intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nguyễn Bình Phương - Lục Đầu giang tiểu thuyết Phần 1

Chia sẻ: Milu Nguyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

115
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Lục Đầu nước chảy phân hai… (Ca dao) Nghĩ về tiểu thuyết Việt Nam đương đại, tôi vẫn hay liên tưởng tới những dòng sông: rằng nếu quy chiếu tiểu thuyết đương đại vào địa đồ Việt Nam, như mỗi con sông đã góp phần bồi tụ nên diện mạo văn hoá Việt thì mỗi tiểu thuyết cũng có một vai trò như thế trong diễn trình định hình khuôn mặt tiểu thuyết Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nguyễn Bình Phương - Lục Đầu giang tiểu thuyết Phần 1

  1. Nguyễn Bình Phương - Lục Đầu giang tiểu thuyết Phần 1 Lục Đầu nước chảy phân hai… (Ca dao) Nghĩ về tiểu thuyết Việt Nam đương đại, tôi vẫn hay liên tưởng tới những dòng sông: rằng nếu quy chiếu tiểu thuyết đương đại vào địa đồ Việt Nam, như mỗi con sông đã góp phần bồi tụ nên diện mạo văn hoá Việt thì mỗi tiểu thuyết cũng có một vai trò như thế trong diễn trình định hình khuôn mặt tiểu thuyết Việt Nam. Và ở chỗ này, tôi nghĩ đến Nguyễn Bình Phương với dòng Lục Đầu giang như cách Bảo Ninh đã có với dòng sông Hồng của dân tộc Việt. Sau khi mấp phải “bả giời” để đa mang vào tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đều đặn trình làng Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thuỷ (2003) và Ngồi (2006). Tiểu thuyết đầu tay, Bả giời (1991). Bởi hình như nó chưa hội đủ phẩm tính làm nên phong cách Nguyễn Bình Phương, như đôi dòng xuôi ngược của con sông sáu khúc, là phương thức huyền
  2. thoại và thi pháp kết cấu. Tiểu thuyết Bả giời chưa đủ sức nặng để ám ảnh người đọc, cái huyễn ảo chưa thành mộng mị vô thức, cái ẩn ức cũng chưa đủ xung năng bung phá, dù ý tưởng đẩy cái thiện về cả hai phía thiên tạo và nhân tạo để nó tự phát lộ và tranh đấu là một hướng đi khả dụng. Có lẽ, đó là lý do để không khí ma mị của làng Phan cùng thế giới nhân vật ở cả hai cõi âm dương trong nó, trở lại với tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ sau này. Bả giờinhư là dòng chảy thứ nhất, Thoạt kỳ thuỷ theo sau như một nắn dòng và khuôn định nó lại. Vì vậy, ở tính liên văn bản, tôi cho rằng chúng mang phẩm chất của cùng một dòng sông. Cái khác biệt có chăng ở chỗ, Bả giời là cái lòng sông cũ, nhỏ và nông, còn Thoạt kỳ thuỷ đã lựa thế nước mà khoét sâu thêm vào cái lòng sông ấy, mở rộng thành dòng lớn nhất trong hệ thống Lục Đầu giang mà Nguyễn Bình Phương kiến tạo. Tôi nghĩ, tìm hiểu từng chi lưu, rồi phân dòng khi hợp lưu, sẽ là khả dĩ cho việc giải mã thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. CHI LƯU 1. Vào cõi là một thể nghiệm đan lồng tiểu thuyết, tiểu thuyết - (hay trong) tiểu thuyết, gồm hai câu chuyện song hành và đan bện: câu chuyện của Tuấn (gắn với những giấc mơ về khát vọng tình yêu thánh thiện và một cuộc sống mỏi mòn, buồn nản, thất vọng về cõi thế) và câu chuyện của hai chị em Vang, Vọng (gắn với nỗi ám ảnh đến điên loạn của “hắn”, kẻ đã vô tình góp phần đánh chết người bố của hai chị em trong lần ông ta ăn cắp ở khu chợ tết). Ở mỗi câu chuyện, thế giới nghệ thuật luôn được tách thành hai “cõi” và các nhân vật luôn vào/ ra giữa hai “cõi” ấy. Câu chuyện của Tuấn gồm cõi thực và cõi mơ, được gắn kết với nhau bởi một lời thơ đau đáu chia phôi (“mai hôn nhau rồi xa”); và cứ mỗi khi lời thơ ấy ngân lên, là Tuấn lại giật mình tỉnh thức để về/ ra cõi bên kia của tâm thức mình. Câu chuyện của chị em Vang, Vọng gồm cõi quê và cõi phố, cõi thế và cõi chết. Xúc tác cho sự gắn kết giữa cõi quê và cõi phố là nhân vật người dì, xúc tác cho cõi thế và cõi chết là những ám ảnh về cuộc sống và cái chết thảm thương của cha mẹ (một người đàn bà đa cảm trót một lần lầm lỡ phải bỏ quê rồi kết nhân ngãi với một người đàn ông chui lủi cũng bởi đã trót một lần vô tình gây tội ác) như thường trực dội vọng vào tâm cảm hai chị em. Câu chuyện thứ nhất lại được gắn kết với câu chuyện thứ hai bởi mối tương quan giữa Tuấn và “hắn” do chỗ Tuấn đã phụ bạc em gái gã.
  3. Cái độc đáo của tiểu thuyết là để cho nhiều câu chuyện (với nhiều bối cảnh) cùng hiện diện (trong một khung khổ không lấy gì làm rộng rãi của một tác phẩm ngắn chưa tới trăm rưỡi trang in) mà không gây cảm giác rối rắm, lộn xộn. Ý niệm xây dựng song song hai thế giới và xác tín sự va đập của con người khi bước vào cõi khác với cõi “thân thuộc” của mình (như cõi mơ với Tuấn, cõi quê và cõi chết với hai chị em Vang, Vọng) cũng là một ý hướng sáng tạo lý thú. Bởi xét đến cùng, cái bản chất cố hữu của con người sẽ theo suốt cuộc đời và ước thúc những sự lựa chọn của anh ta; giống như cái tâm thức làm nên bản tính của một cộng đồng sẽ quy chiếu con đường đến tương lai của cộng đồng đó. Tiểu thuyết nhắc nhớ đến tính thời sự của quá khứ và căn tính của con người theo suốt hành trình sinh sống. Nghĩa là, nó đòi hỏi sự gợi hướng kiến tạo một “cõi” sao cho phù hợp với căn cốt của mình trước khi (bước) “vào cõi” đó. 2. Những đứa trẻ chết già tiếp nối Vào cõi ở cách khai triển cấu trúc tác phẩm. Tiểu thuyết này cũng có hình thức tiểu thuyết – (hay trong) tiểu thuyết với mạch truyện về cõi âm (câu chuyện về mấy hồn ma trở về làng trong các Vô thanh) và cõi trần (câu chuyện về hai gia đình ông Trường hấp và ông Trình gắn với bí mật về một kho báu mà cả hai phía đều toan tính phải giành lấy được trong các chương). Một chuyện chất chồng của những sự kiện trong khi chuyện kia lại là sự tiệm tiến duy nhất của một hành động; một chuyện là biết bao hồ nghi, dò đoán, thám thính, rình rập lẫn nhau trong khi chuyện kia lại là sự buông thả đến tuyệt đối, mỗi người tự bảo hiểm cho thế giới của mình và không xâm phạm đến thế giới của người khác; một chuyện là dày đặc của các phong cách ngôn ngữ từ sinh hoạt đến văn chương trong khi chuyện kia lại chỉ là những lời thoại nhất giọng đều đều hay đứt quãng;… Nhưng đối lập mà cũng đan hòa một cách nhuần nhuyễn nhờ có chung một nội dung là hành trình dài dặc đi tìm kho báu theo suốt đời này kiếp khác. Nó gợi liên tưởng rằng câu chuyện ở cõi trần của ngày hôm nay nếu được tinh giản tới một mức độ nào đó sẽ trùng khít với câu chuyện ở cõi âm; và rằng, sự ồn ào, xô bồ của biết bao dục vọng, tị hiềm, tranh chấp làm nên thảm trạng của cuộc sống này (mà nhiều khi vẫn được gán ghép là bản chất của sự sống) xét đến cùng chỉ là lớp áo ngoài của một thực tế giản dị hơn nhiều: tham - sân - si là phần tục lụy sẽ vĩnh viễn bị trút lại khi con người bước về cõi chết. Hơn nữa, vọng lại từ cõi chết, ta sẽ thấy được tất cả hiện dạng lố bịch và giả trá trong tham vọng của con người. Cái bả vinh hoa
  4. phú quý cuối cùng là một thứ phù phiếm, tuy không có thật nhưng sẽ là cái gốc rễ của mọi khổ đau nếu người ta cố tình tìm mọi cách để giành giật lấy nó. Những đứa trẻ chết già, ngay từ trong cách đặt tên truyện, đã hướng tới việc thể hiện vẻ nghịch lý trong cuộc sống của con người. Ở đó có sự nhập nhòa giữa cái thực và cái hư, cái đúng và cái sai, cái hoang đường kỳ ảo và cái hiện thực trụi trần. Nhưng đáy sâu của nó mang một hạt nhân hợp lý ở quan niệm “thời gian hình như chẳng bao giờ suy chuyển”: đời người chỉ là thoáng chốc, con người ta chưa kịp lớn để thức nhận cõi đời này thì đã vội vã về già. Qua bộ lọc thời gian (là cái luôn hiện diện, luôn cảm thấy) nhưng không đo đếm được (vì là chiều kích quá khứ - tương lai), không nắm bắt được (vì là sự vô hình), mọi điều đều trở nên chân - diện - mục. Vì thế, hạnh phúc của con người không phải ngụ trong khát vọng mà là ngụ trong sự thức nhận. Nghĩa là ở mức độ nào đấy, trong việc bàn về sự thức nhận, Những đứa trẻ chết già có tính chất của kiểu tiểu thuyết - triết luận (chứ không phải tính luận đề như nhiều tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn trước). 3. Người đi vắng mở ra một cách tiếp cận tiểu thuyết - huyền - sử trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Lần đầu tiên tiếp cận với đề tài lịch sử, Nguyễn Bình Phương đã có được con đường đi riêng của mình. Cuộc binh biến của Đội Cấn ở Thái Nguyên đầu thế kỷ XX được triển khai song song với số phận một nhóm nhỏ những người thời hiện tại. Hai mạch truyện ấy xoắn luyến với nhau bởi lịch sử dường như chỉ được Nguyễn Bình Phương nhìn nhận ở cảm thức đời thường chứ không phải ở cảm thức sử thi. Lịch sử có những câu hỏi day dứt luôn đòi hỏi được trả lời. Trong khi ở hiện tại, câu hỏi đó cũng không ngừng cật vấn: Tại sao cuộc sống lại thế này? Tại sao con người lại như vậy?... Hiện hữu nhức nhối trong tác phẩm là cảm giác con người dường như chẳng bao giờ được là mình. Nó như bị một thế lực nào đó câu thúc, đưa đẩy đến mức không làm sao trở về với “bản sắc” của nó, làm cho nó nhạt nhòa mất diện mạo. Nói như chính ngôn ngữ của tiểu thuyết là con người dường như đang hiện hữu mà thực chất lại là đang biến mất, thiếu vắng, “đi vắng”. Ở câu chuyện của thời hiện tại, mỗi nhân vật đều hiện lên với vẻ hẫng hụt. Cụ Điển nhớ về thời quá khứ trong thế so bì với lão Bính hàng xóm; ông Điều luôn sống trong trạng thái bồn chồn về một linh cảm xấu nào đó sẽ xảy ra; Kỷ hoang mang về dự
  5. định xây nhà; Sinh dù là người ăn nên làm ra vẫn phải cố quên đi việc gia đình sắp tan vỡ; Sơn lo lắng vì sợ người khác phát hiện mình nói dối về dàn compắc đến nỗi thành kẻ cắp, giết người và hại mình; Thắng luôn mệt mỏi nỗi ám ảnh về chiến trường Quảng Trị và nỗi dằn vặt không hiểu nổi vợ; Hoàn chơi vơi giữa chồng và người tình; Cương luôn băn khoăn về việc Hoàn tai nạn; Yến buông xuôi khi phải chứng kiến sự héo mòn của Hoàn từ ngày chị dâu bị tai nạn; Chung ám ảnh bị thiến; Hà ám ảnh là người nhà quê;… Ở câu chuyện của thời quá khứ, cũng có một hiện dạng tương tự. Cả Đội Cấn, Lập Nham, Đội Trường, Cả Thấu, Hai Vịnh, Ba Nho,… đều mang một tâm trạng bất an khi quyết định khởi nghĩa. Đặc biệt là ở Đội Cấn và Lập Nham, dù đã cùng chung một con đường, và dường như họ đã hiểu nhau đến cùng kiệt mà vẫn bị gián cách đến nỗi không dám nói thẳng thật với nhau nhiều điều. Hai lãnh tụ của cuộc binh biến cũng là hai cõi cô đơn cùng cực. Họ bị mắc giữa người phụ nữ vì nghĩa lớn đã gác tình duyên để chấp nhận làm vợ Đội Cấn. Cái mấu chốt làm nên thất bại của binh biến Thái Nguyên trong chính sử, là việc lãnh tụ nghĩa quân không chú ý tiêu diệt tận gốc đồn lính Pháp ngay giữa trung tâm thành phố, chỉ được tiểu thuyết thoáng nhắc đến. Nguyễn Bình Phương chủ yếu thể hiện tâm trạng của những người lãnh đạo nghĩa quân mà phơi bày cuộc chiến tranh trong nội tâm họ. Nơi ấy những dằn vặt, những ẩn ức như một vết bầm nhắc nhớ bi kịch của một lần đấu tranh thất bại. Nguyễn Bình Phương đã khéo léo lồng hai mạch tiểu thuyết ấy vào trong một không khí u mê của huyền thoại. Người đi vắng thực sự đã thành công ở thủ pháp đồng hiện. Chỉ đến tiểu thuyết này, ý hướng sử dụng phương thức huyền thoại của Nguyễn Bình Phương mới được thể hiện một cách triệt để. Toàn bộ các nhân vật, cả trong quá khứ và hiện tại, trải dài từ công chúa Diên Bình thời Lý, Lưu Nhân Chú đời Lê, Đội Cấn và Lập Nham thời thuộc Pháp đến những người của thời hôm nay, trong gia đình cụ Điển hay ông Khánh, trong cơ quan của Thắng hay đoàn văn công của Hoàn,… đều được bao bọc trong một bầu không khí u mê rợn ngợp. Hô ứng với không gian ấy, tiểu thuyết đã dồn nén trong nó khoảng thời gian dài dặc của lịch sử, của sự kiện vào trong một lát cắt tâm lý. Quá khứ và hiện tại, cõi thực và cõi mơ, cõi sống và cõi chết đều đã khúc xạ qua cảm thức về nỗi trống vắng của con người. Hình như, giữa công chúa Diên Bình thời xưa với Hoàn - Yến - Thư đã không còn khoảng cách; mối quan hệ Đội Cấn -
  6. Lập Nham ngày nào cũng thấp thoáng ẩn hiện trong các quan hệ cụ Điển - ông Bính, Thắng - Hoàn - Cương;… Và cuối cùng, là hình ảnh về con đường họ đã đi, nơi thời gian và không gian cùng trôi chảy, những dấu ấn cá tính dường như bị triệt tiêu để chỉ làm nổi bật một ý niệm: cái chết sẽ chấm dứt kiếp người cũng như hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Nói cách khác, kết cục của người đời là như nhau, chỉ có hành trình đến với kết cục ấy là có sự khác biệt. Cái chết xóa đi một thân phận nhưng không xóa nổi dù chỉ là một thức nhận của kẻ đã ngộ ra ý nghĩa của cuộc đời này. 4. Trí nhớ suy tàn có dáng dấp một bài thơ dài, một tiểu thuyết – thơ ở chỗ chất thơ bao trùm bàng bạc và giọng văn trầm lắng, mượt mà như đang miên man, thao thiết cùng dòng suy tư. Một tiểu thuyết có kết cấu mới mẻ, hầu như đã khước từ cốt truyện để trưng ra một văn bản được dán ghép bằng các phiến đoạn tâm lý. Tác phẩm được kể từ điểm nhìn của nhân vật xưng “em”, nhưng không rõ trong quan hệ với nhân vật nào, người yêu tên Tuấn đang ở nước ngoài hay một người con trai khác cô đang thầm yêu, tên Vũ. Ngôi kể ấy khiến người đọc có cảm giác nhân vật đang tâm sự với mình hoặc được nghe những lời tự vấn của nhân vật. Thời gian của câu chuyện được xác định từ mấy tháng trước ngày nhân vật chính tròn hai sáu tuổi và kết thúc vào đúng ngày sinh nhật thứ hai sáu của cô, với chuyến đi bất định về phương Nam hòng kiếm tìm một hy vọng đổi thay tâm trạng. Đan xen vào dòng chảy những sự kiện trong mấy tháng đó là những quá vãng bất chợt hiện về, chủ yếu là những kỷ niệm từ khi nhận lời yêu Tuấn, vào ngày sinh nhật sáu năm về trước, gắn với nụ hôn nồng nàn dưới gốc cây điệp vàng phố Bà Triệu. Cốt truyện gần như bị phân rã hoàn toàn, cố gắng có thể hình dung ra một số sự kiện không liền mạch gồm những buổi hẹn hò cùng Vũ, chuyện có người anh họ ở quê ra chữa bệnh, họp lớp cũ, nhà thuê ô-sin, gặp lại một bạn cũ, những ngày làm việc buồn tẻ ở công sở, cái chết của một chàng trai trẻ cùng cơ quan,… Cái sợi dây duy nhất níu mạch truyện là hình ảnh cây điệp vàng, kéo theo những liên tưởng đứt đoạn của một “trí nhớ suy tàn”, một tâm hồn “dễ dàng bị cuốn vào vòng mê hoặc của cảm giác”. Sắc vàng của hoa điệp trở thành một biểu tượng đa trị. Khi gắn với màu vàng của hoa hồng, sắc màu ấy thành khát vọng; khi gắn với màu áo của người đàn bà điên canh giữ gốc cây điệp, lại nhắc nhớ một lời ước hẹn mà hai kẻ thề nguyền, một đã ở “bên kia quá vãng” còn một thì “trí nhớ đang suy tàn khủng khiếp”.
  7. Trí nhớ trở thành nỗi ám ảnh của nhân vật còn sắc vàng trở thành điệp khúc đều đều, hoang hoải biện minh cho hành trình suy tàn của trí nhớ. Trí nhớ suy tàn là một thể nghiệm đổi mới tiểu thuyết thành công của Nguyễn Bình Phương. Tác phẩm có hình thức của một tiểu thuyết - nhật ký. Ở đó, tác giả dường như đã lui vào hậu trường để nhân vật của mình độc diễn trên sân khấu. Những suy tư nửa thanh minh, nửa biện hộ, nửa khước từ, nửa níu giữ giữa hai người tình của cô gái được trải ra trên trang giấy như một nhu cầu tự vấn, một khao khát sẻ chia. Ở một trạng thái hiện sinh, một nhu yếu đối thoại như vậy tạo nên sự luân chuyển điểm nhìn giữa người kể và người nghe, tức giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, làm nên tính năng sản ngữ nghĩa của văn bản. Đưa ra một giả định là sự suy tàn của trí nhớ, lại lựa chọn chủ thể của phát ngôn là cô gái đa cảm, đang phân vân, chao đảo giữa hai người tình, diễn ngôn có sự mở rộng biên độ của trí tưởng tượng. Cùng với những câu văn thiếu chủ từ, tính không xác định của nhân vật, những biểu tượng ám ảnh,… Trí nhớ suy tàn mang phẩm chất của một tác phẩm thơ, cho thấy căn cốt nhà thơ của Nguyễn Bình Phương khi bước sang địa hạt của tiểu thuyết. 5. Thoạt kỳ thuỷ là một diễn ngôn có hình thức lạ, gồm ba phần: A - Tiểu sử (của 18 nhân vật, cả những nhân vật có vai trò rất mờ nhạt trong khi một số nhân vật được thể hiện nhiều trong tác phẩm lại không được giới thiệu); B - Chuyện (gồm hai câu chuyện được đan lồng vào nhau, có thể gọi là câu chuyện về con cú bị bắn rụng trên sông Cái từ lúc 11 giờ 15, bay lên lúc 12 giờ và câu chuyện ở một làng nhỏ ven sông chủ yếu xoay quanh nhân vật tên Tính, bị mọi người coi là điên); C - Phụ chú(gồm một tác phẩm của ông Phùng tên là Và cỏ, những giấc mơ của Tính và Hiền). Nỗ lực đổi mới nghệ thuật tự sự ở Thoạt kỳ thủy đọng lại ở cấu trúc tiểu thuyết. Tác phẩm mang dáng dấp của một tiểu thuyết - điện ảnh, ở từ lời giới thiệu nhân vật đến kết cấu của câu chuyện, các ký hiệu điện ảnh (chủ yếu là hình ảnh, sắc màu và biểu tượng) và các phụ chú cần thiết cho việc cảm thụ. Tác giả tự đặt mình vào vị thế của độc giả, cùng làm khán giả, hướng lên màn ảnh để theo dõi và ghi lại từng tiết đoạn của cuốn phim. Cứ mỗi một lần hình ảnh con cú hiện lên rồi nhòe mờ đi là một lần cuộc sống ở làng ven sông lại hiện lên sinh động, mỗi nhân vật vừa sống cuộc đời của mình vừa khắc khoải về hình ảnh của con cú bị thương, giống như ở một kiếp trước nào đó của mình,
  8. cũng có một con cú trôi sông như vậy. Nó làm cho hiện thực trong tác phẩm vừa như một ý niệm hiện hữu vừa như vang bóng của quá khứ, chấp chới đồng hiện. Nghĩa là thực tại trong tác phẩm mất đi vẻ rõ ràng để trở nên mông lung, kỳ ảo hơn. So Thoạt kỳ thuỷ với Bả giời dễ có cảm giác tác giả có ý đồ “phân công” việc tiếp cận hiện thực. Bả giời hầu như mới khai thác phần hữu thức của làng Phan, còn phần vô thức, mà đây mới là cái cơ bản của không khí vùng Linh Nham, thì phải đến Thoạt kỳ thủy Nguyễn Bình Phương mới chạm tới được. Bởi hình như cái sân khấu đời thường của các nhân vật được giới thiệu trong Thoạt kỳ thủy lại được thể hiện đầy đủ và rõ nét hơn trong Bả giời chứ không phải trong chính tác phẩm. Bả giờinhư là một thứ “vô ngôn” trong Thoạt kỳ thủy, sắm vai trò của một kiểu “tiền giả định” bổ trợ cho sự hiểu những ám ảnh của con người nơi đây. Phải chăng nhờ sự phân công này mà mật độ các yếu tố vô thức đã trở nên rất đậm đặc trong Thoạt kỳ thủy bởi ở khía cạnh này, tác phẩm đã vượt hẳn lên so với các tiểu thuyết được tác giả sáng tác trước đó dù chất liệu hiện thực của nó chưa chắc đã dồi dào hơn trước? Có lẽ, đó là lý do giải thích việc tất cả những con người ở cái làng mà Nguyễn Bình Phương miêu tả đều được chú tâm khai thác ở những khía cạnh dị thường, chủ yếu là toan tính, hiếu sát, thô tục, điên loạn... Bao bọc họ là khung cảnh thiên nhiên huyền bí, u uất; một xã hội thiếu mọi căn cốt giáo dục nhưng thường trực bạo lực và kích động. Như một thủ pháp của điện ảnh, tác phẩm xuất hiện lớp lớp những biểu tượng, những chuỗi ngôn ngữ nói mớ và điên loạn. Tác phẩm là thước phim ghi lại trạng huống “thoạt kỳ thủy”, những dấu hiệu sơ khởi, của một xã hội phi nhân tính. Vì vậy, cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự tha hóa của con người. 6. Ngồi được viết, theo lời đề từ, cho “sự kiên nhẫn cuối cùng. Và…” (có lẽ) cho một lối viết tiểu thuyết. Vẫn là khai triển đời sống đương đại, nhưng nhìn ở hiện dạng “ngồi”, tiểu thuyết đem đến một tâm thế và một cách thế. Ở khía cạnh tâm thế, nó lưng chừng giữa tư thế đứng và nằm, tức nó nhấp nhổm, bất an giữa hai chiều thụ động và năng động. Ở khía cạnh cách thế, nó lưng chừng giữa đi và ở, tức đắn đo, nghi ngại giữa ý thức phản tỉnh và cái khả thể. Nói cách khác, nó dẫn dụ một băn khoăn: con người đang ở đâu? sẽ ra sao? phải thế nào?
  9. Toàn bộ thế giới nghệ thuật trong tác phẩm được tác giả phối trí vào một bối cảnh mang tính “hai mặt”. Khẩn sống giữa hai cõi: tâm thức và nhận thức. Cái tâm thức soi chiếu về quá khứ và cái nhận thức soi rọi vào hiện tại. Cái tâm thức đưa đẩy cảm xúc và cái nhận thức chối từ hành động. Nhưng cũng giống như ở Những đứa trẻ chết già, những thái cực này tồn tại đồng đẳng và đồng hiện. Nó làm cho mạch truyện ít nhiều đứt gãy để tạo cơ hội đan xen một cách “hợp lý” các yếu tố huyễn ảo. Cái thật, cái thực được đẩy vào chung sống với cái giả, cái ảo và đòi hỏi được thức nhận. Tiểu thuyết thúc bách người ta phải suy ngẫm về cuộc sống, nhân sinh, tổ quốc, truyền thống, tương lai và nhất là chính bản thân mình. Song chính sự hối thúc này, vì lẽ làm cho tác phẩm có sự căng nén ngầm ẩn khả năng bộc phá, đã cần đến các giải pháp điều chỉnh cường độ. Những hồi ức miên man và êm đềm về Kim của Khẩn là giải pháp thứ nhất. Những tiếng mõ “cốc cốc cốc…” là giải pháp thứ hai. Những thay đổi cấu trúc để hãm xung (hay điều hòa) giọng điệu như thế khiến tiểu thuyết mang dáng nét của một tác phẩm giao hưởng. Nghĩa là ít nhiều, tác phẩm đã có được một sự kết hợp tiểu thuyết – âm nhạc. Thật thế, song chỉ là một bản nhạc không mấy hoàn hảo, (ở cảm nhận chủ quan của cá nhân tôi), bởi nó chỉ được ở cái bè ẩn, bè trầm nhưng hỏng nhiều ở kết cấu(1). Bởi chính cái undertone của bản nhạc, nhất là ở tiếng mõ không biết từ hàng xóm vọng lại hay tự vang vọng trong đầu, là nhân tố nuôi dưỡng thế năng đẩy nhu yếu tự thức của nhân vật lên đến cao trào. Đó là một thành công rất đáng kể. Nhưng để Khẩn đi trọn một vòng tròn thụ động, từ chỗ khởi phát là cột đồng trụ qua nhập nhằng đời sống Giao Chỉ để về lại khởi điểm ấy với ảnh xạ là cây cột đèn (tức một kết cấu vòng tròn khép kín hay vòng xoáy chôn ốc - nếu có người quan niệm thế), dù có kịp dấy nên ít nhiều nỗi băn khoăn trong cả nhân vật và người đọc, vẫn là một thất bại thực sự về mặt cấu trúc. Vì cái lưng chừng (được toát lên từ tác phẩm) là cái chẳng bao giờ hoàn kết! Cho tác phẩm một cái kết khép lại như vậy, Nguyễn Bình Phương mới chỉ để Khẩn ít nhiều đĩnh ngộ được cái hiện tồn chứ chưa đốn ngộ được lẽ sống trong tư thế tọa thiền (dưới chân cột đèn giữa muôn vàn những khuôn mặt người và rác rến). Bởi dù ở tư thế ấy, Khẩn có gióng lên được một tiếng cảnh tỉnh (tiếc rằng cũng chỉ được như tiếng mõ
  10. cốc cốc kia) lại cũng phá vỡ mất cái mang mang đau của hiện tồn lừng khừng đến thảm hại, là cái day dứt theo suốt bản nhạc. HỢP LƯU Trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương, cái vô thức vẫy gọi ảo huyền và từ trong cái ảo huyền đó, phần vô thức trong sâu thẳm tâm can con người trở nên sáng rỡ. Nó như một thế giới khuất lấp bấy lâu nay được dựng dậy để hô ứng với hiện tồn mờ mịt, hoang tàn, đổ nát của đời sống hiện đại. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là một hiện hữu nhức nhối, nơi mà hồi vọng về quá vãng giống như một sự trả giá nhiều hơn là sự đáp đền (hay nói cách khác, quá khứ như một món nợ truyền kiếp kiểu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”); trong khi thực tại là hỗn loạn bon chen, toan tính, cấu xé, giành giật,… để con người không thành buông xuôi, thờ ơ thì cũng là ganh ghét, ác độc (tức một hiện tại tự kỉ, bất an của một bầy người bấy yếu, mà đan hòa với ý thức vùng vẫy trong tăm tối nhược tiểu là sự đớn hèn bởi cách xử thế giữa người với người); còn tương lai tất yếu sẽ là hằng hà những câu hỏi đòi được trả lời ngay giữa lúc này. Ở chiều kích mang tính bản thể như thế, hiện tại trở thành hiện hữu sinh động của quá khứ còn tương lai là hệ quả tất yếu của nó. Nói cách khác, quá khứ trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương cũng là một vấn đề thời sự, thậm chí rất nhạy cảm, bởi cái cách “đối đãi” của con người hôm nay đối với cái cũ có ý nghĩa như một thứ hàn thử biểu để hình dung về tương lai, mà trước nhất, là cách tương lai đáp trả thực tại vào một ngày thực tại trở thành quá khứ. Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, vì vậy, không có một sự tách bạch hay phân đoạn về dòng thời gian (tức quá khứ và hiện tại tồn tại một cách đồng đẳng). Nó đồng nhất về không gian (mà cái huyền ảo và vô thức - tức cái thế giới khác, hiện thực khác - luôn đồng hiện cùng đời sống hữu thức của con người). Và, con người (ở cả phía đời sống hữu thức và vô thức; sinh lý, tâm lý hay tâm linh) đều gieo vào trong diễn ngôn những ký hiệu mở, tự thân mang nghĩa và hàm chứa khả năng nảy sinh phái nghĩa. Nguyễn Bình Phương đẩy nhân vật của mình vào môi trường đã được làm mờ nhòe tính chất biên niên nhất thời để trở thành một mẫu người văn hóa trong không - thời gian mang tính huyền thoại. Vì vậy, giải mã tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương từ vấn đề huyền thoại, vừa như một phương thức sáng tạo vừa như một cảm quan nghệ thuật, có lẽ sẽ là một con đường hoàng đạo.
  11. Thế giới huyền thoại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tuy nhiều ít gây ra hiện tượng khó tiếp nhận cho đông đảo người đọc nhưng lại tạo được những ám ảnh nhiều chiều. Để làm được điều đó, Nguyễn Bình Phương phải huy động được trí tưởng tượng, hơn nữa, phải khơi sâu vào phần vô thức chìm khuất trong mỗi con người. Yếu tố huyền ảo sẽ là giải pháp thứ nhất. Đồng thời với nó, làm thành giải pháp thứ hai, là vấn đề vô thức. Các huyền thoại được khai thác một cách triệt để và được tái cấu trúc theo định hướng mới. Ở đó, các biểu tượng văn hóa (theo cả tinh thần hoài niệm và giễu nhại vật tổ và cấm kị) cùng các xung lực vô thức cộng đồng là những vấn đề cốt yếu làm nên tính mờ nhòe và đa nghĩa của tác phẩm. Hiện thực trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương biểu hiện ở cả hai cấp độ: thứ nhất, như là biểu hiện của cái siêu nhiên, cái con người chưa giải thích được; thứ hai, tức ở cấp độ cao hơn, là sáng tạo một thế giới khác không giống với thế giới hiện thực mà lý trí con người tri nhận được. Cấp độ thứ nhất được biểu hiện bằng các yếu tố huyền ảo và vô thức theo phương thức huyền thoại(2). Cấp độ thứ hai là cách thức tổ chức chúng thành chỉnh thể, tức một thứ “hiện thực mới”, mà những biểu hiện của nó sẽ có được khi tìm hiểu thi pháp kết cấu thế giới nghệ thuật tác phẩm. Tất cả làm thành kết cấu huyền thoại, như là một thi pháp chính yếu của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2