Xã hội học số 2 (118), 2012 89<br />
<br />
<br />
<br />
MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI BỨC THIẾT ĐỐI VỚI THIẾT CHẾ<br />
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY<br />
<br />
NGUYỄN ĐỨC CHIỆN<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Nhiều học giả trên thế giới nhận định rằng thiết chế hôn nhân và gia đình đã và<br />
đang có nhiều biến đổi trên phạm vi toàn thế giới do tác động của quá trình hiện đại hóa<br />
và toàn cầu hóa (Goode, 1963; Therborn, 2004). Tại Việt Nam, công cuộc Đổi mới và<br />
hội nhập quốc tế sâu rộng hơn hai thập kỷ qua đã và đang tác động mạnh mẽ đến hệ<br />
thống thiết chế xã hội, trong đó có thiết chế hôn nhân và gia đình. Những biến đổi mạnh<br />
mẽ trong đời sống gia đình Việt Nam đã buộc loại hình thiết chế này thay đổi, hoàn<br />
thiện nhằm phù hợp với thực tiễn xã hội. Bằng chứng về sự thay đổi này là hàng loạt<br />
văn bản chính thức (Luật, Nghị định) ở nhiều cấp độ khác nhau liên quan đến thiết chế<br />
hôn nhân và gia đình được ra đời hoặc hoàn thiện hơn trong thời gian qua nhằm đáp<br />
ứng nhu cầu xã hội.<br />
Có thể nói, sự ra đời và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hôn<br />
nhân và gia đình thời gian qua góp phần thiết lập các vai trò, trách nhiệm và quyền hạn<br />
của công dân cũng như cơ quan chức năng, từ đó góp phần vào việc nâng cao tiến bộ<br />
trong quan hệ hôn nhân và cải thiện bình đẳng trong các quan hệ gia đình ở nước ta. Tuy<br />
nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều điểm chưa phù hợp, bất cập so với thực tế xã hội; hơn nữa,<br />
sự vận hành của thiết chế đôi khi kém hiệu lực, chưa phát huy tác dụng các điều luật.<br />
Điều này dẫn đến hiệu lực của thiết chế không cao, tác động xấu đến các quan hệ trong<br />
hôn nhân và gia đình; hơn thế nó có ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu hiện đại hóa và<br />
phát triển xã hội Việt Nam tương lai.<br />
Việc nghiên cứu thiết chế hôn nhân và gia đình Việt Nam, tìm hiểu điểm phù hợp,<br />
bất cập của thiết chế này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất các giải pháp can<br />
thiệp nhằm hoàn thiện và phát huy thiết chế hôn nhân và gia đình Việt Nam giai đoạn tiếp<br />
theo. Dựa vào nguồn tài liệu nghiên cứu về biến đổi hôn nhân và gia đình Việt Nam<br />
những năm gần đây, báo chí, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, bài viết này cố gắng<br />
làm rõ tính hợp lý, bất cập của thiết chế hôn nhân và gia đình. Qua đó đề xuất giải pháp<br />
hoàn thiện và phát huy hiệu quả thiết chế hôn nhân và gia đình nước ta giai đoạn sắp tới.<br />
Ngoài phần đặt vấn đề, nội dung bài viết gồm có ba phần chính. Phần thứ nhất làm rõ<br />
khái niệm thiết chế hôn nhân và gia đình; phần thứ hai đề cập đến những vấn đề của thiết<br />
chế hôn nhân và gia đình Việt Nam mười năm gần đây; phần cuối cùng nhận xét về thiết<br />
chế hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay và giai đoạn sắp tới.<br />
2. Khái niệm thiết chế hôn nhân và gia đình<br />
Marshall cho rằng thiết chế xã hội nói tới những khía cạnh được củng cố vững<br />
chắc, được chính thức hóa hay đã trở thành tập quán của xã hội. Theo một nghĩa nào đó,<br />
<br />
TS, Viện Xã hội học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 90<br />
<br />
<br />
<br />
thiết chế có thể được xem như một loại "siêu tập quán", một tập hợp các tập tục, cung<br />
cách nhóm và khuôn mẫu hành vi liên quan đến những mối quan tâm xã hội (Marshall,<br />
G.1998: 317-318). Thiết chế là một hệ thống các quan hệ ổn định biểu hiện sự thống nhất<br />
được xã hội công khai thừa nhận nhằm mục đích thoả mãn các nhu cầu cơ bản của xã hội<br />
(Cohan, B và OrBuch, T 1995: 110-111). Như vậy, quan niệm của Marshall, Cohen,<br />
Orbuch cho thấy rõ thiết chế xã hội là những khía cạnh được củng cố vững chắc hay hệ<br />
thống quan hệ ổn định, nó có thể được chính thức hóa thành văn bản, luật pháp hoặc biểu<br />
hiện dưới dạng tập quán, tập tục. Nó được tạo ra nhằm thoả mãn nhu cầu và mối quan<br />
tâm của xã hội, có thể là của nhóm riêng.<br />
Thiết chế hôn nhân và gia đình với tính cách là một loại hình thiết chế xã hội cơ<br />
bản. Nó bao gồm hệ thống các quy định, chuẩn mực, giá trị xã hội về hành vi con người.<br />
Nó được chính thức hóa bằng văn bản pháp luật hay trở thành phong tục, tập quán của xã<br />
hội. Nó tồn tại nhằm thoả mãn nhu cầu của con người. Thiết chế hôn nhân và gia đình có<br />
một số chức năng cơ bản như điều hòa quan hệ xã hội, kiểm soát quan hệ xã hội và xác<br />
lập các vai trò của các cá nhân trong xã hội.<br />
Trong các phân tích dưới đây, chúng tôi nhấn mạnh các khía cạnh sự vận hành,<br />
chức năng kiểm soát của thiết chế hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay.<br />
3. Một số vấn đề xã hội đặt ra đối với thiết chế hôn nhân và gia đình Việt Nam<br />
hiện nay<br />
Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội<br />
chủ nghĩa Việt Nam khóa 10, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000 (Luật<br />
Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000). Luật này được hoàn thiện trên cơ sở kế thừa<br />
và phát triển pháp luật về Hôn nhân và Gia đình Việt Nam; Căn cứ vào Hiến pháp nước<br />
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Luật có 13 chương và 110 điều. Nhìn<br />
chung, những chương, điều khoản trong Luật bao phủ mọi mặt liên quan đến các khía<br />
cạnh khác nhau của hôn nhân và gia đình nước ta hiện nay; nội dung các điều luật phù<br />
hợp thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, đối chiếu thực tế hôn nhân - gia đình đang diễn ra cho<br />
thấy một số điều khoản, nội dung của luật chưa phù hợp, nhiều hiện tượng xã hội mới<br />
liên quan đến hôn nhân và gia đình xuất hiện nhưng chưa có trong điều luật; hơn nữa,<br />
nhiều điều luật đưa ra chưa thực hiện được hay nói cách khác hoạt động chưa hiệu quả do<br />
những rào cản xã hội. Phần này, đề cập và phân tích một số nội dung, điều luật chưa phù<br />
hợp hoặc chưa thực hiện được.<br />
3.1. Vấn đề hôn nhân<br />
a. Kết hôn với người nước ngoài<br />
Điều 103 chương XI có ghi “việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước<br />
ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết<br />
hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước<br />
ngoài còn phải tuân theo các quy định của luật này về điều kiện kết hôn. Việc kết hôn<br />
giữa những người nước ngoài với nhau tại Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 91<br />
<br />
<br />
<br />
Việt Nam phải tuân theo các quy định của luật này về điều kiện kết hôn. Nghiêm cấm lợi<br />
dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với<br />
phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác” (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: 29).<br />
Phong tục kết hôn của ta cũng thường được thực hiện tuần tự theo các bước sau đây: con<br />
cái tìm người yêu; xin ý kiến bố mẹ; nếu bố mẹ đồng ý thì cưới rồi sau đó mới trở thành<br />
vợ chồng.<br />
Thực tế, tình trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở nước ta gia tăng đột biến trong<br />
những năm gần đây. Thống kê từ nhiều nguồn cho thấy xu hướng chủ yếu là việc các cô<br />
dâu Việt Nam kết hôn với nam giới mang quốc tịch các quốc gia khác, đặc biệt là các<br />
nước Đông Á: Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Theo số liệu thống kê công bố gần<br />
đây của Bộ Tư Pháp Việt Nam, chỉ trong khoảng 10 năm (từ 1995 -2007) số lượng cô<br />
dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài đã lên tới trên 100.000 người. Số liệu từ một số tổ<br />
chức nước ngoài, chẳng hạn theo số liệu do Cục Chính sách và Gia đình Hàn Quốc, hiện<br />
nay có tới 16.217 cô dâu Việt đang sinh sống trên đất Hàn. Trong số đó, cho tới nay chỉ<br />
có 1.361 cô dâu đã chuyển đổi quốc tịch (chiếm vẻn vẹn 8,4%). Số còn lại chưa được<br />
chuyển đổi quốc tịch (Trịnh Thị Kim Ngọc, 2009: 194). Nhiều lý do, trong số đó có việc<br />
các chú rể Hàn Quốc không muốn cho vợ nhập quốc tịch vì sợ rằng chị ấy bỏ trốn.<br />
Hôn nhân với người nước ngoài không thể không nhắc đến tình trạng hôn nhân<br />
không đăng ký, hoặc ép buộc, mua bán. Một nguồn số liệu cho biết “nhiều cuộc hôn nhân<br />
bất hợp pháp: hôn nhân không đăng ký: gần 78,6% chị em kết hôn với người Trung Quốc<br />
là tự nguyện song cũng do hoàn cảnh buộc phải thực hiện, số còn lại (trên 21,4%) là các<br />
chị em bị dụ dỗ, lừa gạt hoặc cưỡng ép. Thực chất đây là nạn nhân của việc buôn bán phụ<br />
nữ và trẻ em vị thành niên qua biên giới của một số cá nhân, tổ chức, núp dưới bóng hoạt<br />
động kinh doanh. Hầu hết chị em do hôn nhân không đăng ký nên các chị em đều thuộc<br />
diện cư trú bất hợp pháp (Trịnh Thị Kim Ngọc, 2009: 198).<br />
Tình trạng môi giới hôn nhân diễn ra công khai ở một số địa phương. Khu vực<br />
chung cư Bình Thới, phường 8, quận 11 là địa điểm môi giới hôn nhân diễn ra nhộn nhịp<br />
nhất của thành phố Hồ Chí Minh mà người dân địa phương gọi là “chợ vợ”. Dư luận, báo<br />
chí Việt Nam cũng đã đăng tải nhiều bài viết tỏ rõ sự bất bình vì cách tuyển chọn các cô<br />
gái theo kiểu lựa chọn, mua bán hàng hóa ở chợ. Có nhiều cô chỉ sau một vài lần tiếp xúc<br />
với các chú rể Đài Loan, Hàn Quốc là được “chấm”, nhưng cũng có cô phải ở nhà trọ 3-4<br />
tháng và phải qua nhiều lần tiếp xúc với nhiều đoàn từ Đài Loan, Hàn Quốc sang (Trần<br />
Mạnh Cát và Đỗ Thị Bình, 2009: 223-224). Vấn đề gây nhiều bức xúc hiện nay là tình<br />
trạng hỗn loạn trong môi giới hôn nhân. Vì lợi nhuận, những công ty môi giới và những<br />
người làm môi giới không tuân theo pháp luật, bất chấp đạo lý, vi phạm thuần phong mỹ<br />
tục, chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ .<br />
Một vấn đề nổi lên có liên quan đến hôn nhân với người nước ngoài hiện nay là sự<br />
chênh lệch tuổi tác, tình trạng hôn nhân, trình độ văn hóa và bất đồng ngôn ngữ giữa chú<br />
rể và cô dâu. Dẫn theo một nguồn tài liệu “Chênh lệch lớn về lứa tuổi và sức khoẻ giữa<br />
các đối tượng tham gia hôn nhân: cô dâu lấy chồng Hàn Quốc (cũng như Đài Loan) là<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 92<br />
<br />
<br />
<br />
tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu trong độ tuổi 18-25. Trong khi đó, các chú rể lấy vợ Việt<br />
Nam chủ yếu nằm trong khoảng tuổi 31-50, thậm chí có trường hợp lên tới 60-70. Sự<br />
chênh lệch tuổi tác và sức khoẻ này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống vợ chồng và<br />
hạnh phúc gia đình. Sự khác biệt về trình độ văn hóa phổ thông, ngoại ngữ: 21,5% cô dâu<br />
hoàn toàn không biết ngôn ngữ của chồng; 69,9% biết ở mức giao tiếp tối thiểu; và gần<br />
100% chú rể không biết tiếng Việt. Những hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của<br />
nước bên kia càng ít ỏi, phần lớn cô dâu không nắm được những quy định pháp luật cơ<br />
bản nhất về hôn nhân gia đình của nước đó (Trịnh Thị Kim Ngọc, 2009: 199). Về tình<br />
trạng hôn nhân: Tỷ lệ nam giới Đài Loan, Hàn Quốc đã từng lập gia đình nay sang Việt<br />
Nam tìm vợ cao hơn hẳn tỷ lệ nữ giới Việt Nam đã từng lập gia đình tham gia vào các<br />
cuộc hôn nhân Việt - Đài, Việt - Hàn, khá nhiều nam giới đã có con riêng. Có thể khẳng<br />
định rằng sự chênh lệch tuổi tác, khác biệt ngôn ngữ văn hóa, tình trạng hôn nhân và có<br />
con riêng của người chồng đang là một thách thức đối với phụ nữ Việt Nam trong các<br />
cuộc hôn nhân với người nước ngoài.<br />
Thực tế trên cho thấy hôn nhân nước ngoài theo kiểu này ở nước ta đang ngầm báo<br />
một tương lai không sáng sủa với nhưng hậu quả đáng ngại trong giai đoạn tới, khi số<br />
phận các cô dâu Việt Nam không được hứa hẹn một cuộc sống hạnh phúc, những thế hệ<br />
con lai không được đảm bảo những nhu cầu tối thiểu như học hành hoặc tiếp cận các dịch<br />
vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ở quốc gia cư trú.<br />
Thực tế văn bản pháp luật của Việt Nam về hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã tạo<br />
cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và thuận lợi cho việc kết hôn với người nước ngoài. Tuy<br />
nhiên, thực tế tồn tại những hình thức tiêu cực trong hôn nhân, theo chúng tôi là do thiết<br />
chế hôn nhân và gia đình chưa được thực thi. Cụ thể là chức năng kiểm soát của thiết chế<br />
chính thức chưa làm tốt chức năng. Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến pháp lý của ta còn<br />
nhiều kẽ hở, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các bên tham gia hôn nhân. Các hình thức<br />
kiểm soát phi chính thức như gia đình, cộng đồng, hệ thống đạo đức xã hội, dư luận xã<br />
hội ... chưa thực sự có hiệu quả trong việc điều chỉnh và ngăn chặn hành vi lệch chuẩn<br />
của các cá nhân. Đây có thể xem là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực nảy sinh,<br />
tạo ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc với những hậu quả đáng lo ngại. Trong thời gian tới<br />
chúng ta tiếp tục cần phải điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho<br />
những cô dâu Việt Nam. Mặt khác, kiểm soát chính thức và phi chính thức phải phát huy<br />
chức năng, cần phải quản lý tốt hơn các trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng<br />
như thành lập, mở rộng các dịch vụ, tư vấn hôn nhân không chỉ ở các thành phố lớn mà ở<br />
ngay tại các vùng quê – nơi xuất phát của nguồn hôn nhân với người nước ngoài.<br />
b. Sống chung trước hôn nhân<br />
Điều 11 chương II có ghi “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với<br />
nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận”(Luật Hôn nhân và Gia đình<br />
2000:5). Về góc độ văn hóa xã hội, sống chung trước hôn nhân là điều cấm kỵ và được<br />
xem là trái với đạo lý gia đình và cộng đồng người Việt, điều cấm kỵ này được thực hiện<br />
nghiêm túc trong các xã hội trước đây. Nếu một ai đó sống chung trước hôn nhân sẽ bị<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 93<br />
<br />
<br />
<br />
xã hội tẩy chay, mọi người xung quanh đàm tiếu, dư luận xã hội lên án.<br />
Sự chuyển đổi kinh tế, xã hội trong những năm qua dẫn đến trào lưu sống chung<br />
trước hôn nhân xuất hiện và đang gia tăng trong giới trẻ tại các thành phố lớn ở Việt<br />
Nam. Bằng chứng về thực tế này là tiêu đề “sống chung trước hôn nhân” hay “sống thử”<br />
trong giới sinh viên và công nhân trong các khu nhà trọ tại các thành phố lớn xuất hiện<br />
ngày càng nhiều trên các trang báo viết và báo điện tử. Nhiều bài viết đã mô tả hiện<br />
tượng này với từ ngữ khá đặc biệt “nạn dịch”, “mốt”, hay tình yêu thế hệ @. Điều đáng<br />
quan tâm là thông tin công bố trên báo chí cho rằng số cặp nam, nữ thanh niên, công<br />
nhân trẻ, sinh viên tham gia sống chung trước hôn nhân ngày càng gia tăng. Chẳng hạn,<br />
có bài viết cho rằng “Những năm gần đây, nam nữ sinh viên chung sống đang trở thành<br />
một nạn dịch mà việc ngăn chặn nó đến thời điểm này vẫn coi như không có gì. Ở các<br />
thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, và thành phố Hồ Chí Minh, sống thử trước kết<br />
hôn phổ biến trong nhóm sinh viên ngoại trú ở các nhóm ngành của các trường cao đẳng<br />
và đại học. “Sống thử” còn lan sang cả giới “gõ đầu học sinh”<br />
(http://ngoisao.net/new/Diendan, 23/4/2006). Hoặc bài viết trên báo mạng của Hội Liên<br />
hiệp Phụ nữ Việt Nam “Đã qua rồi cái thời ngại ngùng và giấu diếm, sinh viên ngày nay<br />
sống thử công khai, nhiều đôi còn tự hào vì hạnh phúc của mình trong cái nhìn thiếu thiện<br />
cảm của bạn bè và những người xung quanh. Dư luận xã hội, sự đàm tiếu của người khác<br />
không còn làm những người trong cuộc ngượng ngừng hay hoang mang”<br />
(http://www.hoilhpn.org.vn, 23/4/2006).<br />
Thực tế này cũng được kiểm chứng từ các cuộc khảo sát gần đây, ví dụ như công trình<br />
“Vấn đề sống chung sống thử trước hôn nhân của nam nữ công nhân ở các khu công nghiệp,<br />
khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh” do Khoa Xã hội học, Trường Đại học Bán công Tôn<br />
Đức Thắng thực hiện. Công trình nghiên cứu “Vì sao lựa chọn giải pháp sống chung” do Khoa<br />
xã hội học, Đại học Mở bán công thực hiện. Công trình nghiên cứu “Hiện tượng chung sống<br />
trước hôn nhân của công nhân trẻ tại thành phồ Hồ Chí Minh” của Lưu Phương Thảo, và<br />
“Sống chung trước hôn nhân của nam, nữ sinh viên hiện nay” của Nguyễn Đức Chiện, v.v...<br />
Điều đáng nói là các công trình nghiên cứu này không chỉ cung cấp những số liệu thực tế về<br />
tình hình sống chung trước hôn nhân của giới trẻ đang sống học tập và làm việc ở thành phố<br />
mà còn lý giải các nguyên nhân xã hội dẫn đến xuất hiện và gia tăng sống chung trước hôn<br />
nhân.<br />
Như vậy, những thông tin trên báo chí và bằng chứng khảo sát thực nghiệm cho<br />
thấy vấn đề sống thử, sống chung trước hôn nhân đang tồn tại khá phổ biến trong giới trẻ<br />
tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay. Mặc dù về mặt pháp lý, đạo đức, văn hoá tập<br />
quán xã hội, chúng ta không thừa nhận cá nhân lựa chọn kiểu sống này. Tuy nhiên, hình<br />
thức sống chung trước hôn nhân vẫn tồn tại và xu hướng có thể gia tăng nhanh trong<br />
những năm tới trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội<br />
nhập sâu rộng ra thế giới bên ngoài. Đây là vấn đề xã hội cần sớm quan tâm vì sống<br />
chung có thể để lại nhiều hậu quả xã hội phá vỡ trình tự, chu trình sống gia đình, tình dục<br />
và sức khoẻ sinh sản, có thai ngoài ý muốn, v.v...Đứng về mặt thiết chế chúng tôi cho<br />
rằng kiểm soát thiết chế chính thức chưa phát huy vai trò, trong khi kiểm soát phi chính<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 94<br />
<br />
<br />
<br />
thức trong xã hội về vấn đề này đang ngày càng yếu dần.<br />
3.2. Vấn đề gia đình<br />
a. Bạo lực gia đình<br />
Điêu 34 chương IV có ghi: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom,<br />
nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con;<br />
chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo<br />
đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Cha mẹ<br />
không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con, không<br />
được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con<br />
làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Luật Hôn nhân và Gia đình 2000:25).<br />
Thực tế, bạo lực gia đình đối với trẻ em vẫn là hiện tượng diễn ra khá phổ biến ở<br />
Việt Nam trong những năm qua. Bằng chứng về tình trạng này được công bố thường<br />
xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các báo cáo nghiên cứu khoa học<br />
gần đây.<br />
Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY1-2003) cho thấy<br />
2,2% thanh thiếu niên nói rằng đã từng bị người trong gia đình đánh gây thương tích, tỷ<br />
lệ này cao gấp đôi ở nhóm nam thành thị 14-17 tuổi. Có sự khác biệt về giới trong vấn<br />
nạn bạo hành tại gia đình: với 1,5% nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình so với 2,9%<br />
nam (Bộ Y tế và các cơ quan khác, 2005:70). Nghiên cứu về bạo lực gia đình tại 6 tỉnh,<br />
thành phố trên cả nước do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và môi trường trong<br />
phát triển phối hợp với Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện năm 2006, với<br />
câu hỏi quan điểm của người dân về giáo dục con cái, thì có 12,2% số người được hỏi<br />
đồng ý với chuyện sử dụng đòn roi trong giáo dục con cái, 34,4% cho rằng “Tuỳ mức độ<br />
mà có thể đánh đòn”. Cha mẹ đánh đòn con không phải là chuyện hiếm, như ở một huyện<br />
của Đồng Tháp có trường hợp người cha đem con dìm xuống dòng kênh “Mày nín đi, còn<br />
khóc tao dìm nữa". Có người cha đánh con, con chạy thì cầm cây cung bắn tên sắt vào<br />
chân con mình. Kết quả cuộc khảo sát 1.449 trẻ em và người thân (cha mẹ, ông bà) tại<br />
Thanh Trì và Thượng Đình (Hà Nội) cho thấy: 44,72% trẻ em từ 1 đến 15 tuổi và 78,<br />
23% trẻ em từ 6-15 tuổi bị cha mẹ sử dụng hình phạt thân thể. Hình phạt về tinh thần:<br />
chửi 27,89% gặp nhiều hơn ở nhóm trẻ từ 11 đến 15 tuổi; hạ nhục 6,8%, các hành vi thô<br />
bạo khác 8,84%. Trẻ em trong gia đình có từ 2 con trở lên bị phạt tinh thần và thân thể<br />
nhiều hơn hẳn nhóm trẻ khác. Nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển thực<br />
hiện tại 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tiền Giang với sự tham gia của 514<br />
trẻ em (6-18 tuổi) và 571 người lớn cho thấy: 30,7% người lớn đánh đón trẻ em ngay khi<br />
trẻ mắc lỗi. Người lớn thường dùng đồ vật đánh trẻ: roi, gậy 46,1%; véo tai, mũi, giật tóc<br />
30,2%; vớ được cái gì dùng cái đó 32,7%. Nghiên cứu gần đây của UNICEP và Tổng cục<br />
Thống kê khi thực hiện giám sát thực trạng trẻ em và phụ nữ Việt Nam, cho thấy, 93,3%<br />
trẻ em tuổi từ 2-14 đã bị người mẹ/chăm sóc hoặc các thành viên khác trong hộ gia đình<br />
xử phạt về tâm lý (quát mắng, cấm đoán, bắt buộc) hoặc xử phạt bằng roi vọt; trong đó<br />
9,4% trẻ em đã bị phạt nặng bằng roi vọt. Trẻ em trai bị xử phạt bằng roi cả nhẹ và nặng<br />
đều cao hơn so với trẻ em gái (94,7% và 11,6% so với 91,6% và 6,6%) (Hoàng Bá Thịnh,<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 95<br />
<br />
<br />
<br />
2009: 526). Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích trẻ em thành<br />
phố Hồ Chí Minh, trong hai năm (từ 1-10-2005 đến 1-10-2007 đã có 1200 trẻ em ở thành<br />
phố này bị thương tích do bạo lực trong gia đình và xã hội phải nhập viện. Gần đây qua<br />
các phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận xã hội bất bình và công phẫn với một số<br />
trường hợp bạo lực với trẻ em được xem là “điển hình”, ví dụ: em Nguyễn Thị Bình bị vợ<br />
chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội đánh đập hơn<br />
10 năm. Em Hồ Thị Bông (9 tuổi), thành phố Hồ Chí Minh bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin. Do<br />
không kiếm đủ số tiền như quy định, Bông bị bà mẹ này đổ nước sôi lên người làm<br />
phỏng nặng (Tuổi trẻ online, thứ tư, 11/6/2008, 10:30 GMT+7).<br />
Có thể nói thông tin công bố trên báo chí và kết quả nghiên cứu gần đây là những<br />
bằng chứng xác thực về tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em<br />
đang diễn ra trong xã hội cho dù Việt Nam đã và đang thực thi nhiều văn bản luật, công<br />
ước liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tại sao thực tế xã hội vẫn tồn tại vấn đề này?<br />
Chúng tôi cho rằng chức năng kiểm soát của thiết chế (bao gồm cả kiểm soát chính<br />
thức và phi chính thức) chưa thực hiện tốt vai trò. Kiểm soát chính thức ở đây là hệ thống<br />
giám sát của các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, công an, tòa án, ... xử<br />
lý hành vi bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em chưa nghiêm, hình phạt chưa mạnh để ngăn<br />
chặn hành vi bạo lực của các cá nhân trong xã hội. Kiểm soát phi chính thức ở đây là gia<br />
đình, cộng đồng, hệ thống đạo đức xã hội, và dư luận xã hội chưa gây nhiều áp lực phản<br />
kháng đối với hành vi bạo lực của cá nhân. Một lý do nữa có liên quan đến hành vi bạo<br />
lực phổ biến là trình độ dân trí, hiểu biết của cá nhân về pháp luật, vị trí, vai trò của cá<br />
nhân, nhất là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn<br />
chế do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, văn hóa của nhóm xã hội.<br />
b. Phân biệt nam nữ<br />
Điều 2, chương I có ghi “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử<br />
giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con<br />
ngoài giá thú”(Luật Hôn nhân và Gia đình 2000:2).<br />
Nhiều nghiên cứu khẳng định phân biệt nam, nữ hay giữa con trai và con gái là một<br />
đặc trưng đã tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam. Tác giả Lương Văn Hy, trong công<br />
trình nghiên cứu "Cuộc cách mạng ở làng: truyền thống và chuyển đổi ở Bắc Việt Nam,<br />
1925-1988" cho rằng trong gia đình thừa kế phần lớn nghiêng về con trai - những người<br />
chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên và nối dõi; quyền uy nằm trong tay nam giới (Lương<br />
Văn Hy, 1992:71). Trong ý thức cộng đồng vẫn còn quan niệm có những việc dành riêng<br />
cho phụ nữ và nam giới. Điều đó thể hiện rõ từ việc xã hội hóa giới đối với con cái. Cha<br />
mẹ thường có những cách dạy dỗ con trai khác con gái. Trong khi con trai được dạy dỗ<br />
hướng tới những phẩm chất “hướng ngoại” có liên quan đến các cơ hội thăng tiến xã hội<br />
sau này; thì con gái thường được dạy dỗ các phẩm chất “hướng nội” liên quan nhiều hơn<br />
đến việc chuẩn bị các vai trò của người phụ nữ thảo hiền, đảm đang quán xuyến việc nhà.<br />
Ngay trong quan niệm chung của người phụ nữ, những kỳ vọng về vai trò của người vợ<br />
định hướng mạnh hơn đến mô hình vai trò giới truyền thống. Họ vẫn đánh giá cao vai trò<br />
trụ cột kinh tế của người chồng và bằng lòng với vai trò nội trợ. Những phẩm chất đối với<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 96<br />
<br />
<br />
<br />
người phụ nữ như biết nội trợ giỏi, biết nuôi dạy con cái được đánh giá quan trọng hơn so<br />
với những đặc điểm như học vấn cao, nghề nghiệp có uy tín và có địa vị trong xã hội (Vũ<br />
Tuấn Huy và Carr 2000:48-51).<br />
Hiện nay, xã hội ta đã có điều luật nhằm giảm đảm bảo sự bình đẳng cho hai giới<br />
nhưng tình trạng phân biệt đối xử giữa các con vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực<br />
nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phong tục và tập quán pháp (vẫn còn phân biệt đối xử giữa con<br />
trai và con gái, con trai trưởng và con trai thứ trong gia đình). Điển hình nhất về sự phân biệt<br />
đối xử này là con trai là người được thừa kế tài sản của gia đình như đất đai, nhà cửa cha mẹ để<br />
lại, trong khi con gái không được thừa kế tài sản của gia đình. Thực tế này dẫn đến xung đột gia<br />
đình do các tranh chấp về quyền lợi, tài sản, nhất là đất đai do cha mẹ để lại giữa con trai và con<br />
gái, con trai trưởng và con trai thứ xảy ra nhiều trong thời gian gần đây được đăng tải nhiều<br />
trên các báo viết và báo điện tử nước ta. Ví dụ: Vụ án xung đột gia đình tranh chấp đất đai<br />
gần đây của các con của ông Trần ở Khánh Hoà để lại nhiều hậu quả xấu đối với gia đình<br />
và xã hội (baokhanhhoa.com.vn, 13/10/2009 (GMT+7)).<br />
Từ thực tế này cho thấy nhiều người dân khi giải quyết các mối quan hệ trong gia<br />
đình vẫn chỉ dùng phương pháp xử lý theo phong tục, tập quán, tình cảm hoặc sự ràng<br />
buộc thân tộc, huyết thống mà ít quan tâm đến yếu tố pháp luật. Điều này cho thấy giữa<br />
phong tục, tập quán và các điều luật hiện hành hiện nay không thống nhất với nhau, là<br />
nguyên nhân dẫn đến rối loạn quan hệ xã hội.<br />
Điều 18, chương III của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, có viết “Vợ chồng chung<br />
thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no<br />
ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”. Điều 19, chương III cũng ghi rõ “Vợ,<br />
chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình”.<br />
Thực tế hiện nay, phụ nữ vẫn phải chịu sự bất bình đẳng so với nam giới, phụ nữ<br />
thường có địa vị thấp, họ không có quyền quyết định trong phạm vi gia đình và hơn thế<br />
nữa là cả bên ngoài xã hội. Trong một bài viết "Về gia đình truyền thống Việt Nam với<br />
ảnh hưởng Nho giáo", nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu kết luận rằng: Phụ nữ Việt Nam<br />
có địa vị thấp, họ không có quyền quyết định trong gia đình (Trần Đình Hượu, 1991).<br />
Dựa vào các bằng chứng khảo sát thực nghiệm, tác giả Khuất Thu Hồng đưa ra nhận xét<br />
"Địa vị phụ nữ thấp hơn nhiều còn do ý thức về địa vị của mình là phụ nữ, điều này có lẽ<br />
là do ảnh hưởng của giáo dục trong Gia đình, con gái phải thức khuya dậy sớm, biết thu<br />
vén đảm đang" (Khuất Thu Hồng, 1996). Con gái thường làm việc nhà nhiều hơn con trai<br />
và nam giới là trụ cột kinh tế, là người đem lại thu nhập chính trong gia đình (Đỗ Thị<br />
Bình, Lê Ngọc Văn, Nguyễn Linh Khiếu, 2002). Tác giả Vũ Mạnh Lợi trong bài viết<br />
"Khác biệt nam nữ trong gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ" cũng đưa ra kết luận<br />
"Nhiều thế hệ phụ nữ kế tiếp nhau trong hàng chục năm ròng rã đã từng có những đóng<br />
góp quan trọng và phần nhiều vào đời sống gia đình, nhưng địa vị của họ trong gia đình<br />
chưa được cải thiện so với nam giới tương ứng với những đóng góp đó. Việc giải phóng<br />
phụ nữ dường như chỉ dừng lại ở những cái mà cơ chế xã hội mới mang lại như trong lĩnh<br />
vực giáo dục, y tế và các quyền luật định khác" (Vũ Mạnh Lợi, 1995). Trong công trình<br />
"Xu hướng gia đình ngày nay", dựa trên những kết quả nghiên cứu thực nghiệm xã hội<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 97<br />
<br />
<br />
<br />
học, tác giả Vũ Tuấn Huy cho rằng "nhìn chung thì người chồng là người quyết định hầu<br />
hết các công việc quan trọng trong gia đình, trong khi đó các công việc như giữ tiền, mua<br />
thức ăn, nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, chăm sóc con nhỏ thường do người vợ đảm nhận"<br />
(Vũ Tuấn Huy, 2004: 87-92). Trong công trình “Chuẩn bị cho tương lai: Các chiến lược<br />
ưu tiên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam” do Naila Kabeer, Trần Thị Vân Anh<br />
và Vũ Mạnh Lợi viết “Người phụ nữ vẫn phải đảm đương quá nhiều công việc trong đó<br />
có rất nhiều công việc không được trả lương, họ cũng tham gia tích cực vào nền kinh tế<br />
tạo ra thu nhập nhưng không làm cho công việc gia đình và đóng góp của họ trong chăm<br />
sóc người thân giảm đi. Thực tế cho thấy rằng sự vận động của người phụ nữ từ nhà đến<br />
nơi làm việc không kéo theo sự dịch chuyển của nam giới từ nơi làm việc trở về nhà.<br />
Hình ảnh phổ biến hiện nay phụ nữ vẫn là nhân vật xã hội tham gia và quyết định các<br />
công việc nội trợ, chăm sóc sức khỏe trong gia đình, cho dù những năm gần đây đã có sự<br />
chuyển biến về thời gian làm việc gia đình theo nghĩa phụ nữ làm ít đi và nam giới bắt<br />
đầu chia sẻ nhiều hơn các việc trong gia đình" (Knodel và cộng sự, 2004).<br />
Có thể nói, dù đề cập đến vấn đề này ở phạm vi nào thì tất cả các nghiên cứu đều có<br />
chung nhận định là phụ nữ có địa vị thấp cả trong gia đình và ngoài xã hội. Họ là người tham<br />
gia nhiều công việc trong phạm vi gia đình (nội trợ, chăm sóc con cái và thành viên trong gia<br />
đình) nam giới là người trụ cột trong gia đình tham gia và nắm quyền quyết định công việc<br />
ngoài xã hội. Điều đáng quan tâm là thực tế này cho thấy những điều luật quy định về quan hệ<br />
đối xử giữa vợ và chồng, nam và nữ trong gia đình vẫn chưa được thực hiện triệt để do những<br />
rào cản văn hóa, xã hội. Nó cũng cho thấy độ vênh giữa các quy định của luật pháp với thực tế<br />
xã hội. Quan trọng hơn là thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội bức thiết cần khắc phục.<br />
4. Nhận xét<br />
Có thể thấy những điều khoản nêu trong các chương của Luật Hôn nhân và Gia<br />
đình 2000 đã phản ánh và bao quát các khía cạnh cơ bản của quan hệ hôn nhân – gia đình<br />
Việt Nam. Sự ra đời và hoàn thiện hệ thống văn bản luật pháp liên quan đến thiết chế hôn<br />
nhân và gia đình thời gian qua đã góp phần thiết lập các vai trò, trách nhiệm và quyền<br />
hạn của cá nhân cũng như của các tổ chức, cơ quan chức năng thực thi pháp luật, từ đó<br />
góp phần vào việc nâng cao tiến bộ trong quan hệ hôn nhân và cải thiện bình đẳng các<br />
quan hệ trong đời sống gia đình nước ta.<br />
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số điều khoản nêu trong Luật Hôn nhân và Gia<br />
đình đang hiện hành chưa phát huy hiệu lực hay nói cách khác là chưa được thực hiện<br />
triệt để dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay. Điều này không<br />
thể không nhắc đến chức năng kiểm soát của thiết chế hôn nhân và gia đình nước ta thời<br />
gian qua chưa làm tốt hay thực hiện đúng chức năng. Chẳng hạn, cơ chế kiểm soát của<br />
thiết chế chính thức như toà án, công án,…chưa thực hiện hiệu quả, đúng chức năng xã<br />
hội dẫn đến việc không ngăn chặn được hành vi xã hội lệch chuẩn, không theo khuôn<br />
mẫu chuẩn mực, giá trị hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, hình thức kiểm soát phi chính<br />
thức thông qua các nhóm xã hội như gia đình, cộng đồng, dư luận xã hội chưa làm tốt cơ<br />
chế giám sát, điều chỉnh hành vi cá nhân. Thực tế này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ<br />
luỵ xã hội đối với gia đình, xã hội Việt Nam thời gian tới. Mặt khác cũng phải thấy rằng<br />
quá trình xã hội hóa cá nhân trong xã hội để giúp cá nhân học hỏi, tiếp thu những chuẩn<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 98<br />
<br />
<br />
<br />
mực, giá trị về hôn nhân gia đình để qua đó cá nhân đóng các vai trò sao cho phù hợp với<br />
sự mong đợi xã hội chưa thực sự hiệu quả; do những rào cản về phong tục, tập quán xã<br />
hội.<br />
Có thể nói những vấn đề trên đang đặt ra nhiều thách thức đối với quan hệ hôn<br />
nhân và gia đình và thiết chế hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay và trong tương lai.<br />
Tài liệu trích dẫn<br />
<br />
Đỗ Thị Bình, Lê Ngọc Văn, Nguyễn Linh Khiếu. 2002. Gia đình Việt Nam và người phụ<br />
nữ trong gia đình thời kỳ Đổi mới. Nhà xuất bản khoa học xã hội.<br />
Trần Mạnh Cát và Đỗ Thị Bình. 2009. Hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với người nước<br />
ngoài trong bối cảnh họi nhập<br />
Bộ Y tế và các cơ quan khác. 2003. Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên<br />
Việt Nam (SAVY1).<br />
Cohan, B và OrBuch, T (1995) Nhập môn xã hội học (Người dịch: Nguyễn Minh Hòa),<br />
Nxb Giáo dục, Hà Nội<br />
Goode, William J. 1963. World Revolutation and Family Parterns. Glencoe, Free Press.<br />
Khuất Thu Hồng. 1996. Các mô hình hôn nhân ở đồng bằng sông Hồng từ truyền thống<br />
đến hiện đại. Luận án Phó tiến sĩ khoa học. Hà Nội: Thư viện Viện Xã hội học<br />
Vũ Tuấn Huy và Carr. 2000. Phân công lao động nội trợ trong gia đình. Tạp chí Xã hội<br />
học, Số 3.<br />
Trần Đình Hượu. 1991. Về gia đình truyền thống Việt Nam với ảnh hưởng Nho giáo.<br />
Trong: những nghiên cứu xã hội học về gia đình ở Việt Nam. Nhà xuất bản khoa<br />
học xã hội.<br />
Vũ Mạnh Lợi.1995. Khác biệt nam nữ trong Gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Tạp<br />
chí Xã hội học, Số 3.<br />
Hy V. Luong. 1992. Revolution in the Village – Tradition and Transformation in North<br />
Vietnam, 1925-1988. University of Hawaii Press, Honolulu.<br />
Knodel, John et al. 2004. Gender Role in the Family: Change and Stability in Vietnam”.<br />
Research report No.04-559, Population Studies Center, University of Michigan,<br />
5/2004.<br />
Marshall, G.1998. A Dictionnary of Sociology. Oxford University Press.<br />
Naila Kabeer, Trần Thi Vân Anh và Vũ Mạnh Lợi. 2005. Chuẩn bị cho tương lai: Các<br />
chiến lược ưu tiên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Ngân hàng thế<br />
giới và Liên hợp quốc tại Việt Nam (Hà Nội).<br />
Trịnh Thị Kim Ngọc. 2009. Hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với nam công dân Trung<br />
Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan- những vấn đề đặt ra, Trong: Nguyễn Hữu Minh,<br />
Trần Thị Vân Anh.2009. Nghiên cứu Gia đình và Giới thời kỳ Đổi mới. Nhà<br />
xuất bản khoa học xã hội.<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 2 (118), 2012 99<br />
<br />
<br />
<br />
Hoàng Bá Thịnh. 2009. Bạo lực gia đình đối với trẻ em và một số giải pháp phòng ngừa.<br />
Therborn, G. 2004. Between Sex and Power. London: Routledge<br />
http://www.chinhphu.vn/vanbanpq/lawdocs/luat22QH, Luật hôn nhân và gia đình<br />
(Luật số 22/2000/QH10 ngày 9/6/2000) truy cập ngày 17/11/2009<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />