intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập" đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kế toán; phát triển số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán hợp lý; nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ kế toán; nâng cao vai trò, năng lực của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán cũng như năng lực nguồn nhân lực kế toán trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN TẠI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP IMPROVING THE QUALITY OF ACCOUNTING SERVICES IN VIETNAM IN THE PERIOD OF INTEGRATION TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, ThS. Nguyễn Thị Thúy Ngà Trường Đại học Lao động - Xã hội Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Trong những năm qua, hoạt động dịch vụ kế toán Việt Nam không ngừng được cải thiện về chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực nghề nghiệp để từng bước khẳng định được vị trí hoạt động nghề nghiệp trong nền kinh tế quốc dân và là dịch vụ không thể thiếu của nền kinh tế mở. Thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập, cần khắc phục. Số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ cơ bản. Đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp còn quá ít ỏi, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế nên chất lượng dịch vụ kế toán tại một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán cần thực hiện một số giải pháp: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kế toán; phát triển số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán hợp lý; nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ kế toán; nâng cao vai trò, năng lực của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán cũng như năng lực nguồn nhân lực kế toán trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Từ khóa: Chất lượng dịch vụ kế toán, dịch vụ kế toán, chất lượng dịch vụ ABSTRACT Over the past years, Vietnam's accounting service activities have been continuously improved in terms of service quality and professional capacity to gradually affirm the position of professional activities in the national economy and become an indispensable service of the open economy. Vietnam's accounting service market has achieved important achievements both in terms of service size and quality. However, besides the successes achieved, the Vietnamese accounting services market still has many shortcomings that need to be overcome. The number of accounting service businesses is still modest, mainly focusing on basic services. The team of professional accountants is still too small, and the capacity and professional skills are limited, so the quality of accounting services in some businesses has not met the requirements. Therefore, to improve the quality of accounting services, it is necessary to implement a number of solutions: perfecting the system of legal documents on accounting; increasing the number of enterprises providing reasonable accounting services; raising awareness about the quality of accounting services; improving the role and capacity of professional organizations in accounting as well as the capacity of accounting human resources in the context of international economic integration. Keywords: Accounting service quality, accounting service, service quality 322
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Giới thiệu Hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến tất các các lĩnh vực của nền kinh tế, lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc gia nhập các tổ chức quốc tế như WTO, AEC,... giúp lĩnh vực dịch vụ kế toán Việt Nam ngày càng đổi mới, hoà nhập với nguyên tắc và chuẩn mực phổ biến trên thế giới, tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước. Trong những năm qua, việc phát triển dịch vụ kế toán đã được chú trọng đẩy mạnh. Số lượng doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp dịch vụ kế toán có sự gia tăng rất lớn. Trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt đó, các doanh nghiệp một mặt tiếp tục phát triển về số lượng, quy mô các tổ chức dịch vụ, đồng thời chú trọng phát triển chất lượng, nâng cao năng lực nghề nghiệp sẽ từng bước khẳng định vị trí hoạt động nghề nghiệp kế toán trên thị trường quốc tế. Do đó, chất lượng dịch vụ kế toán có vai trò quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm kịp thời, chính xác, gia tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dịch vụ kế toán trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, dịch vụ kế toán Việt Nam vẫn còn non trẻ, mới chỉ có lịch sử phát triển hơn 30 năm. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, dịch vụ kế toán đã có bề dày hàng thế kỷ. So với yêu cầu và kỳ vọng của xã hội, của các nhà đầu tư, thì chất lượng dịch vụ kế toán và chất lượng đội ngũ kế toán viên còn một khoảng cách khá xa. Chính vì vậy, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán khi mở cửa, hội nhập chính là chất lượng dịch vụ, là năng lực hành nghề của các kế toán viên. Nếu không có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà. 2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý luận Quan điểm về dịch vụ kế toán Dịch vụ kế toán được hiểu là một loại hình dịch vụ, dịch vụ đó làm kế toán cho doanh nghiệp (Saxby và cộng sự, 2004). Dịch vụ kế toán là một trong những dịch vụ tư vấn kinh doanh đôi khi được gọi là dịch vụ phi kiểm toán (Đặng Văn Thanh, 2017). Dịch vụ kế toán được hiểu là một hoạt động dịch vụ, dịch vụ đó làm kế toán cho doanh nghiệp như báo cáo tài chính, thiết lập cụ thể hệ thống kế toán cho đơn vị kế toán, tư vấn tài chính, kê khai thuế. Theo luật kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015, kinh doanh dịch vụ kế toán là làm dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Các doanh nghiệp dịch vụ kế toán đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về pháp luật, chế độ, thể chế tài chính, kế toán của Nhà nước, cũng như việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chính. Để thực hiện được các công việc của mình đòi hỏi các doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải đáp ứng được các yêu cầu về chứng chỉ nghề nghiệp, kinh nghiệm, đạo đức, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ kế toán. Tại Việt Nam, dịch vụ kế toán hiện nay bao gồm: - Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nội địa - Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoặc doanh nghiệp nội địa cung cấp thông tin kế toán ra nước ngoài 323
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 - Cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài. Đây là nội dung nổi bật của dịch vụ kế toán của một quốc gia khi hội nhập kinh tế quốc tế. Đối tượng được cung cấp dịch vụ kế toán này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài có quốc tịch tại quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc của quốc gia, vùng lãnh thổ mà có điều ước quốc tế với Việt Nam về việc được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam. Theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), dịch vụ kế toán được cung cấp giữa các nước tham gia WTO thông qua hai phương thức: cung cấp qua biên giới (từ nước ngoài vào Việt Nam) và thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ kế toán. Quan điểm về chất lượng dịch vụ kế toán Chất lượng dịch vụ kế toán là cảm nhận, sự mong đợi và nhận thức của khách hàng đối với các sản phẩm kế toán được cung cấp bởi công ty dịch vụ kế toán (Saxby và cộng sự, 2004). Phân tích sâu hơn, chất lượng dịch vụ kế toán bao gồm hai thành phần cơ bản là chất lượng kỹ thuật (chất lượng cốt lõi) và chất lượng chức năng (dịch vụ được cung cấp) (Higgins and Jeffery M. Ferguson, 1991). Chất lượng kỹ thuật là năng lực của nhà cung cấp đem lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng, ở mức độ rủi ro chấp nhận được. Chất lượng chức năng là sự hài lòng của khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ kế toán có liên quan đến sự tương tác giữa nhà cung cấp và khách hàng được đánh giá theo cách chủ quan cao. Chính vì tính quan trọng của yếu tố “cảm nhận” của khách hàng - những nguời sử dụng dịch vụ kế toán nên để tạo ra sự cảm nhận tích cực của khách hàng, các công ty luôn rất chú trọng việc phục vụ chu đáo, tận tình, tạo sự yên tâm và tin tưởng từ phía người thụ hưởng dịch vụ tài chính. Có thể nói đây chính là khâu có tính quyết định sự thành công hay không của một công ty dịch vụ kế toán trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Thêm vào đó, vì kinh doanh dịch vụ kế toán là ngành kinh doanh có điều kiện nên chất lượng dịch vụ kế toán còn thể hiện ở việc các công ty dịch vụ kế toán có tuân thủ các quy định về chuẩn mực, chế độ kế toán, các quy định pháp luật về doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kết quả dịch vụ kế toán do doanh nghiệp cung cấp có trung thực, hợp lý và phù hợp với tình hình cụ thể của khách hàng hay không. Cho đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu về chất lượng dịch vụ kế toán, các nhân tố tác động đến chất lượng dịch vụ kế toán, qua đó góp phần đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán như: “Service Quality in Accounting Firm: The Relationship of Service Quality to Client Satisfaction and Firm/Client Conflict” (Saxby và cộng sự, 2004); “Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập” (Đào Ngọc Hà, 2018); “Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán tại công ty đại lý thuế tài chính kế toán Ưu Việt” (Nguyễn Thị Kim Mước, 2018). Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu đều đo lường chất lượng dịch vụ kế toán thông qua sự hài lòng của khách hàng. Trong bài viết này nhóm tác giả đã phân tích một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kế toán, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với các công cụ như thông qua Internet, các bài báo khoa học, báo cáo, hội thảo, … Đồng thời, khảo lược một số văn bản pháp lý, các nghiên cứu trong và ngoài nước để đánh giá xu hướng phát triển cũng như mô tả thực trạng hoạt động dịch vụ kế toán để từ đó hệ thống hoá và đề xuất giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng 324
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 dịch vụ kế toán ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 3. Thực trạng thị trường dịch vụ kế toán 3.1. Những kết quả đạt được trong phát triển thị trường dịch vụ kế toán Dịch vụ kế toán được coi là một loại hình thương mại dịch vụ cao cấp, được luật pháp Việt Nam chính thức thừa nhận năm 2003 và đăng ký hoạt động hợp pháp dưới sự quản lý và hỗ trợ của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam từ năm 2007. Kể từ khi hình thành và phát triển cho đến nay, thị trường dịch vụ kế toán tại nước ta đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế xã hội. Về khuôn khổ pháp lý quản lý thị trường dịch vụ kế toán: Môi trường pháp lý về cơ bản được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng. Việt Nam đã không ngừng cải cách hệ thống pháp luật kế toán, cụ thể đã ban hành Luật Kế toán sửa đổi năm 2015, Quyết định 1676/QĐ-BTC năm 2021 công bố 5 chuẩn mực kế toán công… với tư tưởng nội dung chứa đựng những vấn đề của kế toán trong điều kiện hội nhập. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”. Việc ban hành mới, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; thi, cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề song song với việc sửa đổi hệ thống các chuẩn mực, chế độ kế toán phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế sẽ là những điều kiện thuận lợi cơ bản cho việc hình thành và phát triển thị trường dịch vụ kế toán tại Việt Nam thời gian tới. Với việc quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, nguồn nhân lực thực hiện dịch vụ kế toán cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Từ chỗ chỉ có 18 doanh nghiệp, với hơn 30 kế toán viên chuyên nghiệp năm 2008, đến hết tháng 12/2020 đã phát triển lên 135 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán với 1.091 kế toán viên, trong đó có 350 người đang làm việc trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, chiếm 32% số người có chứng chỉ kế toán viên (Vũ Đức Chính, 2021). Theo đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng cho thấy, những năm gần đây, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Chất lượng đào tạo về lĩnh vực kế toán ngày càng chuyên nghiệp. Nhiều sinh viên học tại Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực qua các kỳ tuyển dụng và quá trình công tác, không thua kém với các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài... Các kế toán viên có chứng chỉ đều có trình độ cử nhân về tài chính, kế toán, ngân hàng… trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực tế và được trải qua kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ kế toán viên. Hoạt động dịch vụ kế toán không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập thông tin kinh tế, tài chính theo quy định của luật pháp, góp phần tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là tăng cường tính công khai, minh bạch của thông tin tài chính và làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia (Trần Văn Hợi, Nguyễn Thanh Thủy, 2020). 3.2. Một số hạn chế trong hoạt động thị trường dịch vụ kế toán Mặc dù có những bước phát triển, nhưng thị trường dịch vụ kế toán vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế Về tỷ lệ tăng trưởng, quy mô doanh nghiệp dịch vụ kế toán tăng hàng năm khá nhanh nhưng số lượng còn khiêm tốn, hoạt động chủ yếu ở một số thị trường lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, 325
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 tại các địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều. Năm 2019, mặc dù doanh nghiệp đã tăng 57% so với năm 2018 nhưng số lượng khách hàng mới chỉ đạt con số 7.396 đơn vị, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong thị trường (Vũ Đức Chính, 2021). Thị trường dịch vụ kế toán còn quá nhỏ bé trong một đất nước hơn 90 triệu dân, hơn 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó có tới 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Mặc dù có thị phần rất rộng lớn bao gồm cả các doanh nghiệp và các đơn vị kế toán nhà nước, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký còn hạn chế do sự buông lỏng trong kiểm tra giám sát, quy mô thị trường còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Hơn nữa, các công ty 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng chiếm đến 50% doanh thu toàn thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán. Đây là biểu hiện cho sự mất cân đối trong phát triển của thị trường (Mai Ngọc Anh, 2020). Bên cạnh đó, nhận thức về dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán chưa thật sự đầy đủ và thống nhất. Họ thường chỉ nghĩ dịch vụ kế toán chỉ là ghi sổ và lập báo cáo thuế mà chưa biết đến các dịch vụ khác như soát xét chứng từ, sổ sách kế toán, tư vấn thuế, tư vấn tài chính kế toán… Nhận thức về lợi ích của việc thuê các dịch vụ kế toán từ các tổ chức bên ngoài chưa cao. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc sử dụng dịch vụ kế toán ở bên ngoài là không cần thiết, họ lo ngại về tính bảo mật của các số liệu, sổ sách kế toán và các thông tin tài chính. Họ sợ rằng các nhà cung cấp dịch vụ kế toán được thuê có thể sử dụng thông tin về hoạt động kinh doanh của họ vào những mục đích khác. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ sử dụng dịch vụ kế toán khi không có khả năng tự thực hiện, khi thực sự cần thiết hoặc theo quy định bắt buộc của pháp luật. Thực tế là khách hàng yêu cầu cung cấp dịch vụ kế toán chủ yếu là loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Giá phí dịch vụ rất hạn chế, gây khó khăn cho việc phát triển của các công ty dịch vụ kế toán. Loại hình dịch vụ còn hạn hẹp, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ cơ bản như: ghi sổ, lập báo cáo tài chính theo quy định, kê khai thuế… Các dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao như tư vấn tài chính, kế toán quản trị, kiểm soát, quản trị rủi ro… còn khá hạn chế, doanh thu về dịch vụ tư vấn chiếm tỷ trọng thấp, gần như chưa có doanh thu của loại dịch vụ quản lý. Việc kiểm soát chất lượng hoạt động dịch vụ kế toán chủ yếu đánh giá về việc tuân thủ pháp luật và các quy định có tính kiểm soát nội bộ doanh nghiệp dịch vụ, mà chưa thật sự đi sâu vào đánh giá chất lượng dịch vụ, do chưa có đủ nhân lực có đủ năng lực cần thiết và kinh nghiệm thực tế. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kế toán tuy đã được chú trọng, tăng cường, song cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Thể hiện qua việc xây dựng thể chế; thực hiện quản lý, giám sát hành nghề, thực thi pháp luật về kế toán ở đơn vị; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện xử phạt các vi phạm… Hoạt động quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động kế toán là hết sức quan trọng nhưng chưa được hoàn thiện. Hoạt động kiểm tra chất lượng dịch vụ trong một số trường hợp còn có hạn chế nhất định, trong một số trường hợp kết quả kiểm tra chưa phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động của đơn vị; bộ máy nhân sự để thực hiện kiểm tra còn thiếu; số lượng doanh nghiệp dịch vụ được kiểm tra hàng năm chưa cao. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm được đầy đủ, kịp thời các vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý, ngăn chặn các vi phạm. Các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng đối với dịch vụ kế toán chưa thật sự hiệu quả; các chế tài chưa đủ mạnh, đầy đủ và hiệu lực cho các hoạt động nghề nghiệp, việc xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính răn đe… Qua công tác giám sát cho thấy, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng thực tế chất lượng dịch vụ kế toán tại một số doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số doanh nghiệp 326
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 và kế toán viên chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật có liên quan. Có thể nói, mở cửa hội nhập đang tạo ra sự cạnh tranh khắc nghiệt trong việc cung cấp dịch vụ kế toán, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia ký kết một loạt hiệp định thương mại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của nước ngoài dự báo sẽ hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi trong cuộc cạnh tranh này là chất lượng dịch vụ kế toán mà các doanh nghiệp cung cấp. Nếu không quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp dịch vụ chưa chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa tạo niềm tin cho khách hàng cũng như các đối tượng liên quan khác, tình trạng cạnh tranh giá phí còn tồn tại, dẫn đến trong nhiều trường hợp đã để lại rủi ro rất lớn cho khách hàng Cho dù hiện nay, nguồn nhân lực tại Việt Nam đã được quan tâm và số lượng đào tạo hàng năm khá lớn nhưng nhìn chung nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài. Đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp còn quá ít ỏi, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế. Số lượng người được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đến hết tháng 12/2020 là 386 cá nhân (Vũ Đức Chính, 2021). Số lượng này so với những quốc gia trong khu vực như Singapore và Thái Lan còn quá khiêm tốn. Người hành nghề trong các công ty cung cấp dịch vụ kế toán đòi hỏi phải có trình độ, am hiểu sâu về chuyên môn, có hiểu biết tốt về các quy tắc và quy định liên quan pháp luật. Kiến thức và chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ kế toán (Nguyễn Thị Thanh Giang, Nguyễn Hữu Xuân Trường, 2020). Ngoài việc giúp khách hàng tuân thủ quy định pháp luật và chuẩn mực chuyên môn, còn phải giúp khách hàng hoàn thiện hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động tại đơn vị khách hàng và nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên. Đồng thời, họ cũng là những chuyên gia, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển thị trường dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, môt số người chưa được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và quản lý sự thay đổi trong các tình huống phức tạp và có tính cạnh tranh cao ở môi trường kinh doanh quốc tế. Đây là thách thức không nhỏ của Việt Nam, bởi chúng ta có thể mất cơ hội trong bối cảnh hiện nay việc di chuyển hoặc thuê lao động nước ngoài có trình độ đang ngày càng phổ biến. 4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán trong thời kỳ hội nhập Từ việc phân tích thực trạng thị trường dịch vụ kế toán tại Việt Nam, đặc biệt là những hạn chế liên quan tới chất lượng dịch vụ kế toán, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán trong bối cảnh hội nhập: Thứ nhất, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hệ thống văn bản pháp luật về kế toán. Để nâng cao quản lý chất lượng dịch vụ kế toán thì cần phải xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thỏa mãn yêu cầu của kinh tế thị trường Việt Nam, phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế phổ biến, đảm bảo tính pháp lý và thống nhất cao, bao quát đầy đủ, toàn diện các mặt quản lý lĩnh vực hoạt động. Phải nhanh chóng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán; nghiên cứu xây dựng các Luật kế toán thay thế cho các Luật hiện hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và giải quyết căn bản các tồn tại, hạn chế, làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán. Xây dựng và ban hành các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, đảm bảo cụ thể hóa để tổ chức triển khai đúng quy định của các Luật. Ban hành các văn bản phù hợp để công bố áp dụng các chuẩn mực BCTC quốc tế; ban hành chuẩn mực 327
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 BCTC, chuẩn mực kế toán công… Tiêu chuẩn hóa các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng đối với dịch vụ kế toán; các quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính đảm bảo tính răn đe, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghiên cứu và điều chỉnh các quy định pháp lý về tiêu chuẩn, chức danh, chức năng và quyền hạn của chuyên gia kế toán, kế toán viên công chứng, kế toán viên có chứng chỉ hành nghề, kiểm toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề, tránh sự nhầm lẫn và ngộ nhận như hiện nay; Có sự thống nhất trong các Hội viên Liên đoàn kế toán các nước ASEAN (AFA) và phù hợp tiêu chuẩn, tiêu chí của Việt Nam. Việc hoàn thiện văn bản pháp luật trước hết là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhưng Hội nghề nghiệp và các đối tượng hành nghề kế toán cũng phải tích cực tham gia để lựa chọn mô hình quản lý phù hợp với thực tế và đi vào cuộc sống Thứ hai, giải pháp nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ kế toán. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về dịch vụ kế toán bao gồm cung cấp dịch vụ, sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán,.. Đối với việc cung cấp dịch vụ kế toán, ngày càng tăng cường nâng cao chất lượng giúp tăng cường tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ, nâng cao sự nhận thức về giá trị pháp lý của thông tin kế toán được cung cấp. Đối với khách hàng, việc nâng cao hiểu biết sẽ đảm bảo được quyền lợi của họ khi sử dụng dịch vụ đồng thời tự bản thân khách hàng tự kiểm tra được chất lượng dịch vụ sẽ bắt buộc doanh nghiệp tìm mọi cách nâng cao chất lượng. Nhận thức về kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán bao gồm nhận thức về tuân thủ các quy định của Nhà nước về cung cấp dịch vụ kế toán và nhận thức về chất lượng và quản lý chất lượng dịch vụ kế toán. Kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán cần dựa vào những tiêu thức nhất định đã được xây dựng, để có sự đánh giá khắc phục, phát huy những kết quả sẵn có. Quy định về giá trị pháp lý của dịch vụ kế toán, từ đó gắn trách nhiệm của kế toán viên với chất lượng dịch vụ và đây cũng là biện pháp đưa dần việc cung cấp dịch vụ tuân thủ theo pháp luật, để loại trừ dần các doanh nghiệp không đăng ký hành nghề mà vẫn cung cấp dịch vụ kế toán Thứ ba, giải pháp nâng cao năng lực nguồn nhân lực. Đây là giải pháp quan trọng, để làm được điều này cần: Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo ở bậc đại học và sau đại học theo hướng được khu vực và quốc tế thừa nhận nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán tại tất cả các khâu. Tăng cường kết hợp đào tạo với các tổ chức đào tạo quốc tế như ACCA, CPA Australia, ICAEW… Đổi mới phương thức học và thi lấy chứng chỉ CPA, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu của Liên đoàn kế toán quốc tế IFAC, đảm bảo điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó với sự hội nhập kinh tế quốc tế như gia nhập TPP, AEC, … bắt buộc vấn đề ngoại ngữ tiếng Anh phải đặc biệt quan tâm thì mới đáp ứng được yêu cầu là sự dịch chuyển dịch vụ kế toán khu vực, quốc tế. Trong chương trình của các cơ sở đào tạo đều đã có chương trình, nội dung đào tạo tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành. Đồng thời, có cam kết và chuẩn ngoại ngữ đầu ra, nhưng thực tế do nhiều nguyên nhân thì vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa có thể thành thạo. Vì thế, trong chương trình thi cấp chứng chỉ hàng năm cần thiết phải đưa môn ngoại ngữ với yêu cầu ở cấp độ cao hơn quy định hiện hành. Hơn thế nữa, đề thi sát hạch ngoại ngữ cần tập trung vào chuyên ngành, pháp luật, giải quyết tình huống,… Thông qua hoạt động đào tạo, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán yêu cầu nhân viên của mình nâng cao ý thức, kỷ luật và trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế. Việc đào tạo và cập nhật kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ phải được tiến hành thường xuyên kết hợp với việc kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm và không 328
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 ngừng đề cao năng lực, trách nhiệm cá nhân của người hành nghề. Đồng thời, yêu cầu các cá nhân trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có trách nhiệm trau dồi, bồi dưỡng để hướng đến mục tiêu bắt buộc phải đạt các chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ nhằm tạo khả năng giao tiếp cho đội ngũ kế toán viên hành nghề và coi đây là một trong những bắt buộc khi đủ điều kiện hành nghề. Việc cập nhật kiểm tra kiến thức hàng năm cũng phải đưa điều kiện bắt buộc này. Thứ tư, giải pháp phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Để giúp các doanh nghiệp dịch vụ kế toán vượt qua thách thức, phát triển vững mạnh và chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ ngày càng tăng lên, trong thời gian tới cần phải phát triển số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán một cách hợp lý; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp kế toán kiểm toán có quy mô lớn, có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng tới cung cấp dịch vụ tại các thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nhằm tăng năng suất nghề nghiệp; tăng cường hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói và toàn diện cho khách hàng; Cần cân nhắc tính hiệu quả và lợi ích kinh tế khi thương lượng phí dịch vụ, để đảm bảo chất lượng dịch vụ khi cung cấp; Xem xét lại và hoàn chỉnh quy chế kiểm soát chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ chung cho toàn công ty và tiến tới từng loại hợp đồng dịch vụ; Thực hiện quy chế đào tạo và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho các nhân viên chưa là kế toán viên hành nghề; Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Thứ năm, giải pháp nâng cao vai trò và năng lực của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Tổ chức nghề nghiệp cần đổi mới mạnh hơn, nhiều hơn cả về tổ chức, phương thức hoạt động và nội dụng hoạt động theo thông lệ quốc tế, thu hút đông đảo hội viên tham gia, là nơi tập hợp và kiểm soát nghề nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người hành nghề kế toán. Tăng cường mối quan hệ với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, các tổ chức phi Chính phủ trên thế giới để tranh thủ sự giúp đỡ trong việc hỗ trợ các dự án triển khai nghiên cứu và thực hiện cải cách kế toán…. Nghiên cứu các mô hình của các nước phát triển để vận dụng vào Việt Nam trong việc xây dựng kỹ thuật nghiệp vụ kế toán; phát triển dịch vụ kế toán; hoàn thiện mô hình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ hành nghề về kế toán. 5. Kết luận Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cho các nước những cơ hội lớn và những thác thức không nhỏ đối với việc phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là những nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, khi bước vào hội nhập cũng có những điểm khả quan, tuy nhiên cũng phải thấy rằng xuất phát điểm của các dịch vụ kế toán của Việt Nam tham gia hội nhập còn khá thấp: thị trường hẹp, khả năng cung cấp dịch vụ còn hạn chế, dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng chưa cao... Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa hết sức lớn lao, giúp cho Việt Nam tận dụng được những cơ hội, vượt qua được những thách thức nhằm đẩy nhanh tiến trình tham gia hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán./. 329
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Mai Ngọc Anh (2020). Phát triển thị trường DVKT, kiểm toán: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 4/2020. [2] Vũ Đức Chính (2021). Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1+2 tháng 2/2021 [3] Nguyễn Thị Thanh Giang, Nguyễn Hữu Xuân Trường (2020). Các nhân tố ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính năm 2019 – bài viết tuyển chọn, 26/3/2020, T702-704 [4] Trần Văn Hợi, Nguyễn Thanh Thủy (2020). Phát triển dịch vụ kế toán kiểm toán việt nam trong điều kiện cách mạng 4.0, Tạp chí Tài chính 2019- bài viết tuyển chọn, 26/3/2020, T696-698 [5] Đào Ngọc Hà (2018). Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T4/2018 [6] Higgins, L.F. and Ferguson, J.M, 1991. Practical Approaches for Evaluating the Quality Dimensions of Professional Accounting Services, Journal of Professional Services Marketing, Vol.7 (1), 3-17. [7] Nguyễn Thị Kim Mước, (2018). Giải pháp năng cao CLDV kế toán tại công ty đại lý thuế tài chính kế toán Ưu Việt, Luận văn Ths, Đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh [8] Quốc hội, 2015. Luật Kế toán số 88/2015/QH13, ban hành ngày 20/11/2015. [9] Saxby et al, (2004). Service Quality in Accounting Firm: The Relationship of Service Quality to Client Satisfaction and Firm/Client Conflict, Journal of Business & Economics Research (JBER), 2(11). [10] Đặng Văn Thanh, (2017). Chặng đường 10 năm Dịch vụ Kế toán Việt Nam, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T6/2017 [11] Thủ tướng Chính phủ, 2013. Quyết định số 480/QĐ-TTg- phê duyệt Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ban hành ngày 18/3/2013 330
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2