Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa (1945 - 1946)
lượt xem 4
download
Luận văn góp phần khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam. Qua đó rút ra những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, vận dụng vào sự nghiệp giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Mời các bạn tham khảo chi tiết nội dung luận văn này.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa (1945 - 1946)
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------------------------- NGUYỄN THỊ VÂN HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC XÂY DỰNG THỂ CHẾ DÂN CHỦ CỘNG HÒA (1945 - 1946) LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Hà Nội, 2015
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN --------------------------- NGUYỄN THỊ VÂN HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC XÂY DỰNG THỂ CHẾ DÂN CHỦ CỘNG HÒA (1945 - 1946) Chuyên ngành: LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Mã số: 60 22 03 15 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS. NGND LÊ MẬU HÃN Hà Nội, 2015
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan công trình nghiên cứu này do chính tôi thực hiện dưới sự hướng dẫn của Phó giáo sư sử học, Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn. Các tài liệu, số liệu nêu ra trong Luận văn là trung thực, đảm bảo tính khách quan, khoa học, các tài liệu tham khảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2015 Tác giả Luận văn Nguyễn Thị Vân
- LỜI CẢM ƠN Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các thầy, cô giáo trong khoa Lịch sử, bộ môn Lịch sử Đảng đã tận tình dạy bảo, truyền thụ kiến thức cho tôi trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn đến PGS. NGND Lê Mậu Hãn - giảng viên hướng dẫn, người đã chỉ bảo, giúp đỡ tôi tận tình trong quá trình thực hiện và hoàn thành Luận văn. Xin cảm ơn những người mà tôi chưa từng gặp mặt, nhưng cuộc sống, tư tưởng, công trình của họ đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến bản thân tôi, giúp tôi có niềm tin, động lực để hoàn thành Luận văn. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, những người luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ tôi hoàn thành Luận văn của mình!
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 3 Chương 1: HỒ CHÍ MINH KHẢO CỨU VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH NHÀ NƢỚC DÂN CHỦ CỘNG HÒA Ở VIỆT NAM ................................................. 8 1.1. Quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm con đƣờng giải phóng dân tộc và mô hình nhà nƣớc kiểu mới cho Việt Nam ......................................................................... 8 1.1.1. Hoàn cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX................................................................. 8 1.1.2. Quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm một con đường giải phóng dân tộc gắn với tìm kiếm kiểu nhà nước cho Việt Nam ................................................................. 12 1.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng mô hình nhà nƣớc kiểu mới ở Việt Nam................................................................................................................ 22 1.2.1. Nhận thức và chuẩn bị tổ chức cho sự ra đời của một nhà nước kiểu mới ở Việt Nam ................................................................................................................ 23 1.2.2. Xây dựng mô hình nhà nước kiểu mới ở các khu giải phóng (03/1945 - 08/1945) ................................................................................................................. 28 Tiểu kết chƣơng 1 ................................................................................................. 35 Chương 2: HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC XÂY DỰNG THỂ CHẾ DÂN CHỦ CỘNG HÒA Ở VIỆT NAM (1945 - 1946) ......................................................... 37 2.1. Nhà nƣớc theo thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam ............................... 37 2.1.1. Bối cảnh lịch sử những năm 1945 - 1946 .................................................. 37 2.1.2. Tư duy chính trị của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới - nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ........................................................................ 44 2.2. Xây dựng nhà nƣớc Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945 - 1946)................ 51 2.2.1. Bộ máy nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945 - 1946) .................. 53 2.2.2. Hoạt động nhà nước nhằm củng cố và tăng cường thực lực về mọi mặt 69 Tiểu kết chƣơng 2 ................................................................................................. 84 Chương 3: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM .................................. 86 3.1. Một vài nhận xét về thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam giai đoạn (1945 - 1946)....................................................................................................................... 86 1
- 3.1.1. Nhân tố xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam ........................ 86 3.1.2. Giá trị của nền dân chủ cộng hòa ở Việt Nam (1945 - 1946) ................... 92 3.2. Một số kinh nghiệm ....................................................................................... 94 3.2.1. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước trong mọi hoàn cảnh ............... 94 3.2.2. Xây dựng bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân ................... 98 Tiểu kết chƣơng 3 ............................................................................................... 109 KẾT LUẬN ......................................................................................................... 111 TÀI LIỆU THAO KHẢO .................................................................................. 115 PHỤ LỤC ............................................................................................................ 121 2
- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước. Những công trình nghiên cứu về Người được tiếp cận trên bình diện của các ngành khoa học khác nhau, như: lịch sử, chính trị, văn hóa… Càng nghiên cứu, tìm hiểu về Hồ Chí Minh, các nhà khoa học càng hiểu thêm những giá trị tư tưởng và nhân văn, càng thấy ở Người tầm nhìn chiến lược, sự kiên định, nhất quán trong tư tưởng, hành động của một lãnh tụ cộng sản kiên cường, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Trải qua quá trình lao động, học tập, nghiên cứu, đấu tranh trong phong trào dân tộc yêu nước và công nhân quốc tế, sau khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể nước ta. Một trong những sáng tạo độc đáo của Người là việc thiết lập và xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa ở Việt Nam, một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nghiên cứu đề tài Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa (1945 - 1946) là việc làm cần thiết góp phần làm sáng tỏ thêm những sự kiện lịch sử về quá trình Hồ Chí Minh khảo cứu, chỉ đạo, xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa ở Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1946. Qua đó, xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, đưa Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, đất nước Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tình hình trong nước, khu vực và thế giới đã có những thay đổi căn bản. Nhưng những nền tảng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân vẫn giữ nguyên giá trị. Đề tài Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa (1945 - 1946) luôn có ý nghĩa lý luận, thực tiễn đối với việc nghiên cứu lịch sử dân tộc và mang tính thời sự trong việc quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc, dân chủ, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa trong một thế giới đa cực, đa phương… 3
- 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Hồ Chí Minh là người đầu tiên sáng lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Vì vậy, tư tưởng và hoạt động lãnh đạo của Hồ Chí Minh về nhà nước đã có nhiều tác giả nghiên cứu. Liên quan đến đề tài này, có nhiều công trình nghiên cứu đề cập dưới các dạng khác nhau có thể chia thành các nhóm như sau: Nhóm thứ nhất: Một số công trình nghiên cứu của các nhà lãnh đạo có liên quan đến đề tài như: Lê Duẩn (1970), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội; Phạm Văn Đồng (1980), Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội; Đỗ Mười (1991), Xây dựng nhà nước của nhân dân - Thành tựu, kinh nghiệm, đổi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội; … Nội dung mang tính khái quát sự nghiệp thành lập nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Nhóm thứ hai: Một số công trình nghiên cứu chuyên khảo về Hồ Chí Minh với nhà nước, trong đó có đề cập đến nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giai đoạn (1945 - 1946) như: TS. Lê Phương Thảo (2009), Nhà nước và cách mạng Việt Nam những năm 1945 - 1946, những sáng tạo của Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; Nguyễn Ngọc Minh (1998), Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, Nxb Sự thật, Hà Nội; PGS.TS. Hoàng Văn Hảo (1995), Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới - Sự hình thành và phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; Vũ Đình Hoè (2001), Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội; Phạm Ngọc Anh - Bùi Đình Phong (2003), Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền kiểu mới ở Việt Nam, Nxb Lao động; Bùi Ngọc Sơn (2004), Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị; … Một số bài viết đăng báo, tạp chí như: Song Thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến đầu tiên ở nước ta, Tạp chí Lịch sử Đảng (1), năm 2001; Dương Xuân Ngọc, Quá trình xây dựng thể chế nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị, 02/2004; 4
- Lê Mậu Hãn, Hồ Chí Minh kiến lập nhà nước pháp quyền Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, 05/2005; GS. Trần Xuân Trường, Đảng cầm quyền và nhà nước của dân, do dân, vì dân; PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, 60 năm xây dựng nhà nước cách mạng của dân, do dân, vì dân, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9 năm 2005; GS.VS Nguyễn Duy Quý, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành tựu và những vấn đề cần giải quyết, Tạp chí Thông tin công tác tư tưởng lý luận, 07/2006; GS. TSKH Đào Trí Úc, Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Báo Nhân dân số ra ngày 08/08/2006; … Nội dung còn chung chung đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, hoặc mới chỉ nghiên cứu ở phạm vị tư tưởng. Nhóm thứ ba: Một số Luận văn, Luận án đề cập đến vấn đề này như: Vận dụng tư tưởng và phương pháp dân chủ của Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Luận án Tiến sĩ Triết học, năm 2003) của Phạm Văn Bính; Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Luận án Tiến sĩ, năm 2001) của Phạm Viết Mỹ; Sự biến đổi chính trị ở Việt Nam từ 1958 đến 1945 (Luận án Tiến sĩ Chính trị học, năm 2012) của Trần Thị Thu Hoài; … Phong phú, đa dạng về nội dung, phạm vi nghiên cứu, đều nhằm tìm phương hướng cho sự nghiệp xây dựng nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Các công trình trên đây đã nghiên cứu ngày một rõ về vai trò và những sáng tạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam, trong đó có đề cập đến giai đoạn (1945 - 1946). Tuy nhiên do mục đích và yêu cầu đặt ra khác nhau, nên cách tiếp cận của mỗi công trình khác nhau, phần lớn các tác giả nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tiếp thu những thành quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, nhận thấy việc nghiên cứu vai trò của Hồ Chí Minh trong “xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa” với mối liên hệ của bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm 1945 - 1946 là cần thiết. Vì vậy, tôi chọn đề tài: “Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa (1945 - 1946)” làm đề tài Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 5
- 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích: Nghiên cứu quá trình Hồ Chí Minh khảo cứu, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam giai đoạn (1945 - 1946). Luận văn góp phần khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam. Qua đó rút ra những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, vận dụng vào sự nghiệp giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ: Hệ thống hóa quá trình tìm tòi, khảo cứu, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam của Hồ Chí Minh. Đánh giá, nhận xét khách quan những thành tựu đạt được khi xây dựng đất nước theo thể chế dân chủ cộng hòa giai đoạn (1945 - 1946). Rút ra những bài học, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay. 4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu về nội dung của Luận văn là: Xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1946, chủ yếu thông qua quá trình khảo cứu và thực hiện của Hồ Chí Minh. Phạm vi nghiên cứu của Luận văn: - Về nội dung: Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa. - Về không gian:Việt Nam. - Về thời gian: Từ năm 1945 đến năm 1946. 5. Cơ sở lý luận, phƣơng pháp nghiên cứu và nguồn tƣ liệu chính Luận văn được tiến hành trên cơ sở những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chính trong Luận văn là phương pháp lịch sử, phương pháp lô-gích, và một số phương pháp khác như: phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp… 6
- Nguồn tư liệu chủ yếu được sử dụng là: các bài viết, bài nói, sắc lệnh, chỉ thị của Hồ Chí Minh; các văn kiện của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng Nhà nước; các văn bản, tài liệu của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; báo cáo của các cấp chính quyền; các sách tham khảo, tạp chí có liên quan, … 6. Đóng góp của Luận văn Luận văn trình bày hệ thống cả về lý luận và thực tiễn quá trình Hồ Chí Minh khảo cứu, chỉ đạo, xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa ở Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1946. Luận văn rút ra một số bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu lịch sử dân tộc cũng như hoạt động chính trị thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Luận văn đóng góp vào nguồn tài liệu tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. 7. Bố cục Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần Nội dung của luận văn được bố cục thành 3 chương: Chương 1: Hồ Chí Minh khảo cứu và xây dựng mô hình Nhà nước dân chủ cộng hòa ở Việt Nam Chương 2: Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam (1945 - 1946) Chương 3: Một số nhận xét và kinh nghiệm 7
- Chương 1 HỒ CHÍ MINH KHẢO CỨU VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH NHÀ NƢỚC DÂN CHỦ CỘNG HÒA Ở VIỆT NAM 1.1. Quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm con đƣờng giải phóng dân tộc và mô hình nhà nƣớc kiểu mới cho Việt Nam 1.1.1. Hoàn cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX Tình hình thế giới: Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc ngày càng gay gắt, dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Sau Chiến tranh, phe Trục gồm Đức - Áo - Hung - Thổ Nhĩ Kỳ - Bungari thất bại, phe Đồng minh đứng đầu là Mỹ - Anh - Pháp chiến thắng. Mặc dù là nước thắng trận, nhưng bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, Pháp trở thành một con nợ lớn, vì vậy để khôi phục nền kinh tế, thực dân Pháp một mặt thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, mặt khác tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đẩy mạnh khai thác thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Nước Nga tham gia chiến tranh ngay từ đầu nhưng bị thiệt hại nặng nề, nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I. Lênin đã giương cao ngọn cờ đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và chống chủ nghĩa sô vanh; nêu hai khẩu hiệu: “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến” và “Làm cho chính phủ mình thất bại trong chiến tranh đế quốc”. Năm 1917, ở nước Nga đã diễn ra cuộc Cách mạng dân chủ tư sản Tháng Hai, sau đó là cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người. Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập, tạo điều kiện cho sự ra đời hàng loạt đảng cộng sản ở các nước: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Từ khi ra đời cho đến khi giải thể (1943), Quốc tế Cộng sản đã chỉ đạo hoạt động của hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1922, Liên Xô ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trong đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và công cuộc xây dựng chủ 8
- nghĩa xã hội. Liên Xô trở thành trung tâm cách mạng của thế giới, là lực lượng chủ yếu đấu tranh chống các thế lực phản động quốc tế hiếu chiến, có công đầu về tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945). Sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Ở Trung Quốc, năm 1911, Cách mạng Tân Hợi thành công, xóa bỏ chế độ phong kiến, lập ra chính phủ tư sản dân tộc dưới sự lãnh đạo của Quốc dân Đảng do Tôn Trung Sơn đứng đầu. Tuy nhiên, sau đó chính quyền lại rơi vào tay các thế lực quân phiệt do Viên Thế Khải cầm đầu. Năm 1925, Tưởng Giới Thạch đứng đầu Quốc dân Đảng, thi hành chính sách chống cộng, gây nội chiến ở Trung Quốc, đến năm 1949 mới bị Đảng Cộng sản đánh bại. Tình hình thế giới đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Tình hình Việt Nam: Giai đoạn này, Việt Nam nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhu nhược, ươn hèn cam tâm làm tay sai cho đế quốc, mất hết thực quyền. Từ năm 1919 - 1929, thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa Đông Dương, tăng cường vơ vét tài nguyên khoáng sản, bóc lột nhân dân ta. Khác với đợt khai thác thuộc địa lần trước, (1897 - 1914), Pháp mở rộng đầu tư khai thác nhiều lĩnh vực, tốc độ chậm chạp, kéo dài, lần này Pháp tiến hành đầu tư ồ ạt, tốc độ nhanh hơn và quy mô rộng lớn hơn nhiều. Nếu lần trước nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào các ngành khai mỏ và giao thông vận tải thì lần này tập trung vào nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Chính nhân tố này làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Việt Nam. Do chính sách mở rộng nông nghiệp, các nhà tư sản Pháp chiếm đất ruộng của nông dân lập đồn điền để trồng lúa, cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su…). Chúng giao ruộng đất cho nông dân theo kiểu phát canh thu tô mà không đầu tư các biện pháp kỹ thuật nên năng suất lúa ở Việt Nam rất thấp. Khi giá cao su tăng cao, Pháp đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng này, diện tích trồng cao su tăng vọt. Mặc dù vậy, tốc độ phát triển nông nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước châu Á khác. 9
- Các ngành công nghiệp như khai thác than được mở rộng. Nhiều công ty than được thành lập ở Quảng Ninh, sản lượng than khai thác tăng dần. Ngoài than đá, các cơ sở khai thác mỏ thiếc, kẽm, sắt đều được bổ sung thêm vốn, công nhân và đẩy nhanh tiến độ khai thác. Bên cạnh đó, một số cơ sở chế biến quặng, đúc kẽm, thiếc cũng ra đời. Các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến như nhà máy xi măng ở Hải Phòng, nhà máy tơ, sợi và dệt ở Hà Nội, Nam Định, Sài Gòn; các nhà máy xay xát gạo, chế biến rượu, làm đường ở Hải Dương, Hà Nội, Chợ Lớn… đều phát triển nhanh chóng. Nhưng ngành công nghiệp nặng theo đúng nghĩa vẫn chưa ra đời. Công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là công nghiệp dịch vụ và phục vụ, phụ thuộc vào thực dân Pháp và thị trường nước ngoài. Để đáp ứng yêu cầu khai thác thuộc địa thời kỳ này, ngành giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường đầu tư vốn và các trang thiết bị kỹ thuật. Các đường sắt nối Vinh - Đông Hà, Đồng Đăng - Na Sầm được xây thêm; mở nhiều đường quốc lộ và đường liên tỉnh; mở rộng và xây thêm một số hải cảng, mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy. Ngành thương nghiệp phát triển vượt bậc so với thời kỳ trước chiến tranh. Hàng hóa xuất siêu khá lớn, các đối tác nước ngoài được mở rộng. Hàng hóa xuất khẩu là khoáng sản, lúa gạo, cao su, chè, hạt tiêu… Hàng nhập khẩu (chủ yếu từ Pháp) bao gồm: vải, bông, sợi, giày dép, rượu, thuốc lá… Các hoạt động thương mại lớn đều nằm trong tay người Pháp hoặc người Hoa. Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ này là sự phát triển không cân đối. Nền nông nghiệp nặng nề, lạc hậu; nền công nghiệp phụ thuộc, phân tán, quy mô nhỏ, nặng về khai khoáng; các ngành sản xuất luyện kim, cơ khí, năng lượng hầu như không được chú ý phát triển. Kinh tế miền Bắc và miền Nam phát triển hơn nhiều so với miền Trung, các vùng miền núi vẫn nghèo đói, lạc hậu, cuộc sống người dân vẫn phổ biến là du canh du cư. Với thân phận nô lệ, nhân dân “một cổ hai tròng”, chịu cảnh sưu cao thuế nặng, cuộc sống lầm than, khổ cực. Thể chế chính trị thời kỳ này là thể chế thực dân nửa phong kiến. Thực dân Pháp nắm quyền thống trị đất nước ta, chúng chia Việt 10
- Nam thành ba kỳ nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và dễ bề cai trị. Triều đình nhà Nguyễn mất hết thực quyền, chỉ là công cụ, tay sai của Pháp. Nhƣ vậy, ở Việt Nam lúc này đang tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn dân tộc - giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Pháp, và mâu thuẫn giai cấp - giữa nông dân với địa chủ, giữa công nhân với tƣ sản (chủ yếu là tƣ sản Pháp). Vấn đề đặt ra lúc này cho những người Việt Nam yêu nước là phải làm thế nào giải quyết đồng thời được hai mâu thuẫn trên, nghĩa là vừa đánh đuổi được quân xâm lược, giành lại độc lập dân tộc; vừa mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Trong phong trào yêu nước đã xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng và các cuộc vận động cách mạng. Phong trào yêu nước thời kỳ này đều hướng vào mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, nhưng lại khác nhau ở phương pháp và đường lối cách mạng, mà trong đó quan trọng nhất là xác định một mô hình thể chế chính trị cho Việt Nam sau khi đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến. Xu hướng tiếp tục khôi phục lại thể chế quân chủ phong kiến độc lập là sự lựa chọn của các sĩ phu lãnh đạo phong trào Cần Vương (1885 - 1896), Hoàng Hoa Thám… Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, phong trào đã bị đàn áp và thất bại. Mô hình thể chế chính trị phong kiến đã trở nên lỗi thời, lạc hậu với trào lưu chung trên thế giới mà hiện thân là triều Nguyễn lúc bấy giờ - đã không thể tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Sự thất bại của phong trào Cần Vương báo hiệu kiểu nhà nước phong kiến đã hết vai trò lịch sử ở Việt Nam. Thời kỳ này, sự thức tỉnh châu Á cùng với phong trào cách mạng dân chủ tư sản ở châu Âu đã ít nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam, làm xuất hiện những trào lưu tư tưởng mới và nảy sinh các phong trào yêu nước, cách mạng mang màu sắc mới, tiêu biểu là phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân… Một trong những đại biểu xuất sắc của trào lưu này là Phan Bội Châu. Ông chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng ở Việt Nam một thể chế quân chủ lập hiến theo kiểu Nhật Bản (thời kỳ đầu), hoặc một thể chế cộng hòa dân chủ theo kiểu Tây Âu (thời kỳ sau). Còn Phan Chu Trinh phê phán gay gắt thể chế quân chủ chuyên chế, coi đó là nguyên nhân làm suy yếu dân tộc. Theo ông cần phải nâng cao dân trí, mở rộng dân 11
- quyền, hướng tới nền dân chủ theo kiểu phương Tây, trước hết là dựa vào Pháp. Mặc dù khuynh hướng dân chủ tư sản có nhiều tiến bộ, nhưng chưa phù hợp với thực tiễn lịch sử Việt Nam nên không thể thành công. Vào cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Việt Nam Quốc dân Đảng - một chính đảng của giai cấp tư sản Việt Nam ra đời. Đảng này chủ trương đánh Pháp, xây dựng một thể chế chính trị cộng hòa theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Nhưng do giai cấp tư sản Việt Nam còn nhỏ yếu, không có cơ sở trong quần chúng nhân dân, thiếu tổ chức chặt chẽ nên cuộc đấu tranh chống ngoại xâm do họ phát động đã thất bại. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, nhà nước tư sản và nền dân chủ tư sản không phải là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, mô hình thể chế chính trị tư sản không phù hợp với nước ta. Yêu cầu cấp bách nhất lúc này là giải phóng kiếp người nô lệ và đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho đại đa số nhân dân lao động. Nhân dân Việt Nam không muốn quay trở lại xã hội phong kiến đang suy tàn; cũng rất căm ghét chế độ bóc lột vô nhân tính, bất công của chủ nghĩa tư bản. Cả hai loại thể chế đó đều chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, còn đại đa số nhân dân vẫn chịu cảnh áp bức, bóc lột, không có tự do, hạnh phúc. Tóm lại, thời kỳ này khủng hoảng về đường lối chính trị, chưa có một mô hình thể chế chính trị nào định hình và đứng vững trong phong trào yêu nước Việt Nam. 1.1.2. Quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm một con đường giải phóng dân tộc gắn với tìm kiếm kiểu nhà nước cho Việt Nam Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị xâm lược, nhân dân bị nô dịch, mất tự do, Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận và thấu hiểu bi kịch của dân tộc. Tuy rất khâm phục những nhà yêu nước đương thời, nhưng Người không đồng tình với con đường cứu nước, với mô hình thể chế chính trị mà họ lựa chọn. Chính vì vậy, Người đã xuất dương để tìm con đường giải phóng dân tộc. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc vừa lao động, vừa quan sát, tập trung nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn các cuộc cách mạng điển hình. Đặc biệt, Người đã quan tâm nghiên cứu nhiều kiểu nhà nước đang tồn tại trên thế giới đó là kiểu nhà nước tư sản ở thuộc địa, kiểu nhà 12
- nước tư sản ở chính quốc và kiểu nhà nước mới - kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, Xô Viết. Trước hết là nhìn nhận, đánh giá của Nguyễn Ái Quốc về một hình thức đặc biệt - kiểu nhà nước của giai cấp tư sản tồn tại ở thuộc địa Việt Nam dưới hình thức chế độ thực dân phong kiến. Các khuynh hướng cứu nước gắn với việc tìm kiếm các mô hình nhà nước khác nhau của những người Việt Nam yêu nước đã tỏ rõ lập trường chung của tầng lớp nhân dân Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam với chế độ thực dân phong kiến mà thực dân Pháp thiết lập ở nước ta. Đó là một thái độ căm phẫn, lên án và mong muốn thay thế chế độ chính trị này bằng một chế độ chính trị tốt đẹp hơn. Thái độ của Nguyễn Ái Quốc với chế độ thực dân phong kiến góp thêm một tiếng nói cho việc lên án và thủ tiêu chế độ chính trị tàn bạo này. Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc như lời tuyên chiến với chủ nghĩa thực dân. Có thể khẳng định, đây là người Việt Nam đầu tiên đã có “công trình” nghiên cứu để vạch tội và tuyên án chủ nghĩa thực dân một cách mạnh mẽ, kiên quyết, đầy sức thuyết phục. Không chỉ tuyên án, mà bằng những hoạt động chính trị không mệt mỏi của mình, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện bản án đó đến cùng. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, bản thân Nguyễn Ái Quốc cảm nhận sâu sắc sự tàn bạo phi nhân tính của chủ nghĩa thực dân trên quê hương Việt Nam cũng như tất cả các thuộc địa khác trên thế giới. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã khát quát: “Từ khi bị Pháp chiếm, đất nước chúng tôi hầu như luôn luôn sống lay lắt ngày này qua ngày khác, không hề biết chính quyền muốn dẫn mình đi đến đâu” [59, tr. 10]. Và nửa thế kỷ sau khi đặt ách thống trị trên đất nước ta: “Thật đáng buồn thay khi thấy rằng sau 50 năm thống trị mà những người đại diện cho nước Cộng hòa Pháp ở Đông Dương vẫn cứ ngoan cố kìm chân người bản xứ trong vòng nô lệ, không cho họ hưởng một chút quyền tự do nào cũng như các quyền khác theo luật pháp” [59, tr. 18]. Một tình trạng vô vọng, bế tắc bao trùm tất cả dưới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân. 13
- Trong chế độ này, người Việt Nam không còn tồn tại như những con người: “Chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương từ hơn nửa thế kỷ nay, vì lợi ích của nó, nó đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó, chúng tôi không những bị áp bức, bóc lột một cách nhục nhã mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm… người ta đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người khác để bảo vệ lợi ích không phải của chính họ” [59, tr. 34, 35]. “Annamit và Angiêriêng đâu phải là người! Đó là bọn “nhà quê” bẩn thỉu, bầy “bicốt” (con dê con) bẩn thỉu. Cần quái gì phải có công lý đối với những giống ấy” [59, tr. 203]. Luôn luôn có sẵn “một kho đầy ắp những hình phạt” [59, tr. 203] để giáng vào đầu những con người khốn khổ ấy… Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Chưa có bao giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác và trắng trợn đến thế” [60, tr. 121]. Và “để dạy cho mọi người sống cho ra sống, người ta bắt đầu bằng việc giết họ đi đã” [60, tr. 36]. Mỗi thuộc địa, chủ nghĩa thực dân sử dụng những biện pháp tàn bạo khác nhau để cai trị, nhưng các thuộc địa đều giống nhau ở một điểm: “Giữa An Nam với Công Gô, Máctinich hay Tân Đảo, không hoàn toàn giống nhau chút nào, trừ sự cùng khổ” [59, tr. 80]. Thực tế đó tại các thuộc địa, ngay cả người Pháp ở chính quốc cũng không thể phủ nhận. Sau lời phát biểu tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp của Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch phiên họp Êminguđơ phải thừa nhận: “Qua những loạt vỗ tay tán thành đại biểu Đông Dương, có thể thấy rằng toàn thể Đảng Xã hội đều đứng về phía đồng chí để phản đối những tội ác của giai cấp tư sản” [59, tr. 36]. Những con ngƣời trong bộ máy chính quyền thực dân - “tinh hoa của các cặn bã” luôn lƣợm lặt từ các nƣớc châu Âu. Con người trong bộ máy chính quyền thực dân là sự dung nạp của tất cả những cặn bã từ chính quốc thải ra, từ viên chức bình thường cho đến nhân vật chóp bu là viên Toàn quyền. Về các quan cai trị thì: “Sang Bắc Kỳ, các ông Toàn quyền chỉ nhằm một mục đích là: tìm chỗ hố đựng bạn bè, con cháu thân thuộc và bọn vận động bầu cử 14
- của những bậc thế quyền có thể làm chỗ dựa cho mình” [60, tr. 61]; “Các viên Toàn quyền lớn, Toàn quyền bé được nước mẹ ký thác vận mệnh xứ Đông Dương, nói chung đều là bọn ngu xuẩn, bọn đểu cáng’ [60, tr. 92]. Tất cả sự xa hoa, tráng lệ, thừa mứa trong cuộc sống của các quan cai trị thuộc địa đều dựa trên ngân sách được bòn rút từ những người bản xứ nghèo khổ, bị bần cùng hoá đến cùng cực. “Quan Toàn quyền chưa vừa ý với những lâu đài tráng lệ mà ngài ở tại Sài Gòn và Hà Nội, còn phải cần thêm cho ngài một biệt thự ở bãi biển nữa. Ngân sách Đông Dương lại phải “è lưng ra gánh”… Tiền nhà cửa, bàn ghế, điện nước của các vị đó đều do công quỹ đài thọ cả. Ngoài ra, những người đánh xe, lái xe, giữ ngựa, làm vườn, tóm lại, tất cả những kẻ hầu người hạ của họ cũng đều do nhà nước trả tiền công” [60, tr. 78, 79]. Còn các ngài viên chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa thì là “những tên ngu xuẩn tò mò ưa xoi mói” [60, tr. 94]. Một chính quyền được tạo nên từ những con người mà “so với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện” [60, tr. 77]. Ngay cả một tên lính thực dân cũng phải thốt ra trong cuốn nhật ký đi đường của mình rằng: “Quả thật, chúng tôi đã có tâm hồn thực dân” và tự thừa nhận: “Chúng ta còn độc ác, còn dã man hơn cả bọn kẻ cướp nhà nghề” [60, tr. 70]. Một nhà văn chính quốc khi sang thăm Đông Dương, tận mắt chứng kiến những tội ác của thực dân Pháp với những người bản xứ, đã viết: “Hình như họ (các quan bảo hộ người Pháp) chỉ là những điều khiển cho sự có mặt của chúng ta trở thành một điều xấu xa bỉ ổi không ai chịu được” [60, tr. 68]. Thuộc địa là một “thiên đường ở trần gian” cho các quan cai trị, nơi mà “cái gì người ta (người châu Âu ở Đông Dương) cũng được phép và có thể làm được” [60, tr. 59]. Nơi đây “tất cả những ai có tí chút quyền hành trong tay cũng đều sử dụng và lạm dụng quyền hành để thả cửa làm bậy vì họ biết chắc rằng sẽ không bị tội vạ gì hết” [60, tr. 63, 64]. Và “khi người ta đã là một nhà khai hoá thì người ta có thể làm những việc dã man mà vẫn cứ là người văn minh nhất” [60, tr. 63]… Tóm lại có thể tìm thấy trong chính quyền thuộc địa “tinh hoa của các cặn bã” lượm lặt ở tất cả các nước châu Âu. Với một bộ máy được tạo nên từ những 15
- hạng người có tố chất xấu xa như vậy, để tồn tại, nguyên tắc hoạt động của chính quyền thuộc địa luôn là “bằng bất cứ giá nào nhất thiết phải giữ uy tín cho kẻ đi chinh phục” và “bảo vệ uy tín của chủng tộc thượng đẳng”. Chính quyền thực dân - một bộ máy cồng kềnh, quan liêu, tham nhũng. Đó là một bộ máy ăn bám khổng lồ. Hãy làm một phép so sánh giản đơn: “Ở thuộc địa Anh, cứ 66.150 người dân thì có một viên chức người Âu, còn ở thuộc địa Pháp thì cứ 3.490 người dân đã có một viên chức người Âu” [60, tr. 61]. Trong bộ máy đó tồn tại nhan nhản những “viên chức giữ những chức vụ vô dụng” và thậm chí còn “dốt đặc” nhưng vẫn được nhận những “đồng lương rất hậu”. Đây còn điển hình là một bộ máy quan liêu. Các viên thanh tra thuộc địa, hàng năm ngốn của ngân khố một số tiền khổng lồ cho công việc thanh tra “thế nhưng các ngài thanh tra thì không bao giờ rời khỏi Pari và đối với các thuộc địa thì các ngài cũng không hiểu biết gì hơn là hiểu biết ông Trăng già” [60, tr. 76]. Đó còn là một bộ máy vô trách nhiệm và vô cảm khi sử dụng những đồng tiền ngân sách một cách phung phí, tùy tiện và bừa bãi: “Hết hành vi điên rồ này đến hành vi điên rồ khác đã phung phí đồng tiền mà người dân An Nam khốn khổ đã phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được” [60, tr. 75]. Một bộ máy hoạt động tùy tiện, không tuân theo nguyên tắc nào: “Khi cần tiền, nhà nước bảo hộ Pháp chỉ có việc thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kì là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt” [60, tr. 90]. Bộ máy nhà nước chính trị tồn tại và hoạt động không phải để thực hiện những việc công ích mà chỉ để thực hiện sự cai trị chính trị nhằm vơ vét đầy túi tham cho những kẻ cai trị. Đúng là một bộ máy “cướp giật được hợp pháp hóa”: Một số phiên họp của Hội đồng Quản hạt chỉ là để bàn việc cướp giật công quỹ một cách có phương pháp… Với quyền hành sẵn có, họ sức cho dân bản xứ biết nhà nước cần một khoản tiền bao nhiêu đó, rồi họ phân bố cho các làng phải đóng góp [60, tr. 77]. Bọn thực dân với quyền lực trong tay ngày càng phè phỡn trên máu và nước mắt của những người bản xứ: “Tất cả bọn chúng chỉ có mỗi cái tài là phung phí công quỹ, còn người An Nam khốn khổ thì cứ nai lưng đóng góp, đóng góp mãi” 16
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trong nền nghệ thuật cổ Champa
97 p | 238 | 66
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa Việt – Chăm trong lịch sử
130 p | 175 | 56
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Quá trình lịch sử của chữ quốc ngữ trong quan hệ văn hóa của vùng đất Nam kỳ với phương Tây đến đầu thế kỉ XX
167 p | 198 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Vùng đất An Giang trong chính sách quốc phòng của chính quyền chúa Nguyễn và vua Nguyễn thời kì 1757 - 1867
216 p | 146 | 43
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Lịch sử kênh đào Nam bộ thời nhà Nguyễn từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX
69 p | 167 | 40
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Thủy Xá, Hỏa Xá trong lịch sử Việt Nam
125 p | 149 | 39
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Thực trạng đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa của cộng đồng người Chăm ở An Giang từ sau năm 1975 đến nay
101 p | 186 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng Hà Tiên (Thế kỷ XVII - XIX)
132 p | 148 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Vùng đất Hà Tiên thế kỷ XVIII - XIX
164 p | 153 | 35
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Lịch sử hình thành và phát triển nghề truyền thống của người Khmer ở Tịnh Biên – An Giang
108 p | 194 | 30
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Quan hệ đối ngoại của Nhật Bản từ năm 1868 đến năm 1912
144 p | 152 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Lịch sử đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ thời kỳ Pháp thuộc giai đoạn (1898 - 1939)
113 p | 170 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Quá trình đô thị hóa ở thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) giai đoạn 1986-2010 - Huỳnh Thị Thấm
141 p | 172 | 25
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Yếu tố Melayu trong văn hóa Chăm - Quá trình định hình và phát triển
118 p | 137 | 25
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Chính sách đối ngoại của Đức quốc xã trước chiến tranh thế giới thứ hai (1933 - 1939)
144 p | 135 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử học: Quá trình đô thị hóa ở thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) giai đoạn 1986-2010
126 p | 119 | 14
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Kinh tế du lịch huyện Sóc Sơn, Hà Nội (1986-2016)
98 p | 66 | 8
-
Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Kinh tế - Xã hội Quảng Ngãi dưới Triều Nguyễn (1802-1885)
101 p | 16 | 5
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn