LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay
lượt xem 133
download
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần biểu hiện những giá trị tiêu biểu của một cộng đồng, một dân tộc. ở nước ta, lễ hội được tổ chức bao gồm nhiều mặt của đời sống xã hội như tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, sự tích về các vị anh hùng có công với dân với nước, các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian, các nghi lễ… Hàng năm trên đất nước ta có hàng ngàn lễ hội được tổ chức với nhiều hình thức, quy mô và mang...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay
- LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay
- Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần biểu hiện những giá trị tiêu biểu của một cộng đồng, một dân tộc. ở nước ta, lễ hội được tổ chức bao gồm nhiều mặt của đời sống xã hội như tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, sự tích về các vị anh hùng có công với dân với nước, các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian, các nghi lễ… Hàng năm trên đất nước ta có hàng ngàn lễ hội được tổ chức với nhiều hình thức, quy mô và mang ý nghĩa khác nhau. Lễ hội truyền thống như là một loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần đặc biệt, mang tính tập thể có giá trị to lớn mang ý nghĩa cố kết cộng dồng dân tộc, giáo dục tình cảm đạo đức con người hướng về cội nguồn, đồng thời lễ hội có giá trị văn hoá tâm linh cân bằng đời sống tinh thần con người hướng về cái cao cả thiêng liêng. Lễ hội còn là tấm gương phản chiếu việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc và đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lễ hội còn mang một giá trị kinh tế lớn, là sản phẩm văn hoá đặc biệt cho ngành du lịch… - Trải theo tiến trình lịch sử dân tộc, do chiến tranh khốc liệt hoặc có giai đoạn kinh tế nước nhà kém phát triển, nên lễ hội truyền thống ít được chú ý và chưa phát huy được giá trị to lớn của nó. Vì vậy, nhiều giá trị văn hoá đặc sắc của lễ hội bị mai một, giai đoạn này các hoạt động du lịch cũng kém phát triển, việc nghiên cứu phục dựng lễ hội truyền thống gắn với du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn kết gắn kết du lịch với lễ hội. - Bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và trước xu thế toàn cầu hoá, Đảng ta đã xác định phải gắn kết đồng bộ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định: “Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc. Các giá trị văn hoá nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn và phát huy văn hoá văn nghệ dân gian. Kết hợp hài hoà việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hoá với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch” [22].
- - Phú Thọ là vùng đất Tổ giàu truyền thống lịch sử văn hoá, là trung tâm sinh tụ của người Việt cổ - nơi ra đời của Nhà nước Văn Lang và kinh đô Văn Lang, kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam. Hiện nay trên tỉnh Phú Thọ còn đậm đặc các di tích lịch sử của người Việt cổ và di tích thời Hùng Vương dựng nước với hàng trăm lễ hội truyền thống và các kho tàng văn hoá dân gian phong phú. Từ sự phong phú đặc sắc của lễ hội truyền thống trên đất Phú Thọ, Đại hội tỉnh Đảng bộ Phú Thọ lần thứ 26 đã xác định: "Phát huy thế mạnh dịch vụ, du lịch từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Tuy nhiên, do biến đổi của lịch sử, nhiều lễ hội truyền thống trên đất Phú Thọ đã bị mai một, nhiều lễ hội đã bị thất truyền, việc nghiên cứu phục dựng lễ hội truyền thống để phục vụ cho du lịch ít được chú ý, các hoạt động du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với lễ hội, chưa phát huy được thế mạnh và giá trị của lễ hội đối với phát triển du lịch. Vì vậy, cần có những nghiên cứu khoa học cho việc bảo tồn phát huy các giá trị của lễ hội để phát triển du lịch một cách bền vững. Do đó chúng tôi chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu cho luận văn cao học văn hoá, với mong muốn đóng góp nhỏ về phương diện lý luận và thực tiễn cho sự phát triển du lịch gắn với lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Trước Cách mạng Tháng Tám, các công trình nghiên cứu về lễ hội gắn với phát triển du lịch ít được chú ý. Một số học giả thời kỳ này đã đề cập đến lễ hội trong các công trình nghiên cứu văn hoá như Phan Kế Bính với “Việt Nam phong tục”; Đào Duy Anh với “Việt Nam văn hoá sử cương”; Nguyễn Văn Huyên với “Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1954, do hoàn cảnh chiến tranh nên hầu như lễ hội ít được nghiên cứu, sưu tầm. Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước tạm thời chia cắt, các công trình nghiên cứu về lễ hội ở hai miền Nam – Bắc cũng khác nhau. ở miền Nam có một số công trình như "Lễ tế xuân hay Đám rước thần nông” (Nguyễn Bửu Kế), "Nhớ lại hội hè đình đám (Nguyễn Toại), "Mùa xuân với đời sống tình cảm Việt Nam”, "Trẩy hội hành hương” (Nguyễn Đăng Thục), "Nếp cũ hội hè đình đám quyển thượng” (Toan ánh). ở miền Bắc có các công trình "Một số tục cổ và trò chơi Việt Nam trong tết nguyên đán và mùa xuân” (Nguyễn Đổng Chi), "Thời Đại Hùng Vương” (Lê Văn Lan), "Hà Nội nghìn xưa” (Trần Quốc Vượng). Từ 1975 đến nay đã có
- nhiều học giả quan tâm nghiên cứu sâu sắc về lễ hội như “Đất lề quê thói” (Nhất Thanh); "lễ hội truyền thống và hiện đại" (Thu Linh - Đặng Văn Lung). “60 lễ hội truyền thống Việt Nam" (Thạch Phương - Lê Trung Vũ); “lễ hội Việt Nam” (Lê Trung Vũ - Lê Hồng Lý); "lễ hội cổ truyền" (Lê Trung Vũ chủ biên); "lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại" (Đinh Gia Khánh - Lê Hữu Tầng chủ biên). Các công trình trên đã giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc, hệ thống và khoa học về lễ hội truyền thống, đồng thời là nguồn tư liệu quý giá giúp chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu phục vụ cho luận văn này. Tuy nhiên, các công trình trên ít đề cập lễ hội gắn với hoạt động du lịch. Những năm gần đây cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện nâng cao, nhu cầu vui chơi, du lịch ngày càng lớn. Nhiều lễ hội cổ truyền dược phục dựng, các tua tuyến du lịch được hình thành. Các công trình nghiên cứu lễ hội gắn với du lịch cũng được nhiều học giả quan tâm, đặc biệt là các lễ hội lớn ở các địa phương trên khắp địa bàn cả nước, trong đó có lễ hội Đền Hùng và các lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tiêu biểu cho các công trình nghiên cứu này là các tác giả và các công trình sau: Nguyễn Quang Lê với “Khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ trong xã hội hiện nay”; (Viện nghiên cứu văn hoá dân gian, Hà Nội, 1999). Tác giả đã nêu khái quát chung về thực trạng văn hoá lễ hội truyền thống trong lịch sử dân tộc Việt Nam và thực trạng một số lễ hội tiêu biểu ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong 6 lễ hội được nghiên cứu, tác giả đã dành một chương nghiên cứu về lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, trong phần kết luận và một số dự báo, tác giả đã đề cập đến xu hướng phát triển du lịch văn hoá trong các lễ hội truyền thống trong tương lai. Dương Văn Sáu với “lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch” (Trường Đại học văn hoá Hà Nội, Hà Nội, 2004) đã nghiên cứu tổng quan về lễ hội Việt Nam, các loại hình lễ hội trong sự phát triển du lịch (cụ thể như đặc điểm tính chất, các hoạt động diễn ra và tác động của lễ hội đến du lịch). Trong đó, tác giả cũng lấy lễ hội Đền Hùng và một số lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ làm đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, tác giả không nghiên cứu đầy đủ mà chỉ lấy một vài chi tiết của các lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ làm minh chứng cho các luận điểm của mình.
- Trần Mạnh Thường với “Việt Nam văn hóa và du lịch” (Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2005) đã giới thiệu khá chi tiết đầy đủ các thắng cảnh, di tích và lễ hội của 64 tỉnh thành trong cả nước, trong đó đề cập đến các lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, công trình chưa đề cập sâu đến tác động tương hỗ giữa lễ hội và du lịch và giá trị của nó trong sự phát triển kinh tế- xã hội. Lê Thị Tuyết Mai với “Du lịch lễ hội Việt Nam” (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, 2006) đã giới thiệu những địa điểm du lịch nổi tiếng trên khắp đất nước và các lễ hội truyền thống tiêu biểu của Việt Nam, trong đó tác giả cũng đề cập lễ hội Đền Hùng. Tuy nhiên, công trình này chủ yếu chỉ thống kê giới thiệu khái quát chung và cách sử dụng tiếng Anh chuyên ngành du lịch mà chưa đề cập sâu đến mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch. Sở Văn hoá Thông tin Phú Thọ và Hội Văn nghệ dân gian với "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” (Xuất bản năm 2007). Các tác giả thống kê khá đầy đủ chi tiết các lễ hội. Tuy nhiên tác giả chưa nghiên cứu chuyên sâu về những lễ hội có tiềm năng phát triển du lịch và các giải pháp để phục dựng các lễ hội ấy, quy hoạch thành tuyến, tua du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn nhiều bài viết nghiên cứu về lễ hội và du lịch như “Du lịch lễ hội tiềm năng và hiện thực khả thi" (GS.TS Phan Đăng Nhật), “lễ hội dân gian và du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” (PGS.TS Nguyễn Chí Bền), “Đa dạng hoá các hoạt động di tích – lễ hội qua con đường du lịch" (Trần Nhoãn), “Cần có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn" (Cao Sỹ Kiêm), “Phát huy thế mạnh du lịch lễ hội” (Võ Phi Hùng), “Du lịch văn hoá ở Việt Nam” (Thu Trang - Công Nghĩa), “Suy nghĩ về bản sắc văn hoá dân tộc trong hoạt động du lịch” (Huỳnh Mỹ Đức), “lễ hội chọi Trâu trong phát triển du lịch văn hoá Đồ Sơn" (Bùi Hoài Sơn), “Suy nghĩ về phát triển lễ hội dân gian trở thành ngày hội văn hoá- du lịch ở địa phương" (Cao Đức Hải), “Khai thác lễ hội du lịch ở Việt Nam" (Dương Văn Sáu), “Quan hệ du lịch - văn hoá và triển vọng ngành du lịch Việt Nam" (Ngô Kim Anh), “Chính sách bảo tồn khai thác tài nguyên du lịch lễ hội” (Nguyễn Phương Lan), "Tổ chức du lịch lễ hội và sự kiện ở Việt Nam" (Nguyễn Quang Lân), “Chào năm du lịch trên đất Tổ Vua Hùng" (Thăng Long)…
- Các công trình trên đã trình bày, đề cập đến lễ hội và du lịch với nhiều nội dung, nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về lễ hội và sự phát triển du lịch ở tỉnh Phú Thọ. Vì vậy, trong luận văn này tác giả kế thừa, tiếp thu, đúc kết các công trình nghiên cứu của các học giả đi trước để đánh giá nghiên cứu vấn đề bảo tồn phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn 3.1. Mục đích của luận văn Trên cơ sở làm rõ mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch, vai trò của lễ hội đối với phát triển du lịch ở Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay, luận văn phân tích, đánh giá thực trạng việc bảo tồn phát huy di sản văn hoá lễ hội để phát triển du lịch, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các giá trị của lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ góp phần phát triển du lịch một cách bền vững. 3.2. Nhiệm vụ của luận văn - Trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về lễ hội và vai trò của lễ hội đối với phát triển du lịch. - Đánh giá thực trạng việc bảo tồn và phát huy các di sản lễ hội gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vừa qua. - Đề xuất các phương hướng và giải pháp nhằm phát triển kinh tế du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các di sản lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận văn là bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở Phú Thọ hiện nay. Trong luận văn này tác giả chủ yếu nghiên cứu các lễ hội truyền thống với tư cách là thành tố cơ bản của di sản văn hoá. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi không gian: Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (13 huyện, thành thị).
- - Phạm vi thời gian: Tỉnh Phú Thọ được tái lập năm 1997, vì vậy luận văn nghiên cứu các lễ hội truyền thống được phục dựng từ năm 1997 đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, từ đó lựa chọn các lễ hội tiêu biểu để phát triển du lịch. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Cơ sở lý luận của luận văn là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về phát triển kinh tế, văn hoá. - Về phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp và phương pháp lôgíc và lịch sử; phương pháp liên ngành, phương pháp điền dã khảo sát, nghiên cứu thực địa, điều tra xã hội học... 6. Những đóng góp mới về khoa học và ý nghĩa của luận văn 6.1. ý nghĩa về mặt khoa học: Luận văn góp phần làm rõ mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch, sự tác động qua lại giữa chúng, vai trò của lễ hội đối với du lịch và vai trò của du lịch đối với việc bảo tồn các lễ hội truyền thống ở tỉnh Phú Thọ hiện nay. 6.2. ý nghĩa thực tiễn - Luận văn góp phần đánh giá thực trạng của công tác bảo tồn và phát huy di sản lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhằm mục tiêu phát triển du lịch. - Làm rõ hơn những giá trị của các di sản văn hoá lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để phát triển du lịch. - Đề xuất các giải pháp về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá lễ hội để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có 3 chương, 7 tiết.
- Chương 1 vai trò của di sản lễ hội đối với phát triển du lịch 1.1. Quan niệm về di sản văn hoá lễ hội và du lịch 1.1.1. Quan niệm di sản văn hoá Di sản văn hoá là đề tài lớn được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Những năm gần đây, nhiều công trình đã nghiên cứu về di sản văn hoá với các góc độ khác nhau, cách phân chia khác nhau phục vụ các mục đích nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các công trình ghiên cứu có quan niệm tương đối thống nhất về di sản văn hoá, dù nó tồn tại dưới dạng vật chất hay tinh thần, nhưng đều là những thành quả sáng tạo của nhân dân,có giá trị to lớn trong đời sống tạo nên sức sống mãnh liệt của một dân tộc. Theo “Từ điển Tiếng Việt” do Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ Hà Nội xuất bản năm 1992 thì di sản là cái thời trước để lại; còn văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử [89]. Di sản văn hoá cũng có thể được hiểu là tất cả những gì con người sáng tạo ra, khám phá ra và đã bảo vệ, gìn giữ được trong quá trình lịch sử. Như vậy, di sản văn hoá bao gồm những sản phẩm vật chất và phi vật chất hay sản phẩm hữu hình hay vô hình do con người đã sáng tạo ra. Các sản phẩm hữu hình như các công trình kiến trúc, điêu khắc các tác phẩm mỹ thuật và thủ công tinh xảo… Các sản phẩm phi vật chất là các giá trị tinh thần, truyền thống và phong tục tập quán, thị hiếu của mỗi cộng đồng. Khái niệm di sản văn hoá còn bao hàm cả di sản thiên nhiên do con người khám phá ra và đã bảo vệ tôn tạo chúng [28, tr.7-14]. Theo Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới được UNESCO thông qua tại kỳ họp thứ 17 năm 1972 tại Pari thì di sản văn hoá được hiểu là: Các di tích: Các công trình kiến trúc, điêu khắc hội hoạ hoành tráng, các yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm hang động với các nhóm hay yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học.
- Các quần thể: Các nhóm công trình đứng một mình hoặc quần tụ có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học, do kiến trúc, sự thống nhất của chúng hoặc sự nhất thể hoá của chúng vào cảnh quan. Các thắng cảnh: Các công trình của con người hoặc công trình của con người kết hợp với công trình của tự nhiên cũng như các khu vực kể cả các di chỉ khảo cổ học có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học [85]. Giai đoạn thập kỷ 70 của thế kỷ XX, UNESCO có quan điểm phân chia khá rõ về di sản văn hoá và di sản thiên nhiên hay còn gọi là di sản tự nhiên. Năm 1992, Uỷ ban Di sản thế giới đã đưa ra khái niệm mới đối với di sản hỗn hợp hay còn gọi là cảnh quan văn hoá để miêu tả các mối quan hệ tương hỗ nổi bật giữa văn hoá và thiên nhiên của một số khu di sản. Như vậy, UNESCO đã đề cao các giá trị của các di sản về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học hoặc thẩm mỹ, dân tộc học nhân chủng học. UNESCO cũng đề cao vai trò của các quốc gia tham gia Công ước phải xác định và phân định những tài nguyên thuộc loại di sản văn hoá hay di sản thiên nhiên để bảo vệ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tương lai trên từng lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, việc phân định hoặc những quan niệm khác nhau về di sản văn hoá và di sản thiên nhiên cũng có tính tương đối bởi bất cứ di sản văn hóa nào cũng không tránh khỏi khung cảnh thiên nhiên mà nó tồn tại, chịu sự chi phối tác động của yếu tố thiên nhiên. và ngược lại trong các di sản thiên nhiên lại ẩn chứa các yếu tố văn hoá, lịch sử và các công trình, sự sáng tạo của con người. Con người và môi trường thiên nhiên là mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời trong vũ trụ, do vậy tất cả những gì tự nhiên gắn bó với con người trải qua quá trình tồn tại và phát triển trong lịch sử đều có thể coi là di sản văn hoá. Luật Di sản văn hoá được Quốc hội thông qua năm 2001 đã khẳng định: "Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.” Điều 1 của Luật Di sản văn hoá quan niệm rằng: “di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị
- lịch sử văn hoá khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [60, tr.12]. Luật Di sản văn hoá thống nhất di sản văn hoá tồn tại dưới 2 dạng: Di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Chương 1, Điều 4 của Luật Di sản văn hoá đã nêu rõ: Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hoá, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết và các nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác [60, tr.13]. Tháng 10/2003, Đại hội đồng tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hoá của liên hiệp quốc (UNESCO) họp phiên thứ 32 cũng thống nhất quan niệm rằng: Di sản văn hoá phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ đồ vật đồ tạo tác và các không gian văn hoá có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân công nhận là một phần di sản văn hoá của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hoá phi vật thể được các cộng đồng các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục. Qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hoá và tính sáng tạo của con người [86]. Các nhà nghiên cứu văn hoá như GS,TSKH Tô Ngọc Thanh, GS.TS Ngô Đức Thịnh, GS,TSKH Lưu Trần Tiêu, GS Đặng Đức Siêu, PGS.TS Nguyễn Chí Bền… đều thống nhất cách phân chia 2 loại di sản văn hoá như trên và đồng nhất quan niệm về di sản văn hoá. Cách phân loại như vậy dựa trên cơ sở tồn tại của di sản văn hoá thành văn hoá vật chất (hay văn hoá vật thể) và văn hoá tinh thần (văn hoá phi vật thể). Cách phân loại như vậy cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi mọi hiện tượng văn hoá
- đều có phần vật thể và phi vật thể, chúng là hai mặt của một thể thống nhất, mặt này tồn tại không thể thiếu mặt kia. Do vậy nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể không thể tách rời văn hóa vật thể và ngược lại nghiên cứu văn hóa vật thể cũng không thể tách rời văn hóa phi vật thể. Bởi lẽ dưới cái vỏ vật chất của sản phẩm văn hoá chứa đựng giá trị về năng lực sáng tạo, về thẩm mỹ, về ý nghĩa và nội dung thể hiện gắn liền với thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng, gắn liền với yếu tố lịch sử. Chẳng hạn kiến trúc của một ngôi đình cùng với các nét trạm trổ nghệ thuật, đồ thờ tự là sản phẩm văn hoá vật thể nhưng nó chứa đựng ý nghĩa giá trị về mặt lịch sử, phản ánh tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, các giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa của nó qua các mảng trang trí, những lễ hội, quy tắc về tập tục sinh hoạt đình làng lại là cái hồn, cái bản chất gắn kết không thể tách rời khỏi cái đình làng vật thể. Bởi vậy, nghiên cứu di sản văn hoá cần phải đặt di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể trong mối quan hệ tương tác không thể tách rời, như vậy mới hiểu rõ được giá trị vật chất và giá trị tinh thần của di sản văn hoá đối với đời sống xã hội. 1.1.2. Quan niệm về lễ hội Lễ hội theo học giả Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hoá sử cương thì gọi là đại hội (vào đám hay vào hội) [2, tr.255]. Về sau nhiều học giả đã thay thuật ngữ này bằng các thuật ngữ tương đương. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu qua tên sách, tên bài viết đã có nhiều cách gọi khác nhau: Toan ánh trong cuốn "Nếp cũ hội hè đình đám”thì quan niệm rằng hội hè đình đám là những cuộc tổ chức hội họp tại các thôn xã nhân dịp vào đám và trong dịp vào đám này có nhiều trò mua vui cho dân thôn giải trí [5, tr.9]. Cách quan niệm trên đã nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của các hoạt động vui chơi sinh hoạt tập thể có ý nghĩa giải trí, các yếu tố thuộc về nghi thức mang tính tâm linh tín ngưỡng thì chưa được đề cập sâu. Các nhà nghiên cứu khác như Lê Hồng Lý, Nguyễn Khắc Xương, Đinh Gia Khánh thì coi đó là hội lễ, coi danh từ hội lễ như một thuật ngữ văn hoá. ý nghĩa của thuật ngữ này được xác định trên cơ sở ý nghĩa của hai thành tố hội và lễ. Hội là sự tập hợp đông người trong một sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ là các tín ngưỡng (các niềm tin thiêng liêng) và các nghi thức đặc thù gắn với các tín ngưỡng ấy trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng [41, tr.7].
- Tác giả Lê Trung Vũ trong các bài viết trên Tạp chí văn hoá dân gian (giai đoạn 1983 đến 1986) thường gọi là "Hội làng”, "Hội lễ”, "Hội - Lễ” còn các trường hợp khác ông thường gọi là "Lễ hội”. Như vậy, lễ hội có thể có nhiều cách gọi khác nhau nhưng cơ bản thống nhất và tập trung ở từ "lễ hội”. Xét về mặt nghĩa của từ nó bao gồm hai thành tố "lễ “và "hội”. Theo Hán việt từ điển của Đào Duy Anh thì Lễ bao gồm các nghĩa sau: - Cách bày tỏ kính ý - Đồ vật để bày tỏ kính ý Chữ Lễ thường đi với các từ như sau, nhưng không có từ Lễ hội: Lễ bái, tế thần, lễ bộ, lễ chế, lễ giáo, lễ ý, lễ mạo, lễ nghi, lễ nhạc, lễ phép, lễ phục, lễ sinh, lễ tân, lễ tiết, lễ tục, lễ văn, lễ vật [1, tr.498]. Còn Hội có nghĩa là: - Họp nhau, cơ quan nhiều người họp để làm việc, gặp, ý tứ và sự lý gặp nhau, bản lĩnh và sự tình gặp nhau. Hội thường gắn với: hội ẩm, hội binh, hội diện, hội đồng, hội họp, hội ý, hội kiến, hội minh, hội nghị, hội quán, hội tâm, hội thí, hội thực, hội trường, hội trưởng, hội viên, hội xã. Trong đó không có từ hội lễ [1, tr.388]. Như vậy học giả Đào Duy Anh không dùng và không đề cập đến từ lễ hội hay Hội lễ có thể do quan niệm như trong cuốn Việt Nam văn hoá sử cương đã trình bày và quan niệm là đại hội (vào đám hay vào hội) nên tác giả không dùng từ lễ hội hay hội lễ nữa. Tuy nhiên, trong Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của xuất bản tại Sài Gòn năm 1895: Lễ là khuôn phép, phép bày ra cho tỏ điều kính trọng, cho ra điều lịch sự, là của dâng đưa, dâng cúng. Hội là nhóm họp đông người, gặp gỡ, hiểu biết. Trong “Từ điển Tiếng Việt” do Viện khoa học Xã hội Việt Nam - Viện ngôn ngữ học ấn hành năm 1992: Lễ là những nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu một kỷ niệm, một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó. Hội là cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo người dự theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt [89]. Nhà Văn hoá học Đoàn Văn Chúc lại xây dựng khái niệm lễ hội từ cụm từ Lễ - Tết - Hội theo nghĩa gốc Hán, và từ khái niệm Lễ, khái niệm Tết, khái niệm Hội ông cho rằng đều chỉ một loại hình nghi thức, cũng là một loại hình phong tục và trong đời sống xã
- hội, ba hình thức trên thường xâm nhập vào nhau, đan xen với nhau. Theo ông : “Lễ là sự bày tỏ kính ý đối với một sự kiện xã hội hay tự nhiên, hư tưởng hay có thật, đã qua hay hiện tại được thực hành theo nghi điển rộng lớn và theo phương thức thẩm mỹ, nhằm biểu hiện giá trị của đối tượng được cử lễ và diễn đạt thái độ của công chúng hành lễ. Hội là cuộc vui chơi bằng vô số các hoạt động giải trí công cộng diễn ra tại một địa điểm nhất định vào dịp cuộc lễ kỷ niệm một sự kiện xã hội hay tự nhiên, nhằm biểu đạt sự phấn khích, hoan hỷ của công chứng dự lễ ”[12, tr.132]. Việc phân tích các quan niệm về lễ hội ở trên dựa vào cấu trúc lễ hội, theo đó lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội tuy nhiên cách phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối. Lễ hội là một hiện tượng văn hoá xã hội tổng thể, do vậy nếu phân chia lễ và hội một cách máy móc, cơ học thì sẽ dẫn đến không thể hiểu được bản chất của lễ hội thậm chí hiểu sai, lệch lạc về lễ hội. Như vậy, lễ trong lễ hội cần phải được hiểu là nghi thức, cách thức tiến hành những quy tắc, luật tục nhất định mang tính biểu trưng để đánh dấu, kỷ niệm một sự kiện, nhân vật nào đó nhằm mục đích cảm tạ, tôn vinh, ước nguyện về sự kiện, nhân vật đó với mong muốn nhận được sự may mắn tốt lành, nhận được sự giúp đỡ từ những đối tượng siêu hình mà người ta thờ cúng. Đó là những sinh hoạt tinh thần của các cá nhân hay tập thể, là sinh hoạt cả cộng đồng người trong đời sống tín ngưỡng tâm linh, đồng thời cũng là cách ứng xử của các tầng lớp nhân dân dành cho thần, hướng về thần trong mối quan hệ "Người - Thần” vốn luôn tồn tại trong tâm thức và hành động của con người. Từ những phân tích trên nhằm hiểu đúng bản chất của "lễ", tránh cách hiểu chưa đúng hoặc những quan niệm thông tục coi lễ chỉ là lễ bái, lễ vật, lễ lạt… Xét về mặt cấu trúc và cội nguồn thì lễ và hội luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, không có lễ thì không có hội và hội ở đây cũng mang tính nghi lễ chứ không phải hội chỉ là “đám vui chơi đông người’’. Trên thực tế có một số đám vui đông người nhưng không thành lễ hội như đám cưới, đám khao chẳng hạn. Trong thực tế cũng có một ít nghi lễ chưa có phần hội (tức phần sinh hoạt văn hoá kèm theo như một số nghi lễ liên quan tới sản xuất nông nghiệp ở các tộc người thiểu số vùng núi hay một số nghi lễ trong phạm vi gia đình người Việt), tuy nhiên chỉ là số rất ít, còn hầu hết các lễ hội dân gian (lễ hội truyền thống) đều có phần lễ và phần hội. Nhìn một cách tổng thể thì lễ hội thuộc phạm
- trù cái thiêng của thế giới thiêng liêng. Ngôn ngữ lễ hội là ngôn ngữ biểu tượng, vượt lên trên đời sống hiện hữu thường nhật. Vì vậy, phần hội luôn luôn gắn với phần lễ, là bộ phận phái sinh của phần lễ, nó gắn với cái thiêng với vị thần, nhân vật mà con người thờ phụng. Các sinh hoạt vui chơi, giải trí, trò diễn trong lễ hội như đua thuyền, các trò diễn mang tính phồn thực… thì nó vẫn mang tính nghi lễ phong tục chứ không phải là trò chơi, trò diễn thuần tuý trần tục, mà trò diễn ở đây đã được thiêng hoá. Chẳng hạn trong lễ hội "Rước Chúa Gái” ở Thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao (lễ hội làng He) có trò diễn "Bách nghệ khôi hài” và “Hú tùng dí” nó gắn với nhân vật thiêng là công chúa Ngọc Hoa và theo truyền thuyết Sơn Tinh đón vợ về núi Tản "Vì nàng thương cha nhớ mẹ nên buồn bã không muốn đi nên dân làng bày trò mua vui cốt làm cho Ngọc Hoa vui mà lên đường về nhà chồng” [51, tr.264]. Vấn đề này, chúng tôi tán thành ý kiến của GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng: "lễ hội là một hiện tượng tổng thể, không phải là thực thể chia đôi (phần lễ phần hội) một cách tách biệt như một số học giả đã quan niệm mà nó hình thành trên cơ sở một cốt lõi nghi lễ, tín ngưỡng nào đó (thường là tôn thờ một vị thần linh lịch sử, hay một thần linh nghề nghiệp, thần linh huyền thoại…) rồi từ đó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng sinh hoạt văn hoá phái sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội. Cho nên trong lễ hội phần lễ là phân gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phái sinh tích hợp” [73, tr.336]. Lễ và hội là một thể thống nhất không thể chia tách. Lễ là phần tín ngưỡng, là phần thế giới tâm linh sâu lắng nhất của con người, là phần đạo. Còn hội là phần tập hợp vui chơi giải trí, là đời sống văn hoá thường nhật, phần đời của mỗi con người, của động đồng. Hội gắn liền với lễ và chịu sự quy định nhất định của lễ, có lễ mới có hội. Trong thực tế cuộc sống hàng ngày có khi người ta dùng từ "hội” để chỉ toàn thể lễ hội nào đó ví dụ: tháng 3 trẩy hội Đền Hùng ( lễ hội Đền Hùng) hay trẩy hội Chùa Hương nhưng đó chỉ là hình thái tu từ, lấy cái bộ phận để chỉ cái toàn thể. Vì vậy trong luận văn này chúng tôi không dùng từ hội lễ, hội làng, hay hội mà dùng từ lễ hội để mang tính chính xác và phản ánh hiện tượng lễ hội một cách tổng thể, khách quan đầy đủ. Căn cứ vào hình thức tổ chức và tính chất của lễ hội có thể tạm chia làm 2 loại lễ hội:
- - Lễ hội truyền thống (hay còn gọi là lễ hội dân gian, lễ hội cổ truyền). - Lễ hội hiện đại. Trong phạm vi luận văn này chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu lễ hội truyền thống và những giá trị của nó đối với phát triển du lịch. ở đây có nhiều cách gọi khác nhau về lễ hội truyền thống, hay lễ hội cổ truyền, lễ hội dân gian. Cụm từ truyền thống hay cổ truyền đều là từ Hán việt. Theo cuốn Hán việt từ điển của Thiều Chửu thì: Cổ là ngày xưa, cũ Truyền là đem của người này trao cho người kia, trao cho Thống là mối tơ, đầu gốc, đời đời nối dõi không dứt gọi là thống [14]. Như vậy trong tiếng việt cổ truyền và truyền thống là 2 từ gần nghĩa nhau nhưng không hoàn toàn trùng khít nhau. Từ cổ truyền có nghĩa trao lại cái cũ của người xưa, nó dường như có tính bất biến bảo thủ. Từ truyền thống có ý nghĩa cởi mở hơn biện chứng hơn, một mặt truyền lại những cái gì gọi là dường mối, đầu gốc, một mặt nó có sự thích nghi sáng tạo để phù hợp với thực tại. Hơn nữa lễ hội lại là hiện tượng tổng thể, đồng thời nó tích hợp các hiện tượng văn hoá phái sinh trong quá trình lịch sử để tạo nên một tổng thể lễ hội. Nó vừa có phần gốc rễ làm chủ đạo (phần lễ) vừa có phần phái sinh tích hợp (phần hội). Trong quá trình truyền lại, lễ hội vẫn giữ được cái dường mối, căn cốt của lễ hội. Do vậy, đối với hiện tượng lễ hội, một hiện tượng văn hoá luôn biến đổi vận động thì dùng cụm từ lễ hội truyền thống sẽ phù hợp hơn lễ hội cổ truyền, mang ý nghĩa biện chứng hơn cụm từ lễ hội cổ truyền. Từ sự phân tích và cách hiểu trên, trong luận văn này chúng tôi thống nhất dùng cụm từ lễ hội truyền thống. 1.1.3. Quan niệm về du lịch Du lịch là hoạt động đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử tồn tại và phát triển của loài người. Lúc đầu có thể là hiện tượng cá biệt, riêng lẻ, về sau trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến và trở thành nhu cầu tất yếu, trở thành hiện tượng tồn tại khách quan của loài người; do các nhu cầu thẩm nhận về vật chất như: Các cảnh quan, chỗ ở, món ăn, thức uống, trò chơi khác lạ.. và nhu cầu thẩm nhận về tinh thần như tìm hiểu văn hoá, lịch sử, văn học, nghệ thuật, phong tục tập quán lễ hội...
- Những năm gần đây du lịch phát triển mạnh mẽ bởi nó giúp cho con người cân bằng cuộc sống của mình trong xã hội và trước thiên nhiên. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch ngày nay cũng là một tất yếu khách quan cùng với sự phát triển kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Du lịch giờ đây không phải là vấn đề quá mới mẻ, nhưng với những cách tiếp cận khác nhau, với những góc nhìn và mục tiêu nghiên cứu khác nhau cho nên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về du lịch: Giáo sư, tiến sỹ Berkenner, chuyên gia có uy tín về du lịch trên thế giới cho rằng: "Đối với du lịch có bao nhiêu tác giả thì có bấy nhiêu định nghĩa”. Trong "Từ điển Tiếng Việt" do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học ấn hành thì du lịch là đi xa cho biết xứ lạ khác với nơi mình ở [89]. Hiện nay có một số cách tiếp cận khác nhau, nếu tiếp cận theo quan điểm du lịch là một hiện tượng, tiêu biểu cho quan niệm này là các giáo sư Thuỵ Sỹ là Hunziker và Krapf. Các ông cho rằng: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình lưu trú của các cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ với mục đích hoà bình, nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ" [71, tr.12]. Ngoài ra một số học giả khác cũng có quan niệm riêng: Kuns, học giả người Thụy Sỹ cho rằng: “Du lịch là hiện tượng những người chỗ khác đi đến nơi không phải thường xuyên cư trú của họ bằng phương tiện vận tải và dùng các dịch vụ du lịch” [54, tr.29]. Với cách tiếp cận này du lịch mới chỉ được giải thích ở hiện tượng đi du lịch, chưa đề cập tới các yếu tố văn hoá, nhu cầu văn hoá. Tuy nhiên đây cũng là một khái niệm làm cơ sở cho việc xác định đối tượng đi du lịch và làm cơ sở để hình thành nhu cầu đi du lịch sau này. Nếu tiếp cận theo quan điểm du lịch là một hoạt động thì Mill và Morrison cho rằng du lịch là hoạt động xảy ra khi con người vượt qua biên giới một nước, hay gianh giới một vùng, một khu vực để nhằm mục đích giải trí hoặc công vụ và lưu trú ở đó ít nhất 24 giờ nhưng không quá một năm. Như vậy có thể xem xét du lịch thông qua hoạt động đặc trưng mà con người mong muốn trong các chuyến đi. Du lịch có thể được hiểu
- “là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định’’ [67, tr.9]. Cách tiếp cận nói trên du lịch mới chỉ được giải thích như một hiện tượng, một hoạt động thuộc nhu cầu của khách du lịch. Nhà nghiên cứu Trần Nhạn đã đưa ra một khái niệm khá toàn diện tổng thể, thể hiện được bản chất của du lịch: “Du lịch là quá trình hoạt động của con người rời khỏi quê hương đến một nơi khác với mục đích chủ yếu là thẩm nhận được những giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc, độc đáo khác lạ với quê hương không nhằm mục đích sinh lợi được tính bằng đồng tiền" [54, tr.30]. Cách quan niệm trên khá toàn diện về du lịch, vừa đề cập đến khách du lịch vừa đề cập đến các dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu vật chất tinh thần của khách du lịch nhằm thoả mãn mục đích của du khách, đó là các giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc mà khách du lịch thu nhận được trong qúa trình du lịch. Khái niệm du lịch trong Luật Du lịch Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2005 cũng xuất phát từ quan điểm trên. “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm thoả mãn đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định” [61, tr.9]. Như vậy, khái niệm du lịch của Luật Du lịch Việt Nam đã đề cập đến tổng hợp các hiện tượng, các hoạt động các mối quan hệ của con người trong hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch là tổng thể các hoạt động của khách du lịch, hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch (các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá và dịch vụ du lịch, các Công ty Lữ hành…) hoạt động của các cộng đồng dân cư, hoạt động của các cơ quan tổ chức cá nhân liên quan đến du lịch. Cách quan niệm về du lịch như vậy đã bao quát các yếu tố liên quan đến nhu cầu con người trong hoạt động du lịch. Nó tác động trực tiếp đến hệ thống các thiết chế văn hóa có liên quan để đáp ứng các nhu cầu du lịch của con người như hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, hệ thống công viên, vườn bách thảo, hệ thống viện bảo tàng văn hoá, bảo tàng lịch sử, các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, các khu nghỉ d ưỡng, môi trường
- sinh thái, các công trình kiến trúc độc đáo… để đáp ứng các nhu cầu tham quan, giải trí nghỉ dưỡng, tìm hiểu khám phá văn hóa của con người. Như vậy, căn cứ vào mục đích, nhu cầu của từng chuyến du lịch, có thể chia ra nhiều loại hình du lịch khác nhau: Du lịch thiên nhiên: Là loại hình du lịch mà mối quan tâm chủ yếu của người đi du lịch là thích tận hưởng bầu không khí ngoài trời, tận hưởng và thưởng thức phong cách thiên nhiên núi rừng, sông hồ biển đảo và hệ thống thực vật hoang dã nh ư rừng Cúc Phương, SaPa, Tam Đảo; Biển Nha trang, Sầm Sơn, Cửa Lò, Vịnh Hạ Long… Du lịch văn hoá: Là loại hình du lịch mà mối quan tâm chủ yếu của con người là tìm hiểu khai thác những giá trị văn hoá tiêu biểu, tìm hiểu truyền thống lịch sử, các phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống, các nền văn hoá nghệ thuật của nơi đến du lịch. Hệ thống viện bảo tàng, các công trình kiến trúc nghệ thuật ở cung đình Huế, Thánh địa Mỹ sơn, Phố cổ Hội An, các lễ hội tiêu biểu như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Phủ Giầy… Du lịch xã hội: Là loại hình du lịch mà đối với họ sự tiếp xúc giao lưu với những người khác là yếu tố quan trọng của chuyến đi, loại hình du lịch này gần với du lịch văn hoá vì mục tiêu cuối cùng của họ qua giao tiếp cũng để hiểu biết khám phá các yếu tố văn hóa và đời sống xã hội. Du lịch giải trí: Là loại hình du lịch thu hút những người mà lý do chủ yếu của họ đối với chuyến đi là sự hưởng thụ và tận hưởng kỳ nghỉ. Loại hình du lịch này cũng gần với loại hình du lịch thiên nhiên, khách du lịch thường tìm đến những bờ biển đẹp, khu bảo tồn thiên nhiên để giải trí... Du lịch tôn giáo: Là loại hình du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng đặc biệt của những người theo đạo phái khác nhau, họ đến nơi có ý nghĩa tâm linh hay vị trí tôn giáo được tôn kính. Ngoài ra còn một số loại hình du lịch khác như du lịch hoạt động, du lịch thể thao, du lịch sức khoẻ, du lịch dân tộc học… Cũng có thể căn cứ vào thời gian đi du lịch để chia theo các loại hình du lịch ngắn ngày, du lịch dài ngày; căn cứ vào hình thức tổ chức để chia theo loại hình du lịch cá
- nhân hay du lịch theo đoàn… Cũng có thể căn cứ vào tính phổ biến của loại hình du lịch để phân chia làm hai loại hình du lịch chính là du lịch văn hoá và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, việc phân chia loại hình du lịch dù căn cứ theo mục đích hay yếu tố nào cũng chỉ mang tính tương đối, bởi vì du lịch có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố văn hoá kể cả các tài nguyên du lịch tự nhiên như địa chất, địa hình, hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên cũng chứa đựng các yếu tố văn hoá. Hơn nữa trong hoạt động du lịch, con người cũng có thể nhằm thoả mãn nhu cầu trong từng chuyến du lịch, có thể vừa tìm hiể u truyền thống văn hoá, vừa kết hợp nghỉ dưỡng, giải trí vừa hoạt động thể thao… 1.1.4. Đặc điểm của du lịch lễ hội văn hoá Như việc phân tích ở trên, du lịch lễ hội văn hoá thuộc loại hình du lịch văn hoá. Du lịch lễ hội văn hoá là hoạt động mà khách du lịch muốn thoả mãn nhu cầu tìm hiểu truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, lịch sử, tín ngưỡng dân gian… thông qua việc tham dự, chứng kiến các hoạt động của lễ hội. Khác với các loại hình du lịch thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch giải trí… Du lịch lễ hội văn hoá có một số đặc điểm cơ bản sau: - Du lịch lễ hội văn hoá luôn gắn với thời gian mở hội nên thường diễn ra theo mùa vụ. Các lễ hội ở Việt Nam chủ yếu được tổ chức vào mùa xuân, một số ít lễ hội tổ chức vào mùa thu. Do vậy, yếu tố mùa vụ của lễ hội sẽ chi phối lớn đến các thiết chế phục vụ hoạt động du lịch lễ hội như hệ thống tài nguyên du lịch, quy hoạch tuyến du lịch điểm du lịch, các hoạt động dịch vụ, các cơ sở lưu trú, các chương trình du lịch… cũng phải tuân theo các yếu tố mùa vụ. Các loại hình du lịch khác như du lịch thể thao, du lịch giải trí ít bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ. Do vậy việc chuẩn bị các yếu tố phục vụ các hoạt động du lịch lễ hội phải có sự sắp xếp khá chu đáo và khoa học. Nếu không có sự chuẩn bị trước (từ cơ sở vật chất, các dịch vụ, công tác tổ chức lễ hội)… sẽ dẫn đến không đáp ứng nhu cầu du khách hoặc sẽ xảy ra tình trạng quá tải do lượng du khách tăng đột biến so với những ngày thường. - Du lịch lễ hội thường gắn với không gian, thời gian và địa điểm nhất định. Chẳng hạn lễ hội Đền Hùng chỉ diễn ra một lần vào dịp 10/3 hàng năm tại tỉnh Phú Thọ; lễ hội Trò Trám chỉ diễn ra 1 lần vào dịp 11 - 12 tháng giêng hàng năm tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao; lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn chỉ diễn ra 1 lần vào dịp 9/8 hàng năm tại Thị xã Đồ
- Sơn, Hải Phòng… Do vậy việc tổ chức các hoạt động du lịch lễ hội phải nắm chắc thời gian, địa điểm và các hoạt động văn hoá đặc trưng các nội dung chính của lễ hội để khai thác đúng hướng và hiệu quả. Chẳng hạn muốn tìm hiểu lịch sử thời Hùng V ương dựn g nước, muốn tri ân công đức tổ tiên thì phải đến lễ hội Đền Hùng vào dịp 10/3. Thời gian và không gian lễ hội khác với thời gian và không gian bình thường “đó là những thời điểm mạnh, là không gian linh thiêng. Thời gian này được quy định sẵn, mọi người chờ nó đến” [92, tr.13]. Do vậy nếu lễ hội được chuẩn bị chu đáo được tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội thì sức cảm hoá của thời điểm mạnh và không gian thiêng được nhân lên gấp ngàn lần và giá trị nhân văn của lễ hội trong lòng du khách cũng tăng lên. Thời gian, không gian thiêng và tính chất thiêng trong lễ hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút khách du lịch. Nếu thời gian và không gian tổ chức lễ hội được “thiêng hoá’’ (đó là không gian thờ tự như hệ thống đình, đền, chùa, miếu…) nghi lễ của lễ hội cũng được "thiêng hoá” (từ phẩm vật, lễ vật dâng cúng đến các nghi lễ, lễ tế, lễ rước, các trò tục, trò diễn của lễ hội) các thành viên trong cộng đồng dự lễ hội (khách du lịch) sẽ tri giác được cái linh thiêng, đó là tình cảm cộng đồng thiêng liêng và hình thành các quy tắc đạo đức thiêng liêng, những quyền năng thiêng liêng và nó trở thành một ý thức tập thể, nó trở thành nhu cầu phải được duy trì và củng cố, nó có sức mạnh tinh thần to lớn, niềm tin thiêng liêng để lôi cuốn con người trở về với thế giới thiêng. Đây là một đặc điểm của du lịch lễ hội mà không loại hình du lịch nào có được. Khi bàn về ý thức xã hội Các Mác đã kết luận "ý thức khi được thâm nhập vào quảng đại quần chúng sẽ trở thành lực lượng vật chất có sức mạnh vô địch”. Người Việt Nam luôn có ý thức về cội nguồn tổ tiên, cả đồng bào trong nước hay kiều bào ta ở nước ngoài đều có tâm thức hướng về nguồn cội "Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn” đều đã thấm vào máu của người việt, từ đó hình thành lòng tự cường dân tộc, trở thành một ý thức hệ của người Việt. Trong đó lễ hội Đền Hùng và lịch sử thời đại các Vua Hùng dựng nước trở thành niềm tin thiêng liêng của mỗi người con đất Việt và mỗi khi đất nước bị xâm lăng, mảnh đất cha ông bị giày xéo thì tinh thần ấy lại trỗi dậy kết thành một khối, tạo thành sức mạnh vô địch đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi: Một xin rửa sạch nước thù
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Báo chí học: Bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Mông trên chương trình truyền hình tiếng Mông kênh VTV5
39 p | 95 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Đồng Nai (1998 - 2018)
155 p | 53 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Quản lý văn hóa: Bảo tồn và phát huy nghề gốm của người Thái, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
129 p | 99 | 12
-
Khoá luận tốt nghiệp Văn hoá du lịch: Bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực của người Tày tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
72 p | 16 | 9
-
Luận văn Thạc sĩ Báo chí học: Báo chí Quảng Nam với vấn đề bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương
157 p | 45 | 9
-
Luận văn Thạc sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
114 p | 46 | 8
-
Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Bảo tồn và phát huy dân ca Ba-na ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai
131 p | 64 | 7
-
Luận văn Thạc sĩ Định hướng ứng dụng: Thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
83 p | 42 | 7
-
Luận văn Thạc sĩ Khoa học: Bảo tồn và phát triển gốm Kyo truyền thống ở Nhật Bản – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
142 p | 30 | 5
-
Luận văn Thạc sĩ Khoa học: Đánh giá tính đa dạng sinh học Động vật Không xương sống thuộc hệ sinh thái nước ngọt trong khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam làm cơ sở khoa học cho bảo tồn và phát triển hợp lý
46 p | 65 | 5
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Quản lý công: Quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước
26 p | 20 | 5
-
Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học: Bảo tồn và phát huy Ca trù trong đời sống đương đại
101 p | 33 | 5
-
Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học: Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh
87 p | 14 | 4
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Quản lý văn hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề Bánh đa kế, thành phố Bắc Giang
24 p | 45 | 4
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
27 p | 34 | 4
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá vào việc bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam hiện nay
26 p | 8 | 2
-
Luận văn Thạc sĩ Quản lý đô thị và công trình: Quản lý bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích phía đông Đại Nội - Kinh thành Huế
132 p | 3 | 2
-
Luận văn Thạc sĩ Kiến trúc: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong làng Cự Đà – Thanh Oai theo hướng du lịch văn hóa
134 p | 1 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn