Phát triển kinh tế số - bài học kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới và hàm ý đối với Việt Nam
lượt xem 4
download
Bài viết này bàn về khái niệm “Digital Economy”, điểm lại những nét chính cùng một số phân tích về tình hình phát triển kinh tế số của Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phát triển kinh tế số - bài học kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới và hàm ý đối với Việt Nam
- 34 PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ - BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ HÀM Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ThS. Phạm Văn Minh Viện CNTT&Kinh tế số - ĐH Kinh tế Quốc dân TÓM TẮT Phát triển kinh tế số được coi là “xương sống” và trở thành xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để phát triển kinh tế số thành công, các quốc gia cần có chiến lược và lộ trình rõ ràng. Riêng đối với Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều vấn đề từ hành lang pháp lý, hạ tầng công nghệ đến nguồn nhân lực phát triển kinh tế số… Trên thế giới, nhiều nước đã phát triển kinh tế số thành công và thực sự có thể đem đến nhiều kinh nghiệm hữu ích giúp Việt Nam nhìn nhận và rút ra những bài học kinh nghiệm hướng đến phát triển nền kinh tế số linh hoạt và hiệu quả, qua đó giúp tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này bàn về khái niệm “Digital Economy”, điểm lại những nét chính cùng một số phân tích về tình hình phát triển kinh tế số của Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Từ khóa: kinh tế số, phát triển kinh tế số, bài học kinh nghiệm 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Kinh tế số đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Bởi, phát triển kinh tế số mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể thu hẹp khoảng cách với các nước giàu và nó cũng giúp các nước giàu phát triển càng nhanh và bỏ càng xa các nước khác. Việt Nam cũng đang bị cuốn vào dòng chảy đó, cụ thể, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu: kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2030 chiếm trên 30% GDP. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần khắc phục những điểm yếu nội tại trong nền kinh tế như: trình độ kinh tế thấp; thể chế, pháp lý chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và chưa theo kịp sự chuyển đổi của các mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) yếu; vấn đề an ninh, an toàn và bảo mật trên không gian mạng chưa đảm bảo. Tuy vậy, Việt Nam cũng có một số lợi thế chủ quan như: chính trị ổn định; tiềm năng nhân sự phù hợp với việc tiếp thu và phát triển các công nghệ số; có khả năng thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới. Một lợi thế khách quan nữa đó là Việt nam nằm khu vực có các nền kinh tế số phát triển thuộc diện nhanh nhất thế giới. Do vậy, Việt Nam cần có chiến lược chuyển đổi các lợi thế trên đây thành động lực tăng tốc phát triển kinh tế số.
- 35 Xây dựng và thực hiện một chiến lược quốc gia kinh tế số phù hợp nhất với Việt Nam theo từng giai đoạn là sự thể hiện rõ ràng nhất quyết tâm phát triển nền kinh tế số. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT Trong phần này, tác giả trình bày về các khái niệm nền kinh tế số mà các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học và ứng dụng đã đưa ra, sau đó đưa ra quan điểm của tác giả bài viết về khái niệm nền kinh tế số, đồng thời trình bày về đặc điểm và các thành phần tham gia vào nền kinh tế số. 2.1. Nền kinh tế số Khái niệm Digital Economy trên thế giới đã xuất hiện khá lâu nhưng cho đến nay nó vẫn là một khái niệm khó định nghĩa và đo lường cụ thể. Nhiều tổ chức trên thế giới, theo thời gian, đưa ra những khái niệm khác nhau về phạm vi và quy mô, đôi khi cũng được gọi là kinh tế Internet (Internet Economy), kinh tế mới (New Economy), kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) hoặc kinh tế mạng (Web Economy). Từ năm 1996, Tapscott đã đưa ra khái niệm “Digital Economy” nhưng không định nghĩa trực tiếp mà gọi nó là “Thời đại của mạng lưới tri thức - Age of Networked Intelligence”. Tác giả muốn nói đến nó “không chỉ về mạng của công nghệ, máy móc thông minh mà còn về mạng lưới con người thông qua công nghệ kết hợp trí thông minh, kiến thức và sự sáng tạo để tạo ra những bước đột phá hình thành của cải và phát triển xã hội ” (Tapscott, 1996). Nghị viện Châu Âu (2015) định nghĩa “Digital Economy” là một “cấu trúc phức hợp - complex structure” gồm nhiều cấp độ/lớp được kết nối với nhau bằng số lượng nút gần như vô tận và luôn tăng lên (European Parliament, 2015). Elmasry và cộng sự (2016) thì coi “Digital Economy” là một khái niệm ít hơn mà nó là một cách thức hoạt động thì đúng hơn (Elmasry, T. et al., 2016). Gần đây, hầu hết các định nghĩa đều là các biến thể đơn giản và dễ hiểu của “nền kinh tế dựa trên công nghệ kỹ thuật số” (EC, 2013), đa phần tập trung đặc biệt vào Internet; phản ánh sự xuất hiện của nó như một công nghệ chủ đạo. Các định nghĩa sau này bổ sung các công nghệ mới nổi như blockchain, mạng di động và mạng cảm biến (Rouse, 2016), điện toán đám mây và dữ liệu lớn (Dahlman et al, 2016). Hoặc họ chọn khái niệm chung chung hơn về “công nghệ kỹ thuật số” theo các định nghĩa đơn giản (OUP, 2017). Dựa vào các khái niệm trên, bài viết này định nghĩa kinh tế số là “một phần của nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ thông tin với mô hình kinh doanh mới, ở đó hàng hóa, dịch vụ được số hóa”. Định nghĩa này có một ranh giới mờ nhưng nó cũng đủ linh hoạt để kết hợp đổi mới mô hình kinh doanh số và kỹ thuật số theo thời gian. Hình 1, tác giả mô phỏng tóm tắt nền kinh tế số xét trên góc độ phạm vi hoạt động của nó.
- 36 Cốt lõi của kinh tế số là lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) như phần cứng, phần mềm, mạng máy tính, viễn thông và các thiết bị xử lý đa phương tiện. Theo nghĩa hẹp, kinh tế số chỉ bao gồm kinh tế nền tảng và các dịch vụ số. Kinh tế nền tảng là phần lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) như: sản xuất thiết bị CNTT&TT và thiết bị bán dẫn; các dịch vụ viễn thông và truy cập Internet; xử lý dữ liệu và các dịch vụ thông tin khác; phát triển phầm mềm (Bộ KH&CN, 2019). Hình 1 – Định nghĩa nền kinh tế số theo phạm vi Nguồn: Rumana Bukht, Richard Heeks (2018) Theo nghĩa rộng, kinh tế số bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ như: nền tảng trực tuyến; kinh tế chia sẻ; gọi vốn cộng đồng; thương mại điện tử (TMĐT); nông nghiệp 4.0; du lịch điện tử… và cả chính phủ điện tử…(Bộ KH&CN, 2019). Ở Việt Nam, khái niệm "kinh tế số" ở vẫn còn nhiều tranh cãi và cần được xác định lại. Theo ông Nguyễn Trung Chính, Phó chủ tịch VINASA kiêm Chủ tịch CMC, “kinh tế số” được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, “kinh tế số” là một phần của nền kinh tế trong đó
- 37 bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. Nền kinh tế số là kết quả của sự phát triển các công nghệ số mới có tác động chuyển đổi vượt ra ngoài lĩnh vực CNTT&TT tới tất cả các lĩnh vực khác. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Tham gia nền kinh tế số sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bởi vì, tham gia vào nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ phải đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh từ mô hình truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng... Qua việc sử dụng công nghệ, các thông tin về sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người sử dụng sẽ được dùng để điều chỉnh sản phẩm dịch vụ sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber, AirBnb... 2.2. Đặc điểm của nền kinh tế số Như định nghĩa ở trên, kinh tế số dựa “trên nền tảng công nghệ thông tin với mô hình kinh doanh mới, ở đó hàng hóa dịch vụ được số hóa”. Vậy đặc điểm đầu tiên của nền kinh tế số phải kể đến dữ liệu-thông tin. Dữ liệu chính là nguồn tài nguyên giá trị trong nền kinh tế số: Sự phát triển của các công nghệ số cho phép việc thu thập dữ liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ điện thoại thông minh cho đến hàng triệu thiết bị cảm biến trong các nhà máy, phương tiện giao thông và ngay trong mỗi cá nhân. Những luồng dữ liệu lớn này, cùng với khả năng phân tích dữ liệu lớn, có thể tạo ra giá trị trong tất cả các hoạt động của cá nhân và cộng đồng. Thứ hai, mô hình kinh doanh mới: Các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số cho phép nhiều nhóm người tương tác với nhau, qua đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cả mạng lưới và nâng cao hiệu quả nhờ giảm chi phí giao dịch. Và đặc điểm cuối cùng là người tiêu dùng: Công nghệ số đưa người tiêu dùng vào vị trí trung tâm. Khả năng truyền thông và chia sẻ ý kiến, đánh giá với những người khác không chỉ làm thay đổi trải nghiệm mua sắm của khách hàng mà đồng thời cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín doanh nghiệp. Internet khiến người tiêu dùng trở nên quyền năng hơn bởi họ có thể tự do đưa ra ý kiến và chia sẻ chúng. 2.3. Các thành phần tham gia vào nền kinh tế số Thành phần đầu tiên tham gia vào nền kinh tế số đó chính là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đầu tư vào nghiên cứu phát triển các công nghệ số; ứng dụng các sản phẩm và dịch vụ số vào các hoạt động của doanh nghiệp; sử dụng các mô hình kinh doanh mới để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa và tích hợp chúng với nhau. Thành phần thứ hai là người tiêu dùng. Người tiêu dùng tiêu dùng các sản phẩm và
- 38 dịch vụ đồng thời cũng là chủ sở hữu và người sáng tạo nội dung số, người tham gia tích cực giúp hệ thống mạng ngang hàng hoạt động hiệu quả, đồng thời cũng là người cung cấp lao động cho thị trường nền kinh tế số. Thứ ba, đối tượng thực hiện đổi mới, sáng tạo. Đó là các trường đại học, trung tâm đổi mới, sáng tạo công ty khởi nghiệp, các cá nhân tạo ra các đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế số; đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đổi mới sáng tạo. Và cuối cùng là các nhà hoạch định, ảnh hưởng chính sách: Chính phủ, hiệp hội, nghiệp đoàn, tổ chức phi chính phủ. Nhóm này phát triển và điều tiết nền kinh tế số; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp; thu thập dữ liệu; cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng; tăng cường quản lý rủi ro và đảm bảo an ninh mạng; cải thiện cơ sở hạ tầng hỗ trợ. 3. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ TỪ MỘT SỐ NƯỚC Trong phần này tác giả đúc kết kinh nghiệm phát triển kinh tế số từ ba nước có nền kinh tế số phát triển ở khu vực Châu Á, đó là: Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. 3.1. Kinh nghiệm của Singapore Singapore được coi là “Quốc gia thông minh”. Mô hình quốc gia thông minh của Singapore hướng tới: (i) môi trường sống xanh - sạch - an toàn; (ii) người dân có nhiều lựa chọn phương tiện đi lại, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ công thuận tiện và có nhiều cơ hội sống tốt hơn. Để đạt được thành tựu này, Singapore đã thực hiện như sau: Thứ nhất, Chính phủ Singapore luôn nỗ lực phát triển nền kinh tế số. Từ năm 2014, Thủ tướng Singapore đã phát động sáng kiến “Quốc gia thông minh” và thành lập văn phòng Chương trình quốc gia thông minh để điều phối các hoạt động với mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới và là hình mẫu cho các nước khác. Nền tảng quốc gia thông minh của Singapore được thiết lập tập trung vào 3 chủ thể quan trọng: người dân, chính phủ và doanh nghiệp, với mục tiêu then chốt là “bất cứ ai cũng được tiếp cận công nghệ số trong các lĩnh vực: giao thông, nhà ở, môi trường, kinh doanh, y tế và các dịch vụ công”. Chính phủ còn khuyến khích đưa các ý tưởng, sáng kiến vào thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. CNTT được Chính phủ Singapore xác nhận là cốt lõi để thực hiện mục tiêu Quốc gia thông minh. Mỗi năm Chính phủ đầu tư 1%GDP cho việc nghiên cứu và phát triển CNTT, vì thế CNTT đã trở thành một phần của cuộc sống tại Singapore với 75% hộ gia đình có ít nhất một máy tính, trên 50% có kết nối Internet băng thông rộng, CNTT cung cấp 172000 việc làm và đóng góp tới 6,5% vào GDP với . Thứ hai, Singapore luôn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng số. Singapore đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng số hóa, qua đó thúc đẩy tăng cường năng lực và mở rộng ứng dụng số hóa trong các hộ gia đình và doanh nghiệp. Từ năm 2012,
- 39 Singapore đã phát triển mạng 4G, đến năm 2016 đã tăng tốc độ kết nối Internet trung bình từ 5,4 megabit mỗi giây (Mbps) lên 20 Mbps. Hiện nay, Singapore đang trong quá trình chuẩn bị để triển khai mạng 5G trên toàn quốc sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý và đấu giá giấy phép. Cơ quan Phát triển Thông tin - Truyền thông Singapore (IMDA) đã dành 40 triệu SGD để nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy ứng dụng 5G. Theo Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin S. Iswaran, Singapore đặt mục tiêu phủ sóng 5G ít nhất 50% diện tích nước vào cuối năm 2022 và trên cả nước vào năm 2025. Singapore luôn nằm trong nhóm đầu các quốc gia có tốc độ kết nối Internet nhanh nhất thế giới, một phần nhờ liên tục đầu tư cải thiện hạ tầng mạng. Tổng lượng đăng kí băng thông rộng cáp quang cứ sau 5 năm lại tăng gấp đôi. Tốc độ Internet nhanh hơn thúc đẩy các hộ gia đình Singapore chuyển dần nhiều hoạt động của mình vào không gian kỹ thuật số như đặt xe công nghệ, mua sắm trực tuyến và các giao dịch tài chính trực tuyến. Các doanh nghiệp cũng đầu tư nhằm tăng cường năng lực số ngày càng nhiều. Hàng năm, tổng chi vốn cho các tài sản số cố định tăng trung bình 7,1%. Theo đó, các doanh nghiệp cũng tăng cường sử dụng các công cụ số trong các hoạt động kinh doanh thường nhật, tăng cường áp dụng thanh toán điện tử và các dịch vụ di dộng trong kinh doanh. Ngoài những xu hướng nổi bật trên, mức độ ứng dụng các loại công cụ và năng lực kỹ thuật số như dịch vụ điện toán đám mây, các nhà máy thông minh,… cũng tăng nhanh. Thứ ba, Singapore đã đẩy mạnh thanh toán điện tử (TTĐT) và đã trở thành thị trường thanh toán điện tử phát triển mạnh nhất trong các nước ASEAN, với tỷ lệ dân số sử dụng Internet khoảng 80% và năm 2015, chỉ số TTĐT của nước này ở khoảng 56%-57%. Singapore là nước nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới với số người sử dụng ví điện tử (VĐT) đã tăng gấp đôi trong năm 2015 và chiếm tới 23% trong tổng dân số của nước này, hay chiếm hơn 41% trong tổng số người mua sắm trực tuyến Singapore là một trong những nước áp dụng TTĐT đầu tiên trên thế giới. Các hoạt động TTĐT phát triển với tốc độ khá nhanh. Chủ trương để biến Singapore thành một xã hội không tiền mặt đã được Chính phủ thực hiện bằng cách đơn giản hóa và hợp nhất các hệ thống thanh toán khác nhau. Để đẩy nhanh lộ trình, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore đã triển khai sáng kiến với 2.000 hệ thống POS (các máy chấp nhận thanh toán thẻ để khách hàng quẹt thẻ) thanh toán đồng nhất tại hơn 650 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Những POS này hỗ trợ nhiều lựa chọn thanh toán khác nhau, trong đó có cả dịch vụ thanh toán Samsung Pay và Apple Pay. Thêm nữa, chính phủ Singapore đang lập kế hoạch phát triển một hệ thống thanh toán nhanh, sử dụng một mã QR chung (một dạng mã có thể được quét bằng điện thoại thông minh) để thực hiện TTĐT trên toàn quốc. Mã QR cung cấp một giải pháp thay thế rẻ hơn và ít cơ sở hạ tầng hơn so với các chương trình thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Do vậy, hiện nay mã QR ngày càng được sử dụng nhiều trong TTĐT, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
- 40 Hưởng ứng chủ trương thúc đẩy TTĐT của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều sáng kiến đổi mới. Công ty công nghệ Razer đề xuất sáng kiến thanh toán điện tử thống nhất (unified e-payment). Giải pháp được đưa ra là sử dụng RazerPay, một loại hình ví điện tử dựa trên công nghệ đám mây, có thể triển khai thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, từ một thẻ VSF (Stored Value Facilities - phương tiện lưu trữ giá trị) đến một ứng dụng ví di động, một con chíp hoặc nhiều hình thức khác nữa. Hãng thanh toán Nets cũng công bố kế hoạch triển khai ví di động NetsPay, có thể số hóa thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ ATM của sáu ngân hàng, giúp giảm thiểu rắc rối cho người dùng do nhu cầu tải xuống nhiều ứng dụng di động. Thứ tư, Singapore chú trọng phát triển ngành CNTT&TT làm động lực nền tảng cho phát triển nền kinh tế số. Sự gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số giữa các cá nhân và các doanh nghiệp đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành CNTT&TT trong những năm gần đây. Từ năm 2011 đến năm 2015, giá trị gia tăng danh nghĩa của ngành CNTT&TT tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,2% hàng năm, nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,2% của toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng việc làm trong lĩnh vực CNTT&TT trong cùng giai đoạn đạt 2,5% mỗi năm, tuy có chậm hơn mức tăng trưởng việc làm chung của nền kinh tế (3,2%/năm). Theo đó, năng suất của ngành CNTT&TT tính bằng giá trị gia tăng trên một công nhân tăng tới hơn 4,6%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng năng suất chung của nền kinh tế (0,6%/năm) trong giai đoạn 2011-2015. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT&TT đã nâng mức đóng góp của ngành cho nền kinh tế tăng từ 7,4% trong GDP danh nghĩa năm 2011 lên 8,3% năm 2015. VA danh nghĩa của ngành đạt 32 tỷ USD trong năm 2015, trong đó ba phân ngành chiếm phần lớn giá trị gia tăng danh nghĩa bao gồm phần cứng chiếm 40%, viễn thông 16% và dịch vụ CNTT chiếm 15%. 3.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc Hàn Quốc nhờ phát triển nền kinh tế số nên năm 2020 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới. Những kinh nghiệm phát triển kinh tế số của Hàn Quốc như sau: Thứ nhất, Chính phủ Hàn Quốc ra chính sách phổ cập Internet. Theo kết quả khảo sát của Bộ Khoa học, CNTT&TT Hàn Quốc thì tỷ lệ dân số Hàn Quốc sử dụng Internet năm 2016 đạt 88,3%, tăng 3,2% so với năm 2015, tỷ lệ số hộ gia đình Hàn Quốc kết nối mạng Internet đạt 99,2%. Đặc biệt, số người cao tuổi sử dụng Internet tăng mạnh, cứ hai người trên 60 tuổi lại có một người dùng Internet. Tỷ lệ sử dụng Internet ở lứa tuổi từ 10 tới 40 tuổi đạt mức tuyệt đối 100%. Thời gian sử dụng Internet bình quân là 14,3 giờ/tuần, tăng 0,6 giờ so với năm 2015. Tần suất sử dụng Internet nhiều hơn một lần/tuần đạt 98,9%. Tỷ lệ số hộ gia đình Hàn Quốc kết nối mạng Internet đạt 99,2%, đứng đầu trong số 175 quốc gia thuộc Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) (Viện NC QLKT TW, 2019).
- 41 Theo tổ chức nghiên cứu Internet Akamai, Hàn Quốc hiện là quốc gia có tốc độ kết nối Internet nhanh nhất thế giới, vượt trên cả Nhật Bản và Mỹ. Thành công trong việc phổ cập Internet tốc độ cao ở Hàn Quốc được gắn với 5 yếu tố chính gắn kết với nhau bao gồm: (i) Quy hoạch của Chính phủ; (ii) tạo dựng cạnh tranh lành mạnh; (iii) mật độ dân cư đô thị; (iv) tăng trưởng của khu vực tư nhân; và (v) đặc điểm văn hóa. Thứ hai, Chính sách phát triển TMĐT. TMĐT đã được áp dụng mạnh mẽ tại Hàn Quốc, chiếm trên 40% tất cả các giao dịch thương mại năm 2015, trong đó, giao dịch B2B chiếm hơn 90% và giao dịch B2G chiếm gần 6%. Ngân hàng điện tử (E-banking) được giới thiệu tại Hàn Quốc vào năm 1999. Để khuyến khích khách hàng đăng ký Internet banking, các ngân hàng tăng thêm 0,1-0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động và giảng 0,5 điểm phần trăm chiết khấu trên lãi suất cho vay. Mức độ sử dụng bình quân cho ngân hàng Internet là 4,9 lần mỗi tháng. Hầu hết người dùng Internet banking thông qua máy tính (96,2%), trong khi 9,2% sử dụng điện thoại di động. Để tăng cường an ninh trong TMĐT, Chính phủ cũng đã phát triển các quy định liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân và hướng dẫn khu vực tư nhân sử dụng công nghệ mã hóa. Thêm nữa, vào năm 2000, khoảng 15 tổ chức liên quan đến TMĐT đã đưa vào vận hành Diễn đàn TMĐT Tích hợp nhằm thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong nước và quốc tế các nền tảng TMĐT. Thứ ba, về hành lang pháp lý, Chính phủ Hàn Quốc đã quy định cho phép sử dụng chữ ký trực tuyến trong TMĐT với đầy đủ tư cách pháp lý như chữ ký tươi trên văn bản giấy tờ. Quy định cho phép chữ ký điện tử được sử dụng làm bằng chứng trong các vấn đề pháp lý đã được ban hành từ năm 1999. Năm 2003, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) đã quyết định áp dụng tiêu chuẩn thống nhất về xác định nội dung kỹ thuật số trong nỗ lực nhằm thúc đẩy TMĐT và phát huy tối đa cơ sở hạ tầng băng thông rộng của Hàn Quốc. Theo đó, MIC dự kiến sẽ đưa ra áp dụng tiêu chuẩn chung của quốc gia để để phân loại nội dung kỹ thuật số - đây là bước đi cần thiết để đẩy nhanh tiến độ mua, bán và sử dụng các nội dung dựa trên nền tảng Internet. Tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng trước hết cho nội dung kỹ thuật số trong khu vực công, và một ủy ban liên chính phủ sẽ được thành lập để hỗ trợ các giao dịch liên quan đến các nội dung kỹ thuật số. Tháng 10 năm 2014 Hàn Quốc loại bỏ yêu cầu bắt buộc các dịch vụ ngân hàng và mua sắm trực tuyến phải sử dụng phần mềm mã hóa dữ liệu của Microsoft (được gọi là Active X) để kiểm tra định danh trong các giao dịch. Động thái này được coi là tích cực, cho phép sử dụng các phần mềm khác nhau cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và mua sắm, qua đó thúc đẩy cạnh tranh và bắt kịp với tiến bộ công nghệ.
- 42 Thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc luôn nỗ lực trong việc xây dựng điện tử. Từ cuối những năm 1980 Chính phủ đã thực hiện dự án Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia (NBIS), trong đó tập trung vào việc triển khai các ứng dụng CNTT trên toàn quốc. Năm 1994, Bộ Giao thông đã được tổ chức lại thành Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC). Năm 1995, Hàn Quốc ban hành luật Khung về thúc đẩy thông tin hóa và năm 1996 ban hành Kế hoạch tổng thể Quốc gia về thúc đẩy thông tin hóa lần thứ nhất. Năm 1999, Chính phủ ban hành Kế hoạch Tổng thể thứ hai về an toàn thông tin (được gọi là Cyber Korea 21). Kế hoạch thứ ba – được gọi là e-Korea Vision 2006, được ban hành năm 2002, được coi là một sự thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực của Chính phủ hướng tới áp dụng rộng rãi thông tin và dịch vụ trực tuyến. Các sáng kiến chính phủ điện tử của Hàn Quốc tập trung vào ba mảng dịch vụ chính bao gồm: (i) Chính phủ vì Công dân (G4C); (ii) Chính phủ với Doanh nghiệp (G2B); và (iii) Chính phủ với Chính phủ (Dịch vụ liên chính phủ - G2G). Hàng ngàn các dịch vụ công đã có sẵn trên mạng thông qua các biểu mẫu điện tử trên khắp các trang web chính phủ trung ương, khu vực và địa phương. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang củng cố các chương trìnhđang triển khai để hướng dẫn công chúng nắm bắt và áp dụng mạng Internet và công nghệ thông tin vào cuộc sống hàng ngày. Mục đích làm cho các dịch vụ công có sẵn qua hình thức điện tử mọi nơi mọi lúc. Thông qua chính sách về công nghệ và giáo dục, chính phủ Hàn Quốc đảm bảo rằng tất cả các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc được kết nối với Internet. Thứ năm, đẩy mạnh giải trí điện tử. Thị trường game online tại Hàn Quốc có hơn 15 triệu người đăng ký chơi. Một số lượng lớn các trò chơi được thiết kế trong thế giới tưởng tượng với nhiều người chơi trực tuyến. Sự phổ biến của các cổng chơi game như Netmarble, Hangame và Pmang mạng về doanh thu lớn và ước tính có khoảng 10 triệu người trưởng thành của Hàn Quốc chơi game qua các cổng này mỗi tháng. Phần lớn các trò chơi trực tuyến cho phép chơi miễn phí và lợi nhuận tạo ra thông qua việc bán các mặt hàng ảo. Các công ty game trực tuyến hàng đầu là NHN, Nexon, NCsoft, Neowiz và CJ Internet. Vào đầu năm 2010, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã phán quyết rằng các loại tiền ảo có thể được trao đổi cho tiền thật và các giao dịch sử dụng 'tiền ảo' sẽ bị đánh thuế. 3.3. Kinh nghiệm của Trung Quốc Phát triển nền kinh tế số được coi là bước đi đột phá của Trung Quốc. Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu IDC, khoảng 51,3% GDP của Trung Quốc vào
- 43 năm 2030 sẽ đến từ kinh tế số và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy: Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc luôn nỗ lực hướng đến số hóa nền kinh tế. Trung Quốc hiện đã là một thế lực lớn về công nghệ số cả ở thị trường nội địa và toàn cầu. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, giao dịch TMĐT của Trung Quốc hiện lớn hơn con số cộng gộp của năm nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Tổng giá trị thanh toán di động tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc trong năm 2016 đạt tới 790 tỷ USD, gấp 11 lần con số này tại thị trường Mỹ. Trung Quốc hiện đang là một trong ba điểm đến hàng đầu của các hoạt động đầu tư mạo hiểm trong những lĩnh vực như thực tế ảo, ô tô tự lái, in 3D, robot, thiết bị bay không người lái và AI. Báo cáo của MGI dự báo công nghệ số có thể thay đổi và tạo ra khoảng từ 10% đến 45% doanh thu công nghiệp của Trung Quốc vào năm 2030. MGI cũng cho rằng Internet có tiềm năng đóng góp 1 điểm phần trăm bổ sung vào tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ năm 2013 đến năm 2025, dẫn đến gia tăng 22% GDP trong giai đoạn này, tương đương với 14000 tỉ RMB (Viện NC QLKT TW, 2019). Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ kinh tế số để đáp ứng nhu cầu của lượng dân số trực tuyến rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về tìm kiếm thông tin, truyền thông và thương mại trong giai đoạn đầu. Nền kinh tế số của Trung Quốc đặc trưng bởi sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và TMĐT với sự hiện diện của ba nhà cung ứng nội địa khổng lồ bao gồm Alibaba (TMĐT), Tencent (game trực tuyến và mạng xã hội), và Baidu (công cụ tìm kiếm). Mỗi năm Tập đoàn TMĐT Alibaba xử lí số giao dịch mua bán nhiều hơn cả Ebay và Amazon cộng lại. Với thế mạnh về game trực tuyến và mạng xã hội, Tencent hiện là công ty có giá trị lớn thứ 10 toàn cầu (khoảng 275 tỉ USD) (Viện NC QLKT TW, 2019). Baidu là công ty thống trị mảng công cụ tìm kiếm tại thị trường nội địa Trung Quốc sau khi Google phải rút khỏi do bị kiểm duyệt. Thứ hai, Trung Quốc có chính sách khuyến khích các hoạt động trực tuyến . Các hoạt động trực tuyến được thúc đẩy mạnh, đa dạng với đông đảo người dùng nhờ sự phát triển nhanh của Internet và công nghệ số. Các ứng dụng mạng xã hội và mua sắm điển hình như QQ, WeChat, TaoBao và AliBaba giúp kết nối người dùng Trung Quốc rất dễ dàng, hợp lí và dễ sử dụng. Năm 2016, tiêu dùng trực tuyến tại Trung Quốc đạt 3.900 tỷ RMB, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP là 6,7% (Viện NC QLKT TW, 2019). Tiêu dùng trực tuyến đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế sáng tạo nhất, tăng trưởng nhanh nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất, trở thành động lực lớn khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy nâng cấp cơ cấu công nghiệp. Theo đó, chính phủ Trung Quốc khẳng định khuyến khích tiêu dùng trực
- 44 tuyến trong những năm tới. Mục tiêu là tới cuối năm 2020, hoạt động tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ thông tin trực tuyến tại nước này sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm ít nhất là 11% với tổng doanh thu 6.000 tỷ RMB (khoảng 900 tỷ USD). Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc cũng xác định sẽ thực hiện ưu đãi và hỗ trợ cho các lĩnh vực như điện tử thông minh, giáo dục và điều trị y tế trực tuyến, TMĐT, mạng di động 5G, và các dịch vụ viễn thông tại những khu vực nông thôn. Thứ ba, phát triển TMĐT. Thương mại trực tuyến đã trở thành một trong những hoạt động trực tuyến phổ biến nhất tại Trung Quốc, với hơn một nửa trong số tất cả người dùng Internet tham gia vào mua sắm trực tuyến. Phương tiện kết nối thực hiện mua sắm trực tuyến chủ yếu là máy tính để bàn và điện thoại di động. Mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc đã phát triển phù hợp với nhu cầu của người dùng cuối cùng. Cầu gia tăng với sản phẩm nước ngoài có chất lượng cao đã dẫn đến sự gia tăng các giao dịch xuyên biên giới theo phương thức B2C. Sự phổ biến của TMĐT đến từ số lượng người dùng Internet ngày càng tăng ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp TMĐT của Trung Quốc chịu sự chi phối bởi các nền tảng thương mại trực tuyến của Taobao (Alibaba), Tmall và Jingdon.com (JD.com). Quy mô lớn của thị trường TMĐT của Trung Quốc đã thu hút các nhà bán lẻ truyền thống lớn như Công ty Suning Appliance (vận hành website suning.com) cũng như các đối thủ quốc tế lớn như Amazon (vận hành website amazon.cn) và Walmart (có lượng khách hàng lớn qua website yihaodian.com). Ngành TMĐT thu hút lượng lao động trực tiếp trên 2,5 triệu người và lao động gián tiếp trên 18 triệu người. Thứ tư, chính sách đẩy mạnh ngân hàng điện tử. Dịch vụ ngân hàng điện tử đang trở nên ngày càng phổ biến ở Trung Quốc do hệ thống ngân hàng hiện đại hóa phương thức cho vay ngang hàng (P2P) truyền thống bằng cách áp dụng công nghệ dựa trên Internet và cải thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận tín dụng. Chương trình P2P rất phổ biến ở Trung Quốc và Internet đã mở rộng khả năng tiếp cận tài chính thông qua các hoạt động P2P với khoảng 2.000 trang web như vậy được thành lập từ năm 2007. Trong một sáng kiến khác nhằm hỗ trợ các nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp nhỏ, năm 2014, Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) phê duyệt kế hoạch thí điểm thành lập 5 ngân hàng tư nhân. Một trong 5 ngân hàng thí điểm - Ngân hàng WeBank – đã khai trương hoạt động đầu tiên vào tháng 1 năm 2015 với tư cách là ngân hàng Internet thuần túy với vốn nền đăng kí là 3 tỉ RMB, các cổ đông chính bao gồm Tencent (30% cổ phần), Baiyeyuan (20%) và Liye (20%). Tiếp theo là Tập đoàn Alibaba cũng thành công khi trở thành một cổ đông của ngân hàng thí điểm Mybank thông
- 45 qua công ty con Ant Financial với 30% cổ phần liên danh cùng với Fosun International (25% cổ phần) và Wanxiang Group (18% cổ phần). Thứ năm, chính sách thanh toán điện tử. Kỷ nguyên thanh toán phổ biến bằng tiền mặt ở Trung Quốc dường như đang dần đi đến hồi kết. Hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng dường như cũng đang dần trở thành quá khứ. Người dân Trung Quốc ngày càng chuộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như quét mã QR,thanh toán bằng ví điện tử. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng cơ bản đều cho phép thanh toán di động. Hai ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến nhất hàng ngày tại Trung Quốc là WeChat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba. Đây là loại hình thanh toán dùng ví điện tử qua điện thoại di động, đòi hỏi người dùng phải đăng ký bằng tên thật, kết nối với tài khoản ngân hàng. Tại các ngân hàng, nhân viên có thể hỗ trợ khách hàng toàn bộ quá trình liên kết và kích hoạt ví điện tử. CNBC nhận định ít quy định quản lý và hệ thống tài chính kém phát triển cũng là những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc vượt các nước phát triển về thanh toán di động. Quy mô thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, lên 5.570 tỷ USD năm 2016. Con số này gấp gần 50 lần so với Mỹ. Nhiều nước, như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, cũng không còn dùng nhiều tiền mặt, nhưng vẫn chuộng thẻ. Tốc độ tăng trưởng thanh toán di động nhanh tại Trung Quốc được hỗ trợ nhờ lượng người dùng smartphone đông đảo. Ở thời điểm giữa năm 2017, WeChat có khoảng trên 960 triệu người dùng và Alipay có 520 triệu người dùng. Theo một số nghiên cứu, dự đoán quy mô thanh toán điện tử tại Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần lên 300.000 tỷ RMB năm 2021. Theo nhận định của giới chuyên gia, tỷ lệ dân số sử dụng Internet qua di động và TMĐT cao, cùng thị trường tài chính truyền thống kém phát triển sẽ là các động lực thúc đẩy tăng trưởng thanh toán di động cao ở Trung Quốc. Thứ sáu, xây dựng chính phủ điện tử. Ngay từ năm 2004 Chính phủ Trung Quốc đã đổi mới quản lý nhà nước định hướng chức năng chính phủ điện tử. Tháng 8 năm 2004, Trung Quốc đã thông qua Luật Chữ ký điện tử để điều chỉnh chữ ký điện tử, thiết lập hiệu lực pháp lý của chữ ký điện tử nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên liên quan. Đây là luật đầu tiên của Trung Quốc về các ứng dụng chính phủ điện tử, có hiệu lực từ đầu năm 2005. Tính đến cuối năm 2009 Trung Quốc đã thành lập hơn 45.000 cổng thông tin của chính phủ. 75 cơ quan nhà nước và trung ương, 32 chính quyền cấp tỉnh, 333 chính quyền cấp quận/huyện và hơn 80 chính quyền cấp thị trấn đã thiết lập trang web riêng của họ, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho công việc và đời sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử đã cải thiện hiệu quả công việc và sự minh bạch thông tin của chính phủ. Thêm nữa, để tạo điều kiện tương tác với công
- 46 chúng, Chính phủ Trung Quốc đã hoạt động tích cực trên các mạng xã hội như Sina Weibo và Tencent WeChat. Tương tác thông qua hình thức blog nhanh (hay còn gọi là tiểu blog – Microblogging) cũng phát triển nhanh chóng kể từ khi microblogging chính trị đầu tiên đi vào hoạt động năm 2009 và đến đầu 2015 đã có khoảng 280.000 tài khoản Weibo của chính phủ, bao phủ nhiều hoạt động của các cơ quan từ cơ quan cảnh sát, Tòa án tối cao đến cá nhân quan chức chính phủ. Tháng 4 năm 2015, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Alibaba để trực tuyến hóa các dịch vụ công tương tự như thỏa thuận giữa Alibaba với các thành phố Thượng Hải, Quảng Châu và Thẩm Quyến. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tích cực sử dụng các dịch vụ chính phủ điện tử. Năm 2014, khoảng 51,1% số doanh nghiệp sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin từ chính phủ. Nói tóm lại: Nhân tố căn bản đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số ở Trung Quốc có thể kể đến: (i) quy mô thị trường khổng lồ với đông đảo người sử dụng Internet trẻ, đam mê và năng động; (ii) môi trường cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ sinh thái số phong phú ban đầu được tạo lập xung quanh nhóm công ty hạt nhân BAT (Baidu, Alibaba và Tencent) và hiện tại được đa dạng hóa và phát triển rộng khắp; và (iii) hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ thông qua các quy định pháp lý linh hoạt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, và hỗ trợ thu hút đầu tư và ứng dụng các công nghệ mới nhất (MGI, 2017). Nhìn từ góc độ hỗ trợ của Chính phủ có thể nói Chính phủ Trung quốc là Chính phủ hành động. Chính phủ không chỉ ban hành chính sách mà còn đóng vai nhà đầu tư, sáng tạo, và người tiêu dùng trong nỗ lực để hỗ trợ số hóa. Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ cho nền kinh tế số hóa với hệ thống các chính sách được thiết kế để tăng cường năng lực nền kinh tế kỹ thuật số như một công cụ mới thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong năm 2015, chính phủ công bố khái niệm về “Internet Plus” và hiện thực hóa với một kế hoạch hành động chi tiết nhằm tích hợp Internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT với các ngành sản xuất truyền thống và người tiêu dùng. Cho đến nay, chương trình Internet Plus đã được triển khai rộng rãi trong nhiều ngành như logistics, an sinh xã hội, và chế biến chế tạo. Chính phủ cũng tích cực tạo điều kiện thu hút đầu tư vào công nghệ số. Kể từ năm 2016, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc - cơ quan kế hoạch kinh tế của chính phủ - đã công bố “Kế hoạch hành động ba năm phát triển Internet kết hợp với trí tuệ nhân tạo” với tham vọng xây dựng một thị trường ứng dụng AI trị giá hơn 100 tỷ RMB (khoảng 15 tỉ USD) bằng cách phát triển 9 hệ sinh thái AI lớn, bao gồm các thiết bị gia dụng cho ngôi nhà thông minh, ô tô thông minh, thiết bị đeo thông minh, và thiết bị đầu cuối thông minh. Theo kế hoạch này, các cơ quan chính phủ có thể cung cấp kinh phí cho các dự án cụ thể từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, chính
- 47 phủ cũng cung cấp kinh phí cho các doanh nghiệp Internet mới. Kể từ năm 2014, nhà nước Trung quốc khuyến khích các công dân tham gia khởi nghiệp và các hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các biện pháp hỗ trợ như miễn giảm thuế và thông qua các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. 4. HÀM Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM Việt Nam không tuy không có quy mô thị trường khổng lồ với dân số gần 2 tỷ người như Trung Quốc, nhưng với gần 100 triệu so với Singapore (khoảng 5 triệu) và Hàn Quốc (khoảng 50 triệu) cũng lợi thế hơn. Để thúc đẩy kinh tế số phát triển, TS Brian Hull - Tổng giám đốc ABB Việt Nam đã chỉ ra bốn việc cần thực hiện. Một là thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần; Hai là tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ba là đảm bảo an toàn an ninh mạng; Điểm cuối cùng, theo ông, là sự đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất. Nhưng từ bài học kinh nghiệp của Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam như sau: Thứ nhất, Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa cho phát triển kinh tế số. Trong vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế số Việt Nam, hai nhiệm vụ quan trọng là Chiến lược phát triển kinh tế số và Quản lý nhà nước về kinh tế số. Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số cần được tiến hành theo một tiếp cận khoa học hiện đại và thực tiễn cao, phù hợp nhất đối với Việt Nam. Các chính sách quản lý về kinh tế số như là các công cụ phục vụ việc tổ chức thành công chiến lược phát triển kinh tế số. Đo lường kinh tế số và chính sách thuế đối với kinh tế số là một vấn đề phức tạp, vì vậy, việc xây dựng và thực hiện các chính sách quản lý kinh tế số đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, tránh một quan niệm đơn giản về đo lường và chính sách thuế đối với kinh tế số. Chính phủ cần là một bên tham gia “gương mẫu”, một người dùng tiến bộ trong nền kinh tế số quốc gia. Chính phủ cần quyết tâm và nỗ lực cao trong xây dựng chính phủ điện tử. Cải tiến quy trình nghiệp vụ, bồi dưỡng năng lực chuyên môn “tinh thông nghiệp vụ” và phẩm chất đạo đức “một tấm lòng tận tâm phục vụ nhân dân” đối với công chức cần là một hoạt động có tính bền vững. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc CMCN 4.0; thúc đẩy ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào giáo dục; khắc phục những mặt trái của CMCN 4.0 như ô nhiễm môi trường, vấn đề thất nghiệp, gia tăng bức
- 48 xúc xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống, những rủi ro về an ninh, an toàn thông tin. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận vốn, chuỗi giá trị bán hàng, các chính sách thanh toán, bảo mật thông tin người tiêu dùng… Tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng thành tựu kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược quy hoạch kế hoạch trong các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế; phát triển công nghiệp CNTT&TT có giá trị gia tăng và chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Hiện Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và giao Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì. Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số TMĐT khoảng 35 tỷ USD, GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới. Vì thế, Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu này. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực kinh tế số. Nhân lực cho nền kinh tế số gồm: đội ngũ chuyên gia kinh tế số cao cấp; đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp số và đội ngũ chuyên viên, nhân viên của doanh nghiệp. + Xây dựng đội ngũ chuyên gia kinh tế số cao cấp: Trong bối cảnh trình độ nền kinh tế thấp, Việt Nam thiếu vắng các chuyên gia kinh tế số cao cấp, những người có đủ kiến thức và kỹ năng đa lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kinh tế, quản lý, xã hội, v.v.), để định hình phát triển kinh tế số ở tầm quốc gia. Công việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia kinh tế số là rất cấp thiết, tuy nhiên, không thể hoàn thành công việc này một sớm một chiều được. Trước mắt, Chính phủ cần tổ chức một nhiệm vụ kinh tế – xã hội với thời gian đủ phù hợp để hình thành một nhóm cộng tác các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực liên quan (khoa học, công nghệ, kinh tế, quản lý, xã hội, v.v.) để tham gia xây dựng một kế hoạch kinh tế số trung hạn. Một kế hoạch trung hạn được kiểm định trong thực tiễn sẽ tạo tiền đề xây dựng một chiến lược quốc gia về kinh tế số dài hạn. Thành viên của nhóm cộng tác trên đây có tiềm năng phát triển trở thành chuyên gia kinh tế số cao cấp. Về lâu dài, chuyên gia kinh tế số cao cấp cần xây dựng được một chiến lược phát triển tích hợp kinh tế số – kinh tế tri thức – kinh tế thị trường ở Việt Nam, có tính khoa học hiện đại và thực tiễn. Hơn nữa, chuyên gia kinh tế số cao cấp Việt Nam có thể tham gia đóng góp phát triển lý luận về kinh tế số. + Nâng cao năng lực lãnh đạo doanh nghiệp số: Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp cần phối hợp để nâng cao kiến thức và kỹ năng về kinh tế số cho lãnh đạo doanh nghiệp. Thành phần chủ chốt đối với sự phát triển
- 49 kinh tế số Việt Nam là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quyết tâm và nỗ lực tự đào tạo về kinh tế số của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định trong việc tạo động lực triển khai và ứng dụng các thành phần kinh tế số, giúp doanh nghiệp vượt qua một rào cản rất lớn cho chuyển đổi số là trình độ cạnh tranh của Việt Nam còn rất thấp (năm 2019, Việt Nam xếp hạng 67 trong số 141 quốc gia-vùng lãnh thổ). + Tăng cường đào tạo các chuyên viên thuộc kinh tế số. Kinh tế số bao trùm một phạm vi rất rộng các lĩnh vực liên quan, vì vậy, không thể có một ngành đào tạo chuyên về kinh tế số. Trong mỗi lĩnh vực liên quan, cần xem xét các chuyên ngành, các khối kiến thức phù hợp để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực kinh tế số trong phạm vi của lĩnh vực đào tạo. Hệ thống CNTT và công nghệ cao liên quan trong kinh tế số thường đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định để được phổ biến và được ngấm mới phát huy được hiểu quả như thiết kế. Vì vậy, để rút ngắn khoảng thời gian công nghệ được phổ biến và ngấm trong doanh nghiệp, việc đầu tư đào tạo, nâng cao trình độ của nhân viên, người lao động về các thành phần kinh tế số tại doanh nghiệp cần được tiến hành đồng thời (nếu không nói là đi trước một bước) việc đầu tư triển khai và ứng dụng CNTT và công nghệ cao thuộc kinh tế số. Do có một độ phủ rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan tới kinh tế số, nhóm chủ đề về phân tích kinh doanh nên được xem xét đưa vào các chương trình đào tạo chuyên ngành về kinh tế số thuộc các lĩnh vực khác nhau. Thứ ba, phát triển hệ sinh thái kinh tế số Việt Nam. Hệ sinh thái số được hiểu là “nhóm tác nhân phụ thuộc (doanh nghiệp, con người, vật) chia sẻ nền tảng số để đạt được lợi ích” (Rouse, M. 2016), “đối tác số của hệ sinh thái sinh học, có kiến trúc mạnh, tự tổ chức và được mở rộng năng động để giải quyết các vấn đề phức tạp, tùy biến cao” (Rouse, M. 2016), “sự hội tụ kết nối công nghệ trong một thị trường và hoạt động kinh doanh vì (i) người tiêu dùng mới, (ii) doanh nghiệp mới, (iii) hiệu năng thị trường và (iv) trải nghiệm người dùng” (Rouse, M. 2016). Trước mắt, để đạt được sự kết nối – chia sẻ nền tảng số, TMĐT doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B) Việt Nam cần trở thành thành phần chủ chốt trong toàn bộ hoạt động TMĐT quốc gia như tại các nền kinh tế phát triển. + Về phía doanh nghiệp, cần thúc đẩy tích hợp công nghệ số hoá, phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức; sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số, phù hợp
- 50 với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới; thích ứng với các mô hình thuế mới. + Đối với các cơ sở đào tạo, cần nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới; tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học; xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại kiến thức nghề nghiệp; cung cấp khả năng tự học tập một cách linh hoạt, phù hợp đối với từng tổ chức, cá nhân. 5. KẾT LUẬN Trong thời đại số ngày nay, kinh tế số đã trở thành xu thế phát triển tất yếu đối với các nền kinh tế trên thế giới. Bài báo này là sự tìm hiểu của tác giả về các khái niệm kinh tế số. Dù chưa có một định nghĩa thống nhất về kinh tế số, song quan niệm kinh tế số là một mở rộng thực sự của kinh tế CNTT&TT là có tính phổ biến. Kinh tế số bao gồm rất nhiều loại hình kinh tế mới và đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và cơ hội việc làm cho người lao động. Thông qua nghiên cứu lý luận về nền kinh tế số, đồng thời tìm hiểu thực tế cách thức phát triển nền kinh tế số từ ba nước có nền kinh tế số triển trên, tác giả đề xuất ba giải pháp và hàm ý rằng Chính phủ đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế số. Tiếp đến là phát triển nhân lực về kinh tế số (đặc biệt là các chuyên gia cao cấp về kinh tế số) và phát triển hệ sinh thái kinh tế số là những giải pháp có ý nghĩa trong công cuộc phát triển kinh tế số Việt Nam. Tác giả tin tưởng vào tương lai nền kinh tế số Việt Nam sẽ phát triển nhanh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời đại số ngày nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN (2019), Báo cáo Tương lai nền kinh tế Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045. [2] Dahlman, C., Mealy, S. & Wermelinger, M., 2016. Harnessing the Digital Economy for Developing Countries, OECD, Paris. http://www.oecd-ilibrary.org/docserver/ download/4adffb24-en.pdf [3] EC (2013) Expert Group on Taxation of the Digital Economy, European Commission, Brussels. http://ec.europa.eu/taxation_customs/sites/taxation/files/resources/documents/ taxation/gen_info/good_governance_matters/digital/general_issues.pdf [4] Elmasry, T. et al., 2016. Digital Middle East: Transforming the Region into a Leading Digital Economy, McKinsey & Company, New York, NY.
- 51 http://www.mckinsey.com/global-themes/middle-eastand-africa/digital-middle-east- transforming-the-region-into-a-leading-digital-economy [5] European Parliament (2015), Challenges for Competition Policy in a Digitalised Economy, European Parliament, Brussels. http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2015/542235/IPOL_STU(20 15)542235 _EN.pdf [6] Hà Quang Thụy, Phan Xuân Hiếu, Nguyễn Trí Thành, Trần Trọng Hiếu, Trần Mai Vũ, Nguyễn Hữu Đức (2019); Kinh tế số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam; Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) [7] OUP 2017. Digital Economy, Oxford Dictionary, Oxford University Press,Oxford,UK. https://en.oxforddictionaries.com/definition/digital_economy [8] Rumana Bukht, Richard Heeks (2018), Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy, Centre for Development Informatics - Global Development Institute, SEED University of Manchester, Arthur Lewis Building, Manchester, M13 9PL, UK [9] Rouse, M. 2016. Digital Economy, Techtarget, Newton, MA. http://searchcio.techtarget.com/definition/digital-economy [10] Tapscott, D., 1996. The Digital Economy: Promise and Peril in the Age of Networked Intelligence, McGraw-Hill, New York, NY. [11] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” [12] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 645/QĐ-TTg 15/5/2020, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025. [13] Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Viện NC QLKT TW (2019), Phát triển nền kinh tế số nhìn từ kinh nghiệm một số nước châu Á và hàm ý đối với Việt Nam. [14] Website của Bộ Khoa học và Công nghệ https://www.most.gov.vn/vn/tin- tuc/15961/kinh-te-so-va-nhung-van-de-trong-tam-tai-viet-nam.aspx, ngày 02/05/2019. [15] Website: http://www.vista.gov.vn/news/khoa-hoc-xa-hoi/kinh-te-so-va-nhung- van-de-trong-tam-tai-viet-nam-1235.html
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam
10 p | 68 | 10
-
Kinh nghiệm Hàn Quốc và Trung Quốc trong phát triển kinh tế số - Một số bài học cho Việt Nam
9 p | 45 | 10
-
Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam
18 p | 12 | 8
-
Phát triển kinh tế số ở Việt Nam: Những bước đi ban đầu và giải pháp
10 p | 15 | 8
-
Phát triển kinh tế số ở Việt Nam và hàm ý chính sách
7 p | 12 | 8
-
Phát triển kinh tế số: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam
12 p | 34 | 7
-
Nhận thức và giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
9 p | 13 | 7
-
Hành lang pháp lý phát triển kinh tế số của Việt Nam – Thực trạng và một số đề xuất
10 p | 11 | 4
-
Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam
10 p | 4 | 3
-
Một số giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay
11 p | 5 | 3
-
Kiểm soát phát thải từ kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế số
8 p | 8 | 3
-
Một số nội dung cơ bản về kinh tế số & giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam
14 p | 10 | 2
-
Về điều kiện phát triển kinh tế số ở Việt Nam
11 p | 37 | 2
-
Phát triển kinh tế số - Xu thế tất yếu của nền kinh tế Việt Nam
11 p | 5 | 1
-
Giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam
10 p | 6 | 1
-
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số tại Phú Yên hiện nay
6 p | 2 | 1
-
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam
3 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn