Phạm trù Tài và Học trong luận thi cổ điển Trung Hoa
lượt xem 1
download
Bài viết tập trung làm rõ quan điểm về Tài và Học trong tiến trình luận thi cổ điển Trung Hoa, trong đó đặc biệt chú trọng đến các phạm trù Tài, Đảm, Thức, Lực trong Nguyên thi của Diệp Tiếp đời Thanh. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra những tiếp nhận và nhận định của các tác gia Việt Nam đối với hai phạm trù này.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phạm trù Tài và Học trong luận thi cổ điển Trung Hoa
- PHẠM TRÙ TÀI VÀ HỌC TRONG LUẬN THI CỔ ĐIỂN TRUNG HOA Nguyễn Thị Bảo Anh 1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Tài và Học là hai phạm trù mang tính nền tảng đối với thi học Nho gia. Kẻ sĩ quân tử ngoài trách nhiệm gắn với quốc gia, dân tộc còn có ý thức về “lập ngôn”. Do vậy, Nho gia rất chú trọng đến tài năng và học thức, xem đó là điều kiện xác quyết để khẳng định thiên tư và công phu của bản thân. Tài và Học còn được vận dụng trong phê bình phong cách thi văn của các tác gia, đặc biệt là trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp thời Nam Bắc triều. Các nhà lý luận văn học về sau kế thừa và làm phong phú hơn về mặt nội hàm cho hai phạm trù trên đồng thời khẳng định mối quan hệ tương hỗ của chúng. Bài viết tập trung làm rõ quan điểm về Tài và Học trong tiến trình luận thi cổ điển Trung Hoa, trong đó đặc biệt chú trọng đến các phạm trù Tài, Đảm, Thức, Lực trong Nguyên thi của Diệp Tiếp đời Thanh. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra những tiếp nhận và nhận định của các tác gia Việt Nam đối với hai phạm trù này. Từ khóa: Diệp Tiếp, Lưu Hiệp, Tài và Học 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong bối cảnh hội nhập của thế giới hiện nay, ở khía cạnh đánh giá tri thức và năng lực, chúng ta cần có những tiêu chí nào để nhận định khả năng học hỏi và làm việc của một cá nhân? Mối quan hệ giữa học vấn được thụ nhận trong nhà trường và năng lực làm việc trong thực tế có sự liên kết không? Các nhà lý luận về giáo dục dựa vào đâu để phân định các thang đo về năng lực của người học? Do vậy, bài viết đưa ra một góc nhìn cổ điển về vấn đề tài năng và học thức dựa trên những nghiên cứu về thi học Nho gia, khởi đi từ góc độ triết học, giáo dục vào văn chương nghệ thuật. Vì thế, con người ta ngoài việc “tích học” còn có “tiên thiên” hay “anh hoa”, đâu mới là yếu tố quan trọng để chúng ta xác định năng lực của bản thân? Văn chương được người Trung Hoa cổ đại xem là điều cuối cùng của một trong ba điều bất hủ (tam bất hủ: ba điều không thể mục nát). Ngọn nguồn của tư tưởng này ở trong Tả truyện, chương Tương công nhị thập tứ niên: “Mục Thúc đến Tấn, Phạm Tuyên Tử ra đón, hỏi rằng: ‘Người xưa nói chết mà không mục nát nghĩa là thế nào?’ Mục Thúc trả lời: ‘Nước Lỗ có bậc đại phu là Tàng Văn Trung đã chết nhưng lời nói thì vẫn còn mãi, vì thế mà nói như vậy. Tôi nghe nói: thứ nhất là lập đức, kế đó là lập công, dưới nữa là lập ngôn. Dẫu lâu cũng không mất, vì thế gọi là bất hủ’.” (Khổng Tử, 2002, tr.160). Cái gọi là “ngôn” ở trên chủ yếu là lời nói, lời bàn về đạo đức, chính trị (đức giáo, chính giáo), tuy nhiên, “ngôn” cũng bao gồm cả văn học. Thời Xuân Thu vẫn chưa có khái niệm thuần túy bàn về văn học nhưng Khổng Tử孔子xem “văn” là một trong “tứ giáo” (Bốn điều dạy dỗ học trò) là Văn, Hạnh, Trung, Tín. Giai đoạn 352
- Đông Chu, chữ Văn có hàm nghĩa rất rộng, tựu trung có ít nhất là hai nghĩa: 1. Chỉ vẻ đẹp hình thức; 2. Chỉ toàn bộ nền văn hóa, bao gồm cả văn chương, nghệ thuật và học thuật. Trong khi đó, Khổng Tử cho rằng cái học của ông chính là “thuật lại chứ không sáng tác” (thuật nhi bất tác) nên trong sách Luận ngữ论语, thiên Học nhi学而có viết: “Làm việc mà còn thừa sức lực thì có thể học văn” (Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn) (Khổng Tử, 2019, tr.5) hay trong Công Dã Tràng公冶长có viết: “Cần mẫn mà hiếu học, không ngượng khi học người dưới, cho nên gọi là văn” (Mẫn nhi hiếu học, bất sỉ hạ vấn, thị dĩ vị chi văn dã) (Khổng Tử, 2019, tr.92). Từ những quan điểm về văn, có thể thấy Nho gia rất đề cao học vấn, xem Văn là một cái học. Các nhà luận thi về sau đều kế thừa quan điểm này của Khổng Tử nhưng ngoài vấn đề học vấn, còn bổ sung tài năng và các phạm trù khác như trong thiên Thể tính và Tài lược trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, “Tài, Đảm, Thức, Lực” của Diệp Tiếp hay “Tài, Học, Thức, Đức” của Chương Học Thành đời Thanh. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết vận dụng phương pháp văn bản học nhằm truy nguyên các quan điểm của các nhà luận thi về vấn đề Tài và Học. Bên cạnh đó, phương pháp hệ thống giúp chỉ ra các dạng thức khác nhau giữa Tài và Học cùng mối quan hệ tương hỗ của chúng. Đồng thời, phương pháp so sánh cho thấy những tương đồng và khác biệt trong quan điểm của các nhà lý luận qua các thời kỳ, cho thấy được sự hoàn thiện về nhận thức Tài – Học ở khía cạnh triết học và văn học. Do đó, phương pháp liên ngành văn hóa – văn học cho thấy được những thay đổi trong quan điểm của các nhà thơ trong bối cảnh văn chương thị dân lên ngôi và do đó, giữa học thuật và nghệ thuật đã xuất hiện những ranh giới nhất định. 3. NỘI DUNG 3.1 Tài là yêu cầu căn bản của sáng tạo nghệ thuật và luận bàn thơ văn Thi học Trung Hoa cổ điển xem Tài là phạm trù căn bản đối với năng lực sáng tạo nghệ thuật. Vương Sung 王充đời Đông Hán trong Luận hành论衡nói: “Xem văn chương hay dở, đủ để thấy tài ra sao” (Văn từ mỹ ố, túc dĩ quan tài) (Vương Sung, 1986, tr.134). Lưu Hiệp刘 勰trong Văn tâm điêu long文心雕龙, thiên Thể tính体性có nói: “Cho nên văn từ lý lẽ cao hay thấp, không thể tách rời với cái tài này” (Cố từ lý dung tuấn, mạc năng phiên kỳ tài) (Lưu Hiệp, 2007, tr.334); trong lời tán thiên Tài lược, 才略ông nói thêm: “Tài nào dễ tìm? Tính bẩm sinh mỗi người mỗi khác” (Tài nan nhiên hồ? Tính các dị bẩm) (Lưu Hiệp, 2007, tr.511). Bên cạnh đó, thi nhân các đời đều đưa ra quan điểm về Tài. Theo nghiên cứu của Phương Lựu (2017) thì quan điểm về tài có cả một truyền thống như Lưu Vũ Tích劉禹錫đời Đường nói: “Hay là bởi tài năng” (Công sinh ư tài – Đổng thị Vũ Lăng tập kỷ, tr.131); Đồ Long屠隆 đời Minh nói: “Làm thơ mà không có tài cao thì không kỳ diệu” (Thi phi cao tài bất diệu – Hồng bao tập, tr.131); Cố Viêm Vũ顾炎武đời Thanh nói: “Muốn chấn hưng nền văn chương 353
- ngày nay thì phải có những tài năng tuấn tú” (Dục chấn kim nhật chi văn, nhi tuấn dĩ chi tài xuất hỹ – Nhật tri lục, tr.131). Hơn nữa, trước đó, Trần Sư Đạo陈师道đời Bắc Tống còn phân chia tài thành hai loại thường tài và kỳ tài, nói: “Phải dựa vào vạn vật rồi mới thành tài, đó chỉ là thường tài. Chỉ khai thác từ lòng mình, không mượn cái đẹp từ bên ngoài, không có sự giúp đỡ của nghe nhìn, mà có thể thấu hiểu sự biến đổi của vạn vật, đó mới là kỳ tài trong thiên hạ chăng?” (Nhan Trường Đạo thi tự) (Phương Lựu, 2017, tr.132) hay Thang Hiển Tổ湯顯祖đời Minh giải thích thêm: “Văn chương trong thiên hạ sở dĩ có sinh khí đều do những kỳ sĩ; kỳ sĩ là do tâm linh, tâm có linh thì mới tung hoành, có tung hoành thì mới lên trời xuống đất, lui tới với cổ kim, có thể co vào duỗi ra, sống chết theo ý mình” (Tự Khư Mao Bá cảo) (Phương Lựu, 2017, tr.132). Trong khi đó, Ngô Lôi Phát44吴雷发đời Thanh thì phân biệt giữa hùng tài (chỉ sự rèn luyện) với tiên tài (chỉ phần thiên tư), cho rằng hùng tài thì “dùng toàn lực để bắt thỏ” chỉ việc dốc lòng luyện tập, trong khi tiên tài như “dạo chốn Đào Nguyên, lên núi Hoa Sơn” (Phương Lựu, 2017, tr.132). Bên cạnh đó, Viên Mai袁枚lại phân biệt thanh tài và thô tài, trong Tùy Viên thi thoại 随园诗话có viết: “Người ta nói rằng người có tài lớn như Hoàng Hà vạn dặm, cát bùn cùng trôi xuống đấy. Ta lại cho rằng đó là tài vụng, chẳng phải tài lớn. Tài lớn phải như biển liền trời,…hoa thơm cỏ lạ…” (Viên Mai, 1999, tr.18). Tài cũng là điều mấu chốt trong bình phẩm thơ văn. Nhan Chi Thôi颜之推nói: “Thiên tử đời xưa mà tài hoa thì chỉ có Hán Vũ Đế và Ngụy Thái Tổ Tào Tháo” (Tự tích thiên tử nhi hữu tài hoa giả duy Hán Vũ, Ngụy Thái Tổ – Nhan thị gia huấn). Trong Văn tâm điêu long, thiên Tài lược, Lưu Hiệp căn cứ vào phạm trù tài để bình phẩm phong cách thơ và khuynh hướng sáng tác của các tác gia: “Giả Nghị tài năng xuất chúng, siêu việt nhanh nhạy, lời nói thích ý nhưng từ phú cao khiết” (Giả Nghị tài dĩnh, lăng dật phi thố, nghị thiếp nhi phú thanh); “Tử Vân (Dương Hùng) ý tứ đủ đầy, từ nghĩa sâu xa, thấy được khí độ xa xăm, u tĩnh, thường chọn lấy những ý kỳ dị lạ thường nên làm cạn kiệt tài nhưng xuyên thấu được tâm tư, cho nên khiến lý thì đầy đủ còn từ thì cứng cỏi” (Tử Vân chúc ý, từ nghĩa tối thâm, quan kỳ nhai độ u viễn, sưu tuyển quỷ lệ, nhi kiệt tài dĩ toàn tư, cố năng lý thiệm nhi từ kiên hỹ); “Văn của Hoàn Đàm phiến diện, nông cạn lại vô tài, cho nên biết là ông giỏi văn phúng dụ, chứ chưa đạt đến văn hoa lệ” (Hoàn Đàm trứ luận…thiên thiển vô tài, cố tri trường ư phúng dụ, bất cập lệ văn dã); “Minh và phú của Lý Vu, thấy có chí hướng làm theo những thể tài lớn nhưng tài lực luân lạc, rũ cánh không cất nổi mình” (Lý Vu phú minh, chí mộ hồng tài, nhi tài lực trầm trúy, thùy dực bất phi); “Phan Húc nhờ vào kinh để phát dương tài, cho nên bài Tích mệnh siêu vượt bạt chúng” (Phan Húc bằng kinh dĩ sính tài, cố tuyệt quần ư Tích mệnh); “Văn tài của Tào Phi tràn trề phong phú, tươi đẹp hoa lệ, bị người xưa đánh giá không đúng mức, cho là thua xa văn của Tào Thực ngàn dặm, còn Tử Kiến tư duy mẫn tiệp, tài hoa siêu việt…” (Ngụy Văn chi tài, dương dương thanh ỷ, cựu đàm ức chi, vị khứ Thực thiên lý, nhiên Tử Kiến tư tiệp nhi tài tuấn…); “Vương Xán thừa tài nhưng mẫn tiệp lại cẩn mật” (Trọng Tuyên dật dài, tiệp nhi năng mật); “Lục Cơ tài hướng về 44 Không rõ năm sinh năm mất, là học giả dưới thời Khang Hy, tác phẩm lý luận có Thuyết thi gian khoái 说诗菅 蒯 (Gồm 1 quyển, 39 thiên) 354
- bên trong thâm sâu, văn từ rộng rãi nhưng chặt chẽ, cho nên tâm tư có thể đi vào chỗ khéo léo nhưng không làm mất đi vẻ hưng thịnh” (Lục Cơ tài dục khuy thâm, từ vụ tác quảng, cố tư năng nhập xảo nhi bất chế phồn); “Trinh Cán là thực tài, chẳng phải là vẻ rực rỡ màu mè của quần hoa vậy” (Trinh Cán chi thực tài, phi quần hoa chi vĩ ngạc dã) (Lưu Hiệp, 2007, tr.508-510). Như vậy, Tài chỉ tài năng, là một phạm trù có nghĩa bao quát. Ở góc độ nguồn gốc, tài năng có tiên thiên và rèn luyện, còn ở góc độ “đại dụng”, được thể hiện trong học vấn và khả năng sáng tác văn chương. 3.2. Học trong mối tương quan giữa học thuật và nghệ thuật Như đã đề cập, phạm trù Học xuất phát từ tư tưởng lý luận văn học của Khổng Tử. Tuy vậy, trước hết ông là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà chính trị và có quan tâm đến văn học. Ông nói về “thi” rằng: “Không học Kinh Thi thì lấy gì để nói” (Bất học thi, vô dĩ ngôn – Quý thị). Ngoài thi thì văn cũng nói đến cái học. Trong thiên Khuyến học劝学, Tuân Tử荀子hoàn thiện yếu chỉ cái học của Nho gia: “Học bắt đầu ở đâu và chấm dứt ở đâu? Đáp: Phương pháp ấy là bắt đầu ở việc đọc kinh điển và chấm dứt ở việc học lễ”, lại nói: “Không thông hiểu nhân luân, không chuyên nhất vào nhân nghĩa, chưa đủ gọi là người học giỏi. Học thì phải chuyên nhất vào một mục tiêu. […] Chỉ khi nào học cho đến nơi đến chốn mới gọi là học. Người quân tử biết rằng khi kiến thức không hoàn toàn và không thuần túy thì chưa đủ xem là đẹp. Cho nên phải tụng kinh điển từng câu để nó trở thành một phần của mình, suy xét để thông suốt nó, thực hành điều đã học và sống đạo đức” (Phùng Hữu Lan, 2006, tr.390). Kẻ sĩ quân tử lập ngôn nhờ tài năng và học vấn. Tiêu Dịch45 chia người có học thành mấy loại là Nho, Học, Bút, Văn. Cụ thể: Nho là loại như trước đây (giỏi kinh sử, hiểu sự lý); Bác thông kinh sử, chư tử nhưng chỉ biết sự mà không biết lý thì gọi là Học; Không giỏi thơ mà chỉ giỏi chương tấu gọi là Bút; Giỏi về ngâm vịnh gọi là Văn. Đến đời Bắc Tề, Nhan Chi Thôi đề xướng khái niệm thiên tài nhằm phân biệt học giả với văn nhân: “Học giả là do con người đủ sức làm nên, còn nếu thiếu thiên tài thì chớ nên múa bút làm văn” (Thành học sĩ, tự túc vi nhân, tất phạp thiên tài vật cường thao bút – Nhan thị gia huấn). Quan điểm này của Nhan Chi Thôi so với quan điểm của các nhà nho tài tử Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 18 có nhiều tương đồng. Bởi họ tách văn chương nghệ thuật ra khỏi học thuật, xem thiên tư hay “anh hoa”/“tài hoa” mới là nền tảng để tạo nên tài năng. Phan Huy Chú潘輝注trong bài tựa Quế Đường thi tập桂堂詩集có viết: “Văn chương của cổ nhân thường chia làm hai lối mà người ta lo rằng ít ai kiêm được cả hai. Người có cái học trước thuật thì phần lớn kém ở lời văn hoa mỹ; trái lại, người có tài ngâm vịnh thơ nói chung lại thiếu sự uyên bác. Có cái tài kiêm được cả hai phương diện ấy thực khó lắm thay […] Nếu không phải là người vừa có đủ cái học uyên bác lại có cả nguồn cảm hứng bay bổng thì dễ đã có mấy ai có thể vừa là nhà trước thuật vừa là nhà thơ được?” (Phan Văn Các – Đặng Đức Siêu, 2000, tr.802). Do vậy, Viên Hoành Đạo袁宏道 – thủ lĩnh phái Công An giai đoạn vãn Minh đã đề ra Thuyết Tính linh nhằm phá bỏ tệ tập cổ, bắt chước cổ nhân của văn chương đương thời. Trước đó, Lý Chí cũng đã nêu ra Thuyết Đồng tâm 45 Tiêu Dịch (508 – 554), tức Lương Nguyên Đế, con trai thứ bảy của Lương Vũ Đế. Trước tác có Kim lâu trư, Lương Nguyên Đế tập. 355
- nhằm phản đối chủ trương “tồn thiên lý, diệt nhân dục” chỉ chú trọng vào kiến văn của Lý học Trình Chu. Điển luận 典论của Tào Phi曹丕cũng nhấn mạnh giá trị của trước tác kế thừa từ Khổng Tử, Tuân Tử sau đó đến Dương Hùng, Vương Sung. Tuy vậy, bên cạnh việc đề cao dạy đạo đức, chính trị và học thuật, ông cũng nhắc đến giá trị của văn chương. Do vậy, “đề cao văn chương nghệ thuật cùng với học thuật là nét mới trong quan niệm văn học thời Kiến An” (Đoàn Lê Giang, 2020, tr.75). Cũng nói thêm rằng thơ ca Kiến An có được phong cốt hùng hồn, cứng cỏi mà mãi đến đời Đường, thi phong mới đạt được vẻ kiện toàn như thế là nhờ vào những đại biểu kiệt xuất của thơ ca thời kỳ này mà ra, cụ thể là phong cách của họ hướng đến biểu đạt chất hiện thực ngồn ngộn thay vì trau chuốt văn từ, dùng điển khô cứng, hoa mỹ. Đến Lưu Hiệp, ông chỉ ra rằng cái đặc sắc của phong cách văn chương được quyết định bởi tài, khí (khí chất), học, tập (tập tính, luyện tập). Tài và khí thuộc về tiên thiên, học và tập là do đào luyện, thuộc về hậu thiên. Trong thiên Thể tính ông viết: “Nhưng tài năng có tài giỏi và kém cỏi, khí chất có cứng cỏi và mềm mại, học vấn có nông cạn và uyên thâm, thói quen có thanh tao và trang trọng, thảy đều do thiên tính cùng tình cảm rèn giũa nên, do bồi dưỡng cùng ảnh hưởng đọng lại, do đó bút lực khác biệt như mây cuốn, văn uyển đổi thay như sóng trào” (Nhiên tài hữu dung tuấn, khí hữu cương nhu, học hữu thiển thâm, tập hữu nhã trịnh, tịnh tình tính sở thước, đào nhiễm sở ngưng, thị dĩ bút khu vân quyệt, văn uyển ba quỷ giả hỹ); “Tài là do thiên tư mỗi người, học cẩn trọng mở ra tập tính” (Phù tài do thiên tư, học thận thủy tập), bởi vì “Tài năng và thể tính khác nhau” (Tài tính dị biệt) nên “noi theo thể tài để xác định cách bồi dưỡng, dựa vào thể tính để rèn luyện tài năng” (Cố nghi mô thể dĩ định tập, nhân tính dĩ luyện tài) (Lưu Hiệp, 2007, tr.334). Ông nhấn mạnh tài, khí nhưng cũng không hề coi thường tác dụng của học tập. Ông nói thêm: “Thành công thì do học tạo nên, tài năng và khí lực vẫn phải có...” (Lưu Hiệp, 2007, tr.335). 3.3. Mối quan hệ giữa Tài và Học Bàn về mối quan hệ giữa Tài và Học, trong thiên Sự loại, Lưu Hiệp viết: “Nói chung gừng và quế đều ở đất mà ra, nhưng cay là do bản tính. Văn chương do học mà có nhưng làm giỏi là ở thiên tư. Cái tài là do từ trong ra, cái học là do từ ngoài đưa vào. Có người học đầy đủ nhưng tài nông cạn; có người tài nhiều nhưng học nghèo nàn. Người học nghèo nàn thì sự nghiệp gay go khó nhọc; người tài kém thì nhọc mệt ở văn từ và tình cảm. Đó là sự phân biệt khác nhau giữa trong và ngoài. Cho nên, chuyện lập ý làm văn là một cuộc mưu tính của tâm và bút, tài làm minh chủ, học làm phụ tá. Minh chủ và phụ tá hợp với đức, văn chương ắt trở thành bá chủ; còn như tài học nông cạn thì dẫu văn chương có đẹp đẽ cũng ít khi thành công”. Để có thể phê bình đạt được công chính và toàn diện, Lưu Hiệp đề xuất cái nhìn “viên chiếu” nhằm tương phản với “thiên hiếu” (thiên lệch về một loại nào). Muốn đạt đến cái nhìn như vậy, cần phải có kiến văn rộng rãi, tức chú trọng việc học tập, đọc nhiều tác phẩm và tình trạng biểu hiện của chúng. Ông nói thêm: “Nói chung phải đàn đến ngàn khúc rồi mới hiểu được âm thanh; phải nhìn một ngàn thanh kiếm rồi mới hiểu được võ khí. Cho nên muốn thấy sáng được toàn bộ tác phẩm thì trước hết phải nhìn rộng…” (Lưu Hiệp, 2007, tr.442). Tuy vậy, điều cần bàn thêm ở đây rằng nói là học, là phải kiến văn quảng bác nhưng mà học gì? Học như thế nào? Hàn Dũ韩愈chủ trương học lấy những tinh hoa trong tư tưởng của thánh hiền xưa. Trong 356
- Đáp Lưu Chính Phu thư, ông nói: “Có người hỏi: ‘Làm văn nên học ai?’ Xin thưa rằng: ‘Nên học ở thánh hiền xưa’. Hỏi: ‘Sách vở của thánh hiền xưa hiện còn từ ngữ bất đồng, nên học cái gì?’ Xin thưa rằng: ‘Học ở ý mà không học ở từ’.” (Dẫn theo Phương Lựu, 2017, tr215). Trong khi đó, Liễu Tông Nguyên柳宗元quan niệm văn là để làm sáng tỏ đạo của mình, ông viết: “Lời nói của thánh nhân là mong muốn làm sáng tỏ đạo. Học giả muốn tìm đạo nên để lại ngôn từ. Ngôn từ truyền ở đời ắt do sách vở. đạo mượn ngôn từ mà sáng tỏ, ngôn từ mượn sách vở mà truyền” (Báo Thôi Âm tú tài thư). Từ đó có thể thấy quan điểm chung giữa hai ông là “văn dĩ minh đạo”, khác với các nhà Tống Nho về sau là “văn dĩ tải đạo”. “Minh đạo thì văn là cái trình bày bộc lộ của đạo. Tải đạo thì văn là công cụ của đạo. Minh đạo thì coi trọng văn, còn tải đạo thì chỉ coi trọng đạo mà thôi” (Đoàn Lê Giang, 2020, tr.171). Đến giai đoạn Tống sơ, các nhà cổ văn nói “đạo là công phu nhất thời” nên bồi bổ đạo để làm văn vì tu dưỡng đạo đức cũng là phương cách để viết văn. Âu Dương Tu欧阳修nói: “Học giả nên học kinh, học kinh trước hết là tìm ý. Ý được thì tâm định. Tâm định thì đạo thuần. đạo thuần thì cái bên trong chất chứa là thực. Bên trong mà thực thì phát ra văn sáng sủa” (Đáp Tổ Trạch chi thư); ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa tài và thức (học thức): “Tài năng và học thức cùng thông tỏ thì sau văn chương biện bác mới sâu sắc, điểm trúng vào cơn bệnh thời thế mà không phải nói suông” (Tài thức kiêm thông, nhiên hậu kỳ văn bác biện nhi thâm thiết, trung vu thời bệnh, nhi bất vi không ngôn – Dữ Hoành hiệu thư luận văn chương thư) (Dẫn theo Phương Lựu, 2017, tr.133). Khi bàn về thơ, trong Thương Lang thi thoại沧浪 诗话, Nghiêm Vũ严羽có nói: “Thơ có nội dung riêng, không liên quan đến sách. Thơ có thú vị riêng, không liên quan đến lý. Nhưng nếu không đọc nhiều sách, không hiểu cho hết lý thì không thể đến cùng cực. Thế nhưng không đắm vào con đường lý, không bỏ mình vào cái rọ ngôn từ là cao vậy” (Dẫn theo Chu Quần, 2008, tr.124). Tương tự, các tác gia Việt Nam rất xem trọng sự hài hoà giữa tài và học. Xem tài năng là thiên bẩm nhưng phải có sự rèn luyện thì việc sáng tác mới trở nên sâu sắc. Trong bài tựa Quần hiền phú tập群賢賦集, Nguyễn Thiên Túng阮天縱có nói: “Làm phú, nếu trong lòng không sẵn vốn kiến thức, không thể viết được” (Phan Văn Các – Đặng Đức Siêu, 2000, tr.693); trong bài tựa cho Tàng Chuyết thi tập, Lê Hữu Kiều黎有喬 (1691 – 1760) có nói: “Người làm thơ được hay như thế, tất phải là người tài hoa và có tình cảm, tư tưởng vượt bậc, suy nghĩ rộng và có học vấn đầy đủ, nghe thấy được nhiều” (Phan Văn Các – Đặng Đức Siêu, 2000, tr.706); Trong Vân đài loại ngữ, mục Bàn về văn chương, Lê Quý Đôn có nói: “Đại để anh hoa phát tiết ra ngoài là do ở trong có chứa nhiều hòa thuận. Cho nên, người có đức tất biết ăn nói; người có hạnh tất có học…”, lại nói: “Văn nhân kiêu căng là do ít học vấn, thiếu tu dưỡng […] Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra; học vấn uyên bác thì viết văn mới hay […] Những người tài cao học rộng thì ý khí thường cao, mắt trông thường xa, không phải người tầm thường theo kịp được” (Phan Văn Các – Đặng Đức Siêu, 2000, tr.718). Quan điểm sau của Nguyễn Văn Siêu trong Thư gửi Ngô Huy Phan như một sự tổng kết về mối quan hệ giữa học thức và văn thơ: “Học vấn mà tìm ở văn chương thì không thể, nhưng không có văn chương lại không đủ để nhìn thấy học vấn” (Phan Văn Các – Đặng Đức Siêu, 2000, tr.818). Bên cạnh đó, văn nhân vì chú trọng sự học nên xảy ra tình trạng nệ cổ, mô phỏng cổ nhân mà thiếu đi sự sáng tạo. Do đó, thơ ca ngoài học vấn, phải là chuyện của phong cách và cá tính. 357
- Viên Mai viết: “Lúc thư nhàn không được có phút nào xa rời cổ nhân nhưng lúc hạ bút thì không có phút nào được có mặt cổ nhân. Lúc thường có cổ nhân để học vấn được sâu sắc, lúc hạ bút vắng cổ nhân thì tâm thần của mình mới xuất hiện được” (Viên Mai, 1999, tr.114). Đương thời, Diệp Tiếp 叶燮cũng có quan điểm tương tự về việc học tập cổ nhân, yêu cầu người làm thơ vừa kế thừa lại vừa cách tân, trước hết là học tập cổ nhân, “đến mức bỏ đi bản lai diện mục của bản thân” (thống khứ kỳ tự dĩ bản lai diện mục), về lâu dài thì “lại có thể quên đi diện mục của cổ nhân” (hựu năng khứ cổ nhân chi diện mục) để “làm nổi bật tự mệnh của bản thân” (trác nhiên tự mệnh) (Diệp Tiếp, 2010, tr10). Trong Bàn về văn thể, Ngô Thì Sĩ có nói: “Kẻ đi học phải bỏ lối tầm chương trích cú mà theo đuổi việc học rộng biết nhiều; bỏ kiểu văn thấp thỏi yếu đuối mà rèn luyện phong cách hùng hồn mạnh mẽ. Như thế, nghiệp học mới có thành tựu lớn và nhân tài cũng xuất hiện đông đảo…” (Phan Văn Các – Đặng Đức Siêu, 2000, tr.746). 3.4. Tài, Đảm, Thức, Lực của Diệp Tiếp và Tài, Học, Thức, Đức của Chương Học Thành đời Thanh Tài, Đảm, Thức, Lực trước hết được đề cập trong Nguyên thi原诗 – được xem là kế tục Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Diệp Tiếp cho rằng sáng tạo nghệ thuật có thể chia làm hai phương diện “tại vật” và “tại ngã”: tại vật có lý, sự, tình còn tại ngã có tài, đảm, thức, lực. Trong đó, tài là tài năng sáng tạo nghệ thuật; đảm là dũng khí sáng tạo một cách tự do; thức là kiến thức và trí thức; lực là năng lực sinh mệnh của sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật. Ông đề xuất: “có thể đem tài, đảm, trí, lực của tại ngã để phản ánh cái lý, sự, tình tại vật thì tự nhiên thành pháp, thơ cũng có thể hoàn bị” (Diệp Tiếp, 2010, tr.24). Về mối quan hệ giữa bốn điều trên, ông nói: “Đại phàm người không có tài thì tâm tư chẳng thành; không có đảm thì bút mực rụt rè; không có thức thì không biết cách giữ buông; không có lực thì không thể tự thành một tác gia” (Đại phàm nhân vô tài, tắc tâm tư bất xuất; vô đảm, tắc bút mặc úy súc; vô thức, tắc bất năng thủ xả; vô lực, tắc bất năng tự thành nhất gia – Nội biên hạ (Diệp Tiếp, 2010, tr.21). Trong đó, thức là yêu cầu tiên quyết, ông nói: Phải có thức trước rồi mới đến tài, thức là bản thể còn tài là chỗ dùng […] Chỉ có thức mới biết phân rõ đúng sai; thị phi rõ rồi thì quyết định được buông hay giữ. Chẳng những không bị thế nhân ảnh hưởng thì cũng không còn bắt chước cổ nhân. Thức sáng thì dũng khí dài lâu, mặc ý tản ra mà không có rụt rè, nói ngang nói dọc, trái phải cùng nhau, hòa hợp với tạo hóa ở bàn tay […] Vả lại người không có thức thì dù cả ngày coi trọng học hành thì cũng vô ích, tục ngữ gọi là “lưỡng cước thư trù” (ý chỉ đọc sách nhiều nhưng không giỏi ứng dụng). (Diệp Tiếp, 2010, tr21). Tiếp đó là đảm: “Xưa có người nói: thành sự tại đảm. Văn chương từ ngàn xưa, nếu không có đảm thì sao thành thiên cổ? Cho nên: không có dũng khí thì bút mực dè dặt. Dũng khí bị gạt bỏ thì tài làm sao được hiển bày? Chỉ duy có đảm mới có thể sinh tài” (Tích hiền hữu ngôn: thành sự tại đảm. Văn chương thiên cổ sự, cẩu vô đảm, hà dĩ năng thiên cổ hồ? Ngô cố viết: “Vô đảm tắc bút mặc úy súc. Đảm ký truất hỹ, tài hà do nhi đắc thân hồ? Duy đảm năng sinh tài”) (Diệp Tiếp, 2010, tr23). Cuối cùng là bàn đến lực: Như là cái tài, tất phải có lực để chuyên chở nó. Chỉ khi nào lực vững mạnh thì tài mới kiên cố, cho nên khi đạt đến kiên cố rồi thì không thể đốn ngã […] Cho nên ta mới nói: người 358
- lập ngôn không có lực thì không thể tự mình thành một tác gia […] Người ta mỗi người đều tự có nhà, do chính mình làm nên, chẳng nhẽ lại tưởng tượng nhà của người khác là của mình rồi cho đó là nhà mình hay sao! Chính vì không thể tự mình tìm thấy trân bảo trong nhà mình nên mới nhòm ngó đồ nhà người ta thành của mình, khiến cho ngọc có giá trị liên thành cuối cùng là bảo bối nhà người khác, không thể là bảo bối trong nhà mình…Cho nên bản thân vốn tự có lực thì lực ngày càng đầy đủ, càng sâu rộng để thành một tác gia, không có cái lực sao có thể đạt được. (Diệp Tiếp, 2010, tr24-5). Ông cho rằng: “Gọi là tài, gọi là đảm, gọi là thức, gọi là lực, bốn điều này là thần minh của cái tâm vô tận” (Viết tài, viết đảm, viết thức, viết lực, thử tứ ngôn giả sở dĩ cùng tận thử tâm chi thần minh) và kết luận về mối quan hệ giữa bốn điều này như sau: Bên trong có được thức thì hiển bày ra bên ngoài thành tài, chỉ có đảm mới khiến tài được lâu dài, chỉ có lực mới gánh vác được nó […] Tài, đảm, thức, lực bốn điều này có mối tương giao ngang bằng. Nếu như thiếu khuyết một điều nào thì không thể dấn thân vào văn đàn. Trong bốn điều này, quan trọng nhất nằm ở thức: nếu không có thức thì ba điều còn lại không thể được hiển lộ. Không có thức mà có đảm thì lỗ mãng, vô tri, phát ngôn thường bỏ lý, phản đạo. Không có thức mà có tài tuy nghị luận có thể tung hoành nhưng tâm tư bị phí hoài, chất chứa thị phi tạp loạn, điên đảo trắng đen, ngược lại còn bị tài làm cho suy kiệt. Không có thức mà có lực thì bất chính, văn từ viển vông, hư vọng, khiến mê người hoặc thế, nguy hại vô cùng. Nếu để kiểu người này dong ruổi trên văn đàn thì sẽ thành tội nhân của phong nhã. Duy chỉ có thức mới khiến người ta biết tùy thuận, biết phấn chấn, biết kiên quyết, mà sau đó tài cùng đảm, lực đều chắc chắn thuận thành” (Diệp Tiếp, 2010, tr25) Nhìn chung quan điểm của Diệp Tiếp vẫn nhấn mạnh đến học vấn, người học thơ trước hết phải theo sự ở chỗ cách vật mà lấy thức để làm đầy cái tài, thì chất có đủ còn căn cốt thì vững vàng. Đồng thời, ông coi trọng tự nhiên mà coi thường nhân công bởi vì “cái lý của tự nhiên bất luận là khéo hay vụng thì tùy nơi mà có, không sửa chữa, cũng không đẽo gọt” (tự nhiên chi lý bất luận công chuyết, tùy tại nhi hữu, bất phủ bất tạc) (Diệp Tiếp, 2010, tr11). Vì thế, việc học tập phải là đạt rồi mới trở nên thanh thuần như tự nhiên. Bên cạnh đó, Chương Học Thành章学诚) đời Thanh, trong Văn sử thông nghĩa 文史通 义chủ trương Tài, Học, Thức, Đức trong khi luận biện về Nghĩa lý, Bác học và Văn chương. Mặc dù dựa trên căn cứ là sử nhưng cũng cho rằng văn ý nghĩa nhất định trong việc biểu đạt ngôn từ của sử. Chương Học Thành phát triển quan điểm về lý luận sử học của Lưu Tri Cơ 刘 知几đời Đường. Ông nhấn mạnh ngoài tài, học, thức ra còn có sử đức. Họ Lưu cho rằng sử quý ở ý nghĩa, mà thuật lại sự việc, mà cũng nương nhờ ở văn. Do vậy, cả ba điều nghĩa, sự, văn đều gọi là sử học: nghĩa chỉ quan điểm lịch sử; sự chỉ sự thực lịch sử, còn văn là biểu đạt của văn bút. Ông cho rằng trong ba điều này thì nghĩa là đứng đầu, còn sự và văn chỉ là căn cứ và kỹ thuật mà thôi. Ông còn nhận thấy rằng sử thức cũng biết đến như sử đức, tức là chú trọng tâm thuật của những người viết sách vậy. Liên quan đến vấn đề này, Viên Mai cũng có nói: “Làm sách sử phải có ba điều sở trường là tài, học và thức, thiếu một điều cũng không được. Tôi cho rằng làm thơ cũng phải như thế, mà thức là cần trước nhất, không có thức thì tài và học đều bị dùng sai” (Tác sử tam trường: tài, học, thức, khuyết nhất bất khả. Dư vị thi diệc như chi, nhi thức tối vi tiên; phi thức, tắc tài dữ học câu ngộ dụng hỹ) (Viên Mai, 1999, tr.42). 359
- 4. KẾT LUẬN Từ những quan điểm trên của Diệp Tiếp và Chương Học Thành, cho thấy về mặt thuật ngữ, học được xem là sự thu nhận từ bên ngoài còn thức là kết quả của sự lĩnh hội ấy. Tài là khả năng để thực hiện sự học hỏi, đảm (dũng khí) là tinh thần của học hỏi và lực là yếu tố xác định sự học có đi xa được hay không, có được cái kiêm như Phan Huy Chú nói là học thuật và nghệ thuật hay không. Như vậy, so với các đời trước chú trọng và Tài và Học, bắt đầu là coi trọng học vấn khởi đi từ Nho gia (ở góc độ triết học), sau đến là bổ sung tài lược nhằm nhấn mạnh năng lực sáng tạo văn học (ở góc độ nghệ thuật) thì từ sau phong trào giải phóng cá tính và quay về tự ngã của văn nhân cuối đời Minh, sang đời Thanh, trong bối cảnh văn chương đô thị lên ngôi, vấn đề tài và học lại được bổ sung và miêu tả chi tiết hơn, nhấn mạnh đến đảm (dũng khí) và lực (khí lực, sự kiên trì) nhằm hoàn thiện phẩm chất của nhân sĩ đối với trách nhiệm thế sự và trách nhiệm văn chương. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Văn Các – Đặng Đức Siêu (chủ biên, 2000). Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 16. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. 2. Đoàn Lê Giang (chủ biên, 2020). Tư tưởng lý luận văn học cổ điển Trung Quốc. TP.HCM: NXB ĐHQG TP.HCM. 3. Lưu Hiệp (2007). Văn tâm điêu long. Trần Thanh Đạm – Phạm Thị Hảo dịch. TP.HCM: NXB Văn học. 4. Phùng Hữu Lan (2006). Lịch sử triết học Trung Quốc, Tập I: Thời đại Tử học. Lê Anh Minh dịch. TP.HCM: NXB Khoa học Xã hội. 5. Phương Lựu (chủ biên, 2017). Thi học cổ điển Trung Hoa. Học phái, Phạm trù, Mệnh đề. Hà Nội: NXB Đại học Sư phạm 6. Viên Mai (1999). Tùy Viên thi thoại. Nguyễn Đức Vân dịch. Hà Nội: NXB Giáo dục. 7. Nguyễn Đình Phức – Lê Quang Trường (2009). Thi phẩm tập bình. TP.HCM: NXB Văn nghệ. 8. Chu Quần (1999). Trung Quốc tư tưởng gia bình truyện tùng thư. Nam Kinh: Nam Kinh đại học xuất bản xã. 周群 (1999). 中国思想家评传丛书. 南京:南京大学出版社 9. Vương Sung (1986). Luận hành. Chư tử tập thành, Quyển 7. Thượng Hải: Thượng Hải thư điếm.王 充 (1986).论衡. 诸子集成: 第七卷. 上海:上海书店. 10. Diệp Tiếp (2010). Nguyên thi. Tôn Chi Mai, Chu Phương bình chú. Nam Kinh: Phượng Hoàng xuất bản xã. 叶燮箸 (2010). 原诗. 孙之梅, 周芳批注. 南京: 凤凰出版社 11. Khổng Tử (2019). Luận ngữ chú giải. Dương Bá Tuấn chú giải, Ngô Trần Trung Nghĩa dịch. NXB Văn học. 12. Khổng Tử (2002). Xuân Thu tam truyện, tập 4. Hoàng Khôi dịch. TP.HCM: NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 360
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Mối quan hệ biện chứng vật chất, ý thức. Ý nghĩa mối quan hệ trên đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn
5 p | 1281 | 336
-
Các mối quan hệ trong triết học Mác Lê nin
16 p | 1448 | 292
-
Vận dụng cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả để phân tích nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội Việt Nam trước thời kỳ đổi mới
22 p | 1203 | 273
-
Triết học phương Đông hệ thống phạm trù lý học
618 p | 512 | 259
-
Hệ thống phạm trù triết học Phương Đông part 1
110 p | 315 | 117
-
TIỂU LUẬN:PHÂN TÍCH CÁC PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC
10 p | 557 | 49
-
Tìm hiểu về phạm trù Qui luật trong lịch sử triết học phương Tây: Phần 1
73 p | 161 | 43
-
Tìm hiểu hệ thống phạm trù lý học - Triết học phương Đông: Phần 1
618 p | 172 | 41
-
Tâm lý học trong phương pháp luận và hệ phương pháp nghiên cứu: Phần 1
94 p | 258 | 38
-
Tìm hiểu về phạm trù Qui luật trong lịch sử triết học phương Tây: Phần 2
70 p | 136 | 36
-
Triết học phương Đông - Tâm : Phần 1
363 p | 128 | 27
-
Quan điểm của Arixtốt với học thuyết phạm trù: Phần 2
71 p | 80 | 13
-
Một số phạm trù tình thái chủ yếu trong ngôn ngữ - PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp
0 p | 131 | 11
-
Bài giảng Cơ sở Khảo cổ học - Bài: Các phương pháp nghiên cứu khảo cổ học trong phòng
37 p | 131 | 10
-
Đánh giá tình trạng dinh dưỡng sinh viên nội trú Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh
9 p | 80 | 5
-
Phạm trù "Tâm" trong Phật giáo với đời sống đạo đức của người Việt Nam hiện nay
5 p | 66 | 4
-
Số hóa trong công tác quản lý sinh viên ngoại trú tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng
10 p | 13 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn