6 SAM WALTON<br />
Đặc Mỹ<br />
<br />
SAM WALTON VÀ BEN FRANKLIN<br />
Benjamin Franklin 79 tuổi khi ông được Quốc hội cho phép từ bỏ<br />
chức vụ công sứ tại Pháp và lên tàu trở về Mỹ sau nhiều lần ông yêu<br />
cầu. Khi đó Franklin là người Mỹ nổi tiếng nhất thế giới. Ông đạt<br />
được thành tựu đỉnh cao trong rất nhiều lĩnh vực không liên quan<br />
đến nhau nên không thể xếp tài năng của ông vào một hoặc hai lĩnh<br />
vực. Ông làm nhiều nghề và nghề nào cũng thành công. Từ một người<br />
vô gia cư thất học, không một xu dính túi, ông trở thành một nhà<br />
khoa học uyên bác, một tác giả có sách bán chạy, một doanh nhân<br />
giàu có, đệ nhất công dân của thành phố Philadelphia và tiểu bang<br />
Pennsylvania, một nhà phát minh vĩ đại, một nhà ngoại giao lão<br />
luyện, một nhà cách mạng lừng danh và một trong sáu người sáng lập<br />
ra một quốc gia vĩ đại (năm người kia là James Madison, Alexander<br />
Hamilton, Thomas Jefferson, George Washington và John Adams).<br />
Khi Jefferson đến Pháp trình thư ủy nhiệm làm công sứ nhiệm kì tiếp<br />
theo, ông thường được chào đón bằng câu hỏi: “Thưa, ngài là người<br />
thay thế Tiến sỹ Franklin?” Jefferson thường trả lời: “Không ai có thể<br />
thay thế Tiến sỹ Franklin, thưa ngài. Tôi chỉ là người kế nhiệm ông ấy<br />
mà thôi”.<br />
Tính cách và sự nghiệp của Franklin để lại ảnh hưởng rất lâu dài.<br />
Những bài diễn văn của ông, sự dí dỏm, trí tuệ của ông, cho dù có<br />
người thích người không, là một phần của lịch sử nước Mỹ thế kỉ<br />
XIX. Các doanh nhân và nhà giáo dục coi ông là nguồn cảm hứng lớn<br />
cho thành công của họ. Cho tới tận ngày nay, hình ảnh và thành tựu<br />
của Franklin – nhất là nỗ lực vươn lên từ bóng tối và cách đối đãi dân<br />
chủ bình dân của ông – vẫn ở lại với chúng ta.<br />
Con người vĩ đại này – cứ nói đến Franklin là người ta lại dùng<br />
chữ “vĩ đại” – giết thời gian trên chuyến tàu biển dài dằng dặc từ biệt<br />
<br />
Le Harve, Pháp về Philadelphia, Mỹ như thế nào? Ông viết ba bài<br />
luận, hai trong số đó rất có giá trị thực tiễn: “Về nguyên nhân và cách<br />
khắc phục tình trạng ống khói nhiều khói” và “Mô tả lò đốt than đá<br />
kiểu mới và triệt tiêu hết khói”.<br />
Người ta nhiệt liệt chào đón Franklin khi ông về đến Philadelphia.<br />
Sau khi tiệc tan, ông tiếp tục công việc trong chính quyền; và ông cũng<br />
cơi nới nhà cửa, biến nhà mình thành một nơi rộng rãi hơn. Ngày 17<br />
tháng 9 năm 1787, ông đọc bài diễn văn bế mạc Đại hội Hiến pháp,<br />
gợi ý các thành viên Đại hội hãy “nghi ngờ khả năng không bao giờ<br />
mắc lỗi của ông một chút”.<br />
Tuy nhiên, điều thú vị không phải là Franklin xuất hiện liên tục<br />
trong đời sống công cộng mà là ông luôn duy trì phong thái cá nhân<br />
của mình. Jefferson từng dự đoán rằng bảy năm làm ngoại giao ở<br />
nước ngoài là đủ để hủy hoại một người Mỹ. Franklin làm ngoại giao<br />
ở nước ngoài gấp hơn ba lần số thời gian đó mà vẫn quan tâm đến<br />
ống khói nhiều khói, lò than và vẫn không xa rời quần chúng. “Được<br />
ca ngợi và trao tặng huân huy chương nhiều hơn bất cứ người Mỹ<br />
nào, ông trở về Philadelphia và hội nhập trở lại ngay lập tức. Hàng<br />
xóm dễ dàng nhận ra ông, họ bảo: Ben Franklin, ông thợ in kia rồi”.<br />
Franklin từ trần năm 1790. Samuel Moore Walton qua đời năm<br />
1992. Nếu Walton còn sống, ông sẽ rất ngạc nhiên và có lẽ sẽ kinh<br />
hoàng khi thấy tên mình và tên Benjamin Franklin xuất hiện trong<br />
cùng một câu. Tuy vậy, hai người có vài điểm chung. Cả hai sở hữu<br />
khả năng giao tiếp với dân thường ở một mức độ không thường chút<br />
nào. Cả hai đều rất hiểu tầm quan trọng của việc nắm bắt tâm lí của<br />
người mình làm việc cùng. Cả hai đều nhanh nhạy. Cả hai đều biết<br />
cách đạt được cái mình muốn. Cả hai đều không lấy tiền làm động cơ<br />
chính. Cả hai đều là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Cả hai đều là các<br />
nhà cách mạng.<br />
Tôi muốn nghĩ rằng không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà cửa<br />
hàng đầu tiên Sam Walton mở được đặt tên “Ben Franklin”. Nằm ở<br />
Newport, tiểu bang Arkansas, cửa hàng này là một phần trong chuỗi<br />
cửa hàng năm-và-mười-xu thuộc sở hữu của Anh em nhà Butler ở<br />
Chicago.<br />
<br />
THUỞ BAN ĐẦU<br />
Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 1918, cậu bé Samuel Moore Walton<br />
chào đời ở một ngôi nhà nông thôn gần Kingfisher, tiểu bang<br />
Oklahoma. Cha của Samuel – ông Thomas Gibson Walton – khi đó 26<br />
tuổi, còn mẹ của Samuel với tên thời con gái Nannia Lee Lawrence –<br />
19 tuổi. Bà là con gái một chủ trang trại và nghỉ học đại học khi bà kết<br />
hôn. Hai vợ chồng bà xây một căn nhà trong một trang trại nhỏ mà<br />
chồng bà đã mua.<br />
Thomas Walton chưa kịp biết cha mẹ mình là ai. Cả mẹ ông, bà<br />
Clara, và cha ông, Samuel W. Walton (Sam Walton được đặt theo tên<br />
ông) đều lần lượt qua đời cách nhau vài tháng khi Thomas mới được<br />
hơn một tuổi. Thomas được họ hàng đem về nuôi. Tuổi thơ của ông<br />
chắc có lẽ không dễ dàng gì. Nhà Walton là một gia đình xuất thân từ<br />
các tiểu bang thượng Nam và gần biên giới. Cụ tổ – William P.<br />
Walton – chuyển từ tiểu bang Virginia tới một trang trại ngay bên<br />
ngoài LaMine, miền Trung tiểu bang Missouri. Con trai ông – Sam –<br />
trở thành quản lí bưu điện LaMine và chủ một cửa hàng bách hóa<br />
nhỏ. Do đó, ông nội của Sam Walton và là người cùng tên là thương<br />
gia đầu tiên của dòng họ.<br />
Bên phía mẹ, Tom Walton là một phần của gia đình Moore. Tên<br />
đệm của Sam Walton lấy từ gia đình này. Giống như nhà Walton, nhà<br />
Moore có lịch sử đi qua đi lại vùng biên giới giữa miền Bắc và miền<br />
Nam. Joseph T. Moore sinh ra ở hạt Giles, tiểu bang Tennessee. Từ<br />
đó, ông di cư tới Marshfield, tiểu bang Missouri. Là người có cảm<br />
tình với Liên bang và người của đảng Cộng hòa, Moore phục vụ trong<br />
đội Kỵ binh Missouri số Tám và chiến đấu ở Pea Ridge, cách<br />
Bentonville ở Tây Bắc tiểu bang Arkansas 16 km về phía Bắc và ở một<br />
số nơi khác. Trong những năm 1880, ông phục vụ hai nhiệm kì trong<br />
nghị viện Missouri.<br />
Khi Thomas Walton học xong phổ thông, ông vào làm cho một<br />
doanh nghiệp chuyên cho các trang trại vay tiền của người họ hàng<br />
tên là J. W. Walton. J. W. đã tham gia vào cơn sốt đất Oklahoma ngày<br />
22 tháng 4 năm 1889, và đã khoanh được mảnh đất nằm cách nơi<br />
nhân viên đo đạc của chính phủ lên kế hoạch xây dựng thị trấn<br />
Kingfisher 11 km. Theo phóng viên-nhà văn Bob Ortega, J. W. quả<br />
quyết là có nhiều cách kiếm sống “đỡ bị gãy lưng” hơn làm trang trại.<br />
<br />
Chứng kiến các chủ trang trại khác phá sản và mất đất, ông “quyết<br />
định tham gia vào lĩnh vực cho vay và trở thành đại lí cho vay”. Ortega<br />
đoán là ông làm đại diện cho một công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng<br />
tiểu bang.<br />
Đây là một động thái then chốt. Có nghĩa là J. W. sẽ không trở<br />
thành một người nông dân nay đây mai đó, cứ đi mãi về phía Tây, lại<br />
làm nông và lại thất bại. Có nghĩa là ông có cơ hội làm giàu; và vì thế<br />
ông có cơ hội đoàn tụ cùng gia đình thay vì chứng kiến cảnh mỗi<br />
người trong gia đình phải tha phương cầu thực. Trong lời khuyên nổi<br />
tiếng nhất của một ông bố dành cho con trai, Polonius nói với Laertes<br />
trong Hamlet: “Đừng bao giờ đi vay mà cũng đừng bao giờ cho vay”.<br />
Điều mà J. W. hiểu ra là, nếu hoàn cảnh buộc bạn phải lựa chọn giữa<br />
đi vay và cho vay thì cho vay tốt hơn.<br />
Lựa chọn của J. W được lịch sử chứng minh là đúng. Nước Mỹ<br />
được sinh ra ở nông thôn. Vào thời gian diễn ra cuộc Cách mạng<br />
giành độc lập của Mỹ, chỉ có hai thành phố là Philadelphia và New<br />
York với dân số hơn 25.000 người. Nhưng nước Mỹ chuyển ra thành<br />
thị, chậm nhưng không thể dừng lại được. Sự chuyển dịch này mất<br />
một thời gian dài để đạt đến độ hoàn chỉnh. Tỷ lệ dân số Mỹ sống ở<br />
nông thôn cho tới tận thế kỉ XX cao hơn nhiều so với các quốc gia<br />
công nghiệp hóa sớm khác. Cho tới tận cuộc tổng điều tra dân số năm<br />
1920 thì đa số người Mỹ mới sinh sống ở thành thị, được định nghĩa<br />
là các thành phố hoặc thị trấn có dân số từ 25.000 người trở lên.<br />
Trong cuộc tổng điều tra dân số liên bang lần đầu tiên năm 1790, 97%<br />
người tham gia cuộc điều tra tự phân loại mình là nông dân. Trong<br />
cuộc tổng điều tra dân số năm 1990, chỉ có 3% làm vậy.<br />
Trái tim của nước Mỹ là ở trang trại. “Những người bán mặt cho<br />
đất là những người được Chúa chọn nếu như Chúa từng chọn người<br />
cho mình…”– Jefferson đã viết như vậy trong Ghi chép về Tiểu bang<br />
Virginia. Thật không may, trái tim của nước Mỹ cũng tan vỡ ở trang<br />
trại. Để thành công trong việc đồng áng cần phải có sự nhạy bén đáng<br />
kể, nhất là trước khi có các chương trình phúc lợi và tài trợ liên bang<br />
quy mô lớn nửa sau thế kỉ XX. Người nông dân phải sở hữu rất nhiều<br />
đất, trồng đúng loại nông sản, nuôi đúng loại gia súc và quản lí tài<br />
chính cẩn thận.<br />
Chúng ta sẽ gặp một người như thế ngay bây giờ. Tên ông là<br />
Leland Stanford Robson sống ở Claremore, tiểu bang Oklahoma.<br />
<br />
Robson vừa là doanh nhân, quan chức chính phủ, vừa là nông dân và<br />
chủ trang trại. Ông là một nhân vật rất lớn trong một thị trấn rất nhỏ.<br />
Nhiều năm sau, Wal-Mart vươn lên vị trí thống trị bằng cách xây<br />
những cửa hàng rất lớn ở những thị trấn rất nhỏ. Con gái của Robson<br />
– Helen Alice Robson – trở thành phu nhân của Sam Walton ngày 14<br />
tháng 2 năm 1943. Hôm đó là ngày lễ Tình nhân.<br />
Tom Walton bắt đầu cuộc đời đi làm bằng việc làm thuê cho chú,<br />
J. W. Walton. Nhưng Tom không thích công việc đó lắm, nên như<br />
chúng ta đã thấy, năm 1917, ông kết hôn và bắt đầu làm nông gần<br />
Kingfisher, tiểu bang Oklahoma. Sam ra đời một năm sau đó; và vào<br />
ngày 20 tháng 12 năm 1921, Nan Walton sinh thêm một đứa con nữa,<br />
đặt tên là James L. hay còn gọi là Bud.<br />
Những năm 1920 là quãng thời gian đầy khó khăn đối với nông<br />
dân và Tom Walton không phải trường hợp ngoại lệ với xu thế đó.<br />
Ông bỏ cuộc sau một vài năm và chuyển tới làm cho người anh cùng<br />
cha khác mẹ là Jesse Walton. Công ty Thế chấp Walton của Jesse<br />
nghe nói là đại diện của công ty Đời sống Đô thị ở Springfield, tiểu<br />
bang Missouri. Jesse phái Tom tới Marshall – trung tâm tiểu bang<br />
Missouri. Chẳng bao lâu sau đó, Tom quyết định tách ra tự làm làm<br />
thế chấp nông nghiệp. Ông thất bại, nhưng may thay Jesse nhận ông<br />
trở lại doanh nghiệp của mình. Tom chuyển gia đình tới Shelbina tiểu<br />
bang Missouri, theo mong muốn của Jesse. Springfield là thị trấn đầu<br />
tiên Sam Walton trưởng thành có ký ức về nó. Ông đi học ở đó và<br />
cùng gia đình chuyển tới Marshall và Shelbina trước khi định cư tại<br />
Columbia. Columbia là nơi đặt trụ sở chính của trường đại học tiểu<br />
bang Missouri. Walton tốt nghiệp trường này với tấm bằng cử nhân<br />
kinh tế năm 1940.<br />
Lúc cuối đời, Walton kết hợp với John Huey, biên tập viên tờ<br />
Fortune, để viết tự truyện. Trước đó, ông thường được mời viết sách<br />
nhưng thường từ chối thẳng thừng. Gia đình ông cuối cùng cũng<br />
thuyết phục được ông viết một cuốn với một tay viết của tạp chí Wall<br />
Street Journal tên là Eric Morgenthaler. Walton không thích thú việc<br />
này lắm; và khi được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, ông quyết<br />
định phải “đơn giản hóa cuộc sống” bằng cách “rũ bỏ những thứ<br />
không muốn làm”. Dự án với Morgenthaler rơi vào nhóm những thứ<br />
đó; và Walton chấm dứt dự án, trả tiền cho Morgenthaler để ông này<br />
bàn giao lại công việc cho gia đình mình và mua đứt hợp đồng.<br />
<br />