intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

SKKN: Vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong giờ học vần cho học sinh khiếm thính lớp 1A

Chia sẻ: Lê Thị Diễm Hương | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

144
lượt xem
12
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sáng kiến “Vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong giờ học vần cho học sinh khiếm thính lớp 1ª” nhằm giúp học sinh khiếm thính hình thành và phát triển một số kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp để các em học tốt môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến trên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: SKKN: Vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong giờ học vần cho học sinh khiếm thính lớp 1A

  1. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT ĐỒNG NAI SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP PHẢN HỒI NGƯỜI MẸ TRONG GIỜ HỌC VẦN CHO HỌC SINH KHIẾM THÍNH LỚP 1A
  2. I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Một trong những mục đích học tập của trẻ khiếm thính khi đến trường là học tiếng Việt. Môn Tiếng Việt giúp cho học sinh khiếm thính dần hình thành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vốn rất hạn chế trước khi trẻ tới trường. Khi mới vào lớp 1 trẻ khiếm thính rất hạn chế về vốn từ; thiếu kỹ năng dùng ngôn ngữ do ít được lặp đi lặp lại, do giới hạn của trí nhớ, trẻ không được can thiệp sớm, thiếu kinh nghiệm về ngôn ngữ. Vì thế trẻ phải đồng thời ghi nhớ từ nói, từ viết, ý nghĩa của từ cũng như cách dùng từ, câu nên thời gian học tiếng Việt của trẻ khiếm thính chậm hơn và khó khăn hơn so với trẻ bình thường. Học vần là một phân môn rất quan trọng trong chương trình học của lớp 1. Muốn đọc được chữ đòi hỏi các em phải biết nhận diện vần, biết cách ráp vần, dấu thanh để tạo tiếng, từ. Hạn chế về thính lực đã gây cho trẻ khiếm thính rất nhều khó khăn trong việc nhận diện âm thanh, lời nói, cách phát âm vần, tiếng, từ, câu. Hiện nay, tại Trung tâm Nuôi Dạy Trẻ Khuyết tật Đồng Nai thực hiện chương trình lớp 1 trong 2 năm; năm học thứ nhất các em sẽ được học phần vần gồm có 3 dạng cơ bản: làm quen với âm và chữ, dạy - học âm vần mới, ôn tập âm và vần; nửa học kì 1 của năm học thứ hai các em sẽ học phần vần tiếp theo của sách tập 2. Phương pháp phản hồi người mẹ được giáo viên sử dụng phổ biến ở các trường dạy trẻ khiếm thính nhưng chủ yếu trong giờ học hội thoại, chưa được sử dụng nhiều trong quá trình dạy các môn học khác. Vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong dạy học giúp trẻ nhận thức được giá trị của công cụ ngôn ngữ; tăng cường nhu cầu giao tiếp của trẻ; phát triển kỹ năng chú ý lắng nghe lẫn nhau, nói theo kinh nghiệm, hiểu được điều vừa nói. Thực tế dạy học cho thấy, các kỹ năng đó không những giúp trẻ khiếm thính khắc phục những hạn chế trong giao tiếp mà còn giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách tích cực, chủ động. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn “Vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong giờ học vần cho học sinh khiếm thính lớp 1A” nhằm giúp học sinh khiếm thính hình thành và phát triển một số kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp để các em học tốt môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lý luận 1.1 Thế nào là trẻ khiếm thính? Trẻ khiếm thính là trẻ bị tổn hại cơ quan thính giác ở các mức độ khác nhau. Do cơ quan thính giác bị tổn hại nên trẻ không tri giác được thế giới âm thanh, không nghe được tiếng nói. Vì thế, không tự hình thành được ngôn ngữ. Ngày nay, để giảm sự mặc cảm ở trẻ điếc, để cộng đồng xã hội hiểu và gần gũi hơn đối với đối tượng khuyết tật này, người ta thường dùng
  3. thuật ngữ trẻ khuyết tật thính giác, hay trẻ khiếm thính, trẻ có khó khăn về nghe. 1.2 Ảnh hưởng của khuyết tật thính giác đến sự phát triển ngôn ngữ - Thính giác đóng vai trò cực kì quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ ở trẻ em. Đối với trẻ khiếm thính, hậu quả không thể tránh khỏi là chậm phát triển về ngôn ngữ và đặc biệt là ngôn ngữ nói. - Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ theo mức độ điếc: + Trẻ điếc nhẹ (mất từ 20 đến 40 dB): Trẻ không nghe hoặc không nghe rõ nên tiếng nói thường bị mất hoặc nói sai một số phụ âm cao. Tuy nhiên tiếng nói của trẻ vẫn có thể tự phát triển. + Trẻ điếc vừa (mất từ 41 đến 70 dB): Trẻ có thể nói ngọng nhiều và nói những câu không đúng ngữ pháp. + Trẻ điếc nặng (mất từ 71 đến 90 dB): Trẻ bị mất tiếng nói hoặc rất chậm phát triển ngay từ nhỏ, tiếng nói của trẻ khó nghe và không có thanh điệu. + Trẻ điếc sâu (mất từ trên 90 dB): Tiếp thu tiếng nói chủ yếu bằng cách nhìn hình miệng, không dùng thính giác; mất khả năng giao tiếp bằng tiếng nói nên tiếng nói và ngôn ngữ không thể tự phát triển được. 1.3 Học âm – vần đối với học sinh khiếm thính - Làm quen với âm và chữ: yêu cầu cơ bản là học sinh đọc được âm, thanh và viết được chữ ghi âm, dấu ghi thanh của bài kế trước; học sinh làm quen với nề nếp học tập, mạnh dạn tự tin trong môi trường học tập mới. - Dạy - học âm, vần: yêu cầu cơ bản là học sinh đọc được âm, vần và viết được chữ ghi âm, vần; đọc và viết được tiếng, từ ứng dụng; đọc được câu ứng dụng. - Ở phần trọng tâm của bài làm quen với âm và chữ, học sinh thực hiện đạt được mục tiêu cơ bản. Tuy nhiên ở dạng bài dạy âm - vần, trẻ khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát âm, thể hiện rõ ràng nhất khi trẻ đánh vần. Vì thế, giáo viên chỉ cần cung cấp cho học sinh nắm được cấu tạo của vần và đọc được vần bằng hình miệng, đọc trơn tiếng có vần mới nên bỏ qua giai đoạn đánh vần. 1.4 Phương pháp phản hồi người mẹ Phương pháp phản hồi người mẹ do linh mục Van Uden ở Viện dạy trẻ điếc Sint.Michielsgesrel – Hà Lan nghiên cứu và phổ biến năm 1970. Tên gọi “Người mẹ”: đây là cách mà một người mẹ giúp đứa con nghe được bình thường của bà nghe và nói được tiếng mẹ đẻ cách suôn sẻ. “Phản hồi”: ngay sau khi trẻ nói được một cách tương đối trôi chảy, đứa trẻ được khuyến khích nhìn lại, nghĩ lại cấu trúc ngôn ngữ mà trẻ đang dùng. Phương pháp này chú trọng đến sự nhấn nhá và lặp lại trong một thời gian dài, đây là sự bù trừ thích hợp cho những khó khăn mà trẻ điếc sâu phải gánh chịu. Thêm vào đó, phương pháp này sử dụng hội thoại như một nền tảng của sự phát triển giao tiếp. Vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong dạy học người giáo viên đóng vai trò quan trọng như vai trò của người mẹ trong sự hồi đáp, dẫn dắt cuộc trò chuyện tự nhiên với trẻ con.
  4. Phương pháp phản hồi người mẹ được thực hiện theo bảy bước: chờ đợi, nắm bắt và làm rõ ý tưởng, cung cấp ngôn ngữ và làm mẫu, yêu cầu trẻ thứ nhất lặp lại, những trẻ khác lặp lại, viết bảng, liên hệ ý – từ. 2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài 2.1. Nội dung Để thực hiện một giờ học thực sự có hiệu quả, trước hết giáo viên cần đầu tư chuẩn bị cho một giờ học về đồ dùng trực quan, về việc lựa chọn hình thức phương pháp dạy học, sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh, đeo máy và kiểm tra máy trợ thính cho học sinh; tiếp đến giáo viên vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong những hoạt động chính là giới thiệu từ khóa, từ ứng dụng; luyện đọc câu ứng dụng; luyện nói. 2.2. Các biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài  Công tác chuẩn bị trong một giờ học vần - Đồ dùng trực quan phục vụ cho giờ học: Do giảm sút hoặc mất khả năng thính giác nên ở học sinh khiếm thính, thị giác được bù trừ và trở nên thành phần chủ yếu, chủ đạo trong việc nhận thức thế giới xung quanh. Nên đồ dùng trực quan không thể thiếu trong giờ học, nhờ có đồ dùng trực quan mới thu hút được sự chú ý của học sinh giúp học sinh thích học và dễ dàng tiếp thu bài. Đồ dùng trực quan phải được làm to rõ đẹp, chính xác để hấp dẫn học sinh có thể là: vật thật, tranh ảnh, thẻ từ, thẻ chữ, mô hình, rối… minh họa cho từ khóa, từ ứng dụng, câu ứng dụng và các chủ đề luyện nói. - Lựa chọn hình thức, phương pháp dạy học phù hợp: Học sinh khiếm thính ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều loại khác nhau. Cho nên khi dạy học, việc lựa chọn nội dung và định mức độ yêu cầu cần căn cứ vào khả năng và nhu cầu của từng học sinh. Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cần được vận dụng một cách linh hoạt trong mỗi bài học, mỗi tiết học nhằm khơi dậy sự tự tin và hứng thú học tập cho học sinh, mang lại hiệu quả thiết thực. + Để dạy tiếng Việt một cách hiệu quả, cần sử dụng những phương pháp dạy học đặc thù của việc dạy tiếng: phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp giao tiếp, phương pháp luyện tập theo mẫu. + Kết hợp với các phương pháp dạy trẻ khiếm thính: phương pháp bắt chước, phương pháp phương pháp phản hồi người mẹ, phương pháp dạy phát âm, phương pháp luyện nghe, giao tiếp bằng chữ cái ngón tay và thủ ngữ điệu bộ. - Sắp xếp chỗ ngồi hợp lí: Sắp xếp học sinh ngồi học theo hình vòng cung để học sinh quan sát được lẫn nhau, khoảng cách giữa giáo viên với học sinh từ 1m đến 1,5m. Học sinh có khả năng tập trung chú ý kém nên cho ngồi ở đáy vòng cung trực diện với giáo viên sẽ dễ quan sát giáo viên nói cũng như các bạn trong lớp nói. - Đeo máy và kiểm tra máy trợ thính cho học sinh: Cách kiểm tra máy dễ nhất là đặt núm tai gần micro khi máy đã mở, nếu có tiếng rít thì có nghĩa là máy đang hoạt động. Sau đó giáo viên đeo máy cho học sinh, kiểm tra
  5. xem trẻ có phản ứng với âm thanh hay không khi đeo máy, bằng cách thức là yêu cầu học sinh giơ tay khi nghe giáo viên đứng phía sau vỗ tay hoặc nói /ba/.  Tiến hành vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong giờ học vần Các kỹ năng cần rèn cho học sinh trong phân môn Học vần là đọc âm/vần mới, đọc tiếng/từ ngữ mới, đọc từ ngữ ứng dụng và bài đọc ứng dụng; tập viết chữ ghi âm, vần, tiếng mới; luyện nghe – nói theo chủ đề. Mặt khác học sinh khiếm thính lớp1 cần được hình thành và rèn luyện một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng lắng nghe người khác nói, nói xong chờ phản ứng của người khác; nói ra ý nghĩ của mình; nhìn và nghe người khác nói; nhận xét người khác nói đúng hay sai; lặp lại lời người khác nói; nói câu có ngữ điệu, tiết điệu; sử dụng từ ngữ đúng ngữ cảnh. Do đó giáo viên cần vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ một cách linh hoạt kết hợp với các phương pháp dạy học vần để có được giờ học sinh động và đạt được những mục tiêu của phân môn Học vần. Phương pháp phản hồi người mẹ được thực hiện theo bảy bước cụ thể: Bước 1: Chờ đợi Giáo viên quan sát lắng nghe những âm thanh, cử chỉ, thái độ… của trẻ trong bầu không khí khuyến khích. Nếu học sinh phản ứng, không đưa ra được ý tưởng thì giáo viên đặt câu hỏi kích ứng học sinh trả lời và nêu ý tưởng. Bước 2: Nắm bắt và làm rõ ý tưởng Đây là bước quan trọng nhất của phương pháp phản hồi. Giáo viên chọn một ý tưởng để triển khai, nắm bắt và hiểu được ý nghĩa của những âm thanh, cử chỉ, thái độ của trẻ có ý tưởng; làm rõ ý tưởng ấy cho cả lớp hiểu. Bước 3: Cung cấp ngôn ngữ Chuyển dịch ý tưởng của trẻ thành một lời nói chính xác về cấu trúc ngôn ngữ nói theo một mẫu chuẩn. Làm mẫu: Giáo viên nói 2 lần kết hợp, có ngữ điệu và tiết điệu, cường độ và cao độ hợp lý, chậm rãi, diễn cảm, khoảng dừng giữa 2 lần là 3 giây. Bước 4: Yêu cầu trẻ thứ nhất lặp lại Chính trẻ có ý tưởng phải là người đầu tiên diễn tả ý tưởng của mình thành lời, khi em ấy nói đòi hỏi các em khác phải chú ý quan sát - lắng nghe. Bước 5: Những trẻ khác lặp lại Từng em một lần lượt cho đến hết lớp hay một số em nhất định nào đó lặp lại. Khi một em nói đòi hỏi các em khác phải chú ý quan sát - lắng nghe. Bước 6: Viết bảng Viết bảng chuẩn, rõ, theo qui ước… và viết cùng học sinh. Giúp học sinh tập trung và nhớ từ, câu vừa nói. Bước 7: Liên hệ ý – từ.
  6. Kiểm tra ý nghĩa lời nói. Trong mỗi môn học, mỗi tiết dạy giáo viên đều sử dụng những phương pháp phù hợp với từng hoạt động để đạt được mục tiêu đặt ra. Trong giờ học vần giáo viên vận dụng bảy bước của phương pháp pháp phản hồi người mẹ vào các hoạt động: - Giới thiệu tiếng, từ khóa: Dạy trẻ khiếm thính bắt đầu từ từ ngữ có nghĩa, sau đó phân tích thành từ, âm tiết và những đơn vị nhỏ hơn. Ở hoạt động này giáo viên vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ khi giới thiệu tiếng, từ khóa để phân tích âm/vần. Giáo viên chỉ cần thực hiện các bước này trong thời gian ngắn cũng đủ giúp học sinh hiểu và cung cấp từ mới cho các em. Ví dụ: Bài 10: ô, ơ (Tiếng Việt 1/ trang 22) Giới thiệu tiếng khóa cô. Giáo viên thực hiện các bước để giới thiệu bài: + Giáo viên cho học sinh quan sát tranh cô giáo, giáo viên chờ đợi học sinh thể hiện ý tưởng. Đa số học sinh mới đi học đều chỉ biết chỉ cô giáo đang đứng lớp hoặc diễn tả bằng kí hiệu mà các em không biết tiếng “cô” được nói như thế nào. + Từ những cử chỉ tự nhiên đó giáo viên nắm bắt và làm rõ ý tưởng cho cả lớp cùng hiểu người trong bức tranh đó chính là cô giáo dạy học sinh học. + Sau khi học sinh hiểu thì giáo viên cung cấp và nói mẫu tiếng “cô” 2 lần rõ hình miệng và chậm rãi. + Học sinh đầu tiên đưa ra ý tưởng sẽ được lặp lại đầu tiên. + Từng học sinh một lần lượt cho đến hết lớp hay một số em nhất định nào đó lặp lại tiếng cô đúng hình miệng và rõ tiếng. Khi một học sinh nói yêu cầu các em khác phải chú ý quan sát - lắng nghe để nhận xét bạn nói đúng hay sai tiếng cô. + Tiếp theo giáo viên viết bảng cùng học sinh bằng câu hỏi “Cô viết gì đây?” Học sinh sẽ nói tiếng cô và giáo viên viết bảng tiếng cô. + Kiểm tra nghĩa của tiếng cô, giáo viên có thể hỏi học sinh từ vừa viết trên bảng nói về ai. Sau đó giáo viên sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ, cùng học sinh phân tích cô – ô cho các em nhận diện âm mới. - Giới thiệu tiếng, từ ứng dụng: Đối với học sinh bình thường thì luyện đọc từ ứng dụng thì giáo viên hướng dẫn học sinh đọc từ ngữ có thể kết hợp giải nghĩa một số từ ngữ nếu giáo viên thấy cần thiết. Nhưng với học sinh khiếm thính vốn từ rất hạn chế nên giáo viên cần từ trực quan khi học sinh hiểu nghĩa của từ ngữ thì giáo viên mới cung cấp từ ngữ đó cho học sinh. Sau khi cung cấp từ ngữ giáo viên mới tổ chức cho học sinh luyện đọc hình miệng kết hợp với ngôn ngữ kí hiệu. Giáo viên nên vận dụng bảy bước phương pháp phản hồi người mẹ khi giới thiệu tiếng, từ ngữ ứng. Ví dụ:
  7. Bài 30: ua, ưa (Tiếng Việt 1/ trang 62) Từ ứng dụng cà chua, tre nứa. Giáo viên thực hiện các bước để giới thiệu bài: + Giáo viên cho học sinh quan sát quả cà chua, giáo viên chờ đợi học sinh đưa ra ý tưởng. Đa số học sinh mới đi học đều không biết tên gọi quả cà chua, các em thường nói hoặc diễn tả cử chỉ điệu bộ màu đỏ, vị chua, ăn được. + Giáo viên nắm bắt và làm rõ ý tưởng cho cả lớp cùng biết quả cà chua là quả màu đỏ, dùng để chế biến các món ăn. + Sau đó giáo viên cung cấp cho học sinh biết tên gọi “cà chua”. Giáo viên làm mẫu nói “cà chua” 2 lần rõ hình miệng. + Chính học sinh có ý tưởng trước phải là người đầu tiên diễn tả ý tưởng của mình thành lời, lặp lại từ cà chua đúng hình miệng và rõ tiếng. + Từng học sinh một lần lượt cho đến hết lớp hay một số em nhất định nào đó lặp lại từ cà chua đúng hình miệng và rõ tiếng. Khi một học sinh nói yêu cầu các em khác phải chú ý quan sát - lắng nghe để nhận xét bạn nói đúng hay sai từ cà chua. + Tiếp theo giáo viên viết bảng cùng học sinh bằng câu hỏi “Cô viết gì đây?” Học sinh sẽ nói “cà chua” và giáo viên viết bảng từ cà chua theo chữ in thường. + Kiểm tra nghĩa của từ cà chua, giáo viên có thể hỏi “Quả gì?” để học sinh trả lời. Thực hiện tương tự với từ tre nứa. Sau bước giới thiệu, giáo viên cho học sinh luyện đọc từ khóa và tìm âm, vần đang học có trong các tiếng, từ đó. - Luyện đọc câu ứng dụng: Nếu chỉ đơn thuần giáo viên cho học sinh phân tích tranh rồi luyện đọc câu ứng dụng thì với học sinh bình thường có thể đánh vần và đọc tốt được câu ứng dụng. Nhưng học sinh khiếm thính vốn từ vựng nghèo nàn và không thể đánh vần mà chỉ đọc trơn nên các em gặp nhiều khó khăn khi đọc câu ứng dụng. Để học sinh khiếm thính đọc và nhớ được trọn vẹn câu, cần thực hiện theo các bước để cung cấp câu.  Vận dụng phương pháp phản hồi để cung cấp câu ứng dụng đơn giản: Ví dụ: Bài 9: o, c (Tiếng Việt 1/ trang 20) Câu ứng dụng bò bê có bó cỏ. + Giáo viên cho học sinh quan sát tranh minh họa câu ứng dụng như trong sách giáo khoa, giáo viên chờ đợi học sinh đưa ra ý tưởng qua việc lắng nghe âm thanh, cử chỉ, thái độ của học sinh trong bầu không khí khuyến khích. Trong vốn từ học sinh đã có tiếng bò, bê, cỏ thì học sinh chỉ có thể nói những tiếng riêng lẻ đó. + Giáo viên nắm bắt và làm rõ cho học sinh biết bức tranh vẽ cảnh một người đang cho bò và bê ăn bó cỏ.
  8. + Giáo viên cung cấp từ bó cỏ cho học sinh lặp lại. Sau đó giáo viên cung cấp câu hoàn chỉnh theo đúng nội dung của câu ứng dụng trong sách bò bê có bó cỏ. Giáo viên làm mẫu nói 2 lần rõ hình miệng và chậm rãi. + Chính học sinh đưa ra ý tưởng trước phải là người đầu tiên diễn tả ý tưởng của mình thành lời, lặp lại câu bò bê có bó cỏ đúng hình miệng và rõ tiếng. + Một số em nhất định nào đó lặp lại câu bò bê có bó cỏ. Khi một học sinh nói yêu cầu các em khác phải chú ý quan sát - lắng nghe để nhận xét bạn nói đúng hay sai câu. + Giáo viên viết bảng câu bò bê có bó cỏ chuẩn, rõ, theo qui ước và yêu cầu học sinh nói từ hoặc cụm từ của câu khi giáo viên viết để giúp học sinh có sự liên kết giữa lời nói và chữ viết . + Kiểm tra nghĩa của câu. Giáo viên đặt câu hỏi: Con gì có bó cỏ? Bò bê có gì? Học sinh trả lời theo nội dung câu ứng dụng. Sau khi giới thiệu câu, giáo viên cho học sinh luyện đọc câu ứng dụng bò bê có bó cỏ viết trên bảng và tìm tiếng có âm đang học. Qua các bước rút ra được câu ứng dụng như vậy thì học sinh đã nhớ nội dung nên sẽ đọc đúng được hình miệng kết hợp với ngôn ngữ kí hiệu từng từ, cụm từ trong câu ứng dụng viết trên bảng cũng như câu ứng dụng trong sách giáo khoa.  Vận dụng phương pháp phản hồi để cung cấp các câu ứng dụng hay đoạn thơ ứng dụng: Ví dụ: Bài 69: ăt, ât (Tiếng Việt 1/ trang 140) Đoạn thơ ứng dụng: Cái mỏ tí hon Cái chân bé xíu Lông vàng mát dịu Mắt đen sáng ngời Ơi chú gà ơi Ta yêu chú lắm… + Giáo viên cho học sinh quan sát tranh hoặc con gà con thật, giáo viên gợi ý và chờ đợi học sinh đưa ra ý tưởng qua việc lắng nghe âm thanh, cử chỉ, thái độ của học sinh trong bầu không khí khuyến khích. + Giáo viên nắm bắt và làm rõ ý tưởng cho cả lớp cùng hiểu. Giáo viên cung cấp cho học sinh câu hoàn chỉnh theo đúng nội dung của câu ứng dụng Cái mỏ tí hon. Giáo viên làm mẫu đọc 2 lần rõ hình miệng và chậm rãi. + Học sinh đầu tiên đưa ra ý tưởng sẽ được lặp lại đầu tiên. + Từng học sinh một lần lượt cho đến hết lớp hay một số em nhất định nào đó lặp lại câu Cái mỏ tí hon. Khi một học sinh nói yêu cầu các em khác phải chú ý quan sát - lắng nghe để nhận xét bạn nói đúng hay sai câu. + Giáo viên viết bảng câu Cái mỏ tí hon chuẩn, rõ, theo qui ước và yêu cầu học sinh nói từ hoặc cụm từ của câu khi giáo viên viết để giúp học sinh có sự liên kết giữa lời nói và chữ viết.
  9. + Kiểm tra nghĩa của câu. Đặt câu hỏi: Cái gì tí hon? Cái mỏ như thế nào? để học sinh trả lời. Giáo viên thực hiện lại các bước trên để cung cấp cho học sinh từng câu cho đến hết đoạn thơ ứng dụng. Sau khi được cung cấp đoạn thơ ứng dụng thì học sinh sẽ đọc tốt đoạn thơ và hiểu được nội dung. - Luyện nói: Giáo viên dựa vào chủ đề gợi ý trong trong tranh tiến hành tổ chức luyện nói một cách linh hoạt theo trình độ học sinh, nhằm đạt được yêu cầu; phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh theo các chủ đề, chú ý đến các từ ngữ có âm, vần mới học, từ đó mở rộng sử dụng cả những từ ngữ có âm, vần chưa học. Giáo viên tổ chức hoạt động luyện nói như một giờ học hội thoại, chỉ yêu cầu học sinh nói được một hoặc hai câu đơn giản theo chủ đề. Trước khi cho học sinh luyện nói, giáo viên cần chuẩn bị sẵn một số câu dự kiến theo chủ đề để cung cấp cho học sinh từ những ý tưởng của các em. Ở hoạt động này phương pháp phản hồi được sử dụng là phương pháp chủ đạo, tuy nhiên giáo viên có thể bỏ qua bước viết bảng để học sinh có nhiều cơ hội phát triển ngôn ngữ nói. Ví dụ: Bài 15: t, th (Tiếng Việt 1/ trang 33) Chủ đề luyện nói: ổ, tổ Giáo viên chuẩn bị một số câu dự kiến nói theo chủ đề: Con chim có tổ. Con gà có ổ. Em thấy tổ chim. Em thấy ổ gà. Tổ chim trên cây. Giáo viên tiến hành cho học sinh luyện nói: + Giáo viên cho học sinh quan sát tranh, chờ đợi học sinh đưa ra ý tưởng liên quan đến nội dung bức tranh là tổ chim và ổ gà. Với vốn kinh nghiệm sẵn có của học sinh thì các em sẽ đưa ra được rất nhiều ý tưởng liên quan đến chủ đề. + Giáo viên nắm bắt và làm rõ ý tưởng đầu tiên liên quan đến chủ đề ổ, tổ. Nếu học sinh nói “tổ”, giáo viên hỏi “Tổ của con gì?”, học sinh sẽ nói “chim”. + Giáo viên cung cấp từ “con chim” mà học sinh chưa biết, rồi mới cung cấp câu hoàn chỉnh “Con chim có tổ” từ những ý tưởng của học sinh. Giáo viên nói mẫu câu đó 2 lần. + Học sinh đầu tiên đưa ra ý tưởng sẽ được lặp lại câu “Con chim có tổ”. + Từng học sinh lặp lại câu “Con chim có tổ”. Khi một học sinh nói đòi hỏi các em khác phải chú ý quan sát - lắng nghe để nhận xét bạn nói đúng hay sai câu. + Giáo viên kiểm tra ý nghĩa câu. Đặt câu hỏi “Con chim có gì?”hoặc “Con gì có tổ?”, yêu cầu học sinh trả lời câu “Con chim có tổ”.
  10. Giáo viên tiếp tục khuyến khích cho học sinh đưa ra ý tưởng để giúp học sinh nói câu tiếp theo liên quan đến chủ đề ổ, tổ. Tùy vào ý tưởng và trình độ của học sinh mà giáo viên cung cấp thêm một trong số những câu dự kiến tương tự theo các bước. Sau đó giáo viên gợi ý cho học sinh rút ra tên chủ đề ổ, tổ. III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI Qua một năm học mạnh dạn triển khai “Vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong giờ học vần cho học sinh khiếm thính lớp 1A” trong các giờ học vần trên lớp tôi nhận được một số kết quả khả quan như sau: - Tiến trình dạy – học của giáo viên và học sinh đạt hiệu quả cao hơn. - Đa số học sinh nhận biết những âm, vần được học; phát âm rõ tiếng, đúng hình miệng. Vốn từ ngữ của học sinh tăng lên đáng kể. - Học sinh có kỹ năng đọc hình miệng rất tốt, học sinh tích cực chủ động trong học tập, mạnh dạn phát biểu ý kiến, biết nhận xét bạn nói đúng hay sai. - Học sinh thích thú, có hứng thú trong học tập khi được tham gia giờ học với đồ dùng trực quan sinh động. - Đa số học sinh nhớ kí hiệu chữ cái ngón tay đã học, nhận biết được các chữ cái đã học. - Học sinh tự tin hơn trong giao tiếp với giáo viên, với bạn lúc ở trường cũng như lúc ở nhà. - So sánh kết quả trước và sau khi thực hiện các giải pháp tôi nhận thấy học lực môn Tiếng Việt của học sinh tiến bộ nhiều. + Kết quả khảo sát chất lượng đầu năm môn Tiếng Việt lớp 1A: Lớp Sĩ số/ Giỏi Khá Trung bình Yếu nữ SL % SL % SL % SL % 1A 12/4 3 25.0 4 33.3 2 16.7 3 25.0 + Kết quả học tập học môn Tiếng Việt sau khi thực hiện các giải pháp: Lớp Sĩ số/ Giỏi Khá Trung bình Yếu nữ SL % SL % SL % SL % 1A1 12/4 5 41.7 4 33.3 2 16.7 1 13.3 Với kết quả đạt được qua áp dụng kinh nghiệm ở lớp, tôi muốn góp phần nhỏ vào việc nâng dần chất lượng giảng dạy – học tập trong phân môn học vần đồng thời góp phần vào việc nâng cao chất lượng học tập các môn học khác ở lớp 1A cũng như các lớp tiếp theo ở bậc tiểu học.
  11. IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG Dạy Tiếng Việt cho học sinh khiếm thính là rất quan trọng, do hạn chế về khả năng nghe nói nên các em gặp khó khăn trong quá trình học tập, nhất là học ngôn ngữ. Trong đề tài nghiên cứu này, tôi đã nêu lên kinh nghiệm khi vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ trong giờ học vần để giúp các em tích cực tham gia học tốt phân môn học vần chương trình Tiếng Việt lớp 1.  Đối với giáo viên dạy trẻ khiếm thính: - Giáo viên phải luôn tìm tòi, học hỏi những kiến thức thật vững chắc về trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật mà mình đang phụ trách giảng dạy nói riêng. - Giáo viên cần đầu tư làm nhiều đồ dùng dạy học phong phú, tổ chức giờ học phù hợp với học sinh lứa tuổi tiểu học. - Giáo viên cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi bước vào giờ học về đồ dùng trực quan phục vụ cho giờ học vần phù hợp với nội dung bài học, lựa chọn hình thức và phương pháp dạy học phù hợp, sắp xếp chỗ ngồi hợp lí và một công việc rất quan trọng là kiểm tra máy trợ thính cho học sinh. - Giáo viên cần phải vận dụng phương pháp phản hồi người mẹ theo bảy bước một cách linh hoạt. Giáo viên cần đóng vai trò quan trọng như vai trò của người mẹ trong sự hồi đáp, dẫn dắt cuộc trò chuyện tự nhiên với con trẻ. - Giáo viên không nên chỉ dừng lại ở việc dạy học bằng một phương pháp mà phải trau dồi, rèn luyện việc sử dụng phối hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp dạy học khác nhau để tránh nhàm chán. Giáo viên cần phối hợp linh hoạt giữa các phương pháp, hình thức để giúp cho học sinh khiếm thính khắc phục được khiếm khuyết về khả năng nghe nói.  Đối với Ban Giám đốc: - Đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, phòng hỗ trợ phục hồi chức năng cho học sinh khiếm thính. - Phân công giáo viên dạy tiết cá nhân cho học sinh. - Thường xuyên tổ chức các lớp giao lưu, học tập kinh nghiệm với các trường chuyên biệt, trường hòa nhập, trường phổ thông. - Cung cấp nhiều tài liệu về các dạng tật của học sinh để giáo viên tham khảo. V. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hỏi – Đáp về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam – Viện KHGD Việt Nam, Trung tâm Tật học – NXB Chính trị quốc gia Hà Nội – 1999. 2. Giáo trình tâm lí trẻ Khiếm thính – GS.TS Nguyễn Quang Uẩn - Đại học Sư phạm – 2004. 3. Tiếng Việt 1 – Tập 1 – Bộ Giáo dục và Đào tạo – NXB Giáo dục – 2003. 4. Tài liệu Phương pháp phản hồi người mẹ.
  12. 5. Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học – Lê Phương Nga, Đặng Kim Nga – NXB Đại học sư phạm Hà Nội – 2002. Biên Hòa, ngày 10 tháng 5 năm 2012 Người thực hiện Đinh Ngọc Vân
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2