intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Không gian nghệ thuật trong du kí Việt Nam viết về thế giới nửa đầu thế kỉ XX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

7
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu không gian nghệ thuật qua hai phương diện: không gian đời thường và không gian văn hóa. Không gian đời thường là bức tranh sống động về cách sống, cách sinh hoạt của mỗi cá nhân và cộng đồng trên khắp thế giới. Không gian văn hóa làm nổi rõ những giá trị vật chất lẫn tinh thần của từng vùng đất mà các nhà du hành người Việt ghé chân. Hai loại không gian này góp phần vẽ nên bức tranh bức tranh xã hội đầy màu sắc của thế giới trong những năm đầu thế kỷ XX

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Không gian nghệ thuật trong du kí Việt Nam viết về thế giới nửa đầu thế kỉ XX

  1. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG DU KÍ VIỆT NAM VIẾT VỀ THẾ GIỚI NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX Võ Thị Thanh Tùng1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Không gian nghệ thuật là một trong những giá trị đặc sắc của du kí Việt Nam viết về thế giới giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu không gian nghệ thuật qua hai phương diện: không gian đời thường và không gian văn hóa. Không gian đời thường là bức tranh sống động về cách sống, cách sinh hoạt của mỗi cá nhân và cộng đồng trên khắp thế giới. Không gian văn hóa làm nổi rõ những giá trị vật chất lẫn tinh thần của từng vùng đất mà các nhà du hành người Việt ghé chân. Hai loại không gian này góp phần vẽ nên bức tranh bức tranh xã hội đầy màu sắc của thế giới trong những năm đầu thế kỷ XX. Từ khóa: du kí; không gian nghệ thuật; nửa đầu thế kỉ XX; thế giới 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Du kí là thể loại văn xuôi tự sự phi hư cấu, thuật lại những chuyến đi, ghi lại những cảm xúc, tình cảm và suy ngẫm của người viết khi đi đến những vùng đất mới. Du kí, mà đặc biệt là bộ phận du kí Việt Nam viết về thế giới nửa đầu thế kỉ XX hấp dẫn người đọc bởi nội dung mới và lạ, ở đó, câu chuyện được phát triển theo lộ trình của tác giả, cảm hứng bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là cảm hứng phiêu lưu, giang hồ. Mỗi cuộc hành trình là một khám phá đầy bất ngờ, thú vị về phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo của nhiều vùng đất khác nhau bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Du kí Việt Nam viết về thế giới đã để lại dấu ấn sâu đậm với những hải trình hàng vạn dặm từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Nó chiếm lĩnh một không gian nghệ thuật vô cùng rộng lớn và đặt ra những vấn đề quan trọng mang tầm quốc tế, là minh chứng cho khát vọng vươn lên để tự khẳng định mình của một dân tộc phương Đông vốn nhỏ bé đang chịu sự thống trị của ngoại bang. Đi và chứng kiến một thế giới khác lạ, rộng lớn, sôi động và văn minh hơn để mở rộng tầm nhìn, xem lại chính mình và thấy cần thiết phải thay đổi. Do vậy, loại du kí này, nếu nói không quá lời, có thể gọi là du kí khai quốc vì nó mang một sứ mệnh lớn lao, đó là gắn liền với công cuộc duy tân đất nước. Du kí Việt Nam viết về thế giới nửa đầu thế kỷ XX mang nhiều giá trị đặc sắc. Không chỉ là những trang viết lí thú ghi lại những điều mắt thấy tai nghe một cách chân thực, sinh động về các vùng đất khác nhau trên thế giới trong một giai đoạn đầy biến động, bộ phận du kí này còn mang trong mình những giá trị nghệ thuật không thể phủ nhận. Một trong những phương diện nghệ thuật đặc sắc là ghi chép về không gian. Không gian nghệ thuật đa dạng, nhiều tầng lớp đã trở thành đối tượng chính để các nhà du hành người Việt chiếm lĩnh thế giới. Nhờ những ghi chép về không gian ấy, bức tranh thế giới trở nên phong phú, đa diện và nhiều màu sắc. Để hiểu rõ hơn về bức tranh thế giới trong những năm đầu thế kỷ XX, người viết sẽ đi vào tìm hiểu hai loại không gian được các nhà du hành người Việt quan tâm và ghi chép nhiều nhất, đó là không gian sinh hoạt và không gian văn hóa. Sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, bởi ranh giới của hai loại không gian xã hội này không tách bạch rạch ròi mà thường đan lồng, xuyên thấm vào nhau như hai mặt của một tờ giấy. Tuy nhiên, để giúp người đọc dễ dàng hình dung về các kiểu loại không gian thường xuyên xuất hiện trong du kí viết về thế giới, người viết tạm chia thành hai loại không gian như trên. 358
  2. 2. NỘI DUNG Trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê đã cắt nghĩa, lí giải về không gian như sau: “Không gian là khoảng không bao la trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người” (Hoàng Phê, 2002). Tuy nhiên, khái niệm này chỉ làm rõ những khía cạnh của không gian địa lí, còn không gian nghệ thuật lại là “phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật” (Ngô Văn Đức, 1996), là sản phẩm độc đáo do nhà văn sáng tạo nên. Vì nó là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật”, “sâu sắc hơn nhiều so với khái niệm kết cấu” nên “sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định” (Lê Bán Hán và nnk., 2006). Với điểm nhìn khách quan, đa diện, các nhà du hành đã cung cấp những kiểu loại không gian chân thực và đáng tin cậy. Và cũng trong loại không gian sống động, gần gũi của đời thường này, chân dung con người trong du kí hiện ra một cách hồn nhiên nhất. Nếu như trong các thể loại hư cấu, không gian chỉ là phông nền để câu chuyện diễn ra thì đối với du kí, một thể loại phi hư cấu, không gian là nhân vật chính đóng vai trò quyết định trong việc kiến tạo nên những đặc trưng của thể loại này. Nhà văn viết du kí cũng giống như nhà quay phim, với chiếc camera linh hoạt, họ, có khi lia máy ra xa để tạo nên khung hình viễn cảnh bao quát một không gian rộng lớn, có khi thu lại với khung hình cận cảnh nhằm đặc tả chi tiết, tỉ mỉ chân dung của đối tượng. Có khi là góc quay mang tính hướng ngoại, nhưng có lúc lại hướng nội… dù ở góc độ nào, cái tôi tác giả vẫn thể hiện được vai trò năng động và chủ động trong việc nắm bắt và cảm nhận hiện thực. Chính cái không gian nội tâm này đã làm nên sức nặng cho bộ phận du kí Việt Nam viết về thế giới. Trong du kí viết về thế giới, cái nhìn viễn cảnh của nhà du hành giúp người đọc bao quát được một không gian rộng lớn, trải rộng khắp nơi từ châu Á sang châu Phi rồi đến châu Âu, những dải không gian lâu nay ít được người Việt biết đến. Quả là một không gian mới mẻ, khác lạ và sinh động được các nhà du hành mở ra khiến cho cả dân tộc phải sững sờ nhưng cũng vô cùng thích thú. Đó có thể là không gian sầm uất của những khu phố hiện đại bật nhất thế giới như Paris, lại cũng có khi là không gian trầm mặc của các thành phố cổ xa xôi như Giêrusalem, hoặc có lúc là không gian hoành tráng, xa hoa của hội chợ quốc tế Marseille, không gian chật hẹp trên một chuyến tàu, xe, rồi có thể là không gian linh thiêng nơi chùa chiềng đền miếu, không gian buồn bã của những khu phố nghèo xơ xác điêu tàn ở châu Phi, không gian cô quạnh và lạnh lẽo nơi cao nguyên Tây Tạng, không gian xô bồ của những khu phố người Hoa, không gian bí ẩn của vùng đất sản sinh ra các loại đạo Ấn Độ, không gian yên bình của vùng quê nước Pháp… có thể nói, mọi kiểu loại không gian đều xuất hiện trong du kí Việt Nam viết về thế giới giai đoạn này, tạo nên một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về thiên nhiên, con người và xã hội trên khắp thế giới. Nhưng bên cạnh cái nhìn viễn cảnh, du kí viết về thế giới còn tồn tại góc nhìn cận cảnh nhằm khắc họa kĩ lưỡng chân dung đối tượng. Nhờ góc quay đặc tả này, khung cảnh và con người như được phóng to ra, giúp người đọc hiểu rõ vấn đề, thấu hiểu tâm tư, tạo cảm giác gần gũi. Đó cũng là cơ sở cho sự kết nối giữa người viết và người đọc. Mặc dù hầu hết không gian được đặc tả trong du kí là không gian đời thường, không gian sinh hoạt hằng ngày, nhưng từ chính cái không gian gần gũi, bình dị và chân thật ấy lại toát ra vẻ quyến rũ mê hoặc. Bên cạnh đó ta còn bắt gặp trong bộ phận du kí này loại không gian văn hóa, một loại không gian đặc biệt mang dấu ấn sâu đậm của lịch sử, tôn giáo linh thiêng… Hai loại không gian này góp phần hoàn thiện bức tranh không gian đầy màu sắc của du kí Việt Nam viết về thế giới nửa đầu thế kỉ XX. 2.1. Không gian sinh hoạt Vì không gian mang tính biểu trưng cho môi trường mà con người tồn tại, nên cách sống, cách sinh hoạt của mỗi cá nhân và cộng đồng là do cái không gian ấy qui định. Nhưng mỗi một không gian ấn tượng trong du kí Việt Nam viết về thế giới không chỉ là môi trường sống và sinh hoạt, mà nó còn thể hiện quan niệm về không gian và phản ánh cả một nền văn hóa. Đầu tiên là loại không gian phố thị, một loại không gian sinh hoạt thường được xây dựng ở vị trí trung tâm, một vị trí thuận tiện cho sự giao lưu, buôn bán. Đặc điểm chung của loại không gian 359
  3. này là mang một năng lượng dồi dào, một nhịp sống sôi động với quang cảnh mua bán tấp nập, ngựa xe nhộn nhịp, nhà cửa khang trang, công trình tráng lệ… Không gian phố thị có khả năng phản ánh trình độ phát triển cũng như bản sắc văn hóa của từng vùng đất khác nhau. Nó cũng có khả năng cho thấy sức sống, sinh lực và tham vọng của một quốc gia. Nói tóm lại, loại không gian này tạo ra vô số cơ hội để con người có thể phát triển. Đứng trước loại không gian có khả năng giúp con người hoàn thiện và phát triển này, các nhà du hành người Việt cảm thấy choáng ngợp, ngưỡng mộ, thích thú, khâm phục vì nó có khả năng đánh thức khát vọng, củng cố niềm tin. Là loại không gian được tìm kiếm nhiều nhất nên hình ảnh đô thị xuất hiện đầy rẫy trong du kí Việt Nam viết về thế giới, từ đô thị ở châu Á, đến châu Phi rồi tới châu Âu. Sự phong phú của loại không gian này tạo nên bức tranh đô thị với nhiều gam màu sặc sỡ, thú vị. Chỉ cần nhìn vào hình ảnh đèn điện sáng trưng của Hồng Kông về đêm, ta cũng hiểu được đây là một trong những thành phố thuộc địa thịnh vượng, năng động và sầm uất bật nhất ở Á châu: Mỗi đêm Hồng Kông thắp đèn điện nhiều cho đến đỗi đèn mỗi đêm thắp tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Tourance, Sài Gòn, Chợ Lớn, Nam Vang (Pnom Pênh) và Viên-Tiane nhập lại không bằng. Dân mấy phố này họp lại thì mới bằng hai phần ba dân Hồng Kông (Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu) (Bùi Thanh Vân, 1923). Không gian đô thị là bộ mặt của mỗi quốc gia. Nhìn vào không gian ấy, du khách có thể đánh giá được mức độ quan tâm, sự chăm lo cũng như tinh thần trách nhiệm của chính quyền sở tại. Ví như thành phố Singapore, cũng là thành phố thuộc địa như Sài Gòn, nhưng đường sá “sạch sẽ lắm. Phố xá các cửa hàng buôn bán tuy không có thứ tự và đồ sộ như ở Sài Gòn, song đường xá thì rộng lớn, bóng nhoáng hơn ở các châu thành lớn ở xứ ta” (Singapore trong con mắt tôi) (Hoa Đường, 1938) cũng đủ cho thấy thành phố này được chăm chút tỉ mỉ, được đầu tư kĩ lưỡng đến dường nào. Tất nhiên, không phải loại không gian đô thị nào cũng gây choáng ngợp cho các nhà du hành. Cũng là phố thị, nhưng các thành phố như Djibouti… lại không có cái vẻ nhộn nhịp, hào nhoáng như nó vốn phải vậy, thay vào đó là cảnh điêu tàn, nghèo đói. Cái dáng vẻ xác xơ của nó gây cảm giác hụt hẫng, thương tâm cho du khách, đồng thời cũng phần nào cho ta thấy được sự bất lực của nhà cầm quyền nơi đây trong công việc quản lí của mình: Ở xa ngó vào, thấy Djibouti như là một xóm làng nhỏ, chớ không ra vẻ một cái cửa biển buôn bán chút nào. Sau lên coi thì quả nhiên nó đồi tệ thiệt, nhà cửa lúp thúp, phố xá dơ dáy, mà khí hậu nóng nực lạ thường, lúc nào cũng hình như mặt trời chụm lửa ở chung quanh mình (Sang Tây) (Phạm Vân Anh, 1929). Loại không gian phố thị cũng có khả năng biến hóa khôn lường. Ví như thủ đô Paris, ban ngày là thành phố thanh lịch và hoa lệ bật nhất hoàn cầu, là “cái óc của thế giới văn minh” như cái cách mà nhà du hành Phạm Quỳnh tán tụng (Thuật chuyện du lịch ở Paris) (Phạm Quỳnh, 1922), nhưng ban đêm lại là thành phố ồn tap với đầy đủ các thú ăn chơi. Và cái không gian đậm chất cám dỗ này luôn biết cách rút cạn túi tiền của những con người nhẹ dạ cả tin, ham vui và thích hưởng thụ: Paris ban ngày thì khác ban đêm, Paris ngày lễ thì khác ngày thường: Khi rộn rịp, vui vẻ buồn tanh, yên lặng và bí mật, sự thay đổi ở mặt sống hằng ngày đã mau lẹ còn rõ rệt. Người ta làm việc ra tiền, người ta chơi cũng “sạch túi” mà còn muốn chơi nữa (Tôi đi dự cuộc đấu xảo quốc tế ở Paris) (Hải Đường, 1937). Tương tự như vậy, nếu như thủ đô Bangkok nhẹ nhàng và thanh lịch vào ban ngày, thì sự đông đúc, phô trương và diêm dúa của nó vào ban đêm khiến nhà du hành Tô Tử không khỏi ngạc nhiên. Cái vẻ phồn thực ấy khiến ông liên tưởng đến thân thể màu mỡ của một cô gái điếm: “Bangkok ban đêm coi màu mỡ lắm. Như một con điếm. Đèn điện nhiều vô kể, lóng lánh hay chói rọi trên cái mình dơ dáy ấy” (Đi Siam) (Tô Tử, 1938). Hình ảnh Bangkok về đêm đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Thái Lan, một nước hiếm hoi ở Đông Nam Á may mắn thoát khỏi làn sóng đô hộ của thực dân phương Tây trong những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, nhưng cũng không tránh khỏi những biến tướng và hệ lụy trong quá trình đô thị hóa. 360
  4. Không gian phố thị thường gắn liền với không gian hội chợ. Hai loại không gian này gắn bó chặt chẽ với nhau, bởi về bản chất chúng giống nhau. Hội chợ là không gian của sự giao lưu, hội nhập, và ở một khía cạnh nào đó, nó còn đại diện cho sức mạnh và quyền lực. Đặc biệt là quyền lực của các nước thực dân phương Tây đang trên con đường bành trướng ra thế giới. Loại không gian này rất hoành tráng, xa hoa, mới mẻ và đẹp đẽ nhưng cũng không ít phô trương và phù phiếm. Hội chợ quốc tế Paris năm 1937 là một không gian như thế: Trường Đấu xảo rộng hơn 100 mẫu tây, tức là hơn 300 mẫu ta, chiều dài ba cây số rưỡi, đường bao xung quanh độ hơn 8 cây số. Thật là một thành phố tối tân có đủ mọi thứ cần dùng cho người đi xem, như trà lâu, tửu quán, ô tô, xe điện, thuyền tàu, vân vân… (Nguyễn Công Tiễu, 2017). Không gian hội chợ là một bức tranh sống động về văn hoá, kinh tế, chính trị, khoa học… của nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Qua cái nhìn của đa số du khách đến từ các thuộc địa lạc hậu, không gian này hiện lên thật đẹp đẽ, giàu có, sang trọng và hiện đại, là hình mẫu tiêu biểu cho văn minh phương Tây. Tuy vậy, ở một khía cạnh nhất định, không gian hội chợ lại đem đến một cảm giác lạnh lùng, thực dụng, bất chấp việc nó được thiết kế xa hoa thời thượng. Nhưng nếu loại không gian phố thị thường đem đến cảm giác hối hả, choáng ngợp, đôi lúc nặng nề, ngột ngạt vì bị tách khỏi hoàn toàn với thế giới tự nhiên và bị thay thế bởi những sản phẩm nhân tạo khô khan, cứng nhắc như đèn điện, nhà cao tầng, xe hơi… thì loại không gian yên bình, giản dị của làng quê lại đem đến cảm giác thư thái, thanh lọc: Nhưng ở trong làng phần nhiều là tiểu nông gia hết cả. Cách sinh hoạt đơn giản hơn nhiều. Các kiểu nhà của nông dân Pháp là một cái nhà nhỏ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp, có bếp có buồng ngủ, có một mảnh vườn con con và một vài con bò sữa. Ở nhà trước là chỗ tiếp khách, ở giữa có một cái tủ để đồ ăn, trong nhà có mấy cái ghế, một cái bàn ăn trên trải một tấm khăn bằng vải sơn (Pháp du ký sự) (Trần Bá Vinh, 1933). Không chỉ có không gian lớn, mang tính rộng mở như phố thị, bến cảng, hội chợ… mà không gian nhỏ, mang tính đóng trong gia đình cũng thường xuyên xuất hiện. Cái không gian sinh hoạt ấm cúng dưới mái nhà đem đến cảm giác bình yên, chở che và hạnh phúc. Hình ảnh đẹp đẽ này hẳn làm ấm lòng người lữ khách trong những ngày tháng chu du nơi xứ người: Cô con gái đi học về, liệng cái cặp da đựng sách vào phòng, cởi đồ tốt ra rồi cũng lấy miếng vải quấn ngang bụng, xuống bếp phụ giúp với mẹ, hoặc là lên dọn bàn ăn, coi ra bộ vui vẻ và lanh lẹ lắm. Lúc ăn, mấy mẹ con ngồi cùng ăn, chuyện trò vui vẻ. Ăn rồi mẹ thì ra may vá hoặc coi nhựt trình, con thì khảy đàn tiêu khiển, hoặc là đem sách ra đọc. Chiều lại mấy mẹ con đắt nhau đi dạo mát, hay là coi chớp bóng và coi hát. Cách sanh hoạt của họ, chẳng khác những gì là gia đình này mà nhiều gia đình khác cũng vậy, em thấy có cái vẻ dịu dàng, êm ái mà người mẹ làm chủ trong gia đình, thì thật là tảo tần, chịu khó, cần kiệm, làm lụng, đủ mọi tư cách người nền nếp (Mười tháng ở Pháp) (Phạm Vân Anh, 1930). Ngoài ra còn có nhiều loại không gian khép kín nữa như không gian trong khách sạn, không gian trên tàu, không gian trong phòng trọ… Loại không gian khép kín này có sự đối lập gây gắt giữa các hạng phòng. Ví như trên tàu, nếu loại cabine hạng nhứt, hạng nhì đem đến cảm giác thư thái vì sự xa hoa, sang trọng “có salon tiếp khách, có nhà đờn địch, coi xa xỉ lắm”, và tất nhiên, loại không gian này là đặc quyền của tầng lớp “tinh hoa”: “những bậc quan chức to, phú hào lớn”, thì loại cabine hạng ba và hạng tư gây cảm giác về sự gò bó, chật chội, đáng thương, bởi đây là nơi ở của “lính ta và lính tây”, những người thường xuyên bị “lóp ngóp ướt át mà thương hại; những khi sóng to gió lớn, người ta dỡ cái tole ra, thì sân tàu của bọn họ bị nước tràn ướt cả”. Còn nơi ăn chốn ngủ của họ là chỗ “kê nệm nhỏ đủ một người nằm, cái nọ chồng lên cái kia” và “Tới giờ ăn thì mỗi người một cái lon, tranh nhau mà lấy đồ ăn đựng trong một cái thùng lớn”. “Sự sai biệt” của hai loại không gian này, nói như Cao Văn Chánh, “cũng bằng từ cái lầu cao của ông triệu phú tới cái chòi tranh của một anh cu li, ở đồng ruộng vậy” (Đáp tàu André Lebon) (Cao Văn Chánh, 1929). 361
  5. Nhưng nếu bỏ qua vấn đề sự đối lập giữa các hạng người trong các hạng phòng thì không gian trên tàu lại mang một ý nghĩa lớn lao, đẹp đẽ khác, đó là không gian chở những giấc mơ. Với người giàu, nó là phương tiện để thỏa mãn giấc mơ khám phá thế giới, với người nghèo, đó là giấc mơ đổi đời. Có lẽ vì thế mà hình ảnh của những con tàu xuất hiện thường xuyên trong du kí Việt Nam viết về thế giới. Ở góc độ này, nó mang tính biểu tượng cho những giấc mơ vượt thoát và thay đổi. Không gian sinh hoạt là nơi các sự kiện xẩy ra, do vậy cũng có thể gọi đây là không gian sự kiện. Nhờ sự kiện mà tính cách, tình cảm… của con người trong không gian ấy được bộc lộ rõ nét. Những sự kiện chính trị như chiến tranh, biểu tình… đưa người đọc quay về với một thời kì lịch sử cận đại đầy rối ren. Khi đối mặt với loại không gian sặc mùi chết chóc này, con người cảm thấy bất an. Đó cũng là cảm giác thường trực của Nguyễn Bá Trác khi lưu lạc sang Trung Quốc, một quốc gia đang bất ổn vì nội chiến: Hễ vào đất Trung Quốc bây giờ, mà đầu không có bím, mình không mặc áo dài, thì cái hình tích dễ làm cho người ta nghi lắm (…) Khi đã tình nghi, người ta phải hạ độc thủ (…) vì đất Trung Quốc ngày nay không phải là nơi “lạc thổ” (Hạn mạn du kí) (Nguyễn Bá Trác, 1920). 2.2. Không gian văn hóa Có một loại không gian vô cùng sống động, độc đáo, mang màu sắc riêng của từng vùng đất, đó là không gian văn hóa. Theo Joel Bonnemaison (1981) thì “khi không gian văn hóa trùng khớp với không gian cảm xúc và không gian sống, con người cảm thấy hạnh phúc về quá khứ, có thể giải thích sự gắn bó với địa phương, tình yêu quê hương xứ xở, sức mạnh của lòng yêu nước đối với lãnh thổ” (Dẫn theo Trần Ngọc Khánh, 2012). Ở những không gian này, người du khách sẽ có cơ hội khám phá những giá trị vật chất lẫn tinh thần của nơi mà mình ghé chân, đó là không gian của chùa chiềng, lăng tẩm, của thành quách xưa cũ, của những ngày hội lễ… Loại không gian đặc sắc này có một sức hút đặc biệt đối với các du khách, đặc biệt là du khách phương xa. Không gian của những ngày hội Lào: Bun That Luông là một loại không gian như thế. Đến với không gian ngày hội Lào, các nhà du hành người Việt có cơ hội hòa mình vào đời sống tình cảm phong phú của người Lào: Suốt trong đình đám hội That Luông này chỉ có một điều đáng ta chú ý là những “trường tình” (coues d’amour). Cái tình của người Lào nó công khai tự nhiên, giản dị mà bình tĩnh, chớ không giả dối, mờ ám, nguy hiểm sâu động như của người ta. Đến hội, anh chị nào ưng nhau, vào tán chuyện đàng hoàng, rồi hỏi tên, tuổi, nghề nghiệp nhà cửa, cha, mẹ để sau này biết lối mà tìm đến nhau (Chu Hà và nnk, 1936). Không gian chùa chiềng, lăng tẩm, đền đài để lại nhiều dấu ấn sâu đậm bởi qui mô to lớn và sự khéo léo. Loại không gian cổ kính và linh thiêng này luôn gợi lên sự tôn nghiêm, sùng kính và an yên bởi nó “được coi là cái vòm huyền bí”, là “chỗ ở của Chúa Trời trên thế gian, nơi mà thần linh hiện diện trong thực tại” nên khi ”Đi qua một ngôi đền hoặc vườn cảnh ấy là qua một đoạn đường thiêng liêng, khổ hạnh và huyền bí, trong một không gian, mà ở đó bản thân chúng ta dần đạt tới trạng thái trống không nội tâm của sự trong sạch tinh thần (Jean Chevalier và nnk, 1997). Cũng bởi lí do đó, loại không gian này luôn đem đến một niềm kính ngưỡng vô biên cho các nhà du hành người Việt: Trong chùa Bà Khen này ngoài những cách xếp đặt có ngăn nắp, cách chạm trổ trong đá rất tài, nóc chùa hình dấu búp sen, lại còn có cái nghi ngoai rực rỡ bắt mình phải thành kính và tưởng đến cái văn minh cực điểm hồi trước chỗ nào cũng có phật, lớn có, nhỏ có, ngoài sân có trong bàn có, thậm chí đến cái mỹ thuật là cái làm cho đẹp mắt mà cũng có hình phật xen vào. Tín ngưỡng thay! Sùng bái thay. Có lẽ cái đạo này cũng có ảnh hưởng đến văn minh kia nhiều ít (Cuộc du lịch của Auto Eco le, Cao Mên du hành trình nhựt kí) (Kim Sơn, 1929). Được đến với loại không gian này không chỉ là ước nguyện, mà đôi khi còn là lẽ sống: “Tôi mong lòng đi viếng Palestine cho được mới phỉ lòng, vì chưng ai là người có đạo mà chẳng ước trông cho đặng thấy nơi các thánh ta tôn kính, đã sanh ra cùng qua đời chốn ấy” (Đông Phương du lịch) (Jacques Lê Văn Đức, 1923). 362
  6. Không gian thành quách xưa cũ cũng thường xuất hiện trong du kí Việt Nam viết về thế giới. Loại không gian gợi cảm giác che chắn bảo vệ này chứa đầy những dấu tích của lịch sử và tôn giáo nên mang một vẻ trang nghiêm, cổ kính, rêu phong. Và tất nhiên, nó cũng không thể thiếu những câu chuyện hoang đường, huyền thoại để trở nên huyền bí, thâm trầm. Thành Damas của Thổ Nhĩ Kỳ là một không gian như thế: Damas là một thành có lâu đời hơn hết trong cả và thế gian. Một nhà chép sử kia nói rằng: thành này có từ thuở ông Abraham. Vả lại cũng là nơi ông thánh Phaolồ trở lại. Chỗ ông thánh Phaolồ trở lại có lẽ ở hướng Nam thành này, theo con đường đi từ Giêrusalem đến Damas. Cách chỗ ấy 200 thước thì có một chốn gọi là chốn ông thánh Phaolồ ẩn mình (l’abri de St Paul) vì trước khi đi thành Giêrusalem, thì người vượt ngục, ra mà ở ẩn nơi ấy (Đông Phương du lịch) (Jacques Lê Văn Đức, 1923). Loại không gian gây nhiều cảm xúc cho các nhà du hành người Việt chính là không gian điêu tàn của các nền văn minh một thời rực rỡ. Loại không gian mang tính hoài cổ này lúc nào cũng gây bồi hồi, luyến tiếc cho người khách du: “Thật thế, chẳng hề có thành nào phải bị gian truân như thành Giêrusalem. Đã hơn 20 lần bị phá hoại tan tành, mà mỗi lần thì cả ngàn sanh linh phải bỏ mạng!” (Đông Phương du lịch) (Jacques Lê Văn Đức, 1923). Khung cảnh bi thảm của thành Giêrusalem “như ngồi, nằm trên một nơi chôn xác hiu quạnh, buồn bực, chẳng có bông huê, cũng không tùng bá” dễ khiến lòng người cảm thấy sầu bi: “Đứng lặng mà nhìn xem chốn này thì nỗi sầu tan ra vô hạng, sầu mà an ủi lòng được, sầu mà phát nỗi ngậm ngùi” (Đông Phương du lịch) (Jacques Lê Văn Đức, 1923). Những dấu vết xưa cũ của loại không gian này gợi lại một thời huy hoàng đã mất, cũng là minh chứng sống động cho cái quy luật “bể dâu” đầy khốc liệt của cuộc đời. Mỗi loại không gian đều để lại trong lòng du khách một ấn tượng khó phai. Đầu tiên, nó là không gian của sự trải nghiệm, chứng nghiệm rồi qua thời gian, nó biến thành không gian của kỉ niệm và hoài niệm. Mỗi một không gian như lưu lại từng dấu chân của người du khách, do đó nó trở thành chứng nhân của những chuyến đi. Nếu như trong truyện ngắn hay tiểu thuyết, không gian chỉ là cái nền để cho câu chuyện phát triển thì trong du kí nói chung, du kí Việt Nam viết về thế giới nói riêng, không gian là mục đích chính của miêu tả, tường thuật và cũng là đối tượng chính để các nhà du hành cảm nhận về thế giới. Trong bộ phận du kí này, ta thấy không gian chồng chất không gian, không gian nhỏ nằm trong không gian lớn, không gian lớn lại bao trùm không gian nhỏ nhưng đa phần là không gian xa lạ. Và càng chiếm lĩnh được nhiều không gian bao nhiêu, du kí càng hấp dẫn người đọc bấy nhiêu. Với bản tính ham xê dịch, ham hoạt động trong không gian thì khám phá về không gian đã trở thành mục tiêu quan trọng và lí thú hàng đầu của người du khách. Nếu như trong quá khứ, khi các chuyến đi chỉ giới hạn trong phạm vi trong nước, hoặc thỉnh thoảng có đi sứ qua Trung Quốc, thì không gian chủ yếu xuất hiện trong các ghi chép của các nhà du hành là không gian sơn thủy. Vì tiêu điểm là không gian sơn thủy nên các loại không gian khác dường như bị bỏ quên, khước từ. Điều này phải chăng xuất phát từ quan niệm coi thiên nhiên là cao quý nên xứng đáng được đưa vào thơ văn, còn những gì liên quan đến hiện thực thì thấp hèn nên không xứng đáng hiện diện trong nghệ thuật? Cái nhìn mang tính phân chia thứ bậc này đã làm cho không gian xã hội bị coi khinh rẻ rúng trong văn chương truyền thống Việt Nam suốt một thời gian dài. Đến giai đoạn này, khi ảnh hưởng cách viết của văn học phương Tây, các nhà văn du hành người Việt đã biết tập trung vào không gian xã hội để khám phá những vẻ đẹp chân thực, phong phú và bất tận của nó. Mỗi bước chân di chuyển linh hoạt của người lữ khách là một không gian mới mẻ, khác lạ hiện ra, đủ gây ngỡ ngàng cho bất cứ độc giả nào ham thích thể loại mang đậm tính phiêu lưu này. 3. KẾT LUẬN Tóm lại, mỗi chiều kích không gian trong du kí Việt Nam viết về thế giới phản ánh một mảng hiện thực khách quan, đa dạng của một thế giới rộng lớn, nhiều biến động của giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Ở đó, con người như bị hút vào guồng quay không thể cưỡng lại của cái không gian rộng mở 363
  7. mang tính hội nhập toàn cầu. Không gian trong du kí Việt Nam viết về thế giới cũng mang đặc điểm của loại không gian tuyến tính. Đó là một không gian không ngừng được mở rộng, trải dài hết vùng đất này đến vùng đất khác, tạo nên môi trường tham quan du lãm hết sức rộng lớn, góp phần thỏa mãn nhu cầu mãnh liệt của các nhà du hành người Việt là chinh phục không gian. Và tất nhiên, càng chinh phục được nhiều chiều kích không gian bao nhiêu thì bức tranh cuộc sống càng trọn vẹn và đầy đủ bấy nhiêu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Vân Anh (1929). Sang tây. Phụ Nữ Tân Văn, 11. 2. Phạm Vân Anh (1930). Mười tháng ở Pháp. Phụ Nữ Tân Văn, 63. 3. Cao Văn Chánh (1929). Đáp tàu André Lebon. Phụ Nữ Tân Văn, 20. 4. Chu Hà và Lã Xuân Choát (1936). Mấy ngày hội Lào: Bun That Luông. Công luận báo, 7278. 5. Chevalier, Jean và Gheerbrant, Alain (1997). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Dà Nẵng. 6. Hải Đường (1937). Tôi đi dự cuộc đấu xảo quốc tế ở Paris. Sài Gòn, 1266. 7. Hoa Đường (1938). Singapore trong con mắt tôi. Sài Gòn, 1375. 8. Jacques Lê Văn Đức (1923). Đông Phương du lịch (cuốn thứ nhất: Đi viếng thánh địa). Quy Nhơn: Nhà xuất bản Imprimerie. 9. Ngô Văn Đức. (1996). Ngâm khúc - quá trình hình thành phát triển và đặc trưng thể. Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh Niên. 10. Trần Ngọc Khánh (2012). Văn hóa đô thị. TP.HCM: Nhà xuất bản Thanh Niên. 11. Lê Bán Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006). Từ điển thuật ngữ văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 12. Hoàng Phê (chủ biên) (2002). Từ điển Tiếng Việt. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng 13. Phạm Quỳnh (1922). Thuật chuyện du lịch ở Paris. Nam Phong tạp chí, 64. 14. Kim Sơn (1929). Cuộc du lịch của Auto-Eco le, Cao-Mên du hành trình nhựt kí, Công Luận Báo, 1544. 15. Nguyễn Bá Trác (1920). Hạn mạn du kí. Nam Phong tạp chí, 41. 16. Nguyễn Công Tiễu. (2017). Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri Thức. 17. Tô Tử (1938). Đi Siam. Ngày Nay, 189. 18. Bùi Thanh Vân (1923). Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu. Huế: Nhà xuất bản Imprimerie Dac Lap, Bui Huy Tin & C. 19. Trần Bá Vinh (1932). Pháp du ký sự. Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, 129. 364
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2