intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhân tố trong nước và quốc tế tác động đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nhân tố trong nước và quốc tế tác động đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay" đề cập đến những ảnh hưởng của nhân tố trong nước và quốc tế đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Đồng thời xác định được nhân tố tác động để đề xuất những giải pháp phù hợp sẽ có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhân tố trong nước và quốc tế tác động đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

  1. Trường Đại học Mỏ - Địa chất NHÂN TỐ TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Hoàng Diệu Thảo Tóm tắt: Trong thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam có rất nhiều nhân tố tác động. Mỗi nhân tố dù là khách quan hay chủ quan, dù tác động từ bên ngoài hay từ nội tại đều có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển của đất nước. Vì vậy, xác định được nhân tố tác động để đề xuất những giải pháp phù hợp sẽ có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới. Bài viết đề cập đến những ảnh hưởng của nhân tố trong nước và quốc tế đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Từ khóa: Nhân tố tác động, phát triển, phát triển bền vững 1. MỞ ĐẦU Phát triển bền vững là vấn đề mang tính thời đại, vừa đòi hỏi lộ trình, cam kết chung, vừa phải có biện pháp, bước đi riêng sao cho phù hợp với từng quốc gia. Để giải quyết các vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, không chỉ về đường lối chính sách mà còn thông qua các công tác điều hành cụ thể, nâng cao nhận thức của các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân về phát triển bền vững. Muốn có được hệ thống giải pháp phát triển bền vững toàn diện, hiệu quả cần dựa trên thực tiễn phát triển của đất nước, nhận định đầy đủ các nhân tố trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Vì vậy, việc phân tích, làm rõ các nhân tố tác động đến phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. 2. NỘI DUNG 2.1. Các nhân tố trong nước 2.1.1. Xuất phát điểm của Việt Nam khi thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam vốn là quốc gia được đánh giá giàu có về tài nguyên thiên nhiên, có “rừng vàng biển bạc”. Nhưng trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, nguồn tài nguyên bị khai thác theo lối “vơ vét”, hậu quả của chiến tranh để lại với Việt Nam vô cùng nặng nề, cần rất nhiều thời gian để khắc phục cả về mặt con người, môi trường cũng như kinh tế. Gần đây, biến đổi khí hậu cùng với đó là sự tác động của các yếu tố thiên tai, thời tiết cực đoan đang là một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến môi trường và thiên nhiên Việt Nam. Hơn nữa, là quốc gia có đường bờ biển trải dài nên các hiện tượng như xâm ngập mặn, nước biển dâng đã ngày càng trở nên phổ biến, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Điểm nổi bật trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 là chuyển đổi mô hình phát triển từ chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tức là vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất  Ths. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội 38
  2. Khoa học xã hội với sự phát triển bền vững lượng, hiệu quả, tính bền vững. Tuy nhiên trên thực tế, qua đánh giá giai đoạn 2011 - 2015 và chỉ ra phương hướng, mục tiêu cho 2016 - 2020 cho thấy “kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc... kinh tế phục hồi chậm, tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp”1. Về văn hóa xã hội bước đầu đã có những chuyển biến và đạt được những thành tựu nhất định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng được chú trọng và nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, trong Nghị quyết Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã thẳng thắn nhìn nhận: so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tiêu cực trong xã hội khá phổ biến như: suy thoái đạo đức lối sống, tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Không những giàu - nghèo mà khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn chênh lệch2. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, nước biển dâng, tần suất và cường độ các thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng gia tăng. Biến đổi khí hậu tác động đến các yếu tố cơ bản như: nước, lương thực, năng lượng, sức khỏe, môi trường. Đây cũng có thể là một trong những trở ngại lớn cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Xét cả nhân tố khách quan và chủ quan đều cho thấy điểm xuất phát của Việt Nam khi bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển bền vững cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững còn thấp. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức và hành động để sớm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nhưng thành tựu còn khiêm tốn, tồn tại nhiều hạn chế bất cập. Mâu thuẫn cơ bản trong xã hội chính là một bên là các cam kết, các mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững cao với một bên là cơ sở vật chất, nhận thức, năng lực đảm bảo cho phát triển bền vững còn hạn chế. Giải quyết được mâu thuẫn này sẽ tạo tiền đề vững chắc, bảo đảm cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giành thắng lợi. 2.1.2. Công cuộc đổi mới, phát triển đất nước tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ Tuy điểm xuất phát của Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới và thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững còn thấp, nhưng cho đến nay, sau khi tổng kết hơn 30 năm đổi mới, “thế và lực” của Việt Nam đã không ngừng được tăng cường, tạo niềm tin, sức mạnh để Đảng, Nhà nước và nhân dân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã được nâng lên cả về quy mô và tiềm lực. Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông - thủy sản, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình và ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Từ định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược đã đạt được những kết quả tích cực. Với mục tiêu coi con người là trung tâm của phát triển, giáo dục và đào tạo được đổi mới căn bản, toàn diện; tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường, nâng 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.245-246. 2 Đinh Thế Huynh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên): 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.182. 39
  3. Trường Đại học Mỏ - Địa chất cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; văn hóa, xã hội, y tế đều có những bước phát triển nổi bật... Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một quốc gia có nền chính trị - xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, là nhân tố tác động lớn cho sự phát triển của đất nước trong những năm tới, công cuộc đổi mới của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực của đất nước... Điều đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu tổng kết thực tiễn và lý luận để nhanh chóng khắc phục những hạn chế và sớm đạt được mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. 2.1.3. Sự tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Trong quá trình đổi mới, việc xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần hình thành, phát triển, trở thành nhân tố cơ bản tác động đến sự thay đổi của bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Về bản chất, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chính là nền kinh tế vừa bảo đảm yêu cầu phát triển hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế vừa phù hợp với những điều kiện đặc thù và giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa giúp kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy của nền kinh tế thế giới vừa tạo ra sức mạnh vật chất to lớn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhưng trên hết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng sẽ là mô hình phát triển kinh tế bảo đảm giữ vững định hướng chủ nghĩa xã hội, giữ vững mục tiêu con người là trung tâm của sự phát triển và sự phát triển của ngày hôm nay sẽ “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây chắc chắn sẽ là một nhân tố có những tác động vô cùng to lớn đến thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới. Đặt con người là trọng tâm trong mọi chiến lược phát triển cũng đồng nghĩa với việc xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển nhưng không vì những giá trị kinh tế mà đánh mất đi hoặc đánh đổi bằng giá trị của con người, của nhân dân lao động. Nhờ vậy, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao và mở rộng. Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay vẫn có những hạn chế, khuyết điểm phải kịp thời tháo gỡ: Luật pháp, cơ chế, chính sách còn những quy định chưa thống nhất; môi trường đầu tư kinh doanh cũng chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, cởi bỏ được những rườm rà của thủ tục hành chính; chưa huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực trong phát triển; liên kết trong phát triển vùng còn lỏng lẻo do chưa được cụ thể hóa bằng pháp luật; nhiều doanh nghiệp nhà nước đổi mới cơ chế quản trị chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp… Những hạn chế trên đòi hỏi Đảng, Nhà nước Việt Nam phải nhanh chóng khắc phục để phát triển đất nước nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 2.1.4. Sự tác động của tâm lý phát triển “nóng”, lối sản xuất và tiêu dùng lạc hậu, lãng phí tài nguyên Ở Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới, một phần do nhu cầu bức thiết của việc phải có ngay những thành quả kinh tế để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, thoát khỏi nghèo đói, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nên đã xuất hiện tâm lý phát triển “nóng”, phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đến bảo vệ tài nguyên, môi trường. Sau này, khi nền kinh tế đã đi vào ổn định, các thành tựu trong phát triển kinh tế bắt đầu khởi sắc thì đất nước bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về khai thác tài nguyên, môi trường ngày càng cao, các công ty liên doanh, công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội và phát triển ở Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, pháp luật về 40
  4. Khoa học xã hội với sự phát triển bền vững bảo vệ môi trường chưa được hoàn thiện, công tác quản lý trong cấp phép đầu tư chưa chặt chẽ, công tác đánh giá tác động môi trường chưa được thực hiện một cách nghiêm túc... tạo kẽ hở cho các dự án, các doanh nghiệp, các mô hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường mọc ra ở khắp nơi. Đây sẽ là nhân tố tác động không nhỏ đến phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Để Việt Nam đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường đòi hỏi các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương phải có sự thống nhất trong chỉ đạo, phải có sự phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành trong tổ chức quản lý các lĩnh vực thuộc về phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa các yếu tố cũng đòi hỏi sự thống nhất, đoàn kết, đồng thuận của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong cả nước vì mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững. Chính vì vậy, tâm lý phát triển sẵn sàng “đánh đổi môi trường lấy kinh tế” hay thói quen trong tiêu dùng, trong sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, việc cố hữu duy trì các phương thức canh tác, phương thức sản xuất lạc hậu cần được thay đổi nếu không sẽ là những nhân tố tác động rất xấu, kìm hãm sự phát triển đi đến bền vững của Việt Nam. 2.2. Các nhân tố quốc tế 2.2.1. Tác động của xu hướng điều chỉnh mô hình phát triển kinh tế ở một số nước trên thế giới Hiện nay, một số nước trên thế giới đã điều chỉnh mạnh mẽ mô hình phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là thực hiện “Tăng trưởng xanh” để hướng đến phát triển bền vững. Một số quốc gia tiêu biểu đã tiên phong thực hiện và bước đầu mang lại những thành tựu nổi bật là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Thụy Điển đã triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thực hiện các kế hoạch giảm dần các ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất, khai thác rừng… để chuyển dần sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đảm bảo xanh, sạch. Với Việt Nam, chính phủ Thụy Điển đã cam kết hỗ trợ lâu dài cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua tăng cường thương mại, trao đổi và chia sẻ các giải pháp kinh doanh, phát triển công nghệ, đặc biệt là phát triển giáo dục. Nhật Bản có các giải pháp nổi bật trong Chiến lược tăng trưởng mới như: Đổi mới và tăng trưởng xanh, phát triển và phổ biến các công nghệ xanh cũng như để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; Thiết lập các mức giá rõ ràng đối với việc phát thải khí các-bon; Tăng cường sử dụng các loại thuế liên quan đến môi trường. Kết quả bước đầu của chiến lược mang lại đã minh chứng rất rõ cho việc lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh của Nhật Bản là hoàn toàn đúng đắn. Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược”. Nhật Bản không chỉ là nhà tài trợ lớn hỗ trợ tới 1/3 nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam mà còn hợp tác trên các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường… để hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam. Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi và tiếp thu những chính sách, biện pháp của các quốc gia phát triển trên thế giới cũng như những hạn chế mà họ đã gặp phải để lựa chọn và chuyển 41
  5. Trường Đại học Mỏ - Địa chất đổi mô hình tăng trưởng phù hợp, bảo đảm cho phát triển bền vững đất nước nhằm “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”1. 2.2.2. Tác động đa chiều của toàn cầu hóa Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nguồn lực bên ngoài được tiếp thu và sử dụng như vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý, kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát huy tốt lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp. Theo dự báo, “tham gia vào ASEAN giúp thu nhập quốc dân của Việt Nam tăng từ 1-3%”, “TPP có thể giúp GDP tăng thêm 8% vào năm 2035”2. Tuy vậy, hội nhập quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu không có quan điểm đúng và phù hợp thì sẽ càng tụt hậu trong phát triển so với các quốc gia trong khu vực và thế giới, nguy cơ sẽ bị lệ thuộc vào bên ngoài, năng lực cạnh tranh thấp và thua kém nhiều quốc gia; các thế lực phản động lợi dụng hội nhập quốc tế để phá hoại kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh trật tự; tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Một vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển và hội nhập cũng trở nên khá phổ biến với bất cứ quốc gia nào đó chính là vấn đề giảm nghèo bền vững và làm thế nào để bình đẳng giới. Ở Việt Nam tuy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, là một trong những con số ấn tượng nhất khi tổng kết báo cáo thành tựu phát triển bền vững. Nhưng trên thực tế tỉ lệ tái nghèo vẫn cao, đặc biệt với các hộ nghèo ở các khu vực trọng yếu như biên giới, hải đảo, miền núi… Khi Việt Nam tham gia vào nền kinh tế toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động có chuyên môn kỹ thuật, song cũng tạo ra nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm cho một lực lượng lao động phổ thông. Nguyên nhân trước tiên của tình trạng lao động mất việc làm là do doanh nghiệp bị phá sản. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn lạc hậu, lao động thủ công chứ chưa đạt được trình độ cao… nên khả năng cạnh tranh kém. Quá trình hội nhập khu vực và quốc tế để phát triển kinh tế cũng đẩy các quốc gia trong đó có Việt Nam vào tình trạng “khát” tài nguyên để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho các cấp tổ chức, quản lý bên lĩnh vực tài nguyên môi trường. Kể cả khi đã có các chế tài nghiêm ngặt cho lĩnh vực này nhưng lợi ích kinh tế quá lớn mà nguồn tài nguyên mang lại cũng khiến nhiều đối tượng công ty, doanh nghiệp, tập đoàn sẵn sàng đánh đổi. Hội nhập văn hóa trong toàn cầu hóa cũng là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Vì vậy, trong bối hiện nay, Việt Nam phải nhận diện tình hình để có những bước đi phù hợp, cân nhắc được - mất, duy trì mối liên hệ cân bằng giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường để thực sự phát triển một cách bền vững. 2.2.3. Các vấn đề an ninh quốc gia phi truyền thống Việc nhận dạng các loại an ninh phi truyền thống và tác động của nó sẽ góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, các thách thức an ninh phi truyền 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.191. 2 Bộ Kế hoạch và đầu tư và Nhóm Ngân hàng Thế giới (2016), Việt Nam 2035, Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, Nxb Ngân hàng Thế giới, Washington DC, tr. 35. 42
  6. Khoa học xã hội với sự phát triển bền vững thống như khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, di cư thiếu kiểm soát… đang là những vấn đề nổi cộm mà các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt như: biến đổi khí hậu toàn cầu, đại dịch, tội phạm công nghệ cao. Biến đổi khí hậu toàn cầu là một vấn đề quan trọng hàng đầu của an ninh môi trường và đã trở thành thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã nổi lên như một yếu tố thách thức và tiềm ẩn nguy cơ cho sự tồn tại trong tương lai của các quốc gia. Biến đổi khí hậu gây ra các biến động không có lợi về môi trường, gây khủng hoảng sinh thái, từ đó đe dọa tới an ninh con người, an ninh quốc gia. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao; các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán, tai biến và giá rét kéo dài… ảnh hưởng tới tính mạng con người, gây suy thoái kinh tế, xung đột và chiến tranh, mất đa dạng sinh học, phá huỷ hệ sinh thái, thiếu lương thực và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh… Đại dịch là một vấn đề an ninh phi truyền thống vô cùng phức tạp đặt ra cho các quốc gia trong bối cảnh hiện nay và cần đến sự nỗ lực chung tay của các quốc gia chứ không chỉ riêng một quốc gia nào. Không cần lật lại lịch sử các đại dịch trong quá khứ, chỉ cần nhìn vào sự tác động nặng nề và ghê gớm của đại dịch COVID-19 đầu năm 2020 tới Việt Nam và hầu khắp các quốc gia trên thế giới cũng thấy ngay được vì sao đại dịch lại được coi là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu tới an ninh quốc gia phi truyền thống. Đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến hòa bình và an ninh trên thế giới, làm trì hoãn tiến trình chuẩn bị bầu cử ở nhiều quốc gia và làm gia tăng tình trạng căng thẳng, bạo lực và suy thoái kinh tế - xã hội ở nhiều khu vực, gây ra nguy cơ khủng bố sinh học đáng lo ngại, đồng thời tác động tiêu cực đến đời sống của người dân trên thế giới, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tỵ nạn, người phải di cư do xung đột… Riêng ở Việt Nam, dù được đánh giá là làm tốt công tác chống dịch nhưng những hệ lụy do đại dịch lần này mang lại là không hề nhỏ. Hiện nay, tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và phương thức thực hiện tinh vi hơn là thách thức an ninh phi truyền thống nổi bật trong bối cảnh bùng nổ công nghệ cao trên toàn thế giới và ở Việt Nam. Tội phạm công nghệ cao rất phổ biến với thủ đoạn chính là tấn công máy tính, mạng máy tính; phát tán virus, phần mềm gián điệp; sử dụng trái phép trong các dữ liệu của máy tính không được phép của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền; lợi dụng lỗ hổng bảo mật web, tấn công truy cập, lấy cắp, phá hoại dữ liệu, lừa đảo dưới nhiều hình thức; lan truyền các thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng lên mạng xã hội... Nguy hiểm hơn, tội phạm công nghệ cao còn thực hiện tấn công hệ thống hạ tầng thông tin, truyền thông quốc gia, gây ảnh hưởng đến an ninh, hoà bình thế giới. Như vậy, tác động của các vấn đề trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống tới mọi mặt của một quốc gia cũng có nghĩa là tác động đến Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam là vô cùng lớn. Thế giới càng phát triển càng thấy rõ rằng: xu thế hội nhập, toàn cầu hóa là tất yếu. Các quốc gia muốn phát triển bền vững thì không thể tách rời khỏi chuỗi liên kết phát triển toàn cầu. Trong quá trình này, sự tác động của toàn cầu hóa và các vấn đề an ninh quốc gia phi truyền thống lên mỗi quốc gia là khác nhau, lợi nhiều hơn hay hại nhiều hơn là do mỗi quốc gia có biết tận dụng hay ứng biến cho phù hợp hay không. 2.2.4. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư Trong thời đại ngày nay, mọi hoạt động diễn ra trong thế giới thực được sự hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ bởi các hoạt động trên không gian số, giúp thế giới trở nên ngày một hiệu quả và thông minh 43
  7. Trường Đại học Mỏ - Địa chất hơn. Vì vậy, những đột phá công nghệ trong cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi những nền tảng phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và cả môi trường ở Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế, cách mạng công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho đất nước khi có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng đắn và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động tay nghề thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống hay tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia tạo ra nhiều thách thức lớn. Từ thực tế đó, đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước. Trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường, cách mạng công nghệ 4.0 tác động tích cực đến lĩnh vực môi trường trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung và dài hạn nhờ các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu và thân thiện với môi trường. Công nghệ 4.0 tập trung chủ yếu phát triển công nghệ điện tử, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về quản trị công quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối số; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh... Coi đầu tư cho khoa học công nghệ như một khoản đầu tư lâu dài cho phát triển bền vững đất nươc mà không yêu cầu thu hồi vốn trước mắt. 3. KẾT LUẬN Ở Việt Nam, nhờ xác định rõ mục tiêu và đề ra các phương hướng cụ thể như: phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục… Vì vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những thay đổi khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực “trụ cột” trong quan niệm về phát triển bền vững như: kinh tế, xã hội và môi trường. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng vì vậy mà được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện. Điều đó đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nhận diện những nhân tố tác động mới trong hoàn cảnh mới để kịp thời điều chỉnh, mang lại hiệu quả như như mục tiêu văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã xác định: “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”1. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Kế hoạch và đầu tư và Nhóm Ngân hàng Thế giới (2016), Việt Nam 2035, Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, Nxb Ngân hàng Thế giới, Washington DC. 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.76. 44
  8. Khoa học xã hội với sự phát triển bền vững 2. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2004), Định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam - Agenda 21). 3. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Hà Nội. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 6. Đinh Thế Huynh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên) (2015), 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 45
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2