Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên
lượt xem 1
download
Bài viết gồm có những nội dung chính sau: Hồ Chí Minh - Tấm gương tự học suốt đời; Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục và mục đích học tập; một số nội dung cơ bản giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mời các bạn cùng tham khảo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên
- Kỷ yếu hội thảo khoa học: "CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MỘT TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC VỀ GIÁO DỤC VÀ SƯ PHẠM". pp. 132-146 HỒ CHÍ MINH VỚI NỘI DUNG GIÁO DỤC THANH NIÊN Nguyễn Bá Cường Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Hồ Chí Minh - Tấm gương tự học suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà sư phạm mẫu mực, là tấm gương tự học suốt đời. Người luôn chủ động học ở mọi lúc, học ở mọi nơi, học ở mọi người, một ở mọi điều,... Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình Nho học giàu truyền thống yêu nước. Thuở nhỏ (có tên là Nguyễn Sinh Cung), Người đã miệt mài theo học Hán văn dưới sự chỉ dạy của thân phụ Nguyễn Sinh Sắc và các bậc túc nho tại quê hương. Chắc hẳn hồi đó Người đã được truyền quyết tâm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” (Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện) của Khổng Tử 1 . Lớn lên, được theo học tại trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành không chỉ tiếp thu những điều bổ ích được giảng dạy trong nhà trường do thực dân Pháp bảo hộ, cũng không học theo kiểu “tầm chương trích cú” mà luôn chủ động tìm hiểu những vấn đề liên quan đến thực tế cuộc sống của dân chúng và vận mệnh của đất nước. Bởi thế, Người đã sớm tham gia vào các hoạt động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân nên bị đuổi học. Con đường tự học (theo nghĩa tự xác định mục đích, nhu cầu, cách thức và lợi ích thiết thực của việc học) của Người từ đó bắt đầu 2 . Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc lại và khẳng định giá trị của câu nói đó trong bài Nói 1 về công tác huấn luyện và học tập [12;94] 2 . Về hành trình học tập “chính quy” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khoảng tháng 9/1905, Nguyễn Tất Thành (cùng với anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm) được phụ thân xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Năm 1906, vào Huế, Người (cùng với anh trai) được cha cho đi học Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, lớp dự bị (cours préparatoire, tháng 9-1906); lớp sơ đẳng (cours élémentaire, tháng 9-1907). Đến tháng 5/1908, Người bị buộc thôi học tại Trường Quốc học vì tham gia biểu tình chống Pháp. Tuy nhiên, tháng 8-1908, Người được tiếp nhận trở lại trường. Tháng 9-1908, Người vào học lớp trung đẳng (lớp nhì) (cours moyen) tại Trường Quốc học Huế. Khoảng tháng 6-1909, Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học Huế theo cha vào Bình Định. Cuối năm 1909, Người được cha gửi học tiếp chương trình lớp cao đẳng (lớp nhất - cours supérieur) tại Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn, đến tháng 6-1910, Người hoàn thành chương trình tiểu học. Tháng 6/1911, Người rời Tổ quốc đi sang phương Tây bằng đường thủy để tìm đường cứu nước. Trong thời gian sống và hoạt động ở nước ngoài, 132
- Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên Năm 1910, Nguyễn Tất Thành làm giáo viên dạy chữ Nho, chữ Quốc ngữ và phụ trách các hoạt động ngoại khoá của Trường Dục Thanh (do Công ty Liên Thành lập ra theo xu hướng canh tân nhằm giáo dục thanh niên). Người luôn truyền thụ cho học sinh những điều thực tế về đời sống của đồng bào, truyền nhiệt huyết yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Người thanh niên trẻ ấy luôn trăn trở tìm hiểu xem cái gì ẩn sau cái mà thực dân Pháp gọi là “tự do, bình đẳng, bác ái”,... Do đó, Người quyết tâm đi đến quê hương của văn minh phương Tây với mục đích tìm con đường “giúp đồng bào ta” thoát khỏi cách nô lệ. Nguyễn Tất Thành ra đi với hai bàn tay trắng nhưng với ý chí tự làm để tự học, tự học để cứu nước. Trước vận mệnh của đất nước, nhà giáo Nguyễn Tất Thành - người thanh niên yêu nước - Ái Quốc, đã đem tất cả nghị lực, tâm huyết và trách nhiệm của mình, vượt qua mọi gian khổ để rồi tìm ra con đường tươi sáng cho dân tộc Việt Nam . Hành trình đến với cái nôi của văn minh phương Tây của Nguyễn Tất Thành cũng được thực hiện thông qua việc tự làm, tự học. Người tranh thủ học tập ngay trên tàu thủy, thường vào lúc sau khi hoàn thành xong công việc của người phụ bếp, mà “thầy giáo” là những thuỷ thủ người Pháp. Cũng với phương cách đó, Người học ngoại ngữ rất nhanh. Những truyện kể về việc học các ngoại ngữ: Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, Trung Quốc, Xiêm của Người thực sự trở thành những kinh nghiệm quý báu cho chúng ta học ngoại ngữ: Người tự đặt mình vào kỷ luật, mỗi ngày, dù bận đến đâu cũng phải học thuộc được 10 từ mới. Cho nên chưa đầy 3 tháng, Người đã xem và dịch được báo tiếng nước đó. Nguyễn Ái Quốc luôn vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của mùa đông nước Pháp, nước Nga để mà tự học, tự làm. Người không tham gia học chuyên về lý luận chính trị ở trường học nào mà trường học đời sống cùng khổ của nhân dân lao động là trực tiếp và thường xuyên. Và chính thông qua “những người thầy duy nhất” của nhân dân là “đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo”, Người “tiến bộ một cách người tự học thêm nhiều ngoại ngữ và các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, đặc biệt là lý luận chính trị. Cuối năm 1923, Người vào học Trường Đại học phương Đông tại Mátxcơva, nơi bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin cho các chiến sĩ cách mạng của các nước thuộc địa. Tháng 10-1934, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Quốc tế Lênin, nơi bồi dưỡng lý luận dành riêng cho cán bộ các đảng anh em (số hiệu 375, niên khoá 1934-1935). Kết thúc khoá học tại Trường Quốc tế Lênin, Người được nhận vào công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (tại Mátxcơva). Cuối năm 1936, Người trúng tuyển vào lớp nghiên cứu sinh, ngành lịch sử của Viện. Giữa năm 1937, Người dự kỳ thi học kỳ I của lớp nghiên cứu sinh đạt điểm xuất sắc. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai ngày một lan rộng, Người không thể yên tâm ngồi học để hoàn thành luận án, Người nóng lòng được trở về nước hoạt động. Ngày 29-9-1938, được sự đồng ý và giao nhiệm vụ bí mật của Quốc tế Cộng sản, Người đã rời khỏi biên chế của Viện rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước hoạt động cách mạng. Kể từ đó, Người không tham gia vào lớp học chính quy nào nữa. [Chi tiết xem: Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, 1987. Hồ Chí Minh - Những sự kiện. Nxb Thông tin Lý luận; Bảo tàng Hồ Chí Minh, 2008. Hồ Chí Minh - Tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội]. 133
- Nguyễn Bá Cường mầu nhiệm và khi thời cơ cho phép, sẽ tỏ ra xứng đáng với những người thầy đó” [12;8]. Môi trường giáo dục thực tiễn đó đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến kết quả tìm ra được con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người. “Bản án chế độ thực dân Pháp” chính là giáo án lịch sử được xây dựng do việc tổng kết từ trường học của thực dân Pháp “khai hóa văn minh” cho nhân dân lao động trên khắp các thuộc địa. Tác phẩm đó thực sự trở thành bài giảng thực tiễn cách mạng sinh động, thành vũ khí lý luận và lực lượng tinh thần “có sức bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”. Giải quyết vấn đề đặt ra trước mắt là cần một “bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”, Người tập trung vào việc tự học lý luận cách mạng và kiến thức lịch sử văn hóa để đủ trình độ giác ngộ và đào tạo cán bộ cách mạng là những thanh niên trẻ yêu nước. Tác phẩm “Đường Kách mệnh” là một sự tổng kết kiệt xuất thực tiễn của lịch sử thế giới để từ đó rút ra bài học cho Việt Nam. Có thể coi đây là chương trình chi tiết của cách mạng Việt Nam. Kết quả đó cũng là do tự học, tự nghiên cứu thực tiễn mà có được. Trong quá trình hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, tuy bị bắt tù đày nhưng Người vẫn không ngừng học hỏi, luôn rèn luyện “tinh thần thép”, tinh thần xung phong để mong thành công sự nghiệp lớn. Chính ý chí tự học và tinh thần quyết tâm thực hiện lý tưởng đến cùng đã giúp cho Người vượt qua mọi gian lao thử thách để đưa đến thành quả vẻ vang cho quốc dân đồng bào, đưa lịch sử dân tộc bước sang trang mới - kỷ nguyên độc lập. Ngay cả khi đảm nhận cương vị Chủ tịch nước (9/1945), Hồ Chí Minh vẫn miệt mài học tập, học những gì do thực tiễn đặt ra, học ở nhân dân. Chính phong cách nhanh chóng thâm nhập thực tế, nắm chắc kiến thức về những lĩnh vực và đối tượng trước khi tiếp xúc và trao đổi đã chinh phục tất cả mọi người. Người từng khẳng định toàn bộ những kiến thức của mình về lịch sử, văn hoá, chính trị, triết học, quân sự, kinh tế,... và những sáng tạo trong quá trình hoạt động cách mạng là đều do tự học và trường học là nhân dân, là cách mạng. Điều đó chứng tỏ một chân lý mà Người đã nêu lên: “Cách học tập: ... Lấy tự học làm cốt” [10;67] (NBC nhấn mạnh). Như vậy, từ nỗ lực tự học và năng lực chủ động, sáng tạo trong tiếp thu và vận dụng tri thức khoa học, Hồ Chí Minh đã trở thành một con người “thực sự hoàn thiện và vĩ đại”. Người không những là tấm gương về tự học suốt đời mà còn nêu lên nhiều tư tưởng giáo dục mang tầm nhìn chiến lược cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam hiện đại. Xu thế phát triển của thế giới đương đại đang minh chứng cho chân lý mà Hồ Chí Minh là hiện thân: tự học là việc suốt đời. 134
- Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục và mục đích học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người Việt Nam mới. Kể từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi viết “Di chúc” thiêng liêng, Người đều nhất quán một quan điểm: “Đầu tiên là công việc đối với con người” [9;503]. Công việc đối với con người, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết là việc con người phải được chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần, trong đó phải được giáo dục. Quyền được giáo dục là quyền cơ bản nhất mà ngay trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đã được Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước khẳng định: “Quyền tự do giáo dục, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ” [12;19]. Và sau này quyền được giáo dục được Nguyễn Ái Quốc phân tích cụ thể trong Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và coi đó là một trong những nhiệm vụ mà Đường Kách mệnh (1927) đặt ra để thực hiện. Người đề cao vai trò của giáo dục nhưng không phủ nhận bản tính tự nhiên trong con người. Điều này thể hiện rõ trong bài Dạ bán (Nửa đêm) của tập thơ Nhật ký trong tù: “Thiện ác nguyên lai vô định tính, Đa do giáo dục đích nguyên nhân” (Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên) [4;383]. Kế thừa những giá trị tư tưởng của văn hoá truyền thống Á Đông, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” [10;222]. Như thế, sự nghiệp trồng người phải là sự nghiệp trăm năm, là việc của cả đời người, của mọi người và việc học tập cũng là suốt đời. Người nói: “Sự học hỏi là vô cùng.” [6;379]. Học tập là một quá trình không ngừng tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm, từ đó sử dụng chúng làm “kim chỉ nam cho hành động” để hoạt động thực tiễn một cách có hiệu quả. Người khẳng định: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”... Những điều được học tập và nghiên cứu “có thể ví như một hạt nhân bé bỏng. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho hạt nhân ấy mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả” [9;215]. Thấm nhuần tư tưởng của V.I. Lênin: “Học tập, học tập nữa, học tập mãi. Tiến bộ, tiến bộ nữa, tiến bộ mãi”, Hồ Chí Minh yêu cầu dù là người trong đảng hay ngoài đảng, thanh niên lao động hay chiến sĩ đều phải “luôn luôn cố gắng học tập, thật thà phê bình, tự phê bình” [9;388-389]. Trong thư gửi “Quân nhân học báo” - 135
- Nguyễn Bá Cường tập san chuyên hướng dẫn bộ đội ta học tập văn hoá ở chiến khu Việt Bắc, Người viết: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm.” [6;588]. Ngay trong những ngày đầu thành lập nước, Người đã viết bài đăng trên báo “Cứu quốc” với nhan đề “Muốn làm cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ chích” như sau: “Phải biết rằng tình tình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút... Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng,... Không chịu tự phê bình, không tự chỉ chích thì không bao giờ tấn tới được” [5;26]. Cũng trong công tác đào tạo cán bộ cách mạng, tại Lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam (ngày 15.11.1945), Người chỉ rõ: “Anh em sẽ còn học tập mãi khi ra làm việc. Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng sẽ xét xem tại sao thất bại để mà tránh đi”... rồi sau anh em còn phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc.” [5;100]. Khi phát động phong trào xây dựng “Đời sống mới” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ.” [6;99] Mục đích của việc học tập là để làm gì? Hồ Chí Minh khẳng định mục đích cao cả nhất của việc học tập là để “giữ vững độc lập”, và “làm cho dân mạnh nước giàu”. Vì: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người dân Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà” [5;36]. Tháng 9 năm 1949, Người đã nêu một cách toàn diện mục đích của quá trình học tập và cả phương thức thực hiện để đạt được mục đích đó trong lời ghi ở trang đầu cuốn Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh): “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” Muốn đạt được mục đích thì phải Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công, vô tư.” [6;684] . Với trí tuệ “nhìn cao, trông rộng, thấu đáo mọi thứ”, Hồ Chí Minh khẳng định: Chiến đấu chống lại cái dốt, cái lạc hậu là một công cuộc lâu dài và gian khổ. Vì 136
- Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên thế, phong trào “Bình dân học vụ” được Người khởi xướng và được toàn dân thực hiện. Có lẽ hầu hết người dân Việt Nam lúc đó đều đã thấm thía sự nô dịch của thực dân phong kiến và bước đầu bừng tỉnh nhận ra mục đích cơ bản của việc học tập “là để áp dụng vào việc làm” [7;47] nên hết sức tích cực, chăm chỉ học tập ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện, miễn là biết đọc, biết viết. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục và mục đích học tập được đề cập toàn diện và đầy đủ trong các bài nói và viết của Người nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ mới dừng lại ở sự giới thiệu khái quát nhằm đặt cơ sở cho việc trình bày những nội dung giáo dục thanh niên theo tư tưởng của Người. 3. Một số nội dung cơ bản giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của thanh niên trong việc kế tục sự nghiệp cách mạng. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh rằng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [11;498]. Vì thế, giáo dục thanh niên là một nội dung cơ bản trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh với thanh niên và giáo dục thanh niên. Trong bài viết nay, chúng tôi bước đầu tiếp cận theo bốn nội dung cơ bản có tính nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Người về giáo dục thanh niên, đó là: Giáo dục lý tưởng sống, giáo dục ý chí phấn đấu, giáo dục đạo đức và giáo dục kỹ năng. Có thể nhận thấy những điều này đã được Người chú ý trong Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (19/01/1955). 3.1. Giáo dục lý tưởng sống: trung với nước, hiếu với dân Ngày nay, nhiều người bàn về lý tưởng sống với các cách tiếp cận khác nhau. Đặc biệt, đối với thanh niên - lớp người sẽ là chủ nhân của tương lai đất nước, thì vấn đề lý tưởng sống bao giờ cũng là mục tiêu cần phải quan tâm đầu tiên trong toàn bộ sự nghiệp đào tạo con người. Bởi lẽ, mục đích đào tạo con người là gì? Phục vụ ai? Phương pháp đào tạo như thế nào?... Tất cả chỉ được xác định khi vấn đề lý tưởng sống được đặt ra. Mặt khác, khi đánh giá, bình xét một người nào đó, người ta thường căn cứ trước hết vào phẩm chất chính trị, rồi đến đạo đức - tác phong, kỹ năng và trình độ chuyên môn,. . . Trong phẩm chất chính trị, lý tưởng sống là nội dung cốt lõi. Với Hồ Chí Minh, lý tưởng sống của Người được khẳng định ở một tuyên bố nổi tiếng: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” [9;560]. Câu nói này không chỉ trong phạm vi bài trả lời phỏng vấn một nhà báo Cu-ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đối với tất cả mọi người dân yêu nước, “từ nay về 137
- Nguyễn Bá Cường sau còn học mãi câu ấy không biết bao giờ xong. Bởi vì ngày nào nước Việt Nam còn, dân Việt Nam còn, thì chúng ta còn học tận trung với nước, chí hiếu với dân” [1;23-24]. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc kết ở câu nói mà Người vẫn thường căn dặn các thế hệ cách mạng: “Dĩ công vi thượng” - Lấy lợi ích chung (của cả dân tộc) đặt lên trên hết. Đối với thanh niên, học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh “trung với nước, hiếu với dân” là thực hiện lý tưởng sống dâng hiến, phát huy được truyền thống quý báu của dân tộc. Người nêu rõ từng nội dung cụ thể để thanh niên thực hiện lý tưởng sống: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới vì nước ta là một bộ phận của thế giới. . . ” [8;455]. Lý tưởng của thanh niên trong học tập là “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Vì thế, phải “ham làm những việc ích quốc lợi dân”, phải “đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết”; “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước” [6;185]. Trước những biểu hiện chưa lành mạnh về lý tưởng sống, trong đó có xu hướng đòi hỏi được hưởng thụ lợi ích, Người nhắc nhở: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” [8;455] . Nhiệm vụ của thanh niên là “phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” [5;8]. Những yêu cầu này của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tế đã thôi thúc biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đã trở thành “Khát vọng tuổi trẻ” trong thời đại mới. Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay vẫn đang nêu cao tinh thần và truyền thống trung với nước, hiếu với dân, trung thành với chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này được minh chứng trong toàn bộ các hoạt động sôi nổi, hiệu quả và thiết thực hiện nay trong tuổi trẻ cả nước, mà thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn là một trong những cơ sở đoàn tiên phong gương mẫu, như các hoạt động tình nguyện, hiến máu nhân đạo,. . . đặc biệt là sự nỗ lực, ra sức thi đua học tập tốt để lao động cống hiến vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. 138
- Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên 3.2. Giáo dục ý chí: phấn đấu không ngừng Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh không ngừng phấn đấu, phấn đấu một cách quyết liệt chống đế quốc xâm lược, chống tất cả các lực lượng ngăn cản con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam. Người xác định: “Gian nan rèn luyện mới thành công.” [4;350]. Điều đó cho thấy rằng, “Người dạy chúng ta luôn luôn có một tinh thần vững chắc, một bộ óc sáng suốt, một cơ thể khoẻ mạnh để chiến đấu. ... Học Hồ Chủ tịch là học tinh thần chiến đấu dũng cảm, mạnh mẽ, gan dạ, dẻo dai, thắng không kiêu, bại không sờn, chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng” [1;26-27]. Học tập ý chí phấn đấu ở Hồ Chí Minh phải được thể hiện không chỉ trong chống giặc ngoại xâm mà còn chống giặc đói, chống giặc dốt,... phấn đấu chống con người cũ, phấn đấu không ngừng để xây dựng nước Việt Nam mới, con người Việt Nam mới. Trong những thời khắc gian lao nhất vẫn phải kiên trì, vững vàng và quyết tâm để trở thành người tốt. Người viết: “Quyết tâm trở thành người tốt là phải không sợ khổ, không sợ khó, nhất định làm đến cùng những điều chúng ta thấy đáng làm, cho dù chưa chắc thành công vẫn ra sức làm dù gặp phải gian nan nguy hiểm gì, cùng cực càng phấn đấu, không lùi bước, phải làm thực sự, làm nhanh, làm một cách kiên quyết” (ghi trong Mục đọc sách của tập Nhật ký trong tù) [4;430]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhiều lời khuyên thanh niên phấn đấu không ngừng để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước: “Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập” [8;398]; “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên.” [9;95]; “Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng” [8;455]. Đồng thời, thanh niên phải trau dồi tinh thần chiến đấu quyết liệt, bài học nghị lực, can đảm, quyết tâm trong mọi việc, mọi hoàn cảnh, là bài học bền chí, nhẫn nại, khắc khổ trong sinh hoạt gian lao hằng ngày,... [1;27]. Ngày nay, trong điều kiện phát triển của xã hội, thanh niên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để được sống và cống hiến cho đất nước. Sự phấn đấu của thanh niên phải được thể hiện ở mọi hành động, việc làm. Trong thực tế, không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó, vì thế, Người cho rằng: Nếu có dễ đi nữa thì cũng phải phấn đấu thì mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi. Trong “Thư gửi các bạn thanh niên”, Người viết: “Có chí làm thì quyết tìm ra việc và quyết làm được việc.” [6;186]. Chủ trương giáo dục ý chí phấn đấu cho thanh niên đã trở thành ý chí chung của toàn thể tổ chức Đoàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên.” [7;95]. Tích cực học tập, làm theo ý chí phấn đấu và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã có hàng vạn gương thanh niên được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến 139
- Nguyễn Bá Cường làm theo lời Bác”. Trong đó có nhiều tấm gương điển hình xuất sắc vượt qua mọi gian khổ và với nghị lực sống phi thường, họ đã đạt được những kỳ tích như huyền thoại. Trong đó, phải kể đến Nguyễn Công Hùng (người khuyết tật nặng được tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Nhân tài đất Việt, Doanh nhân xã hội,. . . ), Đào Thu Hương (nữ sinh khiếm thị, danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” về Công nghệ thông tin của hãng Microsoft, tốt nghiệp loại giỏi khoa Sư phạm Tiếng Anh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thủ khoa xuất sắc Thành phố Hà Nội 2010, đại biểu xuất sắc toàn quốc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh),v,v.. Đào Thu Hương khẳng định: “Chính từ tấm gương đạo đức của Bác đã giúp Hương có nghị lực và tinh thần vượt khó để vượt qua chính mình, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống... Người là niềm tin, là ngọn đuốc sáng để dẫn chúng ta đến thành công” . Từ thực tế đời sống xã hội hiện nay, chúng tôi cho rằng, trong công tác giáo dục thanh niên, phải hết sức chú trọng giáo dục ý chí phấn đấu và nghị lực sống - coi đây là những nội dung cơ bản để xây dựng chương trình giáo dục công dân phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội. 3.3. Giáo dục đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính Từ tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể trình bày vắn tắt về 4 chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính như sau: - Cần: là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai... có cần thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được; phải có kế hoạch trong công việc; phải bền bỉ, kiên trì,... - Kiệm: là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi,... - Liêm: là trong sạch, không tham lam,... - Chính: là thẳng thắn, đứng đắn, ... đối với mình, đối với người và đối với việc. Bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính tốt đẹp cần thiết cho mọi người Việt Nam tu dưỡng đạo đức cá nhân, thể hiện trong hoạt động của cuộc sống gia đình và xây dựng đất nước. Đó cũng nền tảng cho đời sống đạo đức mới trong xã hội. Đối với thanh niên, cần, kiệm, liêm, chính được thể hiện ra ở những nội dung cụ thể như: tận tâm học tập, ra sức rèn luyện, làm việc, có quyết tâm, đã làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được, có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, tự học suốt đời,. . . ; tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đua đòi phô trương hình thức, luôn gìn giữ và bảo vệ của công,. . . ; trung thành, thật thà, chính trực, có khí khái ham làm việc chứ không ham địa vị phù phiếm, không gian lận trong học tập, thi cử và trong đời sống,. . . ; tôn trọng kỷ cương, luật pháp, có chí chủ động, sáng tạo, tự cường, tự lập, dũng cảm chống tiêu cực,... 140
- Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên Thanh niên cần được giáo dục các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính để góp phần xây dựng xã hội hưng thịnh. Vì thế, “học cần, kiệm, liêm, chính là để bài trừ xa xỉ, hối lộ, biển thủ, cờ bạc, đầu cơ, tích trữ, chợ đen, buôn lậu, bài trừ tất cả cái gì xấu xa, mục nát, đồng thời là tôn trọng, giữ gìn cái có ích, có lợi cho đồng bào, cho quốc dân, cho Chính phủ” [1;31]. Ngoài ra, “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng xa xỉ, chống cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang” [8;455]. Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm giáo dục các phẩm chất đạo đức cơ bản như đã nói ở trên, Người còn đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục tinh thần đoàn kết trong thanh niên. Người yêu cầu thanh niên phải biết “hoà hợp quyền lợi riêng rẽ của mình trong quyền lợi chung của dân tộc, đồng tâm nhất trí với toàn thể nhân dân, mưu cầu lợi ích chung của dân tộc. Hy sinh cái nhỏ để giành lấy cái to. Hy sinh một lúc để giành vĩnh cửu. Vì nước, chung quy là vì mình.” [1;25]. Vậy yêu cầu của việc đoàn kết là gì? Trước hết, phải đánh đổ chủ nghĩa cá nhân vì “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm” [10;292]. Đối xử với nhau phải đảm bảo tinh thần bình đẳng nhưng phải “thật sự coi nhau như anh em, chị em ruột thịt trong một nhà”, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, không được có ý ganh ghét, bắt bẻ, đố kỵ, hống hách,. . . Để đoàn kết được, thì phải “tẩy cho sạch đầu óc cô độc, hẹp hòi, cố chấp, thành kiến, tự cao tự đại, tự ái tự phụ, nghi kỵ cô căn cứ, xung đột vô nguyên tắc”. Và cần phải “hiểu nhau để dung nhau, thương nhau là đoàn kết” [1;25]. Thực tế hiện nay, chủ nghĩa cá nhân, quan điểm “cái gì của tôi là trên tất cả” vẫn còn rơi rớt trong một số không ít thanh niên do chủ yếu do ảnh hưởng của lối sống thực dụng ích kỷ, tâm lý hưởng lạc. Để góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đòi hỏi mỗi thanh niên phải loại bỏ tư tưởng chia rẽ, tăng cường và thắt chặt tình cảm đoàn kết trên cơ sở đảm bảo tôn trọng sự khác biệt trong chuẩn chung của xã hội. Đó cũng là biện chứng giữa cái chung, cái riêng và cái đơn nhất trong sự phát triển xã hội. 3.4. Giáo dục kỹ năng: phong cách và phương pháp làm việc khoa học, nếp sống giản dị Người Pháp có câu nói: “Phong cách là con người” vì thế, nói đến phong cách là nói đến quan hệ với người khác, là cách xử sự trong cuộc sống của con người. Phong cách Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho phong cách ứng xử văn hóa trong quan hệ giữa người với người. Về giáo dục phong cách sống và làm việc cho thanh niên, Người chú trọng 141
- Nguyễn Bá Cường trước hết là niềm tin, đó là sự tin tưởng vào lẽ phải và tất cả những gì tốt đẹp trong đời sống con người, đó là rèn luyện tư duy độc đáo, sáng tạo trên tinh thần biện chứng sâu sắc, nhìn nhận những vấn đề của cuộc sống sát thực,. . . vận dụng đúng đắn triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thực hiện “Những điều nên làm: Phải biết vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái... Cái gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ” [8;454-455],. . . Giáo dục thanh niên học tập phương pháp làm việc khoa học của Hồ Chí Minh: Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc nhất thời đến việc trường cửu,... luôn luôn phải có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, tính toán cẩn thận đến mọi tình huống có thể xảy ra. Khi lên kế hoạch làm việc gì cũng phải sát thực tế, phải vừa sức mình. Người nói: “Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là trăm chương trình to tát mà không làm được” [6;186]. Hồ Chí Minh cũng chủ trương giáo dục thanh niên phương pháp vừa học vừa làm: làm để học, học để làm, học sách vở đi đôi với học thực tế, học kinh nghiệm, nhất là học quần chúng. Người coi nhân dân là ông thầy của tất cả chúng ta: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn" [7;50]. Đặc biệt, Người chú trọng giáo dục thanh niên phải luôn có tinh thần cầu thị: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” [9;499]. Từ cuộc đời tự học và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập, có thể khái quát phương châm học tập mà Người đã nêu lên thông qua 4 chữ H như sau: Muốn biết phải Học, để Học tốt cần phải Hỏi, có Hỏi thì mới Hiểu được điều mình Học, có Hiểu thì Hành mới có kết quả tốt. Người luôn chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên: phải sống đoàn kết, hoà đồng với mọi người xung quanh (nhưng không a dua, bợ đỡ, không ba phải, không bè phái,. . . ); tôn trọng và giúp đỡ đồng nghiệp và các cá nhân trong tập thể; kỹ năng ứng xử với người, với việc theo phương cách: “lấy lẽ phải mà thuyết phục, lấy lòng nhân mà cảm hoá, lấy việc của mình làm phép tắc...” [1;30]. Như thế, kỹ năng sống cơ bản là phải trọng người, biết mình và bao giờ cũng phải xem lại mình trước và phải nêu gương trước mọi người. Về giáo dục kỹ năng rèn luyện tinh thần và phát triển thể lực cho thanh niên, Người cho rằng: “Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên. . . Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng” [8;456]. Chính vì thế, thanh niên cần chú trọng hoạt động thân thể, tránh ăn no, làm việc có kế hoạch, nghỉ ngơi vừa đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc. Mỗi thanh niên đều có thể học tập ở Chủ tịch Hồ Chí 142
- Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên Minh những điều thiết thực mà hồi ức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại như sau: Người thường dậy từ 5 giờ sáng ngồi vào bàn làm việc, đọc sách hoặc điểm lại những công việc đã qua; sau đó ghi nhanh chương trình làm việc trong ngày vào quyển sổ tay và tất nhiên không bỏ sót từng chi tiết công việc đã ghi. Một điều đặc biệt là mặc dù bận trăm công nghìn việc, một việc mà người không bao giờ bỏ qua là dành 30 phút tập thể dục vào buổi sáng, một nếp sinh hoạt đã hình thành đều đặn ở Người trong hàng chục năm. Thuyết trình là kỹ năng hết sức cần thiết mà mỗi thanh niên cần phải trau dồi từ phong cách Hồ Chí Minh. Nếu nói rằng “ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy” thì có thể hiểu rằng, những suy nghĩ của chúng ta mà không diễn đạt được một cách rõ ràng, lôgíc thì không thể thu hút người nghe. Kỹ năng nói ở Hồ Chí Minh là lối nói giản dị, vui vẻ, hài hoà, ngôn ngữ được sử dụng rất phong phú, ý vị, khéo dùng tục ngữ hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị... Còn kỹ năng nói và viết của Người là lối viết, lối nói chữ ít ý nhiều, câu văn giản dị, gọn gàng, nhưng nội dung đầy đủ, phong phú, dẽ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo... Ngoài kỹ năng nói, viết, thanh niên cần phải học ở ở Người kỹ năng nghe: tôn trọng và lắng nghe người khác nói, nắm bắt nhanh những ý định của người khác qua lời nói, cử chỉ và điệu bộ, tuyệt đối không chặn lời hay lảng tránh vấn đề đang được họ đề cập; điều gì cần giải thích và trao đổi ngay thì cũng phải nghĩ kỹ trên nhiều phương diện, dự đoán được thái độ của đối tượng và kết quả cách giải quyết của mình,. . . Tóm lại, cần “tùy cơ ứng biến” để giải quyết hiệu quả công việc. 4. Kết luận Thứ nhất, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của sự tự học suốt đời, là hiện thân của nhà sư phạm vĩ đại đào tạo nên lớp lớp người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng. Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là cả một hệ thống các quan điểm: vai trò, mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp, kỹ năng, về đạo đức nhân cách và vai trò của nhà giáo,. . . Những quan điểm đó là cơ sở lý luận, nền tảng tư tưởng để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục thực hiện đường lối, chính sách phát triển giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Thứ ba, về nội dung giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh như đã trình bày trên đây chỉ là bước đầu khái quát những vấn đề cơ bản theo quan điểm của tác giả. Còn một nội dung quan trọng khác chưa có điều kiện trình bày, đó là tư tưởng của Người về giáo dục tri thức khoa học, thẩm mỹ, nghệ thuật,. . . Trong bối cảnh chung của tình hình xã hội hiện nay, nhất là trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí 143
- Nguyễn Bá Cường Minh, với chủ trương Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên và nâng cao đạo đức nhà giáo, chúng tôi nhận thấy cần thiết trích dẫn lại đề cương xây dựng “Tư cách một người cách mạng” (được ghi trong trang đầu cuốn Đường Kách Mệnh) mà Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã nêu khái quát qua 23 nét tư cách của một người cách mạng trong ứng xử với mình, với người, với việc. Đó là: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.” [3;260] Thứ tư, về cách thức và trách nhiệm giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vì chưa có điều kiện trình bày nên tác giả cũng xin được trích dẫn quan điểm của Người để cùng suy ngẫm: “Sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư 144
- Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục thanh niên luận xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên... Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. . . Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến việc giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa”. . . [8;455-456]. Thứ năm, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên là vô cùng phong phú và có giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc. Trong bài viết này, tác giả nêu lên bài học mang ý nghĩa phương pháp luận cho việc học tập chuyên môn và rèn luyện nghiệp vụ của thanh niên, sinh viên sư phạm thông qua một số câu chuyện kể trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. - Học tập phải đặt ra mục tiêu cụ thể và quyết tâm cao trong thực hiện mục tiêu: Năm 1927, khi hoạt động ở Xiêm, Nguyễn Ái Quốc xin phép chính phủ Xiêm lập trường học cho trẻ em Việt kiều, khuyến khích mọi người học tiếng Xiêm, mở rộng việc vận động học chữ Quốc ngữ,... Khi tự đặt kế hoạch hoạt động, Người đề ra trong thời gian đầu, mỗi ngày học mười chữ, về sau tăng dần lên. Mọi người chê ít, đòi học nhiều hơn vì cho rằng nhất định mình học được. Người chủ trương chỉ học mười chữ thôi. Chưa đầy 3 tháng, Nguyễn Ái Quốc đã xem và dịch được báo tiếng Xiêm, còn những người khác thì chỉ hăng hái lúc đầu, về sau dần dần “bữa đực, bữa cái” nên kết quả “chữ thầy trả thầy” [13;245-246] - Dạy học liên hệ với thực tế, làm việc luôn đúng giờ: Khi dạy học (các khóa huấn luyện chính trị cho cán bộ, thanh niên cách mạng) ở Quảng Châu - Trung Quốc (1926 - 1927), Người dùng những con số thực tế để cắt nghĩa những vấn đề phức tạp cho người học dễ hiểu. Người luôn nhớ và vận dụng lời nói của Lênin: “người dân tin con số thực tế hơn lý thuyết”. Người không khi nào lên lớp chậm giờ giảng. Khi đã có chương trình làm việc thì thời gian bao giờ cũng đúng giờ tuyệt đối, tuyệt đối đến mức sau này đã xuất hiện thuật ngữ “giờ Bác Hồ”. - Giảng dạy chú trọng phương pháp gợi mở, nêu vấn đề: Khi giảng bài về Chủ nghĩa Mác - Lênin và những vấn đề thế giới, Người vẫn nói ít chứ không thao thao giảng giải. Người giảng về duy vật biện chứng thường chỉ đặt vấn đề gợi mở cho mọi người tìm hiểu. Người thường lấy việc trước mắt, thâu lượm được tình hình công nhân làm dẫn chứng. Người nói nôm na như người kể chuyện. Nói xong lại hỏi mọi người có hiểu không, hiểu như thế nào? Thấy mọi người hiểu được chút ít, Người lại hỏi rộng ra, lật lại vấn đề, gợi cho mọi người suy nghĩ ngày càng rộng và sâu,... [13;247]. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ngôi trường vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập cơ sở hình thành đầu tiên mang tên Ban Đại học Văn khoa (vào ngày 10/10/1945), tự hào được Người về thăm hai lần (1960 và 1964) 145
- Nguyễn Bá Cường và trao sứ mệnh cao cả cho Nhà trường: “... làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. Trong suốt quá trình phát triển của Nhà trường, các thế hệ đoàn viên, thanh niên của Trường thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, luôn luôn có ý thức nâng cao đạo đức cách mạng, trau dồi kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng - nghiệp vụ để trở thành những con người mới thực sự vững vàng về chính trị - tư tưởng, gương mẫu về đạo đức - tác phong, tiên tiến về chuyên môn - nghiệp vụ”,. . . Đặc biệt, với vai trò là tổ chức Đoàn Thanh niên mang tên Người, Đoàn Thanh niên Nhà trường đã sáng tạo khởi xướng nhiều phong trào và hoạt động cách mạng mà sức mạnh hiệu quả của nó đã trở thành những phong trào lớn của thanh niên Thủ đô và đất nước, như phong trào Xây dựng phong cách học tập mới, phong trào Ba sẵn sàng, phong trào Thanh niên tình nguyện, phong trào Sinh viên nghiên cứu khoa học,. . . Với những thành tích đạt được, tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội góp phần thực hiện một phần kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thanh niên Việt Nam, xứng đáng là lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phạm Văn Đồng, 1974. Hồ Chủ tịch - hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của nhân loại. Nxb Sự thật, Hà Nội. [2] Phạm Minh Hạc, 2002. Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI (xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [3] Hồ Chí Minh, 2000. Toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] Hồ Chí Minh, 2000. Toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5] Hồ Chí Minh, 2000. Toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [6] Hồ Chí Minh, 2000. Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [7] Hồ Chí Minh, 1995. Toàn tập, tập 6. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [8] Hồ Chí Minh, 1996. Toàn tập, tập 7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [9] Hồ Chí Minh, 2000. Toàn tập, tập 8. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [10] Hồ Chí Minh, 2000. Toàn tập, tập 9. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [11] Hồ Chí Minh, 2002. Toàn tập, tập 12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [12] Hồ Chí Minh, 1990. Về vấn đề giáo dục. Nxb Giáo dục. [13] Hồ Chủ tịch bàn về giáo dục, 1962. Nxb Giáo dục, Hà Nội. 146
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Đề tài khoa học: Phong cách tư duy Hồ Chí Minh với việc xây dựng phong cách tư duy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay - TS. Trần Văn Phòng (Chủ nhiệm)
258 p | 816 | 130
-
Xây dựng Nhà nước và công tác cán bộ - Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phần 1
270 p | 202 | 44
-
Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tiến bộ của phụ nữ: Phần 1
146 p | 152 | 28
-
Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tiến bộ của phụ nữ: Phần 2
116 p | 113 | 19
-
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác sử học: Phần 1
68 p | 88 | 13
-
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
7 p | 81 | 9
-
Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam - Cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức: Phần 2
165 p | 9 | 4
-
Ebook Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam: Phần 1
98 p | 6 | 4
-
Ebook Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam: Phần 2
57 p | 5 | 4
-
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng Đảng ở Quảng Bình
6 p | 40 | 4
-
Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam - Cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức: Phần 1
132 p | 9 | 4
-
Đề cương học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh (Mã học phần: PLT06A)
13 p | 8 | 3
-
Ebook Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội (1946-1969): Phần 2
100 p | 10 | 3
-
Ebook Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội (1946-1969): Phần 1
188 p | 14 | 3
-
Ebook Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với nước Nga: Phần 2
124 p | 7 | 3
-
Ebook Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với nước Nga: Phần 1
205 p | 9 | 3
-
Tìm hiểu về: Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục
6 p | 3 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn