HNUE JOURNAL OF SCIENCE<br />
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 34-44<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0025<br />
<br />
MỘT SỐ THỂ THƠ TRONG THƠ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI<br />
(KHẢO SÁT QUA NĂM TẬP CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO)<br />
<br />
Nguyễn Thị Kim Hồng<br />
Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên<br />
Tóm tắt. Đức tin là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ tôn giáo. Cảm hứng về Đức tin thể hiện<br />
rất đa dạng, phong phú trong thơ tôn giáo, nó chi phối đến cách lựa chọn đề tài, chủ đề, hình ảnh,<br />
nội dung, ngôn ngữ... Để chuyển tải mạch cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của mình, các nhà<br />
thơ đã tìm tòi, sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau từ cách thức tổ chức ngôn ngữ,<br />
giọng điệu, đến sự lựa chọn thể thơ, lựa chọn các hình ảnh biểu tượng phù hợp. Bài báo này sẽ<br />
đi sâu tìm hiểu về sự lựa chọn các thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại khảo sát qua<br />
năm tập Có một vườn thơ đạo, một bộ tuyển tập đồ sộ thơ Công giáo Việt Nam từ thế hệ của<br />
Hàn Mặc Tử đến nay.<br />
Từ khóa: Thể thơ, thơ Công giáo Việt Nam hiện đại.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Từ lâu, văn học Công giáo chủ yếu được biết đến nhiều ở lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt trong<br />
công cuộc hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ XX. Phần về thơ, quả thực còn ít được chuyên tâm tìm<br />
hiểu. Điều này đặt ra sự nghi ngại của các nhà nghiên cứu về sự tồn tại hay không tồn tại của một<br />
dòng thơ Công giáo Việt Nam, cũng như quá trình vận động, sức sống, và vị trí, ý nghĩa của thơ<br />
Công giáo trong lịch sử thơ ca dân tộc. Năm 2012, Có một vườn thơ đạo ra đời cho thấy có sự hiện<br />
hữu của một dòng thơ Công giáo Việt Nam trong lòng thơ ca dân tộc. Với vai trò tiên phong và đại<br />
diện của Hàn Mặc Tử, thơ Công giáo đã có những bước vận động phát triển nhất định. Dù khiêm<br />
nhường và có phần lặng lẽ, sự hiện diện của thơ Công giáo với những nét đặc sắc riêng đã góp phần<br />
ít nhiều trong việc làm phong phú hóa nền thơ ca Việt Nam. Và riêng đối với công cuộc hiện đại hóa<br />
thơ ca đầu thế kỉ XX, trong những tác động mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, không thể không có<br />
sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo thông qua các tác phẩm thơ.<br />
Đã có một số công trình nghiên cứu quan tâm về thơ Công giáo như Võ Long Tê (1965) nghiên<br />
cứu về Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam [13], Lê Đình Bảng (2009) đã sưu tầm và giới thiệu<br />
các tác phẩm thi ca Công giáo [1-7], Trăng Thập Tự (2012a) tập hợp các công trình nghiên cứu về<br />
“thơ cầu nguyện” của Hàn Mặc Tử, tập hợp các bài viết về vấn đề tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử<br />
của nhiều nhà nghiên cứu như Phan Cự Đệ, Quách Tấn, LM. Trần Cao Tường... [14], Trăng Thập<br />
Tự (2012a) cũng đã dày công sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm thơ Công giáo từ thế hệ của Hàn<br />
Mặc Tử đến nay [14], Trăng Thập Tự (2012b) [15], Trăng Thập Tự (2012c) [16], Trăng Thập Tự<br />
(2012d) [17], Trăng Thập Tự (2015) [18], những bài viết đề cập đến vấn đề tôn giáo trong thơ Hàn<br />
Mặc Tử như: Đạo và đời trong thơ Hàn Mặc Tử của Yến Lan; Quan niệm về thơ của Hàn Mặc Tử<br />
của Mai Văn Hoan; Sự nghiệp ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử của Quách Tấn; Con<br />
người trong thơ Hàn Mặc Tử của Nguyễn Thị Hồng Nam... được tập hợp trong công trình Hàn Mặc<br />
Ngày nhận bài: 1/2/2018. Ngày sửa bài: 29/3/2018. Ngày nhận đăng: 1/4/2018.<br />
Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Kim Hồng. Địa chỉ e-mail: nguyenkimhong504@gmail.com<br />
<br />
35<br />
<br />
Nguyễn Thị Kim Hồng<br />
<br />
Tử - thơ và đời do nhóm trí thức Việt thực hiện (2016) [11]. Lê Hồ Quang (2015) thực hiện công<br />
trình nghiên cứu phê bình thơ Việt Nam hiện đại và một số hiện tượng thơ đáng chú ý ở các giai<br />
đoạn khác nhau [12]. Công trình của Hoài Thanh, Hoài Chân (2005) [20], công trình của Nguyễn<br />
Toàn Thắng (2007) nghiên cứu về tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và những điểm đặc biệt về thi<br />
pháp thơ của nhóm thơ Bình Định [21]. Luận văn thạc sĩ nghiên cứu về Cảm hứng tôn giáo trong<br />
thơ Mới 1932 - 1945 của Nguyễn Thị Phương Thúy (2010) [22]. Công trình nghiên cứu về Cảm<br />
hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn của Mai Thị Thảo (2014) [19], Chu Thị Thu Hằng (2012)<br />
nghiên cứu về Cảm quan tôn giáo trong thơ Nguyễn Quang Thiều [10],.... Những công trình đã có<br />
là gợi ý quan trọng để chúng tôi thực hiện nghiên cứu về thơ Công giáo Việt Nam hiện đại về<br />
phương diện nội dung cũng như nghệ thuật. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi sẽ tập trung<br />
nghiên cứu về hệ thống thể loại trong thơ Công giáo để làm rõ những đóng góp về phương diện<br />
nghệ thuật của thơ Công giáo đối với thi ca Việt Nam hiện đại.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Cách tân các thể thơ truyền thống<br />
Đức tin là yếu tố cốt lõi của một tôn giáo, thơ ca viết về tôn giáo không thể không viết về Đức<br />
tin. Đồng thời nhiều nhà thơ viết về tôn giáo đều theo đạo hoặc thấm nhuần tư tưởng của đạo mà<br />
họ đang quan tâm, ở họ sẵn có lòng mộ đạo, niềm tin tôn giáo luôn hiện diện trong tâm hồn của<br />
nhà thơ Công giáo, vì thế thơ như một phương tiện giãi bày cảm xúc về đức tin đó. Xét từ mối<br />
quan hệ giữa Đức tin tôn giáo và hoạt động sáng tạo thơ ca, có thể thấy, từ Phật giáo, Đạo giáo<br />
hay Thiên Chúa giáo, Đức tin của đạo luôn là nguồn cảm xúc mãnh liệt thôi thúc sự sáng tạo trong<br />
nghệ thuật. Thơ ca chính là phương tiện giãi bày những xúc cảm và khát vọng mãnh liệt về Đức<br />
tin của các nhà thơ. Mặt khác, trong thực tế cuộc sống, khi bế tắc con người thường tìm đến đức<br />
tin tôn giáo, dù là vô thức, nhằm giải thoát những ẩn ức. Sự phong phú trong cảm xúc về Đức tin<br />
của các nhà thơ Công giáo tất dẫn đến sự lựa chọn nhiều thể thơ. Quan sát 5 tập thơ Có một vườn<br />
thơ đạo, có thể thấy, không có nhà thơ nào chỉ sử dụng một thể duy nhất. Các nhà thơ sáng tác đa<br />
dạng trên tất cả các thể thơ, từ các thể thơ truyền thống đến các thể thơ hiện đại. Qua khảo sát, thống<br />
kê, chúng tôi thấy có các thể thơ như thể bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát, song<br />
thất lục bát, đường luật, thơ hợp thể, thơ tự do, kịch thơ, thơ văn xuôi, trường ca.<br />
Như vậy, trong hàng ngũ các thể thơ, có sự hiện diện của các thể thơ truyền thống (bao gồm các<br />
thể: Đường luật, lục bát, song thất lục bát) và loại hình câu thơ truyền thống (xuất hiện trong các thể<br />
hiện đại: 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và dạng hợp thể). Ở phương diện này, thơ đạo đã không hoàn<br />
toàn “đoạn tuyệt” với thơ truyền thống mà luôn có sự kế thừa và phát huy trên cơ sở cách tân, sáng<br />
tạo.<br />
Xuất hiện khá phổ biến là thể lục bát. Nhìn chung, thể lục bát trong thời kì mới đã được khai<br />
thác theo hướng hiện đại hóa, từ nội dung đến hình thức. Rất nhiều nhà thơ đạo đã hơn một lần tìm<br />
đến thể thơ này để sáng tác, tiêu biểu như: Lê Đình Bảng, Nghinh Nguyên, Xuân Ly Băng, Trần<br />
Văn Thi, Vũ Ngọc Bích, Long Giang Tử, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Quốc Dũng, Liễu Giang....<br />
Quan sát các bài thơ lục bát của các tác giả trên có thể thấy, thể lục bát đã khai thác được tối đa khả<br />
năng trữ tình và tự sự của thể thơ để diễn tả dòng cảm xúc rất mới: cảm xúc về Đức tin Thiên Chúa.<br />
Nhà thơ Hồ Dzếnh rất khéo léo khi lồng tình yêu đôi lứa vào không khí giáo đường với lời kinh vấn<br />
vương, với âm thanh chuông nhà thờ vang vọng... Vẻ huyền hồ của tôn giáo, của Đức tin càng làm<br />
cho tình yêu lứa đôi trở nên nhiệm màu: Em ạ quê ta tháp giáo đường/ Sáng chiều vẫn vọng những<br />
hồi chuông/ Ai đi xem lễ tôi đi với/ Gió đạo lời kinh tỏa vấn vương/ Đêm giáng sinh này em ở đâu/<br />
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu/ Ước chi sống lại thời xưa nhỉ/ Để trẻ ra và để hẹn nhau (Hoa<br />
mẫu đơn - Hồ Dzếnh). Thơ lục bát của Nghinh Nguyên lại đầy khắc khoải, chơi vơi trên hành trình<br />
tìm Chúa: Tôi tìm tôi giữa chợ đời/ Thấy mình phiêu dạt, chơi vơi lạc loài/ Cố vươn xa cõi trần ai/<br />
Đi tìm thượng đế - bóng ngài cao xa (Tôi tìm). Cái tôi thi nhân có lúc cô đơn, mong mỏi kiếm tìm<br />
36<br />
<br />
Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo)<br />
<br />
những nguồn cậy trông: Mẹ ơi! chiều đã xuống rồi/ Lòng con trống lạnh giữa đời đơn côi/ Hồn con<br />
- thuyền nhỏ biển khơi/ Phong ba bão táp biết đời về đâu/ Cậy trông ơn mẹ nhiệm mầu/ Giúp con<br />
vượt thoát nỗi đau lạc loài/ Giúp con những phút mệt nhoài/ Vững tin tiến bước hăng say tìm về/<br />
Giúp con vượt thoát đam mê/ Cho con vững bước tiến về nhà Cha (Cho con vững bước - Nghinh<br />
Nguyên),... Nhịp điệu của câu thơ lục bát trên được thể hiện hoàn chỉnh qua hai dòng thơ, sự kết hợp<br />
của vần chân và vần lưng và được gieo ở số từ chẵn tạo nên cho thể thơ này một âm hưởng và nhịp<br />
điệu riêng. Trong thể lục bát, vần chân và vần lưng bao giờ cũng hiệp vần với thanh bằng nên nhịp<br />
điệu chung của câu thơ lục bát thường nhẹ nhàng, uyển chuyển và ngân vang. Thơ lục bát, vì thế, rất<br />
có ưu thế trữ tình trong phô bày cảm xúc. Các nhà thơ Công giáo đã khai thác tối đa thế mạnh này<br />
của thể thơ nhằm diễn tả những nỗi buồn mơ hồ kéo dài, những tình cảm bâng khuâng thương nhớ:<br />
Hồn chiều lên ý não nề/ Buồn ơi! Xa vắng, đê mê là buồn/ Bỗng nghe một tiếng chuông buông/ Xa<br />
xôi tự tháp thánh đường nào đây (Chuông chiều - Xuân Ly Băng); những suy tư của con người<br />
trước cuộc đời hư vô, sự ý thức về cuộc đời hữu hạn và thân phận cát bụi, nhỏ nhoi của con người<br />
trong trần thế: Từ con tỉnh giấc mê đời/ Sầu thôi sắc tím xanh ngời bình yên/ Thoảng về trận gió siêu<br />
nhiên/ Bừng cơn ảo mộng ngả nghiêng đền đài/ Phù du trọn kiếp trần ai/ Triền miên một thưở đọa<br />
đày tấm thân/ Ngẫm suy nửa kiếp nhân trần/ Hồng ân tuôn đổ mở dần từ tâm (Cười - Nguyễn<br />
Kim Lệ); cùng những khát vọng mạnh mẽ về Đức tin, về thế giới Thiên đường, về cõi thiên thu<br />
của các tín đồ Thiên Chúa: Hoa đời tan tác cánh nhung/ Từng chiều lặng lẽ thẹn thùng nỗi đau/<br />
Trần gian xơ xác một màu/ Bởi vòng tục lụy ngọt ngào bùa mê... Tôi ơi dừng bước ruổi rong/<br />
Tin yêu về với tình nồng thiên thu (Về với tình nồng - Cao Huy Hoàng).<br />
Bên cạnh khả năng trữ tình, thể lục bát cũng rất mạnh về tự sự. Với khả năng “kể chuyện” bằng<br />
thơ cùng đặc điểm dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng quần chúng, thể lục bát rất có ưu thế trong việc<br />
“thi hóa Thánh kinh”. Các nhà thơ đạo đã tận dụng tối đa ưu điểm của thể thơ để chuyển tải nội<br />
dung giáo lí, kinh bổn, điều răn. Từ đó những bài giáo huấn khô khan khó hiểu trong Kinh thánh lại<br />
trở nên dễ tiếp nhận hơn với đông đảo con chiên. Có thể bắt gặp khá nhiều trong thơ đạo những câu<br />
chuyện bằng thơ sống động như: Bài giảng trên núi, Dụ ngôn người gieo giống, Hồn tôi lên tiếng,<br />
Trên đường rao giảng, Tâm niệm, Tổng kết (Long Giang Tử), Tiệc cưới Cana, Phép lạ hóa bánh lần<br />
đầu, Đức Mẹ dưới chân Thánh giá, Chúa trối Đức Mẹ cho Gioan, Chúa than thở, Chúa kêu khát,<br />
Chúa trút linh hồn, Đức Mẹ khóc con, Chúa lên trời (Nguyễn Xuân Văn), Pharông tuyên bố tha về,<br />
Dân oán trách Mosê, Trên đường hồi hương qua biển Đỏ (Cao Vĩnh Phan), một số bài Thánh vịnh<br />
của Gérard Gagnon Nhân, Năm sự vui, Năm sự sáng (Võ Ngọc Bích); ... Trong số này, đặc biệt nổi<br />
bật tác phẩm Sứ điệp tình thương của tác giả Nguyễn Văn Xuân với 9764 câu thơ lục bát. Đây là<br />
một nỗ lực lớn của nhà thơ trong việc thực hiện diễn ca toàn bộ Tin mừng.<br />
Không dừng lại ở đó, các nhà thơ đạo còn tìm cách thay đổi một số yếu tố thi pháp thơ lục bát<br />
nhằm tìm một hình thức biểu đạt mới mẻ cho vấn đề Đức tin. Nhà thơ Vũ Đức Trinh tìm cách tách<br />
đôi cú pháp câu thơ bằng dấu chấm câu giữa dòng: Đượm hương nhân đức Chúa trời/ Thanh cao,<br />
siêu thoát. Cõi đời hay không (Hương sắc cao thiêng). Nhà thơ cố tình kết bài lục bát bằng một câu<br />
lục như một lời gọi thiết tha: Lặng nghe chuông đổ mỗi chiều/ Lá vàng tuôn rụng hắt hiu vườn nhà/<br />
Tiếng chuông trong gió ngân nga/ Âm thanh rút ngắn đời ta dần dần/ Rồi đây chuông vẫn còn ngân/<br />
Thân em khuất dạng khỏi sân khấu đời/ Tìm về với Chúa em ơi! (Trong tiếng chuông). Nhà thơ Lê<br />
Đình Bảng viết khá nhiều lục bát. Ở thể loại này, nhà thơ cũng vận dụng nhiều thủ pháp như chấm<br />
câu giữa dòng, tạo câu vắt dòng, dấu chấm lửng giữa những câu thơ: Ta nhìn trong mắt em xanh/<br />
Hoa xoan tim tím, mỏng manh. Ô kìa/ Ở nơi vòm cửa bên kia/ Có đôi chim mới tha về cọng rơm<br />
(Vào đền lễ hương), Thế rồi... một sớm heo may/ Em đi vẫy những bàn tay vô hồn (Vượt qua),... Lục<br />
bát của Nguyễn Văn Ái lại có cách ngắt câu thơ rất mới lạ:<br />
Sáng danh<br />
Nguyện sớm kinh chiều<br />
Mân côi lần chuỗi<br />
37<br />
<br />
Nguyễn Thị Kim Hồng<br />
<br />
Tín điều tạc ghi<br />
Xưa vâng Thiên ý<br />
Một thì<br />
Yêu là cõi phúc<br />
Đền nghì tình ai<br />
Thủy chung về nước Ba Ngôi<br />
Yêu là hơi thở của trời<br />
Bén duyên linh khí<br />
An vui Thánh tình<br />
(Tạc ghi – Nguyễn Văn Ái)<br />
Những hình thức biểu hiện mới lạ này tạo ấn tượng âm thanh và thị giác mạnh mẽ cho người<br />
đọc, từ đó chuyển tải hữu hiệu dòng cảm xúc về tình đạo, tình đời.<br />
Cùng với thể lục bát, thể thơ song thất lục bát cũng xuất hiện trong vườn thơ đạo, dù không<br />
nhiều. Cũng như thể lục bát, song thất lục bát được nhiều nhà thơ khai thác khả năng tự sự vốn có<br />
của thể loại nhằm thực hiện sứ mệnh “truyền tin”, tiêu biểu là các tác phẩm: Giáng sinh, Rao giảng<br />
nước trời, Dụ ngôn nước trời, Bữa tiệc ly, Cầu nguyện một mình (Phạm Đình Tụng),... Thể song thất<br />
lục bát còn có ưu thế trữ tình trong việc biểu tỏ dòng tâm trạng u uất, sầu thương được tạo nên từ<br />
nhịp điệu của hai câu thất và cặp câu lục bát. Một số nhà thơ đạo đã tìm thấy sự đồng điệu ở đặc<br />
điểm này của thể thơ, vận dụng nó vào giãi bày dòng cảm xúc uất hận, nghẹn ngào: Ôi đau xót tái tê<br />
tủi hận/ Quảng đời chiều lủi thủi mình em/ Lần theo bước của con tim/ Tìm anh trong cõi vô biên<br />
vĩnh hằng ... Duyên trần đứt từ đây anh nhé/ Hội thiên đàng ta sẽ gặp nhau (Khóc bạn trăm năm Maria Ngọc Minh), Hãy nghe tiếng tôi kêu, hỡi Chúa!/ Xin lắng tai nghe tỏ lời tôi/ Từ nơi cùng đất<br />
cuối trời/ Tôi kêu cầu Chúa rã rời tâm can (Kẻ lưu đày khẩn nguyện - Mai Lâm). Số ít bài thơ mang<br />
cảm hứng tụng ca, ngợi khen của Đức Maria cũng vận dụng thể song thất lục bát nhưng không nhiều.<br />
Thể Đường luật - một thể thơ điển hình của loại hình thơ cổ điển, với niêm luật, vận đối hết sức<br />
chặt chẽ, quy phạm vẫn hiện diện trong “vườn thơ đạo” dù số lượng rất ít. Đó những bài thơ đầu tiên<br />
trong nghiệp thơ của Hàn Mặc Tử, cảm quan tôn giáo của nhà thơ lúc này còn mờ nhạt. Một số nhà<br />
thơ lớn tuổi sau 1975 cũng vận dụng thể Đường luật nhằm bày tỏ những chiêm nghiệm cuộc đời,<br />
chiêm nghiệm Đức tin, tuy nhiên số bài thơ này khá khuôn sáo về hình thức và nội dung. Tuy nhiên,<br />
thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp vài bài Đường luật có thi tứ: Tinh tú bay - Nguyễn Văn Ái, Phút nhiệm<br />
màu - Vũ Đan Thanh.<br />
Như vậy, có thể thấy, trong sự lựa chọn thể loại biểu đạt thích hợp dòng cảm xúc về Đức tin tôn<br />
giáo, các nhà thơ đạo đã không hề ngần ngại đưa vào các thể thơ truyền thống để sáng tác. Trong đó,<br />
thể lục bát là phổ biến hơn cả. Thể lục bát với ưu thế về khả năng trữ tình, phong phú trong việc<br />
chuyên chở nội dung, với âm điệu nhẹ nhàng, êm ái rất thích hợp để các nhà thơ bày tỏ những suy<br />
niệm sâu sắc về đời về đạo. Đồng thời, với khả năng diễn ca, kể chuyện, vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc,<br />
thể lục bát cũng được các nhà thơ đạo ưa chuộng sử dụng nhằm tái hiện sống động các câu chuyện<br />
Thánh kinh, rao giảng luân lí tôn giáo. So với thể lục bát, thể Đường luật với công thức gò bó, quy<br />
phạm chặt chẽ, thể song thất lục bát đặc trưng với điệu thơ u uất, sầu thương rất khó thích hợp biểu<br />
đạt các vấn đề về Đức tin tôn giáo... Thực tế này cho thấy, một mặt, các nhà thơ Công giáo đã rất nỗ<br />
lực trong việc làm mới các thể truyền thống nhằm đa dạng hóa hình thức biểu đạt các vấn đề về Đức<br />
tin tôn giáo, mặt khác, sự hiện diện không nhiều của các thể truyền thống cũng nói lên thực tế khó<br />
hòa hợp giữa một nội dung mới mẻ mang tính chất thần học siêu hình, vốn có căn cốt từ văn hóa<br />
phương Tây, với một hình thức truyền thống đã quá ư cổ điển và quy phạm.<br />
<br />
38<br />
<br />
Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo)<br />
<br />
2.2. Sử dụng phong phú các thể thơ hiện đại<br />
Bên cạnh việc sử dụng các thể thơ truyền thống, các nhà thơ Công giáo còn tích cực vận dụng<br />
các thể thơ hiện đại, tiêu biểu là các thể thơ: 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thể tự do, hợp thể, thơ văn<br />
xuôi, kịch thơ và cả trường ca.<br />
Các thể 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ được xem là một sáng tạo của các nhà thơ hiện đại từ thời<br />
kì xuất hiện phong trào Thơ mới. Dựa trên loại hình các câu thơ truyền thống các nhà thơ mới đã tân<br />
tạo, khai sinh những hình thức thể loại mới nhằm diễn tả nội dung tinh thần phong phú của con<br />
người thời hiện đại. Nhận thấy các hình thức thơ này rất thuận tiện trong việc diễn tả những cảm xúc<br />
về Đức tin, các nhà thơ Công giáo đã sử dụng đa dạng các loại thể này, trong đó phổ biến nhất là các<br />
thể 7 chữ và 8 chữ. Đây là hai thể thơ có dung lượng chữ trong mỗi câu không quá ngắn, cũng<br />
không quá dài dễ gây cảm giác dàn trải, rất thích hợp trong biểu tỏ các sắc thái cảm xúc về Đức tin.<br />
Đặc biệt, số câu trong hai thể này có thể kéo dài vô hạn định, tạo lợi thế cho nhu cầu “kể chuyện”<br />
Kinh thánh của các nhà thơ Công giáo. Quan sát tập thơ, chúng tôi khảo sát được số lượng lớn các<br />
bài thơ 7 chữ, 8 chữ diễn tả các câu chuyện về Kinh thánh, tiêu biểu là các tác phẩm: Tiếng huệ đồng,<br />
Người gieo gống, Tôi đã gặp ba vua, Đêm vượt qua - Thanh Phương, Nhìn vào mắt Mẹ - Vũ Thủy,<br />
Mẹ bảy sự, mẹ sầu bi - Trần Ngọc Đăng... Ngoài ra, thể 7 chữ có khuôn hình tiết điệu khá nhịp<br />
nhàng (câu thơ 7 chữ thường ngắt nhịp chẵn/lẻ: 4/3, 2/2/3, 2/2/2/1) được tạo ra trên cơ sở cân đối<br />
giữa các âm tiết, các tiết tấu, đoạn mạch và vần nên rất thuận lợi cho nhà thơ giãi bày những cảm<br />
xúc trữ tình. Hầu như tác giả nào cũng có hơn một sáng tác bằng thể 7 chữ và thể 7 chữ có khả năng<br />
chuyển tải vô cùng phong phú các nội dung, cảm hứng về Đức tin. Từ nguyện cầu Thiên Chúa sưởi<br />
ấm nỗi sầu của cái tôi cá nhân cô đơn buổi giao thời: Trốn tránh đìu hiu kiếm lứa đôi/ Quên thân<br />
đau khổ giữa vui đời/ Khi đèn đỏ ngọn hồn kinh hoảng/ “Lạy Chúa nhân lành thương xót tôi”/...<br />
Chiều buốt linh hồn tôi đứng đây/ Nguyện cầu Thánh giá chắp đôi tay/ Rưng rưng mắt lệ nhìn xa<br />
thẳm/ Mơ lửa trời thiêng cháy vạn ngày (Hiu quạnh - Hồ Dzếnh); đến tinh thần ngợi ca Đức Mẹ,<br />
Thiên Chúa: Con nhớ một lần đứng ngắm trăng/ Giữa vườn hoa đẹp rộng thênh thang/ Bỗng đâu<br />
con nhớ lời thơ nọ/ Diễn tả dung nhan của mẹ rằng:/ “Mẹ đẹp vô ngần mẹ trắng phau/ Gấp nghìn<br />
hoa huệ, vạn bồ câu/ Và nhan sắc mẹ không là gấm/ Nhưng dệt bằng hương rất nhiệm màu... (Mẹ<br />
đẹp vô ngần - Hồ Dzếnh), Dưới ánh trăng vàng dệt nhớ thương/ Đất trời say mộng đắm sầu vương/<br />
Chúa ơi, con mến trong đêm vắng/ Tình Chúa mênh mông suốt canh trường (Bài ca tình ái - Xuân<br />
Ly Băng); hoặc có lúc là niềm hạnh phúc khi gặp gỡ Đức Mẹ, được hạnh ngộ Đức tin: Tôi bừng<br />
sống những phút giây rung động/ Trước tôn nhan từ mẫu Maria/ Đã sống và từ nay tôi sẽ sống/ Một<br />
hôm nay khác hẳn những ngày qua (Phút thiên đường - Maria Ngọc Minh); Mẹ hỡi đời con đã khổ<br />
nhiều/ Thân con lạc lõng chốn cô liêu/ Được về ấp ủ trong tay mẹ/ Con thấy đời con bớt quạnh hiu<br />
(Mẹ ơi con đã về đây - Hàn Khê); v.v...<br />
Hàn Mặc Tử sử dụng cả thể 7 chữ, 8 chữ và hầu hết thơ 7 chữ của Hàn Mặc Tử, không kể bài<br />
thơ dài ngắn, đều đã theo luật bằng trắc, ngắt nhịp của Đường thi. Ví dụ: Trong làn nắng ửng, khói<br />
mơ tan,/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng,/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc,/ Trên giàn thiên lý. Bóng<br />
xuân sang… (Mùa xuân chín), Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,/ Trời mơ trong cảnh thật huyền<br />
mơ/ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ (Đà Lạt trăng mờ), Sao anh<br />
không về chơi thôn Vỹ ?/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá<br />
trúc che ngang mặt chữ điền (Đây thôn Vỹ Dạ). Tuy nhiên, người đọc vẫn cảm giác có gì rất mới<br />
trong âm điệu câu thơ. Nếu quan sát kĩ, có thể thấy nhiều chi tiết câu thơ đã được tân tạo. Ta thấy<br />
dấu chấm câu giữa dòng Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang đã ngắt câu thơ thành hai cú pháp, tạo<br />
cảm giác đột ngột, gây ngạc nhiên vì xuân về đẹp quá. Nhân vật trữ tình sững sờ trước vẻ đẹp trần<br />
thế của mùa xuân, đồng thời một thứ ánh sáng ảo huyền, mầu nhiệm của thế giới khác cũng đã bắt<br />
đầu len lỏi. Câu thơ gợi lên niềm tin về một thế giới xuân đẹp đẽ, lung linh trong cảm quan tôn giáo<br />
của nhà thơ.<br />
39<br />
<br />