intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phép màu

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

44
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tôi hết sức bàng hoàng, và lo lắng khi nghe tin anh Lam bị đứt mạch máu não đang nằm trong bệnh viện. Tôi phóng ngay tới nơi. Nhìn qua khe cửa khép hờ của phòng cấp cứu, tôi cố nhận diện anh Lam giữa hai dãy giường sắt, trên có những con người đang nằm thiêm thiếp, tay chân mồm mũi lằng ngoằng dây, nối với các ống truyền nước biển, truyền ô-xy, nối với những chiếc máy nhấp nháy đèn xanh đỏ, như nắm níu sự sống mong manh... ......

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phép màu

  1. Phép màu Truyện ngắn của Trần Thanh Giao Tôi hết sức bàng hoàng, và lo lắng khi nghe tin anh Lam bị đứt mạch máu não đang nằm trong bệnh viện. Tôi phóng ngay tới nơi. Nhìn qua khe cửa khép hờ của phòng cấp cứu, tôi cố nhận diện anh Lam giữa hai dãy giường sắt, trên có những con người đang nằm thiêm thiếp, tay chân mồm mũi lằng ngoằng dây, nối với các ống truyền nước biển, truyền ô-xy, nối với những chiếc máy nhấp nháy đèn xanh đỏ, như nắm níu sự sống mong manh... ... Chị Duyên, vợ anh Lam, kể sơ diễn biến bệnh tình của anh từ nửa đêm qua tới giờ, cuối cùng chị nói: - Bác sĩ bảo anh hôn mê sâu, tình trạng rất xấu. Hạn chế tiếp xúc... Tôi ra về, chỉ còn biết nén tình cảm lại và chờ đợi... một phép màu. *** Tôi và anh Lam là bạn thân, cùng ở chung một đơn vị thời kháng chiến gian khổ. Anh thuộc lớp học sinh thành thị, khá đẹp trai, đàn hay hát giỏi, biết làm việc và nói năng lưu loát. Nhiều cô gái mê anh, kể cả các cô văn phòng cũng như các cô trong những xóm chúng tôi đóng quân. Tính anh cũng khá "bay bướm", ai anh cũng có cảm tình, nhưng quả thật, anh chưa kết với ai. Nói cho đúng, anh là một người sống có trách nhiệm, được mọi người mến yên, tin tưởng. Với tài đó, đức đó, anh dần được cấp trên "chấm" và giao cho những trách nhiệm từ thấp tới cao. Đến bây giờ, anh đã là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Nay anh bị tai biến, cả tỉnh đều lo lắng. Người ta đã dự tính danh sách ban lễ tang, chọn người viết điếu văn...
  2. Chị Duyên, ngày trước là nhân viên văn thư đánh máy của văn phòng. Chị hiền dịu, tuy không thật "sắc sảo mặn mà", nhưng rất có duyên. Nhiều người mê chị. Ai cũng bảo: lấy được một người như chị Duyên làm vợ thì thật có phúc. Chị không phải là người để anh Lam yêu mê say đắm. Nhưng anh đến tuổi phải có vợ và chị đúng là một người vợ "ích tử, vượng phu". Hai người gặp nhau, lấy nhau như một lẽ đương nhiên. Anh có chị lo hậu phương vững chắc nên cứ thăng tiến dần. Chị có anh cũng nở mày nở mặt. Qua hơn chục năm chung sống, hai anh chị sinh được ba cháu gái, thông minh, học giỏi... Thỉnh thoảng có người chọc anh chỉ có "ba con vịt giời", anh cười, tặc lưỡi: "Số phận mà, phải chấp nhận thôi. Vả lại thời buổi này, đâu có ai nặng lòng vì chuyện con trai, con gái..." Bây giờ anh nằm đó, rủi có bề gì thì lấy ai mà chống gậy đây... Anh Lam hôn mê suốt ba mươi ngày đêm thì được bệnh viện kéo về từ cõi chết. Anh đã tỉnh lại. Đúng là có phép màu chăng? Tôi chạy ngay tới bệnh viện thăm anh. Thật ra, "phép màu" cũng chỉ có thể cứu anh khỏi chết. Nhưng anh bị liệt nửa người, giọng nói méo mó, đầu óc lắm khi ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Điều trị một thời gian nữa, bệnh anh đã "ổn định", bệnh viện trả anh về nhà, với lời dặn kỹ: tránh để anh bị xúc động mạnh. Tôi liền đến nhà thăm anh. Anh cố đưa bàn tay phải ra bắt tay tôi, nhưng anh bất lực vì nửa người bên phải đã liệt rồi. Tôi đọc được nỗi đau trong ánh mắt anh, khi anh phát ra những tiếng ngọng nghịu, chào tôi và chìa bàn tay trái run run về phía tôi... Tôi nắm mấy ngón tay mềm nhũn, nhìn gương mặt dày bự, ngẩn ngơ như trẻ nít, thương anh quá... Anh còn sống đó, nhưng đã bị cuộc sống loại bỏ ra rồi... Nhìn quanh, tôi thấy khá đông bạn bè, người quen... Chị Duyên luôn cố gắng nở cười, trả lời những câu thăm hỏi gần như là giống nhau của những người đến sau, đến trước; những câu trả lời cũng gần giống nhau, lặp đi lặp lại. Ai ra về cũng nói chị thật có phước khi anh từ cõi chết trở về. Thầy hay thuốc giỏi đã đành, nhưng không phải ai cũng có phước. Thôi, bây giờ chỉ lo chăm sóc cho anh, mọi việc "đời" coi như bỏ hết... Trong đám đông bạn bè thân sơ ấy, tôi chợt thấy đôi mắt lạ lùng của một người phụ nữ đứng lấp ló tít đàng xa. Đôi mắt lặng lẽ, mang một nỗi đau còn sâu hơn nỗi đau trong đôi
  3. mắt chị Duyên ngày đầu tiên anh đôt quị. Chị Duyên đau còn có thể kêu đau để mọi người chia sẻ, còn người phụ nữ kia đau đớn hơn nhiều mà chẳng dám kêu đau! Nỗi đau chỉ hiện hình lên đôi mắt. Phải rồi, tôi nhớ đôi mắt ấy và nhớ ra gương mặt chị, tuy chị đã thay đổi nhiều sau gần mười năm "mất tích", để anh Lam có thể lên được chỗ đứng hôm nay. Đúng hơn là chỗ đứng hôm qua... Anh Lam là một con người "bay bướm" nên nhiều chị em bắt được tín hiệu ấy và đến với anh. Nhưng vì có trách nhiệm nên anh không dối mình cũng không lừa người. Khi có ai đó nói rằng "em yêu anh nhưng chỉ có mình em chứ không còn ai khác", thì anh thu mình lại, lẳng lặng rút êm. Anh biết, những người phụ nữ yêu anh đều là những người có tâm hồn rất gần gũi anh, họ chân thành và đứng đắn, yêu anh và muốn xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu bền với anh. Anh cũng muốn lắm chứ. Nhưng thật lòng mà nói, anh đang thiếu - hay đúng hơn đang khát - tình yêu, chứ hạnh phúc gia đình anh không thiếu. Anh chẳng lấy chị Duyên vì hạnh phúc gia đình đó sao? Xem ra kiếm được người yêu khó hơn kiếm được chồng hay vợ. Càng khó hơn khi tìm ra người tri kỷ. Hình như con người chỉ tìm được chồng hay vợ, còn người yêu hay tri kỷ, việc ấy là của trời cho. Vậy nên những người để trái tim mình rung động vì anh dần dần cũng biết kìm nén lại, không đến với anh nữa, để đi tìm một cuộc sống hạnh phúc bình thường, mà có khi họ cũng chẳng tìm ra. Chỉ có chị là khác. Chị đến với anh vì chị yêu anh, dù biết anh đã có vợ có con. Chị không đòi anh phải cam kết "chỉ có em chứ không còn ai khác". Chị biết anh không làm được điều đó. Chị chỉ cần anh thật lòng yêu chị, yêu không dối lòng mình. Chị có bằng thạc sĩ kinh tế, nghề nghiệp vững vàng, yêu âm nhạc, thích văn chương. Phải nói là chị khá xinh đẹp nhưng ngoài bốn mươi rồi mà chị vẫn sống độc thân. Chẳng biết chị quá lo học lo làm hay chị quá kén chọn. Dòng chảy cuộc đời đưa chị đến gặp anh, hay trời xui khiến chị gặp anh chăng? Lần đó, chị từ Hà Nội đi dự một cuộc họp ở Đà Lạt. Anh từ tỉnh cũng đến hội nghị ấy. Mọi người ở chung một khách sạn, họp chung, ăn chung... Trong hội nghị, anh nói ngắn gọn, nhưng ý kiến thật sắc sảo. Anh nói những điều chị rất muốn nói nhưng chưa biết diễn đạt thế nào. Nghe anh, mắt chị rực sáng. Trong tiếng vỗ tay vang dậy và kéo dài của cả hội trường, chị nhận ra ở anh một đồng chí, một
  4. đồng minh, hơn nữa, một người "soi đèn" trong cuộc sống mà chị cảm thấy rất tù mù, ngột ngạt, cần thay đổi nhưng chẳng biết phải thay đổi ra sao... Buổi sáng, chị xuống phòng ăn sớm, đi la cà xem xét bữa ăn tự chọn: phở, hay bánh cuốn, hay bánh mì ốp-la, sốt vang... đây? Chị liếc nhìn khắp phòng... Anh đến sau chị, chọn ngay món phở. Chị cũng chọn ngay phở và bưng đến: - ... Em ngồi đây được không? - Mời cô... Cô cũng thích phở? - Vâng. Người mình xa xứ còn nhớ phở. Em dân Hà Nội mà không nhớ phở Hà Nội sao? Anh cười: - Thật ra quê của phở là ở Nam Định... Chị ngạc nhiên vì một người nói giọng Nam bộ lại biết rõ quê gốc của phở. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nói tiếp: - Nhưng khi lên Hà Nội, phở mới thật là phở Việt Nam... Người phụ nữ nào mà không thích nịnh. Chị cũng vậy thôi. Suốt buổi sáng đó, chị lâng lâng với ý nghĩ: mình là người Hà Nội. Buổi trưa, chị cũng "tình cờ" ngồi chung mâm với anh. Bữa ăn được khai vị bằng vang Đà Lạt. Có người chê vang Đà Lạt dở. Có người nói nó cũng không dở lắm đâu, vì nó được chọn làm thức uống trong các cuộc tiếp đãi sang trọng. Người chê vang Đà Lạt dở nói: "Tôi uống vang Bordeaux nhiều rồi. Vang Đà Lạt làm sao sánh kịp." Mọi người cùng cười. Anh chỉ tủm tỉm và chẫm rãi nói: "Vang Bordeaux hay vang Đà Lạt cũng có nhiều loại. Chắc anh uống Bordeaux lâu năm đựng trong thùng gỗ sồi..." - "Đúng rồi!" - "Và chắc đó là thùng gỗ sồi bị sét đánh nên anh mới nhớ Bordeaux đến như vậy?" Mọi người cười phá lên. Chẳng biết vang đựng trong thùng gỗ sồi bị sét đánh ngon đến mức nào nhưng chị nếm vang Đà Lạt hôm đó thấy nó ngon như ... sét đánh!
  5. Buổi cơm chiều, chị lặng lẽ tìm anh để ngồi cùng, nhưng không thấy. Mãi sau, khi mọi người ăn gần xong, có người đã đứng dậy lên phòng, chị mới thấy anh ôm cặp từ ngoài đi vào, vẻ vội vã. Chị "tình cờ" bước ra: - Anh ăn tối chưa? - Chưa. Có chút việc ở tỉnh, tranh thủ làm cho xong. - Em cũng bận nên bây giờ mới xuống. Còn mâm trong kia, ta vào đi anh. Khi hai người ngồi xuống, chị đùa: - Dù tuyết rơi gió nổi / Em vẫn đợi anh về... Mắt anh sáng lên, nhìn chị, bỗng anh chợt cười: - Dù có ai đến hỏi: / Anh đi ăn tiệc rồi? / Dù có ai đến nói: / Anh vẫn còn rong chơi / Thì em ơi cứ đợi... Họ hiểu nhau... Và sau đó, trong các buổi tham quan đỉnh Lang Bian, hay đi chơi hồ Tuyền Lâm, chị cứ "tình cờ" ở cạnh bên anh. Họ có rất nhiều chuyện để nói với nhau, nói mãi không dứt, dường như trên đời này chẳng có thú nào vui hơn là được ở bên nhau và trò chuyện cùng nhau. Sau đó, chị xin chuyển công tác về tỉnh này. Cũng chẳng khó khăn gì vì tỉnh đang "trải thảm đỏ" đón người tài. Ở chung thành phố, họ có điều kiện gặp gỡ nhau thường xuyên. Rồi chị chủ động "thiết kế" những cuộc đi chơi với những lý do rất "hợp lệ", "hợp pháp". Bạn bè thân quen thấy hai người kết nhau, lấy làm lo ngại cho anh, đúng hơn là lo ngại cho cái ghế của anh, vì mất anh, tỉnh sẽ mất một cán bộ lãnh đạo tốt. Chị cũng biết vậy nên về sau cố tránh những cuộc hẹn hò, gặp gỡ anh, "rút lui vào bí mật". Có lần chị gặp tôi, đưa cho tôi tập sách của Stephan Zveig, trong có truyện Bức thư của người đàn bà không quen. Ít lâu sau, chị hỏi ý kiến tôi về tập sách đó. Tôi biết ý chị nên chỉ nói: truyện rất hay. Chị cười buồn: "Hay, nhưng tác giả của nó chẳng được một giải thưởng nào hết. Tôi đọc một số tác giả được giải Nobel nhưng tôi thấy ông này viết hay hơn họ..." Tôi hỏi: "Theo chị thì hay chỗ nào?" - "Hay ở chỗ chỉ cần yêu và được yêu thôi. Thậm chí giả vờ làm điếm để được sống hết mình một đêm với người mình yêu
  6. dấu... Giống y các cụ ta từng nói Một ngày quân tử gần kề..." Tôi nhìn chị ngạc nhiên: chị muốn "tuyên ngôn" gì chăng? Nhưng sự đời, yêu nhau đâu thể nào "bí mật". Tình yêu như đóa hoa tỏa hương, càng mãnh liệt hương càng đậm đà trong khí quyển... Anh không dám gặp chị thì chị đến gặp anh. Chị rất tài nghĩ ra nhiều cớ để đến gặp anh trong giờ làm việc. Gặp trong giờ chưa đủ, chị lại đến gặp anh tại nhà, đường hoàng, với những lý do thật chính đáng. Khi chị đến với bạn gái, khi đến với người phó của anh, khi rủ tôi cùng đến. Khi chị đến nói chuyện công tác, khi tình cờ trên đường ghé qua. Khi mang đến cho chị Duyên mớ rau tươi vừa mang về từ Đà Lạt, khi mang đến cho con anh một món đồ chơi... Chị Duyên tinh lắm, nhìn ánh mắt hai người rạng rỡ khi gặp nhau, chị biết ngay. Nhưng chị Duyên là một phụ nữ dịu dàng, điềm đạm. Tuy vậy, phụ nữ dịu dàng, điềm đạm không có nghĩa là không ghen. Dĩ nhiên, phụ nữ dịu dàng, điềm đạm ghen theo kiểu riêng của mình. Đầu tiên, chị Duyên tiếp khách rất ân cần, trọng thị, pha trà ngon trong bộ ấm chén mời khách quí; bánh trái cũng đựng trong những đĩa hoa sang trọng mang ra. Chị Duyên rót nước, đưa bánh tận tay khách. Khách gọi chị, xưng em, dịu dàng thân mật. Còn chị Duyên cứ một mực gọi cô, và giữ thái độ trọng thị chứ không thân mật. Tiếp theo, chị Duyên sắp một bữa cơm gọn mà sang, mời khách đến ăn. Khách từ chối thì dở mà khách nhận lời, tới nơi sẽ thấy một gia đình đang ấm êm, hạnh phúc. Khách sẽ tự hiểu và tự chuyển từ tình yêu sang tình mến thương, cảm phục... Nhưng nếu như vậy thì sao gọi là yêu. Mà chị đã yêu anh thì dù có mến thương cảm phục vợ anh, chị cũng cứ yêu. Chị nhận lời mời cơm, đến đúng hẹn, xách theo con vịt quay Bắc Kinh chặt sẵn. Trong bữa ăn, chị bắt chuyện với ba cháu gái về việc học hành, lướt web tìm học bổng, những chỗ làm lương cao ở các công ty... Các cháu thích thú vì những hiểu biết rộng, mới, về sự thông minh của cô, quấn lấy cô hỏi han không dứt... Chị Duyên cảm nhận được sự thua kém của mình, chuyển thái độ từ trọng thị sang lạnh nhạt, khó chịu nữa... Chị quát con: "Ăn đi, nói chuyện hoài..." Chị ấy im lặng... Chị biết cái đòn "lễ tiên binh hậu", chị biết lắm chứ. Nếu chị cứ tiếp tục yêu anh thì sẽ đến màn "thương thuyết": Tôi van xin cô, cùng chị em phụ nữ với nhau... Thương thuyết không xong thì sẽ
  7. tới chuyện "binh nhung". Nhung ở đây không có nghĩa là cung nỏ giáo mác... mà là những ngón đòn êm như nhung của một người phụ nữ dịu hiền điềm đạm: yêu cầu lãnh đạo cơ quan cô chuyển cô đi tỉnh khác, thậm chí gây ra một vụ kỷ luật; lãnh đạo cô không làm thì tôi sẽ có yêu cầu lãnh đạo tỉnh làm... Cho kỳ đến lúc "chỉ có một mình em". Về phần chị ấy, chị biết rõ nếu chị Duyên làm quyết liệt, anh sẽ chọn ai, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa là anh sẽ mất hết... Mà chị không muốn điều này xảy đến với anh, xảy đến với mảnh đất chị đang gắn bó... Nhưng chị ơi, em có đòi hỏi gì đâu, em yêu anh và em chỉ cần anh yêu em. Chị vẫn là vợ anh kia mà. Anh vẫn còn nguyên cái gia đình của mình mà. Tự em nuôi sống em được, sống đàng hoàng sung túc nữa, không phải dựa vào ai. Em mang thêm cho chị, cho anh, cho các cháu, chứ không hề lấy mất. Người phụ nữ nào chẳng ước mơ một gia đình hạnh phúc. Em cũng có thể kiếm được một gia đình êm ấm bình thường như chị. Nhưng trời bắt em phải kiếm thứ hạnh phúc khó hơn. Mấy mươi năm em đi tìm kiếm nó, giờ mới gặp. Chị cũng là phụ nữ, chị có hiểu cho em, thương em bị trời đày đi tìm thứ khó khăn đó không.. Và rồi việc phải đến cũng đến. Nhân một chuyến anh đi công tác ở Đà Lạt, chị cũng có lý do rất chính đáng để "bí mật" ra đi. Hai người đi riêng, ngày giờ khác nhau, nhưng gặp nhau một đêm ở cao nguyên thơ mộng: một đêm trong rừng vắng! Chị đến chỗ họp gặp anh, lặng lẽ đưa ra hai vé mua của một tua du lịch sinh thái trong rừng, đi cùng với tốp du khách người Pháp. Chiều đi, ngủ trong rừng một đêm, sáng hôm sau anh một mình về thẳng đến nhà, giờ giấc "ngoại phạm" được chị tính kỹ... Cô hướng dẫn tua cho xe dừng cuối đường mòn, đưa đoàn khách đi bộ khoảng hai cây số len lỏi vào rừng sâu. Trên đường đến nơi, anh sung sướng ngắm những mái lều tranh nho nhỏ và biệt lập, thấp thoáng trên lưng đồi, giấu mình giữa rừng thông hoang dã. Tại quầy tiếp tân, chị đưa vé nhận phòng đặt trước. Và anh thật bất ngờ: phòng cheo leo trên một ngọn cây cổ thụ, như một tổ chim. Bám cái thang nhỏ, anh theo chị trèo lên. Chị mở cửa phòng và anh thấy: trên sàn gỗ, tấm đệm và đôi gối bọc thổ cẩm, với hoa văn nhọn như núi và dốc như thác, rực màu đỏ của lửa và thẫm màu lam của rừng. Chị bật đèn giả hình
  8. nến, ánh sáng vàng trên vách lung linh. Anh vào rửa mặt ở toa-lét sát bên, nhỏ và sạch, lơ lửng giữa cành cây... Khi người phục vụ mang giúp hành lý vừa cúi chào, quay xuống, chị đóng cửa phòng lại, miệng nở cười, mắt rực sáng, dang rộng hai tay mời anh. Lần đầu tiên họ hôn nhau, hôn trên ngọn cây, nụ hôn chờ đợi từ lâu, kéo dài theo gió lạnh triền miên đung đưa cành thông xào xạc. ... Họ xuống ăn tối bên đống lửa hồng. Những gộc củi to cháy rực, phả hơi ấm sực mặt anh. Thỉnh thoảng gió lạnh tạt vào, lửa bắn ra hoa cà hoa cải ửng hồng má chị. Anh nướng những bắp ngô và mấy xâu thịt rừng để sẵn trên khay, cắm vào que xiên, trở lại qua trên ngọn lửa, rồi mang đến cho chị. Chị cắn ngay vào xâu thịt nướng bốc mùi thơm lừng, và tẻ những hạt ngô vàng sém. Anh nhìn bên cạnh: trên quầy rượu giả dạng một hốc cây sần sùi, đủ loại bia và rượu mạnh, từ cô-nhắc XO đến uýtxki xanh sậm... Anh gọi thức uống nhẹ mà sang cho chị, và một cô gái mặc đồ thổ cẩm tuyệt đẹp mang ra... Vừa ăn, cả đoàn du khách vừa trò chuyện. Chị không ngờ anh nói tiếng Pháp với khách du lịch lưu loát như vậy. Chị biết anh có tiếng Pháp, nhưng tiếng Pháp tới mức nào thì hôm nay chị mới rõ. Bữa ăn xong, khách ngồi lại bên đống lửa hồng cho qua buổi tối rừng sâu không trò giải trí. Chủ khách sạn "ngọn cây" đưa ra một chiếc ghi ta. Không ai biết chơi. Chị đón lấy, trao cho anh. Anh ôm đàn, so dây, vào nhịp tăng-gô, bảo chị hát bài Đêm đông. Chị không hiểu vì sao anh lại biết chị thích nhạc "tiền chiến" nhưng rất xúc động, cất lên tiếng hát theo nhịp đàn và ánh lửa bập bùng: Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông . . . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Thân lãng du cô liêu chán chường Về đâu giữa trời đông đêm trường Đêm giữa rừng u tịch, chị làm mọi người thấm đẫm cái lạnh đêm đông, lạnh buốt tâm hồn...
  9. Anh dịch lời bài hát cho du khách nghe, họ trầm trồ vì ca từ đẹp, giai điệu mượt mà, và cũng vì những người bạn Việt Nam đã "thấu tình cô lữ đêm đông... xa nhà" trong rừng sâu. Chẳng biết có phải điệu tăng-gô của Đêm đông gợi cảm xúc hay không mà một cô đầm trẻ cao hứng nhờ anh đánh bài Histoire d'un amour (Chuyện một mối tình), cũng là điệu tăng-gô, cho cô hát. Cô hát thật tha thiết, thật đắm say, có lẽ cô hát cho người cô yêu đang ngồi cạnh cô và cho mọi người đang yêu trên thế gian nhớ mãi cái đêm rừng kỳ lạ của Việt Nam. Anh dịch cho chị nghe lời cô gái đang hát lên mối tình của họ. Bản nhạc này mọi người yêu nhau trên thế giới đều biết, nên khi cô gái vừa hát dứt, anh hát tiếp lời Việt, hát riêng cho chị nghe. Bài hát chấm dứt bằng câu: Lệ tình tuôn như sông chẳng dứt đâu Còn làm cho bao nhiêu người đớn đau Và thành muôn lời hát ru nhau. Cuộc chơi càng về khuya càng lắng đọng. Các du khách Pháp yêu cầu anh kể chuyện đường rừng, vì ở giữa rừng, còn gì thú vị hơn là nghe chuyện đường rừng. Anh vâng lời, kể một chuyện mà trong những chuyến đi thơ mộng, lần nào anh cũng kể cho chị nghe. Lần này cũng vì chị ... Một tốp thợ săn bẫy được con heo rừng cái thật to, nhốt nó trong rọ thép. Ban đêm, heo rừng đực, bự và cao như con gấu, với cái mõm dài, lông vàng và cứng như dây đồng, hai nanh trắng nhọn cong vút, ra cắn rọ định giải thoát cho bạn tình. Nhưng rọ đan bằng dây thép, răng heo không sao cắn được. Heo cái bèn lùi sát lại, đưa mông cho bạn. Heo đực phủ lên.... cái rọ. Tốp thợ săn thấy động vội mang súng ra bắn. Heo đực bị thương, lê một chân què bỏ chạy vào rừng, cùng những giọt máu rơi thành vệt đỏ. Sáng sớm, bọn thợ săn ra xem, thấy vết chân heo to quá, vừa mừng vừa sợ. Họ xách súng lần theo vết máu truy tìm. Đến một bụi rậm cây mọc um tùm, vệt máu mất hút. Lùng sục chung quanh chẳng thấy tăm hơi con heo. Bỗng họ nghe một tiếng hộc thật lớn, như trút hết căm giận, rồi bóng heo rừng đồ sộ từ chỗ nấp vụt ào ra, đầu cúi thấp, răng như hai
  10. mũi kiếm trắng ngà, theo đà đánh đầu hất ngược lên bụng tay thợ săn gần nhất. May cho tay thợ săn lão luyện, nghe tiếng gió vội nhảy trốn sau cây, nanh heo táng vào thân cây, xé toạc một lớp gỗ lớn bắn tung lên cao, nhựa cây trào ra, đỏ bầm, đặc quánh. Bọn thợ săn hoảng kinh hồn vía, vừa nổ súng loạn xạ vừa vội vã rút lui, trong khi con heo mắt đỏ hận thù vẫn còn rình đâu đó... Họ biết phải dùng chước, chứ không thể lấy sức mà chọi heo trong bụi rậm giữa rừng... Đúng như họ tính, đêm sau, heo đực lại lê cái chân gãy, mò ra. Bị nhốt trong lồng hẹp, không xoay trở được, nhưng heo cái vẫn còn cách là chìa hai mông, giữa có cái hoa mọng bóng và trơn nhẫy qua mắt lưới thép. Heo đực ngửi thấy mùi, cuống cuồng vội vã chồm lên. Bọn thợ săn đã rình sẵn bèn giương súng... Nhưng lần này heo đực không bỏ chạy. Bất chấp tiếng súng nổ kinh hoàng, bất chấp những hòn đạn sượt qua lớp da dày như áo giáp, nó cứ phủ lên lưng, ôm chặt bạn tình qua lưới rọ thép. Cũng bất chấp cái chết vừa bay đến theo viên đạn ghim đúng vào đầu, máu đỏ chảy ròng ròng xuống môi heo cái, nó dồn dập trút hết sức lực cuối cùng, đáp lại tiếng heo cái đang rên rỉ đê mê, càng lúc càng rít cao gấp gáp, cho tới khi heo cái rú lên, đau thương và sung sướng tột độ, nó vẫn không chịu đổ xuống, chết cứng trong tim ruột bạn tình... Cả đám du khách Pháp trố mắt, há mồm ngồi nghe, cuối cùng ào lên, vỗ tay vang dậy. Cô đầm trẻ ngồi cạnh vụt chồm sang, ôm đầu anh, hôn lên má anh một cái rõ kêu. Chị không ghen, nhưng nước mắt tự hào lại rơi ra: các bạn gái ơi, cứ hôn người tình của tôi đi, anh ấy đáng để chúng ta hôn... Ông chủ khách sạn "ngọn cây" liền bước tới đưa cho chị hai thẻ VIP và nói khi nào anh chị muốn lên, cứ gọi điện báo trước, anh chị sẽ là khách quí cho các tua du lịch của ông... Thâu đêm, trong chiếc chòi nhỏ cheo leo trên ngọn cổ thụ giữa rừng sâu, đung đưa cùng gió lạnh và tiếng lá xạc xào, tiếng suối róc rách, chị tìm thấy cái hạnh phúc mà mấy mươi năm qua, chị đã bỏ cả tuổi xuân để đi tìm kiếm nó... ****
  11. Kết quả cuộc tình đêm ấy là cái bụng của chị cứ lớn dần. Cả tỉnh lỵ xì xào, bàn tán. Chị cứ tỉnh như không, ánh mắt đằm sâu, chưa tan niềm hạnh phúc. Đám cán bộ tỉnh rỗi hơi, nhất là cánh đàn bà, túm tụm nhỏ to: Một phụ nữ kiêu sa, đài các, tài năng như thế thì... Chỉ có anh! Như vầy còn "lãnh đạo" ai nữa... Anh cũng tỉnh như không, sẵn sàng nhận hết trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. Những ngày đó, chị Duyên gầy rộc đi, mắt trõm sâu, tóc thêm nhiều sợi trắng. Chị cảm thấy mất mát hẫng hụt đã kề bên; nếu làm căng ra, chị biết anh sẽ chọn ai. Chị sẽ mất hết, anh sẽ mất hết, còn "tình địch" thì được hết, vì cô ấy không cần tiền tài địa vị danh vọng của anh, cô chỉ cần tình yêu. Và nay cô đã đạt được, kiêu hãnh với cái bụng ngày một lớn của mình.. Hay là chị chấp nhận mất một phần, như ý cô muốn, còn hơn mất hết? Không, không đời nào, mất một phần rồi sẽ thành mất hết. Không, chỉ có một thôi, không thể có ai khác. Nhưng nếu chỉ có một thôi thì ... chị thua rồi, thua đau đớn. Chị thua vì chị chăm chút cho bữa cơm gia đình êm ấm, còn "tình địch" cho anh nếm thịt rừng nướng giữa đêm đông... Chị thua vì chị dựa vào "tổ chức", dựa vào "cơ chế"... Còn "tình địch" thì được hết, vì biết dựa vào sức mạnh vô biên của tình yêu... "Tình địch" "diễn biến hòa bình" mà chị "ngủ trên cơ chế". Chị thua rồi, thua đau đớn, đớn đau đến mức chị đã nghĩ tới cái chết... Nhưng đùng một cái, chị ấy "mất tích", chẳng biết đi về phương trời nào. Chị đi vì sự yên ổn cho trái tim chị Duyên, cho anh, và cho cả tỉnh. Và đúng như chị tính: mọi việc dần yên ổn lại. Bây giờ, hay tin anh thoát chết nhưng bị liệt nửa người, chị lại tìm về. Tôi lặng lẽ đi ra phía ngoài, đến bắt tay, mừng gặp chị. Chị nói chị muốn vào thăm anh, nhưng biết có chuyện gì xảy ra không. Tôi bảo chị chờ cho một chút rồi vào báo với chị Duyên. Chị Duyên chẳng đắn đo gì: "Anh cứ mời cô ấy vào giúp tôi." Chị chậm rãi đi vào, đến chào chị Duyên. Chị Duyên cầm tay chị, dắt đến hỏi anh Lam: - Anh có nhớ ai đây không?
  12. Anh nhìn chị. Trên nét mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn của anh, tôi thấy như vừa có tia sét giáng xuống. Anh vụt ngồi nhổm dậy, miệng phát ra một tiếng thật tròn vành rõ chữ, từ khi anh bị tai biến đến giờ: - Em! Anh chồm tới, đứng dậy, dang hết hai tay, kể cả cánh tay phải bất động hàng tháng nay về phía chị và kêu tiếp: - Em! Chị Duyên, theo phản xạ thường ngày, vội đứng dậy đỡ anh, miệng kêu lên sung sướng mà nước mắt lăn dài: - Ôi trời phật ơi! Tay chân anh cử động được rồi! Lạy Trời, lạy Phật! Anh đưa cánh tay phải ôm vai chị, siết chặt chị vào lòng và hôn lên má chị. Đến lượt chị ngẩn ngẩn ngơ ngơ, nói năng ấp úng: - Anh ... anh không sao chứ? - Ừ, anh không sao... Mọi người ùa đến vây quanh, vừa mừng vừa ngạc nhiên trước phép lạ: - Ôi, phúc đức quá! - Trời phật phù hộ anh! Một người đàn bà đến đập vai chị Duyên: - Đó, chị thấy chưa? Đúng là cái viên thuốc tôi kêu chị mua hơn tám mươi đô. Thuốc của Đồng Nhân Đường ở Bắc Kinh. Thuốc trị bịnh cho vua chúa ngày xưa mà! Đúng là anh có phước lớn! Sau khi mọi người vui sướng lần lượt ra về, chị Duyên mời tôi và chị ấy ở lại chơi, nói chuyện với anh Lam, rồi tất tả xuống bếp. Câu đầu tiên anh Lam hỏi chị: - Con đâu em?
  13. - Nó vẫn ở với em... - Trai hay gái? - Trai. Mặt anh Lam rạng rỡ hẳn lên, như vừa uống xong một chục viên thuốc Đồng Nhân Đường. - Nó chin tuổi rồi nhỉ? - Tám tuổi rưỡi. - Còn em? - Em vẫn như xưa... Em với nó đã là một gia đình rồi... Anh Lam không nói gì, cầm tay chị bóp chặt. Anh nhìn chị. Tôi thấy mắt anh rực lên tia sét của lòng biết ơn và tình yêu đắm đuối say mê không bờ bến... Mấy tuần sau đó, cả tỉnh lỵ ồn lên về phép lạ và về viên thuốc của Đồng Nhân Đường. Còn tôi, tôi tin vào một phép lạ khác... Anh Lam hồi phục nhanh chóng cùng với sự thăm viếng và chăm sóc hàng ngày của chị. Người ta đã bàn đến chuyện đưa anh trở lại công tác, nhưng anh viết đơn xin nghỉ việc... Đến khi mọi sự gần trở lại bình thường thì chị Duyên cũng trở lại thói "thường tình nhi nữ". Chị ghen, ghen dịu dàng, ghen điềm đạm. Chị ghen khi thấy hai người quấn quýt trò chuyện bên nhau, cả các cháu gái cũng quấn quýt bên cô, cái việc chị chẳng bao giờ làm được. Nhưng lần này, chị chỉ còn biết ghen khổ ghen sở mà thôi. Mọi ngón đòn ghen xếp lại rồi. Tóc chị thêm bạc trắng... Chị ấy thấy vậy nên đến chào chị Duyên, trở về với con. Trước khi đi, chị ấy đến gặp tôi, thở dài và hỏi: "Con người không thể vượt qua mình sao anh?" Tôi chẳng biết trả lời chị thế nào nữa... Chị đi được dăm hôm thì đùng một cái, tôi nghe tin anh Lam phải vào bệnh viện cấp cứu lần thứ hai. Lần này nặng hơn. Anh hôn mê sâu hơn, toàn thân bất động. Chị Duyên liền
  14. vội vã nhờ tôi nhắn tin cho chị ấy trở về. Chị Duyên mong chị mang con trở về bên anh Lam mãi mãi... Nhưng chị cũng chỉ trở về kịp đám tang anh Lam. Chị Duyên ôm chị ấy khóc nức nở: - Em ơi! Anh bỏ chúng ta đi rồi... Chị Duyên xé một mảnh vải trắng, đưa cho chị ấy. Chị khoác áo trắng đại tang lên mình đứa con trai và đặt lên đầu nó chiếc mũ mấn đã chờ sẵn. Chị bảo: - Con tới lạy cha đi. Đứa bé chin tuổi chẳng biết gì, chỉ làm theo lời mẹ bảo. Nó cúi lạy bức ảnh mà bây giờ nó mới biết người đó là cha. Đứa bé lạy xong bốn lạy, chị Duyên chỉ vào chiếc gậy dựng kề bên, ôm chị ấy, nước mắt chảy đầm vai người bạn gái: - Cảm ơn em, bây giờ anh đã có người chống gậy... *** Ngày nối đêm, chị Duyên tự dằn vặt mình khi nghĩ đến cái phép màu vừa qua đã cứu anh sống lại. Chị cứ trăn trở mãi không nguôi. Cái đau âm thầm, thấm thía hơn cái đau... ghen... Còn anh Lam? Anh có ân hận là mình đã sống không tròn trách nhiệm? Anh mất rồi. Tôi biết hỏi ai?
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2