intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nguyên nhân của lạm phát

Chia sẻ: Nguyễn Lan Anh | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:7

907
lượt xem
322
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hiện tượng lạm phát là căn bệnh cố hữu của mọi nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng dương, để khắc phục hiện tượng này, trước hết ta phải phân tích được những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra nó. Bởi vì, lạm phát luôn luôn là kết quả của sự tác động tổng hợp của các yếu tố kinh tế khác nhau, và thường thì rất khó nhận ra đâu là nguyên nhân chủ yếu, nên việc chống lạm phát thường gặp nhiều khó khăn....

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nguyên nhân của lạm phát

  1. Hiện tượng lạm phát là căn bệnh cố hữu của mọi nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng dương, để khắc phục hiện tượng này, trước hết ta phải phân tích được những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra nó. Bởi vì, lạm phát luôn luôn là kết quả của sự tác động tổng hợp của các yếu tố kinh tế khác nhau, và thường thì rất khó nhận ra đâu là nguyên nhân chủ yếu, nên việc chống lạm phát thường gặp nhiều khó khăn. Từ sự phân tích đúng đắn này, ta mới có thể đề ra các giải pháp quản lí, sử dụng các công cụ điều tiết vĩ mô (bao gồm: chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách kinh tế đối ngoại, chính sách thu nhập) phối hợp thực hiện một cách đồng bộ với nhau nhằm tạo ra một tác động tổng hợp kiềm chế lạm phát ở mức độ vừa phải, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững. 1. Nguyên nhân gây ra lạm phát: Gồm các nguyên nhân: lạm phát do cầu, lạm phát do cung và lạm phát do quán tính. 1.1 Lạm phát do cầu: Lạm phát do cầu, còn được gọi là lạm phát cầu kéo (demand-pull inflation), xảy ra khi tổng cầu tăng trong khi tổng cung không đổi hoặc tổng cung tăng chậm hơn tổng cầu. Có nhiều nguyên nhân làm tăng tổng cầu: - Do tăng chi tiêu của các hộ gia đình và tăng đầu tư của các doanh nghiệp. Khi đó, có một lượng tiền lớn được tung ra mua hàng hoá và dịch vụ gây ra sự thừa tiền trong lưu thông, dẫn đến việc đồng tiền bị mất giá. - Do tăng cán cân thương mại, khiến cho nước ngoài tăng mua hàng trong nước, còn người trong nước giảm mua hàng nước ngoài. - Do Chính phủ tăng chi tiêu hoặc giảm thuế. Nếu chính phủ tăng chi tiêu của mình dành cho hàng hoá và dịch vụ, lượng tiền mà chính phủ chi mua hàng hoá và dịch vụ sẽ được đưa trực tiếp vào nền kinh tế, làm tăng tổng cầu. Nếu Chính phủ giảm thuế hoặc tăng chi chuyển nhượng thì sẽ làm tăng thu nhập khả dụng, từ đó làm tăng tiêu dùng của hộ gia đình, tức là tăng cầu. Hiện nay, nguyên nhân tăng chi tiêu của Chính phủ là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng lạm phát cao. - Do việc kiểm soát lượng cung tiền của ngân hàng trung ương còn hạn chế. Ngân hàng trung ương không kiểm soát được lượng cung tiền hợp lí, cung tiền tăng làm tăng lãi suất, kích thích tăng đầu tư tư nhân làm tăng cầu.
  2. 1.2 Lạm phát do cung: Lạm phát do cung, còn được gọi là lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflattion), xảy ra khi chi phí sản xuất gia tăng hoặc năng lực sản xuất của quốc gia bị giảm sút, trong cả hai trường hợp đều tạo ra áp lực tăng giá. Chi phí sản xuất tăng có thể do các nguyên nhân sau: do gia tăng tiền lương danh nghĩa, tăng giá nguyên-nhiên-vật liệu,... Do chi phí sản xuất tăng nên doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm nhằm bảo đảm lợi nhuận, cuối cùng, thị trường cân bằng tại mức giá cao hơn ban đầu. Năng lực sản xuất của quốc gia giảm có thể do các nguyên nhân như: giảm sút nguồn nhân lực, do sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên, do sự biến động chính trị, chiến tranh, thiên tai,... Do năng lực sản xuất suy giảm nên khả năng đáp ứng nhu cầu giảm, gây khan hiếm hàng hoá và tăng giá cả. Cả hai trường hợp nêu trên tuy có cơ chế tác động khác nhau nhưng cùng có một kết quả sau cùng: nền kinh tế vừa bị lạm phát vừa giảm sản lượng. 1.3 Lạm phát do quán tính: Lạm phát do quán tính (inertial inflation) hay lạm phát dự kiến (expected inflation) là tỷ lệ lạm phát hiện tại mà mọi người dự kiến nó sẽ tiếp tục trong tương lai. Tỷ lệ này được đưa vào các hợp đồng kinh tế, các kế hoạch hay các loại thoả thuận khác. Và, chính vì mọi người đều đưa tỷ lệ lạm phát dự kiến này vào mọi hoạt động của mình nên cuối cùng nó trở thành hiện thực. Một ví dụ cụ thể của hiện tượng lạm phát do quán tính là khi nền kinh tế bị lạm phát cao, mọi người có xu hướng chỉ giữ lại một lượng tiền mặt tối thiểu để chi tiêu hằng ngày, họ đem tiền đổi lấy các đồng tiền mạnh khác, vàng hay các loại hàng hoá để tích trữ giá trị, làm tăng lượng tiền lưu thông trên thị trường, càng làm đồng tiền mất giá và tăng lạm phát. 2. Liên hệ những nguyên nhân của lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam: 2.1. Do phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững và kém hiệu quả: Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khá nhanh, khoảng từ 7% đến trên 8%, nhưng chất lượng tăng trưởng còn kém. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phát triển chủ yếu là theo chiều rộng, tức là tăng cường khai thác tài nguyên, đầu tư mở rộng qui mô sản xuất nhằm tăng sản lượng, chưa thực hiện được tăng sản lượng dựa trên nâng cao trình độ sản xuất. Chi tiêu của Chính phủ còn cao, trong đó một phần không nhỏ là đầu tư kém hiệu quả, thất thoát do tham ô, tham nhũng, tiền chi ra nhưng không thu lại được hàng hoá, dẫn đến việc
  3. nguồn cung tiền quá lớn, gây lạm phát. Trình độ quản lí sản xuất của một bộ phận lớn doanh nghiệp Việt Nam còn thấp kém, chưa tận dụng được nguyên-nhiên-vật liệu, gây thất thoát lớn trong quá trình sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn. Vì vậy, khi giá các yếu tố đầu vào của sản xuất tăng lên lại càng làm giá cả cao hơn, gây lạm phát nhanh. 2.2 Do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới: Lạm phát của Việt Nam tăng cao còn do sự ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới. Bởi vì hiện nay việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu trong xu hướng toàn cầu hoá, vì vậy khi các nền kinh tế lớn gặp trục trặc thì ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. Tình hình giá cả nguyên liệu trế giới đang nóng lên với việc giá xăng dầu tăng với tốc độ chóng mặt, có lúc giá một thùng dầu thô có giá gần chạm ngưỡng 100USD, gây ra rất nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam. Nhất là trong tình hình lãng phí nhiên liệu trong sản xuất ở Việt Nam còn rất cao, phụ thuộc mạnh vào nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ, chưa có các nguồn nhiên liệu thay thế như năng lượng mặt trời, sức gió, năng lượng thuỷ triều, năng lượng hạt nhân,... thì việc giá dầu tăng nhanh sẽ bắt đầu cho cơn bão giá cả, tạo điều kiện cho lạm phát theo quán tính. Về lâu về dài có thể triệt tiêu khả năng tăng trưởng kinh tế. 2.3. Do chính sách tiền tệ kém hiệu quả: Các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương còn kém phát huy hiệu quả. Cung ứng lượng tiền qui ước vượt quá mức mà nền kinh tế đòi hỏi. Chính sách tiền tệ mở rộng được thực hiện trong thời gian dài, khiến lượng cung tiền tăng cao, làm đồng tiền bị mất giá, gây lạm phát. Theo TS Lê Xuân Nghĩa (Vụ trưởng Vụ Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), thì nguyên nhân trực tiếp của lạm phát trong thời gian gần đây là do tăng lượng tiền trong lưu thông, đặc biệt là do tình hình thừa USD trong thị trường tiền tệ Việt Nam thời gian gần đây, khiến ngân hàng nhà nước phải dùng một lượng tiền VNĐ lớn để mua vào dự trữ lượng USD thừa ra, một lượng tiền mặt lớn được đưa vào lưu thông gây tăng cung tiền. Cụ thể, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2007, ngân hàng nhà nước đã "bơm" ra lưu thông 112.000 tỉ đồng để mua vào 7 tỉ USD. Đây là một con số không nhỏ tạo áp lực tăng tiền trong lưu thông. 3. Các phương pháp chống lạm phát trong tình hình hiện tại ở Việt Nam: Dù lạm phát là do nguyên nhân nào gây ra thì nguyên tắc hành động chung để chống lạm phát vẫn là giảm lượng cung tiền. Chính phủ có thể kiềm chế lạm phát bằng các công cụ quản lí kinh tế vĩ mô. Dưới đây, các phương pháp chống lạm phát sẽ được trình bày theo từng nguyên nhân
  4. tương ứng đã nêu ở trên. 3.1 Chống lạm phát bằng cách giảm cầu: Có thể giảm cầu bằng các chính sách tài khoá thu hẹp, chính sách tiền tệ thu hẹp và chính sách thu nhập. 3.1.1 Chính sách tài khoá thu hẹp: Có hai cách thức áp dụng chính sách tài khoá thu hẹp là giảm tiêu dùng chính phủ hoặc tăng thuế trực thu. -Nếu áp dụng cách giảm tiêu dùng của Chính phủ thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tổng cầu về hàng hoá và dịch vụ. -Nếu áp dụng cách tăng thuế trực thu thì sẽ làm giảm thu nhập khả dụng, gián tiếp làm giảm tiêu dùng và kết quả là giảm tổng cầu. Ở Việt Nam, hiện nay, Chính phủ đang áp dụng chính sách giảm tiêu dùng của Chính phủ thông qua việc thắt chặt nguồn vốn đầu tư, nhằm đảm bảo chỉ đầu tư vào những dự án mũi nhọn chắc chắn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, biện pháp này còn chưa phát huy tác dụng cụ thể vì công tác xây dựng, kiểm định và thực hiện các dự án đầu tư còn kém, xảy ra nhiều tiêu cực gây thất thoát lớn. Còn về chính sách tăng thuế, Chính phủ Việt Nam không áp dụng vì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong tình hình giá cả leo thang. Ngược lại, Chính phủ lại liên tục tăng lương tối thiểu để tăng thu nhập danh nghĩa cho dân chúng, đây là một hình thức bù đắp lại lượng thu nhập đã mất đi do sự trượt giá của đồng tiền. Tuy nhiên, hạn chế của nó là càng làm tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn. 3.1.2 Chính sách tiền tệ thu hẹp: Thực hiện các biện pháp nhằm giảm lượng cung tiền như: bán các loại giấy tờ có giá, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tăng tỉ suất chiết khấu. Khi Chính phủ bán các loại giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ thì một lượng tiền trên thị trường được rút về, làm giảm lượng cung tiền, qua đó làm giảm tiêu dùng và đầu tư, hạn chế lạm phát. Khi ngân hàng trung ương tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng tỉ suất chiết khấu sẽ lảm giảm lượng cung tiền trong các ngân hàng trung gian, từ đó làm giảm đầu tư và hạn chế lạm phát. Hiện nay, ở Việt Nam đang áp dụng các biện pháp trên nhằm kiềm chế lạm phát, tuy nhiên, tác dụng thực tế của các chính sách này còn chưa rõ rệt. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nêu lên ý kiến của ông về việc Chính phủ chống lạm phát bằng cách bán trái phiếu Chính phủ: “Tôi rất e ngại việc chống lạm phát bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Vì như vậy tiền lưu thông được Nhà nước hút về nhưng lại đổ vào các dự án, các doanh nghiệp nhà nước rất lâu thu hồi vốn và kém hiệu quả. Đến khi thua lỗ,
  5. Nhà nước lại phải móc tiền ra đổ vào những dự án đó. Và như vậy, lạm phát chỉ bị ngăn chậm lại rồi chuyển sang vòng xoáy sau đó mà thôi.”. Thực tế cũng cho thấy rõ qua các năm mà Chính phủ áp dụng biện pháp này, lạm phát vẫn chưa được kiềm chế tốt. Hơn nữa, việc bán trái phiếu Chính phủ lại biến ngân hàng nhà nước trở thành “con nợ” của các ngân hàng trung gian và phải trả lãi. Ngân hàng trung ương cũng đã thực hiện biện pháp tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc và tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để thu hồi một phần tiền đang lưu thông. Tuy nhiên, nếu áp dụng các chính sách này một cách cứng nhắc có thể làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất và xuất khẩu, có thể làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng. 3.1.3 Chính sách thu nhập: Là một chính sách kiểm soát kinh tế bằng các phương pháp kiểm soát độc đoán đối với lương và giá để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, do các biện pháp này không phù hợp với nền kinh tế thị trường nên ngày nay Chính phủ các nước rất ít khi sử dụng biện pháp này. Ở Việt Nam, vào những năm giữa thập kỉ 80 của thế kỉ XX đã từng phải gánh chịu một bài học đau đớn khi áp dụng chính sách thu nhập. Đó là việc Chính phủ áp dụng chính sách giá-lương-tiền một cách duy ý chí, phi khoa học đã làm nền kinh tế thêm trì trệ và tỉ lệ lạm phát tăng lên chóng mặt từ hai con số lên đến trên 700%, gây một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Ngày nay, chính sách này không còn được sử dụng để chống lạm phát ở nước ta nữa. 3.2 Chống lạm phát bằng cách tác động lên cung: Có thể chống lạm phát thông qua việc tác động lên cung theo hai hướng: cắt giảm chi phí sản xuất và gia tăng năng lực sản xuất trên cơ sở nâng cao hiệu quả sản xuất. 3.2.1 Phương pháp cắt giảm chi phí sản xuất: Thực hiện phương pháp này tức là tìm mọi cách khả dĩ nhằm giảm chi phí bỏ ra cho các yếu tố đầu vào nhằm hạ giá thành sản phẩm. Ví dụ như: cắt giảm số lao động, sử dụng một cách tiết kiệm và có hiệu quả nguyên- nhiên-vật liệu dùng trong sản xuất,... Giá cả thị trường giảm xuống sẽ kiềm chế có hiệu quả lạm phát. 3.2.2 Phương pháp gia tăng năng lực sản xuất trên cơ sở nâng cao hiệu quả sản xuất: Thực hiện phương pháp này tức là tiến hành đầu tư nâng cao khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lí sản xuất, … nhằm tăng sản lượng sản phẩm trong khi không làm tăng giá thành sản phẩm. Cả hai phương pháp này đều đang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong các
  6. biện pháp kiềm chế lạm phát ở nước ta hiện nay. Nhất là trong điều kiện giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng cao nhưng tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không tăng sản lượng, làm giá của hầu hết các yếu tố đầu vào đều tăng. Qua phân tích thành công của các nước trong lĩnh vực này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: “Giá dầu thế giới lên nhưng các quốc gia có nhu cầu năng lượng lớn hơn chúng ta nhiều mà họ không quá sốc. Trung Quốc lạm phát cũng chỉ 5,4%, Singapore chỉ 3%. Các quốc gia đó có thể “bình thản” vì năng lượng của họ không quá phụ thuộc vào dầu. Trong cơ cấu năng lượng đã có điện hạt nhân, thủy điện, gió, năng lượng mặt trời, khí… Hiệu quả sử dụng năng lượng của họ rất cao.” Ông nói tiếp: “Chẳng hạn một chiếc ô tô tải của Nhật sử dụng 26 ngày/tháng, còn VN chỉ được 18 ngày. Chiếc xe đó Nhật dùng 22 giờ/ngày nhưng ở VN là 8 giờ. Xe của họ chạy hai chiều (cả đi và về đều chở hàng) nhưng xe của VN cơ bản là chạy một chiều. Bên cạnh trình độ sản xuất thì ý thức sử dụng năng lượng cũng được người dân một số nước đề cao.” Trong khi đó, ở Việt Nam thì: “Giá xăng dầu phi mã như vậy nhưng dường như ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ở người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước gần như không có”. Hiện nay, sự thất thoát, lãng phí trong quá trình sản xuất ở nước ta còn cao, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm tăng tốc độ lạm phát. Trước mắt, chúng ta cần xây dựng một chiến lược cho toàn nền kinh tế, phát động toàn xã hội, cải cách sâu rộng, toàn diện trong việc sử dụng hợp lí các nguồn năng lượng, nguyên-nhiên-vật liệu phục vụ sản xuất, nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, qua đó kiềm chế có hiệu quả lạm phát. Trình độ khoa học kĩ thuật ứng dụng vào sản xuất của ta nói chung còn hạn chế, trình độ quản lí sản xuất còn thấp kém, đây cũng là các yếu tố tác động đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Ta cần nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại, học tập cách thức quản lí mang lại hiệu quả cao từ các nước tiên tiến như Hoa Kì và Nhật Bản để nâng cao hiệu quả sản xuất. Có thực hiện được một cách thành công hai giải pháp này cùng một lúc mới có thể tối ưu hoá nền sản xuất, khiến nền kinh tế ít chịu tác động của lạm phát hơn. 3.3 Chống lạm phát do quán tính: Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các động thái của Chính phủ đúng lúc và đúng mức nhằm trấn an các thành phần kinh tế, làm cho họ tin tưởng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tin rằng lạm phát sẽ được khống chế có hiệu quả trong tương lai gần. Do đó, họ loại bỏ trong kế hoạch của mình các yếu tố liên quan đến tốc độ lạm phát cao, và sẽ hạn chế phần nào được lạm phát. Tất nhiên, việc sử dụng biện pháp này không thể là sự lừa dối nhân dân hay chỉ là những lời nói suông,
  7. tuyên truyền đơn thuần vô căn cứ mà phải dựa trên những thành công của công tác chống lạm phát bằng cách làm giảm cầu hay tác động lên cung. 4. Tổng kết: Hiện tượng lạm phát là một hiện tượng có nguyên nhân là sự tác động tổng hợp của các yếu tố cung, cầu và xu hướng tâm lí của các thành phần kinh tế. Để khắc phục được hiện tượng này, ta cần tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc để rút ra được các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của nó, lấy đó làm cơ sở để đưa ra các chính sách quản lí vĩ mô thích hợp và tiến hành thực hiện dựa trên tình hình khách quan cụ thể. Tài liệu tham khảo: - Giáo trình “Kinh tế vĩ mô”, tiến sĩ Dương Tấn Diệp, nhà xuất bản thống kê 2007. - Các bài viết trên các báo: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo kinh tế Việt Nam, Lao Động, báo điện tử Vietnamnet, tạp chí Tia Sáng. - Nguồn số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2