intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển nguồn lực giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phát triển nguồn lực giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay" phân tích vai trò của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học, thực trạng nguồn lực giảng viên và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn lực giảng viên cho các cơ sở giáo dục trường đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển nguồn lực giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay

  1. PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC GIẢNG VIÊN CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH TỰ CHỦ HIỆN NAY Ngô Hoài Phương1 Trường Đại học Thông tin liên lạc Abstract Among all the resources to ensure quality for higher education institutions in the current autonomy context, the teaching staff is an extremely important resource. On the basis of theoretical research, the article analyzes the role of lecturers in higher education institutions, the current situation of faculty resources and proposes measures to develop faculty resources for educational institutions. university in the current autonomy context. Keywords: Autonomous universities; faculty resources; Developing faculty; educational solutions. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) là một mục tiêu lớn của các nước đang phát triển giáo dục, bởi vì nó cho phép các trường đại học có thể đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với sự thay đổi của nhu cầu của xã hội, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phát triển tối đa những thế mạnh và khả năng của mình, và đóng góp vào sự phát triển của đất nước thông qua việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện tự chủ trong GDĐH cũng đòi hỏi các cơ sở GDĐH đối diện với những thách thức không nhỏ trong nhiều lĩnh vực. Một trong số đó là phát triển nguồn nhân lực giảng viên (GV) chất lượng cao, đủ cơ cấu, số lượng phù hợp đủ sức cạnh tranh trong thị trường giáo dục hiện nay. Có được trong tay đội ngũ GV chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt giúp các trường đứng vững trong xu thế tự chủ hiện nay. 2. NỘI DUNG Trong bối cảnh tự chủ, các cơ sở GDĐH đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt về nhiều mặt. Do vậy, để có thể trụ vững được trong thị trường giáo dục, ngoài cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị, nguồn lực tài chính dồi dào, chương trình đào tạo có chất lượng cao, các công trình nghiên cứu khoa học đa dạng, liên kết trong đào tạo… thì một trong những yếu tố tối quan trọng là xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng tốt. Trong số nguồn nhân lực đảm bảo cho tự chủ của đại học thì nguồn lực GV đóng vai trò then chốt nhất, quyết định nhất. 2.1. Vai trò nguồn lực GV ở các cơ sở GDĐH trong bối cảnh tự chủ Nhà giáo đóng vai trò quyết định chất lượng giáo dục trong bất cứ cơ sở giáo dục nào (Điều 15 chương I - Luật Giáo dục). Trong bối cảnh tự chủ của các cơ sở GDĐH, vai trò của nguồn lực GV càng thể hiện tầm quan trọng hơn bất cứ lúc nào. 1 hoaiphuong.sqtt@gmail.com 298
  2. Thứ nhất, GV là người trực tiếp truyền đạt kiến thức, hình thành kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp cho sinh viên (SV), do đó trực tiếp quyết định đến chất lượng đào tạo của trường đại học. Hoạt động giảng dạy là một chức năng chủ yếu của GV, nó quy định cho hoạt động học của SV và kết quả mà SV lĩnh hội được trong trường đại học. GV cũng chính là người kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của SV. Thông qua kiểm tra đánh giá, giúp SV điều chỉnh động cơ, ý thức trách nhiệm học tập, không ngừng nỗ lực cố gắng. Do vậy, xét cho cùng, chương trình đào tạo dù có chất lượng đến đâu nhưng nếu hoạt động giảng dạy của GV không tốt, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy không tốt thì cũng sẽ không tạo ra được những SV tốt và do đó chất lượng đào tạo của cơ sở đó cũng không được khẳng định. Trong bối cảnh tự chủ hiện nay đòi hỏi ngoài việc truyền đạt kiến thức, hình thành kỹ năng làm việc cho SV như thông thường, GV còn phải thích ứng với xu thế dạy học trong kỷ nguyên số phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của SV. Điều đó mới giúp SV “tìm đến” GV nhiều hơn, qua đó giúp cơ sở GDĐH thu hút được SV hơn. Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với người GV ngoài việc kiến thức chuyên môn, phẩm chất của người thầy còn đòi hỏi kỹ năng vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, giúp người học nhanh chóng đạt được chuẩn đầu ra, nhanh chóng hình thành năng lực nghề nghiệp của họ, đảm bảo kiến thức, kinh nghiệm được học của SV phục vụ tốt cho chuyên môn của họ. Đồng thời, đòi hỏi GV phải là người có tư duy số, năng lực thích ứng với công nghệ dạy học của thời đại. Thứ hai, GV là người hỗ trợ, định hướng giúp SV phát triển toàn diện. Trong bối cảnh tự chủ của các trường đại học, đòi hỏi GV ngoài việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng, GV còn đóng vai trò hỗ trợ SV trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến học tập và nghiên cứu khoa học, tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và các vấn đề khác trong cuộc sống thông qua kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của GV. GV là người quan trọng trong tư vấn, giúp cho SV có sự lựa chọn con đường đi đúng đắn và phù hợp với bản thân, nhanh chóng có được công việc đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu GV phải tự học tập, bồi dưỡng phát triển kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho SV; nhạy bén trong nắm bắt sự thay đổi của xã hội và có nền tảng kiến thức nhiều lĩnh vực, nhất là kiến thức xã hội. Thứ ba, GV là lực lượng quyết định đến chất lượng nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH. Hoạt động nghiên cứu khoa học là chức năng không thể thiếu của người GV đại học với tư cách là nhà khoa học. GV là những người có trình độ và kinh nghiệm cao trong các lĩnh vực học thuật, do đó họ là lực lượng chủ yếu đóng góp vào các công trình nghiên cứu khoa học của hầu hết các cơ sở GDĐH. Nhờ các công trình nghiên cứu của GV, nhất là các công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín cao đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng giữa các trường đại học với doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các trường đại lớn trên thế giới. Đặc biệt thông qua các công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/SCOPUS, GV đã góp phần đưa tên tuổi trường đại học lên “bản đồ học thuật” trên thế giới. Từ đó tạo góp phần khẳng định chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa của trường đại học. Đồng thời, GV còn là người định hướng, hướng dẫn, giúp đỡ SV trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. Do vậy, đòi hỏi GV phải không ngừng nghiên cứu, sáng tạo; biết phát hiện vấn đề khoa học, có phương pháp tác phong làm việc của nhà khoa học, có năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin (CNTT), khả năng làm việc trong môi trường học thuật quốc tế. 299
  3. Thứ tư, GV là lực lượng chủ yếu tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo của cơ sở GDĐH. Trong bối cảnh tự chủ, đòi hỏi các trường đại học cần có một chương trình đào tạo chất lượng để có thể cạnh tranh và kiểm định, đánh giá của các tổ chức. Để có chương trình đào tạo chất lượng, ngoài việc lấy ý kiến chuyên gia, từ các doanh nghiệp, từ xã hội thì đội ngũ GV là những người trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển nó. Đội ngũ GV chính là người triển khai thực thi chương trình đào tạo thông qua các học phần, môn học, bài học và cũng chính qua quá trình giảng dạy nên họ sẽ là người đề xuất bổ sung, chỉnh sửa, phát triển chương trình ngày càng hoàn thiện, phát triển được phẩm chất và năng lực SV đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp và xã hội. Như vậy, nhìn chung trong bối cảnh tự chủ đòi hỏi các trường đại học cần xây dựng, bổ sung, phát triển nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó việc quan tâm xây dựng, phát triển lực lượng GV là then chốt, bởi theo phân tích như trên thì chính nguồn lực GV ở các trường đại học tác động chi phối, ảnh hưởng hầu hết đến các nguồn lực khác, các nội dung quan trọng khác của các cơ sở GDĐH. 2.2. Thực trạng nguồn lực GV của các cơ sở GDĐH trong bối cảnh tự chủ 2.2.1. Những mặt đạt được Bước vào tự chủ, các cơ sở GDĐH đã có những chiến lược, chủ trương, biện pháp kịp thời để phát triển đội ngũ GV cho mình, đáp ứng tình hình trong giai đoạn mới. Nhờ vậy, nguồn lực đội ngũ GV cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. - Đội ngũ GV đã nhận thức được xu hướng phát triển của GDĐH, do đó chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện trình độ học vấn theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) về chuẩn chức danh nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của các trường đại học. Trong giai đoạn 2018-2020, số lượng GV có học hàm Giáo sư tăng 4,4%, Phó giáo sư tăng 4,4%, trình độ tiến sĩ tăng 4,1 % [1, trang 491]. - Nhìn chung đội ngũ GV đã chủ động thích ứng với sự thay đổi trong giáo dục trước tác động của đại dịch Covid-19 những năm gần đây và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như chuyển đổi số trong giáo dục. Chủ động tự học tập, làm chủ công nghệ dạy học, nhất là dạy học trực tuyến; đẩy mạnh khai thác học liệu số và ứng dụng công nghệ trong dạy học. - GV hiện nay, nhất là lực lượng GV trẻ luôn có tư duy đổi mới sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong dạy học. Do đó công tác đào tạo SV ngày càng gắn với xã hội, với chức năng chuyên môn của ngành nghề SV theo học hơn. - Số lượng công bố quốc tế của GV những năm gần đây đã được khẳng định. Số lượng và chất lượng của các công bố quốc tế cũng có xu hướng tăng, năm 2018, Việt Nam có hơn 6.000 bài báo ISI thì năm 2020, con số này đã tăng gấp 2 lần. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng bài báo ISI của Việt Nam là gần 114% thì đến năm 2018 con số này là 129%, năm 2019 là 143% và năm 2020 là 144,7% [1, trang 491]. Điều này cho thấy trình độ học thuật của các trường đại học ở nước ta ngày càng tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. - Trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận GV vẫn luôn tâm huyết, âm thầm cống hiến, giữ vững phẩm chất người thầy trong bối cảnh mới; quan tâm dìu dắt SV, trăn trở với nghề nghiệp, tìm mọi phương thức để nâng cao chất lượng giáo dục. 300
  4. Trong bối cảnh tự chủ, các trường đại học đã có những chính sách rất khoa học về quản trị nhân lực, nhất là trong xây dựng, phát triển đội ngũ GV. Vì vậy, đội ngũ GV ở các trường đại học hiện nay ngày một nâng cao cả về số lượng và năng lực chuyên môn. Kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn của các GV từng bước được nâng cao về mọi mặt, góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn vừa qua [3, trang 427]. Nhiều cơ sở GDĐH đã có những chính sách để thu hút đội ngũ GV chất lượng cao thông qua cơ chế lương, thưởng, đào tạo, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, chế độ công tác… làm cho đội ngũ GV yên tâm gắn bó, cống hiến và không ngừng phát triển. 2.2.2. Những tồn tại, hạn chế Tuy nhiên, trong thực tế đối với các trường đại học hiện nay, việc xây dựng, phát triển lực lượng GV vừa có số lượng phù hợp, vừa có cơ cấu hợp lý lại có chất lượng cao đang là một thách thức rất lớn. Bởi thực tế đội ngũ GV hiện nay đang đứng trước sự thiếu hụt cả về số lượng và nhất là chất lượng của đội ngũ này. - Thiếu hụt về số lượng GV. Theo thống kê năm học 2019-2020 số SV/GV của nước ta là 21 SV/GV. So với các nước có nên giáo dục tiên tiến trên thế giới thì Việt Nam đang thiếu 1.000 GV [3, trang 427]. Mặt khác, trong bối cảnh tự chủ diễn ra cạnh tranh gay gắt, tình trạng “chảy máu chất xám” đối với đội ngũ GV giữa các trường đại học với nhau và từ lĩnh vực giáo dục sang các lĩnh vực khác dẫn đến việc thiếu hụt GV cục bộ. Theo đó, các GV chất lượng cao thường có nhiều cơ hội để làm việc tại các trường đại học danh tiếng hoặc lĩnh vực khác với mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đối với các năm học 2017-2018, 2018-2019 và 2019-2020 cho thấy số lượng GV đang có xu hướng giảm (từ 74.991 người xuống 73.132 người) [2, trang 475]. Điều này cũng cho thấy, đối với các trường chưa đủ tiềm lực về ngân sách hoặc chưa có chính sách hấp dẫn trong tổ chức quản lý, điều hành, thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp cho GV của mình nên việc tuyển dụng và giữ chân các GV chất lượng là một thách thức rất lớn. - Chưa đảm bảo về chất lượng. Chất lượng của nguồn lực GV biểu hiện từ phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo, sự tâm huyết nhiệt tình cống hiến, tinh thần ham học hỏi cầu tiến, tư duy đổi mới, sáng tạo, nhạy bén của người GV cho đến trình độ chuyên môn, học hàm, học vị, tay nghề sư phạm, hiểu biết xã hội, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của họ… Chất lượng GV chính là điều quan trọng bậc nhất đối với trường đại học. Theo đại diện Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho hay, dù tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ năm năm học 2021 - 2022 tăng lên nhưng số lượng GV có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư giảm đi so với mọi năm. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tổng số GV làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người. Trong đó, tỷ lệ GV đại học đạt chức danh giáo sư chỉ là 0,89%, phó giáo sư là 6,21%, tỷ lệ này được đánh giá là thấp [Trích theo 4]. Rất nhiều GV đại học có học vị tiến sĩ, phó giáo sư hoặc tham gia giảng dạy rất lâu năm nhưng hầu như không có được công trình nghiên cứu tương xứng hoặc chưa thực hiện một công trình nào. Thêm nữa, số cơ sở GDĐH có bài báo (trên tạp chí ISI/Scopus) rất khiêm tốn, mặc dù số lượng GV và chức danh khoa học tương đối lớn [2, trang 476]. Phương pháp dạy học, công tác thi kiểm tra, đánh giá của đội ngũ GV chậm đổi mới. Nội dung giảng dạy còn nặng về lý thuyết, sách vở, chưa phù hợp với đặc thù khác nhau của các loại hình cơ sở giáo dục, vùng miền và các đối tượng người học… [3, trang 428]. Năng lực ngoại ngữ, khả năng hội nhập và làm việc, giao lưu học thuật 301
  5. trong môi trường quốc tế của GV chưa nhiều; tư duy đổi mới sáng tạo của GV trong dạy học chưa đáp ứng được tâm lý, nhu cầu người học trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, tác động mặt trái nền kinh tế thị trường, của đời sống xã hội đến phẩm chất chính trị, lối sống của đội ngũ GV làm cho không nhỏ lực lượng này nảy sinh tâm lý so sánh, thiếu yên tâm, chạy theo giá trị vật chất, “nhảy việc”… ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. 2.3. Giải pháp phát triển nguồn lực GV trong xu thế tự chủ đại học Xuất phát từ vị trí, vai trò của GV và những vấn đề đặt ra đối với GV trong bối cảnh đại học tự chủ hiện nay, để có thể cạnh tranh được trong thị trường giáo dục, các trường đại học cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho mình, trong đó việc phát triển nguồn lực GV là một vấn đề cấp thiết trên hết, có tính quyết định trong nguồn nhân lực của cơ sở GDĐH. Giải pháp phát triển nguồn lực GV là tổng thể các chiến lược, chính sách, các cách thức, biện pháp tác động nhằm gia tăng đội ngũ GV về số lượng, đảm bảo về chất lượng và cơ cấu, làm cho đội ngũ GV này trở thành nguồn lực góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và đáp ứng yêu cầu khác của cơ sở GDĐH. Để phát huy được nguồn lực GV, xin đề xuất một số giải pháp sau: 2.3.1. Giải pháp phát triển về số lượng GV Số lượng GV phụ thuộc vào nhu cầu đào tạo của nhà trường, số lượng SV, loại hình và chuyên ngành đào tạo, khả năng đảm bảo ngân sách của nhà trường… Để phát triển về số lượng nguồn lực GV, cần tập trung vào những vấn đề sau: - Xây dựng các chính sách về lương, thưởng nhằm thu hút GV. Trong cuộc sống hiện nay, hiện tượng “chảy máu chất xám” nói chung và “nhảy việc” của GV nói riêng phần lớn do chính sách tiền lương, tiền công chưa thỏa đáng, chưa làm cho GV yên tâm gắn bó với cơ sở giáo dục. Trong cơ chế thị trường, chính sách sử dụng GV có hiệu quả bao gồm nhiều yếu tố, nhưng tiền lương, tiền công là yếu tố hàng đầu, có tính quyết định (Nguyễn Thị Ngọc Mai, 2022). Do vậy, vấn đề hàng đầu để đảm bảo về số lượng GV thì phải có chính sách tiền lương, các phúc lợi và các cơ hội phát triển nghề nghiệp để thu hút và giữ chân các GV chất lượng. Triển khai và công khai các chính sách hỗ trợ tài chính để GV có thể đề xuất các dự án nghiên cứu và phát triển sáng kiến. Đồng thời, nhà trường cũng nên hỗ trợ tài chính cho GV và SV để đảm bảo các hoạt động nghiên cứu của họ được thực hiện một cách hiệu quả. - Tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho GV. Môi trường làm việc thuận lợi là một yếu tố quan trọng để giữ chân GV. Do vậy, các trường đại học quan tâm đầu tư vào CSVC và thiết bị giáo dục đảm bảo CSVC để GV giảng dạy, nghiên cứu một cách hiệu quả. Đồng thời xây dựng một môi trường làm việc văn hóa, dân chủ, đoàn kết, cởi mở thông qua các sinh hoạt chung, các hội nghị, hội thảo, các hoạt động ngoại khóa,… - Quan tâm đến hoạt động động viên tinh thần, tôn vinh GV. Hoạt động này làm cho đội ngũ GV vừa thấy được vinh dự, tự hào vừa thấy được trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục nơi công tác cũng như đối với đóng góp trong xã hội. Thông qua việc truyền thông rộng rãi các hoạt động đời sống tinh thần của đội ngũ GV của các trường đại học nhằm thu hút lực lượng GV, nhất là GV trẻ cũng như giữ chân các GV lâu năm. 302
  6. 2.3.2. Giải pháp phát triển đảm bảo về cơ cấu nguồn lực GV Phát triển nguồn lực GV về cơ cấu luôn được Đảng, Nhà nước và các trường đại học quan tâm để đảm bảo cân đối giữa giới tính, trình độ học vấn, độ tuổi… để đáp ứng các hình thức và chuyên môn đào tạo, đặc biệt đáp ứng nhu cầu học tập của SV. Để đảm bảo cơ cấu nguồn lực GV, trước hết, các trường đại học cần phân tích kỹ tình hình GV (về số lượng, về chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực, về độ tuổi, học vấn…); hình thức đào tạo, về chuyên ngành đào tạo để phân phối, cân đối nguồn lực GV cho phù hợp, tránh quá tải hoặc dư thừa. Đặc biệt nghiên cứu nhu cầu học tập, nghiên cứu của SV (bởi chính họ là nguồn thu nhập, là khách hàng của nhà trường) để sử dụng GV phù hợp với nhu cầu của SV. Cân đối giữa lực lượng GV lâu năm và GV trẻ kế cận bảo đảm đồng đều; thu hút GV nữ để đảm bảo tỉ lệ và nhu cầu học tập của SV, nhất là SV nữ. Quan tâm xây dựng số GV đầu ngành, có học hàm học, vị cao, GV gạo cội làm cơ sở để bồi dưỡng, phát triển lực lượng GV trẻ, GV kế cận giữa các khoa, bộ môn. 2.3.3. Giải pháp phát triển về chất lượng nguồn lực GV Đây là vấn đề hàng đầu, mang tính quyết định nhất trong phát triển nguồn lực GV bởi suy cho cùng chất lượng mới là nền tảng, là cái cốt lõi. Để phát triển đội ngũ GV về chất lượng, cần nghiên cứu các vấn đề sau: - Xác định khung tiêu chuẩn của GV phù hợp với từng chuyên ngành nhưng không thấp hơn quy định của Bộ GD&ĐT. Tiêu chuẩn chính là cán cân để đong đo đếm GV về phẩm chất, trình độ chuyên môn, tay nghề sư phạm và các năng lực công cụ khác. Khi có các tiêu chuẩn được đề ra thì mới xác định được đối tượng, nội dung, phạm vi để bồi dưỡng, phát triển GV và việc tự bồi dưỡng của đội ngũ GV. Tiêu chuẩn này không nên áp dụng đồng đều cho tất cả GV mà phải theo độ tuổi, theo từng chuyên ngành, theo học vị khác nhau để áp chuẩn cho phù hợp. - Quan tâm bồi dưỡng ý thức lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, lòng tự trọng nghề nghiệp. Đây chính là bồi dưỡng cái “đức” cho GV, bởi nếu không có một phẩm chất của người thầy chân chính thì dù có được trọng dụng đến đâu, chính sách hay đến đâu cũng sẽ có lúc họ rời xa tổ chức, chạy theo lợi ích cá nhân. Một khi người GV có được lập trường chính trị tốt, có lòng tự trọng nghề nghiệp cao, có ý chí khát vọng vươn lên… thì dù bản thân họ có thiếu về chuyên môn, họ cũng luôn tìm cách mà vươn lên để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, họ cũng sẽ biết chia sẻ với nhà trường trong những lúc khó khăn, biết giữ gìn danh dự, uy tín cho nhà trường. - Chú trọng bồi dưỡng năng lực chuyên môn, kỹ năng tay nghề sư phạm. Đây là yếu tố quan trọng giúp GV đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của trường đại học. Trong đó, tập trung bồi dưỡng về kiến thức chuyên ngành, liên ngành đủ độ sâu, độ rộng; bồi dưỡng phương pháp dạy học phù hợp với nhu cầu của SV, bám sát chuẩn đầu ra, nhất là các phương pháp dạy học hiện đại phát huy tính tích cực học tập và hình thành năng lực cho SV; bồi dưỡng cách tổ chức dạy học trong lớp học đông người; bồi dưỡng về phương pháp ứng xử với các tình huống sư phạm. Hiện nay, cần coi trọng bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT, khai thác học liệu số trong quản lý, giảng dạy phù hợp với chuyển đổi số hiện nay. - Bồi dưỡng về năng lực nghiên cứu khoa học. Trong đó, bồi dưỡng kỹ năng phát hiện các vấn đề khoa học; nhất là các phương pháp, quy trình công bố bài báo khoa học quốc tế; bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học. Đồng thời quan tâm bồi 303
  7. dưỡng năng lực ngoại ngữ, CNTT đảm bảo cho GV khai thác, nghiên cứu tài liệu và giao lưu học thuật với các trường đại học, các tổ chức giáo dục trên thế giới. - Bồi dưỡng về kỹ năng xây dựng, triển khai và phát triển chương trình đào tạo ở các cấp cho GV. Trong đó bồi dưỡng phương pháp triển khai thực hiện chương trình đào tạo của nhà trường thành chương trình đào tạo của khoa cho đến môn học, học phần và bài học bảo đảm thống nhất; bồi dưỡng kỹ năng xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra học phần, môn học, bài học; bồi dưỡng phương pháp khảo sát, phát triển chương trình đào tạo sát thực tiễn, phát triển năng lực SV. - Bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cũng như những kỹ năng mềm cần thiết cho GV. Ngoài vai trò là nhà giáo, nhà khoa học, GV còn là nhà cung ứng dịch vụ. Do đó, cần bồi dưỡng cho GV phương pháp hỗ trợ SV trong học tập, trong đời sống, giúp họ vượt qua khó khăn trong nhận thức; bồi dưỡng cách tư vấn cho SV trong việc lựa chọn môn học, các vấn đề khác liên quan đến học tập. Ngoài ra, quan tâm bồi dưỡng cho GV về kỹ năng mềm cần thiết, nhất là GV trẻ để họ thích ứng với thay đổi nhanh chóng của đời sống và công việc. 3. KẾT LUẬN Trong bối cảnh tự chủ hiện nay, để trụ vững trong thị trường GDĐH, thực hiện được sứ mệnh của mình, đòi hỏi các trường đại học phải có những chính sách về tự chủ khoa học, thực thi, toàn diện từ xây dựng nguồn nhân lực, phát triển chương trình đào tạo, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, liên kết trong đào tạo, hoạt động kiểm định chất lượng cho đến các chính sách tài chính, xây dựng cơ sở vật chất… Tuy nhiên, điều quan trọng được đặt lên hàng đầu trong số đó chính là xây dựng nguồn nhân lực, trọng yếu nhất là nguồn lực GV. Bởi lẽ nguồn lực GV là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất đến chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và do đó quyết định đến thương hiệu của một trường đại học. Nguồn lực GV đồng thời là hạt nhân cơ bản có ảnh hưởng, chi phối đến các nguồn lực khác. Do vậy, các cơ sở GDĐH cần đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng GV, đảm bảo cho nguồn lực này luôn phát triển cả về số lượng, đảm bảo về cơ cấu và nhất là đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu tự chủ của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Dương Thị Hương (2022), Phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học theo tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia, NXB Đại học Huế, tr.487-495. [2] Nguyễn Thị Nội (2022), Động lực thu hút GV tại các cơ sở GDĐH trong quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia, NXB Đại học Huế, tr.473-480. [3] Nguyễn Thị Ngọc Mai (2022), Giải pháp xây dựng đội ngũ GV và trọng dụng nhân tài trong GDĐH, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia, NXB Đại học Huế, tr.424-431. [4] Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, (https://giaoduc.net.vn/so-luong-gs-pgs-giam-vi-viec- xet-dang-dan-tiem-can-trinh-do-quoc-te-post230155.gd). 304
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2