intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số ý kiến về xâm hại tình dục đối với trẻ em theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

12
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Một số ý kiến về xâm hại tình dục đối với trẻ em theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trình bày những quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; Một số vấn đề về thực trạng áp dụng pháp luật đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em và kiến nghị.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số ý kiến về xâm hại tình dục đối với trẻ em theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

  1. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ XÂM HẠI TÌNH DỤC ĐỐI VỚI TRẺ EM THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017) Lê Khánh Giang, Lê Nguyễn Cẩm Nhung, Kiều Thị Mỹ Hạnh, Trần Thị Xinh, Lê Minh Vũ* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) GVHD: ThS. Lê Thị Minh Thư TÓM TẮT Các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, theo đó, người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Khung pháp lý xử phạt các đối tượng này được quy định rõ ràng và mang tính răn đe, tuy nhiên, không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có đầy đủ căn cứ pháp lý để giải quyết. Từ việc phân tích các quy định pháp luật về xâm hại tình dục đối với trẻ em theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật, đồng thời đề ra các giải pháp góp phần hoàn thiện nhằm để bảo vệ trẻ em khỏi các hàn vi xâm hại tình dục.Từ khoá: Bộ luật Hình sự, trẻ em, xâm hại tình dục. Từ khóa: Bộ luật Hình sự, trẻ em, xâm phạm tình dục. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sác, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 cũng đã khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã phản ánh rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều địa phương, nhiều vụ việc chưa được xử lý hoặc xử lý không kịp thời, nghiêm minh gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Theo đó, có thể thấy tình hình tội phạm tình dục đối với trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng, gây tác động xấu cho xã hội. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ. Cụ thể, số trẻ bị xâm hại từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020 là hơn 1.700 trường hợp, còn từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021 là hơn 2.200 trường hợp, tăng hơn 430 trường hợp. Đối tượng xâm hại trẻ em trong 2 năm qua chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%), 2667
  2. trong đó, hơn 3.400 đối tượng trên 18 tuổi xâm hại trẻ em , chiếm 77%, thuộc đủ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau [3]. Có thể kể đến một số vụ việc điển hình, ngày 23/9/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Vũ Đào (sinh năm 1964, ở phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Bị hại trong vụ án là cháu N.B.N (sinh năm 2016) là cháu họ sống gần nhà bị cáo. Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đầu tháng 8/2020, cháu N về sống cùng bà ngoại ở thị xã Sơn Tây. Chiều 8/10/2020, trước khi chở quần áo đi huyện Ba Vì bán cùng người thân, bà ngoại cháu có gửi cháu N sang nhà Vũ Đào nhờ trông giúp. Tại đây, cháu N đã bị xâm hại [1]. Bà ngoại cháu N đã bất ngờ rút kháng cáo tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Lý do được đưa ra là giữa người phụ nữ này với bị cáo có mối quan hệ họ hàng. Trước đề nghị của đại diện bị hại, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã chấp thuận, đồng thời tuyên bố đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Bị cáo Vũ Đào chỉ phải chấp hành 12 năm tù về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", theo đúng bản án sơ thẩm đã tuyên. Ngày 18/11, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự với 6 bị cáo gồm: Danh Quốc Huy (2003), Đặng Việt Khoa (2004), Trần Văn Cơ (2003), Nguyễn Phát Tài (1999), Trần Nhựt Linh (2000) và bị cáo Hà Khánh Duy (2004) cùng ngụ tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, theo Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 [2]. Có thể thấy, qua những vụ việc trên, những “kẻ thú tính” gây ra các vụ xâm hại trẻ em không chỉ là người lạ mà còn cả những người thân trong gia đình, người quen, hàng xóm của nạn nhân. Đây là một hiện tượng suy thoái về đạo đức, suy đồi về nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống. Bên cạnh đó, đa phần các nạn nhân đều quá nhỏ và không đủ nhận thức để đề phòng, trong khi đó, một số phụ huynh cứ nghĩ rằng con mình còn nhỏ nên không có sự phòng bị nào cho con em. Chính vì thế mà vô tình để các đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Khung pháp lý xử phạt đối tượng xâm hại tình dục trẻ em được quy định khá rõ ràng, đầy đủ và mang tính răn đe, tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có đầy đủ căn cứ pháp lý để giải quyết. Thực tế, nhiều loại hình xâm hại trẻ em hiện vẫn chưa có chế tài đủ nghiêm khắc. Do đó, việc tìm hiểu, phân tích các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật đối với xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề cần thiết, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, đúng đắn trong việc áp dụng pháp luật đối trong thực tiễn hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. 2668
  3. 2. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 2017) ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM Các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em được quy định trong BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tại Chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) gồm 5 điều luật cụ thể sau: Điều 142 - Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144 - Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145 - Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Điều 146 - Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; Điều 147 - Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Trong đó, người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình. So với quy định tạo BLHS 1999, thì các hành vi liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em quy định tại BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cũng có những sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau: Thứ nhất, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tội này tương đương với Tội hiếp dâm trẻ em được quy định tại Điều 112 BLHS năm 1999. Xét về tính cấu thành cơ bản của tội phạm. Nếu tại cấu thành tội phạm của Điều 112 BLHS 1999 không mô tả cụ thể các hành vi là tình tiết định tội thì tại cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã có sự quy định cụ thể về hành vi là: “Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ 13 đến dưới 16 tuổi với ý muốn của họ; Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”. Với quy định tại Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là phù hợp hơn, mang tính minh bạch, dễ hiểu. Việc mô tả hành vi phạm tội trong cấu thành cơ bản của Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã có sự phân định rõ giữa hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi với hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 145 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Còn với mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều là hiếp dâm người dưới 16 tuổi, không cần đến yếu tố dùng vũ lực hay trái ý muốn. Quy định như vậy đã tạo điều kiện để việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Khung hình phạt đối với tội này. Đối với các tình tiết định khung tăng nặng có sự sửa đổi, bổ sung các tình tiết định khung như sau: Tại khoản 4 Điều 112 BLHS 1999 có quy định: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình” thì tại điểm c khoản 3 Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định là “Đối với người dưới 10 tuổi” thì có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Về cấu trúc của điều luật có sự thay đổi từ bốn khung hình phạt chính theo Điều 112 BLHS 1999 xuống còn ba khung hình phạt chính theo Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, về hình phạt không có sự thay đổi về mức tối thiểu và tối đa. Theo đó, người phạm tội sẽ bị phạt thấp nhất là 07 năm tù và cao nhất là tử hình, tùy thuộc vào mức độ phạm tội. 2669
  4. Thứ hai, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. So với quy định tại Điều 114 BLHS 1999 tại cấu thành cơ bản của Điều 144 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có sự sửa đổi, bổ sung về thuật ngữ. Theo đó, tội này được quy định là “hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Còn lại các tình tiết định khung và hình phạt không có thay đổi. Theo đó, mức phạt thấp nhất cho tội này là 05 năm tù và cao nhất là tù chung thân, kèm hình phạt bổ sung – mức phạt. Thứ ba, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Điều 145 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cũng quy định cụ thể hơn về cấu thành cơ bản tội phạm so với Điều 115 BLHS 1999. Theo đó, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 BLHS năm 2015 cụ thể và chi tiết như sau “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mag giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và 144 của Bộ luật này”. Quy định trên đã mang tính loại trừ, phân định giữa tội này với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Về khung hình phạt đối với tội này, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 01 – 05 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng, mức phạt sẽ được tăng dần lên 03 – 10 năm tù và cao nhất là 07 – 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm. Mức phạt tương đương với quy định tại Điều 115 BLHS năm 1999. Nhận thấy, đối với tình tiết định khung tại khoản 2 Điều 145 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có bổ sung thêm tình tiết “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh” và bổ sung thêm hình phạt bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 145 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Thứ tư, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. So với quy định tại Diều 116 BLHS 1999 thì tại Điều 146 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi được miêu tả cụ thể như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đính giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Quy định đã nêu rõ chỉ coi là dâm ô khi người phạm tội không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác. Về hình phạt giữ nguyên như Điều 116 BLHS 1999. BLHS năm 1999 quy định tội này tại Điều 116 với mức phạt cao nhất là 12 năm tù khi gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Và về tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 và khoản 3 Điều 146 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có sự cụ thể hoá tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” điểm d khoản 2 Điều 116 BLHS 1999 và “rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” khoản 3 Điều 116 BLHS 1999 bằng các quy định định tính như: Tại khoản 2 Điều 146 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định :“Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây rối loạn tâm thần và hành 2670
  5. vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; làm nạn nhân tự sát”. Quy định này đưa ra các mức định lượng cụ thể để tiện trong việc quy về trách nghiệm hình sự mà đối tượng thực hiện hành vi phải chịu tương ứng, giúp cơ quan có thẩm quyền dễ dàng trong công tác điều tra và xét xử. Thứ năm, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Đây là tội mới được đưa vào Chương XIV Điều 147 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, theo đó, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng – 03 năm. BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bổ sung thêm quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm nhằm bao quát và sử lý triệt để mọi hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và hạn chế sự gia tăng của tội phạm này. Hình phạt tù đối với tội này thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là 12 năm. Cụ thể, điều luật này cũng quy định phạt tù từ 03 – 07 năm với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Có mục đích thương mại; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% – 45%; Tái phạm nguy hiểm. Khung hình phạt cao nhất của tội này là 07 – 12 năm tù khi gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm. 3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÁC TỘI XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM VÀ KIẾN NGHỊ Thứ nhất, về quy định thêm hành vi phạm tội mới. BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định thêm hành vi phạm tội mới tại các điều 141, 142, 143, 144, 145 bị coi là tội phạm là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Ngày 01/10/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 06/2019) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết này đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, giải thích về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục, đã hướng dẫn về các tình tiết định tội như hành vi giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết vụ án, vẫn còn nhiều cách hiểu, cách vận dụng khác nhau dẫn đến việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục sửa đổi để có nhận thức thống nhất, góp phần hiệu quả vào việc đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này. Đối với tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" (Điều 142 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017), ngoài mục đích giao cấu nhằm quan hệ tình dục thì người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có thể thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trái ý muốn của họ; hoặc giao cấu, hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi. Theo hướng dẫn của mục 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 nêu trên thì người "thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác" phải là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, 2671
  6. ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Trong đó, có thể đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác, hoặc dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác. Như vậy, trong trường hợp có hành vi quan hệ tình dục khác, tình tiết để định tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" chính là yếu tố "xâm nhập". Tuy nhiên, Nghị quyết số 06/2019 không giải thích đối với tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" thì "xâm nhập" cụ thể là thế nào; khác với hành vi cọ xát, chà xát, sờ bóp, hôn, liếm... ra sao để định tội "Hiếp dâm" người dưới 16 tuổi. Người thực hiện các hành vi theo hướng dẫn tại mục 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 nhưng không nhằm mục đích giao cấu cấu thành tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" hay chỉ cần người nào thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực... nhằm giao cấu trái ý muốn của họ đã đủ yếu tố cấu thành tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" mà không cần phải xác định có "xâm nhập" theo hướng dẫn Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP. Thêm vào đó, dấu hiệu đặc trưng của tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" theo Điều 146 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì hành vi dâm ô là hành vi nhằm thỏa mãn tình dục của mình dưới mọi hình thức nhưng không có mục đích giao cấu, nghĩa là không nhằm quan hệ tình dục. Các hành vi này theo mục 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 có thể là dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: Đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: Đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác; và các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: Hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi)... Với các hành vi trên, có thể đánh giá liệu hành vi nào được nhận định là "hành vi quan hệ tình dục khác" hành vi nào "xâm nhập" vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ "xâm nhập" hay không. Điểm mấu chốt ở đây chính là hành vi của người dâm ô không có mục đích giao cấu, nghĩa là không nhằm quan hệ tình dục. Vậy, không thể thống nhất về nhận thức để đánh giá tình tiết "có xâm nhập" hay "không xâm nhập" để định tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" hay tội "Dâm ô người dưới 16 tuổi" [5]. Theo hướng dẫn về hành vi quan hệ tình dục khác với tình tiết "xâm nhập" trong tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" tại mục 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 và các hành vi nhằm thỏa mãn tình dục của một người trong tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" tại mục 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 nói trên đã cho thấy sự trùng lặp về nội dung và không phân định rõ ràng. Do vậy, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. 2672
  7. Thứ hai, về độ tuổi quy định tại Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Tại khoản 4 Điều 112 BLHS 1999 có quy định: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 chỉ quy định hành vi này với khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm và trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 10 tuổi mới bị áp dụng khung hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trẻ em nói chung và trẻ dưới 13 tuổi nói riêng là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý, dễ bị lợi dụng và không có khả năng kháng cự, dẫn đến trẻ dưới 13 tuổi rất dễ trở thành đối tượng bị xâm hại tình dục dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình của trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Song mức hình phạt như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là quá nhẹ so với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống các hành vi XHTD trẻ em đang có chiều hướng gia tăng hiện nay. Vì vậy, quy định tại Điều 142 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cần được sửa đổi như sau: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Thứ ba, về hình phạt đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) và tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là chưa đảm bảo tính răn đe. Cả hai tội này hình phạt cao nhất cũng chỉ là 12 năm tù đối với trường hợp người bị hại bị rối loạn tâm hần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên và làm nạn nhân tự sát. Theo quy định trên, thì vấn đề đặt ra là trẻ bị xâm hại tình dục khiến rối loạn tâm thần và hình vi chính là biểu hiện của bệnh tâm thần với các rối loạn về trầm cảm, rối loạn về lo âu, giao tiếp, nhân cách, ám ảnh cưỡng chế,… Với những hậu quả nghiêm trọng như vậy thì mức hình phạt theo quy định hiện hành sẽ không đủ sức răn đe đối với người phạm tội và không công bằng đối với trẻ dưới 16 tuổi và gia đình họ, không nâng cao được hiệu quả phòng ngừa đối với loại tội này. Theo đó, đối với các trường hợp trên của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) và tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì cần đưa ra mức hình phạt tối thiểu là 15 năm tù. 4. KẾT LUẬN Đấu tranh và để ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đẫ đến lúc chúng ta cần sửa đổi lại các quy định của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 liên quan đến tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em theo hướng có những quy định cụ thể hơn và cần nâng mức hình phạt nghiêm khắc, răn đe nhằm đề cao giao dục và đấu tranh tội phạm. Ngoài ra, để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gây nên, gia đình cần quản lý con cái chặt chẽ hơn, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của người mẹ; tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con. 2673
  8. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chu Dũng, Y án 12 năm tù đối tượng hiếp dâm trẻ em - Báo Hà Nội Mới, https://ngayday.com/y-an-12- nam-tu-doi-tuong-hiep-dam-tre-em-202109231510078 2. Kim Cương – Khánh Phương, 66 năm tù cho 6 bị cáo về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, ngày 18/11/2021, https://www.baocamau.com.vn/phap-luat/66-nam-tu-cho-6-bi-cao-ve-toi-hiep-dam-nguoi- duoi-16-tuoi-70944.html 3. Kim Oanh, Hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại trong 2 năm qua, ngày 28/10/2021, https://vov.vn/xa-hoi/tin- 24h/hon-4000-tre-em-bi-xam-hai-trong-2-nam-qua-900908.vov 4. Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 06/2019) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; 5. Nguyễn Ngọc Thắng, Hiểu thế nào cho đúng về tình tiết "Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác", ngày 20/01/2022, http://vksquangngai.gov.vn/index.php/vi/news/Trao-doi-phap-luat/Hieu-the-nao- cho-dung-ve-tinh-tiet-Thuc-hien-hanh-vi-quan-he-tinh-duc-khac-3518/ 6. Quốc Hội (1999), Bộ luật Hình sự năm 1999, Nxb chính trị quốc gia Hà Nội; 7. Quốc Hội (2017), Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb chính trị quốc gia Hà Nội. 8. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội 2674
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2