỘ TRONG BỬU SƠN KỲ HƯƠNG CỦA LÝ LAN Trần Thị Tâm Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, Đăk Nông Email: thanhtam1987cva@gmail.com Ngày nhận bài: 11/7/2024; ngày hoàn thành phản biện: 24/7/2024; ngày duyệt đăng: 4/9/2024 TÓM TẮT Dấu ấn văn hoá vùng miền trong các sáng tác văn học, nhất là của những tác giả có phong cách, là một vấn đề lớn, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Nhà văn là người khắc họa những nét riêng độc đáo này của văn hóa vùng miền một cách tinh tế, hấp dẫn nhất. Vì thế, cùng nhiều miền văn hóa khác, văn hóa Nam Bộ đã trở thành mảnh đất hiện thực khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có tác giả Lý Lan. Bửu Sơn Kỳ Hương là tác phẩm thể hiện dấu ấn văn hóa Nam Bộ ở nhiều phương diện nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt, trong tiểu thuyết này, con người Nam Bộ được khắc họa một cách sinh động với tất cả màu sắc và ấn tượng riêng. Đó là kiểu con người lưu lạc phân li; con người nghĩa hiệp, thủy chung, hào phóng và con người yêu quê hương đất nước. Từ khoá: Con người Nam Bộ, Lý Lan, Văn hóa, Bửu Sơn Kỳ Hương. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện thực đời sống chính là một cánh đồng màu mỡ để văn chương bén rễ sinh sôi. Mỗi nhà văn đều là hiện thân của một nền văn hóa - có thể đó là nơi nhà văn đã sinh ra, hoặc cũng có thể đó là nơi họ đã từng sinh sống, gắn bó. Vì thế, mỗi miền quê với bản sắc văn hóa riêng đã trở thành nguồn mạch cảm hứng bất tận trong trang viết của nghệ sĩ. Mảnh đất Tây Bắc đi vào trang văn Tô Hoài, trang thơ Chế Lan Viên, Quang Dũng… Vùng đất Tây Nguyên phập phồng hơi thở trên trang viết của Nguyên Ngọc, Đặng Bá Canh… Lý Lan làmột nhà văn ý thức trọn vẹn về sứ mệnh của người cầm bút, cũng đã trải qua những hành trình sáng tạo như thế ấy. Từng sống ở Nam Bộ và am hiểu văn hoá nơi đây, tất cả các tác phẩm của bà gần như đều mang hơi thở và nhịp sống của mảnh đất này. Cùng nhiều tác phẩm khác, tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan là một pho sách về văn hóa Nam Bộ. Năm 2022, cuốn tiểu thuyết này đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn. Tác phẩm tái hiện lại khá nhiều nét văn hóa 47
- Hình tượng con người nam bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan Nam Bộ ở nhiều phương diện như môi trường thiên nhiên, đời sống lịch sử, xã hội, đặc biệt là ở phương diện con người. Qua hệ thống nhân vật được nhà văn dày công khắc họa, người đọc hiểu rõ hơn về cốt cách con người phương Nam với những mảnh đời lưu lạc phân li, phẩm chất trọng tình nghĩa, hào phóng thủy chung và tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương, đất nước. 2. NỘI DUNG 2.1. Hình tượng con người Nam Bộ lưu lạc phân li Con người lưu lạc phân li là một trong những kiểu nhân vật được nhiều nhà văn khắc họa bằng cảm thức của mình. Tác giả Phạm Thị Thu Thủy đã viết: “Cảm thức lưu lạc thực sự đã trở thành mẫu số chung của con người Nam Bộ, những người sống trên miền đất được tạo lập hơn ba trăm năm nay song vẫn luôn hấp dẫn, gọi mời sự quan tâm, niềm hứng khởi của các nhà văn, đặc biệt là những đứa con thương mến của quê hương.” [6]. Cảm thức này xuất hiện ở nhiều tác giả, đặc biệt là những nhà văn Nam Bộ như Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư… Với Lý Lan, có lẽ bản thân cuộc đời nhà văn ít nhiều trải qua những nẻo đường lưu lạc nên bà thường khắc họa các nhân vật của mình trong tình huống lưu lạc phân li. Trong tác phẩm Bửu Sơn Kỳ Hương, trước hết, những câu chuyện lưu lạc phân li đau lòng, dở dang, gặp đó rồi xa nhau đó diễn ra ở chính những con người trong một gia đình, dòng họ. Dòng tộc Hoa Kiều, họ Huỳnh là hành trình đi tìm nhau. “Sơ tổ họ Huỳnh và sơ tổ họ Trần khi đến đất Đồng Nai là hai thanh niên trụi lủi, ban đầu không quen biết nhau, sau trở thành anh em cột chèo, họ Trần cưới người chị, họ Huỳnh cưới người em. Không biết gốc tích hai chị em này, nhưng hồi xưa, xứ này hiếm đàn bà con gái Minh Hương. Lưu dân cưới vợ có khi là người Nam, người Chàm, người Thổ.” [4, tr. 54]. Khởi đầu là Vĩnh Xương đi tìm chú Ba - ông Tế Xương khi hay tin ông mất tích. Lá thư chàng gửi Tịnh mang về cho gia đình cũng bị thất lạc do Tịnh gặp nạn. Khi trở về thì gia đình chàng đã bị kết tội phản loạn, có thể đã bị giết sạch và chôn chung trên gò mả ngụy. Chàng tiếp tục hành trình đi tìm bà nội, mẹ và em gái khi hay tin họ còn sống. Thu xếp xong cho bà và mẹ, chàng lại ra đi để thực hiện chí hướng của cha mình là khôi phục lại Phước Xuân Đường. Trong khi chàng đi tìm chú Ba, thì chú lại là người đi tìm chàng vì hay tin em trai mình gặp nạn “Chú Ba biết là nếu cháu trở về... chắc chắn sẽ về Phước Xuân Đường và đến cúng tế ở gò mả ngụy. Chú Ba cải trang đi qua đi lại nhà cũ, chiều tối quẩn quanh gò mả, như một con ma.” [4, tr. 117]. Chú cháu tìm thấy nhau, lạc mất nhau. Ông Hòa cũng đi tìm Vĩnh Xương và rồi họ không còn có cơ hội gặp nhau nữa bởi ông đã mất vì dịch bệnh. 48
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 3 (2024) Không những vậy, hình ảnh con người lưu lạc phân li đôi khi diễn ra ở những con người dường như không hề có mối quan hệ họ hàng chính thống, họ chưa phải là một gia đình đúng nghĩa, vì chẳng có cưới xin ăn hỏi, cũng chưa bao giờ họ chính thức thừa nhận hay đòi hỏi danh phận. Đó là câu chuyện lưu lạc của chị Hai và anh Bình. Họ tình cờ gặp nhau ở bến An Châu, khi Bình được giao nhiệm vụ đi theo bảo vệ Phật Thầy, còn chị Hai lúc ấy chỉ là một người đàn bà khờ khạo ở bến An Châu. Những ngày tháng trên cồn hoang, họ cùng trải qua hoạn nạn, tình cảm đến một cách hồn nhiên không hẹn ước, không ràng buộc. Thế rồi một trận lũ đi qua, Bình để lạc chị Hai và đứa con chưa kịp cắt rốn của mình trên dòng nước lũ: “Một tay vẫn ghì chặt cành cây, chị luồn tay kia xuống giữa háng đỡ đầu đứa bé nhưng nó trơn nhớt tuột khỏi tay chị rơi xuống nước, chị gào lên không thành tiếng, nhào xuống theo con, lập tức bị nước xiết cuốn ngã sấp. Bình vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Nhưng như một phản xạ, Bình lao xuống nước có bơi về phía chị... Bình cô nhắm mắt hướng chị Hai trôi mà bơi.” [4, tr.82 - 83]. Để rồi sau này, Bình nhớ nhung khắc khoải: “Ký ức hạnh phúc sống lại sao khiến Bình đau lòng quá? Nước mắt tự nhiên trào ra, Bình không gạt đi. Gió thổi bên tai mà tưởng như lời chị Hai, những lời chị rủ rỉ rù rì khi rúc đầu vào nách anh.” [4, tr. 97]. Sau khi cứu chị Hai, ông bà Tư đã đưa chị đi tìm Phật Thầy để chữa bệnh cho chị. Điều đau lòng là đúng thời điểm này, Bình cũng đang chở Phật Thầy về Châu Đốc, ngược lối con thuyền của ông Tư. Họ lướt qua nhau, chị Hai chỉ kịp chồm dậy gọi tên anh rồi ngất lịm. Tỉnh dậy, chị đau đớn: “Chị nhìn sông nước mênh mang, nghẹn ngào” [4, tr. 100]. Họ đuổi kịp ghe của Bình, đoàn tụ được trong một thời gian ngắn ngủi, rồi vì loạn lạc, ghe quan đi bắt người, họ lại lạc nhau một lần nữa. Khi làm nghề trạo phu, Bình vẫn khắc khoải nhớ thương chị. Lúc Bình chở ông Hòa đi tìm Vĩnh Xương, không ít lần thuyền họ đi lướt qua nhau trên sông nước: “Người đang chống ghe lui ra là ông Tư. Ghe ông không mui, bà Tư, chị Hai và đứa con ngồi khơi khơi trong nắng, nếu lúc đó Bình mở mắt là nhìn thấy họ. Nhưng anh nằm ngủ trong mui ghe...” [4, tr. 193]. “Có lúc anh thoáng thấy một người đàn bà ngồi trên chiếc ghe ngược chiều vừa lướt qua. Chị trùm khăn kín đầu mặt chỉ có cái dáng ngồi khiến Bình giật mình nghi nghi. Nhưng hai chiếc ghe ngược chiều đã lướt qua nhau rất nhanh” [4, tr. 206]. Sau bao lênh đênh, họ gặp nhau nhưng trong một hoàn cảnh không hề mong muốn, chị Hai biết câu chuyện của Bình với chị bán khoai và đứa nhỏ có nốt ruồi sau gáy - con trai của họ. Chị đã lặng lẽ rời đi, và họ lạc nhau mãi mãi... Không chỉ với Bình và chị Hai, những cuộc gặp gỡ thoáng qua để lại nhiều lưu luyến vì phân li, không đoàn tụ ấy còn hiện hữu trong câu chuyện giữa Phật Thầy với ông chủ Phước Xuân Đường hay trong mối tình quyến luyến mỏng manh nhưng da diết buồn của Vĩnh Xương với con gái ông Hòa hoặc cuộc gặp gỡ thoáng qua giữa anh Bình với chị bán khoai… Đặc biệt hơn, đôi khi nhân vật của Lý Lan không phải trong hoàn cảnh chia ly nhưng vẫn mang cảm thức lưu lạc, hay nói cách khác, họ rơi vào trạng thái chênh 49
- Hình tượng con người nam bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan vênh, bế tắc, không hiểu bản thân, lưu lạc với chính con người của mình. Xây dựng nhân vật ở phương diện này, bà muốn khắc họa hành trình đi tìm lại chính mình và định hình bản ngã của mỗi con người Nam Bộ. Điều này thật đúng với nhân vật Bình trong tác phẩm. Cuộc đời Bình có khi lưu lạc, nổi trôi không biết đi đâu về đâu. Đang làm việc ở tiệm thuốc Phước Xuân Đường, Bình được giao nhiệm vụ đi theo Phật Thầy. Rồi khi lạc mất mẹ con chị Hai, anh tiếp tục hành trình lưu lạc với Phật Thầy. Gặp lại rồi bỗng dưng họ bị bắt, anh trở thành kẻ bơ vơ, tứ cố vô thân. Trở về với ông chủ Phước Xuân Đường, nhưng Bình vẫn luôn mang trong mình một cảm thức khắc khoải nhớ thương dòng sông Cái, bến An Châu, nhớ thương chị Hai, nên anh đã rời đi sống nghề trạo phu. Đôi lúc, chính Bình cũng không xác định được phương hướng cho mình. Anh không biết đi đâu, làm gì và rồi lưu lạc đến cồn mả ngụy. Bình loay hoay giữa những ngả đường: “Nhưng trở về ghe đi đâu nữa? Anh không có nơi để đến hay trở về. Anh không có nhà. Ông bà Tư và hai con đang sống hay đã chết, đang ở đâu, Bình không biết” [4, tr.163]. Nhân vật Vĩnh Xương nhiều lúc cũng phải đối diện với sự lưu lạc với chính mình đến bơ vơ. Cha chàng muốn chàng đi tìm chú Ba là để bảo vệ cho tương lai của chàng vì linh cảm của một người cha về những điều chẳng lành sắp tới. Có lúc chàng vô định trên sông nước như Bình “Chàng sẽ làm gì ở xứ người?”. Tai họa ập đến với gia đình khiến chàng trơ trọi. Cha bị giết, bà, mẹ và em gái mất tích..., đó là những tháng ngày đau đớn nhất của chàng. Con người này luôn có sự giằng co giữa trách nhiệm với gia đình, dòng họ và khát vọng chí hướng bản thân. Có một điệp khúc trong tác phẩm mà nhà văn ngân lại rất nhiều lần: “gặp nhau, quen nhau, ơn nhau rồi lại lạc nhau. Bao lâu nay cứ tìm nhau, gặp nhau rồi lại lạc nhau, cứ phải tìm nhau hoài.” [4, tr. 219]. Bức tranh lưu lạc phân li của con người Nam Bộ không chỉ hiện diện ở những mảnh đời cụ thể, mà đôi lúc được khái quát lên thành một bức tranh rộng lớn. Đó là hoàn cảnh chung của thời đại, của con người Nam Bộ cuối thế kỷ XIX. Nhà văn mượn lời Ứng Xương: “Bây giờ trong thành Phiên An đang rối. Mà kinh nghiệm máu xương của dòng họ ta ở Cù Lao Phố không thể quên. Mình là lưu dân, người Thổ nổi dậy chống người Nam mình bị kẹt, người Nam đánh với người Xiêm mình cũng khổ, hai ông Nguyễn đánh nhau mình cũng chết” [4, tr. 59]. Nguyên nhân trước nhất chính là hành trình di dân, tỵ nạn: “Hết thuyền này tàu khác, từng đợt người tỵ nạn ra đi, nhiều người về Quảng Châu, một số đến Hạ Châu” [4, tr. 116]. Nguyên nhân nữa là do chiến tranh: “Vùng An Hà mấy năm nay tan hoang hết rồi, còn ai mua bán gì ở những bãi chiến trường thối inh xác chết. Kinh Vĩnh Tế tưởng là thủy lộ mở mang thương mại, phát triển canh nông và giữ an bờ cõi, ai ngờ thành thủy lộ kinh hoàng, hai bên bờ diều quạ sinh sôi bằng xác người, mỗi lần bay lên từng bầy như những đám mây đen kịt” [4, tr. 178]. Rồi họ lưu lạc vì dịch bệnh: “Ôn dịch giết hết một chục người trong đoàn ghe từ Long Hồ về Châu Đốc... Nhưng Châu Đốc cũng 50
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 3 (2024) đang bị ôn dịch. Không khí đầy mùi thối rữa, đêm về tiếng gió hú cùng tiếng người khóc than khiến bóng đêm thêm rùng rợn, đâu cũng đặc mùi tử khí” [4, tr. 207 - 208]. Khi viết về con người lưu lạc phân li, có lẽ nhà văn Lý Lan không chỉ hướng đến mục đích sáng tạo là làm sống dậy một vùng văn hóa Nam Bộ ở phương diện những biến động lịch sử, xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà hơn thế nữa, bà muốn bày tỏ sự cảm thông thấu hiểu với cuộc đời, số phận của những con người nơi đây, bởi mỗi cuộc đời lưu lạc đều là sự đẩy đưa của dòng đời và dòng chảy lịch sử. Đồng thời, bà thể hiện cái nhìn trân trọng và tình yêu mến. Với bà, con người Nam Bộ luôn dũng cảm rời bỏ gia đình, quê hương, nơi chốn bình yên của mình để bước vào hành trình lưu lạc, phân li, để đi tìm chính bản ngã, đi tìm tình yêu, hạnh phúc, và để bảo vệ những gì thân yêu nhất của mình. 2.2. Hình tượng con người Nam Bộ nghĩa hiệp, thủy chung, hào phóng Tác giả Trần Ngọc Ánh trong bài viết “Nét văn hóa Nam bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan” cho rằng: “Chủ thể văn hóa Nam Bộ không chỉ sống hào sảng, nghĩa hiệp mà còn sống đề cao nhân nghĩa. Họ đối xử với nhau bằng một tình cảm đơn giản nhưng vô cùng nhân ái, sống trong tình tương thân, tương ái, cởi mở cưu mang dù xa lạ” [1, tr. 18]. Nét tính cách này được nhà văn Lý Lan khắc họa ở hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhân vật đầu tiên để lại ấn tượng sâu sắc chính là ông chủ Phước Xuân Đường - Huỳnh Tế Xương. Mặc dù cuộc gặp gỡ giữa ông và Phật Thầy chỉ là tình cờ, qua lời gửi gắm của ông Hòa, nhưng ngay từ đầu, ông đã dành cho con người này sự tôn trọng nhất định: “Tôi không hỏi người là ai. Tôi không hỏi người đi đâu. Người ở lại thì ở, người muốn đi thì đi. Điều gì người không nói, tôi không hỏi. Điều gì người gửi gắm, tôi thề giữ kín” [4, tr. 15]. Cái tỏ vẻ không để tâm đó thực ra là sự tôn trọng. Bởi sau đó, ông vẫn luôn lo lắng dõi theo hành trình của Phật Thầy. Khi kỳ nhân quyết định rời khỏi tiệm thuốc, ông đã bí mật giao cho Bình theo chân người đi theo để với mục đích là bảo vệ, chăm sóc. Sau này, khi không có tin tức gì của Bình, ông lại cho Nên - một người làm công của mình trong tiệm thuốc đi theo để tìm Bình và tin tức của kỳ nhân. Rồi khi cả Bình và Nên đều không trở về, chính ông - với máu ưa phiêu lưu xê dịch của mình, đã giao lại Phước Xuân Đường - đứa con tinh thần của mình cho người làm để đi tìm Phật Thầy “Ông chủ Phước Xuân Đường nói khi nào nhà tiệm dựng lại đàng hoàng ông sẽ cho Bình đi Biên Hòa đón Phật Thầy về” [4, tr. 40]. Sự nghĩa hiệp, hào phóng của ông chủ Phước Xuân Đường còn thể hiện trong chính lề lối làm việc và quan niệm sống của ông. Ông dùng tiền để cúng dường xây cất chùa. Nhà văn viết: “Chưa bao giờ ông chủ nghiêng mình quá đáng trước một quan nào và khẳng định Phước Xuân Đường chỉ là nơi bốc thuốc cứu nhân, chứ không bao giờ can dự đến tranh chấp quyền lực.” [4, tr. 166]. Đối với gia đình, ông cũng luôn lo lắng chu toàn, coi trọng tình nghĩa trước sau. Ông đã từ bỏ máu phiêu lưu của mình để gây dựng lại 51
- Hình tượng con người nam bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan Phước Xuân Đường khi hay tin em trai mình mất và hết sức lo lắng cho cháu trai Huỳnh Vĩnh Xương. Lúc đón Vĩnh Xương ở nhà ông Hòa, ông yêu thương chàng như con mình, đó cũng là điều mà Vĩnh Xương cảm nhận được: “Chàng buột miệng hỏi chú Ba có lạnh không. Thoáng cảm động hiện trong mắt chú Ba, chú hỏi lại con lạnh à… Chú không thể để bất cứ điều gì không hay xả ra cho con lúc này. Phước Xuân Đường giờ là Huỳnh Vĩnh Xương” [4, tr. 129]. Khi nhận được thư chàng, ông đã hồi âm bằng những lời lẽ yêu thương: “Chú rất mừng được biết tin gia đình cháu. Chú kính gửi lời thăm bà nội cháu… thật lòng yêu cháu…” [4, tr. 168 - 169]. Nhân vật ông Hòa cũng được nhà văn xây dựng để làm nổi bật tính cách này của con người Nam Bộ. Ông Hòa là người ăn ở có trước có sau, sống nội tâm, tinh tế và giàu tình cảm. Dù giữa mình với Vĩnh Xương không có mối quan hệ máu mủ ruột rà, cũng không cùng họ, chỉ là bạn học từ nhỏ và là bạn làm ăn với ông Tế Xương (chú của Vĩnh Xương) nhưng ông vẫn dành cho Vĩnh Xương một tình cảm quan tâm rất đặc biệt: “Ông nghĩ nỗi nhớ người con trai vắn số khiến ông có một cảm xúc thật đặc biệt khi nhìn bất cứ chàng trai nào cùng lứa con mình. Nhất là những chàng trai tuấn tú bộc lộ những phẩm chất mà ông tưởng tượng con mình là như vậy.” [4, tr. 53]. Ông đã động viên cháu mình khi biết cháu bước vào hành trình đi tìm chú Ba - ông Tế Xương: “Cháu đừng lo lắng về chú Ba, ông ấy từng lên rừng xuống biển, thỉnh hoảng lại ngao du đó đây…” [4, tr. 54]. Tiễn đưa Vĩnh Xương, ông không giấu được ánh nhìn lo lắng: “Ông Hòa đợi ghe đưa Vĩnh Xương đi hút tầm mắt vẫn không quay trở và nhà. Ông đứng nhìn mông lung sông nước.” [4, tr. 56]. Tình cảm quan tâm ấy được thể hiện xúc động nhất lúc ông biết tin gia đình của Vĩnh Xương gặp nạn. Có thể gia đình chàng đã bị giết sạch và chôn chung trên gò mả ngụy. Trước sự đau khổ và gục ngã của cháu mình, ông Hòa yêu thương chăm sóc như tình thương của một người cha dành cho con. Ánh mắt và sự lo toan của ông chưa bao giờ rời khỏi chàng trai này “Trong ngôi nhà, Vĩnh Xương được chăm chút từng miếng ăn, từng tiếng ho… Ông Hòa làm ra vẻ thôi bận tâm đến Vĩnh Xương… Nhưng ông không bỏ qua nhất cử nhất động nào của chàng… ông Hòa đứng bên hiên nhìn chàng. Ông đứng lặng lẽ nghe những lời tha thiết Vĩnh Xương lảm nhảm trong mơ, rồi ngẩng nhìn vầng trăng khuyết cao vòi vọi tự mang ánh sáng vào bóng tối của mình…” [4, tr. 120]. Tất cả suy nghĩ, hành động ấy của nhân vật này đều bộc lộ tình yêu thương, trách nhiệm lớn lao, sâu sắc mà ông Hòa dành cho Vĩnh Xương, cho gia đình mình: “Ông yêu chàng trai này như con trai mình, điều đó chắc chắn.” [4, tr. 117]. Từ đó, nhà văn giúp người đọc hiểu thêm về nhân cách đáng trọng của người Nam Bộ. Họ dành tình cảm cho con người một cách vô tư, không tính toán, giả tạo hay rào trước đón sau. Bên ngoài họ có vẻ cứng rắn, thờ ơ, nhưng thực ra bên trong lại chứa đựng nỗi lo toan trĩu nặng. Người Nam Bộ là thế, tình yêu thương không thể hiện nhiều qua lời nói, mà chủ yếu qua hành động. 52
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 3 (2024) Tình cảm yêu thương, thủy chung, nghĩa hiệp ở con người Nam Bộ trên trang viết Lý Lan đáng trọng ở chỗ họ không chung một gia đình, họ hàng, bè bạn. Họ tình cờ gặp, rồi thương, chờ đợi và hi sinh vì nhau. Đúng như câu văn có tần suất lặp lại khá cao trong tác phẩm: “Không quen nhau mà ơn nhau, không ơn nhau mà ơn nhau. Quen nhau rồi làm sao quên, ơn nhau rồi sao có thể quên.” [4, tr. 97]. Điều này được thể hiện rõ nhất ở nhân vật chị Hai. Chị và Phật Thầy, anh Bình không hề có bất kỳ một cơ duyên nào trước đó. Họ chỉ tình cờ mắc cạn trên cồn hoang. Tình cảm của chị và anh Bình, rốt cuộc cũng không biết có thể gọi là tình yêu không, hay đó chỉ là cái tình cái nghĩa, là sự cảm mến, nương tựa, dìu dắt nhau đi qua những ngày tháng lưu lạc, cô đơn. Dẫu không một lời yêu thương, hẹn ước, nhưng một mình chị đã vượt qua nỗi đau sinh nở. Chị chống chọi với lưỡi hái tử thần để bảo vệ đứa con của hai người giữa dòng nước lũ. Dù chưa khỏi bệnh, nhưng chị vẫn khao khát đi tìm Bình vì lo cho anh và Phật Thầy. Khi gặp lại, Bình thì ngẩn ngơ, thậm chí không tin mình và chị có con chung với nhau, tuy nhiên chị vẫn một mực tin yêu anh, hễ có tin tức là chị lại đi tìm anh, cho dù phải rời xa đứa con của mình. Trải qua dâu bể, khi tìm được Bình, cũng là lúc chị chọn cách buông tay để cho Bình được lựa chọn, để giữ danh dự cho Bình, không vì hạnh phúc của mình mà tước đoạt quyền được có một gia đình trọn vẹn của mẹ con chị bán khoai. Câu văn của Lý Lan gợi nỗi buồn mênh mang, nhưng lại tỏa ra hơi ấm của tình người Nam Bộ. Họ sẵn sàng ôm lấy nỗi buồn riêng, sẵn sàng chấp nhận hi sinh và buông bỏ, vì người mình yêu thương: “Chị Hai vẫn không quay mặt, không nhìn Bình, nói như một hành khách kể một câu chuyện qua đường. Tui đi qua chợ đũi, gặp chị bán khoai, con chỉ bệnh nặng, chồng bị bắt rồi biệt tăm luôn. Chỉ khổ lắm... Chị đứng dậy leo qua thuyền khác, rồi leo qua thuyền khác nữa, leo riết lên bờ, đi miết” [4, tr. 277]. Dẫu vậy, đến cuối tác phẩm, chị Hai vẫn không hề oán trách Bình, khi đã trở thành một bà lão, chị quyết định theo con trai về bến An Châu, lên núi Vồ Ông để tìm chồng. Khoảnh khắc cuối cùng chị nhìn thấy anh, cũng là lúc anh đã về miền cực lạc trong tâm thế an nhiên. Hình ảnh chị Hai khiến độc giả liên tưởng tới những người phụ nữ Nam Bộ: với gia đình, họ một mực thủy chung; với quê hương, họ một lòng kiên trung. Không chỉ chị Hai, tấm lòng nghĩa hiệp, hào phóng của con người Nam Bộ dành cho người xa lạ gần như được nhà văn Lý Lan khắc họa ở hầu hết các nhận vật trong tác phẩm. Ông bà Tư dẫu nghèo, sống nay đây mai đó bằng nghề bán cá khô song rất yêu thương nhau: “Bà Tư từng nói là nếu Chúa rước bà về trước thì bà sẽ đứng đợi ở cửa Thiên đàng đến khi nào ông lên tới nơi mới cùng ông bước vào” [4, tr.234]. Ông Tư cho đến giây phút cuối đời cũng chỉ lo cho vợ mình: “Bây giờ thì ông biết mình có thể thanh thản lìa bỏ thân xác đang hư hoại này, vì ít nhứt đã làm được một việc lớn trong đời: làm yên lòng người mình yêu thương” [4, tr. 235]. Với người dưng, họ sẵn sàng yêu thương che chở. Họ đã bất chấp nguy hiểm để cứu chị Hai, cưu mang mẹ con chị, tìm cách chữa bệnh cho chị, rồi thay chị nuôi nấng, yêu thương Vĩnh 53
- Hình tượng con người nam bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan Long như con cháu mình cho đến phút cuối đời. Tịnh và Vĩnh Xương, dù chỉ gặp đôi lần nhưng vẫn xem nhau như là bạn đồng hành. Hay kể cả các nhân vật phụ như ông Thiềm, anh Nên, bà Mai, vợ và con gái ông Hòa..., tất cả những việc làm của họ đều toát lên sự hào phóng, nghĩa hiệp của con người Nam Bộ. Nếu như những trang viết về con người lưu lạc phân li thể hiện cái nhìn cảm thông thấu hiểu và thương cảm của tác giả, thì khi miêu tả tính cách này của con người phương Nam, nhà văn lại sử dụng một giọng điệu trân trọng, ngợi ca. Đằng sau những câu từ miêu tả lời ăn tiếng nói, cách nghĩ, cách cảm và những hành động cao thượng, bao dung, sẵn sàng cho đi của các nhân vật, người đọc cảm nhận được tình cảm yêu mến đặc biệt của nhà văn dành cho con người trên vùng đất này. Có lẽ, trong các nhân vật ấy, có bóng dáng của bà, mẹ, những người mà hơn nửa cuộc đời của nhà văn khi sống ở Nam Bộ đã được họ yêu thương, chở che bằng tất cả lòng yêu mến. 2.3. Hình tượng con người Nam Bộ yêu quê hương đất nước Theo tác giả Huỳnh Trọng Khang, “Tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương có nhiều nhân vật lịch sử xuất hiện, họ thường được gọi giản dị bằng tên theo phong cách Nam bộ. Có những nhân vật đã yên ổn nằm trên bàn thờ lịch sử, có những nhân vật đến nay hãy còn tranh cãi. Họ hiện ra với một chân dung đau khổ trước thời thế, con người họ lẫn vào đám đông những nhân vật bình thường khác.” [3]. Những nhân vật lịch sử này nổi bật với lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần dũng cảm và nghĩa khí hào hùng đứng lên đấu tranh bảo vệ đất nước. Trong tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương, nhân vật đầu tiên thể hiện phẩm chất này là vị quan Phan Thanh Giản. Ông hiện lên là một người liêm khiết, thanh liêm, trọng nghĩa khí, có trước có sau, yêu nước thương dân và có nhiều kế sách mới mẻ để chấn hưng, bảo vệ đất nước. Ở phương diện lịch sử, Phan Thanh Giản là vị quan của triều đình nhà Nguyễn. Dù nhiều lần bị giáng chức rồi lại phục chức nhưng ông vẫn gắn bó phụng sự cho mấy đời vua Nguyễn, cuối cùng là vua Tự Đức. Lý Lan viết: “Quan kinh lược vốn là con một di dân, xuất thân là học trò nghèo, đem chí giúp đời đi vào chốn quan trường. Dù trong triều có kẻ không ưa, nhưng ông vẫn tin là có minh quân tôi hiền thì dân chúng được yên vui. Vua đã tỏ rõ khao khát làm minh quân, ông cũng muốn làm tôi hiền… Và niềm tin Nho giáo của ông là người sống một lòng vì dân vì nước thì không hổ thẹn với đất trời” [4, tr. 189]. Khi Gia Định thất thủ trong tay giặc Pháp, ngôi nhà của ông đã trở thành nơi trú ngụ của những người gặp nạn. Bản thân ông luôn canh cánh nỗi lòng yêu nước thương dân: “Từ lúc Nam Kỳ có biến, ông có ngủ được chút nào đâu. Chợp mắt là nghe tiếng pháo nổ át tiếng già trẻ kêu cứu” [4, tr. 304 - 305]. Ở tuổi bảy mươi, ông vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ trấn nhậm vùng biên địa phương Nam. Nhân vật lịch sử này đã chiến đấu kiên trung cho đến phút cuối đời. Vua Nguyễn giao cho ông trọng trách đàm phán với Pháp để giữ lại ba tỉnh miền Đông 54
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 3 (2024) Nam Bộ. Cuộc đàm phán thất bại, ba tỉnh miền Đông Nam Bộ rơi vào tay giặc Pháp. Khi “Mười mấy tàu Pháp đậu kín mặt nước trước thành Vĩnh Long, cả trăm nòng pháo chĩa vào thành… Ông Giản đứng như trời trồng. Ông không chỉ nghĩ đến vợ con… ông nghĩ đến hàng ngàn gia đình tỵ địa chưa kịp ở yên, ông nghĩ đến hàng trăm sĩ tử tuổi đôi mươi và tất cả sĩ phu đang tụ tập ở Văn thánh miếu, ông nghĩ đến hàng vạn người đang cấy lúa, đắp bờ, phần lớn là đàn bà trẻ con. Ông chấp nhận giao thành với điều kiện quan Pháp không cho lính tàn sát nhân dân” [4, tr. 327 - 328]. Sau đó ông tuyệt thực mười bảy ngày, uống thuốc độc để tuẫn tiết. Đó là cái chết bi hùng, vì nước vì dân. Không chỉ những vị quan giữ trọng trách trong triều, mà ở tiểu thuyết còn có những nhân vật dù chỉ giữ chức quan bé mọn, phận tôi tớ nhưng vẫn một mực trung thành với quê hương đất nước. Đó là ông Thành - viên quan trung thành tuyệt đối của ông Giản, thanh liêm, tận tâm, thánh thiện và một lòng lo nghĩ cho dân cho nước: “Lẽ ra Thành tuẫn tiết theo chủ. Anh đã chết đứng trên tàu giặc, bất lực nhìn ông Giản kí giấy giao đầu hàng. Anh đã chứng kiến nỗi kinh hoàng của sĩ tử túa chạy toán loạn khi giặc hùng hổ tiến vào thành. Những người tỵ địa một lần nữa bồng bế nhau lên ghe ra khơi, tìm nơi khác nương thân. Thành không cam tâm đầu hàng” [4, tr. 319]. Hay người “lính quèn” Cai đội Tuấn - con rể ông Hòa. Khi giặc Pháp xâm lược, ông đã đứng lên chiêu mộ và khích lệ người dân đấu tranh: “Ông Tuấn gọi người con trai út lại đứng bên cạnh, dõng dạc nói trước mặt mọi người: Từ giờ phút này cha giao cho con nhiệm vụ chăm sóc bà ngoại, mẹ, em... Cha và anh con phải đi đánh giặc... Ông tự phục chức Cai đội, nội trong một đêm đã huy động được năm chục nghĩa quân và tám chiếc thuyền... Cai đội Tuấn đứng ở mũi ghe nghẹn ngào nhìn nước sông chảy xuôi. Phía sau lưng là nhà cửa vợ con và cả đoàn người tị nạn. Ông ra lệnh tiến” [4, tr. 292 - 293]. Ông bị thương trong trận đánh, con trai hi sinh ngày đầu ra quân, con rể bị thương. Dầu vậy, con người này vẫn chiến đấu ngoan cường bởi với ông, không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất nước. Điều khiến người đọc cảm thấy xúc động và tự hào hơn về con người Nam Bộ, đó chính là tình yêu quê hương, đất nước luôn chảy trong trái tim mỗi con người, kể cả những người dân thường, những con người vô danh. Nhân vật Tịnh là một trí thức giàu lòng tự tôn dân tộc đã nhiều phen liều chết để bảo vệ những trang giấy, cuốn sách ghi chép văn tự Quốc ngữ. Nhân vật ông Thiềm là người đã từng hai lần dong buồm đánh đuổi giặc Xiêm. Khi tuổi đã cao, ông vẫn dũng cảm đứng lên đánh giặc, sẵn sàng bán nhà để mua ghe chở vũ khí: “Người cựu binh già đầu bạc cũng vừa vỗ, vừa khích, vừa đe, vừa ép được một đội khoảng ba chục người vừa con vừa cháu vừa bần nông tá điền giương cờ nghĩa, đắp đồn lũy, đào hào, tích trữ lương thực, rèn đao kiếm, để sẵn sàng ứng chiến” [4, tr. 302 - 303]. Hoặc nhân vật Hà Vĩnh Long - con trai của chị Hai và anh Bình, một chàng trai giàu nghĩa khí. Trong cuốn tiểu thuyết này, còn biết bao tầng lớp con người Nam Bộ vô danh, họ là những nông dân nghĩa sĩ trong cuộc sống đời 55
- Hình tượng con người nam bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan thường lam lũ thì bộc trực, thủy chung, tình nghĩa và khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng hiến dâng. Nhà văn viết những câu thật xúc động: “Trong số năm mươi nghĩa sĩ ra đi buổi sáng chỉ có mười người trở về lúc nửa đêm. Khoảng mười hai cái xác được vớt về, còn lại không biết sống chết như thế nào... một đám thổ dân đang tấn công vào góc thành phía Nam. Đêm đó thêm sáu cuộc tấn công khác, từ vài chục đến vài trăm người tham gia.” [4, tr. 294]. Sự chiến đấu và hi sinh quả cảm của họ đã khơi dậy trong người đọc ngọn lửa căm thù giặc. Bửu Sơn Kỳ Hương của nhà văn Lý Lan là cuốn tiểu thuyết phản ánh lịch sử vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Ở đó, người đọc thấy được lịch sử di dân, lập đạo và cả những chuyển biến của triều đại nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX, những phong trào đấu tranh kháng Pháp đầu thế kỷ XX. Cuốn tiểu thuyết mang chứa cả một thời tao loạn của đất Nam Kỳ, trong đó, có sự va đập của những phận người tứ xứ và các nền văn hóa giao nhau làm nảy sinh không chỉ một mối đạo mà mở ra những khoảng trời mới trong lịch sử vùng đất này. Nhân vật lịch sử và yếu tố lịch sử ấy được đặt ở góc nhìn của một nhà văn, và khắc họa bằng hình thức nghệ thuật của tiểu thuyết, vì thế lịch sử hiện lên chỉ còn như những hoài niệm mây khói vàng son. Nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử trong tác phẩm bắt nguồn từ hiện thực, nhưng ít nhiều đã mang những màu sắc hư cấu. Thành công của tác giả chính là khiến người đọc cảm thấy xúc động, trân quý, tự hào về tinh thần chiến đấu quật cường của những người con Nam Bộ. Tất cả họ đều chọn cách tự nguyện, chọn sự hi sinh thầm lặng để bảo vệ từng tấc đất quê hương. 3. KẾT LUẬN Đi tìm dấu ấn văn hóa Nam Bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp ấy ở phương diện nội dung của tác phẩm, đặc biệt là ở hình tượng con người. Cuộc đời các nhân vật như anh Bình, chị Hai, Vĩnh Xương... giúp chúng ta nhận thức và thấu hiểu được số phận lưu lạc phân li của cư dân nơi này trong những ngày đầu di dân lập ấp. Qua phẩm chất tốt đẹp của ông Hòa, ông Tư, chị Hai... người đọc trân trọng hơn con người Nam Bộ nghĩa hiệp, thủy chung, hào phóng. Những nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản, cai đội Tuấn, ông Thành... lại biểu tượng cho người con phương Nam yêu quê hương, đất nước, trung thành tận tụy kiên trung. Chính cuộc đời từng trải, quãng thời gian dài gắn với Nam bộ và nét đẹp văn hóa mảnh đất này là nguồn cảm hứng mãnh liệt làm nên sự thăng hoa cho ngòi bút của Lý Lan. Tác phẩm của bà đã phản ánh chân thật vẻ đẹp thiên nhiên, đời sống và tâm hồn nhân cách con người Nam Bộ. Người đọc cũng sẽ nhận ra mối duyên nợ, tình yêu thương và thái độ trân quý của nhà văn dành riêng cho vùng đất phương Nam này. 56
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 3 (2024) TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Trần Ngọc Ánh (2023), “Nét văn hóa Nam bộ trong “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan”, Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, (9), tr. 12 - 24. [2]. Lam Điền (2023), “Lý Lan trở lại với Bửu Sơn Kỳ Hương: Vận nước, phận người trong thời loạn”, nguồn website: https://tuoitre.vn/ly-lan-tro-lai-voi-buu-son-ky-huong-van-nuoc-phan- nguoi-trong-thoi-loan-20220522093747456.html [3]. Huỳnh Trọng Khang (2022), “Hương lành núi báu”, nguồn website: https://nguoidothi.net.vn/huong-lanh-nui-bau-34301.html [4]. Lý Lan (2022), Bửu Sơn Kỳ Hương, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. [5]. Sơn Nam (2007), Nói về miền Nam, cá tính miền Nam, phong tục tập quán miền Nam, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. [6]. Nguyễn Thùy Trang (2012), Cảm thức lưu lạc trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 57
- Hình tượng con người nam bộ trong Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan THE IMAGE OF SOUTHERN PEOPLE IN LY LAN'S KY HUONG BUU SON Tran Thi Tam Nguyen Chi Thanh High School for the Gifted Email: thanhtam1987cva@gmail.com ABSTRACT The cultural imprint of regional characteristics in literary works, especially those by authors with distinct styles, is a significant and deeply meaningful topic. Writers adeptly capture these unique cultural aspects, making them engaging and appealing. Like many other cultural regions, the culture of Southern Vietnam has inspired numerous artists, including author Ly Lan. Her work, “Buu Son Ky Huong” vividly captures the Southern cultural influence of the South in both content and artistry. Particularly, in this novel, the people of Southern Vietnam are portrayed with all their distinct colors and characteristics, embodying a spirit of wanderlust, loyalty, generosity, and a deep love for their homeland. Keywords: Buu Son Ky Huong, Culture, Ly Lan, Southern people. Trần Thị Tâm sinh ngày 10/8/1988 tại Hà Tĩnh. Năm 2010, bà tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Sư phạm Ngữ Văn tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Từ năm 2013, bà giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Chu Văn An, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Đến năm 2013, bà giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Đăk Nông. Hiện bà đang tham gia lớp đào tạo sau đại học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, chuyên ngành Văn học. Lĩnh vực nghiên cứu: Văn học Việt Nam. 58
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài thảo luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh
34 p | 1758 | 460
-
Hình tượng đôi đũa trong bữa ăn người Việt
4 p | 380 | 160
-
LÝ LUẬN HÌNH THÁI KINH TẾ -XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
0 p | 250 | 70
-
Mô hình tính sóng vùng ven bờ ( ĐH Quốc gia Hà Nội ) - Chương 5
45 p | 75 | 11
-
Mối tương quan về yếu tố dân gian và bác học trong thể Lý Huế
19 p | 111 | 10
-
“Sôt” và nghi thức “Chong đai” trong đời sống người Khmer Nam bộ
6 p | 89 | 9
-
Tiếp nhận văn học của người đọc đương đại
5 p | 66 | 7
-
Hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn Thạch Lam
4 p | 68 | 7
-
Kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế - Thực trạng và những vấn đề tư pháp quốc tế cần giải quyết
6 p | 82 | 6
-
Truyện đường rừng của nhà văn Lý Văn Sâm
11 p | 154 | 6
-
Con người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài trong sáng tác của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam
7 p | 56 | 6
-
Các yếu tố ảnh hưởng đến tín ngưỡng dân gian của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ
9 p | 131 | 3
-
Hiện thực miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 dưới cái nhìn đa điểm của Vũ Hạnh
4 p | 42 | 3
-
Giá trị của biểu tượng Naga trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ
8 p | 33 | 3
-
Về tính biểu trưng của thành ngữ, tục ngữ Khmer Nam Bộ thể hiện qua hình ảnh loài vật
10 p | 77 | 3
-
Sự chuyển biến quan niệm trung nghĩa trong văn học nhà Nho Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX
8 p | 17 | 2
-
Tư duy liên tưởng trong câu đố Nam Bộ
10 p | 34 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn