intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản lý phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam - Tiếp cận từ góc độ chính sách của chính phủ

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Quản lý phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam - Tiếp cận từ góc độ chính sách của chính phủ" tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam thời gian qua ở khía cạnh phát triển bền vững, từ đó đưa ra các gợi ý về mặt chính sách của chính phủ nhằm tăng cường công tác quản lý đối với nội dung này. Các phương pháp mô tả, so sánh, phân tích dữ liệu thứ cấp thu thập được từ các cơ quản lý nhà nước ở Trung ương như Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là các phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản lý phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam - Tiếp cận từ góc độ chính sách của chính phủ

  1. QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH TẠI VIỆT NAM - TIẾP CẬN TỪ GÓC ĐỘ CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ Vũ Nam1, Phạm Hương Trang2, Chu Hà Giang1, Dương Nguyễn Hải Linh3 Tóm tắt: Ngày nay, phát triển du lịch bền vững đang trở thành một xu hướng bao trùm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, việc thực hành các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững đang được nhiều quốc gia khuyến khích và coi đó là một trong những hoạt động quản lý quan trọng của chính phủ đối với ngành du lịch, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch cũng đang dần chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh và phát triển bền vững nhưng cũng cần sự hỗ trợ về chính sách từ phía chính phủ và các cơ quan quản lý du lịch. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam thời gian qua ở khía cạnh phát triển bền vững, từ đó đưa ra các gợi ý về mặt chính sách của chính phủ nhằm tăng cường công tác quản lý đối với nội dung này. Các phương pháp mô tả, so sánh, phân tích dữ liệu thứ cấp thu thập được từ các cơ quản lý nhà nước ở Trung ương như Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là các phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu. Từ khoá: phát triển bền vững, chính sách nhà nước, cơ sở lưu trú du lịch. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong những thập kỷ gần đây, du lịch bền vững đã trở thành một chủ đề cấp thiết trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh của toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch đã tạo ra cơ hội kinh tế to lớn, nhưng cũng đồng thời gây áp lực nặng nề lên môi trường và các cộng đồng địa phương. Du lịch bền vững, với mục tiêu cân bằng giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, đang dần được nhìn nhận như một phương thức thiết yếu để phát triển ngành du lịch. Tại Việt Nam, du lịch đã và đang là một trong những ngành kinh tế trụ cột, thu hút đầu tư và tạo việc làm cho hàng triệu người. Đồng thời ngành du lịch của Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Với đóng góp 9,2% vào GDP quốc gia vào năm 2019 (trước đại dịch COVID-19) và tạo ra hàng triệu việc làm, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng trong ngành, với lượng khách quốc tế giảm 80% trong năm 2020. Điều này làm nổi bật nhu cầu tái cấu trúc ngành du lịch dựa trên các nguyên tắc bền vững. Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 1 Khoa Kinh Doanh, Đại học RMIT Việt Nam. 2 Khoa Du lịch, Trường Đại học TROY. 3
  2. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 479 Biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề đáng quan ngại, khi Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của nó. Sự gia tăng nhiệt độ và sự cố thời tiết cực đoan đang làm thay đổi cảnh quan du lịch và đòi hỏi các biện pháp quản lý cấp bách để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong hành vi và yêu cầu của du khách toàn cầu cũng là một yếu tố quan trọng. Theo số liệu từ Báo cáo du lịch bền vững năm 2022 của Booking.com thì 71% du khách toàn cầu bày tỏ mong muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới; 70% du khách nói rằng họ có xu hướng chọn một chỗ nghỉ bền vững hơn - cho dù họ có chủ ý tìm kiếm hay không, và 78% có ý định lưu trú tại một chỗ nghỉ bền vững ít nhất một lần trong năm tới. Điều này cho thấy một cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc phát triển du lịch bền vững nhằm thu hút một lượng khách hàng đáng kể quan tâm đến vấn đề này. Trong bối cảnh này, việc nâng cao hiệu quả quản lý và áp dụng các chính sách chính phủ hướng tới phát triển bền vững trở nên cấp bách. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững trong ngành du lịch và đã đề ra các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển này. Tuy nhiên, việc áp dụng các chính sách này trong thực tế vẫn còn nhiều thách thức, cả về phía các cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch. Nghiên cứu này nhằm mục đích khám phá cách thức các cơ sở lưu trú du lịch có thể thực hiện các chiến lược phát triển bền vững một cách hiệu quả, đồng thời đánh giá tác động của các chính sách hiện hành của chính phủ trong việc hỗ trợ sự phát triển này. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp mô tả, so sánh và phân tích dữ liệu thứ cấp để đánh giá hiện trạng và chính sách phát triển bền vững trong ngành lưu trú du lịch tại Việt Nam. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn có uy tín, bao gồm các báo cáo chính thức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các công trình nghiên cứu có liên quan đã công bố. Dữ liệu thu thập được phân tích dựa trên khuôn khổ chính sách hiện hành và các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững trong du lịch. Nhóm nghiên cứu sử dụng phân tích so sánh để xác định các điểm mạnh, điểm yếu và khoảng trống trong chính sách quản lý hiện tại của Việt Nam so với các tiêu chuẩn quốc tế và thực hành tốt nhất. Nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận đa chiều, xem xét các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, để đánh giá tính hiệu quả và khả năng thực thi của chính sách phát triển bền vững trong ngành du lịch. Phân tích này không chỉ giới hạn ở việc đánh giá các chính sách hiện tại mà còn nhìn nhận việc chính sách tương tác với các điều kiện thực tế trong quản lý ngành lưu trú du lịch.
  3. 480 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 3. DU LỊCH BỀN VỮNG VÀ CÁC CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM 3.1. Du lịch bền vững Du lịch bền vững và phát triển du lịch bền vững ngày này đang trở thành một khái niệm phổ biến cả trong nghiên cứu và quản lý du lịch. Mối quan tâm đến du lịch bền vững và nghiên cứu về du lịch bền vững được nở rộ sau Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro năm 1992. Đến nay, có nhiều khái niệm đã được đưa ra về du lịch bền vững và phát triển du lịch bền vững. Theo Hiệp hội Bảo tồn thế giới (1996) thì du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên (và tất cả những đặc điểm văn hoá kèm theo, có thể là trong quá khứ và cả hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương. Khoản 14 Điều 3 Luật Du lịch 2017 đã đưa ra khái niệm “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Trong quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, khái niệm phát triển bền vững này ngày càng phổ biến với các nhà quản lý khách sạn trong thế kỷ XXI do chi phí tăng cao, sự nhạy cảm với nhu cầu và yêu cầu bắt buộc về trách nhiệm kinh tế, xã hội và môi trường. Hsiao (2014) và Sneirson et al. (2009) đã chỉ ra hoạt động bền vững không chỉ cải thiện hình ảnh của cơ sở lưu trú mà còn giáo dục người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng nơi mà lực lượng thị trường ủng hộ các thực tiễn kinh doanh bền vững và có trách nhiệm xã hội. Đối với nhu cầu du lịch, xu hướng lựa chọn các sản phẩm hoặc cơ sở lưu trú du lịch có tính bền vững, thân thiện với môi trường cũng là một xu hướng tiêu dùng mới, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Các số liệu đã công bố của Booking.com năm 2022 nêu trên cũng đã chỉ ra nhu cầu về cơ sở lưu trú bền vững của khách du lịch sau đại dịch COVID-19 là khá lớn. Bên cạnh đó, theo Rechard Razgaitis trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Forbes tháng 8 năm 2023 thì nhiều khách sạn và cơ sở lưu trú lớn trên thế giới đã có kế hoạch cắt giảm phát thải như New York Hilton Mildtown, khách sạn lớn có quy mô 2.000 phòng đã cắt giảm 30% khí thải carbon, các tàu du lịch Royal Caribbean sử dụng hệ thống lọc giúp loại bỏ 97% lượng khí thải sulfur dioxide từ khí thải hay khách sạn Marcel ở Connecticut là khách sạn không sử dụng năng lượng ròng đầu tiên của Mỹ và tạo ra tất cả nhu cầu năng lượng thông qua các tấm pin mặt trời. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng 78% khách du lịch hạng sang thích hợp tác kinh doanh với các công ty có chính sách bền vững mạnh mẽ, trong khi 75% khách du lịch sẽ trả nhiều tiền hơn cho các lựa chọn thân thiện với môi trường nếu họ biết số tiền đó đang được sử dụng như thế nào.
  4. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 481 Hiện nay trên thế giới, Bộ tiêu chuẩn của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (Global Sustainable Tourism Council - GSTC) đã được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng trong các công trình nghiên cứu về phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Các tiêu chuẩn này cung cấp một bộ tiêu chí toàn diện về tính bền vững trong lĩnh vực khách sạn, đặc biệt nhấn mạnh đến “Quản lý bền vững hiệu quả”. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn GSTC cũng kết nối với một số SDG, đặc biệt là những mục tiêu tập trung vào tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, hòa bình, công lý và quan hệ đối tác. Đối với cơ sở lưu trú du lịch, cụ thể là đối với các khách sạn, GSTC đã đưa ra một Bộ tiêu chuẩn về phát triển bền vững cho các khách sạn, gọi chung làm “Bộ Tiêu chuẩn khách sạn GSTC”, khuyến khích các quốc qua áp dụng cho mục đích quản lý và phi thương mại. Các tiêu chuẩn của GSTC hướng vào việc thực hành 05 nhóm tiêu chuẩn chính, bao gồm: (1) Tiêu chuẩn về quản lý môi trường; (2) Tiêu chuẩn về quản lý xã hội và văn hóa; (3) Tiêu chuẩn về quản lý kinh tế; (4) Tiêu chuẩn về quản lý chất lượng dịch vụ; và (5) Sự tham gia của cộng đồng địa phương. 3.2. Các chính sách liên quan đến du lịch bền vững tại Việt Nam Tại Việt Nam, ngoài việc luật hóa khái niệm phát triển du lịch bền vững tại Điều 3, Luật Du lịch 2017 nêu trên, Điều 4 Luật Du lịch 2017 cũng đã chỉ ra nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất trong phát triển du lịch là “Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm”. Luật Du lịch 2017 của Việt Nam đặt ra một chủ trương quan trọng về phát triển du lịch bền vững. Điều này có nghĩa là việc phát triển du lịch phải cân đối và hài hòa, đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Mục tiêu cốt lõi là không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch của các thế hệ tương lai, bảo đảm lợi ích lâu dài và sự phát triển hài hòa của cả ngành du lịch và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, nguyên tắc phát triển du lịch bao gồm việc thực hiện theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch rõ ràng. Sự phát triển này phải gắn liền với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh và quan hệ đối ngoại, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Ngoài ra, luật cũng nhấn mạnh đến việc đảm bảo lợi ích quốc gia, cộng đồng và quyền lợi của khách du lịch cũng như các tổ chức kinh doanh du lịch, cũng như phát triển cân đối giữa du lịch nội địa và quốc tế. Bên cạnh Luật Du lịch 2017, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách thể hiện quan điểm và chỉ đạo phát triển ngành du lịch phát triển toàn diện và bền vững hơn. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Đây là một trong những quan điểm mang tính định hướng cho sự phát triển du lịch Việt Nam với mục
  5. 482 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... tiêu đến năm 2030 du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2023, để đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch bền vững sau đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 (Nghị quyết 82) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch nhanh và bền vững. Định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82 là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai Chương trình Du lịch xanh quốc gia là một trong những nội dung liên quan đến phát triển du lịch bền vững mà chính phủ đang chỉ đạo ngành du lịch thực hiện. Đây là những chỉ đạo quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19 của Chính phủ. 4. CHÍNH SÁCH VÀ THỰC HÀNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH TẠI VIỆT NAM 4.1. Hiện trạng phát triển cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với ngành du lịch là một trụ cột kinh tế quan trọng, đã bắt đầu nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực lưu trú du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đa dạng về loại hình, phục vụ hàng chục triệu lượt khách mỗi năm ở các mức chi tiêu khác nhau. Tính đến hết năm 2022 cả nước có trên 33.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 670.000 buồng, giảm hơn 10% so với năm 2020 (năm 2020 có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng). Cơ sở lưu trú du lịch 4 và 5 sao tăng nhưng các cơ sở lưu trú du lịch 1-2-3 sao có xu hướng giảm so với thời kỳ trước. Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thẩm định, xếp hạng và ban hành 164 quyết định công nhận hạng, sao cho các cơ sở lưu trú (tăng 97 quyết định so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, hạng 5 sao: 81 quyết định (thẩm định mới 26 cơ sở, thẩm định lại 55 cơ sở; hạng 4 sao: 83 quyết định (thẩm định mới 28 cơ sở, thẩm định lại 55 cơ sở). Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt khoảng 38.000 cơ sở, với hơn 780.000 buồng. Bảng 1. Số cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng 4-5 sao giai đoạn 2011-2022 Đơn vị tính: Cơ sở Năm Tổng số cơ sở 5 sao 4 sao 2011 13.000 48 126 2012 13.500 55 142
  6. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 483 2013 15.120 64 159 2014 16.000 72 187 2015 18.800 91 215 2016 21.000 107 230 2017 25.600 118 261 2018 28.000 152 276 2019 30.000 178 306 2020 38.000 199 324 2021 34.700 206 311 2022 33.000 221 340 Nguồn: Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam năm 2023 Trong thời gian qua, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam đang phát triển theo hướng xanh và bền vững. Đây là điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý trong việc ban hành và thực hành chính sách về phát triển bền vững trong ngành du lịch. 4.2. Chính sách và thực hành phát triển bền vững cho các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam Đối với các chính sách phát triển bền vững cho các cơ sở lưu trú du lịch, một số chính sách và tiêu chuẩn cho cơ sở lưu trú du lịch cũng đã được triển khai thực hiện như Bộ Tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông Sen Xanh (Bộ tiêu chí Bông sen xanh) áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và triển khai thí điểm năm 2012. Tuy nhiên, Bộ tiêu chí với tổng số 81 tiêu chí này đã không được hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam. Sau 3 năm triển khai áp dụng, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) mới chỉ thẩm định và cấp chứng nhận cho 33 khách sạn trong tổng số 35 khách sạn đăng ký. Đến nay, Bộ tiêu chí Bông sen xanh này không được các cơ quan quản lý sử dụng cho việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận mà chỉ tồn tại như một tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập trong Asean, Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý về du lịch đang có xu hướng sử dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chung về du lịch bền vững của quốc tế trong quản lý, trong đó có du lịch bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch. Cụ thể, hiện nay, Việt Nam đang áp dụng Bộ tiêu chuẩn Du lịch Asean gồm 08 Bộ tiêu chuẩn hợp phần gồm: (1) Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN, (2) Thành phố du lịch sạch ASEAN, (3) Du lịch cộng đồng ASEAN, (4) Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN, (5) Khách sạn xanh ASEAN, (6) Điểm du lịch MICE ASEAN, (7) Dịch vụ Spa ASEAN, (8) Nhà vệ sinh công cộng ASEAN, trong đó Bộ tiêu chuẩn Khách sạn xanh Asean đang được ngành du lịch Việt Nam khuyến khích áp
  7. 484 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... dụng và hàng năm nhận hồ sơ thẩm định đề xuất nhận giải thưởng Khách sạn xanh Asean tại Diễn đàn Du lịch Asean (ATF) được tổ chức luân phiên tại các quốc gia Đông Nam Á. Trong giai đoạn từ năm 2010-2024, Việt Nam có 48 khách sạn được giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN. Về phía các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, việc thực hành du lịch bền vững chủ yếu được thực hiện ở các khách sạn 4-5 sao, đặc biệt là các khách sạn hoặc cơ sở lưu trú có yếu tố nước ngoài. Việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn cũng khá đa dạng phụ thuộc vào các điều kiện, tiêu chuẩn hoặc định hướng kinh doanh riêng của doanh nghiệp. Một số bộ tiêu chuẩn thường được các doanh nghiệp áp dụng như: • Bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững Bông Sen xanh • Bộ tiêu chuẩn khách sạn bền vững GSTC • Bộ tiêu chuẩn khách sạn xanh Asean • Bộ tiêu chuẩn bền vững Travel Life cho khách sạn • Các tiêu chuẩn khác do doanh nghiệp tự xây dựng và áp dụng Nhìn chung về mặt chính sách, các chính sách liên quan đến phát triển du lịch bền vững nói chung và du lịch bền vững nói riêng cho cơ sở lưu trú du lịch mới dừng lại ở mức độ định hướng và khuyến khích. 4.3. Mối liên hệ giữa chính sách Chính phủ với quản lý phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam Chính sách của Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục nhấn mạnh vào việc phát triển du lịch một cách bền vững, với mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Luật Du lịch 2017 của Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan, cùng với Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc này. Nghị quyết số 82/NQ-CP năm 2023 cũng phản ánh cam kết của chính phủ trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các sáng kiến phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong ngành du lịch. Mối liên hệ giữa chính sách chính phủ và quản lý phát triển bền vững trong ngành lưu trú du lịch tại Việt Nam thể hiện rõ nét qua việc triển khai các chiến lược và chương trình hành động cụ thể. Điều này bao gồm việc đặt ra các tiêu chuẩn phát triển bền vững cho các cơ sở lưu trú, cũng như việc thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích sự đổi mới và cải tiến trong việc quản lý năng lượng, chất thải, và nguồn nước. Chính phủ cũng nhận thức được vai trò của mình trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp nhằm áp dụng những tiêu chuẩn này. Sự liên kết chặt chẽ giữa chính sách của chính phủ và quản lý phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch là chìa khóa để đảm bảo một ngành du lịch Việt Nam phát triển một cách bền vững và toàn diện. Điều này đòi hỏi sự đánh giá liên tục và cải thiện chính sách để thích ứng với những thách thức mới.
  8. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 485 5. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH Ở VIỆT NAM Tính đến tháng 7/2023, hơn 550.000 cơ sở lưu trú trên thế giới đã được Booking. com công nhận vì các thực hành bền vững, trong đó có trên 5.000 cơ sở lưu trú tại Việt Nam. Việc thúc đẩy thực hành bền vững trong ngành lưu trú cũng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch xanh ngày càng tăng của du khách, bao gồm cả du khách Việt và khách quốc tế đến Việt Nam. Có thể nói, rất nhiều hoạt động dịch vụ thường nhật tại khách sạn có thể tác động tiêu cực đến môi trường, tiêu tốn năng lượng như: Spa, nhà hàng, bể bơi… Việc quản lý phát triển bền vững mang lại nhiều lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động cải thiện hiệu năng, tiết kiệm nước, tạo ra môi trường xanh, sạch và đảm bảo sức khỏe cho du khách, cộng đồng. Tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý trong việc ban hành và thực thi chính sách phát triển bền vững cho các cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam như: Thứ nhất, hiện nay các quy định, chính sách về phát triển du lịch bền vững mới chỉ dừng lại ở cấp định hướng vĩ mô, thể hiện ở các quan điểm, nguyên tắc trong luật du lịch hay các chiến lược phát triển du lịch. Các tiêu chuẩn bắt buộc về việc bảo vệ môi trường được thực hiện theo luật môi trường và các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch cần thực hiện khi đầu tư xây dựng, do đó không có tác động nhiều đến việc thực hành bền vững trong quá trình kinh doanh du lịch của doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ sở pháp lý cho việc triển khai và thực hành du lịch bền vững trong các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam còn yếu, đặc biệt là các cơ sở lưu trú cấp trung và thấp, từ 03 sao trở xuống. Nhà nước hiện chỉ thực hiện các chính sách mang tính khuyến khích cho các hoạt động này. Thứ hai, việc tham gia vào các hệ thống chứng nhận về phát triển du lịch bền vững mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng cần doanh nghiệp phải đầu tư ban đầu nhiều hơn và quá trình thực hành lâu dài. Việc này làm gia tăng chi phí đầu tư, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh khác, nhất là đối với các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú mới tham gia thị trường, chưa có thương hiệu hoặc được nhận diện trên thị trường. Thứ ba, hiện nay tại Việt Nam có khá nhiều tiêu chuẩn bền vững áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch như Bộ tiêu chuẩn bền vững Bông sen xanh, hệ thống các tiêu chuẩn du lịch bền vững trong ASEAN, hệ thống tiêu chuẩn của GTSC hay tiêu chuẩn của Travel Life… Các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú du lịch còn bị lúng túng và chưa nhận thức rõ được giá trị của mỗi bộ tiêu chuẩn, do đó tác động đến quá trình chuyển đổi và thực hành du lịch bền vững tại cơ sở của mình. Thứ tư, sự hạn chế trong việc phát triển chuỗi cung ứng trong thực hành du lịch bền vững tại Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch không dễ dàng trong việc tìm các nhà cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào mang tính bền vững cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở lưu trú. Điều này làm tăng
  9. 486 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... chi phí cho các cơ sở khi tham gia thực hành du lịch bền vững tại Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào được xác nhận hay dán nhãn bền vững thường có giá thành cao hơn nhiều các sản phẩm thông thường, do đó làm đội chi phí sản xuất của các cơ sở lưu trú nếu áp dụng. Thứ năm, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện và quản lý các chính sách và thực hành bền vững tại các cơ sở lưu trú du lịch. Điều này đặc biệt quan trọng khi xem xét các thách thức và rào cản được nêu trên, như vốn đầu tư ban đầu lớn, cạnh tranh và quá tải du lịch, cũng như sự cần thiết phải có chính sách và quản lý điểm đến hiệu quả. Nhân viên làm việc trong ngành du lịch cần có kiến thức và kỹ năng cần thiết để hiểu và áp dụng các nguyên tắc bền vững vào thực tế. Điều này bao gồm việc nắm bắt các cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau, bao gồm cả cơ quan quản lý môi trường, văn hóa, và cộng đồng địa phương, để giải quyết các thách thức cụ thể. Nhân viên được đào tạo tốt và có ý thức về bền vững sẽ là chìa khóa để đảm bảo việc triển khai thành công các chính sách và thực hành bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển lâu dài và hiệu quả của ngành du lịch. 6. MỘT SỐ GỢI Ý VỀ CHÍNH SÁCH Căn cứ vào bối cảnh và hiện trạng cũng như các vấn đề đặt ra trong phát triển, quản lý du lịch bền vững về cơ sở lưu ở nước ta hiện nay, một số gợi ý có thể sử dụng để tham khảo cho các cơ quan quản lý về mặt chính sách như sau: Một là, để tăng cường việc tuân thủ và áp dụng các quy định về phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch, chính sách của chính phủ nên tập trung vào việc truyền thông và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. Một chính sách hiệu quả có thể bao gồm các hoạt động truyền thông chiến lược nhằm mục đích giáo dục và thông tin cho các doanh nghiệp về lợi ích và trách nhiệm trong việc phát triển bền vững. Điều này có thể được thực hiện thông qua các chiến dịch truyền thông trực tuyến và offline, hội thảo, hội nghị và tài liệu hướng dẫn. Chính phủ cũng có thể phát triển các chương trình đào tạo và chứng nhận để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hiểu biết và áp dụng các nguyên tắc bền vững. Các chương trình này nên cung cấp thông tin cụ thể về các tiêu chuẩn bền vững, cách thức triển khai trong thực tế cũng như các lợi ích kinh tế lâu dài mà chúng mang lại. Đồng thời, chính phủ cũng cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các nhóm lợi ích khác, như các tổ chức bảo vệ môi trường và văn hóa, để tạo ra một môi trường hợp tác và hỗ trợ cho việc áp dụng các biện pháp bền vững. Hai là, chính sách hỗ trợ nguồn lực từ chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú áp dụng các giải pháp phát triển bền vững. Việc cung cấp cho vay ưu đãi đầu tư là một biện pháp hữu ích, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ của họ theo hướng bền vững. Các khoản vay này có thể có
  10. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 487 lãi suất thấp hơn, thời hạn trả nợ dài hơn, hoặc các điều kiện thuận lợi khác, nhằm giúp giảm bớt áp lực tài chính ngắn hạn và khuyến khích đầu tư lâu dài vào các giải pháp bền vững. Bên cạnh đó, việc giảm thuế cho những doanh nghiệp áp dụng các giải pháp phát triển bền vững cũng là một chính sách quan trọng. Giảm thuế có thể được áp dụng cho các hoạt động như cải tạo cơ sở vật chất để tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, hoặc các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ tạo động lực cho các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp bền vững mà còn giúp họ giảm bớt chi phí hoạt động trong dài hạn. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể cung cấp các hỗ trợ khác như tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực và trợ giúp trong việc tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp áp dụng các phương pháp bền vững. Điều này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của họ và khuyến khích sự đổi mới trong ngành. Ba là, nghiên cứu và khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý lưu trú bền vững là một hướng tiếp cận quan trọng để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của ngành du lịch. Các tiêu chuẩn quốc tế như Bộ tiêu chuẩn bền vững GSTC cho khách sạn hay các tiêu chuẩn của Travel Life, Booking.com… có thể được xem xét, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này đòi hỏi một quá trình nghiên cứu sâu rộng để hiểu rõ các yêu cầu và thực hành tốt nhất. Cần phải xem xét cả khía cạnh kỹ thuật lẫn quản lý, từ việc giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường (như quản lý chất thải, tiêu thụ năng lượng và nước) đến việc tạo ra lợi ích xã hội (như việc làm công bằng, phát triển cộng đồng). Ngoài ra, việc nghiên cứu cần tập trung vào việc tạo ra sự chuyển đổi văn hóa trong doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của nhân viên và quản lý trong việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững. Bốn là, các cơ quan quản lý ngành du lịch cần tăng cường phối hợp với các ngành khác cũng như các bên liên quan nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng cho các cơ sở lưu trú du lịch trong thực hành phát triển bền vững. Chuỗi cung ứng này nhằm cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở lưu trú du lịch từ lúc đầu từ xây dựng đến cả thời gian vận hành, sản xuất, kinh doanh phục vụ khách du lịch. Chính phủ có thể có các chính sách hỗ trợ ban đầu cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi ứng này nhằm đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp có liên quan tham gia chuỗi. 7. KẾT LUẬN Bài viết này đã phân tích và đánh giá hiện trạng quản lý phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam từ góc độ chính sách của Chính phủ. Điều rõ ràng là trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, du lịch bền vững không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết. Việt Nam, với tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, đã và đang nỗ lực hướng tới một ngành du lịch bền vững hơn thông qua các chính sách và quy định cụ thể. Luật Du lịch 2017 của Việt Nam đã đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, nhấn mạnh vào sự cân nhắc giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Những sáng kiến
  11. 488 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... như Nhãn du lịch bền vững Bông Sen Xanh và tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN đã chứng minh cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy các thực hành bền vững trong ngành lưu trú. Tuy nhiên, cũng có những thách thức cần được giải quyết. Rào cản về tài chính, thiếu kinh nghiệm và nguồn lực, cùng với sự cạnh tranh và quá tải du lịch, đặt ra nhu cầu về sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía chính phủ. Điều này có thể thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, giảm thuế, cung cấp tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, và khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và cung cấp đào tạo về du lịch bền vững là cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy và hành động của các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Nhìn chung, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc quản lý phát triển bền vững trong cơ sở lưu trú du lịch. Để tiếp tục phát triển một cách bền vững và toàn diện, sự hợp tác, hỗ trợ và cam kết từ tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, là yếu tố quan trọng và cần thiết. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội, Luật số 09/2017/QH14, Luật Du lịch, 2017. 2. Thủ tướng Chính phủ (2023). Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ: Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. 3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. 4. Tổng cục Du lịch (2015), Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam). 5. Hội Đồng Du Lịch Bền Vững Toàn Cầu (2016). Tiêu Chuẩn Khách Sạn GSTC. 6. Tổng cục Du lịch. 1355/QĐ-BVHTTDL, Nhãn Du Lịch bền vững Bông sen xanh cho các CSLTDL tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam). 7. Tổng cục Du lịch - Vụ Khách sạn (2014). Tiêu chuẩn khách sạn Xanh ASEAN 2014. 8. Booking.com. (2022). Sustainable Travel Report 2022. Retrieved from https://www. sustainability.booking.com/industryinsights/2022-sustainability-report. 9. P. Jacobs and B. Sadler. (1990). “Sustainable Development and Environmental Assessment: Perspectives on Planning for a Common Future”. Canadian Environmental Assessment Research Council. 10. Sneirson, J. F. (2009). Green is good: Sustainability, profitability, and a new paradigm for corporate governance. SSRN Electronic Journal. https://doi.org/10.2139/ssrn.1276925. 11. Hsiao, T.-Y., Chuang, C.-M., Kuo, N.-W., & Yu, S. M.-F. (2014). Establishing attributes of an environmental management system for green hotel evaluation. International Journal of Hospitality Management, 43, 1-11. https://doi.org/10.1016/j.ijhm.2014.07.006. 12. Rechard Razgaitis (2023). Sustainability Drives Consumer Choice For Travelers. Article on forbes.com .
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0