intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Triết học: Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:190

17
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án "Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó" được hoàn thành với mục tiêu nhằm làm rõ quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thông qua một số đại diện tiêu biểu, trên cơ sở đó bước đầu chỉ ra ý nghĩa của những quan niệm ấy.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Triết học: Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Hoàng Minh Quân QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ ĐẠI BIỂU TRÍ THỨC TÂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC HÀ NỘI – năm 2023
  2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Hoàng Minh Quân QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ ĐẠI BIỂU TRÍ THỨC TÂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ Ngành: Triết học Mã số: 92.29.001 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. Trần Nguyên Việt HÀ NỘI – năm 2023
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của bản thân, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trần Nguyên Việt. Các trích dẫn trong luận án đều tuân thủ đúng quy định và có nguồn gốc rõ ràng. Kết quả nghiên cứu của luận án là sản phẩm của quá trình nghiên cứu của cá nhân tôi và chưa từng được công bố trong một công trình nào khác. Nghiên cứu sinh Hoàng Minh Quân
  4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ....................................... 7 1.1. Những nghiên cứu liên quan đến điều kiện, tiền đề cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX ..................... 7 1.2. Những nghiên cứu liên quan đến quan niệm của trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân .......................................................................... 18 1.3. Những vấn đề đặt ra từ tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài ............. 28 TIỂU KẾT CHƯƠNG 1................................................................................................. 32 CHƯƠNG 2: NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ CHO SỰ HÌNH THÀNH QUAN NIỆM CỦA TRÍ THỨC TÂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN ............................................................................ 33 2.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa dẫn đến sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX............... 33 2.2. Những tiền đề tư tưởng cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX ......................................................... 49 2.3. Sự hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX ..... 70 TIỂU KẾT CHƯƠNG 2................................................................................................. 81 CHƯƠNG 3: QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ TRÍ THỨC TÂN HỌC THEO KHUYNH HƯỚNG PHỤC CỔ Ở VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN: NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM, Ý NGHĨA VÀ HẠN CHẾ CỦA NÓ .... 83 3.1. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về địa vị của con người cá nhân ..................................................... 83 3.2. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về quyền lợi cá nhân ....................................................................... 92 3.3. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở ViệtNam nửa đầu thế kỷ XX về tự do cá nhân ................................................................................... 100 3.4. Đặc điểm, ý nghĩa và hạn chế chủ yếu trong quan niệm về con người cá nhân của nhóm trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX .. 114 TIỂU KẾT CHƯƠNG 3............................................................................................... 125 i
  5. CHƯƠNG 4: QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ TRÍ THỨC TÂN HỌC THEO KHUYNH HƯỚNG CẤP TIẾN Ở VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN: NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM, Ý NGHĨA VÀ HẠN CHẾ CỦA NÓ .. 127 4.1. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng cấp tiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về địa vị của con người cá nhân ................................................... 127 4.2. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng cấp tiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về quyền lợi cá nhân ..................................................................... 138 4.3. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng cấp tiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về tự do cá nhân ............................................................................ 143 4.4. Đặc điểm, ý nghĩa và hạn chế chủ yếu trong quan niệm về con người cá nhân của nhóm trí thức tân học theo khuynh hướng cấp tiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX .. 157 TIỂU KẾT CHƯƠNG 4............................................................................................... 170 KẾT LUẬN ................................................................................................................. 172 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ .............................. 175 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................... 176 ii
  6. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX là giai đoạn bản lề trong diễn trình vận động của lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử tư tưởng Việt Nam nói riêng. Đây là giai đoạn đánh dấu những bước chuyển mang tính căn bản trên mọi mặt của đời sống: chính trị, kinh tế, văn hóa, và đương nhiên, bao gồm cả tư tưởng. Đó là những bước chuyển hết sức mau lẹ (chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy nửa thế kỷ), nhưng đầy nhọc nhằn, với rất nhiều xung đột, va chạm, mà xu hướng chung là những bước chuyển từ một xã hội cổ điển sang một xã hội cận, hiện đại. Trong lĩnh vực tư tưởng, đây là giai đoạn mà tư tưởng của người Việt đã thực sự có những chuyển biến mang tính cốt lõi, mà ở đó, hệ hình tư duy truyền thống từng bước nhường chỗ cho một hệ hình tư duy hiện đại, mang nhiều dấu ấn của tư tưởng phương Tây. Bất kể là ở vấn đề nào, thế giới quan hay nhân sinh quan, người Việt thời kỳ này đều đưa ra những cách nhìn nhận hết sức mới mẻ, mang tính đột phá, để mở đường cho những cuộc vận động cải cách xã hội. Trong số những vấn đề thu hút sự chú ý của giới trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, vấn đề con người cá nhân có thể xem là một vấn đề tư tưởng lớn. Điều đó thể hiện trước hết ở tần suất xuất hiện của nó trên các diễn đàn học thuật ở Việt Nam giai đoạn này. Những bàn luận về con người cá nhân đã xuất hiện từ những thập niên đầu của thế kỷ XX và còn được tiếp tục duy trì cho đến những năm 30, 40. Hầu hết những nhà trí thức lớn của thời kỳ này, từ Bắc kỳ cho đến Nam kỳ, từ cựu học cho đến tân học, từ những người theo khuynh hướng bảo thủ đến những người theo khuynh hướng cấp tiến, đều đã ít nhiều tham gia vào những tranh luận về vấn đề này. Mặt khác, nếu xem toàn bộ dòng chảy tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một sự phản tỉnh trên quy mô lớn của người trí thức Việt Nam đối với hệ thống tri thức truyền thống, thì sự phản tỉnh về vấn đề con người cá nhân không những có tính phổ biến, mà còn có tính then chốt, bởi những chuyển biến trong cách nhìn nhận về vấn đề con người cá nhân đã dẫn đến sự chuyển biến trong nhân sinh quan, trong quan niệm về đạo đức, về giá trị, và từ đó, về xã hội của người Việt. Nói cách khác, tìm hiểu về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một hướng đi khả dĩ giúp chúng ta nắm bắt dòng chảy tư tưởng Việt Nam thời kỳ này ở cả chiều rộng (với độ bao phủ của vấn đề) và cả chiều sâu (với tính chất then chốt của vấn đề). 1
  7. Trên thực tế, cho đến nay, vấn đề con người cá nhân trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã ít nhiều được tiến hành nghiên cứu ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn thiếu vắng một nghiên cứu thực sự chi tiết về chặng đường mà người trí thức Việt Nam thời kỳ đó đã trải qua trong những suy tư về vấn đề này. Trước sự du nhập của những quan niệm mới về con người cá nhân ở phương Tây, phản ứng ban đầu của người trí thức Việt Nam ra sao? Từ thời điểm nào, với nhân vật nào mà những suy tư về vấn đề con người cá nhân thực sự có được một biến chuyển mang tính then chốt? Quan niệm về con người cá nhân ở Việt Nam thời kỳ này phải chăng chỉ là kết quả của sự đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, hay còn là của những nỗ lực níu giữ lại quá khứ, hay nói cách khác, sự cạnh tranh về mặt ảnh hưởng của những tư tưởng truyền thống với những tư tưởng phương Tây trong vấn đề này như thế nào? Có những khuynh hướng nào có thể được xem là chủ đạo trong việc đưa ra quan niệm về vấn đề này ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX? Chúng tôi cho rằng, đây là những câu hỏi vẫn cần được tiếp tục làm sáng tỏ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, những nghiên cứu về tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX từ trước đến nay đã tập trung khá nhiều vào bộ phận nho sĩ duy tân, trong khi tầng lớp trí thức tân học1, những người mà từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX đã trở thành lực lượng chủ đạo trong việc dẫn dắt nền văn hóa dân tộc, vẫn chưa được nghiên cứu một cách tương xứng với địa vị của họ trong dòng chảy của tư tưởng dân tộc. Tính đa diện trong tư tưởng của tầng lớp này vẫn là một điều cần phải được đi sâu phân tích, tìm hiểu và nhận diện. Một điều may mắn là, trong khoảng mười năm trở lại đây, với nhiều nỗ lực sưu tập, tập hợp, biên soạn của các nhà nghiên cứu hay các nhóm nghiên cứu, những tác phẩm của họ đã dần xuất hiện trở lại, bằng nhiều cách khác nhau (ấn phẩm xuất bản, tài liệu số hóa...). Việc nghiên cứu về họ có thể còn nhiều khoảng trống, song việc tiếp cận di sản của họ hiện nay đã trở nên thuận lợi hơn nhiều. Đó là lý do chúng tôi muốn tập trung hướng nghiên cứu của mình vào tầng lớp này – tầng lớp trí thức tân học – cùng quan niệm của họ về vấn đề con người cá nhân. Với tư cách là những người dẫn dắt nền văn hóa dân tộc từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX, tầng lớp trí thức tân học và quan niệm về vấn đề con người cá nhân của họ hiển nhiên có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam 1 “Trí thức tân học”, trong đề tài này, được định nghĩa là tầng lớp trí thức được bồi dưỡng, giáo dục bởi những tri thức mới (tân học) của phương Tây thông qua hệ thống giáo dục mới (tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học) hoặc thông qua con đường tự học, phân biệt với tầng lớp trí thức cựu học. 2
  8. nói chung, nhân sinh quan của người Việt nói riêng. Văn hóa Việt Nam hôm nay, cách tư duy của người Việt hôm nay, ít nhiều vẫn mang dấu ấn của họ. Hơn nữa, những vấn đề mà người trí thức tân học đầu thế kỷ XX đã đặt ra và bàn luận, không hẳn chỉ là vấn đề riêng của thời đại ấy. Suy tư về con người cá nhân rõ ràng không phải chỉ là câu chuyện của giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, mà nó còn là một câu chuyện của chính xã hội đương đại. Ngày nay, người Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những nền văn hóa bên ngoài một cách dễ dàng hơn nhiều, họ cũng có những không gian, diễn đàn đa dạng, phong phú hơn nhiều để thể hiện bản thân mình, nhưng cũng vì thế mà người ta càng băn khoăn hơn với những câu hỏi về bản ngã, về cá nhân. Nhìn lại những quan niệm của người trí thức tân học Việt Nam đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân, chúng tôi kỳ vọng có thể thấy được dấu ấn của nó trong dòng chảy văn hóa đương đại, cũng như những gợi mở mà nó có thể đặt ra cho chúng ta khi đối diện với vấn đề con người cá nhân ở thời đại của mình. Tóm lại, xuất phát từ ý nghĩa của vấn đề con người cá nhân trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, từ những khoảng trống trong nghiên cứu về vấn đề con người cá nhân, cũng như về tầng lớp trí thức tân học, từ những thuận lợi mà chúng tôi nhận thấy về mặt tư liệu, và cuối cùng, từ khả năng gợi mở của vấn đề, chúng tôi chọn “Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án - Mục đích nghiên cứu: Làm rõ quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thông qua một số đại diện tiêu biểu, trên cơ sở đó bước đầu chỉ ra ý nghĩa của những quan niệm ấy. - Nhiệm vụ nghiên cứu: + Phân tích những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành quan niệm của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân; + Phân tích quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và làm rõ ý nghĩa của nó; + Phân tích quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng cấp tiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và làm rõ ý nghĩa của nó. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3
  9. - Đối tượng nghiên cứu: Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân - Phạm vi nghiên cứu: + Về mặt phạm vi thời gian, luận án nghiên cứu quan niệm của giới trí thức tân học trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (được hiểu là từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945). + Về mặt phạm vi nội dung, căn cứ trên những chủ để lớn, gây nhiều tranh luận, đồng thời cũng thể hiện tập trung sự chuyển đổi trong nhận thức của người Việt Nam về con người cá nhân, luận án tập trung phân tích, làm rõ quan niệm về vấn đề con người cá nhân của người trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thông qua ba nội dung căn bản: quan niệm về địa vị của con người cá nhân, quan niệm về quyền lợi cá nhân và quan niệm về tự do cá nhân. + Về mặt phạm vi khảo sát, luận án hướng đến làm rõ quan niệm của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân thông qua một số trí thức, nhóm trí thức có tính chất tiêu biểu, cụ thể gồm: Phạm Quỳnh (1892- 1945), Trần Trọng Kim (1883-1953), Nguyễn Duy Cần (1907-1998), Nguyễn An Ninh (1900-1943), Phan Khôi (1887-1959), nhóm Tự lực văn đoàn (chủ yếu tập trung vào các thành viên: Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh, 1906-1963), Trần Khánh Giư (Khái Hưng, 1896-1947), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo, 1907-1948)). Sở dĩ chúng tôi lựa chọn những nhà trí thức, nhóm trí thức trên để tiến hành khảo sát, là bởi mấy lý do sau: Thứ nhất, họ là những nhà trí thức quan tâm và có nhiều công trình, bài viết đáng chú ý bàn về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Thứ hai, họ là những nhà trí thức có tính đại diện, xét trên nhiều phương diện khác nhau, về thời điểm hoạt động, họ đại diện cho các giai đoạn phát triển khác nhau của tư tưởng Việt Nam trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, về không gian hoạt động, họ sinh sống và gây dựng sự nghiệp ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí có trường hợp di động qua cả ba miền trong suốt sự nghiệp của mình như Phan Khôi, về xuất thân học vấn, họ đại diện cho những bộ phận khác nhau của tầng lớp trí thức tân học (bao gồm: trí thức xuất thân Nho học nhưng thông qua tự học để trở thành trí thức tân học như Phan Khôi, trí thức được đào tạo bởi nền giáo dục Tây học ở trong nước như Phạm Quỳnh, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Đạo, trí thức được đạo tạo ở nước ngoài như Nguyễn An Ninh, Nhất Linh, Khái Hưng), về khuynh hướng tư tưởng, họ đại diện cho các nhóm 4
  10. trí thức theo khuynh hướng phục cổ (Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Duy Cần) và nhóm trí thức theo khuynh hướng cấp tiến (Phan Khôi, Nguyễn An Ninh, Tự lực văn đoàn). Với tính chất như vậy, chúng tôi cho rằng, quan niệm của những nhà trí thức, nhóm trí thức được khảo sát trong luận án về vấn đề con người cá nhân có thể đại diện cho quan niệm của tầng lớp trí thức tân học nói chung ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Luận án dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, áp dụng vào nghiên cứu những vấn đề của lịch sử tư tưởng. Đồng thời, luận án lấy quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về con người nói chung, về cá nhân nói riêng làm cơ sở lý luận để nhìn nhận, đánh giá các khuynh hướng tư tưởng khác nhau về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trên cơ sở phương pháp luận chung đó, chúng tôi cũng sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: - Phương pháp thống nhất lịch sử - logic: Trong luận án, phương pháp lịch sử được áp dụng để tìm hiểu, phân tích quan niệm của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo tiến trình lịch sử, theo đó, chúng tôi cố gắng làm rõ sự phát sinh, phát triển quan niệm của họ về vấn đề con người cá nhân qua các giai đoạn, xác định các cột mốc lớn trong sự phát triển ấy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận dụng phương pháp logic để chỉ ra tính quy luật, tính khuynh hướng trong quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học, cũng như rút ra những đặc điểm xuyên suốt của từng khuynh hướng, thể hiện trong quan niệm của các nhà trí thức cụ thể. - Phương pháp so sánh: Phương pháp so sánh cũng được chúng tôi vận dụng trong chừng mực làm sáng tỏ sự phát triển của quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ở đây, sự so sánh sẽ được chúng tôi tiến hành ở cả lát cắt lịch đại và đồng đại. Ở lát cắt lịch đại, một mặt, chúng tôi tiến hành so sánh quan niệm của giới trí thức tân học với những quan niệm truyền thống về vấn đề con người cá nhân, đặc biệt là Nho giáo, để làm rõ sự kế thừa, vượt bỏ của những quan niệm mới, qua đó làm rõ ý nghĩa của những quan niệm mới đó trong sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Mặt khác, chúng tôi cũng so sánh quan niệm của họ với những quan niệm về con người cá nhân trong lịch sử triết học phương Tây, để chỉ ra ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây đến tầng lớp trí thức người Việt. Ở lát 5
  11. cắt đồng đại, chúng tôi tiến hành so sánh giữa các khuynh hướng tư tưởng khác nhau, để làm rõ tính đa diện, phong phú cũng như tính cạnh tranh về mặt tư tưởng trong quan niệm về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, qua đó phân nhóm các trí thức tân học ở Việt Nam thời kỳ này. Phương pháp so sánh sẽ được chúng tôi vận dụng một cách xuyên suốt trong luận án của mình. - Phương pháp phân tích – tổng hợp: Luận án thông qua việc phân tích, làm rõ quan niệm về vấn đề con người cá nhân của một số nhà trí thức tân học có tính đại biểu để chỉ ra những khuynh hướng tư tưởng về vấn đề này ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và những đặc trưng cơ bản của mỗi khuynh hướng. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án có một số đóng góp mới về mặt khoa học như sau: - Phân tích sự tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đến sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học. - Trên cơ sở nghiên cứu so sánh, luận án làm rõ tính khuynh hướng trong quan niệm về con người cá nhân ở Việt Nam của tầng lớp trí thức tân học nửa đầu thế kỷ XX trong bối cảnh tiếp biến văn hóa Đông - Tây, phân tích, làm rõ nội dung, đặc điểm của từng khuynh hướng. - Chỉ ra ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa hiện thời của từng khuynh hướng trong quan niệm của tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Ý nghĩa lý luận: Luận án góp phần làm sáng tỏ một nội dung quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, khắc phục một số khoảng trống trong nghiên cứu về tư tưởng Việt Nam thời kỳ này. - Ý nghĩa thực tiễn: Thông qua nghiên cứu quan niệm về vấn đề con người cá nhân của một số đại biểu trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân, luận án bước đầu chỉ ra những gợi mở cho việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các môn học thuộc chuyên ngành lịch sử tư tưởng Việt Nam. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án bao gồm 4 chương, 14 tiết. 6
  12. CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Những nghiên cứu liên quan đến điều kiện, tiền đề cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 1.1.1. Những nghiên cứu về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Để tìm hiểu cơ sở kinh tế - xã hội dẫn đến sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, việc trước hết là phải nắm được bối cảnh lịch sử chung của thời kỳ này, cũng như những vận động, biến chuyển trên từng lĩnh vực cụ thể của nó. Những công trình nghiên cứu về bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX có thể nói là hết sức phong phú, xét cả về góc độ tiếp cận, phạm vi nghiên cứu, cũng như chiều dài lịch sử. Về góc độ tiếp cận, sự phong phú thể hiện ở chỗ, bối cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ này đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên ngành khác nhau, như sử học, văn học, xã hội học, văn hóa học v.v... Về phạm vi nghiên cứu, chúng ta thấy có những công trình bao quát toàn bộ những diễn biến của lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (thường là những công trình nghiên cứu của ngành sử học), cũng có những công trình tập trung vào những bộ phận, lát cắt nhỏ hơn của khung cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ này (lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và những lát cắt nhỏ hơn nữa của từng lĩnh vực). Về chiều dài lịch sử, chúng ta thấy những nghiên cứu về bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện ngay trong thời kỳ này, với những nhà khảo cứu cả người Việt và người Pháp, và còn được tiếp nối một cách liên tục cho đến thời điểm hiện tại. Tính phức tạp của xã hội Việt Nam trong bối cảnh chuyển giao thời thuộc địa, cũng như sự phong phú về sử liệu khiến cho thời kỳ lịch sử này chưa bao giờ trở thành một chủ đề nhàm chán trong giới nghiên cứu. Trước hết, chúng tôi đề cập đến một số công trình nghiên cứu chung về lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đây là những công trình không đi vào một vấn đề cụ thể nào của lịch sử Việt Nam giai đoạn này, nhưng cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Ở nhóm này, có thể nhắc tới một số công trình quan trọng như: Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp (in lần đầu năm 1944), Việt Nam Pháp thuộc sử (1862 – 1945) của Phan Khoang (1961), Việt Nam thời Pháp 7
  13. đô hộ của Nguyễn Thế Anh (1970), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2: 1858 – 1945) do Đinh Xuân Lâm chủ biên (in lần đầu năm 1998)... Trong đó, công trình của Lương Đức Thiệp là một công trình rất đáng chú ý, bởi hai lẽ: thứ nhất, đây là công trình được tác giả soạn vào những năm 40 của thế kỷ XX, nghĩa là trong chính giai đoạn mà chúng tôi nghiên cứu, vì vậy, nó có thể coi là cái nhìn của một người trong cuộc; thứ hai, đây là một trong những công trình nghiên cứu đã được tiến hành dựa trên phương pháp duy vật lịch sử khá sớm ở Việt Nam. Những nhận định về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được tác giả trình bày ở phần cuối của công trình, với nhan đề “Một thời đại mới”. Ở phần này, từ nhãn quan duy vật lịch sử, tác giả đã phân tích sự biến chuyển của xã hội Việt Nam, từ sự xuất hiện của nền kinh tế tư bản, đến sự phân chia đẳng cấp trong xã hội (phú hào, thợ thuyền), những thay đổi trong lề lối sinh hoạt, với những ảnh hưởng từ phương Tây, và đặc biệt là sự biến thiên của chế độ đại gia đình. Từ những phân tích đó, tác giả đã ít nhiều chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành một quan niệm mới về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam, mà chúng ta có thể tóm tắt lại trong mấy điểm: sự thoát ly kinh tế gia đình và sự tan rã của chế độ đại gia tộc [xem 119, tr.325]. Nhận định của Lương Đức Thiệp càng có giá trị hơn, khi ông có cái nhìn của người trong cuộc, người đã sống trải chính những vận động và biến thiên của xã hội Việt Nam thời kỳ này. Công trình của Phan Khoang (1961) cũng chỉ ra những biến chuyển trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, nhưng nhấn mạnh hơn đến sự ra đời của giai cấp tân tư sản trung lưu, cũng như những biến đổi về nếp sống như những yếu tố gắn với sự ra đời của quan niệm mới về cá nhân ở Việt Nam [xem 60, tr.430]. Một điểm đáng lưu ý là Phan Khoang đặc biệt quan tâm đến sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn ở thời kỳ này, từ đó cho rằng, thành thị mới là địa bàn cho sự nảy nở quan niệm mới về con người cá nhân, còn nông thôn vẫn là nơi bám rễ của những tập tục, quan niệm luân lý cũ [xem 60, tr.448]. Công trình của Nguyễn Thế Anh (1970) lại đặc biệt tập trung khảo cứu những chuyển biến kinh tế và sự hình thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam, một yếu tố đặc biệt quan trọng dẫn đến sự hình thành các quan niệm mới về con người cá nhân. Thông qua công trình này, chúng ta có thể thấy được khá rõ sự phân bố của tư bản trong nền kinh tế Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Công trình do Đinh Xuân Lâm chủ biên (1998), xét về quy mô thì dày dặn hơn những cuốn trên, đã tái hiện một cách đầy đủ, cặn kẽ về những bước vận động, phát triển của lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc. Mặc dù không đề cập trực tiếp đến vấn đề 8
  14. cá nhân như những công trình nêu trên, nhưng nó có thể cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử Việt Nam thời kỳ mà chúng tôi nghiên cứu, vì thế, đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để hình dung bối cảnh kinh tế - xã hội tổng quát ở Việt Nam thời kỳ này. Bên cạnh những công trình nghiên cứu tổng quát về lịch sử Việt Nam nói chung, còn có những công trình nghiên cứu sâu về những chuyển biến trên từng mặt của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nói riêng. Về lĩnh vực chính trị, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến công trình Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Góp phần tìm hiểu cơ sở lịch sử - xã hội Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp thống trị) của Dương Kinh Quốc. Công trình này tập trung nghiên cứu những chuyển đổi trong cơ cấu chính trị ở Việt Nam thời Pháp thuộc, trong đó, tác giả đã phân tích và làm nổi bật quá trình triều đình nhà Nguyễn dần đánh mất quyền lực vào tay thực dân Pháp. Việc tìm hiểu về quá trình này là rất quan trọng đối với nghiên cứu về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam đương thời, bởi chính thông qua quá trình đó mà chúng ta có thể thấy những dịch chuyển trong cơ cấu quyền lực chính trị, thứ luôn luôn ảnh hưởng đến ý thức về con người cá nhân. Những phân tích về biến đổi chính trị ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX của chúng tôi trong luận án sẽ kế thừa về cơ bản những kết quả đã đạt được trong công trình này của Dương Kinh Quốc. Đối với lĩnh vực xã hội, có nhiều công trình đã khai thác những biến chuyển trên các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội Việt Nam. Về cơ cấu xã hội, có thể kể đến công trình Về giai cấp tư sản Việt Nam của Minh Tranh, Nguyễn Kiến Giang (1959), Tìm hiểu giai cấp tư sản Việt Nam thời Pháp thuộc của Nguyễn Công Bình (1959), Cơ cấu xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam do Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (1998), hay Cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945) của Nguyễn Văn Khánh (1999). Hai công trình trước nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển của giai cấp tư sản Việt Nam, cũng như sự xuất hiện của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt, công trình của Nguyễn Công Bình (1959) đã phân tích khá kỹ lưỡng về quá trình tích tụ tư bản của giai cấp tư sản người Việt. Các công trình sau đề cập một cách tổng thể đến cơ cấu xã hội, trong đó bàn đến sự phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, chỉ ra sự hình thành, tình trạng, đặc điểm của các giai cấp qua nhiều số liệu cụ thể. Đây là những thông tin cần thiết giúp chúng tôi hình dung một bức tranh tổng thể về cơ cấu xã hội Việt Nam thời kỳ này. 9
  15. Ngoài ra, cần nhắc đến một số công trình có nhấn mạnh đến một khía cạnh trong đời sống xã hội như một yếu tố tác động đến vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, đó là: Người nông dân châu thổ Bắc kỳ của Pierre Gourou (viết năm 1936), Trí thức Việt Nam tiếp xúc với văn minh phương Tây thời Pháp thuộc của Trần Viết Nghĩa (2012)... Công trình của Trần Viết Nghĩa (2012) có đề cập đến sự ra đời của đô thị kiểu phương Tây ở Việt Nam, thay thế cho kiểu đô thị truyền thống. Theo tác giả, sự ra đời của đô thị kiểu phương Tây đã kéo theo sự hình thành của tầng lớp thị dân và lối sống thị dân, với những đặc điểm xuất thân đa dạng, ít bị ràng buộc bởi văn hóa làng xã, khoảng cách địa vị thu hẹp [xem 90, tr.114-115]... Những điều đó, theo tác giả, đã khiến cho đô thị trở nên một mảnh đất thuận lợi cho sự nảy nở của văn minh phương Tây. Những điểm mà tác giả Trần Viết Nghĩa đã chỉ ra đều có liên quan ít nhiều đến sự gia tăng mối quan tâm đến vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam thời kỳ này. Điều này gợi nhắc đến một nghiên cứu khác, tuy không đi sâu vào phân tích những chuyển biến của xã hội Việt Nam, nhưng đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đô thị cũng như tầng lớp trí thức đô thị đối với sự hình thành “cái tôi cá nhân” ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, đó là công trình Con mắt thơ của Đỗ Lai Thúy (1992). Trong công trình này, Đỗ Lai Thúy đã xem sự hình thành đô thị công thương nghiệp, và đi liền với nó, “một tầng dân cư mới, với lối cảm, lối nghĩ, và lối sống chẳng những khác với người tiểu nông mà khác cả với thị dân cổ truyền” [125, tr.12] như một trong những yếu tố làm hình thành nên “cái tôi cá nhân”, một dạng thức “cái tôi” khác biệt về chất so với những dạng thức cổ truyền. Rõ ràng, đây là yếu tố rất cần lưu ý khi tìm hiểu về điều kiện xã hội cho sự hình thành quan niệm về con người cá nhân ở Việt Nam thời kỳ này. Trong khi đó, công trình của Pierre Gourou (1936) dường như đã bàn đến một vấn đề không mấy liên quan đến chủ đề nghiên cứu của chúng tôi: người nông dân châu thổ Bắc kỳ. Sở dĩ nói như vậy, bởi một quan niệm mới về con người cá nhân, như Lương Đức Thiệp (1944), Phan Khoang (1961), Đỗ Lai Thúy (1992), hay Trần Viết Nghĩa (2012) đã từng đề cập, gắn bó với thành thị hơn là nông thôn, trí thức đô thị hơn là người nông dân. Tuy nhiên, công trình của Pierre Gourou lại có một điểm rất đáng chú ý là tác giả đã đề cập đến hiện tượng di cư ra khỏi vùng nông thôn của người nông dân ở Bắc kỳ, và kèm theo hiện tượng đó, là sự khó hòa nhập trở lại với đời sống tinh thần ở nông thôn của những người đã rời khỏi nơi đây [xem 45, tr.251]. Hiện tượng này là hiện tượng mới, có liên quan đến những biến đổi trong cơ cấu xã hội Việt 10
  16. Nam đầu thế kỷ XX, cũng như những biến đổi trong sinh hoạt tinh thần của người Việt, đồng thời cũng có liên hệ sâu sắc với vấn đề con người cá nhân. Về lĩnh vực văn hóa, những công trình có liên quan mật thiết với đề tài nghiên cứu của chúng tôi có thể kể đến là Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh (1938), Trí thức Việt Nam đối diện với văn minh phương Tây thời Pháp thuộc của Trần Viết Nghĩa (2012), Tính hiện đại và sự chuyển biến của văn hóa Việt Nam thời cận đại do Đỗ Quang Hưng chủ biên (2013)... Việt Nam văn hóa sử cương là một công trình nghiên cứu có tính khai mở về lịch sử văn hóa Việt Nam. Cũng như công trình nghiên cứu của Lương Đức Thiệp mà chúng tôi đã đề cập ở trên, đây là một công trình được thực hiện ngay trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, vì thế, nó đương nhiên bám sát những vấn đề nổi bật nhất thời bấy giờ. Trong đó, Đào Duy Anh đã giành phần tổng luận của toàn bộ cuốn sách để nói về những biến đổi của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX, đồng thời chỉ ra rằng, những biến đổi đó (quá trình Âu hóa nền văn hóa, sự biến đổi lối sống, lối sinh hoạt) đã đưa xã hội Việt Nam từ khuynh hướng gia đình bản vị sang cá nhân bản vị [xem 1, tr.364]. Công trình của Trần Viết Nghĩa nhấn mạnh vào sự tiếp xúc giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây, thái độ của trí thức Việt Nam (cựu học và tân học) với nền văn hóa phương Tây, cũng là những vấn đề gần gũi với sự hình thành của quan niệm mới về con người cá nhân. Công trình của Đỗ Quang Hưng chủ biên về tính hiện đại và sự chuyển biến của văn hóa Việt Nam thời cận đại cũng rất đáng chú ý, bởi nó nghiên cứu về những biến chuyển văn hóa Việt Nam từ hệ tham chiếu của “tính hiện đại”, mà một trong những biểu hiện của tính hiện đại, theo lý giải của các tác giả, là sự giải phóng cá nhân. Những chuyển biến của văn hóa Việt Nam trên mọi khía cạnh đã được trình bày một cách khá toàn diện trong công trình này, và vì thế, đây thực sự là một công trình cần được tham khảo khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam thời Pháp thuộc nói chung, và sự hình thành quan niệm về con người cá nhân thời kỳ này nói riêng. Liên quan đến văn hóa, thiết nghĩ cũng cần phải nhắc đến một số công trình khảo cứu về giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, như: Khoa cử và giáo dục Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng (1993), Giáo dục Việt Nam thời cận đại của Phan Trọng Báu (1994), Nhà trường Pháp ở Đông Dương của Trịnh Văn Thảo (bản dịch tiếng Việt xuất bản lần đầu năm 2009) v.v... Những công trình này cung cấp những thông tin chi tiết về hệ thống giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, như chương trình học, số lượng học sinh, quá trình cải cách giáo dục... Phần lớn trí thức tân học Việt Nam đã được đào tạo, trưởng thành từ 11
  17. nền giáo dục thuộc địa, vì vậy, những thông tin chi tiết về hệ thống giáo dục ấy rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu đặc điểm của tầng lớp trí thức tân học, cũng như nguồn gốc văn hóa của những quan niệm mới, trong đó có quan niệm về vấn đề cá nhân ở thời kỳ này. Bên cạnh giáo dục, báo chí cũng là một lĩnh vực quan trọng khi đề cập đến những biến đổi của văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ở lĩnh vực này, những công trình nghiên cứu tiêu biểu là: Lược sử báo chí Việt Nam của Nguyễn Viết Chước (1974), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945 do Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), The Birth of Vietnamese Political Journalism – Saigon 1916-1930 của Philippe M.F. Peycam (2012, bản dịch tiếng Việt Làng báo Sài Gòn 1916-1930 của Trần Đức Tài, 2015)... Những công trình này đã tái hiện lại diện mạo, những bước phát triển của báo chí Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX, chỉ ra những tờ báo quan trọng và những nhân vật chủ chốt của nó. Đặc biệt, công trình của Philippe M.F. Peycam đã đề cập và nhấn mạnh đến những đặc điểm của không gian văn hóa Nam kỳ cũng như của môi trường đô thị Sài Gòn thời thuộc địa như một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy ý thức về con người cá nhân [xem 97, tr.20, 58]. Trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, phần nhiều trí thức Tây học đã sử dụng báo chí như một phương tiện để thể hiện tư tưởng, quan niệm của mình, thì những công trình này có thể cung cấp những tư liệu rất tốt cho chúng tôi khi tìm hiểu về một hiện tượng văn hóa có nhiều ảnh hưởng đến diễn trình tư tưởng của người Việt thời kỳ này. Có thể nói, tất cả những công trình trên, ở những khía cạnh khác nhau, đều ít nhiều đề cập đến những bước chuyển đổi căn bản, những hiện tượng nổi bật trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Một số trong đó còn chỉ ra mối liên hệ giữa những bước chuyển đổi hay hiện tượng đó với vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam thời kỳ này. Những công trình còn lại, nếu không trực tiếp chỉ ra mối liên hệ ấy, thì cũng cung cấp cho chúng tôi những tư liệu quan trọng, mà chúng tôi thấy rằng, có thể từ đó để xác định những cơ sở kinh tế - xã hội cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. 1.1.2. Những nghiên cứu về tiền đề tư tưởng cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận hoặc phê phán những học thuyết, những khuynh hướng tư tưởng khác nhau, bao gồm cả tư tưởng truyền thống ở Việt Nam và tư tưởng phương Tây. Vì vậy, để tiến hành nghiên cứu về tiền đề tư tưởng cho sự hình 12
  18. thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, chúng tôi tiến hành tìm hiểu một số công trình nghiên cứu quan niệm về vấn đề con người cá nhân trong tư tưởng truyền thống, quan niệm về vấn đề con người cá nhân trong tư tưởng phương Tây và sự du nhập của chúng vào Việt Nam, và về sự phản tỉnh của tầng lớp nho sĩ Việt Nam đầu thế kỷ XX về vấn đề này. Những nghiên cứu về tư tưởng truyền thống tất nhiên là rất lớn về số lượng và rất đa dạng về góc tiếp cận. Ở đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến một số nghiên cứu chỉ ra quan niệm của Nho giáo về vấn đề “tự ngã”, hay về mối quan hệ giữa nó với quan niệm về cá nhân ở phương Tây, xuất phát từ nhận định rằng, hầu hết những bàn luận về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đều xoay quanh những đối thoại, tranh luận, thậm chí là phê phán đối với Nho giáo. Đề cập đến quan niệm của Nho giáo về cá nhân (hay “tự ngã”), có một số nghiên cứu đáng chú ý như “Concepts of ‘Individual’ and ‘Self’ in Twentieth-Century Vietnam” của David G. Marr (2001), Tư tưởng nhân bản của Nho học tiên Tần của Tào Thượng Bân (2004), Tư tưởng chính trị dưới tầm nhìn Nho gia của Lý Minh Huy (2005), hay Tinh thần nhân văn của Nho gia Đông Á của Hoàng Tuấn Kiệt (2016). Bài viết của David G. Marr nhấn mạnh đến quan niệm về “thân-tâm” của Nho giáo như một phương thức tư duy truyền thống về cá nhân ở Việt Nam, trước khi xuất hiện những quan niệm mới về cá nhân đầu thế kỷ XX [xem 150, tr.769-772]. Tào Thượng Bân (2004) lấy “hiếu” làm gốc rễ của tư tưởng nhân bản trong Nho học tiên Tần, đã chỉ ra mối quan hệ giữa tính tự chủ và quy thuộc của tự ngã, cho rằng: “về mặt tự ngã mà nói, người ta có thể tự xử lý được đối với sinh mệnh của mình; từ góc độ đạo nghĩa mà nói, thì thân ta không hoàn toàn là của ta, thực là rõ ràng, người ta có thể hoàn toàn xử lý đối với sinh mệnh của mình nhưng theo hướng hoàn toàn không bừa bãi” [7, tr.94]. Nhận định này có ý nghĩa gợi mở sâu sắc, khi mà những bàn luận về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX phần lớn đã được đặt ra trong sự nhìn nhận lại chủ nghĩa gia tộc, nhìn nhận lại quan niệm “hiếu” trong nền luân lý truyền thống. Lý Minh Huy (2005) đi vào phân tích quan niệm đạo đức của Nho gia và chỉ ra mối quan hệ của nó với chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cộng đồng, chỉ ra rằng Nho gia có điểm gần gũi với chủ nghĩa tự do phương Tây, lại cũng có điểm gần gũi với chủ nghĩa cộng đồng, nó nằm ở giữa hai chủ nghĩa đó [xem 50, tr.243]. Chúng tôi cho rằng nhận định này sẽ giúp lý giải cho ảnh hưởng mang tính hai mặt của nền luân lý Nho giáo đối với những quan niệm về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Còn Hoàng Tuấn 13
  19. Kiệt (2016), trong công trình của mình, khi bàn về quan niệm “tự ngã” của Nho gia, cũng tập trung vào mối quan hệ giữa “thân” và “tâm”, và khẳng định, quan niệm của Nho gia từ Khổng Tử đến Mạnh Tử và Tuân Tử đều cho rằng làm chủ được “tâm” là có thể đạt tới cảnh giới tự do của chủ thể “tự ngã” [xem 159, tr.29]. Những nghiên cứu này đều chỉ ra những nội dung và đặc điểm trong quan niệm của Nho gia khi bàn về “tự ngã”, đồng thời nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa quan niệm ấy với quan niệm về con người cá nhân của tư tưởng phương Tây. Đây là những gợi mở quan trọng cho chúng tôi khi tiếp cận vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, vốn có mối liên hệ sâu sắc với những quan niệm đạo đức Nho giáo truyền thống. Nửa đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa cá nhân bắt đầu xuất hiện và có ảnh hưởng đến người trí thức Việt Nam. Vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam thời kỳ này, do đó, có mối liên hệ sâu sắc với cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân”. Về chủ nghĩa cá nhân phương Tây, có một số công trình đã được dịch ở Việt Nam, như Lịch sử cá nhân luận của Alain Laurent, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế của F.A.Hayek... Đây có thể xem là những dẫn nhập cơ bản về chủ nghĩa cá nhân phương Tây, về sự phát triển, cũng như sự phân hóa của nó trong lịch sử. Công trình của Alain Laurent tập trung phân tích những chặng đường của chủ nghĩa cá nhân, từ cội nguồn của nó là nền triết học Hy Lạp cổ đại, cho đến sự hiện diện chính thức của nó vào thời cận đại. Cuốn sách của Hayek nhấn mạnh đến sự phân biệt hai truyền thống chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa cá nhân Anh và chủ nghĩa cá nhân ở lục địa và đưa ra nhận định về mỗi truyền thống. Đây là những tri thức mà chúng tôi cho là cần thiết để soi chiếu vào sự hiện diện của tư tưởng phương Tây về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Những nghiên cứu về sự du nhập của tư tưởng phương Tây vào Việt Nam, trên thực tế, là không nhiều. Một số công trình đặc biệt tập trung nghiên cứu sự du nhập của tân văn, tân thư vào Việt Nam, chẳng hạn, các bài viết trong cuốn Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây là cuốn sách tập hợp nhiều bài viết về sự du nhập và ảnh hưởng của tân văn, tân thư đến xã hội Việt Nam, trong đó, đáng chú ý có những bài: “Đôi điều khác biệt giữa các Nho sĩ Trung Quốc với các nhà Nho Việt Nam khi tiếp nhận tân thư” của Trương Chính, “Từ nguồn gốc tư tưởng khai sáng ở phương Tây đến tư tưởng duy tân trong Tân thư ở Trung Quốc và Việt Nam” của Nguyễn Trường Lịch, và bài tổng luận “Tân thư và ảnh hưởng của nó đến Việt Nam trong bối cảnh Đông – Nam Á hồi đầu thế kỷ XX” của Đinh Xuân Lâm. Công trình Trí thức Việt Nam đối diện với văn 14
  20. minh phương Tây thời Pháp thuộc của Trần Viết Nghĩa cũng dành một phần để nói về sự du nhập của tân văn, tân thư vào Việt Nam, trong đó, tác giả đã tóm lược lại một số con đường của du nhập cũng như những nội dung có ảnh hưởng lớn nhất trong giới trí thức Việt Nam thời kỳ này. Ngoài ra, về sự du nhập và tiếp nhận tư tưởng Pháp, một công trình rất đáng chú ý là bài viết “Gió Tây, gió Đông – Sự du nhập tinh thần Khai sáng vào Việt Nam đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Phương Ngọc. Trong bài viết này, Nguyễn Phương Ngọc xác định các nhóm xã hội có vai trò trong việc tiếp nhận tư tưởng phương Tây, các nhân vật có vai trò chủ chốt trong việc truyền bá tân thư, và điểm đáng chú ý nhất là, bài viết đã đề cập đến những khác biệt trong sự tiếp nhận Rousseau ở Việt Nam. Đây là một vấn đề thú vị và rất có ý nghĩa, bởi Rousseau chính là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến quan niệm về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam. Bàn về tân văn, tân thư, hay Rousseau, những công trình trên nói chung vẫn tập trung sự chú ý vào tư tưởng khai sáng. Tất nhiên, sự hiện diện của tư tưởng phương Tây ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Vì vậy, công trình Vietnamese Tradition on Trial hay bài viết “Concepts of ‘Individual’ and ‘Self’ in Twentieth-Century Vietnam” của D. Marr là những công trình rất đáng chú ý bởi nó đã chỉ ra ảnh hưởng không chỉ từ các nhà khai sáng Pháp, mà còn từ nhiều nhà tư tưởng phương Tây khác đến quan niệm về cá nhân của người Việt Nam. Trong những nghiên cứu này, tác giả đã đề cập đến những ảnh hưởng của Kant, Adam Smith, Bentham, Nietzsche... đến các quan niệm về con người cá nhân của người Việt. Công trình này còn đề cập đến cả một nhân vật mà giới trí thức Việt Nam đã bỏ qua ở thời điểm đầu thế kỷ XX là Locke. Nhận định này là rất thú vị và đáng chú ý. Ở đây, việc nhắc đến những nhân vật có ảnh hưởng hoặc không có ảnh hưởng đều giúp gợi mở nhiều điều về đặc điểm của quan niệm về cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, những nghiên cứu trên không chỉ cho thấy phần nào bức tranh du nhập của tư tưởng phương Tây vào Việt Nam, mà còn chỉ ra phạm vi ảnh hưởng của từng học thuyết, tư tưởng trong giới trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến những nghiên cứu về sự du nhập của chủ nghĩa Mác, bởi chủ nghĩa Mác kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 20, đã nhanh chóng trở thành học thuyết dẫn dắt những phong trào chính trị và văn hóa của người Việt, và ở chừng mực nào đó, có ảnh hưởng đến quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức. Ở khía cạnh này, không thể không nhắc đến những nghiên cứu của Trần Văn Giàu, như bộ Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2