intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

49
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung bài báo đưa ra một số kết quả nghiên cứu thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên các trường sư phạm hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0153 Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8, pp. 125-133 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Nguyễn Thu Tuấn Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Cùng với công tác đào tạo thì hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các trường đại học, trong đó nghiên cứu khoa học là động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của các trường đại học nói chung và đại học sư phạm nói riêng là phải chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp cốt yếu nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên. Nội dung bài báo đưa ra một số kết quả nghiên cứu thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên các trường sư phạm hiện nay. Từ khóa: Đại học, đào tạo, giảng viên, nghiên cứu khoa học. 1. Mở đầu Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai nhiệm vụ cơ bản, chiến lược của các trường đại học (ĐH). Hai nhiệm vụ này luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. NCKH là một trong những yếu tố tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước [2]. Hoạt động NCKH của các trường ĐH góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của giảng viên (GV), giúp họ nuôi dưỡng kiến thức cho việc dạy học (DH) để đưa vào giảng dạy những kiến thức mới nhất. Thông qua hoạt động NCKH, các GV có điều kiện tiếp cận với thực tiễn và tổng kết thực tiễn. Các kết quả NCKH đã đóng góp một phần lớn vào việc chỉnh lí, biên soạn lại các bài giảng, giáo trình giảng dạy. Thực tiễn cho thấy, việc đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy (PPGD) chủ yếu dựa trên các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học. Chính những kết quả nghiên cứu này đã góp phần làm cho nội dung các bài giảng thêm phong phú, sinh động và sát với thực tiễn hơn. Nói một cách khác, GV không thể giảng dạy tốt nếu thiếu NCKH. Kết quả nghiên cứu là tiền đề để mỗi GV nâng cao chất lượng giảng dạy. Một bài giảng hay là kết quả của một thái độ nghiên cứu nghiêm túc và công phu, nó như một công trình nghiên cứu để cho sinh viên và các thế hệ đi sau học tập và tham khảo. Người GV nếu tích Ngày nhận bài: 15/6/2015. Ngày nhận đăng: 15/10/2015. Liên hệ: Nguyễn Thu Tuấn, e-mail: thutuan.dhsphn@gmail.com 125
  2. Nguyễn Thu Tuấn cực hoạt động NCKH sẽ tự nâng tầm nghiên cứu và trình độ chuyên môn cho chính mình. Một khi hoạt động NCKH đạt được kết quả cao thì càng khẳng định vị thế, uy tín của bản thân người GV trong xã hội [7]. Gần đây có một số giáo trình về Phương pháp luận NCKH phục vụ cho công tác đào tạo của các tác giả: Vũ Cao Đàm, Lưu Xuân Mới, Phạm Viết Vượng, Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Đức Hòa. . . [1,6,10,13,14]. Có nhiều bài báo đề cập tới các khía cạnh cụ thể về hoạt động NCKH, chẳng hạn như các tác giả: Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Hương Giang và Lê Phước Minh đã chỉ ra vai trò to lớn của của hoạt động NCKH đối với GV trong các cơ sở giáo dục ĐH [2,4,8]; tác giả Lê Thị Tuyết Hạnh và Trần Hồng Lưu đã đưa ra một số giải pháp tạo động lực thúc đẩy GV ĐH tích cực tham gia NCKH [3, 7]; nhiều tác giả đề cập tới công tác quản lí NCKH và đưa ra những mô hình quản lí NCKH khác nhau [5, 8, 11, 12]; tác giả Lê Phước Minh chỉ ra hiện trạng bất cập trong việc cấp kinh phí NCKH cho các trường ĐH Việt Nam hiện nay, đồng thời tác giả cũng đưa ra kinh nghiệm của các quốc gia về chính sách tài chính đối với hoạt động NCKH [9] v.v. . . Tuy nhiên, để xây dựng được hệ thống những giải pháp cốt yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả NCKH của đội ngũ GV các trường sư phạm thì chưa có nhiều tác giả nghiên cứu một cách sâu sắc. Thực trạng này đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu lí luận và thực tiễn về hoạt động NCKH của GV góp phần vào chiến lược đổi mới và phát triển giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) ĐH một cách bền vững. Thực tế cho thấy hoạt động NCKH hiện nay của các trường ĐH đang tồn tại nhiều bất cập, thực sự chưa đáp ứng được kì vọng của xã hội. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sút chất lượng, hiệu quả của hoạt động NCKH là không ít GV nhận thức chưa đúng về vai trò to lớn của hoạt động NCKH; không ít trường sư phạm chỉ chú trọng đến công tác đào tạo hơn là NCKH. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như cơ chế quản lí, công tác khen thưởng, chế độ đãi ngộ cho người làm NCKH. . . ít nhiều có ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chưa cao của hoạt động NCKH. Kinh nghiệm của các trường ĐH lớn trên thế giới cho thấy: việc chú trọng phải đẩy mạnh công tác NCKH cũng như phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với NCKH là vấn đề sống còn của một trường ĐH. Không thể có một đội ngũ GV giỏi nếu họ không gắn việc giảng dạy với nghiên cứu, không thể có một trường ĐH mạnh khi hoạt động NCKH chỉ là một hoạt động mờ nhạt trong nhà trường [7]. Có thể khẳng định rằng, chất lượng hoạt động của các trường ĐH chỉ có thể được nâng cao khi thực hiện tốt nhiệm vụ NCKH song hành với nhiệm vụ đào tạo. Xuất phát từ thực tiễn của GD-ĐT ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt nam hiện nay, vấn đề đẩy mạnh NCKH trong các trường sư phạm có ý nghĩa sống còn đối với việc đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là từ thực tế hoạt động NCKH của GV các trường sư phạm đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu thực trạng và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả NCKH của đội ngũ GV các trường sư phạm. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học Hoạt động NCKH của các trường ĐH trong nhiều năm qua đã thu được kết quả khá ấn tượng: Số lượng các đề tài NCKH không ngừng phát triển và chất lượng ngày một nâng cao; thành công của những hội nghị khoa học không chỉ thể hiện ở số lượng các báo cáo tăng lên hàng năm 126
  3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường sư phạm... mà còn thể hiện ở chất lượng và tính khả thi của mỗi công trình nghiên cứu; dù còn nhiều khó khăn bề bộn của cuộc sống thường ngày nhưng nhiều GV vẫn say mê làm khoa học, quyết tâm cố gắng vươn lên trong hoạt động NCKH và thu được những kết quả tốt, nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao về chất lượng. Mặc dù hoạt động NCKH thu được nhiều kết quả như trên, nhưng thực tế cho thấy hoạt động NCKH hiện nay của các trường ĐH thực sự chưa đáp ứng được kì vọng của xã hội, đang tồn tại những bất cập bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đó là: - Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sút chất lượng, hiệu quả hoạt động NCKH của không ít GV là do họ nhận thức chưa đúng về vai trò to lớn của hoạt động NCKH trong việc nâng cao trình độ, năng lực NCKH cho chính mình. Nhiều GV đã coi việc làm NCKH như một nhiệm vụ bắt buộc, miễn cưỡng phải làm, vì vậy sản phẩm NCKH của họ chỉ làm một cách chiếu lệ cho xong, không quan tâm nhiều tới chất lượng công trình; họ tập trung công sức và dành nhiều thời gian cho giảng dạy thay vì NCKH (do nhiều nguyên nhân: trong đó phải kể tới một số GV có trình độ năng lực làm NCKH thì họ thấy kinh phí thu nhập từ NCKH là quá thấp trong khi phải đầu tư quá nhiều thời gian, trí lực và sức khỏe để dành cho việc này. Đối tượng còn lại là những GV không thích làm NCKH hoặc trình độ năng lực làm NCKH còn hạn chế thì họ có vô vàn lí do để lảng tránh không làm). Một khi nghiên cứu không nhằm mục đích phát kiến, phát minh mà chỉ đơn thuần để hoàn thành chức năng giảng dạy của người thầy thì rất khó trở thành động lực thực sự cho sáng tạo. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân không kém phần quan trọng như cơ chế quản lí, công tác khen thưởng, chế độ đãi ngộ cho người làm NCKH. . . - Ở một số trường, không phải không có quan niệm cho rằng làm NCKH chỉ là công việc của các Viện nghiên cứu, còn các trường sư phạm chỉ tập trung cho công tác đào tạo; hoặc có trường chỉ chú trọng nhiều đến công tác đào tạo hơn là NCKH. Chính những quan niệm sai lầm đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nhà trường, làm cho chất lượng, hiệu quả của hoạt động NCKH chưa cao. - Thực tiễn cho thấy, bên cạnh số ít GV trẻ có năng lực NCKH thì còn có khá nhiều GV tốt nghiệp ĐH không phải gốc đào tạo là trường sư phạm đã chưa thể hiện được năng lực NCKH của mình, họ thực sự chưa có được phương pháp NCKH một cách bài bản. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế này là các GV đó chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về NCKH một cách chính thống; cộng thêm sự chưa thật sự chuyên tâm hết mình để tự mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu của họ. Biểu hiện sự hạn chế của những GV này khi thực hiện một công trình NCKH là: chưa thể hiện tốt việc xây dựng một đề cương nghiên cứu; chưa chọn trúng các quan điểm tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu; xây dựng giả thuyết khoa học còn lúng túng và chưa biết diễn đạt giả thuyết đó ra sao; kĩ năng xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ, khách thể và đối tượng nghiên cứu cũng như kĩ năng thiết kế bộ công cụ các phiếu khảo sát. . . còn nhiều hạn chế và sai sót. Chính những yếu điểm này đã ảnh hưởng tới các kĩ năng khác như: viết đề cương chi tiết; viết báo cáo kết quả nghiên cứu; tổ chức hội thảo khoa học; thực hiện các đợt khảo sát bằng phiếu hỏi; kĩ năng xử lí các số liệu v.v. . . cũng ở mức độ thấp. - Việc thông báo, chia sẻ thông tin về các kết quả nghiên cứu (giữa các trường ĐH với nhau; giữa các nhóm nghiên cứu cùng chuyên môn với nhau, và thậm chí là ngay trong một trường) là rất hạn chế, đó là chưa nói đến việc phổ biến và thương mại hóa kết quả nghiên cứu [8]. Điều đó làm giảm đáng kể hiệu quả trong việc trao đổi, hợp tác, liên kết hoạt động NCKH giữa các cơ sở đào tạo. 127
  4. Nguyễn Thu Tuấn - Ở nhiều trường ĐH vẫn đang phổ biến tình trạng GV muốn thực hiện đề tài thì đăng kí theo thế mạnh/ sở trường của bản thân mà ít khi xuất phát từ thực tế nhu cầu thực của nhà trường, của ngành hay của xã hội. Nhiều đề tài còn giáo điều, sáo rỗng, không dựa trên nhu cầu thực tiễn của hoạt động NCKH gắn với giảng dạy, vì thế nội dung đề tài không có gì mới mà chỉ dựa trên những vấn đề nghiên cứu đã cũ, sau đó tổng hợp “cắt - dán” lại, thiếu đi sự tìm tòi, khám phá mới. Điều này vô tình gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tài chính. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài vào công tác đào tạo và giảng dạy còn khá khiêm tốn. - Hiện nay, hầu hết các trường ĐH đều thành lập Hội đồng khoa học. Tuy nhiên, ở một số trường, hội đồng này mới chỉ dừng lại việc tổ chức, nghiệm thu, đánh giá chứ chưa đưa ra được những định hướng nghiên cứu hàng năm, hàng quý để GV căn cứ vào đó mà đăng kí đề tài cho trúng hướng; chưa tổ chức được các buổi tập huấn, hướng dẫn cho các GV trẻ phương pháp NCKH (cách tìm chọn đề tài, tìm tài liệu, xử lí số liệu. . . ). - Việc phân bổ kinh phí cho các đề tài NCKH ở một số trường ĐH hiện nay còn mang tính “cào bằng”, phân bổ khoán đều số lượng đề tài cho các khoa. Điều đó dẫn tới tình trạng là có khoa phải tự loại bớt số lượng đề tài (mặc dù đề tài bị loại có chất lượng tốt) vì lí do ở khoa đó có nhiều GV đăng kí; ngược lại có khoa lại không đủ số lượng đề tài theo chỉ tiêu nhà trường cho (do nhiều nguyên nhân khác nhau: năng lực làm nghiên cứu của GV có hạn; kinh phí cấp cho đề tài không bằng tiền đi dạy thêm; ngại làm các thủ tục hành chính khi thanh quyết toán đề tài v.v. . . ). 2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên Bồi dưỡng động cơ và thái độ đúng đắn về nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên - Đối với lãnh đạo nhà trường: Hoạt động NCKH và đào tạo là hai nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của các trường ĐH - trong đó NCKH phải được coi là động lực, là mũi nhọn để nâng cao chất lượng GD-ĐT nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra và trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ GV. Khi chất lượng đào tạo của các trường ngày càng đòi hỏi cao hơn thì công tác NCKH cũng phải được đẩy mạnh để tạo điều kiện hỗ trợ và tác động đến chất lượng đào tạo. Hoạt động NCKH phải gắn liền với công tác đào tạo, gắn liền học với hành, gắn liền lí luận với thực tiễn. Các nhà quản lí cần xác định vị thế và uy tín của trường mình được quyết định chủ yếu bởi đội ngũ GV có chất lượng cao, coi phương thức tốt nhất để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ GV là thông qua hoạt động NCKH. Vì vậy, lãnh đạo nhà trường cần quán triệt đến từng GV để họ xác định NCKH phải là nhiệm vụ bắt buộc, là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi người, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động giảng dạy, công tác của GV. - Đối với GV: Cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hoạt động NCKH. Người GV phải đồng thời làm tốt hai nhiệm vụ là vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu. Quá trình NCKH đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của GV, giúp họ nuôi dưỡng kiến thức để đưa vào giảng dạy (thông qua việc cập nhật, bổ sung tri thức và nâng cao các năng lực cá nhân để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình giảng dạy). Vì vậy, mỗi GV cần có kế hoạch cụ thể cho hoạt động NCKH của từng năm và lộ trình cho từng giai đoạn, cần cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt để tận dụng thời gian dành cho NCKH. Nếu người GV tích cực trong hoạt động NCKH sẽ tự nâng tầm nghiên cứu và trình độ chuyên môn cho chính mình; đồng thời cũng nâng cao khả năng trong việc hướng dẫn sinh viên làm NCKH [4]. 128
  5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường sư phạm... Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên Nếu mỗi cá nhân GV có sự đam mê NCKH thì sẽ tạo điều kiện để phát triển NCKH. Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực NCKH cho GV bằng cách tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo tập trung, tập huấn nghiệp vụ về phương pháp NCKH; tăng cường hợp tác NCKH với các nhà khoa học có uy tín để GV được học hỏi; tổ chức các buổi tọa đàm về những đổi mới, những thành tựu, những hướng nghiên cứu. . . để mỗi GV đều là một cán bộ NCKH; động viên GV tham gia các hoạt động NCKH ngoài trường để họ tự tin về năng lực NCKH của bản thân [2]. Kinh nghiệm của các trường ĐH lớn trên thế giới cho thấy: việc đẩy mạnh NCKH, gắn kết đào tạo và NCKH là vấn đề sống còn của một trường ĐH. Không thể có một đội ngũ GV giỏi nếu họ không gắn việc giảng dạy với nghiên cứu, không thể có một trường ĐH mạnh khi hoạt động NCKH chỉ là một hoạt động mờ nhạt trong nhà trường [7]. Vì vậy, phải luôn gắn kết chặt chẽ NCKH với quá trình đào tạo; huy động toàn bộ đội ngũ GV của trường tham gia vào các hoạt động NCKH, giúp cho việc gắn bó hữu cơ giữa nghiên cứu và giảng dạy đạt hiệu quả cao. Phải coi hoạt động NCKH là nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi GV, lấy kết quả NCKH là một trong những tiêu chuẩn cứng trong việc đánh giá, xếp loại thi đua của GV. Xây dựng quy chế, chính sách khuyến khích giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học - Để nâng cao chất lượng, hiệu quả NCKH của GV, lãnh đạo các trường cần xây dựng chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong NCKH bằng việc tôn vinh kịp thời những công trình khoa học có giá trị lí luận và thực tiễn cao của các GV; bằng việc tăng lương trước thời hạn; bằng việc tính điểm thưởng cho những GV có nhiều thành tích, có nhiều đề tài NCKH được Hội đồng khoa học đánh giá cao về chất lượng, có nhiều bài viết trên các tạp chí khoa học chuyên ngành ở trong và ngoài nước. . . đó chính là động lực thúc đẩy thu hút nhiều GV tham gia hoạt động khoa học, tiếp sức cho họ luôn nhiệt huyết say mê, chuyên tâm với sự nghiệp khoa học [3]. - Giới hạn giờ giảng của GV và có cơ chế quy đổi giờ NCKH thành giờ giảng: Thực tế việc tuyển sinh hiện nay của các trường ĐH gặp nhiều khó khăn, số lượng sinh viên giảm đáng kể, vì thế tổng số lớp giảm theo. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều GV không thực hiện đủ số tiết dạy theo quy định. Trong khi đó, những GV có đủ điều kiện và khả năng NCKH lại phải đảm nhiệm số giờ giảng nhiều hơn, vì thế quỹ thời gian của họ được dành phần lớn cho giảng dạy (theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GV có chức danh càng cao thì số giờ giảng dạy càng nhiều, cụ thể là: Giáo sư và GV cao cấp = 360 giờ/năm; Phó giáo sư và GV chính = 320 giờ/năm; GV = 280 giờ/năm) - số giờ chuẩn như vậy là tương đối nhiều đối với những GV có học hàm, học vị cao. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT cần có chính sách giới hạn số giờ giảng của GV để họ có thể yên tâm hơn khi làm NCKH mà không phải lo lắng thiếu giờ dạy theo định mức. Trước mắt, Bộ GD-ĐT nên xem xét giảm định mức giờ dạy cho các đối tượng GV có học hàm, học vị là Giáo sư, Phó giáo sư và Tiến sĩ để họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động NCKH (nhằm tránh tình trạng áp lực giờ giảng quá lớn làm cho các GV này không còn nhiều thời gian và tâm huyết dành cho NCKH). - Cùng với việc giảm định mức giờ dạy cho GV, Bộ GD-ĐT (và lãnh đạo trường ĐH) cần có cơ chế để quy đổi giờ NCKH thành giờ giảng với một tỉ lệ nhất định (ví dụ: viết bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành; đề tài NCKH cấp trường, cấp Bộ; viết giáo trình, sách chuyên khảo; với khối nghệ thuật thì đó là các sáng tác tác phẩm được công nhận bởi giải thưởng hoặc bằng khen. . . ). 129
  6. Nguyễn Thu Tuấn - Đổi mới cơ chế tài chính để tạo thuận lợi cho mọi GV hoạt động NCKH: Nhà nước cần tăng tỉ lệ ngân sách dành cho hoạt động NCKH ở từng trường (kinh phí không nên đầu tư dàn trải, đầu tư bằng nhau cho mọi trường); tăng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu (cấp cơ sở và cấp ngành, cấp bộ); đầu tư thêm các phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu. . . Hiện nay, với cơ chế tự chủ về tài chính, từng trường có thể thực hiện những chính sách tài chính hợp lí để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động NCKH của trường mình. Cụ thể là: nâng mức kinh phí NCKH từ tổng chi của ngân sách nhà trường; đấu thầu các đề tài NCKH để chọn được những đề tài thực sự có giá trị; ban hành chế độ thưởng bằng tiền hoặc bằng tiết dạy cho các GV thực hiện những công trình nghiên cứu đạt chất lượng cao; xóa bỏ chế độ nộp phần trăm (%) vào ngân sách trường từ kinh phí các đề tài khoa học. Trong điều kiện ngân quỹ dành cho hoạt động NCKH ngày càng bị thu hẹp trong khi số lượng đề tài đăng kí lại quá lớn thì tùy theo tình hình thực tế của từng trường, lãnh đạo nhà trường có thể áp dụng cơ chế chủ nhiệm đề tài tự lo kinh phí, không sử dụng tiền hỗ trợ của nhà trường (nếu tác giả của đề tài đó đồng ý). Tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học Hiện nay, các phòng thí nghiệm có chất lượng cao chủ yếu tập trung vào các trường ĐH lớn. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động NCKH của các trường ĐH có quy mô vừa và nhỏ - đặc biệt là các trường ĐH địa phương. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có phương án hỗ trợ các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn cho các trường ĐH khi họ có nhu cầu - đặc biệt là các trường ĐH mới được thành lập [2]. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học Cần tăng cường hợp tác quốc tế với các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và thế giới, hợp tác với các cơ quan nghiên cứu danh giá nước ngoài. Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam, tổ chức các chương trình giao lưu với những nhà khoa học đầu ngành của các nước để GV Việt Nam được học hỏi kinh nghiệm và phương pháp NCKH tiên tiến của họ. Có chính sách gửi GV trẻ sang các nước phát triển để học tập, nghiên cứu. Phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu khoa học Các trường cần có cơ chế, biện pháp phối hợp, trao đổi NCKH với nhau để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm tổ chức và quản lí các mô hình hoạt động NCKH của nhau, trên cơ sở đó khắc phục những hạn chế, yếu kém và phát huy những ưu điểm, thế mạnh của trường mình. Giải pháp cho vấn đề này là: Các trường cùng khối ngành, cùng nhóm ngành có thể phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo khoa học để tạo điều kiện cho các GV có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc, học hỏi lẫn nhau. Nên tạo nhiều cơ hội cho các GV cùng tham gia tiến hành các đề tài mà các trường cùng nghiên cứu để phát huy được thế mạnh của mỗi trường, đồng thời tránh sự trùng lặp, chồng chéo các hướng nghiên cứu, gây lãng phí cả thời gian, chất xám và tiền bạc. Ngoài hai trường ĐHSP trọng điểm quốc gia có Viện nghiên cứu sư phạm riêng, các trường ĐH còn lại cần tích cực phối hợp với các Viện nghiên cứu để sử dụng, phổ biến các kết quả nghiên cứu vào trong giảng dạy nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, qua đó tạo điều kiện cho các GV học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong NCKH từ các nghiên cứu viên của các Viện nghiên cứu. Nâng cao hiệu quả quản lí và định hướng hoạt động khoa học - công nghệ của phòng Quản lí khoa học Có thể nói, sự thành công trong hoạt động khoa học – công nghệ (KH-CN) của một trường 130
  7. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường sư phạm... ĐH phần lớn nhờ vào hiệu quả hoạt động của phòng Quản lí khoa học. Chức năng quản lí và định hướng hoạt động KH-CN là vô cùng quan trọng. Nếu phòng Quản lí khoa học thực hiện tốt chức năng này thì sẽ tạo cơ hội và điều kiện tốt cho GV tham gia NCKH có hiệu quả. Giải pháp cho vấn đề này là: Phòng Quản lí khoa học cần đưa ra các định hướng nghiên cứu hàng năm để GV dựa vào đó mà đăng kí đề tài cho trúng hướng; cần tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn cho các GV trẻ về phương pháp NCKH (như cách tìm chọn đề tài, cách tìm tài liệu, cách xử lí số liệu. . . ); tạo điều kiện cho các sinh hoạt học thuật khoa học được diễn ra thường xuyên và đúng hướng. Coi trọng giá trị thực tiễn của các công trình nghiên cứu Các đề tài nghiên cứu thường do GV đề xuất và thực hiện, nhưng đơn vị thụ hưởng lại không rõ ràng - thậm chí là không có địa chỉ sử dụng (bởi đề tài chung chung, không cụ thể). Điều đó gây ra sự lãng phí lớn cho NCKH và làm giảm động lực NCKH. Giải pháp cho vấn đề này là: khoán kinh phí căn cứ trên cơ sở sản phẩm đầu ra sẽ góp phần tạo môi trường hiệu quả nhằm tăng giá trị thực tiễn của công trình nghiên cứu [2]. Giảng viên cần tăng cường hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học Hoạt động NCKH của sinh viên chỉ có thể được phát triển khi chính đội ngũ GV có hoạt động NCKH phát triển. Vì vậy, từng GV cần chú trọng khơi dậy tiềm năng NCKH ở sinh viên bằng cách khuyến khích họ tự học, tự nghiên cứu; gợi ý cho họ triển khai các đề tài khoa học. Một khi sinh viên thực hiện tốt đề tài sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động NCKH của GV. Khuyến khích giảng viên trẻ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học Tiềm năng NCKH của đội ngũ GV trẻ là rất lớn, họ luôn năng động, sáng tạo, mong muốn được cống hiến, được thể hiện mình, có khả năng tiếp thu tri thức khoa học nhanh và ứng dụng CNTT trong giảng dạy rất hiệu quả. Tuy nhiên họ lại thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm làm NCKH. Vấn đề đặt ra là lãnh đạo nhà trường làm thế nào để có thể khai thác hết tiềm năng, phát huy được năng lực và lòng say mê nhiệt tình làm NCKH của các GV trẻ? Để làm tốt việc đó, cần có sự quan tâm cộng hưởng của nhiều cá nhân các nhà khoa học có tên tuổi, của nhiều tổ chức ở trong và ngoài nhà trường. Lãnh đạo các trường cần có những chính sách, chế độ, kinh phí bằng văn bản cụ thể, riêng biệt để hỗ trợ, động viên, khích lệ các GV trẻ nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động NCKH; mở các lớp bồi dưỡng về phương pháp NCKH cho các GV trẻ để họ được trang bị thêm các phương pháp nghiên cứu mới; cần tạo điều kiện về mặt pháp lí để các GV trẻ có nhiều cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực NCKH từ các giáo sư, các nhà khoa học giỏi để bồi dưỡng cho GV trẻ về kĩ năng và phương pháp nghiên cứu; tạo cơ hội và điều kiện cho GV trẻ được tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học với những GV có thâm niên, có kinh nghiệm trong NCKH; tổ chức các buổi sinh hoạt NCKH cho GV trẻ; hỗ trợ kinh phí, tạo cơ hội cho GV trẻ đi học tập, nghiên cứu ở các trường ĐH lớn và những cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài v.v. . . Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực NCKH cho đội ngũ GV trẻ của các trường ĐH trong tình hình hiện nay. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả NCKH, đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện nay, mỗi GV trẻ cần có kế hoạch chiến lược cho việc tự học, tự nâng cao năng lực nghiên cứu của bản thân; tích cực tham gia các hội thảo khoa học ở trong và ngoài nước, những buổi thuyết trình kết quả nghiên cứu đề tài khoa học, các buổi trao đổi học thuật khoa học; chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm NCKH của các chuyên gia, của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm; chủ động viết các bài báo khoa học; mạnh dạn đăng kí tham gia các đề tài NCKH và nuôi dưỡng lòng say mê NCKH theo định hướng nghiên cứu đã chọn, không nên cầu toàn - điều quan trọng hơn là qua đó nâng cao 131
  8. Nguyễn Thu Tuấn được trình độ nghiên cứu và rút kinh nghiệm cho những lần sau. . . Thông qua các hoạt động trải nghiệm quý giá đó sẽ vô cùng bổ ích cho bản thân mỗi GV trẻ, họ sẽ trưởng thành nhanh chóng trong lĩnh vực hoạt động NCKH, trên cơ sở đó hỗ trợ đắc lực và có hiệu quả trong công tác giảng dạy của mình. Hoạt động NCKH của GV là sản phẩm của quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm của họ. Vì vậy, để GV có thể hoạt động NCKH một cách hiệu quả, cần hội tụ đủ các yếu tố sau: có môi trường làm việc thuận lợi cho công tác giảng dạy và NCKH; đảm bảo về thời gian và điều kiện vật chất cho việc nghiên cứu; bản thân GV phải say mê NCKH; liên tục bám sát nhu cầu thực tế; tổ chức tốt quá trình thực hiện đề tài. . . Điều này là khó đối với các GV - đặc biệt là GV trẻ. Vì vậy, lãnh đạo các nhà trường cần có những quy định cụ thể để nhằm động viên, khuyến khích họ tích cực cống hiến và phát huy hết khả năng của bản thân dành cho NCKH. 3. Kết luận Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp GD-ĐT, việc đẩy mạnh NCKH trong các trường sư phạm có ý nghĩa sống còn đối với việc đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu trên, đang còn nhiều thách thức phía trước, đòi hỏi việc NCKH cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ban ngành, các trường, các tổ chức xã hội để đáp ứng mục tiêu của ngành và yêu cầu đổi mới của xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Vũ Cao Đàm, 2009. Giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Nxb Giáo dục (tái bản lần thứ hai), Hà Nội. [2] Nguyễn Thị Hương Giang, 2012. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở trường đại học. Tạp chí Quản lí Giáo dục, Số 37, tr. 17 - 20. [3] Lê Thị Tuyết Hạnh, 2010. Một số giải pháp cơ bản tạo động lực thúc đẩy giảng viên đại học tham gia nghiên cứu khoa học. Tạp chí Giáo dục, Số 241, (tr.6-8). [4] Vũ Thị Hằng, 2014. Phát huy hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay. Tạp chí Giáo dục và Xã hội, tháng 7, tr. 26 - 29. [5] Trần Thị Thu Hiền, 2014. Thực trạng quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học. Tạp chí Khoa học Giáo dục, Số 110, tháng 11, tr. 34 - 37. [6] Phó Đức Hòa, 2009. Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục Tiểu học. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [7] Trần Hồng Lưu, 2010. Những giải pháp kích thích, tạo động lực cho giảng viên tích cực nghiên cứu khoa học. Tạp chí Giáo dục, Số 250, (tr.6-8). [8] Lê Phước Minh, 2013. Kinh phí nghiên cứu khoa học ở trường đại học – kinh nghiệm các quốc gia và gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Quản lí Giáo dục, Số 44, tr. 7 - 13. [9] Lê Phước Minh, 2013. Vận dụng mô hình quản lí kinh phí nghiên cứu khoa học ở trường đại học Nhật Bản vào Việt Nam. Tạp chí Quản lí Giáo dục, số 47, tr. 22 - 25. [10] Lưu Xuân Mới, 2003. Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 132
  9. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường sư phạm... [11] Ngô Viết Sơn, 2013. Quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học. Tạp chí Quản lí Giáo dục, Số 51, tr. 31 - 33. [12] Thái Văn Thành, Nguyễn Như An, 2015. Quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trường đại học trước bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tạp chí Giáo dục, Số 352, tr.7 - 10. [13] Nguyễn Thu Tuấn, 2015. Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục Mĩ thuật. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [14] Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên), Lê Thị Kim Anh, Đinh Văn Vang, 2012. Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục Mầm non. Nxb Đại học Sư phạm (in lần thứ năm), Hà Nội. [15] Phạm Viết Vượng, 2004. Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (in lần thứ tư), Hà Nội. ABSTRACT Improving the quality and efficiency of scientific research of the education university’s lecturer, meet basic demand, comprehensive education and training Along with the training of the scientific research is one of the most important tasks of the university, in which scientific research is motivated to improve the quality and effectiveness of teaching. So, one of the top priorities of the university in general and in particular education university is to focus on improving the quality and efficiency of research and application of science and technology, considered as one of solutions essential to improve the capacity of professional teaching and research faculty. Contents of the paper gives some results of a baseline study, on the basis that the proposed effective solutions to improve the quality and efficiency of scientific research of the faculty of pedagogy today. Keywords: University, training, lecturer, scientific research. 133
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0