intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Quan hệ Trung - Mỹ từ 2001 đến 2005

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:99

137
lượt xem
21
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Quan hệ Trung - Mỹ từ 2001 đến 2005 tập trung làm rõ về những thăng trầm trong quan hệ Trung – Mỹ từ 1949 đến 2000; quan hệ Trung – Mỹ từ 2001 đến 2005; những dự báo quan hệ Trung – Mỹ. Với các bạn chuyên ngành Lịch sử thì đây là tài liệu hữu ích.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Quan hệ Trung - Mỹ từ 2001 đến 2005

  1. BOÄ GIAÙO DUÏC VAØ ÑAØO TAÏO TRÖÔØNG ÑAÏI HOÏC SÖ PHAÏM TP. HOÀ CHÍ MINH ___________________________ Nguyeãn Phöông Lan QUAN HEÄ TRUNG – MYÕ TÖØ 2001 ÑEÁN 2005 Chuyeân ngaønh: Lòch söû theá giôùi Maõ soá: 60 22 50 LUAÄN VAÊN THAÏC SÓ LÒCH SÖÛ NGÖÔØI HÖÔÙNG DAÃN KHOA HOÏC: TS.LEÂ PHUÏNG HOAØNG Thaønh phoá Hoà Chí Minh - 2007
  2. MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Thời kì chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Cả thế giới bước vào những năm đầu của thế kỷ XXI với xu thế hòa bình, hợp tác. Tuy nhiên, kỷ nguyên hòa bình thực sự cho toàn thể nhân loại trên hành tinh có lẽ còn khá lâu mới có thể đạt đến. Những mâu thuẫn và xung đột sắc tộc, tôn giáo, nạn khủng bố quốc tế, rồi nội chiến, chiến tranh cục bộ… vẫn diễn ra gay gắt ở nhiều nơi. Quan hệ giữa các nước lớn từ sau chiến tranh lạnh đến nay vẫn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp khó lường, cục diện thế giới vừa mâu thuẫn, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh sẽ tồn tại trong một thời gian dài. Có nhiều nhân tố chủ quan và khách quan thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng trong sâu xa quan hệ giữa họ vẫn chứa đầy mâu thuẫn, xung đột và có ảnh hưởng hết sức to lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng của thế giới. Trong đó, quan hệ Mỹ – Trung Quốc là một trong những mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở tầm khu vực mà còn có ý nghĩa trên toàn cầu. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, Mỹ vẫn duy trì được ưu thế vượt trội và là cường quốc duy nhất có ảnh hưởng chi phối ở cấp độ toàn cầu. Với tư cách là siêu cường thế giới duy nhất, trước mặt Mỹ không gặp phải thách thức quân sự –an ninh từ bất cứ nước lớn nào. Tuy nhiên, Mỹ lại đang đứng trước những đe dọa an ninh mới. Đó là việc không ngăn chặn được sự phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức…Đặc biệt, sự kiện 11/9/2001 đã cho thấy các nguy cơ, thách thức đối với an ninh Mỹ trở nên hết sức phức tạp và khó lường.
  3. Từ thực tế đó, chiến lược của Mỹ dưới thời Goerge W.Buse đã có những điều chỉnh lớn, “chống khủng bố trở thành ưu tiên chiến lược, an ninh quân sự trở thành trụ cột hàng đầu, châu Á – Thái Bình Dương trở thành trọng điểm số 1”.[26, tr.297]. Với việc chuyển trọng điểm của Mỹ từ châu Âu sang châu Á – Thái Bình Dương, đối sách của Mỹ với Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc vừa là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân, vừa là đối tác cạnh tranh đáng gờm của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có thể cả trên thế giới. Về phía Trung Quốc, đây là quốc gia có tiềm năng to lớn về nhiều mặt (cả về diện tích, dân số, sức mạnh kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng…). Sau nhiều năm cải cách mở cửa thành công, Trung Quốc bước vào thời kì sau Chiến tranh lạnh với thế và lực ngày càng gia tăng. Mục tiêu đối ngoại được đặt ra là : “sớm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc khu vực và thế giới trong một thế giới đa cực, đa trung tâm; phải đóng vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới trong tương lai không xa. Để đạt được mục tiêu chiến lược trên, Trung Quốc phải tập trung thực hiện hai mục tiêu cơ bản: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc gia tổng hợp cũng như từng mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa. Thứ hai, tăng vị thế quốc tế và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc muốn xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, không để điểm nóng trở thành xung đột vũ trang, đồng thời tăng cường ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc ở khu vực, trước hết ở Đông Á và sớm đưa Đài Loan thống nhất đại lục”. [26, tr.310- 311]. Và trong chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc coi quan hệ ổn định với Mỹ có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Như vậy, với sự sụp đổ của Liên Xô tạo ra thực tế Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới, đồng thời tạo ra cho Trung Quốc cơ hội để vươn lên trở thành một cường quốc toàn diện. Trong khi Nga còn gặp nhiều khó khăn ở trong nước, Nhật Bản chưa trở
  4. thành một cường quốc chính trị trong một tương lai gần, rõ ràng Mỹ và Trung Quốc sẽ là các nước đóng vai trò chủ yếu đối với các vấn đề của thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Như Đặng Tiểu Bình nhận định:”Quan hệ Trung – Mỹ tốt hay xấu, phát triển hay thoái trào không những có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ kinh tế, thương mại, và cả các lĩnh vực khác giữa hai nước, mà còn tác động đến sự ổn định và hòa bình của khu vực và thế giới”.[25, tr.125]. Xuất phát từ mục đích tìm hiểu về hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, hai nước lớn trong một trật tự thế giới đa cực đang hình thành, đặc biệt là tìm hiểu về mối quan hệ Trung – Mỹ trong bối cảnh thế giới mới, tôi đã chọn đề tài “Quan hệ Trung – Mỹ từ năm 2001 đến 2005” để thực hiện luận văn cao học. Đây là những năm đầu tiên của thế kỷ mới, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những đối sách quan trọng để thích ứng với tình hình thế giới trong xu thế mới. Việc nghiên cứu đề tài không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang ý nghĩa thực tiễn. Đây là thời điểm Việt Nam mở rộng cửa với thế giới bên ngoài, việc nghiên cứu hai cường quốc lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết trong quan hệ quốc tế, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đề tài cũng sẽ góp phần bổ sung những tư liệu cần thiết cho tôi để phục vụ cho việc giảng dạy Lịch sử ở Trường phổ thông trong phần Quan hệ quốc tế. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI Để đảm bảo tính hệ thống và lôgic của vấn đề, trong chương 1, luận văn sẽ trình bày khái quát những thăng trầm trong quan hệ Trung – Mỹ từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 cho đến năm 2000.
  5. Nội dung chương 2 trình bày vấn đề nghiên cứu chính của luận văn, đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế- thương mại, chính trị- an ninh từ năm 2001 đến 2005. Quan hệ kinh tế – thương mại là một phần trong bài toán quan hệ Trung – Mỹ, nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngày 11 tháng 12 năm 2001 Trung Quốc chính thức gia nhập WTO. Việc giúp Trung Quốc gia nhập WTO là định hướng chính sách kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu đối với Mỹ. Mục tiêu của Mỹ là đưa Trung Quốc vào sân chơi chung của thương mại toàn cầu và chiếm lĩnh được nhiều hơn thị trường Trung Quốc. Đối với Trung Quốc thì đây là cơ hội để tăng cường vị thế chính trị của mình cũng như tăng cường lợi ích kinh tế. Luận văn sẽ tìm hiểu Mỹ và Trung Quốc sẽ phát huy những lợi ích đạt được của mình như thế nào. Vấn đề thứ hai trong quan hệ kinh tế – thương mại Trung – Mỹ mà luận văn đề cập đó là sự thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng tăng (từ 29,51 tỷ USD năm 1994 lên 83,83 tỷ USD năm 2000; 103,6 tỷ năm 2002 và 114,09 tỷ năm2003; 200 tỷ năm 2005). Việc giải quyết bài toán thâm hụt thương mại được dự báo sẽ là vấn đề nan giải nhất trong quan hệ Trung – Mỹ năm 2006. Quan hệ chính trị –an ninh : Cả Trung Quốc và Mỹ bước vào những năm đầu thế kỷ XXI đều có những thay đổi về chiến lược đối ngoại, đặc biệt trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Cả hai đều nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ ổn định giữa hai nước. Đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi mà chưa có được một cơ chế an ninh toàn diện và hiệu quả, khi mà các nước lớn khác như Nga, Nhật Bản, An Độ đều đang muốn tăng cường ảnh hưởng thì hợp tác Mỹ – Trung được cả hai nhận thức là một tiền đề quan trọng để đảm bảo lợi ích chiến lược của cả hai bên. Bên cạnh đó, trong việc giải quyết một số vấn đề toàn cầu (khủng bố quốc tế, khủng hoảng hạt nhân…) cả hai bên đều cần đến sự phối hợp, hợp tác của nhau. Luận văn sẽ lần lượt trình bày chiến lược đối ngoại của từng nước trong những năm 2001-2005 nêu bật sự
  6. hợp tác cũng như phân tích những điểm khác biệt gây nên những mâu thuẫn trong quan hệ Trung –Mỹ. Và trong chương 3, luận văn đề cập đến những dự báo về chiều hướng phát triển quan hệ Trung – Mỹ ra sao trong tương lai, đặc biệt là tác động của nó đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Quan hệ Trung – Mỹ là vấn đề được các nhà nghiên cứu rất quan tâm, sau đây là một số công trình nghiên cứu trong những năm gần đây: Năm 2001, trong bản thảo “Lịch sử quan hệ quốc tế từ sau 1945 đến nay “của tác giả Lê Vinh Quốc ( chủ biên) – Lê Phụng Hoàng, đã trình bày khái quát lịch sử quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ với những bước thăng trầm trong 3 giai đoạn: 1949-1971, 1971- 1975 và từ 1976 trở về sau. Đặc biệt là vấn đề Đài Loan được xem là trung tâm cho mối quan hệ Trung – Mỹ. Kết thúc Chiến tranh lạnh, Mỹ vẫn giữ vai trò số 1 thế giới, Trung Quốc nổi lên với vai trò nước lớn, trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Rất nhiều những bài nghiên cứu về chiến lược đối ngoại của cả Mỹ và Trung Quốc. Năm 2003, cuốn sách “Quan hệ quốc tế “của Học viện Chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá những nhân tố chi phối chính sách đối ngoại của các nước lớn thời kì sau Chiến tranh lạnh. Đối với Mỹ, dù ở vị thế siêu cường thế giới duy nhất, trước mắt Mỹ không gặp phải thách thức quân sự từ bất kỳ nước lớn nào, nhưng Mỹ lại đang đứng trước những đe dọa an ninh mới. Quyển sách đã cung cấp những điều chỉnh trong chiến lược đối ngoại qua 3 đời Tổng thống sau Chiến tranh lạnh để đối phó với
  7. những đe dọa mới. Đối với Trung Quốc, các tác giả trình bày những nội dung chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể là: sớm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc khu vực và thế giới trong một thế giới đa cực, đa trung tâm; phải đóng vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới trong tương lai không xa. Trong cuốn sách “Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ: Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI’ của Bruce W. Jentleson, ấn hành năm 2000 đã đi sâu phân tích một số nội dung cơ bản của quá trình hoạch định chính sách mới, cũng như những lựa chọn và thách thức đang đặt ra cho chính sách đối ngoại Mỹ trong thế kỷ XXI; qua đó làm rõ mục tiêu và động cơ lưạ chọn, những thay đổi và điều chỉnh trong chính sách đối ngoại Mỹ trước diễn biến mới của tình hình. Trong đó quan hệ với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực được đặt ra, cân nhắc với những lựa chọn quyền lực, hòa bình, thịnh vượng hay các nguyên tắc nhằm đạt được lợi ích quốc gia của Mỹ. Năm 2003, với tiêu đề :”Quan hệ Mỹ – Trung: đối tác chiến lược hay đối thủ chiến lược? “, nghiên cứu của thạc sĩ Phạm Cao Phong đã đề cập đến việc xác định thực chất của quan hệ Trung – Mỹ qua việc tìm hiểu vị trí của Trung Quốc và Mỹ trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Hai nước xác dịnh nhau là bạn hay là thù, từ đó sẽ xác định những nhân tố thuận và không thuận chi phối quan hệ Trung – Mỹ: lợi ích chi phối quan hệ Trung – Mỹ, trong các lợi ích đó, lợi ích nào là lâu dài, lợi ích nào là ngắn hạn; đặc điểm quan hệ hai nước là gì, quan hệ hai nước có thể có những hợp tác về chiến lược như trong thập kỷ 1970 và 1980 hay không, nếu không thì hai nước có thể hợp tác với nhau đến mức độ nào, nếu hai nước cạnh tranh nhau thì mức độ nghiêm trọng sẽ đến đâu. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, kỷ yếu hội thảo “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa- 55 năm xây dựng và phát triển” đã tập hợp rất
  8. nhiều bài viết về những thành tựu trong công cuộc cải cách, mở cửa, hiện đại hóa, về quá trình vận động đầy khó khăn nhiều thăng trầm của Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đây sẽ là những bài học kinh nghiệm lịch sử và gợi mở những dự báo về tương lai cho chính chúng ta. Một trong những vấn đề trong quan hệ Trung –Mỹ được các nhà nghiên cứu quan tâm đó chính là cả hai quốc gia cùng bắt tay tham gia giải quyết các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2004, bài viết “Chu kì hòa dịu mới trong quan hệ Mỹ – Trung sau sự kiện 11-9: cơ sở và triển vọng” của Thạc sĩ Lê Linh Lan đăng trong tạp chí Nghiên cứu quốc tế số 55 đã bàn về sự điều chỉnh sách lược từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc sau sự kiện 11- 9. Điều đặt ra là quan hệ Trung – Mỹ: cải thiện lâu dài hay nhất thời? Theo tác giả, xét từ góc độ cạnh tranh chiến lược, khi cuộc đấu tranh chống khủng bố lắng xuống thì Trung Quốc vẫn là đối thủ chủ yếu của Mỹ ở khu vực. Sự thỏa hiệp chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là một viễn cảnh xa vời. Hiện nay, trong khi Mỹ đang bận rộn với chiến dịch chống khủng bố, Trung Quốc đang tập trung sức lực cho phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân đội thì quan hệ hai nước tạm thời ở trong một tình trạng ổn định tương đối. Cũng đồng quan điểm, trong bài “Những nét chính trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc sau đại hội 16” tác giả Nguyễn Trung Hiếu – nghiên cứu viên Ban Đông Bắc Á, Học viện Quan hệ quốc tế cũng đã nêu về sự thay đổi các ưu tiên chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Một trong những ưu tiên đó là tranh thủ sự hợp tác với bên ngoài. Song song với thu hút đầu vào, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh “đưa vốn ra bên ngoài, trong đó ưu tiên hợp tác với các nước phát triển, đặc biệt là với Mỹ”. Phương châm trong việc xử lý quan hệ với Mỹ sẽ vẫn là “đối đầu nhưng không đối
  9. kháng”, “đấu trí nhưng không đấu khẩu” nhằm tránh đẩy quan hệ Trung – Mỹ đi đến chỗ đổ vỡ hoặc ở mức quá xấu, bất lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế. Vấn đề Đài Loan và việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên là những tiêu đề được quan tâm nghiên cứu và giới thiệu trên các website báo điện tử, đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ, đặc biệt trong các bài viết: “Chiến lược Đông Bắc Á của Trung Quốc” của tác giả Tăng Phẩm Nguyên đăng trên http://www.54479.com Hay “Nhìn lại quá trình thương lượng Mỹ – Bắc Triều Tiên về tên lửa và vũ khí hạt nhân “ của Đỗ Trọng Quang đăng trên tạp chí châu Mỹ ngày nay, số 8-2005. Đài Loan có vĩnh viễn trở thành nỗi đau trong lòng nhân dân Trung Quốc hay không? Đó là câu hỏi được tác giả Lưu Kim Hâm đặt ra trong quyển “Trung Quốc – Những thách thức nghiêm trọng của thế kỷ XXI” viết về quan hệ Trung- Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Năm 2006, cuốn sách “Các vấn đề chính trị quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương”, tác giả Michael Yahuda được tái bản lần hai. Trong đó tác giả không chỉ đánh giá về những bất ổn thách thức tình hình an ninh khu vực mà còn nghiên cứu về thời kỳ gần đây nhất đối với các vấn đề đang phát triển lớn như là “chiến tranh chống khủng bố “ của Mỹ, mối quan hệ với Trung Quốc – hợp tác và đối đầu trong khu vực, đặc biệt là giải quyết hai điểm nóng ở khu vực: cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Điểm lại để chúng ta thấy được một số vấn đề quan trọng trong quan hệ Trung – Mỹ được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu trên những quan điểm, trên nhiều lĩnh vực khác
  10. nhau. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chắc chắn “Quan hệ Trung – Mỹ” vẫn tiếp tục là đề tài được các nhà nghiên cứu quan tâm. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã vận dụng phương pháp lịch sử để tái hiện bức tranh sinh động về mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ trong những năm đầu tiên của thế kỷ mới (2001-2005). Vì đây là đề tài nghiên cứu trong giai đoạn đương đại nên chúng tôi đã kết hợp sử dụng các phương pháp liên ngành, đặc biệt là phân tích, tổng hợp các tư liệu từ Internet. 5. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Luận văn được trình bày trong 140 trang bao gồm phần mở đầu, 3 chương nội dung và phần kết luận: Chương 1: Những thăng trầm trong quan hệ Trung – Mỹ từ 1949 đến 2000 Chương 2: Quan hệ Trung – Mỹ từ 2001 đến 2005 1. Quan hệ kinh tế – thương mại 2. Quan hệ chính trị – ngoại giao - an ninh. Chương 3: Những dự báo quan hệ Trung – Mỹ
  11. Chương 1: NHỮNG THĂNG TRẦM TRONG QUAN HỆ TRUNG – MỸ TỪ 1949 ĐẾN 2000 Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, mở đầu những thời kì thăng trầm trong quan hệ Trung – Mỹ. Quan hệ giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Hoa Kỳ là một trong những mối quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp. Suốt 45 năm chiến tranh lạnh, quan hệ Trung – Mỹ luôn thay đổi và sau chiến tranh lạnh quan hệ đó vẫn chưa thể gọi là ổn định. 1.1. Quan hệ Trung – Mỹ trong chiến tranh lạnh 1.1.1. Thập niên 50, 60: đối đầu – căng thẳng Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ – Xô coi nhau là đấu thủ chính nhưng chưa bao giờ trực tiếp đánh nhau. Trái lại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới ra đời chưa được 1 năm thì đã phải tham gia vào cuộc chiến tranh với quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 25-6-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Ngày 15-9-1950, quân Mỹ kéo cờ Liên hợp quốc đổ bộ lên Nhân Xuyên, can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên. Quân Mỹ còn oanh tạc một số thị trấn và làng mạc của Trung Quốc tại vùng Đông Bắc. Ngày 25- 10-1950, quân chí nguyện nhân dân Trung Quốc, dưới sự chỉ huy của tướng Bành Đức Hoài đã vượt sông Ap Lục, tiến vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên, chiến đấu bên cạnh quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.[47, tr. 34]. Chiến tranh Triều Tiên và sự can dự trực tiếp của Trung Quốc đã làm cho mục tiêu chính của Mỹ đối với Trung Quốc là tạo sự chia rẽ giữa Bắc Kinh và Moskva khó thể đạt được. Tuy nhiên, Chính phủ Truman vẫn cố gắng kiềm chế không để chiến tranh Triều Tiên lan rộng thành một cuộc xung đột trực tiếp giữa Hoa Kì và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hoa Kì bắt đầu thay đổi chính sách đối với vùng Đông Á theo hướng ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng hơn nữa ảnh hưởng trong vùng.
  12. Hai ngày sau biến cố 25-6-1950, Truman đã ra lệnh đưa Hạm đội 7 vào eo biển ngăn cách đảo Đài Loan và Hoa lục, nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột có thể có giữa Đài Loan và Trung Quốc. Chính sách này được gọi là “trung lập hóa Đài Loan”. Không đầy hai tháng sau, Truman chấp thuận lập quan hệ quân sự với Đài Loan và chuyển cho Chính phủ Quốc dân đảng những khoản viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế. Tháng 4- 1951, một phái bộ quân sự thường trực được đưa đến đây.[49, tr. 333]. Những diễn biến trên cho thấy Mỹ đã đặt Triều Tiên và Đài Loan vào tuyến phòng thủ tiền tiêu của mình ở Viễn Đông và áp đặt lệnh cấm vận đối với Trung Quốc. Đó là giai đoạn thứ nhất của quan hệ Trung –Mỹ. Nhưng có thể nói chính trong giai đoạn căng thẳng và xung đột là chủ yếu này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tính tới việc thiết lập quan hệ với Mỹ. Mặc dù khi ấy Mỹ không công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, nhưng đoàn đại biểu Trung Quốc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chu An Lai đã gặp các đối tác Mỹ lần đầu tiên vào ngày 5/6/1954. Các cuộc đàm phán giữa Trung – Mỹ ở cấp Đại sứ đã bắt đầu từ ngày 1/8/1955. Kéo dài đến đầu thập niên 70, các cuộc đàm phán thoạt trông có vẻ như không giúp gì nhiều vào việc cải thiện quan hệ giữa hai nước vì sau ngần ấy năm đàm phán, hai bên chỉ kí được mỗi thỏa ước duy nhất liên quan đến việc hồi hương của công dân hai nước. Nhưng thực ra chúng vẫn rất cần vì cho cả hai biết rõ hậu ý của đối phương và do đó tránh những hiểu lầm tai hại, nhất là vào những thời điểm căng thẳng. 1.1.2.Thập niên70: Bước ngoặt chuyển sang hòa dịu Trong khi quan hệ Trung – Xô phát triển theo chiều hướng gay gắt ( xung đột biên giới năm 1969), thì quan hệ Trung – Mỹ đã tiến triển theo chiều hướng hòa dịu. Nền tảng cơ bản của quan hệ của Mỹ đối với Trung Quốc là những tính toán về một kẻ thù chung – Liên Xô. Nixon và cố vấn an ninh của ông là Henry Kissinger đã dự định tranh thủ Trung Quốc bằng cách vạch ra viễn ảnh của một thế giới đa cực, thay cho thế giới lưỡng cực, mà trong đó Trung Quốc sẽ là một cực, ngang hàng với hai siêu cường Hoa
  13. Kì và Liên Xô. Chính phủ Nixon đã đưa ra nhiều sáng kiến đơn phương trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực quân sự: tháng 11-1969, việc tuần phòng của Hạm đội 7 dọc theo eo biển Đài Loan được hủy bỏ. Ngày 15-12-1969, Hoa Kì tuyên bố ý định di chuyển khỏi đảo Okinawa vũ khí hạt nhân, trước khi trao trả hòn đảo này cho người Nhật. Tháng 2-1970 Nixon và Kissinger đã thay chủ thuyết “Hai cuộc chiến tranh rưỡi” bằng chủ thuyết “Một cuộc chiến tranh rưỡi”. Nixon giải thích rằng Hoa Kì không còn vạch kế hoạch và chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh cùng lúc chống cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, cùng với nửa cuộc chiến tranh ở thế giới thứ ba. Với chủ thuyết mới, Hoa Kì chỉ còn phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Liên Xô và nửa cuộc chiến tranh ở thế giới thứ ba. Cuối cùng, ngày 28-7-1971, Chính phủ Mỹ loan báo ngưng các chuyến bay thám thính có và không có người lái trên lãnh thổ Trung Quốc. Trên lĩnh vực thương mại, Hoa Kì cũng đã từng bước tháo bỏ các giới hạn trong việc buôn bán giữa hai nước. Ngày 14-7-1971, chính sách cấm vận đã được hủy bỏ. Trong lĩnh vực chính trị, nét đặc trưng trong lập trường của Hoa Kì là sẵn sàng có những nhân nhượng trong vấn đề khôi phục chủ quyền của CHND Trung Hoa ở Liên hợp quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyện này, mức độ nhân nhượng tối đa của Nixon là từ bỏ việc công nhận Chính phủ Đài Loan đại diện cho toàn thể Trung Quốc và chuyển sang công thức “Hai Trung Quốc” [49, tr. 339-340]. Tín hiệu của Nixon phát ra đã được phía Trung Quốc đón nhận. Năm 1971, chủ tịch Mao Trạch Đông đã quyết định mời đoàn vận động viên bóng bàn Mỹ sang thăm Trung Quốc. Tại cuộc tiếp đón, Thủ tướng Chu An Lai đã có 1 câu nói nổi tiếng “Các bạn đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương giữa 2 dân tộc Trung, Mỹ”. Chỉ vài giờ sau bài phát biểu chào mừng của Thủ tướng Chu An Lai, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tuyên bố các sáng kiến thương mại và du lịch giữa Mỹ và Trung Quốc. Tháng 2/1972 nhận lời mời của Thủ tướng Chu An Lai, Tổng thống Nixon đã tới thăm Trung Quốc. Đây là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước chưa thiết lập ngoại giao
  14. chính thức với Bắc Kinh đến Trung Quốc. Kết quả chủ yếu trong chuyến thăm này là việc ký kết Thông cáo chung đầu tiên, còn gọi là “Thông cáo chung Thượng Hải” ngày 28/2/1972. Trong “Thông cáo chung” thượng Hải”, phía Trung Quốc nhấn mạnh:” Vấn đề Đài Loan là vấn đề then chốt cản trở việc bình thường hóa quan hệ Trung – Mỹ,…giải phóng Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc…, toàn bộ lực lượng vũ trang và và thiết bị quân sự của Mỹ phải rút khỏi Đài Loan…”. Phía Mỹ tuyên bố: Nước Mỹ đã nhận thức rằng tất cả người Trung Quốc ở hai bên bờ eo biển Đài Loan đều cho rằng chỉ có một nước Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc…Trong thời gian này, nước Mỹ tùy thuộc vào tiến trình hòa dịu tình hình căng thẳng của khu vực để giảm bớt dần lực lượng vũ trang và thiết bị quân sự của mình ở Đài Loan.[47, tr.160]. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon và bản Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 là một bước đột phá trong quan hệ Trung – Mỹ. 1.1.3.Giai đoạn thứ ba: chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Bắt đầu khi hai nước bình thường hóa và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao 1978 cho đến sự kiện Thiên An Môn. Ngay sau khi lên nhậm chức năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã khẳng định lợi ích của Thông cáo chung Thượng Hải đối với quan hệ Trung – Mỹ. Mối quan hệ song phương tiếp tục được duy trì trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài. Sau khi Thủ tướng Chu An Lai qua đời (1978), Đặng Tiểu Bình đã kế thừa các tư tưởng của ông và tiếp tục phát triển các quan điểm ấy.
  15. Đầu tháng 7 năm 1978, đại diện Trung – Mỹ bắt đầu các cuộc hội đàm nhằm bình thường hóa quan hệ. Thông cáo chung của Trung – Mỹ về việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã được đưa ra ngày 16/12/1978 nêu rõ : “-Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa đã nhất trí công nhận nhau và thiết lập mối quan hệ ngoại giao kể từ ngày 1/1/1979 -Hoa Kỳ công nhận Chính phủ CHND Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của nước Trung Quốc. Trong khuôn khổ này, người dân Hoa Kỳ sẽ duy trì quan hệ văn hóa, thương mại cùng các quan hệ không chính thức khác với người dân Đài Loan. -Hoa Kỳ và Trung Hoa tái khẳng định những nguyên tắc đã được hai bên nhất trí trong Thông cáo chung Thượng Hải và một lần nữa nhấn mạnh rằng : +Hai bên đều mong muốn giảm bớt nguy cơ xung đột quân sự quốc tế +Cả hai đều không mong muốn tìm kiếm ưu thế bá chủ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương hay bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, cả hai đều phản đối nỗ lực của bất kỳ nước nào hoặc nhóm nước nào khác muốn thiết lập địa vị bá chủ ấy. +Cả hai không sẵn sàng thương lượng đại diện cho bất kỳ bên thứ ba nào hoặc không tham gia vào những thỏa thuận song phương nhằm vào các nước khác. +Chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. +Cả hai tin rằng việc bình thường hóa quan hệ Trung – Mỹ không chỉ nằm trong lợi ích của nhân dân hai nước mà còn đóng góp vào sự nghiệp hòa bình ở châu Á và trên thế giới.[54]
  16. Quan hệ giữa hai nước được nâng thêm một bước bằng chuyến viếng thăm Hoa Kì của Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình kéo dài từ ngày 29-1 đến này 5-2-1979. Kết quả chính trong lĩnh vực kinh tế là một loạt hiệp ước song phương và cả hệ thống tư vấn cấp bộ và cấp cơ quan. Cấp độ cộng tác khoa học – kĩ thuật giữa hai bên được nâng lên hàng quốc gia ( trước 1979, quan hệ cộng tác này được thực hiện từ phía Hoa Kì bởi các trường đại học hay tổ chức phi chính phủ). Chính phủ Hoa Kì đã kí hàng loạt thỏa ước cộng tác với Trung Quốc trong các ngành như vật lý năng lượng cao, kĩ thuật hàng không, thủy điện, y học… Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc bao gồm cả việc kết thúc quan hệ chính thức với Đài Loan; Mỹ rút lực lượng quân đội còn lại ở đó và chấm dứt Hiệp ước an ninh với Đài Loan. Nhưng Mỹ và Trung Quốc cũng đạt được sự hiểu biết lẫn nhau trong việc Trung Quốc không từ bỏ sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan và Mỹ vẫn muốn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Kế tiếp, vào tháng 4 năm 1979, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua một dự thảo chống lại Carter, “Nghị quyết về bang giao với Đài Loan”, nghị quyết này xem bất cứ việc sử dụng vũ lực nào đối với Đài Loan cũng là đe dọa đến an ninh của vùng Tây Thái Bình Dương và là mối quan tâm lớn đối với Mỹ. Tiếp theo việc thiết lập ngoại giao chính thức với Mỹ là cuộc viếng thăm rất thành công của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Ong đã công khai thề “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã xâm lược Campuchia vào năm 1978 với sự trợ giúp của Liên Xô. Sau vụ xâm nhập có hạn chế vào Việt Nam vào tháng 2 và 3 năm 1979, Trung Quốc đã liên minh với Mỹ một cách không chính thức. Tháng 4 năm 1979, Trung Quốc chấp nhận cho đặt ở vùng Tân Cương các thiết bị thám thính điện tử để phát hiện các tên lửa của Liên Xô. Tháng 1 năm 1980, Bộ trưởng Quốc phòng Brown đã viếng thăm Bắc Kinh sau hành động xâm lược Afghanistan của Liên Xô và bắt đầu chính sách xuất khẩu sang Trung Quốc các kỹ thuật quân sự phi hạt nhân hiện đại. Trước khi năm 1980 kết
  17. thúc, Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập các chính sách “song hành” ở Campuchia và Afghanistan. (Là đồng minh riêng rẽ của Thái Lan và Pakistan, Mỹ và Trung Quốc đã hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho quân kháng chiến ở Campuchia và Afghanistan). Cả Mỹ và Trung Quốc đều cùng hành động để bác bỏ quyền đại diện Campuchia ở Liên Hiệp quốc của chính phủ Phnompenh do Việt Nam dựng lên và cô lập Việt Nam cả về kinh tế lẫn chính trị. Nói rõ ràng hơn, vào thời gian này, trong nhiều vấn đề lập trường của Trung Quốc luôn giống lập trường của Mỹ [67, tr.156-157). Năm 1981, Ronald Reagan trở thành Tổng thống Hoa Kì. Là một nhà hoạt động chính trị trưởng thành trong làn sóng chống cộng của thập niên 50, Reagan nhìn “nhân tố Trung Quốc” trong chính sách đối ngoại của Hoa Kì có phần dè dặt hơn người tiền nhiệm. Chính Tổng thống Reagan đã làm phật lòng Bắc Kinh bằng bài phát biểu kêu gọi Mỹ nâng cấp quan hệ với Đài Loan. Quan trọng hơn, chiến lược của Reagan về việc tái xây dựng các lực lượng hạt nhân và vũ khí quy ước đồ sộ của Mỹ cộng với kế sách tiếp cận Liên Xô mạnh mẽ hơn đã biểu hiện cho thấy Washington không còn quá coi trọng vai trò Trung Quốc trong việc kềm chế các hành động của Liên Xô nữa. Ít quan trọng hơn đối với Mỹ, Trung Quốc càng phải vận động ngoại giao nhiều hơn để giảm bớt nguy cơ bị Liên Xô gây hấn. May mắn thay, do Liên Xô bị sa lầy ở Afghanistan, Trung Quốc có thể có đủ thời gian để tự trang bị. Tại Đại hội đảng lần thứ XII, năm 1982, Trung Quốc xác định bắt đầu thực hiện một “chính sách đối ngoại độc lập”. Theo đó, Trung Quốc sẽ “không bao giờ gắn kết mình với một cường quốc lớn hoặc một nhóm cường quốc nào” [68, tr. 158]. Tuy rằng kỳ vọng của cả hai nước dành cho nhau đều giảm sút, nhưng Mỹ vẫn phát triển tốt nhất những quan hệ với Trung Quốc trong những năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Reagan. Quan hệ đối tác “song hành” của họ ở Campuchia và Afghanistan vẫn tiếp tục cho đến năm 1988-1989, lúc Mỹ đạt được thỏa thuận với Liên Xô về phương cách chấm dứt chiến tranh. Hơn nữa, quan hệ thương mại và các quan hệ khác
  18. với Trung Quốc vẫn phát triển tốt mặc dù có những khác biệt giữa hai xã hội. Tháng 11/1989, George Bush trúng cử, người ta tưởng rằng quan hệ Trung – Mỹ sẽ lên đến đỉnh cao vì Bush đã từng làm việc ở Trung Quốc với tư cách là Trưởng văn phòng liên lạc của Mỹ. Nhưng sau khi Bush nhậm chức không bao lâu thì nổ ra sự kiện Thiên An Môn (4/6/1989) kéo theo một làn sóng Mỹ và phương Tây cấm vận trừng phạt Trung Quốc. 1.2.Quan hệ Trung – Mỹ sau chiến tranh lạnh: Giai đoạn tiếp theo là thời kỳ quan hệ Trung - Mỹ trong bối cảnh kết thúc Chiến tranh lạnh. Điều hết sức trớ trêu là trong không khí chung trên thế giới, đặc biệt là giữa các nước lớn bắt đầu ấm dần lên thì quan hệ Trung – Mỹ lại lạnh đi vì nhiều lý do. Với sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Từ đầu thập kỷ 1990, “mục tiêu chiến lược xuyên suốt, nhất quán, không thay đổi, mang tính chất lâu dài là duy trì và củng cố vị trí bá quyền thế giới của Mỹ trên tất cả các lĩnh vực chính trị – tư tưởng, kinh tế – thương mại, quân sự – an ninh.”[26, tr.294]. Ba diễn biến quan trọng trong thập kỷ 1990 đã làm tăng lên những bất đồng căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ, đó là: Thứ nhất là những xung đột gay gắt về vấn đề nhân quyền khởi phát từ cuộc trấn áp sinh viên và những người biểu tình ở Trung Quốc năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn. Đối với chính quyền Bush và chính quyền Clinton, cuộc trấn áp này gợi lên vấn đề trừng phạt kinh tế và mối liên hệ giữa nhân quyền với quy chế thương mại tối huệ quốc (MFN). Ơ tầm rộng hơn, nó cho thấy những hạn chế của sự thay đổi chính trị ở Trung Quốc và trở thành một vấn đề lớn trong quan hệ Trung – Mỹ.
  19. Thứ hai là, với sự kết thúc của chiến tranh lạnh và sự biến mất của kẻ thù chung Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ bước vào thời kì sau chiến tranh lạnh với những khác biệt về địa chính trị mang tính toàn cầu ngày càng rõ nét hơn nhưng tương đồng giữa họ. Tính đến sự tăng trưởng kinh tế phi thường và quá trình hiện đại hóa cùng với phong cách ngoại giao cương quyết của Trung Quốc, nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc còn có nhiều khả năng trở thành những thách thức vị thế quyền lực toàn cầu của Mỹ trong những thập kỷ tới hơn cả Nga. Trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc thường đứng về phía Iraq, Iran và những đối thủ khác của Mỹ bằng cách, ví dụ như, cung cấp cho họ những vũ khí và công nghệ sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Quan hệ Trung – Nga cũng có những dấu hiệu tiến gần lại nhau hơn cho dù không thể bằng được mức liên minh thời kì đầu chiến tranh lạnh. Thứ ba là, sự nổi lên ngày càng mạnh của Trung Quốc thành một cường quốc ở khu vực Đông Á đe dọa làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực trong khu vực. Những nước như Nhật Bản vốn luôn lo ngại về một nước Trung Quốc quá mạnh cần phải được làm an lòng, tuy nhiên, những quan ngại riêng của Trung Quốc về an ninh quốc gia và về một nước Nhật Bản quá mạnh cũng cần phải được tính đến, Mỹ và Trung Quốc còn có những bất đồng về Bắc Triều Tiên và về cách thức xử lý tốt nhất mối đe dọa mà quốc gia này gây ra cho sự ổn định khu vực. Nhưng vấn đề căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ – Trung vẫn không thay đổi kể từ chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1949. Liệu Đài Loan có sáp nhập vào với Trung Quốc lục địa hay không, hay vùng lãnh thổ này sẽ duy trì sự tách biệt và thậm chí có thể trở thành một quốc gia độc lập được công nhận? Và liệu vấn đề này có được giải quyết một cách hòa bình hay không? Hai đối sách được lựa chọn chủ yếu trong chiến lược đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc thời kì sau chiến tranh lạnh đó là ngăn chặn và can dự. Sở dĩ có sự tranh luận như
  20. vậy vì luôn có khó khăn trong việc đánh giá tầm quan trọng hiện hành của Trung Quốc là cường quốc hay chỉ là một cường quốc tiềm tàng, đặc biệt khi Trung Quốc giữ vững được mức tăng trưởng kinh tế cao và có ảnh hưởng kinh tế trong khu vực ngày càng tăng. Ngăn chặn là một kiểu chiến lược thời chiến tranh lạnh của Mỹ đối với Liên Xô, cho dù với Trung Quốc thì ở mức độ nhẹ hơn và quy mô hạn chế hơn. Chiến lược ngăn chặn đối với Trung Quốc không mang tính đối đầu song cũng kiên quyết. Mục tiêu chủ yếu trong đối sách này là kiềm chế, nhằm ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc trở thành một thách thức đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Mỹ. Một số cuộc khủng hoảng và những vấn đề gây tranh cãi đã củng cố thêm quan điểm ngăn chặn của Mỹ đối với Trung Quốc. Năm 1998, thông tin lan ra là Trung Quốc đã từng sử dụng những cuộc tiếp xúc với Mỹ thông qua hợp tác quân sự, khoa học và kinh tế nhằm đánh cắp những bí mật về chế tạo và phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ. Những căng thẳng về vấn đề Đài Loan lại bùng lên giữa năm 1999 sau khi người đứng đầu Đài Loan đưa ra những phát biểu ủng hộ độc lập và Trung Quốc phản ứng lại bằng những lời đe doạ thẳng thừng. Những vấn đề gây tranh cãi như vậy đã làm tăng thêm những mối quan ngại về việc tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc và thái độ khiêu khích của Trung Quốc trong một số vấn đề an ninh khu vực. Những người ủng hộ can dự có cách nhìn khác về Trung Quốc, mặc dù không phải là đối lập hoàn toàn. Họ thận trọng khi đánh giá lợi ích của Trung Quốc ở khu vực, nhưng họ nhìn nhận những lợi ích đó theo hướng ít nguy cơ hơn. Trung Quốc muốn có một vai trò ở châu Á – Thái Bình Dương mà với tầm cỡ và lịch sử của mình, nước này cảm thấy là hoàn toàn có thể. Điều này thực tế đã gây ra căng thẳng và Mỹ phải đứng về phía những đồng minh của mình và bảo vệ những lợi ích của Mỹ, nhưng vấn đề này có thể được giải quyết thông qua ngoại giao và đàm phán. Bên cạnh đó, về quân sự, Trung
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2